Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Lược Giải Kinh Địa Tạng

Saturday, February 6, 201607:29(View: 15169)
Lược Giải Kinh Địa Tạng

 

LƯỢC GIẢI KINH ĐỊA TẠNG

Dịch từ văn Phạn sang văn Trung Hoa: Pháp sư Pháp Đăng; Thật Xoa Nan Đà (Siksananda),
người nước Vu Điền (Khotan) phiên dịch vào đời nhà Đường.

Lược giải: Tỳ kheo Thích Minh Điền.

 

LỜI TỰA

Trong suốt bốn mươi lăm năm thuyết pháp lợi sinh, đức Phật dùng vô số phương tiện, và mọi thứ nhân duyên, thí dụ nhằm trình bày các pháp. Trong ấy, có những pháp phương tiện gọi là “Bất liễu nghĩa” nhằm giúp cho chúng ta hình thành cho mình một phàm tuệ, hầu thấu rõ mọi hoành tung thiện ác, tốt xấu để chuyển hóa thân tâm và ngoại tại.

Bên cạnh ấy, đức Phật còn dùng hình thức ẩn dụ, nhằm chỉ rõ cảnh giới chân như gọi là “Liễu nghĩa” để giúp cho chúng ta hình thành cho mình một thánh tuệ; tức sống lại với bản giác sẵn có xưa nay của mình.

Kinh Địa Tạng là một bản kinh lấy tên một vị Bồ tát lớn làm ẩn dụđồng thời cũng là pháp mà đặt tên. Thuyết pháp hay trình bày pháp môn Địa Tạng ngang qua văn từ ngữ nghĩa, nhằm giúp cho chúng ta nhận ra bổn tôn nơi tâm mình và trở lại sống với. Phương tiện thì rất nhiều, lại tùy trường hợp mà thay đổi và vận dụng; còn chân lýđức Phật muốn chỉ dạy thì chỉ có một mà thôi (1). Vậy phương tiện dùng trong bài pháp gọi là “Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện” này là gì?

thí dụ, là pháp mà cũng là tâm. Nhưng tâm ở đây chính là tâm Như Lai trong mỗi chúng ta (bổn tôn); chứ không phải là tâm vô minh vọng động, với đầy tham sân dục nhiễm, sinh diệt huyễn hư. Đức Phật đưa ra một câu chuyện mà nhân vật chính là Bồ tát Địa Tạng, trong đó hàm chứa nhiều nghĩa ẩn, nhằm chỉ những chân lý của cuộc sống, mà người nghe hay người đọc cần phải quán chiếu vào sâu trong lòng thực tại, mới nhận ra nghĩa ẩn của kinh văn. Phải tìm cho ra cái “Ý tại ngôn ngoại” nghĩa là ý nằm ngoài lời;  tức chân lý của cuộc sống.

Bằng không, nếu chúng ta cứ mãi đuổi theo văn từ ngữ nghĩa, để tích tập cho đầy trí nhớ, mà không quán chiếu tu hành, thì chẳng khác gì đi tìm mùi vị của bánh vẽ. Tự bản thân chúng ta không thể giải trừ được những chấp thủ sai lầm thâm căn cố đế (2) của dòng năng lực tiềm tại samsāra (dòngnghiệpthức). Thật khó mà lãnh hội được nghĩa ẩn của kinh văn, và khó mà thoát ra khỏi dòng tâm mê chấp, trong kiếp sống nhân sinh đầy phân ranh ta - người này, và cũng khó mà thành tựu được giải thoát giác ngộ. Đó là kỳ vọng mà tôi muốn gởi gắm nơi mỗi hành giả, khi nhận ra thật nghĩa của kinh này.

 Thành tâm niệm ân giáo dưỡng của Hòa thượng bổn sư, Hòa thượng y chỉ sư, chư vị giáo thọ, quý thiện tri thức, đã giáo dưỡng, làm trợ duyên cho con trên bước đường tu tập. Tâm thành ý thiển, nên không sao tránh khỏi những sai sót lỗi lầm. Ngưỡng mong chư tôn thiền đức Tăng già, và quý thiện tri thức từ bi chỉ giáo, để hàng hậu học chúng con được thấm nhuần diệu chỉ.
Mùa Phật đản - Phật lịch 2555 – Tây lịch 2011

Tỳ kheo Thích Minh Điền                                                            


Ghi chú:

 

*Chữ màu tím là chánh văn của kinh.

(1).Thật tướng vô nhất pháp. Phương tiện hữu đa môn (Tướng chân thật thì chẳng có pháp, nhưng phương tiện vào đạo thì tùy tâm chúng sinhgiả lập để dẫn dắt).

(2).Gốc rễ ăn sâu, khó nhổ.

 


TÌM HIỂU LỜI TỰA CỦA KINH

---

Trước hết chúng ta thử tìm hiểu lời tựa của kinh văn (đồng thời cũng nói lên đại ý của toàn kinh văn) xưng tán bồ tát Địa Tạng; hầu thấu rõ phương tiện ẩn dụ của bài pháp này. Có thấu rõ nghĩa ẩn của kinh văn, mới nhận ra thật nghĩa mà đức Phật muốn chỉ dạy, hầu giúp cho chúng ta phá tan mọi si mê chấp thủ của nghiệp cảm trong tâm mình, và sống lại với  bổn tôn sẵn có của chính mình. Kinh Địa Tạng nói riêng, và những kinh thuộc hệ thống Đại thừa (phát triển) nói chung, đều chỉ thẳng tri kiến Phật sẵn có trong tâm, nhằm giúp chúng ta vượt thoát vòng kềm tỏa của dòng sinh tử (samsāra) trong vô lượng kiếp.

Từ tri kiến chúng sinh chuyển sang tri kiến Phật bằng nghệ thuật “Vô công dụng hạnh”. Đây là một nghệ thuật siêu vượt hết thảy mọi nghệ thuật thuộc tri kiến chúng sinh. Nó là nguồn văn minh siêu vượt hết thảy mọi thứ văn minh dựa trên tình thức. Nó là sự diễn thuyết không ngữ ngôn mà lại đi về bất tuyệt. Sự tĩnh lặng phản chiếu của tâm, nó không lệ thuộc bởi thời gian, và không hạn cuộc bởi không gian; vì nó vốn vượt thoát mọi cặp phạm trù đương đãi của nhị nguyên vậy.

Bây giờ chúng ta lần lượt tìm hiểu nghĩa ẩn của toàn kinh văn, nhằm nhận lại tri kiến Phật của mình, mà đức Phật muốn chỉ dạy.

 

PHẦN DỊCH NGHĨA LỜI TỰA

˜☼™

Cúi đầu đảnh lễ đức giáo chủ của sự cứu khổ và ban vui lớn (1). Địa là rắn chắc (kiên), sâu dày (hậu), rộng lớn (quảng), và trùm chứa tất cả (hàm tàng). Từ thế giới phương nam xuất hiện nhiều đám mây thơm, mưa thơm, mây hoa, mưa hoa, mây báu, mưa báu nhiều vô số, mang điều lành làm đẹp khắp nơi. Trời và người thưa hỏi đức Phật, là do nhân duyên nào mà có những điều lành ấy?

Đức Phật bảo rằng: Vì có bồ tát Địa Tạng đến.

Các đức Như Lai trong ba thời gian đều khen ngợi và kính ngưỡng bồ tát Địa Tạng. Bồ tát Địa Tạng là chỗ nơi mà chư Bồ tát trong mười phương đều quay về và nương tựa (quy y). Con nhờ nhiều kiếp về trước có gieo duyên lành, cho nên nay mới được xưng tụng và khen ngợi công đức chân thật của Ngài.

Vâng, Ngài chính là hạt giống an lành (từ nhân), là nơi chất chứa thiện (tích thiện), là lời thề nguyện cứu độ chúng sinh (thệ cứu chúng sinh), là chiếc gậy kim cương trong tay (kim tích) đập phá tan để mở cửa địa ngục, là viên ngọc sáng rực (minh châu) trong lòng bàn tay soi khắp ba nghìn thế giới rộng lớn.

Vâng, Ngài chính là vua Diêm ngồi trên tòa xử tội, là cái gương chiếu nghiệp đặt trước đài soi, là người làm chứng rõ ràng nhất về công đức của chúng sinh trong cõi Nam Diêm Phù Đề, là sự cứu khổ trùm khắp không gian (đại bi), là lời thề nguyện rộng sâu vô tận (đại nguyện), là đấng thánh lớn lượng cả vô biên (đại thánh), là sự ban vui tuyệt đối (đại từ), Ngài là bồ tát lớn dày chắc như đất và trùm chứa tất cả (Địa Tạng bồ tát ma ha tát); là cái gốc sẵn có đáng tôn đáng kính ở trong tâm con (bổn tôn).

 

Ghi chú:

 

(1).Bản dịch của ngài Thật Xoa Nan Đà thì ghi:  Khể thủ bổn nhiên tịnh tâm địa, vô tận Phật tạng đại từ tôn, Nam phương thế giới dõng hương vân....:稽 首 本 然 淨 心 地 , 無 盡 佛 藏 大 慈 尊。南方世界湧香雲。Cúi đầu đảnh lễ tâm địa thanh tịnh bổn nhiên. Kho tánh giác vô tận ban vui lớn đáng tôn đáng kính. Thế giới phương nam nổi mây thơm....

(2).Còn pháp sư Pháp Đăng thì dịch là:

 稽首慈悲大教主,地言堅廣含藏。南方世界湧香雲。Khể thủ từ bi đại giáo chủ, địa ngôn: kiên, hậu, quảng, hàm tàng, Nam phương thế giới dõng hương vân....: Cúi đầu đảnh lễ đức giáo chủ của sự cứu khổ và ban vui lớn. Địa là rắn chắc, sâu dày, rộng lớn và trùm chứa tất cả. Thế giới phương nam nổi mây thơm....

Ngài Thật Xoa Nan Đà người nước Vu Điền. Ngài Pháp Đăng người Trung Hoa.

˜¯™

LƯỢC GIẢI BÀI TỰA

(cũng nói lên thật nghĩa của toàn kinh)

----

Như kinh văn của bài tựa đã diễn tả: “Bồ tát Địa Tạng là chủ của sự cứu khổ và ban vui lớn, là sự rắn chắc, sâu dày, rộng lớn và trùm chứa tất cả” (địa ngôn:Kiên, hậu, quảng, hàm tàng). Kinh ám chỉ tâm Như Lai mà ai cũng có. Nếu sống được với tâm Phật của mình thì sự khổ đau sẽ chấm dứt, và niềm an vui tuyệt đối được mở ra, nên kinh dụ cho cõi nước phương nam nổi mây thơm, mưa thơm, mây hoa, mưa hoa, mây quý báu, mưa quý báu nhiều vô số kể, mang điều lành đem đến khắp nơi.

Phương nam là chỉ cho Nam Diêm Phù Đề, tức cõi Ta bàchúng ta đang sống. Cõi chúng ta đang sống mà nổi mây thơm, mưa thơm.v.v…là chỉ cho cõi lòng thanh tịnh vậy. Cõi lòng thanh tịnh được biểu trưng cho phương nam, bởi phương nam không chói chang như ánh bình minh của phương đông chiếu thẳng vào nhà, không hắt hiu nóng bức như ánh chiều tà của phương tây, không u tối lạnh lùng ảm đảm thê lương như phương bắc; mà là phương có ánh sáng trung bình mát dịu, đem đến an lạc cho thân tâm.

Phương nam được ví cho cõi lòng thanh tịnh, tức trung đạo đệ nhất nghĩa đế (nghĩa chân thật số một). Diệu dụng của tâm thanh tịnh được diễn tả bằng những thứ “mây thơm, mưa thơm, mây hoa, mưa hoa”; tức làm cho cõi lòng trở nên tốt đẹp, thơm tho, an lành bằng tâm không vướng mắc như mây thong dong giữa bầu trời vậy. Những kết quả tốt đẹp ấy chỉ có nơi những người mà chân tâm đã hiện bày, mà kinh văn nói “Bồ tát Địa tạng đến” (Địa Tạng bồ tát chí). Tâm là Phật, tâm là Pháp, mà tâm cũng là Tăng, nhưng Tăng ở đây dụ cho bồ tát Địa Tạng; tức Tăng của cõi lòng thanh tịnhhòa hợp tuyệt đãi. Bởi chân tâm chính là bản thể sáng suốt, trùm khắp không gian, bao hàm thời gian và có tính cách hòa hợp tuyệt đối.

Sự thanh tịnhhòa hợp tuyệt đối của chân tâm, chính chư Phật đã thành tựu, những vị bồ tát trong mười phương thì sẽ thành tựu. Vì vậy cho nên, chư Phật trong ba thời gian đều khen ngợi và kính ngưỡng cái tâm ấy. Còn những vị bồ tát trong mười phương thì trở về nương tựa vào cái tâm dày chắc, rộng lớn và chứa đủ của mình nhiều hơn nữa, để có ngày triệt ngộ (thập phương bồ tát cộng quy y).

Và phải là người trồng căn lành nhiều đời nhiều kiếp, nên nay mới dễ dàng đưa tâm ra khỏi mọi sự vướng mắc, mới chứng được chân tâm, mới sống trọn vẹn với tâm đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả của mình. Vì vậy cho nên kinh văn diễn tả: “Ngài chính là hạt giống an lành (từ nhân), là nơi chứa điều thiện (tích thiện), là cây gậy kim cương trong tay hành giả dùng để đánh tan cõi lòng đầy mê mờ, tội lỗi, khổ đau (thủ trung tích trượng chấn khai địa ngục chi môn), là hạt ngọc minh châu vô giá sáng soi nơi mỗi tâm hồn và  soi rọi muôn nơi, là vua Diêm La ngồi trên tòa xử tội, là gương nghiệp đặt trước đài soi, là người làm chứng rõ ràng nhất về công đức của chúng sinh trong cõi Nam Diêm Phù Đề (tuệ giác).”

Kinh văn không diễn tả đức bồ tát Địa Tạng là đấng có lòng đại từ đại bi; mà Ngài chính là sự cứu khổ và ban vui lớn (đại từ đại bi) nơi mỗi tâm hồn. Bởi bi có nghĩa là cứu khổ, mà từ là ban vui; tức tự tánh tự độ để hóa giải những mầm móng khổ đau nơi thân tâm mình, để cho thân  tâm được niềm an vui lớn (đại từ). Muốn được vậy, đòi hỏi hành giả phải phát nguyện lớn không bao giờ mệt mỏi thối thất (đại nguyện) trong việc hóa giải vọng tâm, để cho tâm có cơ duyên ngộ được tự tánh bổn nhiên trùm khắp (đại thánh). Đó chính là cái gốc đáng tôn đáng kính nơi mỗi tâm hồn (bổn tôn), là bồ tát lớn trùm chứa tất cả (Địa Tạng vương bồ tát ma ha tát). Bởi lỗi lầm cũng từ tâm sinh, giác ngộ cũng không ngoài tâm có. Tâm là công họa sư vẽ nên thiên đường, mà tâm cũng chính là chủ nhân của địa ngục. Tâm bị vô minh che ám bởi ba hành nghiệp là tham, sân, si nên khó nhận ra lẽ thật, khó biết được đâu là thiện, ác, tốt, xấu, đau khổ hay an vui.

Vì vậy muốn được giải thoát, giác ngộ, thì chúng ta phải trở về bảo trọng cái tâm thanh tịnh, sáng suốt, rắn chắc, sâu dày và rộng lớn của mình. Tâm thanh tịnh sáng suốt chính là vị giáo chủ soi đường của cõi lòng đầy mê mờ tội lỗi (u minh giáo chủ). Kinh lấy đất dụ cho tâm (tâm địa); bởi đất có tính cứng rắn, sâu dày và dung chứa tất cả. Bất luận thứ gì đổ xuống đất, đất cũng dung chứa hết thảy, và bất cứ hạt giống nào bỏ xuống đất thì cũng được đất dung dưỡng và mọc lên. Kinh lấy đất dụ cho Như Lai tạng tâm. Nhưng Tâm Như Lai thì vô hình vô tướng, sáng chiếu và trùm khắp mười phương, không gì phá hoại được nên nói là rắn chắc (kiên). Tâm Như Lai như biển sâu không đáy, nên ai muốn đi vào nội tâm của mình bao nhiêu cũng không cùng, nên nói là dày (hậu). Vạn pháp không ngoài tâm, tâm bao hàm khắp cả thời gian, khắp cả không gian, nên nói trùm chứa tất cả và rộng lớn không ngằm mé (quảng hàm tàng).

Hiểu được như vậy ắt làm phát sinh nhiều nghi tình, làm cho sơn cùng thủy tận, khô kiệt vọng tâm, đạt đến giác ngộ vô thượng. Một cái nghi lớn (đại nghi) của hành giả, làm cho “tự tịnh kỳ ý” (tâm ý thanh tịnh). Vì vậy cho nên, con đường dẫn đến chân lý là công việc của Đạo học; chứ không phải con đường của Triết học với những khái niệm giả lập, hay những kiến thức vay mượn của người khác, ngang qua văn từ ngữ nghĩa.

Nhận rõ chân tâm là cái gốc (bổn tôn) của sự giác ngộ, nên các Tổ sư đã gạt sang một bên những gặm nhấm kinh sách ngang qua văn tự giả lập, với những mảnh bằng cấp học vị dễ bị đánh lừa; mà dành trọn thì giờ cho việc sống lại với chân tâm sẵn có của mình, hay tham thiền. Thiền hay tham thiền tức trở lại học hỏi vị giáo chủ của cõi lòng thanh tịnh sáng suốt của mình vậy. Học bằng cách nào?

Đã hỏi bằng cách nào tức thừa mất cái đầu tư duy vọng động rồi. Vì vậy nên thật khó mà diễn tả được thiền (1)! Bởi Thiền không phải là một tôn giáo, một học thuyết, một quan niệm triết lý mang tính chủ quan của dòng thức, hay một nền khoa học với những hệ thống cơ cấu máy móc phức tạp. Thiền chỉ là danh từ tạm dùng để chỉ một tâm thái thường trực, bất biến, phi thời - không. Nó nằm ngoài mọi cặp phạm trù mâu thuẩn, xung đột, lý luận thuộc duy lý chủ quan.

Chúng tathể đạt đến trạng thái này bằng thể nghiệm bản chứng tự tâm, chứ không qua suy luận của bộ óc. Danh từ Thiền (hay tịnh độ) cũng chỉ là giả lập để  ám chỉ trạng thái tịch chiếu của tự tâm. Tâm thái này không hình thù tên gọi, không một ký hiệu của sự nghĩ suy. Bởi vậy, chúng ta hãy lắng nghe lại tâm mình như nó đang là, mà quên hết tự ngôn tự ngữ, dừng lại mọi tìm tòi học hỏi bởi vọng thức.

Y hệt ngón tay chỉ mặt trăng, những lời nói thuộc kinh điển được tạm dùng để chỉ cái lẽ thật bất biến, không sinh không diệt nơi tâm, nên hãy tức thời quên nó sau khi cảm nhận thật tại. Đừng bao giờ để kinh điển, giáo điều đánh lừa, hay trở thành nhà tù giam hãm tâm thái tự do tĩnh lặng tuyệt đối của mình. Tham thiền rất khó, nó đòi hỏi chúng ta phải tự giác cao độ, phải miên mật trong dụng công, không để cho tâm leo qua cơ cảnh khác. Nhờ vậy mới đủ lực “vô công dụng hạnh” nhằm phá tan hầm sâu vô minh, vượt thoát đầu sào trăm thước (2).

Tham thiền đúng nghĩa là người đã đạt được sự tỏ ngộ tâm thái tĩnh lặng, tự dobất biếnthuật ngữ gọi là kiến tánh. Sự tỏ ngộ ấy sẽ soi sáng, hướng dẫn chúng ta trong mọi hành vi. Chính sự tỏ ngộ mà chúng ta trực nhận ra rằng, chân tâm xưa nay chưa từng sinh diệt, tự do và an nghỉ tuyệt đối; đó là khởi điểm của thiền (cứu cánh không rời phương tiện). Chỉ khi nào tỏ ngộ và trực nhận ra cái tâm thái đó, mình mới hiểu được thiền. Mọi hành vi tạo tác của chúng ta dầu có tinh vi khôn khéo đến đâu, thì cũng chỉ là sự cân nhắc, dọ dẫm, tính toán của ý thức mà thôi, nên không thể tránh được những vụng về, lầm lẫn và đưa đến khổ đau. Mỗi khi tỏ ngộ được tâm thái tự do tuyệt đãi, thì khi ấy cuộc sống mới tràn đầy ý nghĩa và mọi động thái của mình luôn được soi sáng. Một nhãn quan mới về vũ trụnhân sinh được mở ra. Lúc ấy cõi đời không còn là biển khổ nữa, mà là một bức họa lung linh mầu nhiệm, một bản hợp tấu tuyệt vời. Chúng ta sẽ không còn nhìn đời bằng ánh mắt hoang vu, mà bằng đôi mắt bình đẳng và tràn đầy tình thương chân thật.

Và mỗi khi cánh cửa thiền rộng mở, thì người thầy sẽ lui bước. Lúc này hành giả tự mình cất bước độc hành trên lộ trình giải thoát, mà không còn ai can thiệp vào được.  Tuy nhiên vẫn còn những cuộc chiến đấu, nhưng dù phải chiến đấu thì mình vẫn được soi sáng bởi tĩnh thức nội tại và không bao giờ lạc hướng bởi lực “vô công dụng hạnh”. Mỗi khi lọt vào thiền thì chúng ta trở nên con người mới, với nhãn quan mới, tức sống đồng nhất với vũ trụ. Sự tỏ ngộ không nhất thiết là công việc của bậc tôn sư, mà lắm lúc chỉ cần tiếng suối reo, một cơn gió thoảng, một chiếc lá rơi, một cành cây khô gãy, hay một viên sỏi đụng vào thân cây.v.v… Những bài học được rút ra từ sự sống chung quanh cũng có thể làm cho chúng ta bừng tĩnh ngộ (Duyên giác). Hành giả khi ấy như một kẻ đang ngủ mê chợt giật mình tỉnh giấc, lập tức vụt thoát khỏi cơn mộng dài trong vô lượng kiếp. Hành giả đã tỏ ngộ và tâm chứng chân lý, trực nhận lại cái tự do tuyệt đãi nơi tâm hồn, nó bất biếnphi thời – không. Vũ trụ là mình, mình là vũ trụ. Một cơ duyên chuyển hóa toàn triệt đã xẩy ra, đưa tâm thái đồng nhất với chân lý (đệ nhất nghĩa đế).

Như vậy, trước lúc khởi sự cuộc hành trình diệu vợi này, hành giả đã có sẵn bản đồ và kim chỉ nam trong tay ngang qua thật nghĩa của kinh văn. Hành giả đã nhận ra lộ trình và nơi đến. Hành giảkinh nghiệm là, xưa nay tự đào xới tâm hồn mình bằng quá nhiều phương tiện (pháp đối) và nay đã quá mệt mỏi vì những phương tiện ấy. Hành giả đã nhận lại vị giáo chủ của cõi lòng đầy mê mờ và tội lỗi (u minh giáo chủ). Và nay đã tỉnh thức để sang ngang; mà không còn dại khờ ở lại để xây tổ ấm trên cầu sinh tử nữa. Giờ đây, hành giả không còn gì để làm và để nói, cho dù chỉ một lời thôi. Bản thể sống động bao hàm hiện hữu với tuệ giác thực tại tuyệt vời. Chân lý hiện hữu uyên nguyên nơi mỗi tâm hồn, như hơi thở với không gian, như bầu trời chứa đầy trăng sao huyền diệu. Hành giả đã tâm chứng thực tại bổn nhiên (bổn nhiên tịnh tâm địa), mà không còn bị ảo giác đánh lừa bằng những tự ngôn tự ngữ. Đó chính là sự trở vềy cứ bổn tôn; tức bồ tát Địa Tạng trong tâm mình vậy.

Vì vậy cho nên, tu hành không phải là tìm nơi ẩn dật cho qua ngày đoạn tháng; mà chính là để bước vào một cuộc chiến đấu thầm lặng, không kém phần gay cấn và quyết liệt, nhằm đè bẹp những trận cuồng phong trường kỳ dai dẳng của chính mạt na bằng gươm trí tuệ bát nhã, để ánh sáng chân tâm phát chiếu, hầu đem lại sự bình an tuyệt đối cho chính mình, và chan rải cho cả vạn loại.

Hướng đến vô ngã là một nghệ thuật siêu nghệ thuật, là nguồn văn minh siêu vượt hết thảy mọi văn minh dựa trên tình thức, là sự diễn thuyết không ngữ ngôn mà lại đi về bất tuyệt.

Vậy muốn thoát mọi khổ đau, trước hết chúng ta phải dừng lại mọi suy tính, lo âu, tìm cầu nơi tự tâm. Nhờ sự đình chỉ vọng tâm, giúp tâm hóa giải mọi hạt giống sinh tử, và tâm được tĩnh lặng, sáng suốt, yên ổn tuyệt đãi. Sự tịch lặng phản chiếu của tự tâm không lệ thuộc bởi thời gian, không hạn cuộc bởi không gian; vì nó vốn vượt thoát mọi cặp phạm trù của nhị nguyên, nên không còn lệ thuộc bởi dòng thức nữa.

Do hóa giải vọng tâm làm cho trí giác vô thượng hiển lộ, nên bổn tâm trở lại thanh tịnh, sáng chiếu. Trí giác hay trí bát nhã phát sáng từ bổn tâm thanh tịnh, nên kinh nói bồ tát Địa Tạng là viên ngọc minh châu sáng soi ba ngàn thế giới rộng lớn. Đó cũng là dụ cho trí giác sáng soi lòng dạ vô minh đen tối của chúng ta.

Vậy vô minh là gì? Vô minh hay u minh là nơi sâu kín tối tăm, nên không có chút ánh sáng của trí tuệ soi rọi vào được (dụ cho địa ngục rào sắt = thiết vi). Tối tăm hay địa ngục là chỉ cho sự ngu dốt tột cùng của chúng sinh. Vô minh hay tâm địa đen tối dẫn đến hệ quả khổ đau liên tục, nên dụ cho địa ngục vô gián.

Bồ tát Địa Tạng là người đem ánh sáng vào chỗ tối tăm; hay nói cách khác là dùng trí giác để hóa giải tâm địa đen tối của chúng hữu tình, nên gọi là giáo chủ. Vì vậy cho nên, giáo chủ chính là trí giác ngộ trong mỗi tâm hồn, là tâm thanh tịnh bổn nhiên mà ai cũng có (bổn nhiên tịnh tâm địa).

Bổn tôn là tánh giác sẵn có nơi tâm, nên gọi là bổn (cái gốc), tôn là tôn kính. Bổn tôn là Phật tánh đáng tôn đáng kính trong tâm chúng sinh. Như vậy, bồ tát Địa Tạng được diễn tả trong kinh này là một biểu tượng được hình dung hóa, một ẩn dụ để chỉ bản thể của chúng sinh. Bản thể hay “bản lai diện mục” chính là chân tâm của chúng ta vậy. Chân tâm thì vô hình vô tướng, trùm khắp pháp giới (3), không có thứ gì phá hoại được nên kinh văn nói: “Rắn chắc, sâu dày và trùm chứa tất cả”. Chân tâm hay bản thể thì vô cùng cực, vô thủy vô chung, xưa không đến nay không đi, nên gọi là Như Lai. Địa Tạng hay Như Lai tạng tâm của chúng sinh là thứ đáng tôn đáng kính nhất.

Tâm sáng soi chính là vị vua Diêm ngồi trên tòa xử tội, bởi có ai thấy rõ tội lỗi của mình bằng chính tâm sáng suốt của mình. Tâm thanh tịnh sáng suốt dụ cho tấm gương chiếu nghiệp (nghiệp kính đài tiền), chiếu soi những nghiệp nhân của mình một cách chính xác như nó đang là. Tâm thanh tịnh sáng suốt chính là quan tòa ngồi tận đáy lòng mình, là người làm chứng công bằng nhất của cõi lòng đầy mê mờ tội lỗi. Vì vậy cho nên, kinh nói: “Vì chúng sinh trong cõi nam Diêm Phù Đề mà làm chủ chứng minh mọi công đức”. Bởi tội từ tâm sinh, công đức cũng không ngoài tâm có. Tâm là công họa sư vẽ nên thiên đường, mà cũng là nơi chứa đầy khổ đau, tội lỗi.

Có thấu hiểu như thế, chúng ta mới tán dương những công đức của tâm thanh tịnh, sáng suốt của mình với những diệu dụng: “Từ bi, hỷ xả, bác ái, khoan dung, trên cung, dưới kính, hòa mình, hòa người, khiêm hạ, thanh nhàn, tịnh tâm và giải thoát” (4). Bằng không thì theo thế thườngca ngợi về “danh, lợi, tình” với những trò xảo thuật: “Thượng đội hạ đạp, đục nước béo cò, tham ô móc ngoặc, cậy thế ỷ quyền, mưu mô xảo trá; cống cao ngã mạn, lưu manh lừa gạt; mà chẳng liêm chẳng sĩ, chẳng chút từ tâm”.

Vì vậy cho nên, người học đạo giải thoát mà không chịu trở lại nương tựa tâm, soi sáng tâm, bảo trọng tâm, làm cho tâm trở nên thuần thiện, thanh tịnh, sáng suốt; mà cứ mãi buông theo dòng vọng tưởng, thì người ấy sẽ  bị chìm đắm trong biển sinh tử và mãi trầm mình trong chuỗi dài sầu, bi, khổ, ưu, não mà thôi.

Đức Phật dạy: “Đạp mây mà uống nước cam lộ cũng tại các ngươi. Đào sâu rồi chui vào địa ngục cũng tại các ngươi, chứ không ai khác”.

Vì vậy cho nên, «Nếu tu hành mà thấy lòng mình không hoan hỷ, gương mặt không điềm tĩnh, tươi mát bình an. Cử chỉ không dịu dàng, khoan thai và cẩn thận. Lời nói không ôn tồn hiền dịu, cỡi mở và bao dung, thì tự trái với đạo giải thoát, không nói là đã đi vào tà đạo lúc nào không hay. Nếu tu mà còn để tâm hồn bồn chồn rối loạn, thần trí chao đảo bất an, lòng đầy nhiễm ô, ganh tị, sân hận, oán thù. Ngày đêm tơ tưởng theo dục vọng hẫy hừng, thì đó chính là triệu chứng của tà đạo vậy ».

Tâm của chúng ta cũng giống như đất, bởi nhờ vào đất nên mọi hạt giống đều từ đó được mọc lên. Những tâm niệm sai biệt (chủng tử) của chúng ta đều từ đất tâm mà có. Thanh tịnh, sáng suốt, an vui tuyệt đãi cũng không ngoài tâm nên.

Có những chúng sinh đang bị chìm đắm trong biển thế sự nhân tình, nên luôn bị lợi danh cuốn hút, với những được mất, hơn thua, khen chê, vinh nhục, hoan hô, đá đảo, v.v… sai sử, làm cho dòng tâm sinh diệt mãi đi vào muôn kiếp lạnh lùng.

Có những chúng sinh đang trên đường thú hướng giải thoát, giác ngộ, như các bậc Thanh Văn, Duyên giácBồ tát quyền thừa.

Nhưng cũng có kẻ lợi dụng chốn thiền môn để kinh doanh tội lỗi, để rồi phải chịu hệ quả là rơi vào ba đường xấu ác là : địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh để phải chịu nhiều kiếp mang lông đội sừng để trả nợ áo cơm, hoặc rơi vào vạc sôi lò lửa, khổ đau, đói khát, lạnh lùng.

Đức Phật dạy: “Ba cõi không ngoài tâm, vạn pháp không ngoài thức”(5). Từ hàng phàm phu cho đến các bậc thánh hiền, cũng không ngoài tâm nhiễm ô, hay tâm thanh tịnh, sáng suốt mà có. Bỏ hết tâm nhiễm ô thì tâm thanh tịnh, sáng suốt hiện bày; nên kinh nói: “Bồ tát Địa Tạng đến”. Kinh này lấy hình ảnh bồ tát Địa Tạng để biểu trưng cho tâm. Nhưng tâm ở đây là tâm thanh tịnh, sáng suốt bản nhiên nên gọi là bổn tôn; chứ không phải là tâm vọng động sinh diệt huyễn hư. Muốn thấu rõ tâm này, chúng ta lần lượt tìm hiểu từng phẩm một của kinh văn. Xin hành giả liễu tri.

 

Ghi chú:

 

(1).Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật. Lời của Tổ Đạt Ma.

(2). Đầu sào trăm thước, hay mối đầu niệm.

(3).Thụ cùng tam tế, hoành biến thập phương.

(4).Từ bi hỷ xả bác ái khoan dung, thượng cung hạ kỉnh, hòa kỷ hòa tha, khiêm hạ, thanh nhàn, tịnh tâm, giải thoát.

(5).Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức.

LƯỢC GIẢI KINH ĐỊA TẠNG

Quyển trên

Lược giải phẩm thứ 1

 

ĐỨC PHẬT HIỆN THẦN THÔNG

TRÊN CUNG TRỜI ĐAO LỢI

@&?

1.Đức Phật hiện thần thông: “Tôi nghe như vậy: Vào một thuở nọ đức Phật ở tại cung Trời Đao Lợi, vì mẹ mà nói pháp”.

Mở đầu kinh văn, chúng ta thấy đức Phật không giảng nói kinh này ở tại thế gian cho người phàm tục nghe; mà lên cung trời Đao Lợi để thuyết pháp cho mẹ của đức Phật, đã sinh Thiên nghe. Đặc biệt, trong chúng hội này cũng có sự hiện diện của chư Phật, chư Bồ tát lớn, trời, rồng, quỉ, thần ở trong cõi Ta Bà và những cõi nước khác trong mười phương cũng lên cung trời Đao Lợi để tham dự pháp hội. Như vậy kinh văn chỉ rõ rằng, muốn nghe được pháp Địa Tạng này, thì phải là người thực hành mười điều thiện trở lên (mà kinh dụ cho cung trời).

Những ai thực hành được mười nghiệp thiện? Những kẻ có duyên với Phật pháp; bất kể là trời, rồng, quỉ, hoặc thần. Vì vậy cho nên trời, rồng, quỉ, thần ở trong mười phương muốn được nghe pháp Địa Tạng này thì cũng phải lên cung trời Đao Lợi, tức phải thực hành mười điều thiện; hay nói cách khác là phải làm cho tâm mình thuần thiện. Còn hàng phàm phu tục tử với lòng đầy dẫy dục vọng, đầy dẫy bướng bỉnh sân si (cang cường) thì không thể nghe, hiểu và thực hành được pháp Địa Tạng này.

Đức Phật lên cung trời để giảng nói cho mẹ về pháp Địa Tạng là để thể hiện lòng hiếu đạo đối với mẹ; bởi cha mẹ là hai đấng sinh thành dưỡng dục ta nên người. Nhưng trong mọi sự báo hiếu về vật chật cũng như tinh thần, thì điều quan trọng nhất là làm cho cha mẹ hiểu được chánh pháp, biết tu thân hành thiện, rồi hướng đến giải thoát, giác ngộ mới gọi là đại hiếu. Gương bồ tát Mục Kiền Liên báo hiếu mẹ bằng cách nương nhờ đức PhậtTăng già sau ba tháng an cư kiết hạ, rồi thỉnh về nhà để chuyển hóa cho thân mẫu là bà Thanh Đề thoát kiếp ngạ quỉ khổ đau, nên cũng được gọi là đại hiếu Mục Kiền Liên. Còn hàng phàm phu thì tùy theo khả năng của mình mà phụng dưỡng cha mẹ về vật chất cũng như tinh thần; chung quy không ngoài năm điều sau đây:

1.Hiếu dưỡng: Hai đấng sinh thành đã chịu bao gian khổ để trao cho chúng ta thân sống, nguồn sống và cả lẽ sống tràn trề. Mẹ khổ cực từ khi thai mang nặng nhọc cho đến lúc sinh sản và nuôi con lớn khôn. Cha thì một nắng hai sương, tất bật ngược xuôi trên vạn nẻo đường, kiếm từng miếng cơm, manh áo nuôi con. Công dưỡng dục của cha mẹ mênh mông như trời đất, bao la như đại dương và dạt dào như suối nguồn vô tận. Vì vậy, phận làm con phải biết hiếu dưỡng đối với hai đấng sinh thành. Nhưng hiếu dưỡng ở đây mang ý nghĩa bao hàm, như khi còn nhỏ thì phải ngoan ngoãn chăm chỉ học hành, vâng lời cha mẹ, tùy sức mà làm những công việc nhỏ nhặt trong nhà, để cho cha mẹ đỡ phần mệt nhọc. Khi lớn khôn, sức cánh mạnh vai của tuổi thanh xuân thì thay cha mẹgánh vác những công việc nặng nhọc. Lúc cha mẹ về già, thì con cái tùy theo hoàn cảnh kinh tế (tùy gia phong kiện) mà lo cho cha mẹ từng miếng ăn thức uống, áo quần chăn nệm tùy theo thời tiết nóng lạnh bốn mùa, chạy thầy lo thuốc và chăm sóc cẩn thận trong lúc cha mẹ ốm đau, tật bệnh. Khi cha mẹ qua đời, thì lo ma chay hiếu hỷ, phụng thờ tưởng niệm, để nhớ đến cội nguồn sinh hóa trong kiếp nhân sinh.

2.Hiếu kính: Cha mẹ là người đã chịu bao gian khó để trao cho chúng ta thân sống, nguồn sống và cả lẽ sống nhiệm mầu. Ân đức ấy thật cao cả vô cùng, khó lấy gì đền đáp nổi. Vì vậy cho nên, phận làm con thì phải luôn luôn tôn kính cha mẹ mình. Đừng thể hiện những điều bất kính, làm cho cha mẹ đau khổ.

3.Hiếu hòa: Cha mẹ là người đầu tiên trong cuộc đời trao cho chúng ta lẽ sống. Người đã chịu thương chịu khó từng bước tập con đi, rồi khi con bập bẹ thì tập con nói. Khi con lớn khôn, thì lo sách vở áo quần rồi dẫn đến trường cho con học tập, mong sao con nên người, khỏi thua chúng kém bạn, để trong đường đời con bớt khổ đau.  Cả chuỗi dài cha mẹ đã trao cho con bao điều hay lẽ phải, mong con biết hòa thuận trong cuộc sống chung cùng. Ý thức “chị ngã em nâng, tay đứt ruột xót”, nên phải sống thuận hòa giữa anh chị em như thể tay chân cùng cơ thể vậy. Một cuộc sống thuận hòa giữa con cái, là một niềm an vui lớn đối với hai đấng sinh thành.

4.Hiếu là sống tròn nhân cách: Sống ở trên cuộc đời này, không ai là không có ông bà cha mẹ. Biết bao đời tổ tiên của hai dòng nội - ngoại đã trao cho chúng ta thân sống, nguồn sống và cả lẽ sống nhiệm mầu. Vì vậy, bảo vệ thân mạng cho tốt đẹp, chính là biết trân quý gia bảotổ tiêncha mẹ đã trao truyền, để khi trưởng thành thì trao về cho các thế hệ con cháu mai sau. Tự phá hoại thân thể bằng rượu chè, xì ke ma túy và những độc dược là mang tội bất hiếu đối với những đấng sinh thành; cũng như phũ phàng đối với các thế hệ con cháu mai sau.

Thân mạng này được sinh ra từ tinh cha, huyết mẹ trong chín tháng thai mang, và công dưỡng dục của cha mẹ suốt chiều dài của tuổi thơ. Hai đấng sinh thành đã không quản gian lao vất vả, tất bật ngược xuôi trên vạn nẻo đường để tạo ra nguồn sống nuôi chúng ta lớn khôn. Vì vậy trong lúc trưởng thành, thì chúng ta phải tự tạo ra nguồn sống để nuôi thân bằng bàn tay, khối óc và con tim của mình (chánh mạng). Biết phân chia nguồn sống để cân bằng sự sống, bằng cách chia nguồn sống ra làm bốn phần: Phần thứ nhất để sinh sống hằng ngày. Phần thứ hai để tích lũy vốn làm tăng dần nguồn sống. Phần thứ ba để nuôi dưỡng cha mẹ già yếu, và thờ cúng ông bà tổ tiên để thể hiện “Cây có cội, nước có nguồn, ăn quả nhờ người trồng cây”. Phần thứ tư để thể hiện tình cảm giữa người với người “thù tạc vãng lai, láng giềng qua lại mới toại tình đời” như đám ma, đám cưới, hoặc lúc tắt lửa tối đèn có nhau. Hoặc bỏ ra làm từ thiện, giúp kẻ cô đơn, bất hạnh giữa trường đời, hoặc bị thiên tai tật dịch. Ý  thức sự sống bắt từ nguồn sống, nên phải bảo vệ nguồn sống của mình và nguồn sống của người. Manh tâm cướp đoạt nguồn sống của nhau dưới mọi hình thức là mất nhân cách, mất đạo đức, làm cho cha mẹ bị hệ lụy khổ đau là mang tội bất hiếu.

Sống trên đời, ai cũng mong mình có cuộc sống an vui hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không phải là thứ được ban phát từ một đấng nào; mà là từ sự nắm bắt được lẽ sống cho mình và cho người. Lẽ sống trước hết được hình thành trên thiện nghiệp. Vì vậy cho nên, phải luôn nuôi dưỡng tâm thiện, lời nói thiện và hành động thiện. Nhờ ba nghiệp (ý, miệng và thân) thuần thiện nên tránh được những tác hại cho mình và người. Một cuộc sống mà biết bỏ ác làm lành, bỏ xấu làm tốt, bỏ sân si để sống hòa hợp, thì dần dần sẽ hạn chế những mâu thuẩn phát xuất từ nội tại và làm cho cuộc sống an lạc hơn.

Tất cả mọi sự khủng bố đều xuất phát từ lòng tham bất chánh, tham quá tầm tay, từ sự ích kỷ và nổi sợ hãi, tạo nên hành động bất thiện làm cho ngoại tại bất an. Vì vậy cho nên, nếu chưa thật sự xả bỏ những ích kỷ của tâm thì hãy canh chừng“Hễ nơi nào có tiền tài, danh vọngđịa vị thì nơi đó sẽ có sự tranh chấp xảy ra, và người ta rất dễ dàng đánh mất nhân tính”.

Nhờ  nắm được lẽ sống tốt đẹp cho nhau, nên vợ chồng chung thủy sắt son, bạn bè trở nên tri âm tri kỷ, anh chị em như thể tay chân nên ý thức tay đứt ruột xót, tình bà con nội ngoại như dòng nước cùng nguồn nên ý thức bảo vệ đừng cho khô cội đoạn dòng. Láng giềng là tình cảm tương lân trong lúc tắt lửa tối trời nên đừng làm xiêu rào đổ dậu, đất nước lân bang hữu nghị nên không lấn đất dời nêu gây ra chiến tranh làm cho dân lành lầm than khốn đốn.

ý thức cuộc sống chung cùng, nên phải dùng lời hay (ái ngữ) ý đẹp để đi vào sự sống, làm cho trong ấm ngoài êm, tình người hòa hợp. Tránh không nói lời cộc cằn, thô lỗ, tục tĩu, mỉa mai, gây chia rẽ hận thù, gây mất đoàn kết.

Ý thức trí tuệ là ngọn đuốc soi đường đi đến chân, thiện, mỹ nên luôn giữ sự định tĩnh và trong sáng của tâm hồn. Tập nhìn cuộc đời bằng con mắt quán chiếu, để thấy rõ mọi động cơ dẫn đến khổ đau (tập đế) nhằm chuyển hóangăn ngừa. Không sử dụng những chất nghiện ngập say sưa độc hại như ma túy, hóa chất gây ung thư, thuốc lá, rượu chè, cờ bạc, làm mất sự định tĩnh và trong sáng của tâm hồntác hại đến sức khỏe, gây xáo trộn cuộc sống thanh bình của cộng đồng.

5.Hiếu thuận: Khi con lớn khôn thì cha mẹ mong cho con thành gia thành thất và có cuộc sống an vui hạnh phúc. Vì vậy phải biết tìm lẽ sống tốt đẹp để sống cho nhau là rất cần thiết. Phải ý thức rằng, mỗi thành viên trong gia đình là nhân tố quyết định tạo nên cuộc sống an vui hạnh phúc. Vì vậy cho nên, tìm điều hòa thuận để sống cho nhau, chính là yếu tố để tạo thành hạnh phúc trong cuộc sống chung cùng. Ý nào không thuận thì không cố chấp; lời nào không thuận tai nghe thì không nói ra; hành động nào không thuận và không có kết quả tốt đẹp thì không làm. Phải làm sao cho trong ấm ngoài êm, làm cho cha mẹ an vui trong tuổi xế chiều, đó chính là biết hiếu thuận tâm lý vậy.

Ngoài thuận tâm lý ra, còn biết khuyên cha mẹ làm lành tránh dữ, biết ăn chay niệm phật, biết tu thân hành thiện để dần dần đưa tâm ra khỏi mọi khổ đau, vượt thoát luân hồi sinh tử. Vì vậy cho nên, trong năm điều hiếu thì hiếu đạo là hơn cả. Và chỉ có hiếu đạo mới được gọi là đại hiếu, như gương đức Mục Kiền Liên cứu mẹ chẳng hạn. Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với của cải, vật chất, tiền bạc thì  không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỷ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào thiện giới. Đối với cha mẹ xan tham, thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào bố thí. Đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, thì khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào trí tuệ. Làm được như vậy, này các Tỷ kheo, là làm đủ và trả được ơn cha mẹ vậy”(1). Bởi chỉ có hiếu đạo mới tạo duyên cho cha mẹ ra khỏi luân hồi sinh tử mà thôi; cho nên đức Phật mới lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp môn Địa Tạng cho mẹ nghe là vậy.

Vậy pháp Địa Tạng ấy là pháp gì?

Như trong lời tựa đã diễn tả: “Địa là rắn chắc, sâu dày, rộng lớn và trùm chứa tất cả”.Cái gì dày chắc, rộng lớn không ngằn mé và trùm chứa tất cả?

Chính là tâm chứ không gì khác. Đức Phật dạy: “Một tâm có đủ mười pháp giới: Địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, a tu la, người, trời, thanh văn, duyên giác, bồ tát và Phật” (2). Nhưng tâm ở đây được gọi là Địa Tạng, chính là tâm Như Lai tạng, hay chân tâm mà ai cũng có. Chân tâm thì vô hình vô tướng, biến khắp thời gian, trùm khắp không gian nên không có gì phá hoại được, nên kinh văn gọi là kiên. Hết thảy chư Phật và chư Bồ tát trong mười phương đều trở về nương tựa chân tâm sẵn có của mình, nên kinh nói là đều đến hội họp (giai lai tập hội). Cùng một ý này, trong kinh A Di Đà diễn tả là: “Cùng các bậc thượng thiện nhân đều trở về một chỗ” (3). Cùng trở về một chỗ của các Đấng giác ngộ đó chính là trở về với chân tâm của mình vậy (chế tâm nhất xứ).

Vì vậy cho nên, chư Phật mới cùng nhau tán thán đức Phật Thích Ca Mâu Ni rằng: “Ngài ở trong cõi đời có năm thứ ô trược (4) mà hiện thần thông trí tuệ rộng lớn không thể nghĩ bàn, để điều phục chúng sinh cang cường, làm cho chúng nó rõ biết pháp khổ pháp vui”. Điều phục chúng sinh cang cường chính là điều phục những vọng tâm sinh diệt tiềm ẩn trong dòng năng lực samsāra (dòng chảy tâm thức) của mình vậy. Bởi mọi thứ có hình tướng cụ thể đều có thể dễ dàng vất bỏ; nhưng những vọng niệm trong tâm, nó chính là năng lực tiềm tại nên khó buông bỏ vô cùng; nên kinh văn nói: “chúng sinh cang cường nan điều nan phục”. Vì vậy cho nên, phải buông bỏ vọng tâm bằng thứ trí tuệ không vướng mắc hai bên, nên kinh nói: “hiện bất khả tư nghì đại trí tuệ thần thông chi lực”, cũng gọi là trí giác vô thượng, cũng gọi là trí bát nhã, trí Phật hay tánh giác.

Vì vậy cho nên, đức Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành, vì mỗi một chúng sinh đều có tánh Phật”. Những tướng tâm sai biệt (vọng niệm) đã, đang và sẽ được đức Địa Tạng giáo hóa. Chư Phật thì đã, chư Bồ tát thì đang, còn hàng trời, rồng, quỉ, thần thì sẽ dần dần chịu sự giáo hóa của tâm Như Lai (Địa Tạng), nếu biết quay về và nương tựa (cộng quy y).

Sự giáo hóa của chân tâm bằng cách vượt bỏ vọng thức là cả một nghệ thuật “vô công dụng hạnh”, nên đức Phật đã ân cần trao lại cho ngài Ca Diếp:

 

“Pháp gốc pháp không pháp 
Pháp không pháp cũng pháp 
Nay khi trao không pháp 
Mỗi pháp đâu từng pháp”. (5)

 

Bởi mọi ý hướng đi tìm chân lý với thứ tình thức mang tính chủ quan, thì chẳng khác nào kẻ mù bị lạc vào rừng rậm, thật khó mà tìm ra lối trở về nhà. Những mớ định kiến mà ta mang theo, nó tạo nên những uy lực đè nặng tâm hồn và phân hóa thực tại. Trong khi, chân tướng của vạn hữubản thể sống động bao hàm, luôn luôn vận hành một cách lung linh mầu nhiệm.

Nếu tự quán sát tâm theo khuôn mẫu của ký ức đã chết cứng tự bao giờ, thì vô tình ta đã quay lưng sấp mặt, bỏ qua thực tại với những uyên nguyên của nó. Trong khi, ta chỉ cần rỗng rang mọi sự, thì tâm ta được giải phóng, thông lưu và vô nhiểm (ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm). Ta thấy lại con người thật xưa nay của chính mình một cách chân xác như nó đang là, mà không bị một định kiến nào, một ý thức phân biệt nào can dự vào làm cho sai lạc.

Dùng mọi phương cách để theo dõi tâm, nhận dạng tâm, hướng dẫn tâm, điều phục tâm chỉ là cách chế ngự ý, an lập ý của Nhị thừa bởi người kiểm duyệt và kẻ bị kiểm duyệt. Trong khi, người kiểm duyệt và kẻ bị kiểm duyệt cũng chỉ là tâm.

Song, “Tâm không thể nắm bắt từ bên ngoài, từ bên trong hay ở giữa.Tâm vô hướng, vô niệm, không có chỗ sở y, không nơi chốn quy túc.Các đức Phật không thấy tâm trong quá khứ, trong hiện tại hoặc ở tương lai” (lời Phật). Cái mà chư Phật không thấy thì làm sao mà quán niệm được. Nếu có quán niệm, thì chẳng qua là sự quán niệm về những vọng tưởng sinh diệt của các đối tượng tâm ý mà thôi. Một lưỡi gươm không thể tự cắt nó. Một ngón tay không thể tự sờ mó nó. Tâm không thể quán tâm.

Trong khi ấy, mọi thứ tích tập từ vô lượng kiếp đến nay, nó chỉ là những sản phẩm vay mượn của tiền nhân; cái mà người xưa gọi là “Đồ ói mửa của Thánh nhân”. Hẵy quên đi tất cả mọi tư niệm, mà chính nó đã tạo nên những tràng hí luận hỗn man, dẫn ta về rối rắm. Quên đi cả những gì đang nói và quên luôn cả cái quên, thì cánh cửa chân lý tức thời rộng mở. Những pháp môn được dựng lập bởi dòng thức, chỉ tạo thêm vòng lẫn quẩn bởi chính công họa sư tâm ý và vẫn bị giam hãm trong cái rọ tư tưởng ngàn đời, chẳng khác nào kiến bò quanh miệng chén, mãi tìm lối nhưng không thể thoát ra. Đem tâm tìm tâm hay đem tâm quán tâm, thì chẳng khác nào muốn tránh cái bóng mà lại đứng giữa ánh nắng mặt trời. Chẳng biết đó chỉ là “Đầu mọc thêm đầu, tuyết rắc thêm sương” mà thôi.

Liễu ngộ chân lý không hạn cuộc bởi ngôn ngữ với mớ kiến thức vay mượn từ quá khứ, rồi đặt để cho hiện tại, hay dự phóng về tương lai. Cái thấy biết chân thật nó siêu vượt khỏi tầm đối đãi của hai bên (nhị nguyên). Hành vô hành là lộ trình không tên gọi. Khi rễ vọng tâm không đất nương tựa thì vòng luân hồi vào chốn vô sanh. Khi mặt trời lên thì đêm đen lui bóng. Trí tuệ bùng lên mỗi khi vọng tâm không còn hiện hữu. Đó chính là sự trở lại nương tựa tánh giác sẵn có trong tâm. Vì vậy cho nên, chư Phật tán thán sự giải thoát giác ngộ trong tâm; còn chư Bồ tát thì trở về nương tựa vào chân tâm, nên nói “Chư Bồ tát trong mười phương cùng về nương”.

Còn hàng phàm phu thì tán thán những thành quả của dục vọng, với trọng tâm là danh, lợi, tình, rồi mở rộng lòng tham không cùng tận; cho nên dòng đời là bãi chiến trường không có ngày kết thúc. Vậy muốn thoát khỏi khổ đau, thì phải thoát khỏi nghiệp thức, tức xóa bỏ vọng tâm, làm cho tâm không còn vướng mắc hai bên, nên kinh văn dụ cho mây thong dong giữa bầu trời vậy.

“Bấy giờ đức Như Lai mĩm cười rồi phóng ra trăm ngàn vạn ức vầng mây sáng rỡ lớn như là: Vầng mây tròn đầy sáng rỡ lớn (đại viên mãn quang minh vân), vầng mây cứu khổ ban vui cùng khắp sáng rỡ lớn (đại từ bi quang minh vân), vầng mây trí tuệ sáng rỡ lớn (đại trí tuệ quang minh vân)..v.v….”.

Vầng mây sáng rỡ lớn biểu trưng cho ánh sáng của chân tâm phát chiếu, hay trí tuệ bát nhã. Vì ánh sáng của chân tâm nên không bị tình thức khống chế, không vướng mắc vào mọi âm thanh sắc tướng, như mây thong dong giữa bầu trời vậy. Ở kinh Pháp Hoa phẩm Phổ môn, thì đức Phật dùng hình ảnh mặt trời giữa hư không để dụ cho tuệ giác vô sở trụ (như nhật hư không trụ). Trí tuệ giác ngộ, hay trí Phật là trí sáng chiếu trùm khắp, nên bao hàm thời giankhông gian (đại viên mãn quang minh vân). Trí ấy “Từ trong bản chất vốn xa lìa tướng danh tự, xa lìa tướng nói năng, xa lìa tướng vọng tâm duyên lự, rốt ráo bình đẳng, không hề thay đổi, không thể phá hoại, chỉ là nhất tâm, nên gọi chân như.” (6).

Trí không vướng mắc vào sắc tướng nên được biểu trưng cho sự phóng ra những vầng mây sáng rỡ lớn của đức Phật; cũng có nghĩa là từ trong tánh giác phát ra những diệu dụng không ngằn mé như là: “từ bi, trí tuệ, bát nhã, tam muội, cát tường, phước đức, công đức, quy y, tán thán”.

Từ là ban vui mà bi là cứu khổ, nhưng ở đây là sự cứu khổ và ban vui lớn; tức đem tâm ra khỏi luân hồi để cho tâm không còn vướng mắc vào mọi khổ lụy nữa. Vì đem tâm ra khỏi dòng samsāra (luân hồi) bằng cách trở về y cứ và nương tựa vào chân tâm (Địa Tạng) nên ánh sáng chân tâm phát chiếu tròn đầy (đại bát nhã quang minh vân). Ánh sáng ấy làm cho tâm đại định (đại tam muội quang minh vân), làm cho tâm an lành tuyệt đối (đại cát tường quang minh vân), làm cho tâm thành tựu phước đức hữu lậu (đại phước đức quang minh vân) và công đức vô lậu (đại công đức quang minh vân), làm cho tâm trở về y cứ và  nương tựa Như Lai tạng không cùng tận (đại quy y quang minh vân), nên ca ngợi tâm sáng chiếu không sinh không diệt ấy cũng không cùng tận (đại tán thán quang minh vân).

Còn trí thế gian là do sự phát sóng của vỏ não, do tình thức của mỗi vọng tâm mà có, nên trí ấy đồng nghĩa với nghiệp chướng, tạo nên vui ít mà khổ thì nhiều. Trí do tâm thức vướng mắc mà hình thành, tạo nên chuỗi dài sinh diệt trong dòng samsāra trong vô lượng kiếp đến nay.

“Đức Phật phóng ra như vậy không thể nói hết những vầng mây sáng rỡ lớn như thế rồi, lại phát ra những âm thanh vi diệu như: Tiếng bố thí độ thoát, tiếng trì giới độ thoát, tiếng nhẫn nhục độ thoát.v.v…”.

Nhờ ánh sáng của chân tâm phát chiếu, nên tâm không còn dựng lập những tự ngôn tự ngữ (tâm không sở trụ); và những tiếng ở bên ngoài cũng không còn làm cho tâm dao động. Tiếng “bố thí độ” tức tâm xả ly không năng sở; cũng gọi là hằng thuần pháp tánh, tức cái nghe chỉ bằng cái nghe, cái thấy chỉ bằng cái thấy.v.v…mà không còn khởi vọng tâm lập trước vật. Bởi khởi vọng tâm lập trước vật chính là đối cảnh sanh tình của nghiệp thức, chứ không phải bản thân thực tại; mà thực tại là “như thị”. Tâm không còn nhảy nhót thi vi (tâm bình) nên kinh gọi là “trì giới độ”. Độ có nghĩa là vượt thoát mọi buộc ràng. Cùng một thật nghĩa này, tổ Huệ Năng cũng dạy: “Tâm bình đâu nhọc trì giới, hạnh trực chẳng dụng tu thiền”. Tâm bình chính là giới, là định, là tuệ, là giải thoát, là giải thoát mọi tri kiến.v.v...

Nhờ tâm xả ly một cách rốt ráo, cho nên những tâm niệm sai biệt không còn chi phối tâm. Những tướng tâm sai biệt mà kinh văn diễn tả là: tâm niệm ác độc, những mưu sâu kế  hiểm (dụ cho rồng, quỉ, thần), cho đến những niệm thiện (trời), những cảnh giới của thiền định sai lạc nên tâm thức rơi vào lạc trú (trời Tứ Thiên vương, trời Đao Lợi.v.v…), rơi vào vô ký trầm không trệ tịch (trời phi tưởng, phi phi tưởng xứ) cũng  phải xả ly, thì tâm thể rộng lớn không ngằn mé mới hiện hữu. Và mỗi khi tâm xả ly rốt ráo (năng sở song vong) thì những đối tượng khách quan cũng không thể chi phối được tâm thể của hành giả. Vì vậy cho nên, kinh văn diễn tả: “Ở thế giới Ta bà (dụ cho cõi lòng) và những thế giới khác (dụ cho đối tượng) có vô lượng ức trời (thiện), rồng (mưu sâu kế hiểm), quỉ (lưu manh, độc ác, keo kiết, ích kỷ, gian tham…), thần (sân hận, nóng nảy, hung dữ) cũng đến hội họp ở cung trời Đao Lợi”. Hành giả hướng đến giải thoát bằng cách xả ly hết thảy những niệm thiện, niệm ác của mình và của người (Ta bà thế giới cập tha phương quốc độ), cũng như những thứ thiền định sai lạc làm cho tâm thức bám chặt vào những thứ tịnh lạc (dụ cho các cõi trời thuộc dục giớisắc giới), hoặc bám chặt vào trầm không vô ký (dụ cho cõi trời phi tưởng) trệ tịch (dụ cho cõi trời phi phi tưởng); mà đưa hết thảy vọng tâm trở về một chỗ (nhất thiết thiên chúng, long chúng, quỉ thần đẳng chúng, tất lai tập hội). Buông hết đa tâm thì được nhất tâm là tất yếu. Đoạn trên đức Phật diễn tả chung mọi niệm thiện ác của chúng sinh trong sáu đường, kể cả những hệ quả thiền địnhtâm thức còn đối tượng để bám vào, kể cả bám vào không nên cũng rơi vào “không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng xứ, phi phi tưởng xứ”.

Đoạn này đức Phật diễn tả từng loại tâm thức (chỉ cho tác dụng riêng của thức= S:Vijnana, P:Vinnana). Trước hết là diễn tả sức phá hoại của mầm sân ở trong tâm thức (dụ cho thần). Nếu quyền lực càng lớn thì cơn sân phá hoại càng sâu rộng, mà kinh văn dụ cho thần biển, thần sông, thần kênh rạch.

Cũng có những nổi oán thù cao ngất, hình như không thể bỏ xuống được, mà kinh văn dụ cho thần cây, thần núi (cố chấp mỗi ngày mỗi thêm lớn).

Cũng có những thù hận kiên cố, hình như không thể xóa được, mà kinh văn dụ cho thần đất.

Cũng có những oán thù liên tu bất tận chảy mãi trong tâm hồn, hình như không thể nào dừng lại được, mà kinh văn dụ cho thần sông chằm.

Cũng có những cơn sân giận đang còn trong mầm móng, mà kinh văn dụ cho thần lúa mạ.

Cũng có những cơn sân giận oán thù do tranh chấp hai bên như: phải trái, được mất, hơn thua, vinh nhục, đúng sai, tốt xấu, ý thức hệ này, ý thức hệ nọ, tôn giáo này, tôn giáo kia, quốc gia này, quốc gia nọ đối kháng lẫn nhau, mà kinh văn dụ cho thần chủ ngày, thần chủ đêm.

Cũng có những cơn sân giận oán thù do chấp vào ngoan không, vào chủ thuyết vô thần, hư vô chủ nghĩa,  mà kinh văn dụ cho thần hư không.

Cũng có những cơn sân giận oán thù do những niềm tin mù quáng nên chấp vào nhất thần (trời Phạm Thiên), mệnh trời, thượng đế, mà kinh văn dụ cho thần trên trời.

Cũng có những cơn sân giận oán thù do tranh dành vật dục của bản năng, mà kinh văn dụ cho thần ăn uống.

Cũng có những cơn sân do tâm cống cao ngã mạn, dương dương tự đắc, coi thường kẻ khác, mà kinh văn dụ cho thần cây cỏ.

Không thể kể hết những yếu tố làm cho lòng sân nổi lên, rồi sinh tâm phá hoại. Sự phá hoại do cơn sân của loài người cộng lại thật là lớn lao vô cùng tận và xảy ra liên miên bất tận, nên gọi là địa ngục vô gián.

Nếu nhân loại biết thức tỉnh, để nuôi dưỡng lòng thương và bảo vệ sự sống còn, thì cũng phải đưa tâm thức trở về một chỗ thuần thiện, mà kinh văn gọi là tập hội, tức nương về chân tâm dày chắc, rộng lớn và chứa đủ của mình (Địa Tạng). Ba độc tố tham, sân, si của dòng thức là động cơ tạo ra mọi cuộc chiến tranh không có ngày kết thúc, nếu loài người không tự cứu nguy.

Đến đoạn này, kinh văn diễn tả những tâm niệm, hoặc những hành động quá xấu ác của mình và người (Những đại quỉ vươngcõi Ta bà cùng cõi nước phương khác). Do thiếu hiểu biết (vô minh), nên sinh ra những tầm nhìn xấu ác tạo thành những niềm tin tôn giáo hoặc ý thức hệ cực đoan, biến thành những hành động quỉ quyệt làm khổ đau cho mình và người, mà kinh văn dụ cho quỉ vương có tầm nhìn xấu ác (ác mục quỉ vương), quỉ vương hút máu (đạm huyết quỉ vương), quỉ vương hút tinh khí (đạm tinh khí quỉ vương), quỉ vương ăn thai hút trứng (đạm thai noãn quỉ vương), quỉ vương tạo ra tật bệnh (như bỏ melamine vào sữa…), quỉ vương thu nhiếp những độc tố.v.v..

Nhiều lúc vì lòng thương, nhưng hành động thì lại rơi vào xấu ác nên cũng được cho là quỉ quyệt, như “giết một con mèo để cứu vạn con chuột” chẳng hạn. Ảnh hưởng tư tưởng Khổng giáo nên Nguyễn Du cũng viết:

 

      “Hại một người, cứu muôn người

Biết điều khinh trọng, biết lời phải chăng”

 

Vì vậy cho nên, để cho Hồ Tôn Hiến ra tay giết Từ Hải. Hại một người cũng mắc vào tội sát nhân, cũng là hành động độc ác, nên kinh văn gọi là quỉ vương từ tâm (từ tâm quỉ vương), quỉ vương phước lợi (phúc lợi quỉ vương), quỉ vương yêu mến và thành kính lớn (đại ái kính quỉ vương).v.v…Tâm dễ thương mà hành động không dễ thương, cũng được dụ cho quỉ. Đây chính là sự khác biệt giữa lời dạy của đức Phật với lời dạy của những tôn giáo khác, những nền văn hóa khác. Đức Phật thể hiện tâm và hạnh đều thiện; cho nên đầu thiện, giữa thiện và rốt sau đều thiện. Ngược lại, những tôn giáo khác đi giết hại tha nhân không mang cùng một nhãn hiệu với mình, lắm khi cũng được phong thánh (Thánh chiến).

Đức Phật dạy: phải gom tất cả những tâm niệm xấu ác trở về chân tâm thanh tịnh, nên gọi là tập hội.

Đến đoạn này đức Phật bảo vua pháp là bồ tát Văn Thù Sư Lợi rằng: “Ngươi quán sát xem chư Phật, chư bồ tát và trời, rồng, quỉ, thần ở thế giới này cùng thế giới khác, ở trong cõi nước này cùng cõi nước khác, nay đều đến hội họp tại cung trời Đao Lợi, ngươi có biết số lượng là bao nhiêu không?”.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là biểu trưng cho trí căn bản (căn bản trí), nên cũng được gọi là vua pháp (pháp vương), cũng gọi là thầy của chư Phật trong ba thời gian. Bởi muốn thành Phật cũng phải trở về với cái trí gốc của mình, nên gọi là trí căn bản. Trí căn bản hay tánh giác thì vượt ra ngoài đối đãi hai bên (tuyệt đãi), nên không phân biệt số chư Phật ở cõi nước này và cõi khác, tức tâm thanh tịnh của mình và người thì không còn đối đãi, so sánh. Vì vậy cho nên, bồ tát Văn Thù thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu dùng thần lực của con để tính đếm trong ngàn kiếp, thì cũng không thể biết được số lượng là bao”.

Còn hàng Bồ tát thì đang từng bước đi về giác ngộ, nhưng cũng không thể biết được số lượng Bồ tát ở cõi nước này và cõi nước khác là bao. Bởi Bồ tát nghĩa là Giác hữu tình (Bodhisattva), tức đang buông bỏ những thứ tình thức ở trong tâm mình, nên cũng không còn sở biết.

Riêng hàng trời, rồng, quỉ, thần chính là những tâm niệm thiện ác cũng nhiều vô số kể. Ai biết được những tướng vọng niệm sai biệt trong tâm mình và tâm người là bao nhiêu? Ngay chính những vọng niệm của mình trong kiếp này thôi, mình cũng không đếm được là bao. Chính đức Phật, Ngài cũng không thể biết số lượng là bao, nên ngài nói: “Như Ta dùng mắt tuệ của Phật xem hãy còn không đếm xiết số lượng là bao. Số thánh, phàm này đều của Bồ tát Địa tạng (Như lai tạng tâm) từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, hoặc đã độ, hoặc đang độ, hoặc chưa độ. Hoặc đã thành tựu, hoặc đang thành tựu, hoặc chưa thành tựu”. Những vọng tưởng của mình và của tha nhân từ vô lượng kiếp đến nay nhiều vô số kể.

Chư Phật là những vị đã thành tựu quả vị giác ngộ, hàng Bồ tát thì đang từng bước đi về giác ngộ. Còn hàng phàm phu thì chưa thành tựu, vì chưa có giờ phút nào chịu quay trở lại sống với Như Lai tạng tâm của mình cả. Tập hội chính là đưa tâm trở về một chỗ (chế tâm nhất xứ), đó là trở về bảo trọng tâm địa rộng lớn, dày chắc và chứa đủ của mình. Từ những niệm thiện (trời), cho đến những mưu cao kế sâu (rồng), những tâm niệm gian tham xảo trá, độc ác, keo kiệt, lọc lừa tráo trở, cống cao ngã mạn, nóng nảy, sân si .v.v… (quỉ, thần), kể cả những trạng thái thiền định sai lạc, ngậm nước chết nên rơi vào vô ký, trầm không trệ tịch (phi tưởng, phi phi tưởng), cũng đều đưa chúng trở về với chân tâm. Và khi nào vọng tâm không còn nơi bám trụ, thì chân tâm mới hiện bày, nên kinh nói “chúng sinh độ hết mới chứng bồ đề”.

Hiểu rõ ý này nên bồ tát Văn Thù thưa: “Bạch đức Thế tôn, từ thuở quá khứ lâu xa, con đã tu căn lành nên chứng được trí tuệ vô ngại. Nay nghe lời đức Phật dạy, là tin nhận liền.  Còn đối với hàng tiểu quả Thanh Văn, hoặc trời, rồng, tám bộ và những chúng sinh về đời sau, tuy nghe lời thành thật của Như Lai, tất sinh nghi ngờ. Dẫu cho có lạy vâng đi nữa, cũng không tránh khỏi hủy báng. Xin đức Thế Tôn giảng rộng về nhân địa của bồ tát lớn Địa tạng, tu hạnh gì, lập nguyện gì, mà thành tựu sự không thể nghĩ bàn như thế?”.

Từ hàng Thanh Văn trở xuống vì còn dùng pháp đối của Nhị thừa, nên nghe diễn tả về chân tâm sinh nghi ngờ là tất yếu. Vì vậy cho nên, đức Văn Thù xin đức Phật giảng rộng về hạnh nguyện của bồ tát Địa Tạng.

Đức Phật bảo rằng, lấy tất cả mọi thứ, từ thực vật cho đến khoáng vật trong ba ngàn thế giới rộng lớn (có bao nhiêu cỏ cây, lùm rừng…đá, núi, bụi bặm); cứ mỗi vật là một sông Hằng, rồi cứ mỗi hạt cát trên sông Hằng làm một cõi nước, rồi trong một cõi nước cứ mỗi hạt bụi nhỏ làm một kiếp. Tính số kiếp như vậy từ lúc bồ tát Địa Tạng chứng quả địa thứ mười (thập địa = quả vị Phật) cho đến nay nghìn lần lâu hơn số kiếp thí dụ ở trên. Vì sao như vậy? Vì Địa Tạng là dụ cho Như Lai Tạng tâm, hay Phật tánh; mà Phật tánh thì vô thủy vô chung (vô lượng thọ) nên siêu việt số lượng.

Vì vậy cho nên, đức Phật bảo với bồ tát Văn Thù rằng, oai thần thệ nguyện của bồ tát Địa tạng thì không thể nghĩ bàn, tức chân tâm thì tuyệt đãi. Phật bảo là “Về sau này có người thiện nam tín nữ nào nghe tên của vị bồ tát này (tức văn tự tánh), hoặc khen ngợi (tán thán tự tánh), hoặc chiêm bái đảnh lễ (quán tự tánh).v.v…thì sẽ được sinh lên cung trời Đao Lợi (thuần thiện), thì không còn đọa vào đường ác nữa”. Làm cho tâm thuần thiện thì sẽ thoát khỏi ba cõi xấu ác là tất yếu.

Đức Phật đưa ra hai câu chuyện để ẩn dụ:

1.Địa Tạng là con nhà giàu có lớn (trưởng giả tử) sinh ra trong đời gặp được đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh. Trưởng giả liền hỏi Ngài tu hạnh nguyện gì mà được tướng tốt đẹp này.

Đức Phật Sư Tử dạy: “Muốn chứng được thân tướng tốt đẹp này, thì cần phải trải qua thời gian lâu xa độ thoát tất cả chúng sinh đang chịu khổ”.

Chúng sinh đang chịu khổ ở đây là ám chỉ cho những hành tướng tâm lý xấu ác được dựng lập bởi tư duy hữu ngã, nên bị năm thụ uẩn khống chế, tạo thành chuỗi dài sinh diệt, với sầu bi khổ ưu não. Vì vậy cho nên, Trưởng giả nghe xong thì liền phát nguyện rằng: “Từ nay đến tột cùng về đời sau không thể kể hết số kiếp, con sẽ vì những chúng sinh mắc tội khổ trong sáu đường, mà rộng nói nhiều phương tiện làm cho giải thoát tất cả, rồi tự thân con mới chứng thành Phật đạo”.

Chúng sinh mắc tội khổ trong sáu đường chính là sáu căn dính mắc sáu trần, nên mới rơi vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, a tu la, người và trời. Vì vậy cho nên, tu giải thoát là làm cho tâm không còn dính mắc, tức không bị tình thức khống chế. Và chỉ khi nào vượt thoát dòng tâm thức chấp ngã, chấp pháp (làm cho giải thoát tất cả) thì tánh giác mới hiện bày, nên kinh nói “tự thân mới chứng thành Phật đạo”. Trưởng giả gặp được đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh, nghĩa là trở lại với tự tánh sẵn có của mình (Phật), và phải tinh tấn dõng mãnh thực hành đầy đủ muôn hạnh lành (sư tử phấn tấn cụ túc vạn hạnh).

Trong phẩm Kim Cang Bát nhã, đức Phật cũng dạy:

“Không khởi vọng tưởng về ta, không khởi vọng tưởng về người, không khởi vọng tưởng về nhiều yếu tố duyên sinh (giả chúng duyên nhi sinh, nhi viết chúng sinh), không khởi vọng tưởng về những cảm thọ, mà thực hành hết thảy pháp lành tức chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.” (7).

2.Bà La Môn nữ cứu mẹ:

Trước hết kinh giới thiệu về đức Phật ở thời quá khứ vô số kiếp về trước không thể nghĩ bàn là Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, tức giới thiệu về bổn giác. Bổn giác thì vô thủy vô chung, nên kinh nói “không thể nghĩ bàn”. Phật tánh thì không nhiểm ô nên gọi là “giác hoa”. Vì không bị vọng thức chi phối nên gọi là “định tự tại vương Như Lai” (8). Đức Phật ấy thọ đến bốn trăm ngàn muôn ức kiếp, tức ám chỉ cho lìa khỏi vọng chấp (ly tứ cú) và chấm dứt những tự ngôn tự ngữ ở trong tâm thức (tuyệt bách phi); đó chính là thọ mạng của chư Phật (9), tức Phật tánh thì vô thủy vô chung.

Thứ đến là giới thiệu cô gái Bà la môn đức hạnh, nhiều kiếp chứa phước sâu dày, nên ai cũng kính nể và luôn được chư thiên bảo vệ. Phước sâu dày chính là bỏ hết thảy những điều xấu ác, và thực hành muôn hạnh lành.Thân không giết hại mà còn phóng sinh, không trộm cắp mà còn cúng dường bố thí, không tà dâm mà còn giúp người giữ tiết hạnh.Miệng không nói dối mà phải nói thành thật, không nói lưỡi hai chiều mà phải giúp người hòa giải, không nói lời xấu ác mà phải nói lời từ hòa, không nói lời hoa mị mà phải nói lời đoan chánh. Ý không tham dục, không giận dữ, và không khởi tà kiến. Đức Phật lấy mười nghiệp thiện để chỉ cho chư Thiên, nên kinh văn nói chư thiên ngày đêm hộ vệ. Thực hành mười nghiệp lành, chính là bảo hộ cho chính mình tốt đẹp vậy.

Ngược lại, Không có chánh kiến mà còn tà kiến mê tín, không trở về y cứ và nương tựa Tam Bảotin theo ngoại đạo tà giáo. Không biết rõ nhân quả thiện ác tốt xấu mà phó thác cho niềm tin tưởng viễn vong. Không nhận ra tánh Phật nơi tâm mình mà luôn tạo nhiều nghiệp nhân xấu ác, thì tất yếu phải ở nơi địa ngục vô gián, nghĩa là luôn sống trong tăm tối (vô minh) khổ đau. Vì vậy cho nên, Vô minh càng nhiều thì khổ đau càng lắm, nên kinh văn gọi là “thần hồn sa đọa vào địa ngục vô gián”.

Vậy muốn đưa tâm ra khỏi mọi khổ đau, thì trước hết phải thực hành giới - định - huệ mà chư Phật đã chỉ dạy, kinh văn dụ cho hương hoa cúng dường (năm phần hương cúng dường). Hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát, hương giải thoát khỏi mọi tri kiến lập tri; đó chính là cúng dường chân tâm hay Phật tánh của mình vậy.

Chiêm ngưỡng đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai hay quán chiếu tự tánh, làm cho tâm thức không còn vướng mắc nên gọi là Giác hoa. Vì tâm không dính mắc hai bên nên tâm an định tự tại (định tự tại vương). Chân tâm thường tịch thường chiếu, nên gọi là Như Lai.

Vì vậy cho nên, đức Giác Hoa dạy: “Ngươi mau mau trở về nhà, ngồi ngay thẳng niệm danh hiệu của ta, thời ngươi sẽ biết chỗ thác sinh của mẹ ngươi”. Trở về nhà là “Trở về với tự tánh” hay niệm tự tánh như đã nói ở trên, làm cho tâm định trở lại (Định Tự Tại Vương Như Lai). Nhờ tâm an định sáng suốt, nên mới thấy rõ những hành tướng của vọng tâm đang lưu tán vào đâu, và do những hành nghiệp gì mà lưu tán vào nơi ấy (chỗ thác sinh của mẹ). Niệm danh hiệu của Giác Hoa Định tự tại Vương Như Lai suốt một ngày một đêm (tĩnh thức trọn ngày đêm), thì liền thấy mình đứng trên bờ biển kia, tức vượt lên trên biển nghiệp.

Tâm giác ngộ (Giác Hoa) là tâm thanh tịnh bổn nhiên nên không ở nơi tâm sinh diệt; vì vậy cho nên đức Phật dạy quay trở về nhà. Bây giờ nhìn lại biển nghiệp, mới thấy nước ái dục ngày đêm nung nấu tâm can (nước biển sôi sùng sục), tạo thành những nghiệp nhân xấu ác (nhiều thú dữ) bay nhảy trên bề mặt của sóng thức (trên mặt biển) rượt đuổi lẫn nhau. Những tướng tâm sinh diệt ấy (trai cùng gái) nhiều vô số kể, thoạt chìm thoạt nổi trong biển thức và bị những nghiệp nhân xấu ác chi phối, để hình thành những khổ đau thiên hình vạn trạng (nào là thú dữ, nào quỉ Dạ xoa nhiều tay nhiều chân, nhiều đầu nhiều mắt.v.v…). Thánh nữ nhờ nương sức niệm Phật (niệm tự tánh), nên không bị những nghiệp dữ ấy chi phối (không sợ).

Quỉ vương là chúa của loài quỉ, nhưng có cái danh là vô độc, bởi vì mỗi khi tâm thức đã quay lại với tánh giác rồi thì không còn độc hại nữa. Nhưng chỉ có những tâm niệm quỉ quyệt mới thấy rõ những hành động xấu ác đưa đến khổ đau (địa ngục) trong tâm vô minh (thiết vi) mà thôi, nên quỉ vương mới trả lời với thánh nữ rằng: “Đây là tầng biển thứ nhất ở phía tây núi Thiết vi”. Phía tây là phương mặt trời lặn, dụ cho đêm đen hay bóng tối vô minh. Vì vô minh quá dày đặc nên không có một chút ánh sáng của trí tuệ lọt vào được, nên dụ cho núi lớn rào sắt (đại thiết vi). Vì vậy cho nên, đức Phật dạy: “Si là gốc của muôn tội lỗi, trí tuệ là gốc của muôn hạnh lành”.

Thánh nữ hỏi quỉ vương rằng: “Tôi nghe trong núi Thiết viđịa ngục, việc ấy có thật vậy không?”, có nghĩa là tôi nghe trong tâm thức vô minh sinh ra nhiều sự khổ đau, việc ấy có thật chăng?

Quỉ vương vô độc đáp: “Thật có địa ngục”.

Đúng vậy, vô minh càng nhiều thì khổ đau càng lắm, cho nên đức Phật dạy: “Làm đau thương không gì bằng lo buồn, bắn tên hại người không gì bằng ngu si. Không thể lấy gì để trừ diệt được hai nổi khổ ấy. Chỉ có học rộng hiểu nhiều mới có thể trừ diệt được. Người mù nhờ học mà có mắt, người u tối nhờ học mà có sáng suốt. Có tu học thì như đem mắt cho người mù. Vậy phải rời bỏ ngu si, xả lòng kiêu mạnan hưởng sự giàu có. Chuộng học nghe nhiều mới gọi là nhóm họp các công đức”.

Thánh nữ hỏi: “Vậy nay tôi làm sao vào được trong địa ngục ấy?”.

Vô độc đáp: “Nếu không phải do sức oai thần, thì phải do nghiệp lực mới vào được”.

Oai thần chính là sức phương tiện bởi nguyện lực của các bậc Thánh. Còn chúng sinh thì do nghiệp lực, nên tự chiêu cảm lấy. Đã gọi là do tâm thức chiêu cảm, thì không ai thay thế khổ đau cho ai được. Vậy trong lúc đang còn khỏe mạnh thì phải nương tựa chánh pháp để tu hành; chớ đừng đợi lúc sắp chết mới nhờ người khác cầu cho vãng sinh, thì không bao giờ được, bởi sái luật nhân quả của đức Phật dạy vậy.

Thánh nữ hỏi: “Duyên cớ gì mà nước trong biển này sôi sùng sục như thế, và lại có những người tội cùng với các thú dữ vậy?”.

Vô độc đáp: “Những người tội ở trong biển này là những kẻ tạo ác ở cõi Diêm Phù Đề”.

Như trên đã nói, cõi Diêm Phù Đề chính là cõi lòng. Nếu cứ để cho biển nghiệp xấu ác lộng hành, thì tâm thức luôn bị nóng bức như nước sôi sùng sục (nước biển sôi sùng sục), luôn đau khổ hãi hùng như bị thú dữ cắn nhai.v.v…là tất yếu. Cõi lòng tạo ra những nghiệp nhân xấu ác thì cảm lấy khổ đau, nên kinh nói là lội qua cái biển này.

Lại nữa, “Cách biển này mười muôn do tuần về phía đông cũng có cái biển nữa, những sự thống khổ trong biển này nhiều hơn biển trên”.

Mười là tiêu biểu cho mười vọng tưởng căn bản ở trong tâm thức, mà ở kinh Kim Cang đức Phật dụ cho mười loại chúng sinh tâm. Nào là sinh bằng trứng, sinh bằng bào thai, sinh ở nơi ẩm thấp, sinh bằng chuyển hóa, loài có sắc chất, loài không phải sắc chất (thần tài, thổ địa), loài có tưởng (độc lập, tự do), loài không tưởng (thượng đế, mệnh trời), loài chẳng phải tưởng (thiền định rơi vào trầm không), loài chẳng không tưởng (thiền định rơi vào trệ tịch). Nói tóm lại, từ những ý niệm cụ thể cho đến những ý niệm trừu tượng, tức mười loại vọng tưởng căn bản tạo thành muôn ức vọng nghiệp sai khác, che mất ánh sáng của chân tâm (mà kinh văn dụ cho phương đông), nên tạo ra bao nổi thống khổ;  tức vô minh càng nhiều thì khổ đau càng lắm. Vì vậy cho nên, không có nổi khổ nào bằng nổi khổ của tâm hồn. Biển nghiệp được tạo ra bởi thân, miệng và ý, nên hệ quả là làm cho thân tâm mình khổ.

Vì vậy cho nên, trong ba cái biển nghiệp ấy (ý, miệng, thân) thì nghiệp của ý chủ đạo tất cả nên tạo thành mười tám giới phân biệt (sáu căn + sáu trần + sáu thức).Vì vậy cho nên, kinh văn nói “về địa ngục lớn thì có mười tám chỗ, kế có năm trăm chỗ, khổ sở cũng vô lượng”. Mười tám giới phân biệt cũng không ngoài vọng tâm chấp vào năm thọ uẩn mà nên. Mỗi thụ uẩn nhân cho một trăm pháp, thành năm trăm chỗ vướng mắc của tự tâm.

Địa ngục ở đâu?

Địa ngục ở ngay trong ba cái biển nghiệp của ý, miệng và thân. Người nào luôn luôn nuôi dưỡng những tâm niệm độc ác, luôn luôn nói lời xấu ác, và luôn hành động xấu ác thì người ấy ở trong địa ngục dài dài (vô gián).

Động cơ để tạo nên biển nghiệp chính là tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiếngiới cấm thủ trong mỗi tâm hồn.Từ tham, sân, si khiến ý tạo nên những hành tướng tâm lý xấu ác, rồi sai sử miệng nói lời xấu ác, và điều khiển thân hành động bất chính. Những lời nói cộc cằn, thô lỗ, tục tĩu, mỉa mai, gây chia rẽ hận thù, gây mất đoàn kết. Những hành động chuyên quyền, độc tài độc đoán, những tôn giáo độc quyền,  nhất thần, vô thần, tạo ra chiến tranh, hận thù chất ngất không có ngày dừng lại, đều xuất phát từ lòng tham bất chánh.

Trong cuộc sống hằng ngày, nếu không được đức Phật Giác Hoa chỉ dạy, tức không đem tâm ra khỏi mọi sự vướng mắc, thì chúng ta luôn luôn lội qua ba biển nghiệp ấy (ý, miệng và thân) để tạo thành địa ngục trần gian của hận thù, của tham vọng và chiến tranh, rồi tạo thành chuỗi dài sầu bi khổ ưu não (địa ngục vô gián). Và sau khi chết thì thân trung ấm cũng mang theo những nghiệp nhân ấy như một dẫn lực để tiếp tục thọ sinh vào những cảnh giới tương ứng (địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, a tu la…) chứ không giao cho ai được. Chỉ có một điều là muốn sinh vào đường lành, thì phải biết quy y Tam Bảo, tin vào nhân quả, sống đúng nghiệp thiện, tạo nhiều phước đức.

Thánh nữ và Vô độc là biểu trưng cho trí căn bản và trí hậu đắc, hay biểu trưng cho bồ tát Địa Tạngbồ tát Tài Thủ (10). Mỗi khi đưa tâm thức về căn bản trí, thì vọng tình tức thời tan biến và tâm trở nên thuần thiện, nên không bị ngoại cảnh xấu ác chi phối. Vì vậy, Vô Độc thưa:  “Tội nữ Duyệt Đế Lợi đã được sinh lên cõi trời đã ba ngày nay. Nghe nói nhờ con gái của người có lòng hiếu thuận, vì mẹ mà sắm sửa lễ vật, tu tạo phước lành, cúng dường chùa tháp, thờ đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Chẳng những chỉ riêng mẹ của Bồ tát thoát khỏi địa ngục, mà những tội nhân vô gián cũng đều được thác sinh.”.

Vì đưa tâm (ý) ra khỏi vướng mắc hai bên nên tâm thuần thiện (diệu quán sát trí); từ đó cái thấy chỉ bằng cái thấy, cái nghe chỉ bằng cái nghe, cái ngửi chỉ bằng cái ngửi, cái nếm chỉ bằng vị, cái xúc chạm chỉ bằng cái xúc chạm nên gọi là thành sở tác trí; thức mạt na không còn chấp thủ hạt giống nên chuyển thành trí tánh bình đẳng (bình đẳng tánh trí); và thức A lại da chuyển thành trí sáng tròn đầy (đại viên cảnh trí) trùm khắp pháp giới, mà kinh dụ cho cả mẹ và tội nhân (chuyển thức thành trí) đều được thác sinh. Tâm không còn dong ruỗi về chuyện của ba thời gian (quá khứ, hiện tạivị lai), nên kinh văn nói: “Tội nữ Duyệt Đế Lợi đã được sinh lên cõi trời đã ba ngày nay”. 

trở về nhập với trí căn bản sẵn có, nên Thánh nữ phát nguyện: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai, tôi sẽ lập ra nhiều phương chước làm cho chúng sinh mắc tội khổ đều được giải thoát”.

Trở về sống lại với trí căn bản hay ra khỏi dòng tâm thức sinh diệt thì sẽ chấm dứt mọi khổ đau, tức thủy giác trở lại với bổn giác, nên gọi là “Thủy bổn chẳng hai”. Vì giữ gìn gia tài giải thoát giác ngộ nên gọi là Tài Thủ, đó cũng chính là tâm Như Lai Tạng tức Địa Tạng vậy.

Tóm lại, ý của đoạn kinh này chỉ dạy: Muốn được đầy đủ muôn hạnh lành (cụ túc vạn hạnh) thì phải độ thoát tất cả chúng sinh bị khốn khổ. Chúng sinh bị khổ đau ở đây chính là những nghiệp nhân xấu ác của ý, miệng và thân. Đưa tâm ra khỏi khổ đau bằng tự giác bổn tâm  nên gọi là Giác hoa, bằng thiền định nên gọi là Định tự tại. Vì vậy cho nên, đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai phát nguyện rằng: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai, những chúng sinh mắc tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát.” Giải thoát bằng tự giác bổn tâm, bằng thiền định bổn nhiên của tâm địa, nên mở đầu kinh văn ghi: “khể thủ bổn nhiên tịnh tâm địa”, tức sống lại với bổn tôn sẵn có của mình, dụ cho Địa Tạng.

Bằng không, thì dòng thức sẽ bị thúc đẩy bởi tham, sân, si và tâm ý sẽ mãi lao theo chiều sinh diệt với: được mất, hơn thua, thắng bại, phải trái, vinh nhục .v.v… để rồi tâm thức phải đi vào muôn kiếp lạnh lùng mà thôi (địa ngục hàn băng). Như vậy, địa ngục không ngoài tâm sinh, thiên đường đâu ngoài tâm có. Tâm chính là công họa sư tạo ra chuỗi dài sinh diệt, mà cũng là nơi cứu cánh niết bàn. Vậy mà trong cuộc sống xuất gia, mấy ai quay lại để thuần thiện và bảo trọng tâm rộng lớn dày chắc và chứa đủ của mình? Xin hành giả liễu tri.

 

Ghi chú:

 

(1).Tăng Chi Bộ kinh I.

(2).Nhất chúng sinh tâm cụ thập pháp giới.

(3).Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ.

(4).Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược.

-Nói đến kiếp trược là bao hàm cả bốn trược còn lại. Kiếp là hệ quả của nghiệp. Do tác nghiệp nên mới sinh tà kiến (chấp đoạn, chấp thường, chấp thật, chấp giả rồi sinh ra 62 tà kiến).

-Kiến trược lấy năm lợi sử làm bản thể của nó. Năm lợi sử là: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủGiới cấm thủ. Kiến trược lấy sự biết lầm về sáu giác tri làm tướng, xưa nayđạo lý đúng thật nhưng nó lại tưởng thiên lệch thành ra tà tri tà kiến, ấy gọi là biết lầm về sáu giác tri.Từ những kiến chấp sai lầm nên sinh ra phiền não.

-Phiền não trược lấy năm độn sử làm bản thể của nó. Năm độn sử là: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, lấy phiền não bức bách làm tướng.

-Chúng sanh trược: Thứ trược này lấy ba duyên hòa hợp làm tự thể. Ba duyên là nghiệp duyên cha, nghiệp duyên mẹ và nghiệp duyên của chính mình. Do sự tác nghiệp của dòng tâm thức vô tận nên luân hồi tương tục; chết đây sinh kia, khi nam, khi nữ, khi cha, khi mẹ.v.v…

-Mạng trược: Mạng là sức nóng, hơi thở và thức. Lại có thuyết cho là tuổi thọ, do sức nóng và thức làm thể, lấy sự rút mất tuổi thọ làm tướng.Từ nhỏ tới lớn, từ lớn tới già, từ già tới chết, đó là tướng của mạng.Phiền nãotà kiến làm cho thân bệnh và tâm bệnh nên thọ mạng bị iểu.

(5).Pháp bổn pháp vô pháp 
vô pháp pháp diệc pháp 
Kim phó vô pháp thời 
Pháp pháp hà tằng pháp. 

(6).Nhất thiết pháp tùng bổn dĩ lai ly danh tự tướng, ly ngôn thuyết tướng, ly tâm duyên tướng.Tất cánh bình đẳng, vô hữu biến dị, bất khả phá hoại, duy thị nhất tâm, cố danh chân như. (Luận Khởi tín)

(7).Dĩ vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng, tu nhất thiết thiện pháp tức đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề. (Kinh Kim Cang).

(8).Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ cố danh Như Lai (kinh Kim Cang).

(9).Bốn câu(tứ cú): Có, không, cũng có cũng không, không có không không.Bách phi:Bách là chỉ cho số nhiều của vọng tưởng. Bách phi là những tự ngôn tự ngữ giả lập ở trong tâm thức.Các pháp không có tướng sở hữu, nên không thể được (bất khả đắc). Tuyệt bách phi là làm cho chúng sinh trừ bỏ mọi mê chấp, nên ngài Linh Hựu cũng dạy: “Phải biết rõ rằng, các pháp trong ngoài thảy đều không thật; từ tâm biến hiện tức là giả danh”.

(10).Giữ gìn gia tài của Phật pháp.

       

˜☼™

 

Lược giải phẩm thứ 2

 PHÂN THÂN TẬP HỘI

----

1.Phân thân tập hội:

Một tâm thức nhưng có nhiều hình thái vọng tưởng sai khác.Địa tạng là chỉ cho bổn tâm thanh tịnh rộng lớn trùm khắp. Vì vậy cho nên, muốn trở về sống với bổn tâm thanh tịnh sáng suốt của mình thì phải gom hết thảy phân thân (tức vọng tưởng) về một chỗ (tập hội), hay nói cách khác là “Chế tâm nhất xứ”. Trước hết là nói đến những tâm niệm xấu ác tạo nên những cảnh khổ đau (địa ngục) không thể kể hết ở nhiều thế giới hệ đều trở về cung trời Đao Lợi, tức làm cho những niệm xấu ác trở lại thuần thiện. Rồi nhờ thần lực của Như Lai tức tự tánh tự độ, làm cho những vọng tưởng ấy (phân thân) hiệp lại với những chúng đã được giải thoát ra khỏi chốn nghiệp đạomười phương. Chốn nghiệp đạomười phương chính là mười vọng tưởng căn bản ở trong tâm thức vậy (1).

Nghiệp cảm duyên khởi là do tình thức chi phối, nên mãi lang thang trong sáu đường sinh tử từ vô lượng kiếp đến nay, không lúc nào dừng nghỉ; nên khổ đau cũng bất tận. Nay nhờ nương vào thần lực của Như Lai, hay tự tánh tự độ nên mới thoát ra khỏi chốn nghiệp đạo (samsāra). Nói cách khác, vượt thoát vọng tâm sinh diệt thì tâm Phật hiện bày, nên nói “cầm hương hoa đến cúng dường Phật”; cúng dường Phật là xả ly không còn năng sở. Những tâm niệm xấu ác buông xả đã đành, những tâm niệm tốt lành (thiện) cũng phải buông xả (dụ cho hương hoa) thì Phật tánh mới hiện bày. Cũng chỉ cho trở về với tâm Như Lai tạng, nên nói: “nhờ Địa tạng giáo hóa, làm cho trụ nơi đạo giác ngộ vô thượng, trọn không thối chuyển”.

Trở về với  chân tâm rộng lớn, dày chắc, và  chứa đủ  của mình bằng tự tánh tự độ, nhằm đưa tâm ra khỏi sinh diệt trong sáu nẻo luân hồi, nên kinh nói: “Những chúng đó từ kiếp lâu xa đến nay trôi lăn trong vòng sinh tử ở trong sáu đường, chịu những điều khổ sở không có lúc nào tạm ngừng. Nay nhờ lòng từ bi lớn và thệ nguyện sâu dày của ngài Địa tạng, nên tất cả đều được chứng đạo quả”. Từ bi lớn và thệ nguyện sâu dày như đã giải ở phần tựa.

kinh A Di Đà, đức Phật cũng dạy: “Cùng với những bậc thượng thiện nhân trở về một chỗ”, nghĩa là: Trở về chỗ thiện tột cùng với các bậc thánh chính là sống lại với tự tánh Di Đà của mình vậy. Một niềm an lạc không còn năng sở, nên gọi là cực lạc. Đó chính là “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ”, nên gọi là “Liên đài tự tiêu danh”, tức lìa khỏi vọng tâm sinh diệt. Vì vậy cho nên, tìm một cảnh cực lạc bên ngoài chân tâm thì không bao giờ có; nếu có thì chẳng qua là thiên ma giả dạng để cho chúng sinh ăn bánh vẽ ở trên trời (thiên quốc) mà thôi.

2.Đức Như Lai giao phó cho Địa Tạng về công việc hóa độ chúng sinh:

Như trên đã nói, Địa tạng là biểu trưng cho Như Lai tạng tâm. Vì vậy, công việc hóa độ chúng sinh tâm chính là chân tâm, hay tự tánh tự độ của hành giả; nên đức Phật giao phó cho Địa tạng vậy. Không ai vào được ở trong tâm của mình mà độ chúng sinh tâm mình được, ngoài tánh giác của mình. Nhưng vọng tâm thì rất khó buông bỏ, nếu không có một nghệ thuật tu hành thiện xảo để đánh lừa dòng thức. Vì vậy, đức Phật nói: “Ở trong đời ác trược giáo hóa những chúng sinh cang cường như thế, làm cho chúng nó điều phục bỏ tà về chánh; nhưng trong mười phần vẫn còn một hai phần chúng sinh quen theo tánh ác”.

Cang cường là bướng bỉnh, ngang đầu cứng cổ, biểu trưng cho vọng tâm khó buông bỏ. Vì vậy cho nên, cốt yếu của sự tu hành không gì khác hơn là trở lại sống với tâm bình thường của mình (linh tâm điều phục), tức đừng làm cho tâm trở thành gì cả, và bỏ tà về chánh (xả tà quy chánh). Tà là tâm thức lệch ra bên ngoài, mà chánh là sống lại với bổn tôn sẵn có của mình (Địa tạng). Con đường đến giải thoát giác ngộ chính là con đường của tâm chánh. Bởi tâm có chánh mới điều phục được tâm lệch ra bên ngoài. Nhưng công việc xả trừ vọng tâm không thể một sớm một chiều mà buông bỏ hết, nếu không là bậc thượng căn thượng trí. Vì vậy cho nên, đức Phật phương tiện lập ra nhiều pháp môn để dẫn dắt từ từ, mới có ba mươi bảy phẩm trợ đạo.v.v… Nhưng rốt cùng thì “Không một pháp có thể nói ra”. (2)

Kinh chia ra bốn hạng căn cơ:

1.Hạng lợi căn: Hạng này do có công phu tu hành nhiều kiếp về trước, nên nay mới có căn tánh sáng lẹ, trí sáng tâm khai nên khi nghe đức Phật nói về pháp Địa Tạng thì liền tin nhận và sống lại với bổn tôn của mình liền; như Bồ tát Văn Thù Sư Lợi chẳng hạn.

2.Thứ hai là hạng tâm trí chưa được mở ra: Nhưng nay nhờ gặp được thiện tri thức khuyên bảo, nên mới phát tâm làm lành lánh dữ, thọ trì năm giới cấm, thực hành mười nghiệp lành, hoặc thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, nhằm thành tựu được quả lành. Đây là hạng biết hướng thiện, thích tu phước cúng dường, bố thí, phóng sinh, xây dựng chùa chiền, đúc chuông, tạo tượng; kiến lập đạo tràng, rồi dần dần tiếp cận với chánh pháp mới hướng đến tu huệ.

3.Hạng thứ ba là hạng căn tánh chậm lụt, mờ ám, khó nhận ra thiện pháp: Đối với hạng này thì phải bền bỉ trong sự giáo hóa họ, nên đòi hỏi thời gian lâu dài (cửu hóa) mới giúp họ nhận ra pháp lành, mới bỏ tà về chánh. Đây chính là đối tượng nặng về tín ngưỡng, nên thích van xin cầu nguyện, thích gởi gắm ước muốn của mình nơi thánh hiền, hoặc nơi những đối tượng huyền bí phi thật.

4.Hạng thứ tư là hạng nghiệp chướng nặng nề: Hạng này nhiều tham lắm giận, cống cao ngã mạn, ngang đầu cứng cổ (cang cường bướng bỉnh); chẳng trọng người xuất gia, chẳng kính thánh hiền, chẳng tin nhân quả, chẳng tạo phước đức, khó dạy khó răn. Đối với hạng không tin, không kính, không cần nghe điều hay lẽ phải, rơi vào ngoan không, thì khó giáo hóa được họ. Vì vậy cho nên, nhiều lúc cũng phải để cho họ tự có kinh nghiệm khổ đau bởi hành vi tự tác tự thọ, may ra họ mới chịu hướng thiện ( A tỳ ngục tốt, sơ phát thiện tâm), mới biết nghe lại lương tâm của mình.

Bởi “Mỗi khi vầng trán của họ chưa bị sạm nắng nhăn nheo, gót chân chưa dẫm lên chông gai của thế sự nhân tình đầy oái oăm ngang trái, chén cơm chưa chan đẫm mồ hôi và nước mắt với nhiều mùi vị đắng cay, chưa từng nuốt lệ sầu đau trong cõi lòng tuyệt vọng, chưa từng ăn hoàn sắt nóng, uống nước đồng sôi với bao nghẹn ngào tức tưởi, bả công danh cùng mùi thế sự chưa đả thèm; thì tâm hướng thiện khó bề trỗi dậy”.  Đúng là tập khí của nghiệp cảm sâu dày nên sinh ra năm thứ trược, tạo nên tâm cang cường nên khó mà sống lại với chân tâm thanh tịnh bổn nhiên của mình. Vì vậy cho nên, đức Phật phải dùng đến nhiều hóa thân (3), mà kinh văn diễn tả là “hiện ra thân trai, gái, trời, rồng, quỉ, thần, rừng, núi, sông ngòi, ao rạch, suối…làm lợi ích cho mọi người rồi mới độ họ giải thoát”. Chư Phật rộng bày nhiều phương tiện để giáo hóa lâu dài, chứ không thể một sớm một chiều, hay một kiếp mà chứng được đạo quả hay vãng sinh.

Những tướng tâm sai biệt, tạo nên thế giới hệ sai biệt, nên khổ đau cũng muôn hình vạn trạng. Vì vậy cho nên, đức Phật dạy là phải dùng nhiều hóa thân để tùy phương tiện mà giáo hóa chúng sinh. Đó là ý nghĩađức Phật giao phó cho Địa Tạng là: “phải độ thoát hết thảy chúng sinh trong cõi ta bà này cho đến lúc đức Phật Di Lạc ra đời, đều được giải thoát khỏi hẳn các khổ”. Giao phó cho Địa Tạng chính là giao phó cho Như Lai Tạng tâm của mình giáo hóa, tức phải chuyển thức thành trí (Di Lạc dụ cho thức), nên kinh văn dụ cho đức Phật Di Lạc ra đời. Bởi ngoài chân tâm (Địa Tạng) của mình ra, thì không ai thay mình để chuyển hóa những vọng nghiệp của mình được. Vậy chân tâm là chủ của cõi u minh, là cội nguồn của sự thoát khổ, là cái đáng tôn đáng quý trong chúng ta. Và chỉ có chân tâm mới chuyển hóa được những tướng tâm sai biệt mà thôi; nên đức Phật dạy: “Ta phân thân ra nhiều thân để độ thoát những chúng sinh sai khác như thế”.

Đối với hạng bình thường thì những người đồng trang lứa (con trai, con gái) mới nói cho họ được. Hoặc hạng thượng lưu, hạng giàu có, hạng trí thức thì phải bậc vua chúa, quan lại (quốc vương, đại thần) nói họ mới nghe. Đối với hạng hướng đến đạo đức, thích lời thánh hiền thì phải là bậc thánh hiền (thiên đế), bậc cư sĩ (quý gia), bậc tỳ kheo, tỳ kheo ni, cận sự nam, cận sự nữ; hoặc những người cùng giai cấp, cùng cảnh ngộ nói họ mới nghe. Hoặc có hạng thích đa văn, thiền quán thì phải do bậc Thanh Văn, Duyên giác, Bồ tát hoặc đức Phật giáo hóa, họ mới chịu nghe. Nhẫn đến, những hạng trời, rồng, quỉ, thần cũng có thể giúp nhau tỉnh ngộ. Thậm chí, không chỉ học ở những đối tượng trên, mà còn có thể học hỏi ở nơi đất trời cây cỏ, sông núi rạch ngòi, ao suối thiên nhiêntỉnh ngộ (Duyên giác), tức phân thân giáo hóa. Những bài học về vô thường, vô ngã cũng được rút ra từ cuộc sống chung quanh chúng ta.

Còn những ai chưa tỉnh ngộ thì phải theo nghiệp cảm của mình mà thọ nhận quả báo. Có một điều là, ai cũng có Phật tánh nên rồi thì ai cũng thành Phật, chỉ có mau hay chậm mà thôi. Vì vậy cho nên, Đức Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành; bởi mỗi một chúng sinh đều có tánh Phật”. Vì vậy, mặc dầu chúng sinh ấy đang bị đọa trong ba đường dữ (địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh) phải chịu nhiều thống khổ; nhưng một lúc nào đó biết hồi đầu sống lại với chân tâm sẵn có của mình, (mà kinh dụ cho Địa Tạng giáo hóa), thì cũng thoát hẳn các khổ và được giải thoát. Đó chính là lời ân cần phó chúc của đức Phật cho Bồ tát Địa Tạng hay chân tâm; và Bồ tát Di Lạc thọ ký cho chúng sinh, tức chuyển thức thành trí. Vì vậy kinh văn nói: “Bấy giờ hóa thân Địa Tạng ở các thế giới hiệp chung lại một hình (dụ cho nhất tâm)…chính là nhờ thần lực chẳng thể nghĩ bàn của Thế Tôn (tức tánh giác)”. Hiệp chung lại một hình, hay phân thân khắp pháp giới là dụ cho diệu dụng của tự tánh (4), thường tịch thường chiếu. Nhờ “chế tâm nhất xứ”, làm cho vọng tâm tan biến, mà kinh văn nói trở về nương tựa Tam Bảo (của tự tâm), nên thoát hẳn sinh tử, đến cõi an vui niết bàn.

Đức Địa Tạng dạy: “Phải ở trong Phật pháp mà làm việc lành dầu bằng một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi nhỏ thì con đều độ thoát dần dần, làm cho chúng nó được lợi ích lớn”, tức phải biết quay về nương tựa tự tánh thì mới thoát khỏi sinh tử, khổ đau. Cùng một ý này, Tổ Huệ Năng nói: “Phật pháp là pháp chẳng hai”, còn nếu ở trên hai chính là biến kế sở chấp vậy.

Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật cũng dạy: “Làm mất tâm giác ngộ, thì dầu có làm việc lành đi nữa cũng chỉ là tác nghiệp mà thôi”(5). Vì vậy cho nên, muốn giáo hóa chúng sinh có kết quả thì hành giả phải biết nương tựa vào vị giáo chủ của cõi lòng đen tối (tánh giác) để hóa độ hết thảy chúng sinh ở trong tự tâm, thì tánh giác mới hiển lộ, nên kinh văn nói: “Địa Tạng từ nhiều kiếp lâu xa đến nay thường phát nguyện lớn, cứu độ tất cả chúng sinh xong (xả hết vọng tâm), rồi mới chứng quả bồ đề” (chân tâm mới hiển lộ). Ở bài tựa kinh Thủ Lăng Nghiêm, ngài A Nan cũng phát nguyện: “Nếu còn một chúng sinh (vọng tâm) chưa thành Phật, thì rốt cùng niết bàn không bao giờ hiển lộ” (6). Xin hành giả liễu tri.

 

Ghi chú:

 

 (1).Noản sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu tưởng, phi vô tưởng. (Phẩm Kim Cang Bát nhã).

(2).Vô pháp khả thuyết (kinh Kim cương)

(3).Thật tướng vô nhất pháp, phương tiện hữu đa môn (trong thật tướng thì chẳng lập một pháp nào, nhưng phương tiện thì có nhiều cửa).

(4).Lớn ắt buông ra trùm pháp giới, thâu vào thì mũi kim cũng không qua lọt.

(5).Vong thất bồ đề tâm tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp. (kinh Hoa Nghiêm).

(6). Như nhất chúng sinh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ nê hoàn.

˜☼™

Lược giải phẩm thứ 3

QUÁN NGHIỆP DUYÊN CỦA CHÚNG SINH  

------

1.Ma Da thưa hỏi:

Mở đầu phẩm kinh, Ma Da hỏi ngài Địa Tạng: “Chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề tạo nghiệp sai khác. Vậy quả báo có sai khác không, và sai khác như thế nào?”.

Như đoạn trước đã nói, cõi Diêm Phù Đềcõi Ta Bàchúng ta đang sống. Cõi chúng ta đang sống mà tạo nghiệp sai biệt chính là cõi lòng, bởi nghiệp do tâm sinh. Do nghiệp cảm sai biệt tạo nên những thế giới hệ cũng sai khác, kể đến những quả vị của hàng Thanh Văn, Duyên giác cũng sai khác (1). Chỉ khi nào chứng được quả Phật thì mới hết sai khác. Vì vậy cho nên, ngài Địa Tạng trả lời là: “Trong ngàn vạn thế giới cho đến cõi nước, hoặc nơi có địa ngục, hoặc nơi không có địa ngục, hoặc nơi có người nữ, hoặc nơi không có người nữ, hoặc nơi có Phật pháp, hoặc nơi không có Phật pháp, nhẫn đến bậc Thanh Văn và Phật Bích Chi cũng sai khác như vậy; chớ chẳng phải riêng quả báo nơi địa ngục mới sai khác đâu”.

Trước hết, chúng ta phải xác định nghĩa của từ “Địa ngục” là dịch âm từ chữ Phạn Naraka (na lạc ca), hay Niraya (niết ra da= nê lê) có nghĩa là chẳng vui (bất lạc), đáng chán (khả yếm), đủ mọi thứ khổ (khổ cụ), đủ mọi thứ khí giới để hành hình tội nhân (khổ khí). Trong kinh tạng hệ Nikāya đức Phật dạy: “địa ngục chính là chỗ bất xứng ý”. Chỗ bất xứng ý nằm ngay trong tâm của chúng ta. Nào là có với không tranh nhau, được với mất tranh nhau, hơn với thua tranh nhau, vinh với nhục tranh nhau, danh với lợi tranh nhau.v.v…Nơi có những thứ vừa kể nằm ở dưới tâm mình (địa hạ), đó gọi là địa ngục. Vậy thì, khi nào ở trong tâm chúng ta có những điều chẳng vui, những điều đáng ghét, có đủ thứ khổ đau cấu xé tim gan, có đủ điều làm mình khó chịu tợ như những hình phạt tra tấn, là chúng ta đang ở trong địa ngục vậy. Ai đưa mình vào địa ngục? Chính mình, chứ không ai khác; bởi địa ngục là do tâm mình tạo ra, nên nói “nơi thời có địa ngục”.

Ngoài ra, sống có nhân có nghĩa, biết tôn trọng lẽ phải, biết mình biết người trong cuộc sống tương duyên, biết kính trên nhường dưới (thượng cung hạ kỉnh), biết tôn kính thánh hiền, luôn sống hòa hợp với tha nhân. Đó chính là “nơi không có địa ngục”.

Thứ nữa, nếu sống có chánh niệm tĩnh giác, biết “như lý tác ý và phi như lý tác ý”, tâm biết hướng thiện thì tâm trở nên nhu nhuyến, điều khiển miệng luôn nói lời từ ái (ái ngữ), và hành động không tác hại tha nhân. Tâm sinh diệt dụ cho người nữ (nơi có người nữ), nhưng sinh diệt theo chiều hướng thiện nên tránh được khổ đau cho mình và người.

Nơi không có người nữ, nghĩa là không ở nơi tâm sinh diệt, tức trở lại sống với bổn tâm thanh tịnh của mình (Địa Tạng) nên tâm sinh diệt đi vào tịch diệt; cũng gọi là “nơi có Phật pháp”.

Hoặc nơi không có Phật pháp, nghĩa là do thực hành những thiền định sai lạc làm cho tâm thức bám chặt vào tịnh, bám chặt vào quán ngữ vô ký nên rơi vào “vô niệm tự niệm” của mạt na, hoặc rơi vào ngậm nước chết của trầm không trệ tịch, dần dần rơi vào phi tưởng, hoặc phi phi tưởng xứ. Hành giả tu thiền hoặc tu tịnh thì phải nhận biết điều này, để khỏi lạc vào cung ma. Thức bám vào vọng động tạo nên dòng sinh diệt, không nguy hại bằng thức bám vào tịnh, bám vào quán ngữ vô ký, lâu ngày thì sẽ rơi vào trầm không trệ tịch; còn tánh giác thì không ở nơi động và tịnh, tức rời khỏi hai bên (bất nhị). Vì vậy cho nên, hướng đến giải thoát là phải chuyển thức thành trí, tức “hiện tiền không lập trước vật thì duy thức tánh mới hiển lộ”. Vì vậy cho nên, những pháp đối của Nhị thừa chỉ có tác dụngan lập ý, bằng cách gom “đa niệm về nhất niệm”, chứ không thể “nhất tâm”.

Hoặc hành giả nương vào pháp Tứ đế (2), hoặc nương vào quán chiếu mười hai nhân duyên (3) để chuyển hóa những nghiệp nhân xấu ác, dần dần hóa giải hạt giống sinh tử. Do hành giả đang trên pháp đối của Nhị Thừa, nên hệ quả chuyển hóa của tâm thức cũng có sai biệt. Vì vậy cho nên, mới có các quả: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán hay Duyên Giác (Phật Bích Chi); chứ không riêng gì nghiệp cảm khổ đau (địa ngục) mới có sai khác. Chỉ khi nào chứng đến quả vị Diệu Giác (quả Phật) thì mới hết sai khác.

2.Địa Tạng lược nói:

Danh hiệu của những tội báo trong cõi lòng (Nam Diêm Phù Đề) có nhiều sai khác. Bởi do tâm tạo nhiều hạt giống khổ đau sai khác như: hạt giống của tham, sân, si, mạn, nghi.v.v…. nên hình tướng khổ đau cũng khác nhau, tức có nhiều thứ địa ngục. Quả báođịa ngục là dụ cho tâm hồn (quốc độ) hoàn toàn đen tối (thiếu trí tuệ), nên không còn một chút lương tâm, phạm vào năm tội nghịch: Như giết hại cha mẹ, làm thương tổn đến Phật, khinh chê Tam Bảo, chẳng tôn kính chân lý (kinh điển), làm ô uế Tăng thân, làm sự dâm loạn trong chốn chùa chiền.

Hoặc cậy quyền ỷ thế để xâm lấn chùa chiền, cướp đất già lam, hoặc phá hoại chùa am, không cho tạo lập nơi chốn tu hành hợp lý. Giả dạng làm tu sĩ hoặc cư sĩ để phá hoại đạo pháp, lạm dụng của thường trụ để hưởng thụ cá nhân, phá trai phạm giới, làm mất tịnh hạnh của người xuất gia, gạt gẫm người đời (hàng bạch y) bằng những trò buôn thần bán thánh, chẳng tin nhân quả, cố nói sai lạc chánh pháp (phá kiến), hoặc viết bài xuyên tạc giáo lý Phật đà, phê phán Tăng già để làm cho quần chúng mất niềm tin vào Tam Bảo, tạo nhiều tội ác nên phải rơi vào khổ đau (địa ngục).

Hoặc sinh tâm trộm cắp những tài vật của Tăng Già như: đòi quản lý thùng phước sương, trộm cắp lúa gạo, đồ ăn thức uống, y phục của Tăng.v.v…Bởi lòng dạ đen tối như thế, nên bị tham sân si thúc đẩy ngày đêm, tạo thành chuỗi dài đau khổ tương tục, nên gọi là địa ngục vô gián. Cái nhân bất thiện tương tục thì hệ quả đau khổ cũng vô tận. Do những hành nghiệp xấu ác như vậy, nên trong tâm luôn bồn chồn lo lắng, nhiều giận lắm hờn, như dầu sôi lửa bỏng, đứng ngồi không yên. Những tội lỗi gây ra đều có hệ quả trong ba cõi: Dục - sắc - Vô sắc, tức là hiện tướng của tham, sân, si. Nhân xấu ác nên hệ quả cũng xấu ác, tạo nên dòng tâm lý khổ đau, và khi chết thì thân trung ấm cũng mang theo, chứ không thể bàn giao cho ai được.

Ma Da hỏi bồ tát Địa Tạng: “Thế nào là địa ngục vô gián?”.

Bồ tát Địa Tạng bảo Thánh mẫu rằng: “Tất cả địa ngục đều ở trong núi Thiết vi, và tội nhân bị hành hình liên tục, nên gọi vô gián”.

Thiết vi là núi có rào sắt dày đặc, không một chút ánh sáng nào lọt vào được. Đức Phật dùng hình ảnh núi sắt để dụ cho tâm vô minh, không có sự hiểu biết nào lọt vào được. Địa ngục được hình thành trong núi Thiết vi, nghĩa là mọi hình thái khổ đau đều xuất phát từ vô minh. Vì vậy cho nên, vô minh càng nhiều thì khổ đau càng lắm. Sở dĩ chúng sinh tạo nghiệp là do một niệm vô minh ban đầu mà ra (hốt sinh nhất niệm vô minh), rồi tương tác giữa sáu căn + sáu trần + sáu thức thành mười tám giới phân biệt. Vì vậy cho nên, ngài Địa Tạng trả lời là: “Địa ngục lớn thì có mười tám chỗ” tức do mười tám giới phân biệt mà hình thành những dây mơ rễ má của khổ đau. Mười tám giới phân biệt cũng không ngoài tâm chấp thủ năm thọ uẩn mà hình thành (4).Năm thọ uẩn cũng không ngoài tâmchấp ngã, chấp pháp mà ra. Vì khổ đau thuộc về tâm lý, cho nên lửa tham, sân, si nó đốt tương tục không gián đoạn và chiếm ngự cả tâm hồn, nên kinh nói là “lửa cháy suốt trên xuống dưới, suốt dưới lên trên, nên gọi vô gián”.

Mỗi khi một vọng niệm khổ đau khởi lên, thì tám thức tâm vương cũng liền dấy khởi, để hình thành một bức tường ngục vô tận (một…nghìn, hằng số), tạo thành những hạt giống khổ đau câu xé tâm hồn, mà kinh biểu tượng là rắn sắt, chó sắt.v.v…. Trong địa ngục cũng có giường ngục rộng khắp, và một người thọ tội thì thấy mình nằm chật cả giường. Ngàn người thọ tội thì ngàn người cũng tự thấy mình nằm chật cả giường, nhưng chẳng ai đụng vào ai. Giường ngục ở đây thuộc về tâm lý nên choán hết cả tâm hồn (nằm chật cả giường) nên không ai đụng ai; và tất cả đều do nghiệp nhân xấu ác tạo ra như thế.

Khổ đau thì thiên hình vạn trạng, nhưng tiêu biểu gồm những thứ sau:

Có những thứ khổ đau như móc ruột bằm gan, tức tối tâm hồn.Có những thứ khổ đau như chĩa đâm vào mình, ngày đêm nhức nhối. Có những thứ khổ đau như cắn mổ vào mắt, làm cho nảy lửa đom đóm, trở nên quờ quạng mù lòa. Có những thứ khổ đau như rắn cắn vào đầu, như bị đóng đinh dài vào người, làm cho mất hết nghĩ suy và toàn thân không cựa quậy được. Có những thứ khổ đau như bị chận mồm bóp họng, làm cho nghẹn ngào tức tưởi không nói nên lời, không nói lên được quan điểm hay ý kiến của mình, ngôn luậnbị chà đạp, thí như bị cày bừa trên lưỡi vậy(địa ngục kéo lưỡi trâu cày). Có những thứ khổ đau làm cho người tội cảm thấy như bị đổ đồng sôi vào miệng làm cho nóng bỏng tâm hồn, như dây sắt đỏ quấn vào mìnhlàm cho rát da cháy thịt, và tương tục cả ngày đêm không gián đoạn, nên gọi vô gián. Nếu không có ánh sáng của trí tuệ chiếu vào, thì một hành tướng tâm lý khổ đau này chấm dứt, lại sinh ra hành tướng tâm lý khổ đau khác, cứ tương tục như vậy nên gọi là vô gián.

Tội do tâm tạo, nên phủ kín cả tâm hồn mà kinh văn dụ là “nằm chật cả ngục”. Những hành tướng khổ đau sai khác như thế(chĩa, gậy, rắn, chảo dầu sôi.v.v…), tạo nên thế giới hệ địa ngục cũng vô cùng. Bất luận là trai hay gái, kinh hay thượng, già hay trẻ, sang hay hèn, hoặc trời, rồng, quỉ, thần, hễ gây tội ác thì theo nghiệp mà cảm lấy; trừ khi tội nghiệp tiêu tan, nên gọi là vô gián. Hành tướng tâm lý khổ đau thì vô cùng, nên nói suốt kiếp cũng không hết.

Vậy muốn thoát khỏi địa ngục khổ đau, thoát khỏi sinh tử luân hồi thì phải dừng tạo nghiệp (5); mà phải quay trở lại sống với bổn tôn thanh tịnh bản nhiên của mình (Địa Tạng). Và mỗi khi sống được với bản giác rồi, thì thức A lại da chuyển thành cảnh trí lớn tròn đầy(đại viên cảnh trí) trùm khắp pháp giới, năm thức trước chuyển thành tác trí thành sở (thành sở tác trí)tức cái nghe chỉ bằng cái nghe, cái thấy chỉ bằng cái thấy, cái ngửi chỉ bằng cái ngửi….mà thôi; không sinh tâm chấp thủ thêm bớt. Công phu tu hành chính là quay trở lại sống với tâm địa dày chắc và chứa đủ của mình, bằng cách xả sạch chấp ngãchấp pháp, bằng lực “Vô công dụng hạnh” bởi “Tự tịnh kỳ ý”. Đó là công việc của đạo học, chứ không phải là con đường của triết học, với những khái niệm giả hữu của vọng thức. Hiểu rõ ý này nên tổ Đạt Ma nói: “Không lập văn tự, truyền ngoài kinh giáo, chỉ thẳng vào tâm, thấy tánh thành Phật”.

Địa ngục từ tâm sinh, thiên đường cũng không ngoài tâm có.Tâm thiện thì thiên đường hiện ra, tâm ác thì địa ngục hình thành.Dòng vọng tâm tương tục sinh diệt, nên khổ quả cũng tiếp diễn không cùng (vô gián), dẫu có muốn tạm dừng chừng một niệm cũng không được, nếu khôngđịnh lực.Khi còn sống bị năng lực của nghiệp chi phối, thì lúc chết cũng bị nghiệp lực hút vào những cảnh địa ngục tương ứng là tất yếu.  Lúc ấy, muốn nghe một lời chánh pháp thì mắt đã lờ, tai đã điếc; muốn sám một lời, muốn niệm một danh hiệu Phật, muốn trì một bài chú, muốn tụng một biến kinh thì lưỡi đã liệt; đâu dễ vãng sinh? Vì vậy, lúc đang còn mạnh khỏe thì phải lo tu thân hành thiện, công phu thiền tịnh miên mật, mới có thể đủ định lực để vượt qua sinh tử.

Còn cứ để cho dòng nghiệp lôi kéo, thì khó mà thoát khỏi lưới tử sinh.Bởi nghiệp chính là năng lực tiềm tại trong dòng tâm thức (samsāra), thật khó mà xả bỏ.Vì vậy cho nên, người nào quán thấy nghiệp duyên của chúng sinh(tức dòng vọng tưởng), thì người ấy mới bắt đầu cảm nhận được Phật tánh của mình.Và mỗi khi nhận ra tánh Phật trong mình, thì mới bắt đầu quay trở lại sống với bổn tôn (Địa Tạng)của mình, thì những nghiệp duyên chúng sinh mới chấm dứt.Xin hành giả liễu tri.

 

Ghi chú:

 

(1)Đa thù: Nhiều hình dạng sai khác.

(2)Nơi có hàng Thanh Văn, tức nương vào pháp Tứ đế: Khổ - tập - diệt - đạo.

(3)Nơi có hàng Phật Bích Chi (Duyên giác), tức nương vào pháp quán 12 nhân duyên: Vô minh – hành – thức – danh sắcsáu nhập – xúc - thọ - ái - thủ hữu – sinh – lão tử.

(4)Năm uẩn nhân lên 100 pháp thành 500.

(5)Xả liễu ngã pháp=Xả sạch chấp ngã và pháp.

Lược giải phẩm thứ 4

NGHIỆP CẢM CỦA CHÚNG SINH

TRONG CÕI DIÊM PHÙ ĐỀ

-------


Địa Tạng vâng theo phó chúc của đức Như Lai(hay diệu dụng của tánh giác):

Đức bồ tát Địa Tạng bạch: “Con nhờ nương sức oai thần của Như Lai, nên phân thân hình cùng khắp trăm ngàn vạn ức thế giới để cứu thoát hết thảy chúng sinh bị nghiệp báo. Nếu không nhờ sức đại từ của Như Lai, thì con chẳng biến hóa được như thế. Nay con lại được đức Phật phó chúc là từ nay cho đến lúc bồ tát A Dật Đa thành Phật; con phải làm cho chúng sinh trong sáu đường đều được độ thoát”.

Qua đoạn kinh trên, chúng ta thấy rằng, sức oai thần của Như Lai chính là diệu lực của tánh giác, nên trùm khắp pháp giới (chánh biến tri) mới giải trừ được nghiệp báo của chúng sinh tâm. Vì vậy cho nên, hướng đến giải thoát giác ngộ là cả quá trình chuyển thức thành trí, nên kinh văn nói: “từ nay cho đến khi Bồ tát A Dật Đa thành Phật”. A Dật Đa là biểu trưng cho thức, mà chuyển thức thành trínên nói độ thoát chúng sinh trong sáu đường. Vì vậy cho nên, đức Phật mới giao phó chúng sinh trong sáu đường sinh tử cho Địa Tạng độ thoát, hay cho tự tánh tự độ. Bởi chúng sinh thì luôn đối cảnh sanh tình, nên trôi lăn mãi trong sáu nẻo luân hồi không lúc nào tạm dừng, nghĩa là luôn bị năm thọ uẩn chi phối bởi ba động lực là tham, sân và si. Nghiệp cảm của chúng sinh thì theo duyên mà hiện khởi, nên hễ quen làm ác thì kết thành nghiệp báo dữ, quen làm thiện thì kết thành quả báo lành. Lên thiên đường hay xuống địa ngục, đều do nghiệp cảm của mình tạo ra; chứ không do ai ban cho, hay ai đưa mình xuống.

Đức Phật dùng hình ảnh như cá bơi lội trong dòng nước chảy, thảng hoặc tạm được ra, rồi lại mắc vào lưới nếu đang còn ở trong dòng tâm thức. Vì vậy cho nên, công việc độ sinh là phải lâu dài(cửu hóa), phải có lực đẩy của “vô công dụng hạnh” bởi “pháp không pháp”, và phải lập nguyện rộng lớn, dụng công miên mật như mèo rình chuột, khi nào bắt được chuột mới thôi (tinh tấn ba la mật).

Bồ tát Định Tự tại Vương nghi vấn:

Nghe đức Phật khen ngợi và giao phó chúng sinh cho Địa Tạng độ thoát, thì bồ tát Định Tự Tại Vương thắc mắc: “Bạch đức Thế Tôn! Từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, bồ tát Địa Tạng đã phát thệ nguyện gì, mà nay đức Thế Tôn khen ngợi như vậy?”.

Vì sao bồ tát Định Tự Tại Vương thắc mắc?

Vì ở nơi tâm thể tịch nhiên vắng lặng nên nói định, thì tâm ấy vốn chẳng sinh chẳng diệt, tự tâm xa lìa mọi cặp phạm trù đương đãi, vượt ra ngoài mọi vướng mắc nên nói tự tại, thì còn phát nguyện gì nữa? Ở nơi tâm định bổn nhiên (bổn nhiên tịnh tâm địa)tự nó có đủ ba pháp ấn là: không, vô tướng, vô tác hay vô nguyện, nên nghe đức Phật nói phát thệ nguyện thì ngạc nhiên, hoài nghi là tất yếu.

Về bản giác thì vô thủy vô chung, bao hàm thời giankhông gian (nhất thiết trí), và chứa sum la vạn tượng trong ấy (nhất thiết chủng trí) nên kinh nói: “Trải qua vô lượng vô số na do tha (1)không thể nói hết nhiều kiếp về trước, lúc ấyđức Phật ra đời hiệu là Nhất Thiết Trí thành tựu Như Lai”. Còn đứng về mặt sinh diệt thì nghiệp thức của chúng sinhbất định, nên mãi theo nghiệp cảm mà trôi lăn. Vì vậy cho nên, một vị nguyện sớm thành Phật trước rồi mới độ chúng sinh đều được giải thoát, tức ám chỉ cho bản giác.Một vị nguyện độ chúng sinh thành Phật trước, rồi sau mình mới thành Phật, tức ám chỉ cho thủy giácvậy.Nhưng bản giácthủy giác thì “chẳng hai”.

Chỉ có một điều là Thủy giác hay bồ tát Địa Tạng,vì đang trên lộ trình dẫn dắt chúng sinh (vọng tâm)trở lại với bản giác, nên phải mở con mắt tuệ (tuệ giác). Vì vậy cho nên, đức Phật đưa ra câu chuyện Quang Mục cứu mẹ để dụ cho chuyển thức A Lại Da thành cảnh trí Đại viên, thì phải mở mắt sáng nên gọi là quang mục. Nhưng muốn mở khai tuệ giác thì phải chí thành niệm Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, nghĩa là phải trở về với bổn tâm thanh tịnh, làm cho tầm nhìn không bị vướng mắc hai bên (liên hoa mục như lai). Nhờ tâm không vướng mắc hai bên, nên tâm thường tịch thường chiếu; tự tâm xa lìa vọng chấp “Có, không, cũng có cũng không, không có không không”, tức lìa bốn câu (ly tứ cú), nên nói đức Phật ấy thọ bốn mươi kiếp.

Nhờ trí giác chiếu soi cùng khắp nên mới thấy rõ thiện ác, nhân quả, tội phước của nghiệp cảm chúng sinh, mới thấy mẹ mình bị đọa vào chốn ác nào, và vì sao đọa vào nơi ấy. Mẹ được biểu trưng cho thức A Lại Da (tạng thức) chứa nhiều nghiệp nhân nhỏ mọn và xấu ác, mà kinh văn dụ cho ăn cá con và trạnh con, nên bị đọa vào địa ngục vô gián. Những hành tướng tâm lý khổ đau không gián đoạn là do chứa nhiều hạt giống nhỏ mọn, tanh hôi và xấu ác mà thành. Nhưng nay nhờ Quang Mục cứu, tức mở được tuệ giác nên vượt thoát sinh tử khổ đau. Mắt sáng là nhờ tâm định thì không vướng mắc hai bên, nên dụ cho niệm thanh tịnh liên hoa mục như lai.

Thấy rõ như vậy, nên mới mở mắt sáng để phát nguyện lớn:  “Nguyện cho mẹ tôi thoát hẳn địa ngục khi mãn mười ba tuổi”, hay đối trước đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai mà phát lời thệ nguyện: “Từ nay nhẫn về sau đến trăm ngàn muôn ức kiếp , trong những thế giới hệ nào mà các chúng sinh bị khốn khổ nơi địa ngục cùng ba đường ác; tôi nguyện làm cho thành Phật cả rồi, rốt sau tôi mới thành Phật”. Đại ý kinh chỉ rằng, muốn giải thoát giác ngộ thì phải đưa tâm ra khỏi mười vọng tưởng căn bản. Không để cho vọng tâm trôi về quá khứ, về tương lai, hay vẽ vời trong hiện tại nên nói “mãn mười ba”. Vượt qua mười vọng tưởng trong ba thời gian, hay buông hết vọng tâm thì tánh giác mới hiển lộ, tức rốt sau mới thành Phật vậy. Cùng một ý này, ở kinh A Di Đàđức Phật Thích Ca dạy là: “Phật A Di Đà thành Phật đến nay đã được mười kiếp” nghĩa là vượt qua mười vọng tưởng căn bản, thì tự tánh Di Đà hiển lộ. Ở kinh Kim Cương, thì đức Phật Thích Ca dạy phải độ mười loại chúng sinh vào vô dư y niết bàn, tức xả bỏ mười vọng tưởng (2) thì đạt niết bàn.

Có thấu rõ nghiệp cảm duyên khởi tạo thành thiện ác trong tâm thức; chứ không do bàn tay huyền bí nào ban phước giáng họa cả, thì chúng ta mới nổ lực sửa đổi những hành vi xấu ác của mình và người. Giúp cho mọi người hướng đến nghiệp lành, mà kinh gọi là làm “ngườiPhạm Chí”, rồi từ từ tiến tu cho đến thanh tịnh tuyệt đối,mà kinh dụ cho “cõi nước Vô Ưu”và rốt ráo thành “Phật”. Đó cũng chính là lời nguyện của người có mắt sáng: “Nguyện cho mẹ của tôi khỏi hẳn địa ngục khi mãn mười ba tuổi, không còn có trọng tội, cũng không đọa vào đường ác nữa”. Và mỗi khi, hiện tiền tâm thức không lập trước vật nữa (chuyển thức thành trí), thì sẽ được kho Vô Tận Ý với công dụngChánh biến tri, nên được giải thoát giác ngộ. Chuyển thức A Lại Da thành cảnh trí Đại Viên, nên gọi là Bồ tát Giải Thoát. Trí giác hay mắt sáng cũng là diệu dụng của chân tâm, và chân tâm thì vô thủy vô chung nên nói: “Trong nhiều kiếp lâu xa về trước Địa Tạnglòng từ mẫn, phát ra hằng hà sa số lời thề nguyện độ khắp chúng sinh”.  Sao không nói vị lai? Vì vọng nghiệp thì có từ vô thủy, nhưng mỗi khi được tự tánh tự độ (Địa Tạng)thì sẽ chấm dứt, nên gọi là “hữu chung”.

Địa ngục từ tâm sinh, thiên đường không ngoài tâm có. Vì vậy, kẻ nào không tin nhân quả, không làm lành mà lại tạo ác, tà dâm, nói dối, nói hai chiều, nói lời xấu ác, hủy báng Đại thừa tức không tin pháp giải thoát giác ngộ, thì chắc chắn kẻ ấy sẽ bị đọa vào đường xấu ác.

Ngược lại, nếu gặp được hàng thiện tri thức khuyên bảo trở về y cứ và nương tựa nơi tâm địa rộng lớn của mình (Địa tạng)chừng trong chốc lát, thì những chúng sinh ấy liền được thoát khỏi ba đường xấu ác, thường ở cõi trời hưởng sự an vui vi diệu. Đúng là, bể cả mênh mông nếu biết quay đầu lại là bờ. Oai thần của chân tâm rất lớn, không thể nghĩ bàn, nên đức Phật căn dặn Định Tự Tại là phải tuyên truyền lưu bố pháp bồ tát Địa Tạng này rộng ra cùng khắp. Và muốn đạt được tâm địa dày chắc này, thì phải nương oai thần của Phật tức chân tâm, làm cho tâm chúng sinh định trở lại, mà kinh văn gọi là “tuyên lưu kinh này nơi cõi Diêm Phù Đề” tức cõi lòng.

Đến đây, bốn Thiên vương thắc mắc: “Bạch đức Thế Tôn !Bồ tát Địa Tạng từ nhiều kiếp lâu xa đến nay đã phát lời nguyện cứu độ chúng sinh. Tại sao nay còn phát nguyện nữa?”. Hỏi theo nghĩa ẩn là chỉ có chân tâm của mình mới cứu độ được chúng sinh tâm. Như lời Phật dạy thì ai cũng có chân tâm, nhưng tại sao số người tạo tội vẫn còn đầy dẫy vậy?Và vì sao chân tâm không độ hết chúng sinh tâm?

Đức Phật trả lời: “Bởi do nhân mạng bất đoạn”, nghĩa là động cơ chấp ngã vẫn còn hiện hữu, nên tội lỗi do nghiệp thức tạo ra cũng không ngừng. Vậy muốn diệt trừ được nghiệp tội thì phải chấm dứt vô minh, tức đưa tâm ra  khỏi mọi chấp thủ về ngã và pháp. Phát nguyện là khi nhận ra vọng tâm sinh diệt (chúng sinh), và muốn vượt thoát nó, nên mới lập nguyện. Hay nói cách khác, nếu còn chúng sinh tâm là còn phát nguyện độ sinh; mỗi khi độ hết chúng sinh thì nguyện mới không còn, tức “năng sở song vong”. Đối với bậc thức giả thì tự biết nhân quả, nghiệp báo nên tìm cách giải trừ động cơ sinh diệt bằng tự giác bản tâm.

Còn kẻ phàm phu, thì phải có pháp phương tiện để giúp họ tu sửa từ từ.Chỉ rõ dòng nhân quả tương ứng như: người sát sinh hại vật, thì dạy họ bị quả  báo chết iểu, và nhiều bệnh tật. Đối với người trộm cắp, thì dạy họ bị quả báo bần cùng, thiếu thốn.Đối với kẻ tà dâm, thì dạy họ bị đọa làm chim sẻ, bồ câu, uyên ương. Nếu kẻ nói lời thô ác,  thì dạy họ sẽ bị quả báo quyến thuộc kình chống lẫn nhau. Nếu gặp kẻ thường khinh chê, thì dạy họ sẽ bị quả báo không lưỡi, hoặc miệng lưỡi bị sưng lở đau đớn. Nếu gặp kẻ hay nóng giận, thì dạy họ quả báo thân hình xấu xí, hoặc sinh tàn tật. Nếu gặp kẻ bỏn sẻn, thì dạy họ quả báo cầu muốn điều gì cũng không được toại ý. Nếu gặp kẻ buông lung săn bắn, thì dạy họ quả báo kinh hãi, điên cuồng, mất mạng.Nếu gặp kẻ trái nghịch với cha mẹ, thì dạy họ quả báo trời tru đất diệt.Nếu gặp kẻ đốt hại núi rừng, cây cỏ, thì dạy họ quả báo cuồng mê đến chết.

Nếu gặp cha mẹ ghẻ ăn ở bất nhân, thì dạy quả báo chết rồi sinh lại hiện đời bị roi vọt. Nếu kẻ bắt chim non, thì dạy họ quả báo quyến thuộc chia lìa. Nếu kẻ hủy báng Tam Bảo, thì dạy họ quả báo đui điếc câm ngọng.Nếu kẻ khinh chê giáo pháp, thì dạy họ quả báo ở trong đường xấu ác.Nếu kẻ lạm phá của thường trụ Tăng già, thì dạy họ quả báo luân hồi nơi địa ngục.Nếu gặp kẻ làm nhơ bẩn người tu hành thanh tịnh, và vu khống, phỉ báng Tăng già, thì dạy họ quả báo mãi ở trong loài súc sinh. Nếu gặp kẻ sát sinh hại mạng dưới mọi hình thức, thì dạy họ quả báo phải luân hồi bồi thường thân mạng lẫn nhau. Nếu kẻ phá giới phạm trai, thì dạy họ quả báo rơi vào cầm thú đói khát.Nếu gặp kẻ phung phí, phá tán của cải phi lý, thì dạy họ quả báo tiêu dùng thiếu hụt.Nếu gặp kẻ cống cao ngã mạn, thì dạy họ quả báo hèn hạ và bị người sai khiến.Nếu gặp kẻ đâm thọc gây gỗ, thì dạy họ quả báo không lưỡi hay nhiều lưỡi.Nếu gặp kẻ tà kiến mê tín dị đoan, thì dạy họ quả báo thọ sinh vào chốn hẻo lánh (biên địa).Phương tiện là tùy bệnh mà cho thuốc, miễn sao lành bệnh thì thôi (3).

Nghiệp cảm của chúng sinh trong cõi Nam Diêm Phù Đề thì thiên hình vạn trạng, do thân miệng ý phát sinh ra, nên hệ quả báo ứng cũng ngàn sai muôn khác, nên sự giáo hóa của Địa Tạng cũng ứng ra nhiều phương tiện, không bao giờ ngừng nghỉ. Vì vậy cho nên, đức Phật căn dặn bốn Thiên Vương: “Các ngươi là bậc hộ vệ người cùng bảo trợ cõi nước (bảo trợ tâm), nên chớ để những nghiệp chướng đó nó làm mê hoặc chúng sinh”.Nói cách khác, muốn bảo trợ thân tâm cho tốt đẹp thì phải thực hành mười điều thiện.

Bài tán cuối của quyển thượng nhắc lại lời cảnh báo rằng: Trong đời dơ bẩn có năm thứ ô trược, thì thật khó mà đem ánh sáng của tuệ giác soi rọi vào. Vì nghiệp cảm của chúng sinh nhiều tham lắm nhiễm, nhiều giận lắm hờn, nên tâm tánh ngang bướng khó dạy khó bảo. Đúng là chúng sinh cang cường, khó điều khó phục (chúng sinh cang cường nan điều nan phục); bởi suốt cả ngày đêm cứ mãi chạy theo lòng tham không đáy với: nào danh, nào lợi, nào tình, nào được mất, hơn thua, khen chê, vinh nhục.v.v…nên phải nhận lấy quả báo trong ba đường xấu ác. Lúc nào nghiệp chướng còn làm mê hoặc chúng sinh, thời bồ tát Địa Tạng còn phải dùng đến trăm ngàn phương tiện để giáo hóa.Những người có duyên lành với Phật pháp thì mới tiếp cận được chân lý một cách dễ dàng. Còn người thiếu duyên với Phật pháp, tức căn cơ thấp kém, chỉ dừng lại ở đức tin, thì phải từ từ gieo duyên lành, để họ dần dần nhận ra rồi mới vượt lên tình thức, sống lại với bổn tâm thanh tịnh(4). Xin hành giả liễu tri.

Ghi chú:

(1)Na do tha=Nayuta là tên số đếm, tương đương với mười vạn của Trung hoa. Từ na do tha cũng có 3 cấp sai khác như: 10 vạn, 100 vạn, 1,000 vạn.

(2)Noản sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu tưởng, phi vô tưởng.

(3)Thật tướng vô nhất pháp, phương tiện hữu đa môn.

(4)Đại đạo vô vi cổ Phật ngữ, từ bi phổ độ hữu duyên nhân (Lời Phật xưa dạy rằng: Đạo lớn là đạo vô vi nên đem từ bi để độ khắp tất cả những người có duyên).

Lược giải phẩm thứ 5

DANH HIỆU CỦA ĐỊA NGỤC

---


Trong phẩm này, tuy là trình bày về danh hiệu của những địa ngục, nhưng hàm ý chỉ sự báo ứng và những hình phạt của những người tạo tội ở trong những địa ngục ấy.Người thưa hỏi ngài Địa Tạng về những danh hiệuquả báo của những địa ngục ấy là ngài Phổ Hiền. Bồ tát Phổ Hiền là vị luôn đem mười hạnh nguyện để độ thoát chúng sinh cùng khắp (đại hạnh Phổ Hiền), nên thấy tâm còn nhiều hình thái khổ đau, tội lỗi thì tự vấn; mà kinh văn gọi là thưa hỏi Địa Tạng.

“Thưa nhân giả! Xin Bồ tát vì Trời, Rồng, tám bộ và hết thảy chúng sinhhiện tại cùng vị lai, mà nói tên những địa ngục và sự thọ báo của chúng sinh bị tội khổ ở trong cõi Ta bà với cõi Diêm Phù Đề này, làm cho chúng sinh thời mạt pháp sau này biết rõ những quả báo ấy”.

Hạnh nguyện Phổ Hiền cũng chính là diệu dụng của tự tánh để độ thoát chúng sinh, nên ngài Địa Tạng thưa: “Thưa nhân giả, nay tôi nương oai thần của đức Phật, cùng oai lực của Đại sĩ mà lược nói về danh hiệu của những địa ngục, cùng những việc về tội báo và ác báo”.

Vậy những địa ngục không thể kể hết ấy do đâu mà có?

Ngài Địa Tạng đáp: “Ở phương đông của cõi Diêm Phù Đề có ngọn núi tên là Thiết Vi. Núi này tối tăm, không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng chiếu vào, nên có địa ngục lớn gọi là cực vô gián. Lại có địa ngục lớn A Tỳ, lại có địa ngục tên là tứ giác, lại có địa ngục tên là phi đao, lại có địa ngục tên là hỏa tiễn, lại có địa ngục tên là núi ép (giáp sơn), lại có địa ngục tên là dao thương đâm chém (thông thương), lại có địa ngục tên là xe sắt cán ngang (thiết xa), lại có địa ngục tên là giường sắt (thiết sàng) .v.v...”.

Phương đông là phương mặt trời mọc, dụ cho tuệ giác; mà che mất tuệ giác chính là vô minh.Vì vậy, kinh nói tất cả những địa ngục ấy đều ở trong núi Thiết Vi. Thiết là sắt, vi là bờ rào. Thiết vi chính là tường sắt dày đặc nên không có ánh sáng nào lọt vào được. Thiết vi hay rào sắt là dụ cho vô minh, dụ cho tâm hoàn toàn đen tối, nên chẳng có chút trí tuệ, tình thương nào lọt vào được. Vì vậy cho nên, vô minh càng nhiều thì khổ đau càng lắm.

Tâm vô minh hay tâm khôngtrí tuệ, tạo ra vô lượng tội lỗi chất ngất như núi cao, rộng sâu như biển cả. Vì tâm bị vô minh che khuất nên ánh sáng chân lý khó lọt vào, cho nên kinh văn ví như bị giam hãm trong chỗ có tường sắt bao bọc (thiết vi thành)nên khó thoát ra. Ai còn bị vô minh che lấp tâm trí, thì người ấy còn bị khổ đau dài dài.Tâm vô minh tạo ra nhiều nghiệp nhân xấu ác, nên hệ quả khổ đau ở trong địa ngục cũng vô cùng, nên kinh văn gọi là cực vô gián.

Tiêu biểu kể tên một số địa ngục lớn là ám chỉ cho những ngu dốt lớn, những tâm niệm quá ư ngu tối, dẫn đến hành động là đánh mất lương tri, mất nhân tính nên gây khổ đau cho mình và tha nhân không phải là ít.

Có những tâm niệm cực đoan xấu ác, nên cố chấp vào những tà thuyết tai hại, những chủ nghĩa cực đoan, tạo tiền đề cho hận thù chất ngất, tranh chấp, câu xé lẫn nhau, gây nên chiến tranh khó giải trừ; nên gọi là địa ngục đại A Tỳ.

 Có những thứ vô minh của tham dục, nên bị cuốn hút trong bốn thứ dục nhiễmtình dục, sắc dục, thực dục, và dâm dục,nên suốt cả ngày đêm luôn bị quay cuồng theo dục vọng; gọi là địa ngục tứ giác.

Có những thứ vô minh dựng lên những ý thức hệ, những chủ thuyết tai hại, những niềm tin tôn giáo mù quáng, những lòng tham quá độ, nên đánh mất nhân tính, rồi hô hào thánh chiến, hoặc xua quân xâm lược để cướp đoạt của người, chém giết lẫn nhau, làm cho máu đổ lệ rơi; nên gọi là địa ngục phi đao.

Có những thứ vô minh khởi lên lòng tham quá độ, muốn làm chủ cả vũ trụ, làm cho dòng tâm phân ranh ta, người (nhân ngã)rồi dẫn đến chiến tranh chiếm đoạt. Thi đua nhau phát triển những khí cụ tối tân, được mệnh danh là thành quả của văn minh khoa học như: Không đối không, địa đối không, máy bay tàng hình, bom khinh khí .v.v… làm cho nhà tan cửa nát, người bị cháy thiêu, tán thân mất mạng; nên gọi là địa ngục hỏa tiễn.

Có những thứ vô minh tạo nên những độc tài độc đoán, chuyên quyền, chuyên chế, ỷ mạnh hiếp yếu, cậy thế ép cô, làm cho bức xúc thân tâm đến nghẹn ngào tức tưởi ngộp thở, tợ hồ như bị dồn ép vào núi đá; nên gọi là địa ngục giáp sơn.

Có những thứ vô minh tạo nên những tâm lý xấu ác, ích kỷ hẹp hòi, rồi dùng những lời nói xấu ác châm thọc đả phá lẫn nhau.Hoặc gây chiến tranh đâm chém lẫn nhau bằng những khí cụ sắc bén; nên gọi là địa ngục thông thương.

Có những thứ vô minh bất chấp công lý, tạo nên những vu oan giáng họa, ăn ngang nói ngược, ép chế lương dân, cán nát tim gan, đau đớn vạn trạng như xe thiết giáp cán ngang; nên gọi là địa ngục thiết xa.

Có những thứ vô minh làm cho tê tái tâm hồn, toàn thân giá lạnh như nằm trên giường sắt băng giá; nên gọi là địa ngục thiết sàng.

Có những thứ vô minh tạo nên độc tài độc đoán, trấn áp tha nhân, tạo nên gông cùm xiềng xích, chận mồm bịt miệng như mặc áo giáp bằng sắt ép ngực bó hình đến nghẹt thở; nên gọi là địa ngục thiết y.

Có những thứ vô minh tạo nên những hành tướng tâm lý xấu ác, làm bức xúc tựa như trăm ngàn mũi nhọn bắn vào người, làm cho nhức nhối tim gan, ngậm hờn nuốt hận; nên gọi là địa ngục thiên nhẫn.

Có những thứ vô minh làm cho tức tối tâm hồn như bị trâu sắt báng; nên gọi là địa ngục thiết ngưu.

Có những thứ vô minh làm cho nặng trĩu tâm hồn,tợ  như lừa sắt chở nặng; nên gọi là địa ngục thiết lư.

Có những thứ vô minh tạo nên thù hận ngút ngàn, làm cho nóng bỏng tim gan, đốt cháy tâm hồn như uống nước đồng sôi; nên gọi là địa ngục dương đồng, như ôm cột trụ đỏ nên gọi là địa ngục bảo trụ, như bị lửa táp vào mình nên gọi là địa ngục lưu hỏa.

Có những thứ vô minh làm cho nghẹn ngào tức tưởi mà không nói ra lời, không cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, không cho nói lên quan điểm lập trường của mình, thể như cái lưỡi bị cày; nên gọi là địa ngục canh thiệt.

Có những thứ vô minh tạo ra cuồng loạn tợ hồ như mất hết trí khôn; như người không đầu, nên gọi là địa ngục tỏa thủ.

Có những thứ vô minh làm cho co đầu rút cổ, tay chân rã rời bại hoại như bị đốt cháy; nên gọi là địa ngục thiêu cước.

Có những thứ vô minh làm cho tâm trí tối mờ, không nhận ra lẻ phải như hai con mắt bị móc; nên gọi là địa ngục đạm nhãn.

Có những thứ vô minh làm cho nghẹn ngào tức tưởi, nóng bỏng tâm can như bị nuốt hoàn sắt nóng; nên gọi là địa ngục thiết hoàn.

Có những thứ vô minh tạo ra tranh chấp, câu xé lẫn nhau, không kể tình thân, không kể thánh hiền, không biết tôn ti, hết biết nhường nhịn; nên gọi là địa ngục tránh luận.

Có những thứ vô minh nên tạo ra sân si nóng bỏng, nhiều giận lắm hờn, la lối om sòm suốt cả ngày đêm, đốt cháy tâm hồn; nên gọi là địa ngục đa sân.

Vô minh tạo ra thiên hình vạn trạng những cảnh khổ đau như vậy, nhưng vẫn chưa hết:

Có những thứ vô minh làm cho chấn động tâm hồn, kêu la hoảng hốt; nên gọi là địa ngục khiếu oán.

Có những thứ vô minh  tạo thành những nổi khổ do không được tự do bày tỏ quan điểm của mình, tợ như làm bật lưỡi; nên gọi là địa ngục bạt thiệt.

Có những thứ vô minh tạo nên những tâm niệm xấu ác, đê hèn ti tiện, đầy dẫy hận thù, làm cho dơ bẩn tâm hồn; nên gọi là địa ngục phẩn tiểu.

Có những thứ vô minh làm bức xúc tâm trí, tạo ra khổ đau mà không giải tỏa nổi, như bị xiềng xích, khóa lại; nên gọi là địa ngục đồng tỏa.

Có những thứ vô minh tạo nên những tâm lý nặng nề và nóng bỏng, ngày đêm đè nặng tâm hồn; nên gọi là địa ngục hỏa tượng(voi lửa).

Có những thứ vô minh rình rập cắn xé tim gan, làm cho tâm hồn bị đau xót và nóng bỏng như bị đốt cháy; nên gọi là địa ngục hỏa cẩu(chó lửa).

Có những thứ vô minh nên luôn chở đầy những tâm niệm sân hận, oán thù, làm cho tâm hồn cháy bỏng ngày đêm, nên gọi địa ngục hỏa mã(ngựa lửa).

Có những thứ vô minh tạo nên những tâm lý sân hận, nặng trĩu,  cày xới và đốt cháy tâm hồn; nên gọi là địa ngục hỏa ngưu.

Có những thứ vô minh tạo nên những tâm lý nặng nề tức tưởi và nóng bỏng, như bị dằn ép trong núi lửa; nên gọi là địa ngục hỏa sơn.

Có những thứ vô minh tạo nên tâm lý cứng cỏi đen tối, nhiều sân lắm giận; nên gọi là địa ngục hỏa thạch(đá lửa).

Có những thứ vô minh nên cứ mãi ôm thù nuốt hận, trăn qua trở lại trong đống lửa sân si, quanh năm suốt tháng nuôi dưỡng hận thù, làm cho tâm hồn bị đốt cháy ngày đêm như nằm trên giường lửa; nên gọi là địa ngục hỏa sàng.

Có những thứ vô minh nên cứ mãi đưa vào tâm hồn những hạt giống sân si nóng bỏng, ganh tỵ oán thù, nhiều sân lắm giận,như ăn gạo lửa (thức thực); nên gọi là địa ngục hỏa lương.

Có những thứ vô minh nên cứ mãi cắn xé, cắp mổ lẫn nhau, làm cho tâm hồn đau xót và nóng bỏng ngày đêm; nên gọi là địa ngục chim ưng lửa, hay chim cắt lửa.

Chưa hết: Cưa ngang xẻ ngược là địa ngục (địa ngục răng cưa); lột da uống máu là địa ngục (bác bì địa ngục, ẩm huyết địa ngục); đốt tay đốt chân, đâm ngược là địa ngục; nhà lửa nhà sắt là địa ngục; chó sói lửa là địa ngục.

Đó là những địa ngục lớn, ngoài ra còn bao nhiêu địa ngục nhỏ nữa; hoặc một, hoặc hai, hoặc ba,…cho đến trăm nghìn vô số địa ngục, nói không bao giờ hết, tả không bao giờ cùng. Những địa ngục ấy đều do những nghiệp nhân xấu ác của chúng sinh cộng lại. Khi sống cũng có hệ quả khổ đau, rồi lúc chết thì năng lực của nghiệp như một sức mạnh vô hình hút vào trong những địa ngục ấy.Những hình thái khổ đau thuộc về tâm lý, nên choáng hết cả tâm hồn mà kinh văn gọi là “tội nhân nằm chật cả giường".Năng lực của nghiệp chi phối tất cả; nó rộng sâu như biển cả, nặng nề như núi tu di, cao ngất như không gian, rắn chắc như tinh tú, nên ngăn che thánh đạo.

Trong kinh Pháp cú, đức Phật dạy:

“Không trời cao biển rộng

Không hang động núi rừng

Đã tạo nghiệp xấu ác

Tai họa quyết không dung.”

Nay kinh văn nêu ra những hình phạt, hay những hệ quả do nghiệp cảm của chúng sinh tạo ra, gọi là địa ngục. Đã gọi là chiêu cảm thì tự mình làm mình chịu, chứ không ai thay thế cho mình được, cho dù chí thân như cha với con cũng không thể thay tội cho nhau được; bởi thuộc về tâm thức. Đó là lẽ công bằng nhất của dòng nhân quảnghiệp báo. Nó như một  năng lực tiềm tại trong dòng tâm thức của con người nói riêng, và chúng sinh hữu tình nói chung. Ngài Địa Tạng đã phân tích cho ngài Phổ Hiền, hay chính là phân tích cho chúng sinh có tâm hạnh xấu ác trong đời mạt pháp nghe, mà sớm quy hướng về sự giác ngộ (Phật).

Chưa hết, ngài Địa Tạng còn thưa với ngài Phổ Hiền rằng, hoặc có địa ngục kéo lưỡi ra cho trâu cày trên đó. Cái lưỡi là phương tiện để phát âm, hay để nói mà bị cày lên tức dụ cho ngôn luận bị chà đạp, không cho nói lên quan điểm của mình, hoặc cướp mất quyền tự do báo chí, tự do phát biểu, như bị cày lưỡi vậy.

Hoặc có địa ngục mất hết tính người, không còn một chút tình thương đồng loại, như moi tim người tội cho quỷ Dạ xoa ăn.

Hoặc có địa ngục nóng bỏng tâm hồn như bị bỏ vào vạc dầu sôisùng sục.

Hoặc có địa ngục đốt cột đồng cháyrồi bắt người tội ôm lấy, hay ngu si rồi dựng lên những hạt giống sân hận đảo điên, cứ mãi ôm thù ấp hận mà không chịu xả bỏ, nên tâm hồn ngày đêm cứ mãi bừng bừng trong lửa hận; tợ như từng ngọn lửa lớn táp vào mình.

Hoặc có địa ngục lạnh cứng tâm hồn như giá băng, làm cho bi quan chán chường, ảm đạm thê lương, lạnh lùng u tối.

Hoặc có địa ngục chứa đầy tâm hồn dơ bẩnnhư đồ phẩn tiểu; hoặc có địa ngục tạo ra châm chích như gai nhọn châm mình; hoặc có địa ngục như chông sắtđâm thủng chântay; hoặc có địa ngục như vừa nhức vừa rát bỏng tựa hồ bị giáo lửađâm vào.

Hoặc có địa ngục nặng trĩu đôi vai tội lỗi; hoặc có địa ngục cháy bỏng làm cho chân tay co rút queo quắp; hoặc có địa ngục rình rập hãm hại, chờ để cắn lén người nên gọi là rắn độc cắn lén; hoặc có những nổi thống khổ như bị chó sắt cắn đuổi; hoặc có những nổi khổ bức bách ngày đêm, như bị lừa sắt đóng ách.

Nói tóm lại, những hành động do vô minh sai sử (địa ngục); do tham lam, ích kỷ, keo kiết, độc ác, lưu manh điều khiển (ngạ quỉ); do những hành vi thấp hèn đầy thú tínhtạo ra (súc sinh).v.v… thì đều chịu những hệ quả bức bách, nặng nề, nóng bức, đau khổ như bị lửa đốt thiêu, như bị ném đá, như bị khí cụ bằng đồng, bằng sắt đâm chém, bức ngặt. Tất cả những cảnh khổ đau ấy là đều do nghiệp của chúng sinhchiêu cảm lấy. Đã gọi là chiêu cảm, thì bất cứ ai tạo ra những nghiệp nhân xấu ác, đều phải chịu cảnh địa ngục hành hình, chứ không thể trốn đâu được.Vì vậy cho nên, người trí thì nỗ lựctu thân hành thiện, để chuyển hóa những nghiệp nhân xấu ác, rồi dần dần hướng tâm đến giải thoát, giác ngộ.

Còn kẻ ngu si, người căn trí thấp kém, thì cứ mãi tạo thêm những nghiệp nhân xấu ác; để đến lúc quả báo đau khổ ập đến, thì chỉ biết kêu trời trách đất, nuôi thêm thù hận; mà không biết hành vi tự tác tự thọ của chính mình. Đã tạo ra nhiều nghiệp nhân xấu ác sai khác như thế, thì hệ quả khổ đau cũng thiên hình vạn trạng.Và người biết rõ những địa ngục ấy, không ai khác hơn ngoài tâm địa dày chắc và chứa đủ của mình (Địa Tạng). Vì vậy cho nên, bồ tát Địa Tạng thưa với bồ tát Phổ Hiền rằng: “Thưa nhân giả ! Đó là đều do chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề (cõi lòng)này làm những điều xấu ác, mà tự chiêu cảm ra những địa ngục như thế”.

Xấu ác trùm cả tâm hồn cũng do tâm sinh; mà hiền thiện trùm khắp cũng không ngoài tâm có. Tâm phân ra nơi ba đường xấu ác thì địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh phát sinh.Tâm biết quay về nương tựa thiện nghiệp thì ở trời, người.Tâm ở nơi tánh giác mà tùy phương tiện làm lợi ích cho chúng sinh (hậu đắc trí) thì hiền thiện trùm khắp, nên gọi là Phổ Hiền.Đó là nói sơ lược về sự báo ứng, và những hình phạt do tâm vô minh tạo ra, nếu giảng rộng ra thì cùng kiếp cũng không hết.

Đức Phật dạy: “Đạp mây mà uống nước cam lộ cũng tại các ngươi. Đào sâu xuống hố khổ đau (địa ngục)cũng tại các ngươi, chứ không ai khác”.Xin hành giả liễu tri.

Lược giải phẩm thứ 6

NHƯ LAI TÁN THÁN

-----

Đức Phật khen ngợi Địa Tạng:

Phẩm thứ sáu này đức Phật dùng lời ngợi khen về những công hạnh làm lợi ích cho trời, rồng, người, quỉ, thần.v.v…của ngài Địa Tạng. Bồ tát Địa Tạng hiện sức từ bi oai thần lớn không thể nghĩ bàn để cứu giúp hết thảy chúng sinh bị tội khổ, chính là diệu dụng của tự tánh tự độ; hay sự quay về nương tựa bổn tôn của mình, làm cho tình thức đi vào tịch tịnh. Chân tâm (Địa Tạng)thì trùm khắp pháp giới, tức khắp cả mười phương.Vì vậy cho nên, người thưa hỏi đức Phật chính là bồ tát Phổ Quảng.Phổ là cùng khắp (phổ quát), Quảng là rộng lớn không ngằn mé.Phổ Quảng hỏi là: “Muốn phổ biến rộng khắp về nguyên nhân và hệ quả của bổn tâm (Địa Tạng)để làm lợi ích cho trời, rồng, tám bộ và chúng sinh hết khổ, thì phải làm sao?”.

Phật dạy sự lợi ích của nghe tự tánh và quán tự tánh(Địa Tạng): Đức Phật trả lời rằng: “Trong đời vị lai có người trai hiền, gái lành nào nghe danh hiệu của bồ tát Địa Tạng (văn tự tánh), chắp tay tán thán, đảnh lễ, luyến mộ thì người ấy sẽ qua khỏi tội khổ trong ba mươi kiếp”.

Vị lai là nhắm đến những chúng sinh sẽ được Địa Tạng (chân tâm)độ thoát, nếu biết phản lại cái nghe mà nghe lại tự tánh, nên những tự ngôn tự ngữ trong tâm bị đoạn diệt.Đó chính là diệu dụng của bổn tôn mà ai cũng có. Chân tâm vốn tự chẳng sinh chẳng diệt, cho nên người nào biết khen ngợi, quy kính, luyến mộtrở về bảo trọng chân tâm thì sẽ vượt qua mười vọng tưởng căn bản trong ba thời gian (biểu trưng ba mươi kiếp). Thành tựu nhất tâm bằng văn tự tánh, nên ba nghiệp đi vào thanh tịnh.

Hoặc có người nào họa vẽ hình tượng, hoặc keo dán, vàng bạc đồng sắt đắp lên hình Địa tạng rồi chiêm ngưỡng, đảnh lễ thì sẽ sinh thiên, không còn bị đọa vào đường ác.Đoạn trên là “văn tự tánh” (nghe danh); còn đoạn này thì dạy “quán tự tánh” (chiêm ngưỡng).Nhờ quán tự tánh nên tâm ra khỏi những vọng niệm xấu ác và trở nên thuần thiện, nên nói sinh thiên.Hoặc phước trời hết thì sinh vào nhân gian cũng được làm quốc vương, nhờ tâm thuần thiện của mình.Bởi tâm thuần thiện là phước báo của trời, người vậy.

Thoát khỏi thân người nữ:

“Hoặc có người nữ nào muốn thoát khỏi thân nữ (1)thì phải hết lòng cúng dường, họa tượng và dùng đất đá keo đồng sắt tạo hình bồ tát Địa Tạng, ngày ngày thường đem hương hoa.v.v…cúng dường.Người nữ này mãn một kiếp thân nữ rồi, thì trăm ngàn vạn kiếp sau không còn sinh vào thế giới có người nữ, huống là thọ lại thân nữ”.Cúng dường ở đây là dụ cho hạnh xả ly; mà thân nữ là dụ cho tâm sinh diệt.Xả ly những vọng niệm sinh diệt chính là cúng dường tự tánh, hay hằng thuận pháp tánh.Vì vậy cho nên, mỗi khi tâm sinh diệt đã chấm dứt (thoát kiếp nữ)thì vĩnh viễn ra khỏi luân hồi, nên kinh văn dụ cho “thế giới không có người nữ”.Trừ khi phát nguyện dùng phương tiện độ sinh thì mới sử dụng tâm sinh diệt để thuyết giáo mà thôi. Vì vậy cho nên, đức Phật nói: “Chúng sinh thì luôn bị trước tưởng, còn ta thì chỉ dùng lưu bố tưởng mà thôi”.(2)

Thân tướng tốt đẹp: “Nếu có người nào mà nhàm chán thân gái xấu xí và nhiều bệnh tật,thì nên đến trước tượng của Địa Tạng hết lòng chiêm ngưỡng đảnh lễ; thì người này ngàn vạn kiếp thọ sinh được thân hình tướng mạo viên mãn, không còn tật bệnh”. Như trên đã nói, thân gái là dụ cho vọng tâm sinh diệt; mà nhiều tật bệnh xấu xí là dụ cho những tâm niệm xấu ác bệnh hoạn. Chiêm ngưỡng hay quán tự tánh, nên tâm trở nên tròn đầy tốt đẹp, không còn vọng tâm xấu ác nữa. Hoặc nếu còn sử dụng tâm sinh diệt thì chỉ dùng tâm thiện và những lời từ ái (ái ngữ)mà thôi, nên kinh dụ cho sinh vào nhà quyền quý như vua quan, đại trưởng giả, tướng mạo đoan nghiêm xinh đẹp, tức dụ cho lời hay ý đẹp.

Quỉ thần hộ vệ:“Lại nữa, nếu có người thiện nam, tín nữ nào đối trước tượng bồ tát mà trổi các thứ kỹ nhạc ngâm ca khen ngợi (tán thán điều lành), dùng hương hoa cúng dường (dùng lời hay ý đẹp), cho đến khuyến hóa một người hay nhiều người, thì những người ấy ở trong đời hiện tại cùng đời vị lai thường được trăm ngàn quỷ thần ngày đêm hộ vệ, không để cho việc ác đến tai người ấy, hà huống là nhận chịu các điều tai ươn khổ sở”. Nuôi dưỡng tâm lành, tán thán điều lành, và dùng lời hay ý đẹp để đi vào cuộc sống thì những điều bất thiện xấu ác (quỉ thần)sẽ lui bước; cho đến những tiếng hung dữ cũng không lọt được vào tai. Bảo hộ tâm thiện thì tâm ác sẽ biến mất là tất yếu, nên hoạnh khổ sẽ không còn.Và mỗi khi sống lại với tự tánh bổn nhiên (Địa Tạng), thì những tâm độc hại không còn quấy nhiễu nữa, nên nói là bảo hộ vậy.

Khinh chê Địa Tạng: “Lại nữa, nếu thấy ai quay về nương tựa bổn tâm (Địa Tạng), kính trọng tâm, quán chiếu tâm, đưa tâm trở lại thanh tịnh bản nhiên; mà sinh vọng tâm khinh chê, hoặc khuyên bảo người khác khinh chê, cho đến sinh tâm khinh chê trong chừng một niệm, thì cho dù ngàn đức Phật trong kiếp hiện tại  nhập diệt cả rồi, những vị ấy còn ở trong địa ngục chịu khổ rất nặng”. Đó là nói về những kẻ không tin nhân quả báo ứng, không tin thiện ác, không tôn trọng chánh pháp (người ác, người không tin nhân quả, quỉ thần ác…), khinh chê thánh hiền, khinh chê người tu hành;  nên mãi ở trong ba đường xấu ác và phải chịu khổ đau dài dài, do hành vi bất thiện của họ. Vì vậy cho nên, kinh văn diễn tả: “Qua khỏi kiếp hiện tại này rồi thì mới thọ thân ngạ quỉ, rồi lại ngàn kiếp nữa mới thọ thân súc sinh, rồi lại ngàn kiếp nữa mới thọ thân người bần cùng hèn hạ, các căn không đủ, hoặc bị nhiều nghiệp nhân xấu ác trói buộc thân tâm, nên phải chịu khổ đau liên tục”.Những ác kiến trong tâm tự nó tiêu diệt nghiệp lành, nên hệ quả phải rơi vào ba đường xấu ác là: địa ngục, ngạ quỉsúc sinh. Giá như có sinh vào loài người đi nữa thì thân tâm cũng chứa nhiều tật bệnh khổ đau là tất yếu.

Lại nữa, ai có nhiều tâm niệm quá xấu ác tràn ngập tâm hồn mà kinh dụ cho bị bệnh nặng nằm liệt giường, hoặc có những giấc mộng xấu ác (nhắm mắt chiêm bao=dụ cho mạt na thức)thì nên đối trước tượng của chư Phật, chư Bồ tát mà lớn tiếng đọc tụng kinh này một biến; hoặc lấy những đồ vật riêng của người bệnh ưa thíchcúng dường Phật, pháp, tăng thì sau khi chết người bệnh thoát khỏi các tội nặng về trước. Đau ốm là biểu trưng cho tâm ý xấu ác, do chất chứa những hạt giống xấu ác. Nay đọc tụng kinh Địa Tạng, tức biết trở lại sống với tâm thanh tịnh bổn nhiêncủa mình, nên những tâm niệm xấu ác bị đoạn trừ; tâm trở lại thuần thiện, nên hết bệnh nan y. Bệnh nan y của con người là bệnh của tham, sân, si chứ không gì khác. Nhờ trở về với tâm thanh tịnh bổn nhiên (Địa Tạng)thì những hạt giốngxấu ác sẽ chấm dứt. Đó cũng chính là công hạnh của Bồ tát Phổ Quảng, hay diệu dụng rộng khắp của chân tâm, làm cho ý thức chuyển thành trí quán sát vi diệu (Diệu quán sát trí), mà không tạo nghiệp nữa.

Siêu độ vong linh: Còn phần này là nói về siêu độ cho thân trung ấm, hay giải trừ nhắm mắt chiêm bao của thức Mạt na. Mộng tưởng chính là do những ảnh tượng của thức Mạt na biến dạng. Những hạt giống xấu ác được lưu giữ trong kho tàng thức (A lại da)nên khi ngủ chiêm bao thì nó hiện lên ở mặt nổi của Mạt na, thành những cơn ác mộng mà kinh văn dụ cho thấy các hàng quỉ, thần nhẫn đến hình lạ, tạo thành những tâm lý sợ hãi, buồn bã, khổ đau.v.v… Những hạt giống tâm lý xấu ác ấy, không những tích tập ở trong hiện tại mà còn tích tập từ nhiều đời kiếp về trước, không biết trông mong vào phước lực nào để làm cho tiêu tan. Nay nhờ sức oai thần của Phổ Quảng làm cho tâm rộng lớn, hay diệu dụng của tự tánh tự  độ (Địa Tạng), làm cho mạt na thức chuyển thành trí tánh bình đẳng(Bình đẳng tánh trí), chấm dứt nhắm mắt chiêm bao, nên kinh văn nói khi mơ ngủ không thấy hiện về nữa.

Vì vậy, mỗi khi hành giả trở lại sống với bổn tôn của mình, thì sẽ được giải thoát, tức giải trừ được chấp thủ về ngã và pháp của ý thứcMạt na thức. Mở mắt chiêm bao được dụ cho ý, và nhắm mắt chiêm bao được ám chỉ cho Mạt na; là hai động lực chấp ngãchấp pháp. Hai chấp trong tâm chấm dứt thì được giải thoát là tất yếu (3).Vì vậy cho nên, người đem thần lực để làm cho hàng quyến thuộc (những tâm lý phụ thuộc)được giải thoát, chính là bồ tát Phổ Quảng (làm cho tâm rộng lớn trùm khắp).Dầu nhiều đời kiếp tạo nhiều nghiệp nhân xấu ác, nhưng nay biết quay trở lại với bổn tâm rộng lớn và dày chắc của mình thì những vọng nghiệp ấy sẽ diệt mất.

Thoát khỏi nô lệ: Nô lệ là bị trói buộc vào, làm mất tự do bởi động lực của tham, sân, si. Tâm thức luôn làm nô lệ cho những hành vi xấu ác mà kinh văn dụ cho hạng người hạ tiện, hoặc làm tôi tớ, làm cho mất tự do hay mất tự chủ. Vì lòng tham làm cho mình mờ tối, vì nổi sân cũng làm cho mình mất trí khôn.Tham, sân, si là ba hành tướng tâm lý làm cho mình mất tự chủ nênnói là bị nô lệ. Vì vậy cho nên, cần phải sám hối những nghiệp nhân xấu ác, và quay về sống với chân tâm mà kinh văn dụ cho “chí tâm chiêm ngưỡng Địa Tạng”, thì sẽ thoát khỏi nô lệ và được tự do, hay giải thoát. Sở dĩ chúng ta bị mất tự do là do tình thức khống chế. Nay biết nương vào thiện nghiệpchuyển hóa, hoặc nương vào bổn tâm mà giải trừ, thì chướng phiền não (hạ tiện, tôi tớ)và chướng sở tri (mất tự do)sẽ bị đoạn tận. Giải trừ được chấp ngãchấp pháp bằng cách trở về sống với bổn tâm, nên được giải thoát (thoát khỏi nô lệ); bởi tâm không còn bị nghiệp lực khống chế nữa.

Sinh con dễ nuôi: Phần này nói về sinh con dễ nuôi, hay thiện tâm mới phát của hàng vua chúa, hàng Bà la môn, trưởng giả, cư sĩ (4), mới biết thú hướng giải thoát giác ngộ, mà kinh văn biểu trưng cho tụng đọc kinh Địa Tạng, hay niệm danh hiệu Địa Tạng (tự tánh). Mới sinh là dụ cho tân nghiệp, mà dễ nuôi là dụ cho tâm thiện.Vì tâm hướng thiện, tâm hướng đến giải thoát (niệm danh Địa Tạng), nên những nghiệp xấu ác của quá khứ (ương báo đời trước)cũng được tiêu trừ. Mẹ là ám chỉ cho A lại da thức (tạng thức = kho chứa, hay cưu mang), mà con là ý thứcMạt na thức (thuộc về tạo tác và chấp thủ), nên nói sinh con. Vì vậy cho nên, bước đầu của sự tu hành là phải phát thiện tâm (sinh con dễ nuôi)hay nuôi dưỡng thiện nghiệp; rồi dần dần mới hướng đến giải thoát (trì kinh Địa Tạng).Nhờ trở lại sống với tâm Như Lai tạng nên tân nghiệp và cựu nghiệp đều được dứt trừ, mới vượt qua sinh tử, nên nói “thọ mạng lâu dài”. Ở kinh Trung bộ, đức Phật cũng nói về hình ảnh chú bê con chạy theo mẹ nên cũng được qua sông, tức ý thứcMạt na thức trở về nương tựa bổn tâm dày chắc và chứa đủ của mình (Địa Tạng), nên vượt qua sinh tử.

Xa lìa đường ác, thoát khỏi nạn tai: Như trên đã nói cõi Nam Diêm Phù Đề chính là cõi lòng; cho nên cử tâm động niệm đều là nghiệp cả. Tâm thiện thì phát sinh nghiệp lành, tâm ác thì phát sinh nghiệp xấu.Bốn trọng tội là giết hại, trộm cắp, tà dâm, và đại vọng ngữ(tự nói mình chứng này, nọ)tạo thành những hệ quả xấu ác. Mười ngày trai là định kỳ cho những người mới tu thực hành cho thân tâmtrong sạch; nhưng mười ngày trai cũng ám chỉ cho mười vọng tưởng căn bản tạo thành nghiệp thiện hay ác (5), nên kinh văn nói “Mười ngày trên đây là ngày mà các nghiệp tội kết nhóm để định là nặng hay nhẹ”. Nếu phạm vào bốn tội nặng là giết hại, trộm cắp, tà dâm, và đại vọng ngữ thì sẽ đọa vào địa ngục khổ đau.Vì vậy cho nên, muốn thoát khỏi khổ đau, ách nạn thì phải làm cho tâm trở nên thanh tịnh mà kinh dụ cho “trì kinh Địa Tạng trong 10 ngày”, tức vượt qua mười vọng tâm căn bản. Tội do tâm sinh, nhưng nay tâm biết trở lại với tánh giác, thì tội không còn. Trai là tâm thanh tịnh bổn nhiên, nên trì kinh Địa Tạng chính là trì tự tánhlàm cho tình thức được hóa giải, nên tâm không còn bị khổ nạn.Đông, tây, nam, bắc, bốn gốc, trên, dưới là dụ cho tâm bao trùm mười pháp giới (6).Kết quả của tự tánh tự độ là được tướng cụ túc, tức thành tựu pháp thân trí tướng (7). Oai thần của Địa Tạng hay chân tâm thì không thể nghĩ bàn. Vì vậy cho nên, ai biết quay về bảo trọng chân tâm thì lìa hẳn đường ác, và được sự an lạc thù diệu.

Tên của kinh:Đến đây Bồ tát Phổ Quảng hỏi đức Phật về danh hiệu của kinh này và cách lưu truyền.

Đức Phật dạy kinh này có ba danh hiệu:

Một là Địa Tạng bổn nguyện,hay nguyện trở về với bổn tâm thanh tịnh của mình.

Hai là Địa Tạng bổn hạnh, nghĩa là phải thực hành tự tánh tự độ ở nơi tâm.

Ba là Địa Tạng sức mạnh của bổn thệ, tức dùng lời thề nguyện như một sức mạnh để bảo trọng chân tâm.

Như vậy, tên kinh mà đồng thời cũng là pháp và pháp Địa Tạng ở đây là trở về nương tựa với chân tâm rộng lớn, dày chắc và chứa đủ của mình, mà như bài tựa đã diễn tả.Thành tựu thệ, nguyện, hạnh của tâm cũng chính là diệu dụng tự tánh tự độ của bồ tát Phổ Quảng. Một vị đóng vai hậu đắc trí, tức cái trí phân biệt do tâm khởi đại bi để độ tận chúng sinh (từ bi đại giáo chủ). Một vị đóng vai căn bản trí, tức cái trí vô phân biệt, nên lìa năng duyênvà sở duyên, nên thưa thỉnh với đức Phật giảng nói về công hạnh của bồ tát Địa Tạng là làm sao để độ thoát những nghiệp cảm của chúng sinh, làm cho tâm chúng sinh siêu việt tư lượng, để cho tâm trở nên rộng lớn (Phổ Quảng). Có hiểu được thật nghĩa của kinh văn, mới hiểu được sự trì kinh hay niệm danh hiệu của Địa Tạng.

Tạo những nghiệp cảm để nhận lấy những hệ quả khổ đau (địa ngục)cũng do nơi tâm; mà làm cho tâm giải thoát an lạc thù diệu, cũng không ngoài tâm mà có. Nghiệp cảm duyên khởitự tánh tự độ chỉ ở trong tâm, nên đức Phật nói vị Đại sĩ này (Địa Tạng)có duyên rộng lớn với chúng sinh.Như vậy, tên kinh mà cũng chính là diệu dụng của chân tâm, làm cho thủy giác (Địa Tạng)trở lại với bổn giác (Phổ Quảng).Nhưng, thủy và bổn thì chẳng hai (Thủy, bổn bất nhị).Xin hành giả liễu tri.

Ghi chú:

(1).Dụ cho tâm sinh diệt.

(2).Trước tưởng là chấp vào những thứ do vọng tâm sinh ra. Còn lưu bố tưởng là tùy những thứ giả lập của chúng sinhđức Phật dùng cho họ dễ hiểu, chứ không chấp vào.

(3).nhị chấp vĩnh đoạn, nhập bất nhị pháp môn.

(4).Chỉ cho hàng thiện tri thức.

(5).Kinh Kim cang chỉ ra mười vọng tưởng căn bản: sinh bằng trứng, bằng thai, bằng chỗ ẩm thấp, bằng chuyển hóa, có sắt chất, không sắt chất, có tưởng, không tưởng, chẳng có tưởng, chẳng không tưởng. Kinh Di Đà thì ghi là quá thập (vượt qua 10 tưởng).

(6).Nhất chúng sinh tâm cụ thập pháp giới.

(7).Giải trừ mở mắt chiêm bao của ý thức, và nhắm mắt

chiêm bao của Mạt na thức, làm cho tâm được sự an lạc thù diệu, thành tự cụ túc trí tướng.


Lược giải phẩm thứ 7

LỢI ÍCH KẺ CÒN NGƯỜI MẤT

 

Phẩm này là khuyên tu thánh đạo, để lìa khỏi nghiệp tội, hay lợi ích kẻ còn người mất. Ngài Địa Tạng bạch với đức Phật rằng: “Con xem xét chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề, khởi tâm động niệm không gì là không tội. Nếu gặp những việc lợi lành thì phần nhiều thối thất tâm tốt ban đầu. Còn gặp những duyên xấu ác thì niệm ác tăng nhanh”.

Như bài tựa đã định nghĩa, Địa Tạng là vị giáo chủ của cõi lòng đầy mê mờ tội lỗi (u minh giáo chủ).Vì vậy cho nên, không ai ngoài Như Lai tạng tâm(Địa Tạng)của mình mới thấy rõ mọi hành tướng xấu ác trong tâm mình. Khởi tâm động niệm chính là nghiệp, và phần lớn những nghiệp nhân xấu ác là do tham sân si điều khiển, mà lòng tham thì không đáy nên tăng trưởng rất nhanh.

Còn tâm tốt thì lâu lâu mới xuất hiện nếu gặp những duyên lành; nhưng cũng rất dễ bị thối thất tâm tốt ban đầu, nếu nửa chừng để cho tâm tham sân lọt vào, làm cho danh lợi nổi lên.Người mà đã phó thác cho lòng tham điều khiển, thì như kẻ gánh đá nặng càng ngày càng lún sâu vào bùn tội lỗi, nên quả báo xấu ác cũng càng tăng, tạo nên khổ đau bất tận.Đúng là nhiều tham thì lắm khổ (đa dục đa khổ); cho nên trường đời là bãi chiến trường không có ngày kết thúc, nếu nhân loại không biết giải trừ hoặc kiềm chế được lòng tham.Những bậc thức giả thì hãy canh chừng: Hễ ở đâu có của cải vật chất, có tiền tài, danh vọngđịa vị, thì ở đó có sự tranh chấp lẫn nhau, và người ta rất dễ dàng đánh mất nhân tính. Lòng tham của con người, được đức Phật dụ cho người gánh đá nặng, lại đi vào bùn sâu, càng đi càng lún và khổ đau khốn đốn lại càng nhiều. Nay nhờ thiện tri thức đội giùm cho, làm cho người này mạnh chân lên mà ra khỏi bùn lầy và từ nay đừng đi vào đó nữa.

Thiện tri thức là ai vậy?

Thiện tri thức chính là đức Phật, là người đã giác ngộ, là các bậc thánh hiền. Các Ngài đã đem giáo pháp giải thoát giác ngộ để dẫn dắt chúng sinh; rồi mỗi chúng sinh nương vào chánh pháp như là phương tiện ban đầu, và tự làm cho nguồn tâm mình sáng tỏ, để giải trừ những nghiệp nhân xấu ác. Vì vậy cho nên:

-Thiện là không tự làm tổn hại thân tâm của mình và người. Làm cho ba hành nghiệp thuần thiện là: Ý không nghĩ hại, miệng không nói lời xấu ác, thân không hành động tác hại.

-Tri là rõ biết nghiệp nhân thiện, ác và vô ký để chuyển hóa thân tâm và ngoại tại đến chỗ tốt lành.Biết rõ thế giới đảo điên là do lòng người điên đảo cộng lại, và tìm cách tháo gỡ giải trừ; chứ không trách cứ một ai, cũng không phó thác cho một Đấng siêu thực nào cả. Y báochánh báo tương ứng, bởi từng nghiệp riêng (biệt nghiệp) và nghiệp chung(cộng nghiệp).

-Thức là giác biết bổn tâm, thấu rõ bổn tánh (thức tự tâm nguyên), mà kinh văn dạy là trở lại nương tựa ngài Địa Tạng vậy(bổn nhiên tịnh tâm địa). Trở lại nương tựa vào bổn tâm thanh tịnh của mình bằng cách nào?Đó là câu hỏi của người sơ cơ mới đi tìm đạo vậy. Vì có một cách nào cụ thể như trì chú, niệm danh hiệu Phật, Bồ tát, quán một đối tượng tâm ý.v.v… thì đó là pháp đối của nhị thừa, bởi năng quán và sở quán, vẫn còn ở trên dòng tâm thức sinh diệt, nên hệ quả là: thiện, ác hoặc rơi vào vô ký. Có nhiều hành giả, niệm danh hiệu Phật đạt đến “vô niệm tự niệm”, mỗi khi ý thức bị liệt do lấy câu Phật danh đè bẹp. Ý thức thuộc về tư duy, nhưng mỗi khi dùng một quán ngữ vô ký để gom đa niệm về nhất niệm rồi thì phải dừng lại; nếu cứ tiếp tục thì sẽ đẩy quán ngữ ấy cho mạt na nên mới có “vô niệm tự niệm”. Và mỗi khi thức mạt na gặm chặt quán ngữ vô ký này rồi, thì trăm kiếp ngàn đời khó làm cho tánh giác bùng dậy. Hễ còn đối tượng (sở quán)thì thức năng quán vẫn còn bám sát; mà phải làm cho “năng sở song vong” (cả hai đều tan biến)thì tánh giác mới hiển lộ. Bởi vậy cho nên, “hiện tiền còn lập trước vật, thì duy thức tánh không bao giờ hiển lộ”.Hành giả phải thấu rõ điều này.

Đã là chúng sinh thì do vô minh điều khiển, nên không một ý nghĩ nào mà không trái với chân lý (cử tâm động niệm vô phi thị tội). Vì vậy cho nên, dầu gặp được duyên lành phát tâm tu sửa, nhưng cũng dễ bị thối thất tâm tốt ban đầu. Như người yếu tay mà chèo thuyền ngược dòng nước chảy xiếc, chỉ cần lơi tay thì thuyền bị đẩy lùi vạn dặm. Vì vậy cho nên, đức Phật dạy: “Ý ngươi không đáng tin, không đáng tin ý ngươi. Khi nào chứng quả A La Hán mới đáng tin ý ngươi”.Người tu hành cũng vậy, nếu không giữ được cái chí nguyện ban đầu nên dễ thối thất sự tu hành; không nói là nửa chừng rơi vào danh lợi lúc nào không hay, để rồi phải quay trở lại trong vũng bùn dục nhiễm, hệ quả là phải mang lông đội sừng kéo cày, chở nặng để trả nợ áo cơm.

Ngược lại, nếu gặp duyên xấu ác thì bị cuống nhanh vào như thuyền xuôi dòng nước xiếc, nếu cất chèo gác mái, thì tha hồ tạo tội. Và mỗi khi những nghiệp nhân xấu ác ấy sắp thành kết quả, nếu biết hướng thiện (tu tạo phước lành), bảo trọng chân tâm thắp sáng trí tuệ (treo phan lộng, thắp đèn), trở lại sống với bổn tâm(đọc tôn kinh), thì những nghiệp nhân xấu ác ấy đều tiêu sạch. Tu nhân thánh đạo chính là tạo duyên lành để hóa giải nghiệp của ý (mở mắt chiêm bao), và chấp thủ hạt giống của Mạt na(nhắm mắt chiêm bao), nhằm hướng đến giải thoát giác ngộ. Giải trừ động cơ chấp ngãchấp pháp (ý thứcMạt na thức)bằng niệm tự tánh (danh hiệu Phật), bằng thực hành sáu ba la mật (niệm danh hiệu Bồ tát), hoặc quán chiếu mười hai nhân duyên theo chiều hoàn diệt (niệm Phật Bích Chi), làm cho tâm thức quay lại tự tánh hay bổn tôn (Địa Tạng)của mình. Đó là nói về nội lực của người biết tu hành, biết công phu hàm dưỡng tự tánh, tạo lực “vô công dụng hạnh” để phá tan hầm sâu vô minh.

Còn ngoại duyênthiện hữu bên ngoài (thân bằng quyến thuộc)làm trợ duyên cho vong giả bằng tu tạo phước lành, cúng dường, bố thí, hoặc tụng kinh bái sám trợ niệm cho họ, nhằm giữ được thiện tâm, không rơi vào cảnh giới xấu ác.Điều cần để ý là người thân chớ tạo thêm những nghiệp nhân xấu ác, như giết hại súc vật để cúng tế quỉ thần. Bởi làm chư vậy tức tạo cộng nghiệp xấu ác cho thân nhân mà thôi. Chẳng khác gì bỏ thêm đá nặng cho người gánh nặng, thì càng lún vào bùn sâu tội lỗi.

Tóm lại, phải ở trong Phật pháp mà làm việc lành cho dầu nhỏ như sợi lông, giọt nước cũng được lợi ích.Phật pháp ở đây là tâm thanh tịnh bổn nhiên (Địa Tạng).Còn không ở trong Phật pháp (chân tâm)mà làm việc lành thì đều là tạo nghiệp cả, bởi còn bị tình thức chi phối vậy. Nghiệp là chuỗi dài sinh khởimang theo của tình thức. Vì vậy cho nên, trở về bảo trọng tự tánh là việc lợi ích cho người còn, kẻ mất.

Đến đây, trưởng giả Đại Biện thưa hỏi ngài Địa Tạng: “Thưa Đại sĩ ! Những chúng sinh trong cõi Nam Diêm Phù Đề này sau khi mạng chung, trong hàng quyến thuộc kẻ lớn người nhỏ vì người chết ấy mà tu tạo công đức, cho đến thiết trai cúng dường, làm những việc tốt lành, thì người chết ấy được lợi ích lớn, và được giải thoát chăng ?”.

Trưởng giả Đại Biện từ lâu đã chứng vô sanh (bổn giác), nhưng nay hiện thân trưởng giả để hóa độ chúng sinh trong mười phương, nên mới thưa hỏi. Mục đích của thưa hỏi là để biện luận rộng ra cho thông suốt nghĩa lý nên gọi là Đại Biện, và điều đem ra giải rộng ở đây là vì người mất mà tu tạo công đức, thì người mất ấy được lợi ích như thế nào, và có giải thoát không?

Bồ tát Địa Tạng đáp rằng: Những chúng sinh trong hiện tại và về tương lai (tức từ nay về sau), bất luận là có tội hay không tội, nếu được nghe danh hiệu Phật (tức văn tự tánh), hoặc xả ly tình thức ở trong tâm một cách rốt ráo (niệm Bồ tát hay thực hành sáu ba la mật), hoặc quán chiếu hoàn diệt mười hai nhân duyên (niệm Bích Chi) thì sẽ được giải thoát cả. Bậc cao thì niệm tự tánh, bậc trung thì thực hành sáu ba la mật (giác hữu tình)làm cho tình thức tan biến, hoặc quán chiếu mười hai nhân duyên (Duyên giác), làm cho tâm dần dần đi vào tịch tịnh.

Vả lại, người nào lúc còn sống tạo nhiều tội lỗi, sau khi chết thì thân quyến vì người chết mà tạo phước lợi, thực hành những việc về thánh đạo để hồi hướng cho vong giả, thì vong giả chỉ hưởng được một phần duyên cớ mà thôi. Ngược lại, người thân tạo nhiều phước lợi và thực hành thánh đạo thì hưởng được sáu phần, tức sáu căntiếp xúc trọn vẹn với nghiệp thiện và chánh pháp. Vì vậy cho nên, ngài Địa Tạng khuyên chúng ta nỗ lực tu hành trong lúc sinh tiền, thì mới hưởng trọn phần công đức.Trong dòng nhân quả, có nhiều nhân duyên tác động qua lại ở trong cộng nghiệp và biệt nghiệp.Mỗi cá nhân tự tạo nhiều nghiệp lành thì sẽ nhận được kết quả lành; ngược lại làm ác thì nhận hệ quả xấu ác.Có nhiều trường hợp nhờ vào cộng nghiệp của gia đìnhcá nhân ấy cũng được chia phần, cả tốt lẫn xấu nhưng chia phần thì khi nào cũng ít hơn tự mình làm, tức được một phần bảy như kinh diễn tả vậy.

Chết cũng được dụ cho nhắm mắt chiêm bao, tức công việc chấp giữ hạt giống của thức Mạt na. Vì vậy cho nên, trước hết là do ý thức tạo nghiệp tốt hay xấu, mà thức Mạt na gìn giữ hạt giống thiện hay ác. Và cũng phải nhờ ý thức hướng đến thánh đạotức chuyển ý thức thành trí quán sát vi diệu(diệu quán sát trí), nên cũng giúp cho thức Mạt na từ bỏ chấp thủ để chuyển thành trí tánh bình đẳng(bình đẳng tánh trí).Làm cho tình thức chuyển thành trí tuệ, chính là xả ly không năng sở, nên nói “thiết trai cúng dường” là kinh văn ẩn dụ cho tâm xả ly một cách rốt ráo.Trai giới là làm cho tâm thanh tịnh trở lại (bổn nhiên tịnh tâm địa), bằng cúng dường là xả sạch chấp ngãchấp pháp.

Đó là ý nghĩa ngài “Địa Tạng nói xong lời này tại cung trời Đao Lợi, thì có vô số vạn ức không thể tính hết quỉ thầnDiêm Phù Đề (cõi lòng)đều phát tâm giác ngộ vô thượng”. Nghĩa ẩn là mỗi khi biết nghe sự giáo hóa của bổn tâm (Địa Tạng), hay tiếng nói của lương tâm thì người ấy bắt đầu hướng thiện (trời Đao Lợi) và biết sống lại với tánh giác bổn nhiên của mình (phát tâm bồ đề). Tâm xấu ác quỉ quyệt (dụ cho quỉ thần), và tâm thuần thiện là dụ cho cõi trời (tức mười thiện), tâm tịch chiếu bổn nhiên là Phật tánh.

Quỉ thần cũng do tâm sinh, thiện lành hoặc giải thoát giác ngộ cũng không ngoài tâm có. Đó chính là diệu dụng của trưởng giả Đại Biệnphương tiện hỏi lại Địa Tạng, hay tự tham vấn tâm rộng lớn của mình, để thấy rõ đâu là tâm xấu ác quỉ quyệt, đâu là tâm hiền thiện tốt đẹp, đâu là tâm giải thoát giác ngộ. Chính nhờ Đại Biện gạn hỏi tâm, giúp cho tâm bỏ ác làm lành, và biết trở lại giữ gìn bổn tâm thanh tịnh sáng suốt của mình. Vì vậy cho nên, tu tâmtrước hết là phải biết tham vấn tâmđể thấy rõ mọi hoành tung thiện ác, tốt xấu, khổ đau hay an vui của tâm, để chuyển hóangăn ngừa. Và mỗi khi tâm trở nên thuần thiện, thì dần dần làm cho tâm trở lại thanh tịnh bổn nhiên để vượt thoát sinh tử.Đó chính là tham vấn của Đại Biện vậy.Xin hành giả liễu tri.



Lược giải phẩm thứ 8

VUA DIÊM LA TÁN THÁN

----


1.Vua Diêm Laquỉ vương đều đến chỗ đức Phật ở cung trời Đao Lợi.

Vua Diêm La là vua của cõi âm (âm phủ), tức do vô minh phủ lấp nên nói âm phủ; vua của cõi lòng đầy mê mờ tội lỗi (vô minh) chính là trí tuệ vậy. Vì vậy cho nên, đoạn mở đầu diễn tả: “Vua Diêm ngồi trên ngai xử tội”, bởi không ai thấy rõ tội lỗi của mình bằng chính trí tuệ của mình. Còn Thiết vi chính là tường sắt dày đặc nên không có ánh sáng nào lọt vào được. Thiết vi hay rào sắt là dụ cho vô minh, dụ cho tâm hoàn toàn đen tối, nên chẳng có chút trí tuệ nào lọt vào được. Vì vậy cho nên, vô minh càng nhiều thì khổ đau càng lắm.

Vua Diêm Lavô lượng quỉ vương từ trong chỗ tối tăm (núi thiết vi) đều đến cung trời Đao Lợi, rồi lại đến chỗ đức Phật; tức nhờ ánh sáng của trí tuệ dẫn dắt (Diêm La) nên chuyển ác qua thiện(dụ cho đến Đao Lợi), rồi hướng đến giải thoát giác ngộ (dụ cho đến chỗ đức Phật). Như vậy trí tuệngọn đèn soi sáng tâm hồn, giúp chúng ta thấy rõ hành tướng của nghiệp nhân thiện, ác để chuyển hóa và dứt trừ.

Vậy quỉ vương là gì? Quỉ vương ở đây không phải là ma quỉ theo sự tin tưởng của thế gian; mà là những tư tưởng xấu ác, quỉ quyệt, những ý đồ đen tối, lưu manh, gian xảo, độc ácđê hèn .v.v… ởtrong tâm của chúng ta. Những hành tướng của nghiệp nhân xấu ác do vô minh tạo ra thì có nhiều hình thái khác nhau (thiên hình vạn trạng) nên những sự thống khổ (địa ngục) cũng muôn ngàn sai biệt. Đại để, vua Diêm La kể ra một số tiêu biểu như sau:

 Tâm ai hoàn toàn đen tối, chứa những hạt giống độc ác, rồi nói lời độc ác và hành động độc ác, thì gọi là ác độc quỉ vương, đa ác quỉ vương.

Tâm ai chứa nhiều hạt giống tâm lý tranh chấp, gây gổ, thích hơn thua thắng bại, thì gọi là đại tránh quỉ vương(quỉ vương có nhiều hạt giống tranh chấp).

Tâm ai muốn ăn tươi nuốt sống, muốn làm cho máu đổ lệ rơi, muốn làm cho tan gia bại sản, mất hết nguồn sống, tan thân mất mạng, chớp nhoáng tiêu vong kẻ khác, thì gọi là: Bạch hổ quỉ vương, huyết hổ quỉ vương, xích hổ quỉ vương, tán ương quỉ vương, phi thân quỉ vương, điển quang quỉ vương.

Tâm ai thích cấu xé lẫn nhau, thích lấy oán báo oán thì được gọi là lang nha quỉ vương (chó sói răng nhọn). Trong kinh Pháp cú, đức Phật cũng dạy: “Lấy oán báo oán thì chẳng khác gì chó sói mà đối xử với rắn hổ mang”.

Tâm ai thích nhòm ngó chuyện người để vạch lá tìm sâu, đâm thọc hai đầu, tạo ra nhiều điều quỉ quyệt thì được gọi là quỉ vương ngàn mắt.

Tâm ai muốn ăn tươi nuốt sống kẻ khác, thì được gọi là đạm thú  quỉ  vương (quỉ vương thú ăn thịt).

Tâm ai muốn đè bẹp người khác, bắt người phải chịu nhiều sự khổ đau, thì gọi là phụ  thạch quỉ  vương(quỉ vương vác đá).

Tâm ai muốn cướp hết nguồn sống và lẽ sống của kẻ khác bằng những hành vi quỉ quyệt, thì gọi là chủ hao quỉ vương (quỉ vương chủ hao).

Tâm ai muốn gây tai giáng họa cho kẻ khác, thì gọi là chủ  họa quỉ  vương (quỉ vương chủ họa).

Tâm ai suốt ngày chỉ nghĩ  về  việc giết hại súc vật, bất kể con gì, đểăn uống, nhậu nhẹc, đánh chén đánh ly, say sưa lè nhè, thì gọi là chủ  thực quỉ  vương (quỉ vương chủ về ăn uống).

Tâm ai dùng mưu chước buôn gian bán lận, đầu cơ trích trử, cậy thếỷ quyền, nhằm chiếm đoạt nguồn sống của người khác, thì được gọi là chủ tài quỉ vương (quỉ vương chủ về tài sản).

Tâm ai thích kinh doanh súc vật, cầm thú, buôn bán sinh mạng bằng lò ấp trứng, hoặc tạo tật nguyền bằng cách đưa những hóa chất vào thức ăn, đồ uống như chất melamine, chất vỗ béo.v.v… hoặc siêu vi lây nhiễm (H5Ni, H1N1…), bằng chất phóng xạ nguyên tử, tạo ra vô số hiểm nạn cho người khác thì được gọi là: chủ súc quỉ vương, chủ cầm quỉ vương, chủ thú quỉ vương, chủ mị quỉ vương, chủ sản quỉ vương, chủ mạng quỉ vương, chủ tật quỉ vương, chủ hiểm quỉ vương.

Tâm ai thích vạch lá tìm sâu, nhòm ngó chuyện người để gây mâu thuẩn, tạo ra khổ đau cho kẻ khác, thì được gọi là: tam mục quỉ vương, tứ mục quỉ vương, ngũ mục quỉ vương.

Tâm ai thích làm mất lợi ích cả vật chất lẫn tinh thần kẻ khác, thì được gọi là:kỳ lợi thất vương, đại kỳ lợi thất vương(quỉ vương làm mất lợi ích, quỉ vương làm mất lợi ích lớn). Làm mất lợi ích lớn chính là ngăn cảnphá hoại, không cho người tu giải thoát giác ngộ; không cho tạo lập nơi chốn tu hành, phá Tăng hòa hợp.

Tâm ai thích dùng quyền lực để tạo ra gông cùm xiềng xích, làm cho người mất tự do, hoặc độc tài độc đoán rồi nổi cơn thịnh nộ để làm hại kẻ khác, thì được gọi là: Kỳ lợi xoa vương, đại kỳ lợi xoa vương, a na tra vương, đại a na tra vương(vua bắt tréo tay, vua bắt tréo tay lớn, vua nhiều thịnh nộ, vua nhiều thịnh nộ lớn).

Nhiều quỉ  vương lớn như vậy với cùng trăm nghìn quỉ vương nhỏ, hết thảy đều ở cõi Diêm Phù Đề, đều có sở chấp, đều có phần chủ trị. Như trên đã chỉ rõ cõi Diêm Phù Đề chính là cõi lòng. Tất cả những điều quỉ quyệt lớn nhỏ đều xuất phát từ cõi lòng đen tối của chúng ta; hay nói cách khác quỉ thì phải ở trong núi thiết vi, tức ám chỉ những tâm niệm xấu ác đều xuất phát từ vô minh. Nay các quỉ vương cùng với vua Diêm La nhờ nương oai thần của Phật và của bồ tát lớn Địa Tạng, nên đều đến Đao Lợi và đứng sang một bên; nghĩa là  quỉ và vua quỉ quay lại nương tựa tánh giác, nương tựa Như Lai tạng tâm của mình, nên tâm không còn bị  những hạt giống xấu ác sai sử (đến Đao Lợi).

2.Vua Diêm La bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Nay chúng con cùng với các quỉ vương nương oai thần của Phật, và uy lực của ngài Địa Tạng mới đến được đại hội nơi cung trời Đao Lợi,  và cũng vì chúng con được phước lành. Còn ngài Địa Tạng ở  trong sáu  đường (1)dùng nhiều phương chước để cứu độ chúng sinh mắc phải tội khổ. Nhưng sao chúng sinh vừa thoát ra khỏi tội báo không bao lâu, thì lại đọa vào đường xấu ác nữa?”.

Người nào luôn sống trong chánh niệm tỉnh giác, luôn biết quay lại nương tựa vào tâm Như Lai(oai thần của Phật và uy lựa của Địa tạng), thì người ấy không tạo nghiệp nhân xấu ác nữa, tức được phước báo lành(cung trời Đao Lợi). Còn ngài Địa Tạng dùng nhiều phương tiện để dẫn dắt chúng sinh trong sáu đường, nhằm chuyển hóa những nghiệp nhân xấu ác (chúng sinh mắc tội khổ), tức dùng phương tiện nhị thừa để chuyển hóa hành nghiệp; nhưng nếu chỉ dừng lại ở nhị thừa thì thiện – ác giao xen là tất yếu. Vì vậy cho nên, kinh nói « vừa thoát ra khỏi tội báo không bao lâu, thì lại đọa vào đường xấu ác nữa ».

3.Đức Phật dạy: “chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề tánh tình cứng cõi nên khó dạy khó sửa”(2). Chúng sinh can cường khóđiều khó phục, là chỉ cho vọng niệm ;bởi do tập khí nhiều đời chứa những hạt giống xấu ác, nên khi có chánh niệm thì không tạo ác, nhưng lúc gặp duyên xấu thì những hạt giống xấu ác ấy lại khởi lên. Dòng tâm thức của chúng ta không cố định, nên tùy vô minh ít hay nhiều, lực tĩnh giác mạnh hay yếu, mà bị những con quỉ xấu ác (tâm niệm xấu ác) ấy chi phối lâu hay mau, nên kinh nói cứu ra rồi lại vào.

Đang còn trên tình thức, nên dòng tâm thức ấy (samsāra) bị vô thường chi phối là tất yếu. Vì vậy cho nên, Nhị thừaphương tiện để dẫn hóa chúng sinh từ từ nên mới có ba mươi bảy (37) phẩm trợ đạo. Ai cũng biết tham, sân, si là nguyên nhân của mọi khổ đau, nên khi gặp duyên xấu cũng khởi lên mà chịu khổ. Vì vậy cho nên, phải nhổ sạch cội gốc của nghiệp duyên, tức phải vượt khỏi dòng tâm thức bởi lực “vô công dụng hạnh” mới ra khỏi sinh tử.

Người đi vào đường hiểm nạn chính là người mê, mà người dẫn ra khỏi đường hiểm kia chính là thiện tri thức. Hay nói cách khác, đi vào đường xấu ác là do vô minh, còn đạt giải thoát giác ngộ là bởi trí tuệ. Trí tuệ là ngọn đuốc soi đường đến chân, thiện, mỹ. Tâm thuần thiện, tĩnh lặng sáng suốt thì không còn trở lại đường xấu ác nữa.

Thiện tri thức là người đã thấu suốt hành vi thiện ác, tốt xấu nhằm tự chuyển hóa thân tâm và ngoại tại. Một con người không tự làm khổ mình, không làm khổ người, không làm tổn hại tất cả. Và luôn sống với chánh niệm tĩnh giác, nhằm đem lại sự bình ổn, tươi mát, an lạcgiải thoát cho mình và cho cả chúng sinh, là thiện tri thức. Bởi thiện là làm tăng ích, mà ác là tổn giảm. Những gì làm cho thân tâm an vui thanh thoát là thiện; những gì làm tổn hại thân tâm, tổn hại mình, người là bất thiện. Biết rõ nghiệp đạo xấu ác là thiện, nên từ nay không còn đi vào con đường hiểm nạn ấy nữa là tri, biết rõ nguồn tâm thấu suốt bổn tánh là thức(3).

Ra khỏi tình thức chính là vượt thoát sinh tử, nên không còn bị nghiệp dẫn nữa; đó cũng chính là sự khác biệt của hai từ “mê và ngộ”. Còn bị nghiệp dẫn là còn mê, nhổ sạch nghiệp chướng là ngộ. Vì vậy cho nên, con đường dẫn đến chân lýcon đường của Đạo học, chứ không phải là con đường của Triết học với những khái niệm giả hữu.

4.Quỉ vương bạch Phật:“Chúng con là hàng quỉ vương số đông vô lượng ở trong cõi Diêm Phù Đề. Có vị thì làm lợi ích cho người, nhưng cũng có vị thì làm hại người. Nhưng vì nghiệp báo khiến quyến thuộc của chúng con đi qua các thế giới hệ ác nhiều, mà lành thì ít”.

Như trên đã nói, quỉ chính là những hạt giống xấu ác vô số kể ở trong tâm. Có những hạt giống lợi tha, nhưng khi hành động thì bất thiện; như giết một con mèo để cứu vạn con chuột, hoặc giết một tên cướp để lợi mọi người hiền lương. Bởi do hệ quả sát hại, nên quả báo cũng rơi vào xấu ác khổ đau. Tâm thiện nhưng hành động thì lại bất thiện, nên phải nhận chịu quả báo xấu, hoặc những hành vi hoàn toàn hại người thì cũng đều có quả báo khổ đau. Vì vậy cho nên, lời dạy của đức Phật là: “Ban đầu thiện, giữa thiện và rốt sau đều thiện”. Đó cũng chính là sự khác biệt giữa lời Phật dạy, và các nền văn hóa khác, các tôn giáo khác. Bậc thánh của Phật giáo là « bất hại » mà còn « tác lợi » cho tất cả; còn những tôn giáo khác giết hại tha nhân không mang cùng một nhãn hiệu với mình, thì lại được phong thánh.

Mỗi khi ý thức được như vậy, nên phát nguyện sẽ xả bỏ những tâm niệm xấu ác, không cho nó  chế ngự tâm hồn, và phát nguyện giữ gìn những hạt giống thiện, cho dầu nhỏ như sợi lông, sợi tóc. Đồng thời đảnh lễ khen ngợi những người lương thiện giới đức, những lời thánh thiện, những đấng giác ngộ trong ba thời gian. Đức Phật cũng tán thán quỉ vươngDiêm La làđã ủng hộ những người trai hiền gái lành như thế; các hàng trời Phạm Vương, Đế Thích cũng bảo hộ những người lương thiện như thế. Nói tóm lại, từ hàng phàm phu tục tử cho đến người trí thức hiền lương, và cả những bậc thánh nhân; mỗi khi đã nhận ra lẽ sống an vui hạnh phúc, thì không ai mà không thích điều thiện, ngợi khen người làm thiện, và bảo vệ cái thiện.

5.Chủ mạng bạch Phật:

“Bạch đức Thế Tôn ! Duyên bổn nghiệp của con là làm chủ  thọ mạng của con người trong cõi Diêm Phù Đề; trong lúc sinh, lúc chết con đều làm chủ đó”.

Chủ mạng là chủ về sống chết, hay chủ về thọ mạng ngắn dài, an vui hay khổ đau của con người. Chủ mạng chính là năng lực của nghiệp, để hình thành chuỗi thọ mạng của chúng hữu tình nói chung và con người nói riêng. Vì vậy cho nên, con người muốn sinh thuận tử an, thì việc trước hết là phải tránh xa nghiệp sát hại chúng sinh. Bởi sát hại mạng sống của kẻ khác, là tạo một nghiệp nhân xấu ác, nên quả báo bị thường mạng, và bị mạng sống ngắn gủi là tất yếu.

Thứ hai là tránh xa sự cướp đoạt nguồn sống của kẻ khác; bởi cướp đoạt nguồn sống của người cũng chính là gián tiếp cướp đoạt mạng sống của họ, nên cũng bị quả báo chết iểu và nghèo khó. Ngược lại, không những không cướp của, giết hại mà còn bố thí phóng sinh, thì sẽ tăng phước tăng thọ.

6.Thổ địa vui mừng: Thổ địa hay tâm địa (đất tâm)có nhiệm vụ bảo vệ hạt giống thiện, hay nuôi dưỡng thiện tâm thì được an vui. Lúc sinh lúc chết ở đây được biểu trưng cho sự sinh diệt của ý thức. Sắp sinh có nghĩa là đang còn trong tâm tưởng; mà đã sinh tức thể hiện ra nơi lời nói và hành động. Nhờ phát thiện tâm nên lời nói và hành động đều thiện, làm cho tâm an vui. Đó chính là thổ địa vui mừng, nên hộ trì cả mẹ lẫn con tức bảo trì những hạt giống thiện ở trong tâm.

Ngược lại, nếu tạo nghiệp nhân xấu ác (sát hạt, ăn thịt, uống rượu…)thì sẽ tổn thương tâm địa và phá mất thiện nghiệp, nên kinh nói « tổn thương cả mẹ lẫn con », và tạo duyên xấu cho bên ngoài có cơ hội tràn vào tâm địa. Yếu tố ở trong cơ hội ở ngoài, làm cho thân tâm bất an.

7.Nghiệp thức lúc sắp chết(cận tử nghiệp):

Bất luận là người tạo nghiệp lành hay dữ, tánh giác cũng không vì nghiệp mà rơi vào đường ác. Chỉ có người biết tu tạo căn lành thì tăng thêm oai lực để thể nhập tánh giác mà thôi. Vả lại, cũng do thói quen của nghiệp (thân thuộc), nên lúc gần chết hiện ra dẫn dắt thần thức đi vào đường ác. Vì vậy, cận tử nghiệp cũng rất quan trọng, cho nên lúc còn sống thì phải lo tu tập thiện nghiệp, làm cho phước thiện ngày một tăng thêm để làm hành trang cho kiếp tiếp theo.

Thứ nữa, là phải có công phu hàm dưỡng tu tập hướng đến giải thoát, làm cho tâm được thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt (đọc tụng kinh Đại thừa, niệm danh hiệu Phật hay niệm tự tánh), thì chắc chắn đường xấu ác không sa vào mà còn được giải thoát. Lúc sinh là dụ cho mở mắt chiêm bao hay năng lực chấp thủ của ý thức, và lúc chết là dụ cho nhắm mắt chiêm bao hay năng lực chấp thủ của thức Mạt na. Những hạt giống thiện ácvô ký là do năng lực tạo tác và chấp thủ của ý thứcmạt na thức, nên gắn liền với nghiệp cảm duyên khởi, và thọ mạng cũng theo đó mà có ngắn dài. Vì vậy cho nên, muốn trường thọ thì phải làm chủ về huệ mạng, chủ về trí giác ngộ, nên nói “cứ theo nơi bổn nguyện của con thì chẳng ai mà không giải thoát và có lợi ích lớn”. Bổn nguyện hay bổn tôn là tôn chính yếu ở trong tâm, hay tánh giác. Vì chủ về tánh giác nên thường làm cho chúng sinh giác ngộ.

Nói tóm lại, muốn có mạng sống trường thọ thì phải hành thiện. Muốn có thọ mạng lâu dài (vô lượng thọ) thì phải phát nguyện quay về bảo trọng bổn tâm, sống với bổn tánh. Đó chính là thọ mạng của một vị Phật hay Phật tánh; mà Phật tánh thì vô thủy vô chung.

8.Vì chủ của pháp thân huệ mạng, nên đức Phật bảo: “Ngươi có lòng đại từ nên có thể phát ra lời nguyện lớn, ở nơi việc sinh tửbảo hộ chúng sinh. Về đời vị lai nếu có người con trai con gái nào đến lúc sinh lúc chết thì ngươi chớ thối thất lời nguyện ở trên, mà phải làm cho tất cả đều được giải thoát, mãi được an lạc”.

Chủ Mạng bạch Phật rằng, trọn đời của con là luôn luôn ủng hộ chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề, lúc sinh lúc chết đều được an lạc. Vì làm chủ huệ mạng, nên không để cho dòng tâm sinh diệt tạo ra nghiệp nhân xấu ác, nên được an lạc. Và lúc chết thì « phải tin nhận lời của con nói thì chẳng ai mà không giải thoát và được lợi ích lớn ». Chết ở đây có nghĩa là chấm dứt nghiệp nhân sinh tử, bởi hành giả biết sống lại với pháp thân huệ mạng, nên nói chẳng ai mà không giải thoát.

9.Chủ mạng quỷ vương chính là chủ của huệ mạng, nên đức Phật nói “Đó là bậc Đại sĩlòng từ bi và nguyện lực nên hiện thân làm quỷ lớn, chứ thật chẳng phải quỷ vậy”.

Vì biết trở lại sống với pháp thân huệ mạng bất sinh bất diệt, thường tịch thường chiếu, nên kinh bảo là kiếp sau ông sẽ thành Phật với danh hiệuVô tướng Như Lai. Tâm không còn bị tình thức chi phối nên không thi vi tạo tác, nên gọi là vô tướng. Sống lại với cõi lòng thanh tịnh, không có tướng biến kế sở chấp đến đi, nên gọi là Như Lai. Bởi trở lại sống với bổn lai cùng khắp không gian, cùng khắp thời gian, nên gọi cõi nước ấy là Tịnh Trụ. Vì trùm khắp pháp giới, nên thời giankhông gian không thể khởi dụng, nên thọ mạng của đức Phật ấy không thể tính đếm được; bởi tánh giác thì vô thủy vô chung. Phật tánh thì không có bắt đầu và kết thúc, nên không thể nghĩ bàn. Tự nó lìa hẳn mọi khái niệm giả hữu của tâm thức nên hàng trời, người, quỷ, thần.v.v… được độ thoát cũng không có hạn lượng; bởi tình thức trong tâm đã bị đoạn tận vậy. Xin hành giả liễu tri.

Ghi chú:

1.Sáu đườngĐịa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la, người, trời.

2.Chúng sinh cang cường, nan điều nan phục.

3.Thức tâm đạt bổn.



Lược giải phẩm thứ 9

XƯNG DANH HIỆU CỦA CHƯ PHẬT

(Hay diệu dụng của chân tâm)

-----

Địa Tạng bạch đức Phật: “Con nay vì chúng sinh trong đời vị lai mà diễn nói những việc lợi ích lớn ở trong dòng sinh tử (samsàra)”.

Việc lợi ích lớn trong dòng luân hồi chính là thoát ly sinh tử (sinh tử sự đại); bằng cách nghe danh hiệu của chư Phật hay nghe lại tự tánh của mình, nên đức Phật nói:

“Ngươi khởi lòng từ bi muốn cứu vớt hết thảy chúng sinh trong sáu đường, mà trình bày sự chẳng thể nghĩ bàn.Nay chính là phải thời, nên hãy nói”.Nghe lại tự tánh (phản văn, văn tự tánh); mà tự tánh vốn không sinh không diệt, nên nói “chẳng thể nghĩ bàn”.Vì nghe lại tự tánh nên dòng tâm thức bị đoạn tận, thì thủy giác mới trở lại với bổn giác. Vì vậy cho nên, chúng ta thấy những vị Phật nói trong phẩm này đều thuộc về quá khứ, tức biểu trưng cho bổn giác hay diệu dụng của chân tâm sẵn có(bổn tôn). Vì biểu trưng cho bổn giác, nên ngài Địa tạng nói:

“Vô lượng kiếp về thuở quá khứđức Phật ra đời hiệu là Vô Biên Thân Như Lai. Nếu có người con trai hay con gái nào (dụ cho tâm sinh diệt) nghe được danh hiệu của đức Phật này, mà tạm thời cung kính, tức vượt thoát tội nặng trong dòng sinh tử trong bốn mươi kiếp”.

Nghĩa là biết nghe lại tự tánh thì người ấy sẽ lìa khỏi bốn thứ chấp thủ (ly tứ cú)và mười vọng niệm căn bản; và nhận ra pháp thân vô biên, nên nói “Phật ra đời hiệu là Vô biên thân Như Lai”, tức pháp thân thì vô thủy vô chung, hay chân tâm thì tuyệt đãi.

Lại nữa: “Hằng hà sa kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tướng Như Lai. Nếu có người con trai hay con gái nào nghe danh hiệu của đức Phật này, mà phát tâm trở về y cứ và nương tựa, dẫu chỉ trong chừng khảy móng tay, thì người này trọn không còn thối chuyển nơi đạo giác ngộ vô thượng”. Đoạn kinh này dạy chúng ta nghe lại tự tánh, và trở về y cứ, nương tựa tự tánh (bảo tướng Như Lai)trong chừng khảy móng tay, thì người này trọn không còn thối chuyển nơi đạo vô thượng chánh giác. Tướng quý Như Lai cũng gọi là “Vô kiến đảnh tướng”, tức tướng của chân tâm thì tuyệt đãi. Không có vật gì quí báu ở thế gian này mà đánh đổi được sự giải thoát giác ngộ, tức trở lại sống trọn vẹn với Tam Bảo của tự tâm, nên gọi là Bảo Tướng Như Lai.

Lại nữa: “Về quá khứđức Phật ra đời hiệu là Ba Đầu Ma Thắng Như Lai. Nếu có người con trai con gái nào nghe danh hiệu của đức Phật này thoáng qua lỗ tai thì người này sẽ được nghìn lần sinh vào sáu tầng trời của cõi dục, huống nữa là chí tâm xưng niệm”.

Phật Ba Đầu Ma Thắng là phiên âm từ tiếng Phạm Padma, nghĩa là hoa sen màu đỏ; biểu trưng cho giới đức thanh tịnhtâm không bị dính mắc hai bên.Vì vậy cho nên, người nào giữ giới thanh tịnh thì được sinh lên các tầng trời của cõi dục.Và người nào không để cho tâm dính mắc hai bên (sinh diệt) thì người đó vượt thắng tất cả, nên kinh gọi là Phật Ba Đầu Ma Thắng.

Trọng tâm của Phật pháp không gì ngoài giới - định - tuệ. Một Giáo Hội Phật Giáo vững mạnh và phát triển, chính là do người Phật tử xuất giaPhật tử tại gia tinh tấn tu học Phật phápthực hành giới - định - tuệ. Thời vua Asoka (A Dục)ở Ấn Độ là một điển hình của Phật giáo hưng thịnh; bởi từ vua quan cho đến thứ dân cùng Tăng già đều siêng năng nghiên cứu Phật phápthực hành thiền định, nhất là về “Bốn đề tài quán niệm: Thân - Thọ - Tâm - Pháp” (Tứ niệm xứ=năm uẩn). Ta, của ta, và tự ngã của ta (ngã và ngã sở)dần dần được giải trừ bởi tuệ không (Vipassanā – soi thấy năm uẩn đều không), nên được gọi là Phật Ba Đầu Ma Thắng.

Lại nữa: “Về thuở quá khứ không thể nói hết vô số kiếp có đức Phật ra đời hiệu là Sư Tử Hống Như Lai. Nếu có người con trai, con gái nào nghe danh hiệu của đức Phật này, mà phát tâm trở về y cứ và nương tựa trong chừng một niệm, thì người này được gặp vô lượng chư Phật xoa đảnh thọ ký”.

Sư tử hống nghĩa đen là tiếng hống của con sư tử, làm cho muôn thú đều nép phục. Ở đây dụ cho tiếng nói pháp của đức Phậtsức mạnh làm cho tà pháp tan biến, thiên ma rúng động, phiền não nghiệp chướng đều được giải trừ, vọng tâm tan biến. Sư tử hống hay chánh pháp của đức Phật có bốn tác dụng: Làm cho niệm ác tiêu tan,làm cho mưu sâu kế độc chìm lặn,làm cho phiền não nghiệp chướng được tiêu trừ, làm cho căn lành tăng trưởng. Trở về nương tựa đức Phật Sư Tử Hống, làm cho vọng tâm tan biến nên tâm trở lại thanh tịnh bổn nhiên, đoạn trừ lậu hoặc phiền não (chướng sở tri và chướng phiền não), phá tan hầm sâu vô minh; nên kinh dụ cho tiếng rống của con sư tử làm cho muôn thú đều khiếp sợ và chạy xa. Bổn giác trở lại với thủy giác, nên kinh gọi là được Phật xoa đảnh thọ ký.

Lại nữa: “Về thuở quá khứđức Phật ra đời hiệu là Câu Lưu Tôn. Nếu có người con trai, con gái nào nghe danh hiệu của đức Phật này, chí tâm chiêm ngưỡngđảnh lễ, hoặc lại tán thán.Người này ở nơi pháp hội của ngàn đức Phật trong hiền kiếp, làm vị Đại Phạm Vương, được Phật thọ ký đạo vô thượng”.

Phật Câu Lưu Tôn là phiên âm tiếng Phạm Krakucchanda, dịch nghĩa là: Những việc xấu ác nên đoạn trừ thì đã đoạn trừ, những việc nên làm thì đã làm xong, tức thủy giác trở lại với bổn giác nên khi chứng đạo, đức Phật tuyên bố: “Sinh đã tận, lậu đã tận, những việc nên làm thì đã làm, từ nay không còn trở lại sinh tử nữa”.

Nghĩa của đoạn kinh này là: Người nào biết đoạn trừ những lậu hoặc bằng cách trở về quán tự tánh (dụ cho chiêm ngưỡng, lễ bái, tán thán), y cứ nương tựa tự tánh của mình thì người này trong hiền kiếp làm đại Phạm Vương tức tâm trở nên thuần thiện, và được đức Phật thọ ký đạo vô thượng, tức đạt thành trí giác vô thượng.

Lại nữa:“Về thuở quá khứđức Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi. Nếu có người con trai hoặc con gái nào nghe danh hiệu của đức Phật này, thì mãi không còn sa đọa vào đường ác. Thường được sinh vào cõi trời, hoặc loài người, thọ nhận sự an vui thù thắng vi diệu”.

Phật Tỳ Bà Thi là phiên âm từ tiếng Phạm Vipasyin, là một vị Phật ở thời quá khứ, tức thuộc bổn giác. Ngài thường gieo trồng những hạt giống tốt (chủng chủng kiến), và có tầm nhìn thù thắng vi diệu. Ý của đoạn kinh này là: Người nào biết gieo trồng căn lành thì sẽ được phước báo trời, người mà không còn sa vào đường ác. Người nào biết quán sát một cách thù thắng vi diệu, tức tầm nhìn siêu việt hai bên nên có niềm an vui lớn, tức vượt thoát sinh tử khổ đau.

Trong kinh Pháp bảo Đàn, Tổ Huệ Năng cũng dạy: “Phật pháp là pháp chẳng hai” tức cái nghe chỉ bằng cái nghe, cái thấy chỉ bằng cái thấy, cái thức tri chỉ bằng cái thức tri.v.v…, nghĩa là quán sát thù thắng vi diệu vậy. 

Lại nữa: “Về thuở quá khứ vô lượng vô số kiếp có đức Phật ra đời hiệu là Đa Bảo Như Lai. Nếu có người con trai hoặc con gái nào nghe danh hiệu của đức Phật này, thì liền khỏi đọa vào đường ác. Thường ở tại cung trời, hưởng sự an vui thù thắng vi diệu”.

Phật Đa Bảo là Phật ở thế giới phương đông, tức ẩn dụ cho trí giác sáng soi như ánh sáng của mặt trời mọc, xua tan bóng tối của đêm trường. Ý của đoạn kinh này dạy rằng: Người nào biết hướng đến trí tuệ giác ngộ thì nghiệp nhân xấu ác sẽ bị tiêu trừ, căn lành tăng trưởng nên nói thường ở tại cung trời, và vượt thoát sinh tử, hưởng an vui thù thắng. Đa bảo là nhiều tốt lành, dụ cho tuệ giác vô thượng. Vì vậy cho nên, đức Phật dạy: “Si là gốc của muôn tội lỗi, trí tuệ là gốc của muôn hạnh lành”.

Lại nữa: “Về thuở quá khứđức Phật ra đời hiệu là Bảo Tướng Như Lai. Nếu có người con trai hoặc con gái nào nghe danh hiệu của đức Phật này, sinh lòng cung kính thì không bao lâu người ấy sẽ được quả A La Hán”.

Đức Phật Bảo Tướng là do nghiêm thân bằng tướng cụ túc nên đạt được thật tướng. Thật tướng chính là vô tướng nên kinh gọi là được quả  vô sanh (A La Hán). Đoạn này kinh dạy: Người nào quy kính đức Phật Bảo Tướng này, tức hướng tâm đến thật tướng vô tướng thì không bao lâu sẽ chứng quả A La Hán.

Trong kinh Kim Cang Bát nhã, đức Phật cũng dạy: “Phàm mọi tướng sở hữu của tâm thức đều là hư vọng. Bằng thấy các tướng đương tại mà trong tâm không khởi lên tướng biến kế sở chấp, mới thấy được tướng Như Lai”.(1)

Lại nữa: “Hằng hà sa kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Ca Sa Tràng Như Lai. Nếu có người con trai hoặc con gái nào nghe danh hiệu của đức Phật này, thì sẽ siêu thoát tội sinh tử trong một trăm kiếp lớn”.

Phật Ca Sa Tràng là dịch âm từ tiếng Phạm Kasàya, dịch nghĩa là áo giải thoát (giải thoát phục). Ý kinh dạy: Người nào biết mặc vào thân tâm sự giải thoát giác ngộ thì sẽ vượt thoát kiếp sinh tử lớn. Cùng một ý này, Tổ Linh Hựu dạy: “Một tâm không sinh thì vạn pháp đều chấm dứt”(2), mà kinh văn diễn tả là sẽ siêu thoát sinh tử trong một trăm kiếp.

Lại nữa: “Về thuở quá khứđức Phật ra đời hiệu là Đại Thông Sơn Vương Như Lai. Nếu có người con trai hoặc con gái nào nghe danh hiệu của đức Phật này, thì người này được gặp hằng hà sa chư Phật, rộng nói chánh pháp, đều được thành tựu giác ngộ”.

Phật Đại Thông Sơn Vương là biểu trưng cho trí sáng tâm khai. Tâm được mở rộng trùm khắp pháp giới nên nói đại thông, giống như ngọn núi cao thì mới nhận được trọn vẹn ánh sáng của mặt trời mới mọc. Trí sáng tâm khai tức mở ra tri kiến Phật, hay thành đạo vô thượng bồ đề. Chứng đắc Phật thừa tối thượng nên kinh nói:

“Người nào nghe danh hiệu đức Phật Đại Thông Sơn Vương thì người này sẽ gặp được hằng hà sa đức Phật, rộng nói chánh pháp(đại thông)và thành tựu đạo giác ngộ vô thượng”.

Chúng ta thấy, không những kinh Địa tạng mà tất cả kinh điển Đại thừa đều giúp cho hành giả nhận lại và mở ra tri kiến Phật nơi tâm mình.Đặc biệt là hai kinh Hoa NghiêmPháp Hoa. Chân lýkinh Hoa Nghiêm được cho như ánh sáng mặt trời mới mọc thì những đỉnh núi cao mới nhận được ánh sáng ấy (nhật xuất tiên chiếu), có nghĩa là những bậc thượng căn mới dễ dàng nhận lại tri kiến Phật của mình. Kinh Pháp Hoa được cho như ánh sáng của mặt trời sắp lặn (nhật một hoàn chiếu), cũng chiếu thẳng ánh sáng lên những đỉnh núi cao, tức những bậc thượng căn thượng trí mới nhận được tri kiến Phật của mình. Sơn Vương cũng ám chỉ tuệ giác cao tột (núi vua)của chư Phật. Trí giác vô thượng là đỉnh cao của sự giác ngộ, nên hàng hạ căn hạ cơ khó mà lãnh hội được, tỉ như ánh mặt trời mới mọc và sắp lặn thì tạt ngược ánh sáng lên trên đỉnh núi, dụ cho hàng thượng căn mới nhận ra tri kiến Phật.

Lại nữa: “Về thuở quá khứ có các đức Phật như: Phật Tịnh Nguyệt, Phật Sơn Vương, Phật Trí Thắng, Phật Tịnh Danh Vương, Phật Trí Thành Tựu, Phật Vô Thượng, Phật Diệu Thanh, Phật Mãn Nguyệt, Phật Nguyệt Diện, có không thể nói hết chư Phật, Thế Tôn như thế. Hết thảy chúng sinh trong hiện tại cùng vị lai, hoặc trời, hoặc người, hoặc trai, hoặc gái,  nếu chỉ niệm được danh hiệu của một đức Phật thôi, thì công đức vô lượng….”.

Chư Phật đồng tự tánh giác ngộ, nên chỉ niệm một danh hiệu Phật (tức tự tánh)thì công đức vô lượng. Bởi do tâm cơ cảm của chúng sinh, mới có nhiều danh hiệu Phật như vậy.

Trước hết là nói về đức Phật Tịnh Nguyệt, tức dụ cho ánh trăng thanh tịnh sáng chiếu của đêm rằm, không bị mây vô minh che phủ.

Tâm an định vững chãi như núi chúa nên dụ cho Phật Sơn Vương.

Trí tuệ bát nhã cũng như ánh mặt trời sáng chiếu không bị gió lay động nên vượt thắng tất cả mọi ánh sáng nên dụ cho Phật trí thắng, cũng dụ cho trí giác ngộ vượt hẳn đối đãi hai bên.

Tâm giải thoát nên không còn bị biến kế sở chấp đánh lừa làm cho lay động, nên gọi là Phật Tịnh Danh. Cùng một ý này, kinh Duy Ma kết thúc bằng Tịnh Danh mỗi khi Văn Thù đến, tức căn bản trí hiện hữu. Từ Duy Ma đến Tịnh danh là cả quá trình chuyển thức thành trí, và mỗi khi trí căn bản bùng lên thì tâm hoàn toàn thanh tịnh, nên gọi là tịnh danh.(4)

Giới thành tựu, định thành tựu, tuệ thành tựu nên gọi là Phật trí thành tựu.

Đạt đến trí giác vô thượng nên gọi là Phật vô thượng.

Khi ấy mới nghe được tiếng thanh tịnh tuyệt đãi của trí không phân biệt, tức cái nghe bằng cái nghe, mới nghe được tiếng huyền diệu của cõi lòng trong sạch nên gọi là Phật diệu thanh.

Và rốt sau mới đạt được giác ngộ viên mãn như mặt trăng rằm tròn sáng nên gọi là Phật nguyệt diện,hay quả vị Diệu giác(quả Phật).

Chúng sinh vô lượng kiếp trôi dài trong dòng sinh tử, với bao nghiệp chướng nặng nề (phạm năm tội vô gián) (3) để tạo chuỗi dài khổ lụy bi ai với những hệ quả: ăn hoàn sắt nóng, uống nước đồng sôi, bị bức bị ngặt tưởng chừng tắt thở. Có những lúc sống say chết dở, lỡ khóc lỡ cười với bát cơm chan đầy nước mắt trong tức tưởi nghẹn ngào, muốn sống không được muốn chết không xong. Nhưng mỗi khi gặp được thiện hữu tri thức, gặp được duyên lành được thân bằng quyến thuộc giúp đỡ nên biết trở về y cứ và nương tựa vào tâm địa dày chắc và chứa đủ của mình, nương tựa vào Phật tánh của mình; thì dòng vọng tâm tức thời xóa sạch. Đức Phật ví dụ như căn phòng chứa bóng tối một ngàn năm, và mỗi khi thắp lên một ngọn đèn thì bóng tối ấy tức thời tan biến.

Nói tóm lại, kinh dạy người  tu giải thoát thì phải xả sạch ngã chấppháp chấp (xả liễu ngã pháp)thuộc tri kiến chúng sinh, mới mở ra tri kiến Phật, tức cái thấy biết của trí giác ngộ. Nghe danh hiệu của chư Phật, nói lên diệu dụng của nghe lại tự tánh, nên mở ra tâm địa dày chắc và chứa đủ của mình. Và mỗi khi biết sống lại với tánh giác (bổn tôn) của mình, thì sẽ vượt thoát sinh tử khổ đau. Niệm danh hiệu Phật ở đây chính là niệm chân tâm hay niệm tự tánh, nên dòng tâm thức bị đoạn tận, mới vượt thoát sinh tử. Vì vậy cho nên, kinh dạy là chỉ cần niệm danh hiệu của một vị Phật thôi thì công đức cũng vô lượng. Hạnh và nguyện của Như Lai Tạng tâm là dùng ánh sáng của trí giác để hóa độ hết thảy chúng sinh trong tâm. Ai nhận ratinh tấn hành trì thì sẽ thoát khỏi vô lượng khổ trong nhiều kiếp trầm luân.Xin hành giả liễu tri.

Ghi chú:

(1)Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.(Kinh Kim Cang).

(2)Nhất tâm bất sinh, vạn pháp câu tức.(Văn cảnh sách của ngài Linh Hựu).

(3)Năm tội vô gián: Làm thân Phật chảy máu, giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng.

(4)Nhược đắc tịnh độ, đương tịnh kỳ tâm.Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh. (kinh Duy Ma Cật).


Lược giải phẩm thứ 10

SO SÁNH NHÂN DUYÊN

CÔNG ĐỨC CỦA SỰ BỐ THÍ

-----

Bồ tát Địa Tạng hỏi đức Phật về sự sai khác về phước và tội của sự bố thí:

Trước hết chúng ta tìm hiểu nghĩa của sự bố thí.Bố thí nghĩa là đem tài vật, sức lực vàtrí tuệ ra mà phân phát cho người; tức gồm có nội tài và ngoại tài.Về tài thì đem y phục, chăn nệm, giường chõng, thuốc thang, thực phẩm để cúng dường cho người tu hành và cứu giúp người bất hạnh, hoặc dùng sức lực làm công quả giúp người; thì gọi là thí tài. Đem lời hay lẽ phải khuyên dạy, can ngăn, hoặc thuyết pháp cho người nghe để biết đạo lý, nhằm bỏ ác làm lành, bỏ xấu làm tốt, hoặc hướng đến giải thoát giác ngộ, thì gọi là thí pháp. Đem sự không sợ hãi, lo âu đến cho người; thì gọi là thí vô úy.

Theo chư kinh Tập yếu 10, do sự bố thí không đồng nên được phước báo cũng sai khác:

1.Bố Thí nhiều mà phước báo ít: Cho người khác uống rượu hoặc những chất say sưa, nghiệp ngập, độc hại. Hoặc ca múa hát xướng cho người nghe sinh ảo não sầu bi, thì uổng công mà không có phước báo; ngược lại còn có quả báo xấu ác, bởi làm cho người nghe, nhận thêm khổ thân tâm.

2.Bố thí ít mà phước báo lại nhiều: Đem lòng thành kính và từ tâm dâng cúng vật dụng, thực phẩm cho người xuất gia, cho bậc thánh hiền, cho người có đạo đức, khiến họ có đủ phương tiện tinh tấn tu hành; thì vật thí tuy ít mà phước báo rất nhiều. Bởi cả người cúng dường, lẫn người nhận vật cúng dường đều không tạo tội xấu ác; mà còn tạo nhiều phước lành.

3.Bố thí ít được phước báo ít: Với tâm xan tham, bỏn sẻn, xấu ác, hoặc dâng vật cúng dường mà mong cầu đáp trả (10), hoặc cho kẻ tà kiến, ngoại đạo thì vật thí ít mà phước báo lại càng ít hơn.

4.Bố thí nhiều và được phước báo cũng nhiều: Nếu giác ngộ thế gianvô thường, mà phát tâm đem tài sản xây dựng tu viện, nơi chốn tu hành, cúng dường Tam bảo; thì được phước báo như cát sông Hằng, vật thí đã nhiều mà phước báo lại càng lớn.

Tuy người bố thí và sự bố thíquả báo sai khác, nhưng của cho không bằng cách cho; nên trong kinh Giới Ưu Bà Tắc dạy người bố thí phải tránh năm điều sau:

1.Không lựa người có đức hay không có đức: Đem tâm bình đẳng ra giúp tất cả mọi người. Đối với những bậc thánh hiền, người xuất gia tu hành, người có đạo đức thì sinh tâm cung kính. Đối với kẻ nghèo khổ, ốm đau bệnh hoạn, cô đơn thì đem lòng thương mến xót xa.

2.Chẳng nói việc xấu, lỗi lầm của người: Đối với kẻ xấu ác, người phạm lỗi lầm, thì mình không sinh tâm ghét bỏ, hoặc đi rao lỗi của họ; mà phải phát khởi tâm lành tìm phương tiện làm cho họ được an vui lợi ích, rồi từ từ khuyên nhủ họ bỏ xấu ác sai trái.

3.Chẳng phân biệt giai cấp, dòng họ: Không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dòng họ, oán thân, sang hèn; hễ họ cần thì mình giúp.

4.Không coi thường người xin: Đối với người đến xin, mình phải có lòng ân cần tôn trọng, tùy duyên mà giúp đỡ họ.

5.Không mắng chửi: Đối với người đến xin, mình không dùng lời hung dữ, mắng chửi, sỉ nhục họ.

Đối với phẩm kinh này thì đức Phật dạy chúng ta cách bố thí cúng dường như thế nào, mới có kết quả tốt đẹplợi ích lớn. Ở đây điều được nhấn mạnh là xả ly chấp ngãchấp pháp. Vì bố thí ở đây chính là xả ly vọng tâm, cũng được gọi là bố thí ba la mật nên đức Phật bảo:

“Nay ta ở trong hết thảy chúng hội nơi cung trời Đạo Lợi này mà giảng nói về sự so sánh công đức nặng nhẹ về việc bố thíDiêm Phù Đề”. Hết thảy chúng hội nơi cung trời Đao Lợiám chỉ cho hết thảy tâm thiện, giảng nói công đức nặng nhẹ tức sự xả ly vọng tâm mạnh hay yếu. Đó cũng là cách nói của chư Tổ sư: “Nghi tình lớn thì mau giác ngộ, nghi tình yếu thì lâu giác ngộ hơn, không nghi tình thì không thể đè bẹp vọng thức”(2).

Trước hết, đức Phật dạy sự giúp đỡ lẫn nhau, trong mọi thành phần của xã hội, nhằm đem đến tình thương đồng điệu trong cuộc sống.

1.Thứ nhất là đem tài vật để bố thí thì phải đủ bốn yếu tố:

Một là phải có lòng thương lớn: Trong lúc cứu giúp người nghèo khó, người tật nguyền câm ngọng, mù lòa, đau ốm bệnh tật, người bị thiên tai hoạn nạn thì bất luận người bố thíquốc vương, tể phụ, quan chức lớn, hàng tri thức trưởng giả lớn, hàng sát đế lợi, hàng bà la môn.v.v…trước hết phải có tâm đại từ bi.

Hai là trong khi bố thí phải vui vẽ (hỷ xả).

Ba là hạ mình xuống, tức học đức khiêm hạ (khiêm cung).

Bốn là phải dùng lời nói dịu dàng dễ thương (ái ngữ) và trực tiếp đem cho hoặc bảo người khác đem cho, thì phước lợi bằng công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy. Sở dĩcông đức lớn như vậy là bởi của cho không bằng  cách cho. Nếu cách cho mà thiếu bốn yếu tố trình bày ở trên thì sự lợi ích chỉ giới hạn trong phước hữu vi mà thôi.

Như vậy, muốn cho sự bố thícông đức lớn thì đòi hỏi người cho phải xả bỏ những mầm móng của chấp ta. Nhờ xả bỏ tâm chấp ta, nên sự bố thí ấy mới khế hợp với hằng thuận pháp tánh, tức đạt được sự bố thí ba la mật, nên kinh dụ cho “bằng công đức cúng dường cho hằng hà sa chư Phật”. Cùng một ý này, Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng dạy: “Chấp ta là tội sinh, quên công thì phước lớn”.

Còn nếu bố thí cúng dường mà vì mình hoặc chỉ hồi hướng phước đức cho thân bằng quyến thuộc mình thôi, thì được phước báo hạn chế trong hữu lậu mà thôi.

2.Thứ hai là: Xây dựng chùa chiền, thiền viện, kiến lập đạo tràng tu học, sửa sang hình tượng Phật, Bồ tát, thanh văn, Bích chi Phật, ấn tống kinh sách, cúng dường để đào tạo Tăng tài làm cho Phật pháp ngày mỗi lan khắp trong nhân gian, làm cho pháp giới hữu tình đều được lợi lạc, thì sẽ hưởng được phước báu cõi trời Đế Thích, được an vui thù thắng vi diệu trong ba thời gian. Đây là bố thí hướng đến lợi ích tinh thần, bằng cách làm cho phương tiện hoằng truyền chánh pháp trùm khắp nhân gian, nên làm cho mọi thời đều an lạc.

Đó là sự bố thí hay cúng dường theo Phật pháp, nên được phước lợi rất lớn. Bởi bố thí chính là xả bỏ của cải và cả công sức cho tha nhân, nên đòi hỏi tâm thức người cho phải mở rộng lòng thương (đại bi tâm). Vì vậy cho nên, đức Phật mới trình bày cho ngài Địa Tạng nghe về công đức nặng nhẹ của sự bố thí. Bất luận là giai cấp nào, quốc vương, quan lớn, thứ dân.v.v…, nếu còn tâm bệnh hoạn, tâm cống cao ngã mạn, độc ác sân si, mưu mô xảo quyệt, không thương người dưới, không kính người trên, chẳng cần nghe hiểu lẽ phải; thì phải biết hạ mình mà học điều hay lẽ phải. Luôn luôn vui vẽ hiền hòa, biết nói lời từ ái nhằm thực hiện sự cứu khổ ban vui lớn (đại từ bi) thì phước báu sẽ được làm vua Chuyển Luân thánh vương.

Tâm tật bệnh là tâm sinh diệt, tâm đang ở trong cõi u minh nên dụ cho nghèo túng tật nguyền. Nay độ sinh bằng cách phát đại bi bố thí cứu giúp, tức đem tâm xả ly chấp thủ, nên tâm sinh diệt sẽ đi vào tịch diệt, dụ cho cúng dường chư Phật. Cúng dường hằng hà sa số chư Phật chính là độ vô lượng vô số vô biên chúng sinh tâm, hay xả ly không năng sở. Bởi xả sạch ngã chấppháp chấp, nên kinh gọi là hồi hướng về đạo vô thượng, thì tất cả đều thành Phật. Trong một trăm kiếp làm vua trời Tịnh Cư tức trở lại sống với tâm vương thanh tịnh, thì vọng tâm không còn sinh khởi, hai nghiệp thiện – ác không còn chi phối nên sáu căn được thanh tịnh (dụ cho làm vua sáu tầng trời dục), không còn đọa vào đường ác nữa, và không còn nghe tiếng khổ của tự ngôn tự ngữ trong cõi lòng, nên rốt ráo thành Phật. Đó chính là “Thượng cầu hạ hóa” tức trên cầu giáo pháp vô thượng để nương tâm, dưới thì hóa độ chúng sinh, hoặc “hồi trí hướng bi” hoặc “hồi bi hướng trí” cũng cùng một lý vậy.

Lại nữa, việc bố thí (xả ly chấp ngãchấp pháp) không những có vô lượng phước đức mà còn rốt ráo thành Phật, nên kinh nói có thể hồi hướng vô thượng bồ đề. Nếu chưa đủ lực đẩy đến giác ngộ, thì cũng được sinh vào cõi thiện như trời Phạm Vương, Đế Thích, Chuyển Luân thánh Vương… Vì vậy cho nên, đức Phật dạy: “Nếu ở trong Phật pháp mà trồng một chút căn lành bằng sợi lông, sợi tóc, hạt cát, hạt bụi thì phước báu không thể nghĩ bàn”.

Lại nữa, nếu người trai lành gái hiền nào quán tự tánh (hình tượng Phật), hoặc thực hành sáu ba la mật (Bồ tát), hoặc thực hành pháp quán hoàn diệt của mười hai nhân duyên (Phật Bích Chi), hoặc thực hành mười nghiệp thiện (Chuyển Luân Thánh Vương), thì phước đức không thể nghĩ bàn, và hưởng sự an vui thù thắng vi diệu.

Lại nữa, nếu có người trai lành gái hiền nào nhận ra chân lý giác ngộ vô thượng (gặp kinh điển Đại thừa), nhẫn đến chỉ nghe một bài kệ, một câu kinh, rồi phát tâm hành trì thì được quả báo vô lượng vô biên, tức vượt thoát sinh tử khổ đau.

Lại nữa, nếu người trai lành gái hiền nào phát tâm tạo lập chùa chiền, nơi chốn tu hành, và phương tiện tu học như in ấn kinh điển Đại thừa. Hoặc sửa sang nơi chốn tu hành, cũng như tu bổ kinh sách cũ rách. Tự mình phát tâm, hoặc khuyến hóa nhiều người phát tâm, thì được phước báo rất lớn như làm vua các nước nhỏ, hoặc vua Chuyển Luân Thánh Vương. Đó chính là phước báo hữu lậu. Còn muốn được phước báo lớn thì phải gieo trồng căn lành trong Phật pháp, hoặc cúng dường, bố thí, hoặc tu bổ chùa tháp, hoặc ấn tống, sửa sang kinh điển, cho dù bằng một sợi lông, một hạt bụi, một giọt nước thì cũng có phước báo lớn. Tức làm lợi ích cho chúng sinh với tâm vô ngã, thì phước đức không thể nghĩ bàn.Còn nếu vì mình, vì thân nhân mà làm, thì hưởng phước đức ít hơn.

Tóm lại, đức Phật dạy chúng ta đều phải học theo cách bố thí như trên, nghĩa là phải ở trong Phật phápbố thí, thì công đức vô lượng; bởi bố thítâm không còn chấp ngã chấp pháp vậy. Xin hành giả liễu tri.

Ghi chú:

(1).Dâng vật cúng mà cầu cho con mua may bán đắc, hoặc phù hộ độ trì cho con trúng số.v.v…

(2).Đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, vô nghi bất ngộ.

Lược giải phẩm thứ 11

SỨC MẠNH CỦA CHÂN TÂM BẢO HỘ CHÁNH PHÁP

------

Đến phẩm này đức Phật dạy về cách hộ trì chánh pháp, nên mở đầu kinh văn đức Phật để cho vị Địa thần Kiên Lao xuất hiện. Vậy kiên lao địa thần là ai vậy? Địa thần là vị thần cai quản mặt đất mà chúng ta đang sống, tức kinh văn ám chỉ cho sức mạnh tĩnh giác để làm chủ tâm địa của mình. Kiên là rắn chắc, tức chỉ cho sự bền bỉ để bảo trọng chân tâm.Lao là chịu đựng sự khó nhọc trong việc hóa giải vọng tâm. Kiên lao địa thần chính là lực tĩnh giác trọn ngày đêm để bảo trọng chân tâm (chiêm ngưỡng, đảnh lễ, cúng dường Địa Tạng). Bởi chân tâm chính là vị giáo chủ của cõi lòng đen tối, cho nên giờ phút nào còn bị vô minh chi phối thì ngài Địa Tạng vẫn còn phát nguyện để hóa độ chúng sinh tâm. Bổn tôn hay chân tâm thì vô thủy vô chung, nên kinh văn gọi thệ nguyện của ngài Địa Tạng thì rất rộng sâu, và ngài có nhân duyên lớn với chúng sinh trong cõi Nam Diêm Phù Đề, hay cõi lòng của chúng ta vậy. Còn các ngài Văn Thù (đại trí), Phổ Hiền (đại hạnh), Quán Âm (đại bi), Di Lạc (đại từ) chính là nói lên bốn diệu dụng của chân tâm (Địa Tạng) được dùng để độ sinh trong sáu đường, và mỗi khi chúng sinh tâm độ tận thì năng độ cũng đi vào tịch tịnh (năng- sở song vong). Vì vậy cho nên, kinh văn nói chỗ phát nguyện của bốn vị Bồ tát lớn này cũng có lúc hoàn mãn, còn chân tâm (Điạ tạng) thì vô thủy vô chung.

Nói tóm lại, muốn hộ trì chân tâm (hộ pháp) thì phải có tâm bền bỉ, tâm cương quyết trong việc hóa giải vọng tâm, mới có ngày triệt ngộ, mới vượt thoát được dòng samsàra tâm lý.Đó chính là công hạnh của Địa thần Kiên Lao, hay sức mạnh của tinh tấn ba la mật vậy.Công hạnh của Địa thần Kiên Lao của kinh Địa Tạng cũng chính là Tùng Địa dõng xuất của kinh Pháp Hoa, không khác. Tùng địa dõng xuấttừ tâm địa của mình mà phát ra nội lực tinh tấn ba la mật để bảo trọng chân tâm  không vướng mắc (dụ cho chánh pháp vi diệu như hoa sen không dính mắc) của mình, chứ  không có ai ngoài mình tu thay cho mình được. Diệu pháp liên hoa chính là tâm không sở trụ, hay chính là tri kiến Phật của mình. Vì vậy cho nên, trở về nương tựa Bồ tát Địa Tạng cũng chính là nương tựa vào tri kiến Phật của mình. Đức Phật dụ: “Tất cả cỏ cây, cát đá, lúa mè, tre lau, gạo thóc, của báu đều từ đất mà ra, tất cả đều nhờ nơi sức thần của ông cả” nghĩa là tất cả mọi thứ đều từ đất phát sinh. Cũng vậy, muốn cho đất tâm (tâm địa) phát sinh những diệu dụng công đức thì phải nổ lực tinh tấn trở về bảo trọng chân tâm một cách bền bỉ. Nếu thiếu kiên lao địa thần, nghĩa là nay tinh tấn dụng công tu tập, mai thì biếng nhác giải đãi thì chẳng khác gì người muốn có lửa mà kéo cây không bền bỉ, thì bùi nhùi không bao giờ bắt cháy.

Tác pháp cúng dường, hay xả sạch chấp ngãchấp pháp nên có mười điều lợi ích mà kinh văn đã nói.Bởi cúng dường Địa Tạng chính là cúng dường chân tâm, cũng gọi là hằng thuận pháp tánh. Vì hằng thuận pháp tánh nên trừ được chướng sở tri và chướng phiền não, làm cho ý thứcmạt na thức đi vào tịch tịnh (dứt hẳn ác mộng). Địa thần Kiên lao hộ pháp chính là lực tĩnh giác trọn ngày đêm, không để cho ý thứcmạt na thức chi phối điều khiển tạo nghiệp; nên kinh văn nói “Người ấy chiêm ngưỡng, lễ lạy hình tượng của Địa Tạngđọc tụng kinh bổn nguyện này, nên rốt ráo xa lìa biển khổ, chứng niết bàn an vui”. Nếu thiếu Địa thần kiên lao hộ trì chánh pháp, tức thiếu lực tĩnh giác thì khó có ngày triệt ngộ bổn tâm. Bởi nghĩa này, nên chư Phật, chư Bồ tát, hộ pháp, chư thiện hữu tri thức, minh sư chỉ là người trợ duyên ban đầu giúp mình nhận lại bổn giác của mình mà thôi. Còn trở lại sống được với tâm thanh tịnh bổn nhiên của mình chính là do công phu tu tập, hàm dưỡng miên mật của mình. Phẩm này nói lên nghị lực tinh tấn dõng mãnh để bảo trọng chân tâm, không cho tán thất.Xin hành giả liễu tri.

LƯỢC GIẢI PHẨM THỨ 12

THẤY NGHE ĐƯỢC LỢI ÍCH

-----


1. Đức Phật phóng quang tuyên cáo: Phóng ánh sáng ở trên đỉnh đầu của đức Phật, chính là hiển thị cho ánh sáng của trí tuệ Bát nhã, tức trung đạo đệ nhất nghĩa đế, cũng là biểu tượng hạt ngọc minh châu trong tay của Địa Tạng hay tánh giác ở trong tâm của chúng ta. Ngọc minh châu hay ánh sáng của trí giác ngộ thì tuyệt đãi (rời khỏi hai bên); lại nói ra những tiếng vi diệu cũng biểu trưng cho tiếng thanh tịnh của tâm hồn (diệu âm), cũng là nghĩa trung đạo chân thật đệ nhất.

Phẩm này nói lên sự lợi ích lớn của thấy nghe mà tâm không chấp thủ của Tám bộ chúng, trời rồng, người, chẳng phải người.v.v…. Đó chính là những sự không thể nghĩ bàn, vì rời khỏi vọng thức giả lập.Đó cũng chính là những nhân hạnh để chứng đắc thánh quả, như quả Thập địa tức Diệu giác.Và mỗi khi chứng quả Diệu giác rồi thì tâm không còn lui sụt nơi đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức bổn tôn Địa Tạng vậy.Thấy như thật thấy, nghe như thật nghe mà không sinh tâm kiến lập vọng thức, tức thực hành trung đạo đệ nhất nghĩa đế, nên mới bảo trọng được chân tâm (Địa tạng).

Cùng một ý trên, ngài Linh Hựu dạy: “Văn thanh kiến sắc cái thị tầm thường, giá biên na biên ứng dụng bất khuyết” nghĩa là: tai nghe tiếng, mắt thấy hình sắckhông kiến lập biến kế sở chấp, thì không bị kẹt hai bên nên ứng dụng đầy đủ. Đó chính là nghệ thuật “Phản văn văn tự tánh” của Bồ tát Quán Thế Âm, nên bồ tát Quán Thế Âm thỉnh cầu.

2.Quán Thế Âm thỉnh cầu: Quán là nhìn thẳng vào, thế là thế giới (1), âm là tiếng của đương tại. Giác biết những tiếng đương tại mà không khởi vọng tâm thêm bớt.

Nếu nghe tiếng mà khởi vọng tâm thì đó là nghe tiếng của vọng thức chứ không nghe như thật nghe, nên xa rời cái nghe của đương tại bất biến, phi thời không của tánh giác. Vì vậy cho nên, kinh Lăng Nghiêm đức Phật cũng dạy: “Thấy biết mà lập biết là gốc của vô minh, thấy biết mà không lập biết (không có biến kế sở chấp) tức là niết bàn”. Quán Thế Âm chính là “thấy bằng tự tánh”, nên không bị vọng tình chi phối sai sử, nên cũng gọi là Quán Tự Tại. Quán Thế Âm là sở hành của tự tánh nên trong Phẩm Phổ Môn, đức Phật dạy: “Ngươi nghe hạnh Quán Âm, khéo ứng dụng khắp mọi nơi”(2) tức tánh giác trùm khắp, nên cũng gọi là chánh biến tri. Chúng sinh mắc tội khổ trong muôn ngàn ức thế giới hệ, hay tâm bị vọng tình điều khiển tạo muôn ngàn nghiệp chướng, nên luôn trôi dài trong sầu bi khổ ưu não.Nay Bồ tát lớn Quán Thế Âm thưa thỉnh đức Phật để Ngài trình bày về công hạnh của bồ tát lớn Địa Tạng, hay nói lên diệu dụng không cùng của chân tâm trong việc cứu độ chúng sinh.

3.Đức Phật tán thán bồ tát Quán Thế Âm: “Ngươi có nhân duyên rất lớn với chúng sinh trong cõi Ta bà. Đối với hàng trời rồng, hoặc con trai con gái, hoặc quỷ hoặc thần, cho đến chúng sinh mắc tội khổ trong sáu đường, nếu nghe được danh hiệu của ngươi, thấy hình tượng của ngươi, hay mến mộ ngươi, cùng tán thán ngươi, thì những chúng sinh này đều ở nơi đạo vô thượng, tất chẳng còn thối chuyển”. Thế giới Ta bàthế giới của âm thanh, sắc tướng mà người quán sát âm thanh đương tại chính là Quán Thế Âm, nên đức Phật nói ngươi có nhân duyên với chúng sinh trong cõi Ta Bà. Bồ tát Quán Thế Âm dùng nghệ thuật “Phản văn, văn tự tánh” tức không khởi vọng tâm đuổi theo âm thanh bằng những tự ngôn tự ngữ, mà quay lại dùng tánh nghe quán sát. Bởi tánh nghe thì thường trựcbất biến nên mới bảo trọng được bổn tôn (Địa Tạng) của mình. Trong Phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa, đức Phật cũng dạy: “Văn danh cập kiến thân, tâm niệm bất không quá, năng diệt chư hữu khổ” nghĩa là nghe tiếng và thấy hình sắc nhưng trong tâm không dính mắc bằng những biến kế sở chấp, thì có năng lực diệt trừ được mọi khổ não. Đúng là khổ đau do tâm tạo, bởi không có nổi khổ nào mà không phát xuất từ tâm. Tâm tạo thiên đường, tâm tạo địa ngục; mà tâm cũng là nơi thú hướng niết bàn, nên không có cõi niết bàn nào ngoài tâm chứng đắc của hành giả. Nhờ biết “Phản văn văn tự tánh” hay nương vào tự tánh tự độ (nghe danh hiệu ngươi, thấy hình tượng ngươi: văn tự tánh, kiến tự tánh) nên vọng tình không còn trôi lăn trong sáu đường sinh diệt nữa, và tâm ở nơi đạo vô thượng bồ đề, không còn thối chuyển. Vì tự tánh tự độ nên mới thưa thỉnh đức Phật nói về những sự không thể nghĩ bàn của ngài Địa Tạng.

4.Tiếp đến đức Phật nói về “kiến văn tự tánh” (thấy, nghe tên Địa tạng) thì thêm phước trời (tức tâm thuần thiện), nên không đọa vào ba đường xấu ác.  Trong sáu đường sinh tử thì hưởng phước cao nhất là các cõi Trời (thiện), và chịu nhiều khổ đau nhất là bị đọa vào ba đường xấu ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.Nhưng mỗi khi thấy được tự tánh (thấy hình Địa Tạng), nghe được tự tánh (nghe tên Địa Tạng) thì thêm phước trời tức tâm thuần thiện và tâm đang thú hướng niết bàn nếu biết xả ly chấp ngãchấp pháp (cúng dường Địa Tạng).

5.Người bệnh và người sắp chết được lợi ích. Người bệnh là dụ cho ý thức phân biệt, nên trong kinh Duy Ma Cật, cư sĩ Duy Ma trả lời bồ tát Văn Thù rằng: “Tôi bệnh vì chúng sinh bệnh, ngày nào chúng sinh hết bệnh, bệnh tôi mới lành” nghĩa là vọng tưởng hết thì tâm mới hết bệnh. Tổ Tăng Xán cũng dạy “Vi thuận tương tranh thị danh tâm bệnh” khởi tâm theo thuận nghịch để tranh cãi nhau ấy là tâm bệnh vậy. Vì vậy cho nên, tu hành chính là công việc của chuyển thức thành trí chứ chẳng có gì khác. Trước hết là biết chuyển ý thức phân biệt thành trí diệu quán sát, tức thấy bằng thấy, nghe bằng nghe.v.v… mà không lập cái biết phân biệt. Nhờ trí quán sát vi diệu nên thức mạt na chuyển thành trí tánh bình đẳng (lìa hẳn chấp thủ), mà kinh văn gọi là nghe được danh hiệu Địa tạng, tức “văn tự tánh”.

6.Vong giả cũng được giải thoát, tức chấm dứt chiêm bao của thức Mạt na. Những hạt giống tâm thức sai khác là do ý thức phân biệt cộng tác với năm thức trước (tiền ngũ thức) khi tiếp xúc với cảnh trần, để tạo nên những tự ngôn tự ngữ trong tâm thức thì được gọi là mở mắt chiêm bao (vọng tưởng). Nay nhờ nương vào tự tánh tự độ (Quán Thế Âm) nên lìa khỏi vọng tâm sinh diệt, tức lìa khỏi sáu đường như đã nói ở đoạn trên.

Còn người chết được ví cho nhắm mắt chiêm bao, là ám chỉ những chủng tử trong thức mạt na, từ những hạt giống của quá khứ (thân nhân đã chết), cho đến những hạt giống mới tích tập. Những hạt giống thiện – ác lẫn lộn ở trong A lại da tạo nên những nghiệp cảm sai biệt, nên kinh bảo là “không rõ đọa lạc vào chốn nào, sinh vào thế giới nào, sinh lên cõi trời nào?”. Nay nhờ biết quay về tâm địa dày chắc rộng lớn mà nương tựa (tô vẽ, chiêm ngưỡng, lễ bái, niệm danh hiệu Địa Tạng), nên được thần lực của tâm địa bảo hộ (quỷ thần trong cuộc đất mình ở), và rời khỏi những hạt giống xấu ác (không có các bệnh khổ), tiêu trừ tai ách, rốt cùng được Bồ tát xoa đầu thọ ký, tức rời khỏi sinh tử.

7.Nguyện lớn sớm thành tựu: Nguyện lớn ở đây là “Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh” của bậc giác hữu tình (Bồ tát). Trên cầu trí giác ngộ vô thượng nên gọi là giác (bodhi), rộng độ hết thảy chúng sinh tâm nên gọi là hữu tình (sattva), nên kinh văn gọi là “tu đạo vô thượng bồ đề (Anuttara samyak sambodhi)để ra khỏi ba cõi”. Muốn được vậy thì người trai hiền, gái lành nghe danh và thấy hình Địa Tạng (kiến văn tự tánh) thì chí tâm quy y, hoặc đem hương hoa, y phục, vật quý báu, đồ ăn uống cúng dường, chiêm ngưỡng, đảnh lễ. Kinh dạy là trở về nương tựa tâm địa rộng lớn (Địa Tạng) bằng cách xả ly mọi thứ phục sức của tâm, kể cả danh thơm tiếng tốt (hương hoa, vật báu) thì nguyện lớn sớm thành, hay công phu mau thành tựu. Lại nguyện tâm địa rộng lớn vận đức từ bi ủng hộ khiến cho thức mạt na không còn chấp thủ những hạt giống của dòng sinh diệt (trong giấc mộng được Bồ tát xoa đảnh thọ ký).

8.Được trí tuệ: Muốn được trí tuệ rộng lớn thì phải phát tâm đọc tụng kinh điển Đại thừa, tức trở lại sống với tâm địa rộng lớn của mình (Địa Tạng). Phải xả ly chấp ngãchấp pháp (cúng dường Địa Tạng).Phải giữ tâm thanh tịnh suốt ngày đêm (dụ cho để chén nước trong trước Địa Tạng một ngày đêm), thì tâm thuần thiện (hướng nam), nên rời khỏi nghiệp nhân xấu ác (rượu thịt, tà dâm, nói dối, sát hại). “Trong chiêm bao (mạt na)thấy Địa Tạng hiện vô biên thân rưới nước lên đảnh của người ấy, khi tỉnh giấc chiêm bao thì được thông minh”. Thức mạt na chính là động cơ chấp thủ mọi hạt giống, nhưng mỗi khi thấy tánh (Địa tạng), thì mầm chấp thủ không còn (nên nói đạt thân vô biên); lại được rưới nước lên đảnh tức rời khỏi hai bên và đạt được trung đạo nghĩa chân thật số một (trung đạo đệ nhất nghĩa đế). Đó chính là tỉnh giấc mộng đời sinh tử lớn nhất, nên không bao giờ trở lại mộng nữa. Cùng một ý trên, Tổ Phúc Hậu nói: “Đừng cho thủy động ngày đêm, tâm thanh trăng chiếu mới nên đạo mầu”.

9.Tai nạn tiêu trừ:Tâm chúng sinh luôn bị lòng tham cuốn hút, nên không có lúc dừng nghỉ. Vì vậy cho nên, đức Phật ví như người khát mà uống nước mặn, càng uống lại càng khát (ăn mặc không đủ…). Có nhiều cái tham muốn trong tầm tay thì có thể thực hiện được; nhưng cũng có những thứ tham vượt tầm tay, hoặc tham những điều bất chánh (tật bệnh, nhiều sự hung suy, quyến thuộc xa lìa….)nên khổ đau mở lối tràn về. Thật đúng là “Đa dục đa khổ” (muốn nhiều khổ nhiều), nên luôn làm cho thân tâm bất an, ngày đêm lo sợ. Nay biết chí tâm cung kính quay về tự tánh mà bảo trọng (nghe tên và thấy hình Địa tạng) thì những tâm lý bất an kia dần dần bị tiêu diệt, trở lại an ổn, ác mộng tiêu trừ.

10.Thoát khỏi hiểm nguy: Thế gian vì sự sống, vì bản thân (chuyện riêng), vì việc sinh tử nên phải đi vào biển ái dục với bao vọng tâm tham đắm (vượt qua biển lớn), hoặc đi vào mê hồn trận với bao sự rối rắm của tâm chấp ngã (vào rừng núi), nên bị sóng dục cuốn trôi (nước lụt lớn), hoặc rơi vào đường hiểm nạn (si ám). Nói tóm lại, vì sự sống, vì bản thân nên bị tham, sân, si điều khiển làm  cho rơi vào hiểm nạn khổ đau. Trước khi đi vào dòng đời, nếu biết tĩnh giác (niệm danh hiệu Địa Tạng) thì tham sân si không chi phối được tâm thức của mình, và nhờ thần lực tu niệm ấy nên những tâm niệm xấu ác kia không tác hại được (quỷ thần hộ vệ); nhẫn đến có gặp chướng duyên (gặp loài hùm sói, sư tử) cũng vượt qua. Thật đúng, hiểm nạn cũng từ tâm sinh, giải thoát an vui cũng không ngoài tâm có.

Sống trong cuộc đời, nếu biết tĩnh giác (niệm Địa Tạng) thì nội chướng, ngoại chướng thảy đều không tác hại. Vì vậy cho nên, đức Phật bảo với bồ tát Quán Thế Âm rằng: “Bồ tát Địa Tạngnhân duyên rất lớn với cõi Diêm Phù Đề”, tức với cõi lòng. Vì vậy cho nên, nói về “Kiến, văn tự tánh” thì không bao giờ cùng tận, bởi tự tánh siêu việt mọi tư lượng vậy. Trở về bảo trọng bổn tôn (Địa tạng) bằng “phản văn, văn tự tánh” (Quán Thế Âm), nên đức Phật nói với bồ tát Quán Thế Âm rằng: “Ngươi nên dùng thần lực (văn tự tánh)mà lưu truyền kinh này, làm cho chúng sinh trăm ngàn vạn kiếp mãi được an lạc”. Đoạn trùng tụng nhằm vắn tắt lại nghĩa trên mà thôi.

Tóm lại, đoạn này đức Phật dạy cách trở về bảo trọng bổn tôn (Địa Tạng) bằng “phản văn, văn tự tánh” (quán thế âm), nên vượt thoát sinh tử, hưởng vui thù thắng vi diệu. Xin hành giả liễu tri.

Ghi chú:

(1)Thế là đổi dời, giới là phương vị.Nói đến thế giới là nói về hiện tượng tâm - vật lý, nên bị vô thườngvô ngã chi phối.

(2)Nhữ thính quán âm hạnh, thiện ứng chư phương sởthập phương chư quốc độ, vô sát bất hiện thân. Phẩm Phổ Môn.

----

LƯỢC GIẢI PHẨM THỨ 13

GIAO PHÓ CHÚNG SINH CHO ĐỊA TẠNG


Tại sao đức Phật không giao phó chúng sinh cho bất cứ ai, mà lại giao cho ngài Địa Tạng? Như trên đã giải thích, Địa tạng chính là Như Lai tạng tâm của mình, nên ngoài chân tâm của mình ra, thì không ai độ được vọng tâm của mình. Vì vậy cho nên, không thể người này niệm danh hiệu Phật mà lại làm cho người khác vãng sinh được.Chính đức Phật Thích Ca, Ngài cũng không thể làm cho người khác vãng sinh; mà Ngài chỉ dạy pháp tu mà thôi.

1.Trước hết đức Phật đưa cánh tay sắc vàng xoa đảnh bồ tát Địa Tạng, rồi ngợi khen Địa Tạng. Sắc vàng là dụ cho trung đạo, mà xoa đảnh là dụ cho rời khỏi hai bên (vô kiến đảnh tướng). Nếu tâm ở trung đạo đệ nhất nghĩa, hay tâm thức rời khỏi hai bên thì sẽ có thần lực, từ bi, trí tuệbiện tài không thể nghĩ bàn; tức chân tâm thì tuyệt đãi. Tâm tuyệt đãi (Phật tánh) mới là tâm thuần thiện (dụ cho ở nơi cung trời Đao Lợi), nên đức Phật nói: “Trong pháp hội lớn có trăm ngàn vạn ức không thể nói hết chư Phật, chư bồ tát”. Còn các hàng trời rồng và tám bộ chúng thì giao phó cho Địa Tạng (tức bổn tôn), làm cho những chúng sinh tâm ra khỏi tham sân si (dụ cho dục giới, sắc giớivô sắc giới), thoát khỏi nhà lửa, không còn đọa vào đường ác, thoát hẳn địa ngục.

Nhưng tâm thức chúng sinh thì bất định, tức vọng tâm luôn bị vô thường chi phối, và thường theo tập khí xấu ác nên gặp duyên xấu ác thì mãi tăng thêm. Còn thỉnh thoảng mới phát được chút tâm lành, nhưng lại dễ bị thối thất tâm tốt ban đầu. Vì vậy cho nên, chư Phật và các bậc thánh hiền phải phân thântùy duyên hóa độ, làm cho chúng sinh nhận lại bổn tâm của mình và sống với. Vì vậy cho nên, tịnh tâm hành thiệncông hạnh của thánh nhân, nên đức Phật dạy là: “Phải ở trong Phật pháp mà làm việc thiện thì mới được chân tâm bảo hộ, làm cho dần dần được giải thoát”. Hoặc tâm còn bị nghiệp dẫn, nếu có lưu tán vào đường xấu ác nhưng biết tĩnh giác (niệm danh hiệu Phật, bồ tát, hoặc câu kệ Đại thừa) thì thần lực của chân tâm làm cho vọng tâm tan biến (hiện vô biên thân), phá tan khổ đau (địa ngục); làm cho tâm thuần thiện trở lại (sinh lên cõi trời). Bài kệvắn tắt lại nghĩa trên.“Dùng thần thông lớn làm phương tiện” là dụ cho diệu dụng của tánh giác, nên tâm không dính mắc hai bên, nên nói thần thông.

2. Đức Phật dạy như vậy rồi, thì bổn tâm (Địa tạng) khẳng định lại lần nữa: “Nếu có người trai hiền, gái lành nào ở trong Phật pháp nhất niệm cung kính, thì con cũng dùng trăm ngàn phương tiện để độ thoát người này, huống nữa nghe các việc lành, niệm niệm tu hành thì tự ở nơi đạo vô thượng, không bao giờ thối chuyển”. Ở trong Phật pháp, tức tâm rời khỏi hai bên (bất nhị), nên nói độ thoát; cũng gọi là tịnh tâm hành thiện vậy.

3.Bồ tát Hư Không Tạng bạch Phật: Hư Không Tạng là gì? Hư không tạng chính là Như Lai tạng tâm.Bởi Tâm Như Lai như hư không vô sở hữu, nhưng dung chứa sum la vạn tượng trong ấy; ví như hư không vô sở hữu nhưng dung chứa toàn thể vũ trụ (hư không tạng). Đó là sự khác biệt với pháp tướng duy thức, bởi pháp tướng là do biến kế sở chấp hình thành, nên bản thân pháp tướng xa rời thực tại, và nó tạo thành dòng chảy (samsàra) trong tâm thức. Cùng một nghĩa này, Luận Trung quán nói: “Nhân duyên sở sinh pháp, ngã thuyết tức thị không, diệc danh vi giả danh, diệc danh trung đạo nghĩa”: Các pháp sở hữu của tâm thức đều do căn - trần - thức phát sinh, nên ta nói là không; cũng gọi là giả danh, cũng gọi là nghĩa trung đạo. Nghĩa trung đạo tức không chấp trước vào giả danh, nên không bị những khái niệm của vọng thức đánh lừa, tức chuyển thức thành trí vậy. Hư Không Tạng thưa hỏi đức Phật về nghe tên và thấy hình bổn tôn (Địa Tạng) thì được bao nhiêu lợi ích?

4.Đức Phật trả lời bồ tát Hư Không Tạng: Nếu ai thấy nghe bổn tôn thì được 28 điều lợi ích:

Một là thiện và ác (thiện là trời, mưu sâu kế độc là rồng) thường hộ niệm chân tâm, tức không để cho vọng tâm (hạt giống tốt - xấu) che mất bổn tâm.

Hai là hệ quả tốt lành ngày một tăng trưởng.

Ba là tích tập duyên tăng thượng lên bậc thánh.

Bốn là không thối thất tâm giác ngộ.

Năm là không còn sinh tâm đói khát (ăn uống đầy đủ), bởi tâm đói khátvọng tâm; còn chân tâm thì vượt ra ngoài sinh diệt.

Sáu là những tật bệnh không còn.Tâm vọng là tâm bệnh, nên hết vọng tâm thì tâm hết bệnh. Cùng một nghĩa này, Tổ Tăng Xán dạy: “Vi thuận tương tranh, thị danh tâm bệnh”: thuận nghịch tranh chấp nhau ấy là tâm bệnh vậy.

Bảy là lìa khỏi tai nạn do tham - sân tạo ra (dụ cho nước ái dục và lửa sân hận - nước lửa).

Tám là không bị cướp mất sự thanh tịnhsáng suốt của chân tâm (trộm cướp).

Chín là người thấy thì sinh lòng cung kính.

Mười là sân si không thể phá hoại được (quỷ thần hộ vệ).

Mười một là lìa khỏi tâm sinh diệt (thân gái chuyển thành trai). Dùng hình ảnh người con gái để dụ cho vọng tâm sinh diệt; cũng như trong kinh Vô lượng thọ dụ là "Thoát ly nữ thân: tức chỉ cho lìa khỏi vọng tâm sinh diệt vậy". Có nhiều dịch giả do không nhận ra nghĩa ẩn của kinh văn, nên dịch là: "Lúc con làm Phật, cõi nước của con không có người nữ", làm cho người ta hiểu lầm là người nữ tu không được.

Mười hai là nếu còn tâm sinh diệt thì tâm thuần thiện nhu nhuyến (con gái đại thần, vương giả quý phái).

Mười ba là nói ra những lời hay ý đẹp, hành động thuần thiện và sống với pháp thân tròn đầy (thân tướng đoan nghiêm tốt đẹp).

Mười bốn là tâm thuần thiện (sinh cõi trời).

Mười lăm là tâm cao quý (làm bậc vua chúa).

Mười sáu là đầy đủ trí tuệ nên biết rõ thân mạng quá khứ (được túc mạng minh).

Mười bảy là tâm tịch chiếu tròn đầy (sở cầu toại ý).

Mười tám là tâm cảnh hợp nhất (quyến thuộc an hòa), tức thấy bằng thấy, nghe bằng nghe.v.v…

Mười chín là các tai họa đều chấm dứt, như đoạn trên đã nói là tai họa cũng do tâm thức mà ra.

Hai mươi là dứt sạch nghiệp chướng.

Hai mươi mốt là đi đến đâu cũng không vướng mắc (thông suốt).

Hai mươi hai là không còn ác mộng.

Hai mươi ba là những nghiệp quá khứ đều dứt sạch (bậc tiền bối lìa khổ nạn).

Hai mươi bốn là quả tốt của quá khứ nên thọ sinh an vui.

Hai mươi lăm là được bậc thánh tán thán, như đoạn mở đầu đã diễn tả “Chư Phật đồng tán ngưỡng”.

Hai mươi sáu là căn tánh lanh lợi thông suốt.

Hai mươi bảy là giàu lòng thương cảm chúng sinh.

Hai mươi tám là rốt ráo thành Phật.

5.Lại nữa, nếu tâm thiện ác (hàng trời rồng) mỗi khi thấy nghe bổn tâm thì được 7 điều lợi ích:

Một là mau chứng bậc thánh.

Hai là nghiệp ác bị tiêu diệt.

Ba là chư Phật hộ trì.

Bốn là không còn thối thất tâm giác ngộ.

Năm là sức mạnh của bổn tâm tăng trưởng.

Sáu là đều biết rõ việc đời trước (được túc mạng minh).

Bảy là rốt ráo thành Phật.

(Tôi thấy đoạn này lập lại hoàn toàn ý của đoạn trên. MĐ).

6.Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngợi khen và tuyên bày sức oai thần lớn không thể nghĩ bàn của bồ tát Địa Tạng ở trong pháp hội có sự hiện diện của không thể nói hết chư Phật, chư bồ tát lớn cùng tám bộ chúng trời rồng ở trong mười phương. Đức Thích Ca là biểu trưng cho thủy giác, mà Địa Tạng là biểu trưng cho bổn giác, tức thủy bổn chẳng hai (bất nhị) nên nói là không thể nghĩ bàn. Trời Đao Lợi (10 thiện) mưa vô lượng hương hoa, y trời, chuỗi ngọc để cúng dường đức Phật Thích Ca và ngài Địa tạng, tức xả ly chấp phápchấp ngã một cách rốt ráo (xả liễu ngã pháp) thì thủy giác (Thích Ca) trở lại với bổn giác (Địa tạng hay bổn tôn). Cúng dường ở đây cũng đồng nghĩa với hằng thuận pháp tánh, tức xả ly ( mưa hay rơi rụng) không năng sở, nên thiện - ác đi vào tịch tịnh; mà đây là mười thiện (dụ cho trời). Đó là trọng tâm của kinh Đại thừa nói chung và kinh Địa tạng này vậy. Xin hành giả liễu tri.

Lược giải kinh Địa tạng hết.

Đao Lợi Thế Tôn nói pháp mầu

Địa Tạng công hạnh thật rộng sâu

Thánh giáo lưu truyền khắp trần thế

Trời người thoát khỏi chốn u sầu.

Đệ tử thành kính chấp tay đảnh lễtrở về y cứ đức bồ tát Địa tạng

vị giáo chủ sáng soi cõi lòng mà nhiều kiếp con đã lãng quên.

Xin Ngài dùng thần lực gia bị tâm con luôn bảo trọng

sự dày chắc và chứa đủ của mình.

Niệm ân giáo dưỡng

của Hòa Thượng bổn sư

quý thầy giáo thọ, quý thiện tri thức

và sự hỗ trợ của chư ân nhân

trong bước đường tu học

của đệ tử.

Tỳ kheo Thích Minh Điền

 

地藏菩薩本願經卷上

唐于闐國三藏沙門實叉難陀譯

忉利天宮神通品第一

如是我聞,一時佛在忉利天,為母說法。爾時十方無量世界,不可說不可說一切諸佛,及大菩薩摩訶薩,皆來集會。讚歎釋迦牟尼佛,能於五濁惡世,現不可思議大智慧神通之力,調伏剛彊眾生,知苦樂法,各遣侍者,問訊世尊。是時如來含笑,放百千萬億大光明雲。所謂大圓滿光明雲。大慈悲光明雲。大智慧光明雲。大般若光明雲。大三昧光明雲。大吉祥光明雲。大福德光明雲。大功德光明雲。大歸依光明雲。大讚歎光明雲。放如是等不可說光明雲已。又出種種微妙之音。所謂檀波羅蜜音。尸波羅蜜音。羼提波羅蜜音。毘離耶波羅蜜音。禪波羅蜜音。般若波羅蜜音。慈悲音喜捨音。解脫音無漏音。智慧音大智慧音。師子吼音大師子吼音。雲雷音大雲雷音。出如是等不可說不可說音已。娑婆世界及他方國土。有無量億天龍鬼神。亦集到忉利天宮。所謂四天王天忉利天。須焰摩天兜率陀天。化樂天他化自在天。梵眾天梵輔天大梵天。少光天無量光天光音天。少淨天無量淨天遍淨天。福生天福愛天廣果天。無想天無煩天無熱天。善見天善現天色究竟天。摩醯首羅天乃至非想非非想處天。一切天眾龍眾鬼神等眾悉來集會。復有他方國土及娑婆世界。海神江神河神樹神。山神地神川澤神苗稼神晝神。夜神空神天神。飲食神草木神。如是等神皆來集會。復有他方國土及娑婆世界諸大鬼王。所謂惡目鬼王噉血鬼王。噉精氣鬼王噉胎卵鬼王。行病鬼王攝毒鬼王。慈心鬼王福利鬼王。大愛敬鬼王如是等鬼王。皆來集會。爾時釋迦牟尼佛告文殊師利法王子菩薩摩訶薩。汝觀是一切諸佛菩薩。及天龍鬼神。此世界他世界此國土他國土。如是今來集會到忉利天者。汝知數不。文殊師利白佛言。世尊若以我神力千劫測度不能得知。佛告文殊師利。吾以佛眼觀故猶不盡數。此皆是地藏菩薩久遠劫來。已度當度未度。已成就當成就。未成就。文殊師利白佛言。世尊我已過去久修善根證無礙智。聞佛所言即當信受。小果聲聞天龍八部。及未來世諸眾生等。雖聞如來誠實之語必懷疑惑。設使頂受未免興謗。唯願世尊廣說地藏菩薩摩訶薩。因地作何行立何願。而能成就不思議事。佛告文殊師利。譬如三千大千世界。所有草木叢林稻麻竹葦。山石微塵一物一數。作一恒河。一恒河沙一沙之界。一界之內一塵一劫。一劫之內所積塵數。盡克為劫。地藏菩薩證十地果位已來。千倍多於上喻。何況地藏菩薩在聲聞辟支佛地。文殊師利。此菩薩威神誓願不可思議。若未來世有善男子善女人。聞是菩薩名字。或讚歎或瞻禮。或稱名或供養。乃至彩畫刻鏤塑漆形像。是人當得百返生於三十三天永不墮惡道。文殊師利。是地藏菩薩摩訶薩。於過去久遠不可說不可說劫前。身為大長者子。時世有佛號曰師子奮迅具足萬行如來。時長者子見佛相好千福莊嚴。因問彼佛。作何行願而得此相。時師子奮迅具足萬行如來。告長者子。欲證此身當須久遠度脫一切受苦眾生。文殊師利。時長者子因發願言。我今盡未來際不可計劫。為是罪苦六道眾生廣設方便盡令解脫。而我自身方成佛道。以是於彼佛前立斯大願。于今百千萬億那由他不可說劫尚為菩薩。又於過去不可思議阿僧祇劫。時世有佛號曰覺華定自在王如來。彼佛壽命四百千萬億阿僧祇劫。像法之中有一婆羅門女。宿福深厚眾所欽敬。行住坐臥諸天衛護。其母信邪常輕三寶。是時聖女廣說方便。勸誘其母令生正見。而此女母未全生信。不久命終。魂神墮在無間地獄。時婆羅門女知母在世不信因果。計當隨業必生惡趣。遂賣家宅廣求香華及諸供具。於先佛塔寺大興供養。見覺華定自在王如來其形像在一寺中。塑畫威容端嚴畢備。時婆羅門女瞻禮尊容。倍生敬仰私自念言。佛名大覺具一切智。若在世時我母死後。儻來問佛必知處所。時婆羅門女垂泣良久。瞻戀如來忽聞空中聲曰。泣者聖女勿至悲哀。我今示汝母之去處。婆羅門女合掌向空而白空曰。是何神德寬我憂慮。我自失母已來晝夜憶戀。無處可問知母生界。時空中有聲再報女曰。我是汝所瞻禮者。過去覺華定自在王如來。見汝憶母倍於常情眾生之分。故來告示。婆羅門女聞此聲已。舉身自撲支節皆損。左右扶侍良久方穌。而白空曰。願佛慈愍速說我母生界。我今身心將死不久。時覺華定自在王如來告聖女曰。汝供養畢但早返舍。端坐思惟吾之名號。即當知母所生去處。時婆羅門女尋禮佛已即歸其舍。以憶母故端坐念覺華定自在王如來。經一日一夜。忽見自身。到一海邊其水涌沸。多諸惡獸盡復鐵身。飛走海上東西馳逐。見諸男子女人百千萬數出沒海中。被諸惡獸爭取食噉。又見夜叉其形各異。或多手多眼多足多頭。口牙外出利刃如劍。驅諸辠人使近惡獸。復自搏攫頭足相就。其形萬類不敢久視。時婆羅門女以念佛力故自然無懼。有一鬼王名曰無毒。稽首來迎白聖女曰。善哉菩薩何緣來此。時婆羅門女問鬼王曰。此是何處。無毒答曰。此是大鐵圍山西面第一重海。聖女問曰。我聞鐵圍之內。地獄在中是事實不。無毒答曰實有地獄。聖女問曰。我今云何得到獄所。無毒答曰。若非威神即須業力。非此二事終不能到。聖女又問。此水何緣而乃涌沸。多諸罪人及以惡獸。無毒答曰。此是閻浮提造惡眾生新死之者。經四十九日後。無人繼嗣為作功德救拔苦難。生時又無善因當據本業所感地獄。自然先渡此海。海東十萬由旬又有一海其苦倍此。彼海之東又有一海其苦復倍。三業惡因之所招感。共號業海其處是也。聖女又問鬼王無毒曰地獄何在。無毒答曰。三海之內是大地獄。其數百千各各差別。所謂大者具有十八次有五百苦毒無量。次有千百亦無量苦。聖女又問大鬼王曰。我母死來未久。不知魂神當至何趣。鬼王問聖女曰。菩薩之母在生習何行業。聖女答曰我母邪見譏毀三寶。設或暫信旋又不敬。死雖日淺未知生處。無毒問曰。菩薩之母姓氏何等。聖女答曰。我父我母俱婆羅門種。父號尸羅善現母號悅帝利。無毒合掌啟菩薩曰。願聖者却返本處。無至憂憶悲戀。悅帝利罪女生天以來經今三日。云承孝順之子為母設供修福。布施覺華定自在王如來塔寺。非唯菩薩之母得脫地獄。應是無間罪人此日悉得受樂俱同生訖。鬼王言畢合掌而退。婆羅門女尋如夢歸悟此事已。便於覺華定自在王如來塔像之前立弘誓願。願我盡未來劫。應有罪苦眾生廣設方便使令解脫。佛告文殊師利。時鬼王無毒者當今財首菩薩是。婆羅門女者即地藏菩薩是.

分身集會品第二

[0779b01] 爾時百千萬億不可思不可議不可量不可說無量阿僧祇世界。所有地獄處分身地藏菩薩。俱來集在忉利天宮。以如來神力故。各以方面與諸得解脫從業道出者,亦各有千萬億那由他數。共持香華來供養佛。彼諸同來等輩。皆因地藏菩薩教化。永不退轉於阿耨多羅三藐菩提。是諸眾等久遠劫來。流浪生死六道受苦暫無休息。以地藏菩薩廣大慈悲深誓願故。各獲果證既至忉利。心懷踊躍瞻仰如來目不暫捨。爾時世尊舒金色臂。摩百千萬億不可思不可議不可量不可說無量阿僧祇世界諸分身地藏菩薩摩訶薩頂。而作是言。吾於五濁惡世。教化如是剛彊眾生。令心調伏捨邪歸正。十有一二尚惡習在。吾亦分身千百億廣設方便。或有利根聞即信受。或有善果勤勸成就。或有暗鈍久化方歸。或有業重不生敬仰。如是等輩眾生。各各差別分身度脫。或現男子身或現女人身。或現天龍身或現神鬼身。或現山林川原河池泉井利及於人悉皆度脫。或現天帝身或現梵王身。或現轉輪王身或現居士身。或現國王身或現宰輔身。或現官屬身或現比丘.比丘尼.優婆塞.優婆夷身。乃至聲聞.羅漢.辟支佛.菩薩等身。而以化度。非但佛身獨現其前汝觀吾累劫勤苦。度脫如是等難化剛彊罪苦眾生。其有未調伏者隨業報應。若墮惡趣受大苦時。汝當憶念。吾在忉利天宮殷勤付囑。令娑婆世界至彌勒出世已來眾生悉使解脫永離諸苦遇佛授記。爾時諸世界分身地藏菩薩共復一形涕淚哀戀白其佛言。我從久遠劫來蒙佛接引。使獲不可思議神力具大智慧。我所分身遍滿百千萬億恒河沙世界。每一世界化百千萬億身。每一身度百千萬億人。令歸敬三寶永離生死至涅槃樂但於佛法中所為善事一毛一渧一沙一塵。或毫髮許。我漸度脫使獲大利。唯願世尊不以後世惡業眾生為慮。如是三白佛言。唯願世尊不以後世惡業眾生為慮。爾時佛讚地藏菩薩言。善哉善哉吾助汝喜。汝能成就久遠劫來發弘誓願。廣度將畢即證菩提。

 

觀眾生業緣品第三

[0779c15] 爾時佛母摩耶夫人。恭敬合掌問地藏菩薩言。聖者。閻浮眾生造業差別。所受報應其事云何。地藏答言。千萬世界乃及國土。或有地獄或無地獄。或有女人或無女人。或有佛法或無佛法。乃至聲聞辟支佛亦復如是非但地獄罪報一等。摩耶夫人重白菩薩。且願聞於閻浮罪報所感惡趣。地藏答言。聖母。唯願聽受。我麁說之。佛母白言。願聖者說爾時地藏菩薩白聖母言。南閻浮提罪報名號如是。若有眾生不孝父母或至殺害。當墮無間地獄。千萬億劫求出無期。若有眾生出佛身血。毀謗三寶不敬尊經。亦當墮於無間地獄。千萬億劫求出無期。若有眾生侵損常住點污僧尼。或伽藍內恣行淫欲。或殺或害如是等輩。當墮無間地獄。千萬億劫求出無期若有眾生偽作沙門心非沙門。破用常住欺誑白衣。違背戒律種種造惡。如是等輩當墮無間地獄。千萬億劫求出無期。若有眾生偷竊常住財物穀米飲食衣服乃至一物不與取者。當墮無間地獄。千萬億劫求出無期。地藏白言聖母。若有眾生作如是罪。當墮五無間地獄。求暫停苦一念不得。摩耶夫人重白地藏菩薩言。云何名為無間地獄。地藏白言。聖母。諸有地獄在大鐵圍山之內。其大地獄有一十八所。次有五百名號各別。次有千百名字亦別。無間獄者其獄城周匝八萬餘里。其城純鐵高一萬里城上火聚少有空缺。其獄城中諸獄相連名號各別獨有一獄名曰無間。其獄周匝萬八千里。獄墻高一千里悉是鐵為。上火徹下下火徹上。鐵蛇鐵狗吐火馳逐。獄墻之上東西而走。獄中有床遍滿萬里。一人受罪自見其身遍臥滿床。千萬人受罪亦各自見身滿床上。眾業所感獲報如是。又諸罪人備受眾苦。千百夜叉及以惡鬼。口牙如劍眼如電光。手復銅爪拖拽罪人。復有夜叉執大鐵戟中罪人身。或中口鼻或中腹背。拋空翻接或置床上。復有鐵鷹啗罪人目。復有鐵蛇繳罪人頸。百肢節內悉下長釘。拔舌耕犁抽腸剉斬。洋銅灌口熱鐵纏身。萬死千生業感如是。動經億劫求出無期。此界壞時寄生他界。他界次壞轉寄他方。他方壞時展轉相寄。此界成後還復而來。無間罪報其事如是。又五事業感故稱無間。何等為五。一者日夜受罪以至劫數。無時間絕故稱無間。二者一人亦滿多人亦滿故稱無間。三者罪器叉棒鷹蛇狼犬。碓磨鋸鑿剉斫鑊湯。鐵網鐵繩鐵驢鐵馬。生革絡首熱鐵澆身飢吞鐵丸渴飲鐵汁。從年竟劫數那由他。苦楚相連更無間斷故稱無間。四者不問男子女人羗胡夷狄老幼貴賤。或龍或神或天或鬼。罪行業感悉同受之故稱無間。五者若墮此獄。從初入時至百千劫。一日一夜萬死萬生。求一念間暫住不得。除非業盡方得受生。以此連綿故稱無間。地藏菩薩白聖母言。無間地獄麁說如是。若廣說地獄罪器等名及諸苦事。一劫之中求說不盡。摩耶夫人聞已。愁憂合掌頂禮而退

閻浮眾生業感品第四

[0780b17] 爾時地藏菩薩摩訶薩白佛言。世尊。我承佛如來威神力故。遍百千萬億世界。分是身形救拔一切業報眾生。若非如來大慈力故。即不能作如是變化。我今又蒙佛付囑。至阿逸多成佛已來。六道眾生遣令度脫。唯然世尊願不有慮。爾時佛告地藏菩薩。一切眾生未解脫者。性識無定。惡習結業善習結果。為善為惡逐境而生輪轉五道暫無休息。動經塵劫迷惑障難。如魚遊網將是長流。脫入暫出又復遭網。以是等輩吾當憂念。汝既畢是往願。累劫重誓廣度罪輩。吾復何慮。說是語時。會中有一菩薩摩訶薩。名定自在王。白佛言。世尊。地藏菩薩。累劫已來各發何願。今蒙世尊殷勤讚歎。唯願世尊略而說之。爾時世尊告定自在王菩薩。諦聽諦聽善思念之。吾當為汝分別解說。乃往過去無量阿僧祇那由他不可說劫。爾時有佛號一切智成就如來應供正遍知明行足善逝世間解無上士調御丈夫天人師佛世尊。其佛壽命六萬劫。未出家時為小國王。與一隣國王為友。同行十善饒益眾生。其隣國內所有人民多造眾惡。二王議計廣設方便。一王發願早成佛道。當度是輩令使無餘。一王發願若不先度罪苦。令是安樂得至菩提。我終未願成佛佛告定自在王菩薩。一王發願早成佛者。即一切智成就如來是。一王發願永度罪苦眾生。未願成佛者即地藏菩薩是。復於過去無量阿僧祇劫。有佛出世名清淨蓮華目如來。其佛壽命四十劫。像法之中有一羅漢福度眾生。因次教化。遇一女人字曰光目。設食供養。羅漢問之欲願何等。光目答言。我以母亡之日資福救拔。未知我母生處何趣。羅漢愍之為入定觀。見光目女母墮在惡趣受極大苦。羅漢問光目言。汝母在生作何行業。今在惡趣受極大苦。光目答言。我母所習。唯好食噉魚鼈之屬。所食魚鼈多食其子。或炒或煮恣情食噉。計其命數千萬復倍。尊者慈愍如何哀救。羅漢愍之為作方便。勸光目言。汝可志誠念清淨蓮華目如來兼塑畫形像存亡獲報。光目聞已即捨所愛。尋畫佛像而供養之。復恭敬心悲泣瞻禮。忽於夜後夢見佛身。金色晃耀如須彌山。放大光明而告光目。汝母不久當生汝家。纔覺飢寒即當言說。其後家內婢生一子。未滿三日而乃言說。稽首悲泣告於光目。生死業緣果報自受。吾是汝母。久處暗冥。自別汝來。累墮大地獄。蒙汝福力方得受生。為下賤人又復短命。壽年十三更落惡道。汝有何計令吾脫免。光目聞說知母無疑。哽咽悲啼而白婢子。既是我母合知本罪。作何行業墮於惡道。婢子答言。以殺害毀罵二業受報。若非蒙福救拔吾難。以是業故未合解脫。光目問言。地獄罪報其事云何。婢子答言。罪苦之事不忍稱說。百千歲中卒白難竟。光目聞已啼淚號泣。而白空界。願我之母永脫地獄。畢十三歲更無重罪及歷惡道。十方諸佛慈哀愍我。聽我為母所發廣大誓願。若得我母永離三塗及斯下賤。乃至女人之身永劫不受者。願我自今日後。對清淨蓮華目如來像前。却後百千萬億劫中。應有世界所有地獄。及三惡道諸罪苦眾生。誓願救拔令離地獄惡趣畜生餓鬼等。如是罪報等人盡成佛竟。我然後方成正覺。發誓願已。具聞清淨蓮華目如來。而告之曰。光目汝大慈愍善能為母發如是大願。吾觀汝母十三歲畢捨此報已生為梵志壽年百歲。過是報後當生無憂國土。壽命不可計劫。後成佛果廣度人天數如恒河沙。佛告定自在王。爾時羅漢福度光目者即無盡意菩薩是。光目母者即解脫菩薩是。光目女者即地藏菩薩是。過去久遠劫中如是慈愍。發恒河沙願廣度眾生。未來世中若有男子女人不行善者。行惡者。乃至不信因果者。邪婬妄語者。兩舌惡口者。毀謗大乘者。如是諸業眾生必墮惡趣。若遇善知識勸。令一彈指間。歸依地藏菩薩。是諸眾生即得解脫三惡道報。若能志心歸敬及瞻禮讚歎。香華衣服種種珍寶或復飲食。如是奉事者。未來百千萬億劫中。常在諸天受勝妙樂。若天福盡下生人間。猶百千劫常為帝王。能憶宿命因果本末。定自在王。如是地藏菩薩。有如此不可思議大威神力廣利眾生。汝等諸菩薩當記是經廣宣流布。定自在王白佛言。世尊願不有慮。我等千萬億菩薩摩訶薩。必能承佛威神廣演是經。於閻浮提利益眾生。定自在王菩薩白世尊已。合掌恭敬作禮而退。爾時四方天王俱從座起。合掌恭敬白佛言。世尊。地藏菩薩於久遠劫來。發如是大願。云何至今猶度未絕。更發廣大誓言。唯願世尊為我等說。佛告四天王。善哉善哉吾今為汝及未來現在天人眾等廣利益故。說地藏菩薩於娑婆世界閻浮提內生死道中。慈哀救拔度脫一切罪苦眾生方便之事。四天王言。唯然世尊願樂欲聞。佛告四天王。地藏菩薩久遠劫來。迄至于今度脫眾生猶未畢願。慈愍此世罪苦眾生。復觀未來無量劫中因蔓不斷。以是之故又發重願。如是菩薩於娑婆世界閻浮提中。百千萬億方便而為教化。四天王。地藏菩薩若遇殺生者說宿殃短命報。若遇竊盜者說貧窮苦楚報。若遇邪婬者說雀鴿鴛鴦報。若遇惡口者說眷屬鬪諍報。若遇毀謗者說無舌瘡口報。若遇瞋恚者說醜陋癃殘報。若遇慳悋者說所求違願報。若遇飲食無度者說飢渴咽病報。若遇畋獵恣情者說驚狂喪命報。若遇悖逆父母者說天地災殺報。若遇燒山林木者說狂迷取死報。若遇前後父母惡毒者說返生鞭撻現受報。若遇網捕生雛者說骨肉分離報。若遇毀謗三寶者說盲聾瘖瘂報。若遇輕法慢教者說永處惡道報。若遇破用常住者說億劫輪迴地獄報。若遇污梵誣僧者。說永在畜生報。若遇湯火斬斫傷生者說輪迴遞償報。若遇破戒犯齋者說禽獸飢餓報。若遇非理毀用者說所求闕絕報。若遇吾我貢高者說卑使下賤報。若遇兩舌鬪亂者說無舌百舌報。若遇邪見者說邊地受生報。如是等閻浮提眾生。身口意業惡習結果。百千報應今麁略說。如是等閻浮提眾生業感差別。地藏菩薩百千方便而教化之。是諸眾生先受如是等報。後墮地獄動經劫數無有出期。是故汝等護人護國。無令是諸眾業迷惑眾生。四天王聞已。涕淚悲歎合掌而退

地獄名號品第五

[0781c27] 爾時普賢菩薩摩訶薩白地藏菩薩言。仁者。願為天龍四眾及未來現在一切眾生。說娑婆世界及閻浮提罪苦眾生所受報處地獄名號。及惡報等事。使未來世末法眾生知是果報。地藏答言。仁者。我今承佛威神及大士之力。略說地獄名號及罪報惡報之事。仁者。閻浮提東方有山號曰鐵圍。其山黑邃無日月光。有大地獄號極無間。又有地獄名大阿鼻。復有地獄名曰四角。復有地獄名曰飛刀。復有地獄名曰火箭。復有地獄名曰夾山。復有地獄名曰通槍。復有地獄名曰鐵車。復有地獄名曰鐵床。復有地獄名曰鐵牛。復有地獄名曰鐵衣。復有地獄名曰千刃。復有地獄名曰鐵驢。復有地獄名曰洋銅。復有地獄名曰抱柱。復有地獄名曰流火。復有地獄名曰耕舌。復有地獄名為剉首。復有地獄名曰燒脚。復有地獄名曰啗眼。復有地獄名曰鐵丸。復有地獄名曰諍論。復有地獄名曰鐵鈇。復有地獄名曰多瞋。地藏白言。仁者。鐵圍之內有如是等地獄其數無限。更有叫喚地獄.拔舌地獄.糞尿地獄.銅鎖地獄.火象地獄.火狗地獄.火馬地獄.火牛地獄.火山地獄.火石地獄.火床地獄.火梁地獄.火鷹地獄.鋸牙地獄.剝皮地獄.飲血地獄.燒手地獄.燒脚地獄.倒刺地獄.火屋地獄.鐵屋地獄.火狼地獄.如是等地獄.其中各各復有諸小地獄.或一或二或三或四乃至百千。其中名號各各不同。地藏菩薩告普賢菩薩言。仁者。此者皆是南閻浮提行惡眾生。業感如是業力甚大。能敵須彌能深巨海能障聖道。是故眾生莫輕小惡以為無罪。死後有報纖毫受之。父子至親岐路各別。縱然相逢無肯代受。我今承佛威力。略說地獄罪報之事。唯願仁者暫聽是言。普賢答言。吾以久知三惡道報。望仁者說令後世末法一切惡行眾生。聞仁者說使令歸佛。地藏白言。仁者。地獄罪報其事如是。或有地獄取罪人舌使牛耕之。或有地獄取罪人心夜叉食之。或有地獄鑊湯盛沸煮罪人身。或有地獄赤燒銅柱使罪人抱。或有地獄使諸火燒趁及罪人。或有地獄一向寒氷。或有地獄無限糞尿。或有地獄純飛[金*疾]鏫。或有地獄多攢火槍。或有地獄唯撞胸背。或有地獄但燒手足。或有地獄盤繳鐵蛇。或有地獄驅逐鐵狗。或有地獄盡駕鐵騾。仁者如是等報。各各獄中有百千種。業道之器無非是銅是鐵是石是火。此四種物眾業行感。若廣說地獄罪報等事。一一獄中更有百千種苦楚。何況多獄。我今承佛威神及仁者問。略說如是。若廣解說窮劫不盡

如來讚歎品第六

[0782b21] 爾時世尊舉身放大光明。遍照百千萬億恒河沙等諸佛世界。出大音聲普告諸佛世界一切諸菩薩摩訶薩及天龍鬼神人非人等。聽吾今日稱揚讚歎地藏菩薩摩訶薩。於十方世界現大不可思議威神慈悲之力。救護一切罪苦之事。吾滅度後汝等諸菩薩大士。及天龍鬼神等。廣作方便衛護是經。令一切眾生證涅槃樂。說是語已會中有一菩薩。名曰普廣。合掌恭敬而白佛言。今見世尊讚歎地藏菩薩。有如是不可思議大威神德。唯願世尊為未來世末法眾生。宣說地藏菩薩利益人天因果等事。使諸天龍八部及未來世眾生頂受佛語。爾時世尊告普廣菩薩及四眾等。諦聽諦聽吾當為汝略說地藏菩薩利益人天福德之事。普廣白言。唯然世尊願樂欲聞。佛告普廣菩薩。未來世中若有善男子善女人。聞是地藏菩薩摩訶薩名者。或合掌者讚歎者。作禮者。戀慕者。是人超越三十劫罪。普廣。若有善男子善女人。或彩畫形像。或土石膠漆金銀銅鐵。作此菩薩一瞻一禮者。是人百返生於三十三天。永不墮於惡道。假如天福盡故下生人間。猶為國王不失大利。若有女人厭女人身。盡心供養地藏菩薩畫像。及土石膠漆銅鐵等像。如是日日不退。常以華香飲食衣服繒綵幢旛錢寶物等供養。是善女人盡此一報女身。百千萬劫更不生有女人世界。何況復受。除非慈願力故要受女身度脫眾生。承斯供養地藏力故及功德力。百千萬劫不受女身。復次普廣。若有女人厭是醜陋多疾病者。但於地藏像前志心瞻禮。食頃之間。是人千萬劫中所受生身相貌圓滿。是醜陋女人如不厭女身。即百千萬億生中。常為王女乃及王妃宰輔大姓大長者女。端正受生諸相圓滿。由志心故瞻禮地藏菩薩獲福如是。復次普廣。若有善男子善女人。能對菩薩像前。作諸伎樂及歌詠讚歎香華供養。乃至勸於一人多人。如是等輩現在世中及未來世。常得百千鬼神日夜衛護。不令惡事輒聞其耳。何況親受諸橫。復次普廣。未來世中若有惡人及惡神惡鬼。見有善男子善女人。歸敬供養讚歎瞻禮地藏菩薩形像。或妄生譏毀。謗無功德及利益事。或露齒笑或背面非。或勸人共非。或一人非或多人非。乃至一念生譏毀者。如是之人賢劫千佛滅度。譏毀之報尚在阿鼻地獄受極重罪。過是劫已方受餓鬼。又經千劫復受畜生。又經千劫方得人身。縱受人身貧窮下賤諸根不具。多被惡業來結其心。不久之間復墮惡道。是故普廣。譏毀他人供養尚獲此報。何況別生惡見毀滅。復次普廣。若未來世有男子女人。久處床枕求生求死了不可得。或夜夢惡鬼乃及家親。或遊險道或多魘寐。共鬼神遊。日月歲深轉復尫瘵眠中叫苦慘悽不樂者。此皆是業道論對未定輕重。或難捨壽或不得愈。男女俗眼不辨是事。但當對諸佛菩薩像前。高聲轉讀此經一遍。或取病人可愛之物。或衣服寶貝莊園舍宅。對病人前高聲唱言。我某甲等為是病人。對經像前捨諸等物。或供養經像或造佛菩薩形像。或造塔寺或然油燈。或施常住。如是三白。病人遣令聞知。假令諸識分散至氣盡者。乃至一日二日三日四日至七日已來。但高聲白高聲讀經。是人命終之後宿殃重罪至于五無間罪永得解脫。所受生處常知宿命。何況善男子善女人。自書此經或教人書或自塑畫菩薩形像。乃至教人塑畫。所受果報必獲大利。是故普廣。若見有人讀誦是經。乃至一念讚歎是經或恭敬者。汝須百千方便。勸是等人勤心莫退。能得未來現在千萬億不可思議功德。復次普廣。若未來世諸眾生等。或夢或寐見諸鬼神乃及諸形。或悲或啼或愁或歎或恐或怖。此皆是一生十生百生千生。過去父母男女弟妹夫妻眷屬在於惡趣未得出離。無處希望福力救拔。當告宿世骨肉。使作方便願離惡道。普廣。汝以神力遣是眷屬。令對諸佛菩薩像前。志心自讀此經或請人讀。其數三遍或七遍。如是惡道眷屬。經聲畢是遍數當得解脫。乃至夢寐之中永不復見。復次普廣若未來世有諸下賤等人或奴或婢。乃至諸不自由之人。覺知宿業要懺悔者。志心瞻禮地藏菩薩形像。乃至一七日中念菩薩名可滿萬遍。如是等人盡此報後。千萬生中常生尊貴。更不經三惡道苦。復次普廣。若未來世中閻浮提內。剎利婆羅門長者居士一切人等。及異姓種族有新產者。或男或女七日之中。早與讀誦此不思議經典。更為念菩薩名可滿萬遍。是新生子或男或女。宿有殃報便得解脫。安樂易養壽命增長。若是承福生者轉增安樂及與壽命。復次普廣。若未來世眾生。於月一日八日十四日十五日十八日二十三二十四二十八二十九日乃至三十日。是諸日等諸罪結集定其輕重。南閻浮提眾生舉止動念。無不是業無不是罪。何況恣情殺害竊盜邪婬妄語百千罪狀。能於是十齋日。對佛菩薩諸賢聖像前讀是經一遍。東西南北百由旬內無諸災難。當此居家若長若幼。現在未來百千歲中永離惡趣。能於十齋日每轉一遍。現世令此居家無諸橫病衣食豐溢。是故普廣當知。地藏菩薩有如是等不可說百千萬億大威神力利益之事。閻浮眾生於此大士有大因緣。是諸眾生聞菩薩名見菩薩像。乃至聞是經三字五字或一偈一句者。現在殊妙安樂。未來之世百千萬生。常得端正生尊貴家。爾時普廣菩薩聞佛如來稱揚讚歎地藏菩薩已。胡跪合掌復白佛言。世尊。我久知是大士有如此不可思議神力及大誓願力。為未來眾生遣知利益故問如來唯然頂受。世尊當何名此經。使我云何流布。佛告普廣此經有三名。一名地藏本願。亦名地藏本行。亦名地藏本誓力經。緣此菩薩久遠劫來。發大重願利益眾生。是故汝等依願流布。普廣聞已。合掌恭敬作禮而退.

地藏菩薩本願經卷下

利益存亡品第七

[0783c28] 爾時地藏菩薩摩訶薩白佛言。世尊。我觀是閻浮眾生。舉心動念無非是罪。脫獲善利多退初心。若遇惡緣念念增益。是等輩人如履泥塗負於重石。漸困漸重足步深邃。若得遇知識替與減負或全與負。是知識有大力故。復相扶助勸令牢脚。若達平地須省惡路無再經歷世尊。習惡眾生從纖毫間便至無量。是諸眾生有如此習臨命終時父母眷屬。宜為設福以資前路。或懸旛蓋及然油燈。或轉讀尊經或供養佛像及諸聖像。乃至念佛菩薩及辟支佛名字。一名一號歷臨終人耳根。或聞在本識。是諸眾生所造惡業。計其感果必墮惡趣。緣是眷屬為臨終人修此聖因。如是眾罪悉皆銷滅。若能更為身死之後七七日內廣造眾善。能使是諸眾生永離惡趣。得生人天受勝妙樂。現在眷屬利益無量。是故我今對佛世尊及天龍八部人非人等。勸於閻浮提眾生。臨終之日慎勿殺害及造惡緣。拜祭鬼神求諸魍魎。何以故。爾所殺害乃至拜祭。無纖毫之力利益亡人。但結罪緣轉增深重。假使來世或現在生。得獲聖分生人天中。緣是臨終被諸眷屬造是惡因。亦令是命終人殃累對辯晚生善處。何況臨命終人。在生未曾有少善根。各據本業自受惡趣。何忍眷屬更為增業。譬如有人從遠地來絕糧三日。所負擔物彊過百斤。忽遇隣人更附少物。以是之故轉復困重。世尊我觀閻浮眾生。但能於諸佛教中。乃至善事一毛一渧一沙一塵。如是利益悉皆自得。說是語時。會中有一長者名曰大辯。是長者久證無生化度十方現長者身。合掌恭敬問地藏菩薩言。大士是南閻浮提眾生命終之後。小大眷屬為修功德。乃至設齋造眾善因。是命終人得大利益及解脫不。地藏答言。長者。我今為未來現在一切眾生承佛威力略說是事。長者。未來現在諸眾生等。臨命終日得聞一佛名一菩薩名一辟支佛名。不問有罪無罪悉得解脫。若有男子女人。在生不修善因多造眾罪。命終之後。眷屬小大為造福利。一切聖事七分之中而乃獲一。六分功德生者自利。以是之故未來現在善男女等。聞健自修分分已獲。無常大鬼不期而到。冥冥遊神未知罪福七七日內如癡如聾或在諸司辯論業果。審定之後據業受生。未測之間千萬愁苦。何況墮於諸惡趣等。是命終人未得受生。在七七日內念念之間望諸骨肉眷屬與造福力救拔。過是日後隨業受報。若是罪人動經千百歲中無解脫日。若是五無間罪墮大地獄。千劫萬劫永受眾苦。復次長者。如是罪業眾生命終之後。眷屬骨肉為修營齋資助業道。未齋食竟及營齋之次。米泔菜葉不棄於地。乃至諸食未獻佛僧。勿得先食。如有違食及不精勤。是命終人了不得力。如精勤護淨奉獻佛僧。是命終人七分獲一。是故長者閻浮眾生。若能為其父母乃至眷屬。命終之後設齋供養志心勤懇。如是之人存亡獲利。說是語時忉利天宮。有千萬億那由他閻浮鬼神。悉發無量菩提之心。大辯長者作禮而退

閻羅王眾讚歎品第八

[0784c03] 爾時鐵圍山內有無量鬼王。與閻羅天子俱詣忉利來到佛所。所謂惡毒鬼王,多惡鬼王,大諍鬼王,白虎鬼王血虎鬼王,赤虎鬼王散殃鬼王,飛身鬼王,電光鬼王,狼牙鬼王,千眼鬼王,噉獸鬼王,負石鬼王,主耗鬼王,主禍鬼王,主食鬼王,主財鬼王,主畜鬼王,主禽鬼王,主獸鬼王,主魅鬼王,主產鬼王,主命鬼王,主疾鬼王,主險鬼王,三目鬼王,四目鬼王,五目鬼王,祁利失王,大祁利失王,祁利叉王,大祁利叉王,阿那吒王,大阿那吒王,如是等大鬼王。各各與百千諸小鬼王。盡居閻浮提。各有所執各有所主。是諸鬼王與閻羅天子。承佛威神及地藏菩薩摩訶薩力。俱詣忉利在一面立。爾時閻羅天子胡跪合掌白佛言。世尊。我等今者與諸鬼王承佛威神及地藏菩薩摩訶薩力。方得詣此忉利大會。亦是我等獲善利故。我今有小疑事敢問世尊。唯願世尊慈悲宣說。佛告閻羅天子恣汝所問吾為汝說。是時閻羅天子瞻禮世尊。及迴視地藏菩薩而白佛言。世尊我觀地藏菩薩。在六道中百千方便而度罪苦眾生不辭疲倦是大菩薩有如是不可思議神通之事。然諸眾生脫獲罪報未久之間又墮惡道。世尊。是地藏菩薩既有如是不可思議神力。云何眾生而不依止善道永取解脫。唯願世尊為我解說。佛告閻羅天子。南閻浮提眾生。其性剛彊難調難伏。是大菩薩於百千劫頭頭救拔如是眾生早令解脫。是罪報人乃至墮大惡趣。菩薩以方便力拔出根本業緣。而遣悟宿世之事。自是閻浮眾生結惡習重。旋出旋入勞斯菩薩。久經劫數而作度脫。譬如有人迷失本家誤入險道。其險道中多諸夜叉及虎狼師子蚖蛇蝮蠍。如是迷人在險道中。須臾之間即遭諸毒。有一知識多解大術。善禁是毒乃及夜叉諸惡毒等。忽逢迷人欲進險道。而語之言。咄哉男子。為何事故而入此路。有何異術能制諸毒是迷路人忽聞是語。方知險道。即便退步求出此路。是善知識提携接手引出險道。免諸惡毒至于好道。令得安樂而語之言。咄哉迷人自今已後勿履是道。此路入者卒難得出復損性命。是迷路人亦生感重。臨別之時。知識又言。若見親知及諸路人若男若女。言於此路多諸毒惡喪失性命。無令是眾自取其死。是故地藏菩薩具大慈悲救拔罪苦眾生。生天人中令受妙樂。是諸罪眾知業道苦脫得出離永不再歷。如迷路人誤入險道。遇善知識引接令出。永不復入。逢見他人復勸莫入。自言因是迷故。得解脫竟更不復入。若再履踐猶尚迷誤。不覺舊曾所落險道。或致失命如墮惡趣。地藏菩薩方便力故使令解脫生人天中旋又再入。若業結重永處地獄無解脫時。爾時惡毒鬼王合掌恭敬白佛言。世尊。我等諸鬼王。其數無量在閻浮提。或利益人或損害人各各不同。然是業報使我眷屬遊行世界。多惡少善過人家庭。或城邑聚落莊園房舍。或有男子女人修毛髮善事。乃至懸一旛一蓋少香少華。供養佛像及菩薩像。或轉讀尊經燒香供養一句一偈。我等鬼王敬禮是人。如過去現在未來諸佛。勅諸小鬼各有大力。及土地分便令衛護。不令惡事橫事惡病橫病。乃至不如意事。近於此舍等處。何況入門。佛讚鬼王善哉善哉汝等及與閻羅。能如是擁護善男女等。吾亦告梵王帝釋令衛護汝。說是語時。會中有一鬼王名曰主命。白佛言。世尊。我本業緣主閻浮人命。生時死時我皆主之。在我本願甚欲利益。自是眾生不會我意。致令生死俱不得安。何以故。是閻浮提人初生之時不問男女或欲生時但作善事增益舍宅。自今土地無量歡喜擁護子母。得大安樂利益眷屬。或已生下慎勿殺害。取諸鮮味供給產母及廣聚眷屬。飲酒食肉歌樂絃管。能令子母不得安樂。何以故。是產難時有無數惡鬼及魍魎精魅欲食腥血。是我早令舍宅土地靈祇荷護子母。使令安樂而得利益。如是之人見安樂故。便合設福答諸土地。翻為殺害集聚眷屬。以是之故。犯殃自受子母俱損。又閻浮提臨命終人不問善惡。我欲令是命終之人不落惡道。何況自修善根。增我力故。是閻浮提行善之人。臨命終時。亦有百千惡道鬼神。或變作父母乃至諸眷屬。引接亡人令落惡道。何況本造惡者。世尊。如是閻浮提男子女人臨命終時。神識惛昧不辯善惡。乃至眼耳更無見聞。是諸眷屬當須設大供養。轉讀尊經念佛菩薩名號。如是善緣能令亡者離諸惡道。諸魔鬼神悉皆退散。世尊。一切眾生臨命終時。若得聞一佛名一菩薩名。或大乘經典一句一偈。我觀如是輩人除五無間殺害之罪。小小惡業合墮惡趣者尋即解脫。佛告主命鬼王。汝大慈故能發如是大願。於生死中護諸眾生。若未來世中有男子女人至生死時。汝莫退是願。總令解脫永得安樂。鬼王白佛言。願不有慮。我畢是形念念擁護閻浮眾生。生時死時俱得安樂。但願諸眾生於生死時。信受我語無不解脫獲大利益。爾時佛告地藏菩薩。是大鬼王主命者。已曾經百千生作大鬼王。於生死中擁護眾生。是大士慈悲願故。現大鬼身實非鬼也。却後過一百七十劫。當得成佛號曰無相如來。劫名安樂世界名淨。住其佛壽命不可計劫。地藏。是大鬼王其事如是不可思議。所度天人亦不可限量

稱佛名號品第九

[0785c23] 爾時地藏菩薩摩訶薩白佛言。世尊。我今為未來眾生演利益事。於生死中得大利益。唯願世尊聽我說之,佛告地藏菩薩。汝今欲興慈悲。救拔一切罪苦六道眾生。演不思議事。今正是時唯當速說。吾即涅槃使汝早畢是願。吾亦無憂現在未來一切眾生。地藏菩薩白佛言世尊。過去無量阿僧祇劫。有佛出世。號無邊身如來。若有男子女人。聞是佛名暫生恭敬。即得超越四十劫生死重罪。何況塑畫形像供養讚歎。其人獲福無量無邊。又於過去恒河沙劫。有佛出世。號寶性如來。若有男子女人。聞是佛名一彈指頃發心歸依。是人於無上道永不退轉。又於過去有佛出世。號波頭摩勝如來。若有男子女人。聞是佛名歷於耳根。是人當得千返生於六欲天中何況志心稱念。又於過去不可說不可說阿僧祇劫。有佛出世。號師子吼如來。若有男子女人聞是佛名一念歸依是人得遇無量諸佛摩頂授記。又於過去有佛出世。號拘留孫佛。若有男子女人。聞是佛名志心瞻禮。或復讚歎是人於賢劫千佛會中。為大梵王得授上記。又於過去有佛出世。號毘婆尸。若有男子女人。聞是佛名永不墮惡道。常生人天受勝妙樂。又於過去無量無數恒河沙劫。有佛出世。號寶勝如來。若有男子女人。聞是佛名畢竟不墮惡道。常在天上受勝妙樂。又於過去有佛出世。號寶相如來。若有男子女人聞是佛名生恭敬心。是人不久得阿羅漢果。又於過去無量阿僧祇劫。有佛出世。號袈裟幢如來。若有男子女人。聞是佛名者超一百大劫生死之罪。又於過去有佛出世。號大通山王如來。若有男子女人。聞是佛名者是人得遇恒河沙佛。廣為說法必成菩提。又於過去有淨月佛.山王佛.智勝佛.淨名王佛.智成就佛.無上佛.妙聲佛.滿月佛.月面佛。有如是等不可說佛世尊。現在未來一切眾生。若天若人若男若女。但念得一佛名號功德無量。何況多名。是眾生等生時死時。自得大利終不墮惡道。若有臨命終人。家中眷屬乃至一人。為是病人高聲念一佛名。是命終人除五無間罪。餘業報等悉得銷滅。是五無間罪雖至極重動經億劫了不得出。承斯臨命終時他人為其稱念佛名於是罪中亦漸銷滅。何況眾生自稱自念。獲福無量滅無量罪

校量布施功德緣品第十

[0786b12] 爾時地藏菩薩摩訶薩。承佛威神從座而起,胡跪合掌白佛言。世尊我觀業道眾生。校量布施有輕有重,有一生受福有十生受福。有百生千生受大福利者。是事云何。唯願世尊為我說之。爾時佛告地藏菩薩。吾今於忉利天宮一切眾會。說閻浮提布施校量功德輕重。汝當諦聽吾為汝說。地藏白佛言。我疑是事願樂欲聞。佛告地藏菩薩。南閻浮提有諸國王宰輔大臣大長者大剎利大婆羅門等。若遇最下貧窮乃至癃殘瘖瘂聾癡無目。如是種種不完具者。是大國王等欲布施時。若能具大慈悲下心含笑。親手遍布施。或使人施軟言慰喻。是國王等所獲福利。如布施百恒河沙佛功德之利。何以故。緣是國王等於是最貧賤輩及不完具者發大慈心。是故福利有如此報。百千生中常得七寶具足。何況衣食受用。復次地藏。若未來世有諸國王。至婆羅門等遇佛塔寺或佛形像乃至菩薩.聲聞.辟支佛像。躬自營辦供養布施。是國王等當得三劫為帝釋身受勝妙樂。若能以此布施福利迴向法界。是大國王等於十劫中常為大梵天王。復次地藏若未來世有諸國王。至婆羅門等遇先佛塔廟。或至經像毀壞破落。乃能發心修補。是國王等或自營辦或勸他人乃至百千人等布施結緣。是國王等百千生中常為轉輪王身。如是他人同布施者。百千生中常為小國王身。更能於塔廟前發迴向心。如是國王乃及諸人盡成佛道。以此果報無量無邊。復次地藏。未來世中有諸國王及婆羅門等。見諸老病及生產婦女。若一念間具大慈心。布施醫藥飲食臥具使令安樂。如是福利最不思議。一百劫中常為淨居天主。二百劫中常為六欲天主。畢竟成佛永不墮惡道。乃至百千生中耳不聞苦聲。復次地藏。若未來世中。有諸國王及婆羅門等。能作如是布施獲福無量。更能迴向不問多少。畢竟成佛。何況釋梵轉輪之報。是故地藏普勸眾生當如是學。復次地藏。未來世中若善男子善女人。於佛法中種少善根毛髮沙塵等許。所受福利不可為喻。復次地藏。未來世中若有善男子善女人。遇佛形像.菩薩形像.辟支佛形像.轉輪王形像。布施供養得無量福。常在人天受勝妙樂。若能迴向法界。是人福利不可為喻。復次地藏。未來世中若有善男子善女人。遇大乘經典。或聽聞一偈一句發殷重心。讚歎恭敬布施供養。是人獲大果報無量無邊。若能迴向法界。其福不可為喻。復次地藏。若未來世中有善男子善女人。遇佛塔寺大乘經典新者布施供養瞻禮讚歎恭敬合掌。若遇故者或毀壞者修補營理。或獨發心或勸多人同共發心。如是等輩三十生中。常為諸小國王檀越之人。常為輪王還以善法教化諸小國王。復次地藏。未來世中若有善男子善女人。於佛法中所種善根。或布施供養或修補塔寺或裝理經典。乃至一毛一塵一沙一渧。如是善事但能迴向法界。是人功德百千生中受上妙樂。如但迴向自家眷屬或自身利益。如是之果即三生受樂捨一得萬報。是故地藏布施因緣其事如是。

地神護法品第十一

[0787a16] 爾時堅牢地神。白佛言。世尊。我從昔來,瞻視頂禮無量菩薩摩訶薩。皆是大不可思議。神通智慧廣度眾生。是地藏菩薩摩訶薩。於諸菩薩誓願深重。世尊是地藏菩薩於閻浮提有大因緣。如文殊.普賢.觀音,彌勒。亦化百千身形度於六道。其願尚有畢竟。是地藏菩薩教化六道一切眾生。所發誓願劫數如千百億恒河沙世尊。我觀未來及現在眾生。於所住處於南方清潔之地。以土石竹木作其龕室。是中能塑畫乃至金銀銅鐵。作地藏形像燒香供養瞻禮讚歎。是人居處即得十種利益何等為十。一者土地豐壤。二者家宅永安。三者先亡生天。四者現存益壽。五者所求遂意六者無水火災。七者虛耗辟除。八者杜絕惡夢。九者出入神護。十者多遇聖因。世尊。未來世中及現在眾生。若能於所住處方面。作如是供養得如是利益。復白佛言。世尊。未來世中。若有善男子善女人。於所住處有此經典及菩薩像。是人更能轉讀經典供養菩薩。我常日夜以本神力衛護是人。乃至水火盜賊大橫小橫。一切惡事悉皆銷滅。佛告堅牢地神。汝大神力諸神少及。何以故。閻浮土地悉蒙汝護乃至草木沙石稻麻竹葦穀米寶貝從地而有。皆因汝力。又常稱揚地藏菩薩利益之事汝之功德及以神通。百千倍於常分。地神。若未來世中有善男子善女人供養菩薩及轉讀是經。但依地藏本願經一事修行者。汝以本神力而擁護之。勿令一切災害及不如意事輒聞於耳。何況令受非但汝獨護是人故。亦有釋梵眷屬諸天眷屬擁護是人。何故得如是聖賢擁護。皆由瞻禮地藏形像。及轉讀是本願經故自然畢竟出離苦海證涅槃樂。以是之故得大擁護。

見聞利益品第十二

[0787b22] 爾時世尊從頂門上放百千萬億大毫相光,所謂白毫相光.大白毫相光.瑞毫相光.大瑞毫相光.玉毫,相光.大玉毫相光.紫毫相光.大紫毫相光.青毫相光大青毫相光.碧毫相光.大碧毫相光.紅毫相光.大紅毫相光.綠毫相光.大綠毫相光.金毫相光.大金毫相光.慶雲毫相光.大慶雲毫相光.千輪毫光.大千輪毫光.寶輪毫光.大寶輪毫光.日輪毫光.大日輪毫光.月輪毫光.大月輪毫光.宮殿毫光.大宮殿毫光.海雲毫光.大海雲毫光.於頂門上放如是等毫相光已。出微妙音告諸大眾天龍八部人非人等。聽吾今日於忉利天宮稱揚讚歎地藏菩薩於人天中利益等事不思議事。超聖因事證十地事。畢竟不退阿耨多羅三藐三菩提事。說是語時。會中有一菩薩摩訶薩。名觀世音。從座而起。胡跪合掌。白佛言。世尊。是地藏菩薩摩訶薩。具大慈悲憐愍罪苦眾生。於千萬億世界化千萬億身。所有功德及不思議威神之力。我聞。世尊與十方無量諸佛異口同音讚歎地藏菩薩云。正使過去現在未來諸佛。說其功德猶不能盡。向者又蒙世尊普告大眾。欲稱揚地藏利益等事。唯願世尊為現在未來一切眾生。稱揚地藏不思議事。令天龍八部瞻禮獲福。佛告觀世音菩薩。汝於娑婆世界有大因緣。若天若龍若男若女若神若鬼。乃至六道罪苦眾生。聞汝名者見汝形者。戀慕汝者讚歎汝者。是諸眾生於無上道必不退轉。常生人天具受妙樂。因果將熟遇佛授記汝今具大慈悲憐愍眾生。及天龍八部。聽吾宣說地藏菩薩不思議利益之事。汝當諦聽吾今說之。觀世音言唯然世尊願樂欲聞。佛告觀世音菩薩。未來現在諸世界中。有天人受天福盡有五衰相現。或有墮於惡道之者。如是天人若男若女。當現相時或見地藏菩薩形像。或聞地藏菩薩名。一瞻一禮。是諸天人轉增天福。受大快樂永不墮三惡道報。何況見聞菩薩。以諸香華衣服飲食寶貝瓔珞布施供養。所獲功德福利無量無邊。復次觀世音若未來現在諸世界中六道眾生。臨命終時得聞地藏菩薩名。一聲歷耳根者。是諸眾生永不歷三惡道苦。何況臨命終時父母眷屬將是命終人舍宅財物寶貝衣服。塑畫地藏形像。或使病人未終之時。眼耳見聞知道眷屬將舍宅寶貝等。為其自身塑畫地藏菩薩形像。是人若是業報合受重病者。承斯功德尋即除愈壽命增益。是人若是業報命盡。應有一切罪障業障合墮惡趣者。承斯功德命終之後。即生人天受勝妙樂。一切罪障悉皆銷滅。復次觀世音菩薩。若未來世有男子女人。或乳哺時或三歲五歲十歲已下。亡失父母乃及亡失兄弟姊妹。是人年既長大。思憶父母及諸眷屬。不知落在何趣。生何世界生何天中是人若能塑畫地藏菩薩形像。乃至聞名一瞻一禮。一日至七日莫退初心。聞名見形瞻禮供養。是人眷屬假因業故墮惡趣者。計當劫數。承斯男女兄弟姊妹。塑畫地藏形像瞻禮功德。尋即解脫生人天中受勝妙樂者。即承斯功德轉增聖因。受無量樂。是人更能三七日中一心瞻禮地藏形像。念其名字滿於萬遍。當得菩薩現無邊身。具告是人眷屬生界。或於夢中。菩薩現大神力親領是人。於諸世界見諸眷屬。更能每日念菩薩名千遍。至于千日是人當得菩薩遣所在土地鬼神終身衛護。現世衣食豐溢無諸疾苦。乃至橫事不入其門。何況及身。是人畢竟得菩薩摩頂授記。復次觀世音菩薩。若未來世有善男子善女人。欲發廣大慈心救度一切眾生者。欲修無上菩提者欲出離三界者。是諸人等見地藏形像及聞名者。至心歸依或以香華衣服寶貝飲食供養瞻禮。是善男女等所願速成永無障礙。復次觀世音。若未來世有善男子善女人。欲求現在未來百千萬億等願。百千萬億等事。但當歸依瞻禮供養讚歎地藏菩薩形像。如是所願所求悉皆成就。復願地藏菩薩具大慈悲。永擁護我。是人於睡夢中即得菩薩摩頂授記。復次觀世音菩薩。若未來世善男子善女人。於大乘經典深生珍重。發不思議心欲讀欲誦。縱遇明師教視令熟。旋得旋忘動經年月不能讀誦。是善男子等有宿業障未得銷除故。於大乘經典無讀誦性。如是之人聞地藏菩薩名。見地藏菩薩像。具以本心恭敬陳白更以香華衣服飲食一切玩具供養菩薩。以淨水一盞經一日一夜。安菩薩前。然後合掌請服。迴首向南臨入口時。至心鄭重服水既畢。慎五辛酒肉邪婬妄語及諸殺害。一七日或三七日。是善男子善女人。於睡夢中具見地藏菩薩現無邊身。於是人處授灌頂水。其人夢覺即獲聰明。應是經典一歷耳根。即當永記更不忘失一句一偈。復次觀世音菩薩。若未來世有諸人等。衣食不足求者乖願。或多病疾或多凶衰。家宅不安眷屬分散。或諸橫事多來忤身。睡夢之間多有驚怖。如是人等聞地藏名見地藏形至心恭敬念滿萬遍。是諸不如意事漸漸消滅。即得安樂衣食豐溢。乃至於睡夢中悉皆安樂。復次觀世音菩薩。若未來世有善男子善女人。或因治生或因公私。或因生死或因急事。入山林中過渡河海。乃及大水或經險道。是人先當念地藏菩薩名萬遍。所過土地鬼神衛護。行住坐臥永保安樂。乃至逢於虎狼師子。一切毒害不能損之佛告觀世音菩薩。是地藏菩薩於閻浮提有大因緣。若說於諸眾生見聞利益等事。百千劫中說不能盡。是故觀世音。汝以神力流布是經。令娑婆世界眾生。百千萬劫永受安樂。爾時世尊而說偈言:

  吾觀地藏威神力 恒河沙劫說難盡
見聞瞻禮一念間 利益人天無量事
若男若女若龍神 報盡應當墮惡道
至心歸依大士身 壽命轉增除罪障
少失父母恩愛者 未知魂神在何趣
兄弟姊妹及諸親 生長以來皆不識
或塑或畫大士身 悲戀瞻禮不暫捨
三七日中念其名 菩薩當現無邊體
示其眷屬所生界 縱墮惡趣尋出離
若能不退是初心 即獲摩頂受聖記
欲修無上菩提者 乃至出離三界苦
是人既發大悲心 先當瞻禮大士像
一切諸願速成就 永無業障能遮止
有人發心念經典 欲度群迷超彼岸
雖立是願不思議 旋讀旋忘多廢失
斯人有業障惑故 於大乘經不能記
供養地藏以香華 衣服飲食諸玩具
以淨水安大士前 一日一夜求服之
發殷重心慎五辛 酒肉邪淫及妄語
三七日內勿殺害 至心思念大士名
即於夢中見無邊 覺來便得利根耳
應是經教歷耳聞 千萬生中永不忘
以是大士不思議 能使斯人獲此慧
貧窮眾生及疾病 家宅凶衰眷屬離
睡夢之中悉不安 求者乖違無稱遂
至心瞻禮地藏像 一切惡事皆消滅
至於夢中盡得安 衣食豐饒神鬼護
欲入山林及渡海 毒惡禽獸及惡人
惡神惡鬼并惡風 一切諸難諸苦惱
但當瞻禮及供養 地藏菩薩大士像
如是山林大海中 應是諸惡皆消滅
觀音至心聽吾說 地藏無盡不思議
百千萬劫說不周 廣宣大士如是力
地藏名字人若聞 乃至見像瞻禮者
香華衣服飲食奉    供養百千受妙樂
若能以此迴法界 畢竟成佛超生死
是故觀音汝當知 普告恒沙諸國土

                            囑累人天品第十三

[0789a25]爾時世尊舉金色臂。又摩地藏菩薩摩訶薩頂而作是言。地藏地藏。汝之神力不可思議。汝之慈悲不可思議。汝之智慧不可思議。汝之辯才不可思議。正使十方諸佛讚歎宣說汝之不思議事。千萬劫中不能得盡。地藏地藏。記吾今日在忉利天中。於百千萬億不可說不可說一切諸佛菩薩天龍八部大會之中。再以人天諸眾生等未出三界在火宅中者。付囑於汝。無令是諸眾生墮惡趣中一日一夜。何況更落五無間及阿鼻地獄。動經千萬億劫無有出期。地藏。是南閻浮提眾生。志性無定習惡者多。縱發善心須臾即退。若遇惡緣念念增長。以是之故吾分是形百千億化度。隨其根性而度脫之。地藏吾今殷勤以天人眾付囑於汝。未來之世若有天人及善男子善女人。於佛法中種少善根。一毛一塵一沙一渧。汝以道力擁護是人。漸修無上勿令退失。復次地藏。未來世中若天若人隨業報應落在惡趣。臨墮趣中或至門首。是諸眾生若能念得一佛名一菩薩名一句一偈大乘經典。是諸眾生汝以神力方便救拔。於是人所現無邊身為碎地獄。遣令生天受勝妙樂。爾時世尊而說偈言:

    現在未來天人眾    吾今殷勤付囑汝
 以大神通方便度    勿令墮在諸惡趣

[0789b22]爾時地藏菩薩摩訶薩。胡跪合掌白佛言。世尊。唯願世尊不以為慮。未來世中若有善男子善女人。於佛法中一念恭敬。我亦百千方便度脫是人。於生死中速得解脫。何況聞諸善事念念修行。自然於無上道永不退轉。說是語時。會中有一菩薩名虛空藏。白佛言。世尊。我自至忉利。聞於如來讚歎地藏菩薩威神勢力不可思議。未來世中若有善男子善女人。乃及一切天龍聞此經典及地藏名字。或瞻禮形像得幾種福利。唯願世尊為未來現在一切眾等略而說之。佛告虛空藏菩薩。諦聽諦聽吾當為汝分別說之。若未來世有善男子善女人。見地藏形像及聞此經。乃至讀誦香華飲食衣服珍寶布施供養讚歎瞻禮。得二十八種利益。一者天龍護念。二者善果日增。三者集聖上因。四者菩提不退。五者衣食豐足。六者疾疫不臨。七者離水火災。八者無盜賊厄。九者人見欽敬。十者神鬼助持。十一者女轉男身。十二者為王臣女。十三者端正相好。十四者多生天上。十五者或為帝王。十六者宿智命通。十七者有求皆從。十八者眷屬歡樂。十九者諸橫銷滅。二十者業道永除。二十一者去處盡通。二十二者夜夢安樂。二十三者先亡離苦。二十四者宿福受生。二十五者諸聖讚歎。二十六者聰明利根二十七者饒慈愍心。二十八者畢竟成佛。復次虛空藏菩薩。若現在未來天龍鬼神聞地藏名禮地藏形。或聞地藏本願事行。讚歎瞻禮得七種利益。一者速超聖地。二者惡業銷滅。三者諸佛護臨。四者菩提不退。五者增長本力。六者宿命皆通。七者畢竟成佛。爾時十方一切諸來不可說不可說諸佛如來。及大菩薩天龍八部。聞釋迦牟尼佛稱揚讚歎地藏菩薩大威神力不可思議。歎未曾有。是時忉利天雨無量香華天衣珠瓔。供養釋迦牟尼佛及地藏菩薩已。一切眾會俱復瞻禮合掌而退。

No. 412 【經文資訊】大正新脩大藏經第 13 冊 No. 0412 地藏菩薩本願經.

 

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 36398)
Các chuyên gia đã từng nói cơ năng não bộ của con người so với máy vi tính phức tạp nhất trên thế giới lại càng phức tạp hơn.
(View: 7200)
Phật Đà Thập Đại Đệ Tử Tán - Hòa thượng Tuyên Hóa giảng thuật, Nguyễn Minh Tiến Việt dịch
(View: 12411)
Các tác phẩm của Thầy phần lớn được dịch từ Hán tạng, gồm giới kinh và các nguồn văn học Phật giáo Đại thừa với tư tưởng uyên thâm về triết họctâm lý học.
(View: 31042)
Đã phát khởi chí nguyện Đại thừa, lại kiên quyết thực hiện chí nguyện ấy, đó thực sự là cung cách hùng dũng của con sư tử đang vươn mình, và do đó phải được nhìn đến bằng cung cách của con voi chúa.
(View: 31066)
Vua và phu nhân gởi thơ cho Thắng Man, đại lược ca ngợi công đức vô lượng của Như Lai, rồi sai kẻ nội thị tên Chiên Đề La đem thư đến nước A Du Xà... HT Thích Thanh Từ dịch
(View: 8512)
Tất cả các nhà đạo học và thế học muốn thành tựu kết quả tốt đẹp trong cuộc đời, thì trước hết, họ phải trải qua quá trình kham nhẫn, nỗ lực, tu, học, rèn luyện tự thân, giúp đỡ, và đem lại lợi ích cho tha nhân.
(View: 13097)
Bảy Đức Thế Tôn quá khứ từ Thế Tôn Tỳ Bà Thi, Thế Tôn Thích Ca, và chư Thế Tôn vị lai đều chứng ngộ Vô Thượng Bồ Đề từ sự chứng ngộ sự thật Duyên khởi.
(View: 12794)
Trong các bản Kinh Pháp Cú, phổ biến nhất hiện nay là Kinh Pháp Cú Nam Truyền, tức là Kinh Pháp Cú dịch theo Tạng Pali.
(View: 12201)
Có lần Đức Phật sống tại Rajagaha (Vương Xá) trong Khu Rừng Tre gần Nơi Nuôi Những Con Sóc. Lúc bấy giờ, vị Bà La Môn tên là Akkosa Bharadvaja đã nghe người ta đồn đãi như sau:
(View: 14289)
Tôi nghe như vầy. Có lần Đức Phật, trong khi đi hoằng pháp ở nước Kosala nơi có một cộng đồng rất đông Tỳ Kheo, ngài đi vào một tỉnh nhỏ nơi cư trú của người Kalama
(View: 37028)
Quy Sơn Cảnh Sách Học Giải - Tác Giả: Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu; Thích Thiện Trí (Thánh Tri) Phỏng Việt Dịch và Viết Bài Học Giải
(View: 10455)
Kinh này khởi đầu bằng lời người Bà La Môn hỏi rằng làm thế nào người ta có thể tự thanh tịnh hóa khi nhìn thấy một vị Thượng nhân đã Thanh tịnh,
(View: 53261)
Nguyên xưa ngài Quán Nguyệt Pháp sư đem hai thời kinh khóa tụng: Mai đóng chung và chiều nhập chung lại làm một đại thể làm một tập lớn. - Chú giải: Ngài Quán Nguyệt; Dịch giả: HT Thích Khánh Anh
(View: 11424)
Tôi nghe như vậy: Một thời, đức Thế Tôn trú tại thành phố Śrāvastī (Xá-vệ), nơi rừng cây Jeta (Kì-đà), vườn của Ông Anāthapiṇḍada (Cấp-cô-độc),
(View: 11064)
Bài kinh này trong đoạn cuối (bài kệ 787), câu “không nắm giữ gì, cũng không bác bỏ gì” được Thanissaro Bhikkhu ghi chú rằng ...
(View: 11327)
Lúc bấy giờ, Bồ tát Đại sĩ Akṣayamatir[1] từ chỗ ngồ đứng dậy, vắt thượng y[2] qua một bên vai, chắp hai tay[3] hướng về đức Thế Tôn và thưa rằng:
(View: 11141)
Khi khảo sát về PHÁT BỒ-ĐỀ TÂM, chúng tôi tự nghĩ, chúng ta cần phải biết Bồ-Đề là gì? Bồ-Đề Tâm là thế nào? Phát Bồ-Đề Tâm phải học theo những Kinh, Luận nào?
(View: 13721)
Đại ý bài kinh này Đức Phật dạy chúng đệ tử không nên truy tìm quá khứ, không nên ước vọng tương lai vì quá khứ đã đoạn tận.
(View: 17064)
Evaṃ me sutaṃ, “như vầy tôi nghe”, là lời Ngài Ananda bắt đầu mỗi bài kinh mà có lẽ không Phật tử nào là không biết.
(View: 22946)
Nếu tính từ thời điểm vua Lương Vũ Đế tổ chức trai hội Vu lan ở chùa Đồng Thái vào năm Đại Đồng thứ tư (538), thì lễ hội Vu lan của Phật giáo Bắc truyền đã có lịch sử hình thành gần 1.500 năm.
(View: 10057)
Phật dạy giới này áp dụng chung cho tất cả các Phật tử tại gia, không phân biệt Phật tử này thuộc thành phần hay đẳng cấp xã hội nào.
(View: 7602)
Sa-môn Thích Đàm Cảnh dịch từ Phạn văn ra Hán văn, tại Trung-quốc, vào thời Tiêu-Tề (479-502). Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn, tại Canada, năm 2018.
(View: 10927)
Đức Phật A Di Đà tự thân có ánh sáng vô lượng, chiếu khắp cả mười phương mà không có vật gì có thể ngăn che. Vì vậy nên Phật A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng Quang Phật.
(View: 13867)
Nguyên tác Hán văn: Tì-kheo Linh Diệu, tông Thiên Thai soạn - Dịch sang tiếng Việt: Thích Thọ Phước
(View: 13485)
Ngài Buddhaghosa sanh ra và lớn lên nước Magadha, thuộc Trung Ấn Độ, vào thế kỷ thứ V trong ngôi làng Ghosa, gần địa danh nơi đức Phật thành đạo Bodhigaya
(View: 16955)
Nghiên Cứu Về Kinh A Hàm (Ãgama, Sanscrist)
(View: 17213)
Ai nói như sau, này các Tỷ-kheo: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ như vậy, như vậy".
(View: 14439)
Đây là những điều tôi nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Cấp Cô Độc trong vườn cây Kỳ Đà ở thành Vương Xá.
(View: 17565)
Vào thời Đức Thích-ca-mâu-ni, không có hệ thống chữ viết được phổ biếnẤn Độ. Do đó, những thuyết giảng của Ngài được ghi nhớ và ...
(View: 12880)
"Lại nữa, lúc bấy giờ Mahāmati thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, ngài đã từng dạy rằng: từ lúc Như Lai chứng nghiệm giác ngộ cho đến...