Ứng Dụng Lý Nhân Duyên Để Thấu Triệt Lời Phật Dạy
Đức Phật nói lý nhân duyên là nói đến sự thật của đời sống con người và muôn loài vật trên thế gian này. Nhờ suy xét, quán chiếu và tìm tòi chúng ta hiểu được lẽ thật đó, nên sẽ bớt dính mắc chấp trước vào thân tâm này là ta và của ta. Một hình ảnh sống động trước mắt về nước bản chất của nó là tánh ướt, tuy nó có thể thay hình đổi dạng chuyển biến tùy theo thời gian, hoàn cảnh. Nếu chúng ta để nước với nhiệt độ trung bình, không quá nóng cũng không quá lạnh thì trước sau nó vẫn là nước.
Nhưng, nếu chúng ta muốn nước trở thành khối lại bằng cách để nó vào tủ lạnh, nó sẽ thành khối nước đá đông đặc. Nếu chúng ta muốn nước bốc thành hơi thì phải dùng lửa đốt để tạo duyên nóng cho nó bốc hơi. Như vậy nước ấy không cố định là nước mãi mãi khi ở thể lỏng thì gọi là nước, khi ở thể hơi thì gọi là mây, khi ở thể đặc thì gọi là đông lạnh, nhưng bản chất của nước vẫn là tánh ướt.
Định nghĩa: Nhân là nguyên nhân có năng lực phát sinh, duyên là phần phụ để hỗ trợ cho nhân phát sinh ra tất cả mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này. Nhân duyên được hình hành theo nguyên lý, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái cái diệt, khi đủ duyên thì mọi vật hình thành, khi hết duyên thì sự vật ấy sẽ không còn. Chúng ta thử suy gẫm về cái nhà coi, cái nhà không tự là cái nhà, mà phải có nhiều vật dụng, gỗ, đinh, sắt, gạch, cát, xi măng, người thợ mộc, thợ hồ và nhiều phương tiện khác hợp lại mới tạm gọi là cái nhà.
Con người cũng vậy, thân này do bốn chất đất, nước, gió, lửa hợp lại mới hình thành. Vì ta không thấy, không biết đúng đắn nên nhận định sai lầm, rồi chấp trước vào đó mà sinh ra đủ thứ phiền não, nên chấp nhận sống trong biển khổ, sông mê. Chính vì vậy, tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này đều do nhân duyên hòa hợp lại mà thành, không có cái gì do một nhân mà có thể hình thành. Ai “ngộ” được lý nhân duyên thì sự tu hành sẽ không còn khó khăn gì nữa.
Thí dụ: Hạt lúa là nhân, nhưng phải có người gieo trồng, có đất, có nước, có phân bón không khí, ánh sáng mặt trời nhờ những duyên đó kết hợp lại làm cho hạt lúa nẩy mầm, ra lá, lớn lên rồi những bông lúa nặng trĩu chờ ngày thu hoạch. Như cái chén ta dùng để ăn cơm, đất là nhân, người thợ, khuôn, nước, lửa nung là phần phụ phối hợp với nhau làm thành cái chén.
Nhờ áp dụng lời Phật dạy, ta có thể chuyển nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc, chuyển ba nghiệp xấu ác thành hiền thiện, đạo đức. Trong kinh Phật nói, “thấy được lý nhân duyên là thấy chánh pháp hay thấy đạo”. Thấy được như vậy là người có trí tuệ, là người có chánh kiến, nên làm việc gì cũng vì lợi ích chúng sanh là trên hết.
Sự thật, muôn loài, muôn vật trên thế gian này đều do nhân duyên hòa hợp mà thành, không có một vật nào chỉ do một nhân mà hình thành. Tất cả đều phải trải qua tiến trình diễn biến của nhân quả. Cho nên, “cái này có, cái kia có, cái này không, cái kia không”. Không có cái gì chỉ do một nhân mà thành được, nếu có ai nói một nhân mà thành, thì người ấy chưa hiểu thấu lý nhân duyên quả.
Nhờ biết rõ thân này do nhân duyên hòa hợp mà thành, từ thân người, thân thú, hay mọi cảnh vật cũng đều như vậy. Cho nên, trong kinh Kim Cương nói, “ Phàm cái gì có tướng đều hư vọng, giả có, có mà không thật thể nên gọi là giả có”.
Nhờ hiểu được lý nhân duyên, con người dễ dàng thông cảm, khoan dung, tha thứ, do đó mà bớt chấp ngã, thấy ai cũng là người thân, người thương của mình, nên không sanh tâm ganh tỵ, tật đố, điều đó sẽ giúp cho cuộc sống của ta được bình yên, hạnh phúc từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.
Nhờ hiểu được và thông suốt lý nhân duyên, ta sẽ nỗ lực vươn lên làm mới cuộc đời và tự tin chính mình có đầy đủ khả năng vượt qua mọi bất hạnh, khổ đau. Nó giống như một lu nước, muốn nước bốc hơi, ta phải đun lên, tạo độ nóng thì nước sẽ bốc hơi. Không có cái gì là do ngẫu nhiên hay tự nhiên mà hình thành được. Nếu muốn nước đông lại thành đá thì ta tạo duyên lạnh, muốn nước trở lại trạng thái bình thường thì ta tạo duyên ấm. Nước không cố định một thể mà nó được thay đổi tuỳ theo sự tác động của “duyên”.
Nhờ hiểu và ứng dụng lý nhân duyên vào trong đời sống hằng ngày, mỗi người chúng ta sẽ thấy rõ ràng mối tương quan chằng chịt nhân quả. Sự sống này muốn tồn tại và phát triển rất cần sự nương nhờ lẫn nhau. Hiểu được như vậy, ta mới có bổn phận và trách nhiệm đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ và chia sẻ với nhau bằng tất cả tấm lòng. Nếu ai đó chỉ dùng quyền lực để áp đặt, thì sẽ tạo ra mâu thuẫn đối kháng, gây ra ân oán, hận thù, rốt cuộc làm đau khổ cho nhau.
Nhờ hiểu và ứng dụng lý nhân duyên vào trong đời sống hằng ngày, ta sẽ thấy rõ ràng sự sống trên đời này là vô thường, luôn chuyển biến, đổi thay không ngừng nghỉ. Vì vô thường cho nên vô ngã, tuy vô ngã nhưng có tinh thần chuyển biến liên tục.
Cái suy nghĩ của con người cũng vậy, tuy không có chủ thể cố định, nhưng có tâm thức liên tục trôi chảy không dừng. Vì vậy, khi ta nghĩ tốt, lúc ta nghĩ xấu, trong một ngày có không biết bao nhiêu suy nghĩ, suy nghĩ liên tục không dừng, không mất. Do đó, lý vô ngã của nhà Phật chỉ cho ta thấy sự nhận chịu liên tục chứ không phải vô ngã là không ngơ, không biết gì.
Và cũng nhờ sự chuyển biến liên tục này mà ta mới tu tập được, nếu cái ngã là một chủ thể thường hằng bất biến, không thay đổi được, thì dù ta có tu tập làm mới cuộc đời, làm mới lại chính mình, cũng không lợi ích gì. Lý nhân duyên cũng cho chúng ta biết rằng khi có nhân mà không đủ duyên thì sự việc ta đang muốn cũng không thể hình thành được. Ví dụ như chúng ta có đủ gạo, nước, củi, nồi, nếu chúng ta muốn ăn cơm thì phải có lửa và người nấu cơm hoặc nếu thiếu một duyên nào. Lý nhân duyên cho chúng ta biết rằng cuộc sống của ta có tốt, xấu, giàu, nghèo đều là do nhiều nhân duyên biết kết hợp hài hoà.
Lý nhân duyên giải thích cho chúng ta biết như hai người cùng tu chung một pháp môn mà người này đạt được kết quả tốt đẹp còn người kia thì thêm nhiều phiền não! Tất cả đều do nhân duyên, duyên đầy đủ thì mau sớm hình thành và ngược lại.
Khi hiểu được lý nhân duyên rồi, chúng ta có thể thay đổi hoàn cảnh theo ý muốn của mình. Muốn có căn nhà để ở thì phải có nhiều duyên hợp lại, gạch, ngói, cát, đá, xi măng, cây, sắt thép và con người. Không có gì do một nhân mà có thể hình thành.
Do đó, Phật dạy ai tin và hiểu thấu lý nhân duyên thì có thể chuyển nghiệp xấu thành tốt, chuyển hoạ thành phúc, chuyển nghèo khổ thành giàu có chính là nhờ lý nhân duyên này. Chúng ta có thể làm mới lại chính mình từ một con người tầm thường trở thành người sống có ích cho xã hội.
Muốn sống tốt để phục vụ mọi người, chúng ta ần phải gần bạn hiền, thầy giỏi, gần những vị tu hành chân chính, có lời nói chân thật, có sức thuyết phục lòng người đúng theo tinh thần nhân quả. Nếu chúng ta muốn trở thành người xấu, thì, trộm cắp, giết hại lường gạt của người khác rồi vui chơi trác trác và giao du với kẻ ác. Do đó, nếu chúng ta biết tạo duyên tốt thì ngày càng được tiến bộ hơn, ngược lại tạo duyên xấu thì bị sa đoạ và chịu khổ đau.
Nhờ đức Phật đã trải nghiệm qua thời tu hành trong kiếp hiện tại và nhiều đời hành đạo Bồ tát, đã chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng lý nhân duyên là một lẽ thật mà ngày hôm nay các nhà khoa học đều công nhận. Lẽ thật đó công bằng, thực tế, không có một đấng nào ban phước giáng hoạ vì bản ngã cá nhân. Nếu chúng ta hiểu được lý nhân duyên thì từ thiên nhiên cho đến muôn loài vật, đều theo ngyên lý trùng trùng duyên khởi tương quan mật thiết với nhau.
Chính con người do thấy biết sai lầm nên tưởng mình là thật ta, thấy mình là trung tâm của vũ trụ nên càng chấp ngã nặng nề gây khổ đau cho nhiều người khác. Hiểu được lý nhân duyên chúng ta mới cố gắng vươn lên làm lại cuộc đời, chúng ta sẽ tự cải thiện đời sống của mình bằng cách tinh cần siêng năng, nhờ vậy từ nghèo khổ có thể trở thành giàu có.
Nếu chúng ta cứ nghĩ rằng có một ông trời ban phước giáng hoạ, thì ta sẽ ỷ lại mà trở thành kẻ yếu đuối nhu nhược, chỉ biết dựa dựa dẫm vào người khác, mà không biết phấn đấu vươn lên. Nhất là những đứa con ỷ lại vào cha mẹ dễ trở thành kẻ hư hỏng. Ngoài ra khi hiểu được lý nhân duyên, chúng ta sẽ bớt chấp ngã và dễ cảm thông tha thứ với mọi người. Nhờ quán sát lý nhân duyên nên con người bớt si mê chấp ngã mà dần hồi thành tựu đạo vô ngã, vị tha.
Hiện nay các nhà khoa học chế biến được những máy móc tinh vi hay đồ dùng đẹp đẽ, đều ứng dụng lý nhân duyên. Đó là lẽ thật. Vì như tất cả chúng ta đều biết khi phân tích con người, ai cũng hiểu thân này do bốn thứ đất, nước, gió, lửa hợp thành. Nếu nhìn theo y học bây giờ, con người có thể phân tích ra thành rất nhiều chất. Thiếu những chất ấy thân này sẽ sanh bệnh. Vì thế khi biết thân mình thiếu chất gì người ta bồi bổ thêm chất ấy. Phân tích cho tới cuối cùng, con người có trăm ngàn muôn ức tế bào. Những tế bào đó có chức năng riêng, mỗi thứ đều có công việc riêng của nó.
Lý nhân duyên là một chân lý sống cho cuộc đời, không ai có thể phủ nhận được. Chính vì vậy người nào sống đúng như lý nhân duyên là người biết sống hoà hợp, thương yêu đoàn kết giúp đỡ mọi người bằng trái tim hiểu biết.
Thấy được lý nhân duyên là chúng ta nhìn đúng với các nhà khoa học thời hiện đại. Khoa học phân tích tất cả mọi hiện tượng sự vật không có cái gì tự có và cũng không có cái gì là do một nhân mà hình thành. Tất cả đều do nhiều yếu tố hợp lại. Khoa học thấy tột được lý nhân duyên, nên mới phát minh được những máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại để phục vụ đời sống con người mà những người thời xưa không bao giờ tin được.
Rõ ràng những nhà khoa học biết ứng dụng lý nhân duyên, nên mới có thể chế tạo ra phi cơ bay trên không, tàu thủy đi dưới biển, hoặc xe hơi chạy nhanh ngoài đường phố. Nhưng đáng tiếc, con người chỉ ứng dụng lý nhân duyên trong cuộc sống vật chất, mà ít ai ứng dụng lý nhân duyên trong đời sống tinh thần, để mình biết cách làm chủ bản thân mà không làm đau khổ cho người và vật.
Như tâm thức của chúng ta là một dòng chuyển biến liên tục, tuy không có chủ thể cố định nhưng nó vẫn thay đổi liên tục khi thì nghĩ thiện, khi thì nghĩ ác. Bởi tâm thức suy nghĩ liên tục nên nó không bao giờ mất hẳn, hễ tạo nghiệp thì sự liên tục đó dẫn tới thọ quả báo khi đủ nhân duyên.
Hiểu được lý nhân duyên, biết thân này từ duyên sanh nên chúng ta không si mê chấp ngã làm khổ đau người khác. Một số người hiểu lầm, cho rằng sau khi chết, linh hồn hoặc sanh lên cõi trời, hoặc xuống địa ngục trước nhau như một không hề thay đổi. Ai làm người chết sinh làm người trở lại, thú vật lại tiếp tục sinh trở lại làm thú vật. Đạo Phật không thừa nhận có một linh hồn cố định. Nếu vậy chúng ta tu hành làm chi cho vô ích, bởi có tu cũng vẫn như vậy.
Nhà Phật gọi là tâm thức vì nó biến chuyển thay đổi theo thời gian tuỳ theo duyên tốt xấu, còn linh hồn thì trước sau như một. Tâm thức thì luôn chuyển biến, thay đổi do con người biết suy tư nghĩ tưởng. Khi còn nhỏ tâm thức chúng ta được huân tập có giới hạn nên hiểu theo kiểu trẻ con, khi lớn được học hỏi, nghiệm xét tâm thức ta hiểu biết theo sự phát triển của cuộc sống. Người hay siêng năng chăm chỉ học hành thì sẽ giỏi hơn những người khác, do đó tâm thức lúc nào cũng sáng suốt và thông tuệ hơn những người không chịu khó siêng năng cần mẫn.
Tâm thức của chúng ta luôn luôn chuyển biến theo sự suy nghĩ, nhận thức ngày càng được tinh thông hơn. Còn linh hồn thì ở một chỗ vì nó nguyên vẹn, nên có cố học cũng không giỏi, không học cũng sáng suốt. Do đó, nếu ai chấp vào có một linh hòn cố định thì chúng ta sẽ nghèo dốt mãi mãi không thể giàu có và tu học để chuyển hoá nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc.
Hiểu được và thấu tột lý nhân duyên là chúng ta phá được mê lầm, chấp ngã từ vô thuỷ kiếp đến nay. Vì ngu si chấp ngã là nhân dẫn đến làm khổ người và vật. Phá được chấp ngã thì mọi sự bất công và khổ đau sẽ hết. Tóm lại, hiểu và ứng dụng lý nhân duyên của nhà Phật, ta sẽ bớt tham lam, ích kỷ, nhỏ nhoi, ti tiện, oán giận, hờn dỗi, bớt si mê chấp ngã, mọi người sẽ thấy đúng lẽ thật qua lý nhân duyên, do đó chúng ta sẽ sống yêu thương hơn.
Khi hiểu được lý nhân duyên, ta sẽ có bổn phận, trách nhiệm đóng góp, sẻ chia và nâng đỡ tha nhân, góp phần làm giảm bớt khổ đau cho nhân loại, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, để mình và người được sống an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.