ĐỨC PHẬT SỬ DỤNG THẦN THÔNG NHƯ THẾ NÀO
Liên Trí
Thần thông của Đức Phật là một trong những đề tài thu hút người viết và lôi cuốn người đọc. Từ trước đến nay, đã có nhiều bài viết đề cập đến vấn đề này. Điểm chung nhất trong các bài viết phần lớn đều khẳng định rằng Đức Phật chỉ chú trọng đến giáo hóa thần thông. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Khi đọc kỹ một số bản kinh có nhắc đến các loại thần thông và những lần Đức Phật sử dụng thần thông, người viết nhận ra còn nhiều điều liên quan đến thần thông nhưng chưa được triển khai đúng mức.
Bài viết sau đây sẽ bàn sâu hơn về thái độ cũng như phương thức vận dụng thần thông của Đức Phật, qua kinh tạng Nikaya.
Đức Phật thành tựu các thần thông
Qua những gì được ghi lại trong kinh điển, chúng ta hiểu rằng, Đức Phật cũng như các đệ tử của Ngài có khả năng thành tựu các loại thần thông. Ba loại thần thông được Đức Phật nhắc đến nhiều trong các bài giảng pháp của Ngài là thần thông biến hóa, thần thông tha tâm (còn gọi là thần thông ký thuyết trong một số bài kinh như kinh số 140: kinh Moranivapā, Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm XIV) và thần thông giáo hóa (Trường bộ kinh, kinh số 3: Ambattha, kinh số 11: Kevaddha; Trung bộ kinh số 12: Đại kinh sư tử hống; Tăng chi bộ kinh, chương Ba pháp, phẩm VI, kinh 60; Tăng chi bộ kinh, chương Mười một pháp, phẩm I, kinh số 11). Ngài giải thích cụ thể hơn ba loại thần thông này như sau:
1. Biến hóa thần thông: có khả năng thi triển các phép thuật kỳ lạ khác người. Đó là khi một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không, độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước như đi trên đất liền, ngồi kiết-già, đi trên hư không như con chim, với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.
Với sự thi triển khả năng đặc biệt khác thường như vậy, với số đông dân chúng, biến hóa thần thông được đón nhận nhiều nhất. Người đắm trong lạc thú trần gian rất tò mò và ngưỡng mộ những biểu hiện lạ lẫm, khác thường, xem sự thi triển thần thông như những trò tiêu khiển của thế gian, không hơn không kém.
2. Tha tâm thần thông là thấu hiểu và nói lên được tâm niệm của người khác, rằng “như vậy là ý của ông, như thế này là ý của ông, như thế này là tâm của ông”. Theo mô tả trong kinh, khả năng đặc biệt này đến bằng nhiều cách: có thể do người ấy có khả năng nhìn tướng người để biết trong tâm người khác mà nói, có thể người đó có khả năng đặc biệt có thể nghe tiếng loài người, phi nhân và chư thiên mách bảo mà nói, có thể nghe tiếng loài người, phi nhân và chư thiên mách bảo rồi suy tư mà nói, có thể do vị ấy thực hành pháp, thành tựu định không tầm không tứ, với tâm (của mình) rõ biết tâm của người khác tùy theo hành ý của vị tôn giả này hướng đến chỗ nào, thời tâm của vị này lập tức suy tầm đến chỗ ấy, nhờ đó mà biết và nói. Tha tâm thần thông khiến người khác nể phục, ngưỡng mộ vì như thể người ấy đi từ trong tâm mình ra. Thế nhưng, có những nguy hiểm khó lường với loại thần thông này so với lợi ích rất giới hạn mà phép thần thông này có thể đem lại.
3. Giáo hóa thần thông là dùng những lời giáo pháp khéo léo khuyến hóa người khác bỏ đi những nghiệp xấu ác về suy nghĩ, lời nói và hành động mà quay về con đường thiện lành để được an vui, hạnh phúc trong cuộc sống. Kinh điển mô tả giáo hóa thần thông là dùng lời nói đúng pháp nhắc nhở như sau: “Hãy suy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy! Hãy tác ý như vậy, chớ tác ý như vậy! Hãy từ bỏ cái này! Hãy đạt đến cái này và an trú!” (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm VI, kinh số 60). Có thể nói, giáo hóa thần thông là khả năng đặc biệt có thể giúp một người từ bỏ ác về hành động, lời nói và ý nghĩ, thay vào đó, nuôi dưỡng tâm thiện lành qua ba phương diện thân, miệng và ý, biết cách chọn con đường hướng thượng đưa đến hạnh phúc chân thật, bền vững trong hiện tại và tương lai. Giáo hóa thần thông là dùng năng lực của giáo dục giúp đối tượng chuyển hóa thân tâm theo chiều hướng tích cực, làm thay đổi ngoạn mục chính con người ấy như thể có phép mầu.
Thái độ của Đức Phật đối với các loại thần thông
Tâm lý thường tình của con người là tò mò, ưa những điều lạ lùng, kỳ dị và khác thường vì họ đã quá quen với cuộc sống bình thường, nên những gì khác lạ với những hoạt động bình thường của con người đều có sức hấp dẫn. Do đó, hầu hết dân chúng đều ngưỡng mộ những người có khả năng thi triển biến hóa thần thông vì cho đó là những khả năng đặc biệt từ những người siêu xuất. Những phép mầu như ảo hóa, huyễn hoặc ấy có sức lôi cuốn mãnh liệt khó cưỡng. Không chỉ người cư sĩ tại gia bị cuốn vào trong các biến hóa thần thông này, mà đến cả người xuất gia thời Phật, như Tỳ-kheo Sunakkhatta cũng có thái độ bất mãn, phẫn nộ, từ bỏ đời sống xuất gia, trở lui về đời sống thế tục chỉ vì ông chỉ trích Phật không có thần thông biến hóa (Đại kinh sư tử hống, Trung bộ kinh, số 12).
Thật ra, Đức Phật thành tựu đầy đủ tất cả các loại thần thông nhưng Ngài rất hạn chế trong việc sử dụng chúng như là một cách biểu diễn năng lực đặc biệt nhằm đáp ứng tâm lý tò mò, hiếu kỳ với điều lạ lùng, khác người của số đông dân chúng, vì Ngài thấy điều này không đem lại lợi ích thiết thực nào cả.
Trong những tình huống cần thiết, Đức Phật vẫn sử dụng thần thông, nhưng Ngài sử dụng rất hạn chế và dè dặt. Trong Tăng chi bộ kinh, chương Hai pháp, phẩm I, ghi lại rằng, Đức Phật, như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra, cũng vậy, biến mất ở Thắng Lâm, hiện ra ở Đông Viên, theo lời yêu cầu của chư Thiên. Một lần khác, Đức Phật trên con đường đến Kusinara, đi đến sông Hằng. Lúc bấy giờ sông Hằng tràn ngập nước đến bờ bên kia. Có người đang đi tìm thuyền, có người đang đi tìm phao, có người cột bè để đi qua bờ bên kia. Thế Tôn mau lẹ như người lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất từ bờ bên này và hiện ra bờ bên kia với chúng Tỳ-kheo (Trường bộ kinh số 16: Kinh Đại bát Niết-bàn). Trong những trường hợp cần sự có mặt kịp thời của Đức Phật tại một nơi cách xa mà với cách di chuyển bình thường Ngài không thể đáp ứng, Đức Phật không ngại sử dụng thần thông như một phương tiện. Trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay của một người khỏe mạnh, Ngài đã có mặt ở nơi cần đến. Đây là lý do chính đáng để sử dụng thần thông biến hóa. Điều này đối với Ngài bình thường và đơn giản, như thể chúng ta sử dụng các phương tiện đi lại để phục vụ cho nhu cầu của mình. Khi nào không gấp gáp và đoạn đường gần, ta đi bộ. Khi khoảng cách xa, ta đi xe máy và với không gian xa nữa, ta đi ô tô, máy bay.
Không những Đức Phật mà các đệ tử dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Ngài cũng không lạm dụng việc thi triển thần thông. Có lần chư Tăng đến nhà gia chủ Citta thọ trai theo lời mời của gia chủ. Hôm đó, trời nóng gay gắt, chư Tăng đổ mồ hôi “thân như bị chảy thành nước”. Trong lúc ấy, có vị Tỳ-kheo Mahaka mới tu chưa được bao lâu, liền dùng thần thông khiến cho có gió mát, có giông nổi lên và mưa bắt đầu rơi hạt, trời dịu mát. Rồi Tỳ-kheo trẻ này thưa vị Trưởng lão trong chúng “như vậy là vừa rồi, bạch Trưởng lão” thì Trưởng lão ấy cũng xác nhận “như vậy là đủ rồi, cúng dường vậy là đủ rồi”. Sau đó, gia chủ Citta cảm kích năng lực thần thông của Tỳ-kheo Mahaka, mới theo về tịnh xá vị ấy ở, yêu cầu thi triển thần thông lần nữa cho gia chủ xem. Tỳ-kheo Mahaka bảo đem bó cỏ đặt trên một chiếc thượng y trong hành lang. Rồi Tôn giả Mahaka vào trong tịnh xá, gài then cửa lại, thực hành thần thông lực khiến cho ngọn lửa phun ra từ lỗ ống khóa và giữa các khe cửa, đốt cháy cỏ nhưng không đốt cháy thượng y. Gia chủ Citta đập thượng y, hoảng hốt, lông tóc dựng ngược. Tỳ-kheo Mahaka, từ tịnh xá đi ra và nói với gia chủ Citta “thôi, như vậy là vừa rồi”. (Tương ưng bộ kinh, tập IV, chương XII, kinh số 4).
Như vậy, khi cần thiết, trong trường hợp này là lúc trời nóng quá, tạo nên sự khó chịu, không thể tập trung, ảnh hưởng đến sự thanh tịnh của chúng Tăng khi đang thọ thực tại nhà gia chủ, chư Tăng cũng có thể vận thần thông để đem lại sự mát mẻ, dễ chịu cho đại chúng. Trong một trường hợp khác, khi gia chủ yêu cầu, để xác chứng kết quả tu tập của mình nhằm tạo niềm tin vào Tam bảo cho người mới tiếp cận giáo pháp, Ngài cũng cho phép chư Tăng thể hiện năng lực thần thông. Tuy nhiên, người thi triển thần thông không sa đà vào đó mà dừng lại ở điểm “như vậy là đủ rồi”, vì kết quả tu tập của một hành giả đâu chỉ ở khả năng thi triển thần thông? Rất nhẹ nhàng, bức thông điệp Ngài trao gởi cho các đệ tử rằng, đây chỉ là phương tiện để tạo môi trường tốt nhất, tâm lý thoải mái nhất để chư Tăng thực hành và hướng dẫn Chánh pháp mà thôi. Quan điểm của Đức Phật rất rõ ràng, nhất quán rằng chỉ thi triển thần thông khi thật sự cần thiết và chỉ để phục vụ cho việc hoằng pháp mà thôi.
Đức Phật không dùng thần thông để chiêu dụ người
Trong nhiệm vụ cảm hóa người khác bằng con đường giáo dục, chúng ta thấy Đức Phật đã lựa chọn một phương pháp rất đặc biệt, như được ghi chép trong kinh Kevaddha (Trường bộ kinh, số 11). Kevaddha yêu cầu Đức Phật dạy cho Tỳ-kheo hiện pháp thần thông để nhiếp phục dân chúng ở Nalanda. Thế Tôn từ chối không chấp nhận và dạy rằng trong ba pháp thần thông: Thần túc thông, Tha tâm thông, và Giáo hóa thần thông, Ngài chỉ lựa chọn Giáo hóa thần thông, tức là chỉ sử dụng phép mầu của giáo dục để cảm hóa mọi người mà thôi. Trong quá trình thực hiện giáo dục thần thông này, trong một số tình huống cần thiết, Ngài sử dụng các loại thần thông kia như những phương tiện hỗ trợ cho quá trình này diễn ra hiệu quả hơn.
Biến hóa thần thông và tha tâm thần thông là kết quả của sự tu tập, thực hành Chánh pháp, do vậy, Ngài dùng từ “thành tựu” khi nói về các loại thần thông này. Tuy nhiên, đây chưa phải là cứu cánh giải thoát, nên đừng để dính mắc vào sự thành tựu này mà chướng ngại trên đường tu tập. Vả lại, không vì khả năng hơn người này mà sử dụng tùy tiện với mục đích không cao thượng. Đoạn kinh trên là một hồi chuông cảnh tỉnh cho hàng đệ tử xuất gia của Phật, không sử dụng chiêu trò gì, dưới bất kỳ hình thức nào, để lôi kéo, thu hút dân chúng đến với mục đích cho đông đảo về số lượng. Nhiệm vụ của người xuất gia là thắp sáng tâm lành của người tu học Phật, đáp ứng nhu cầu học pháp và hành pháp cho người có duyên với Phật pháp, chứ không phải dùng các cách “đắc nhân tâm” không phù hợp với Chánh pháp chiêu dụ cho đông đảo người về với mình vì mục đích lợi dưỡng. Nếu không nhắc nhở mình, người hướng dẫn pháp dễ dàng đi lệch hướng và bị cuốn vào vòng xoáy danh lợi khi sống bao vây giữa sự cung kính và lợi dưỡng của dân chúng mà xa dần con đường thực hành và hướng dẫn nếp sống phạm hạnh.
Có tình huống Đức Phật tạm thời dùng thần thông trong một thời điểm nào đó đối với chúng sanh còn mê mờ chưa giác ngộ, nhưng đó chỉ là phương tiện để dắt dẫn đối tượng đến với sự thực hành giáo pháp. Câu chuyện về Tôn giả Nanda, một người em cùng cha khác mẹ với Đức Phật, cho chúng ta thấy Đức Phật dùng thần thông để đưa Nanda lên quan sát cõi trời, nhìn thấy các thiên nữ xinh đẹp để Nanda so sánh sắc đẹp của các thiên nữ với người vợ đẹp mới cưới của mình, rồi Đức Phật hứa sẽ cưới 500 thiên nữ xinh đẹp cho Nanda sau khi Nanda thực hành phạm hạnh rốt ráo, thành tựu đạo quả. Rốt cuộc, trong quá trình thực hành pháp, cảm nhận được hạnh phúc tối thượng của đời sống giải thoát, không dính mắc, tự tại của người xuất gia phạm hạnh, Tôn giả Nanda đến Đức Phật xin hủy lời hứa trước kia (Chú giải Kinh Pháp cú). Ở đây, Đức Phật dùng thần thông để chiêu dụ Nanda đến với giáo pháp, nhưng đó chỉ là cái cớ để tạo duyên cho Nanda thực hành pháp và chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát; đây mới là mục đích của Đức Phật vậy.
Dùng thần thông để có thể dễ dàng tiếp cận đối tượng
Đức Phật thường sử dụng các loại thần thông như là một phương tiện hỗ trợ cho công việc giáo hóa của Ngài được thuận tiện hơn và hiệu quả hơn. Cách Ngài sử dụng biến hóa thần thông và tha tâm thần thông trong các trường hợp đặc biệt được trình bày ở đây cho chúng ta hiểu rõ hơn về điều này. Trong một số tình huống, Ngài dùng thần thông để có thể tiếp cận đối tượng cần giáo hóa một cách dễ dàng hơn, cụ thể nhất là trường hợp Đức Phật độ tướng cướp Angulimāla (Trung bộ kinh số 86: kinh Angulimāla; Trưởng lão tăng kệ, câu 866 đến 891). Khi cần thiết, Ngài dùng thần thông hiển lộ đầy đủ 32 tướng đại nhân để nhiếp phục một nhóm Bà-la-môn ngoại đạo quy ngưỡng Ngài và sẵn lòng tiếp nhận giáo pháp giải thoát (Trung bộ kinh số 91: kinh Brahmayu; kinh số 92: kinh Sela). Ta tìm hiểu kỹ hơn về trường hợp Ngài độ tướng cướp Angulimāla. Đây là một trong vài trường hợp hiếm hoi Đức Phật sử dụng biến hóa thần thông. Để có thể tiếp cận với tướng cướp hung hãn này, Đức Phật chọn cách dùng đến thần thông là điều hợp lý nhất, vừa để kịp thời tiếp cận đối tượng, vừa tạo uy lực trước Angulimāla. Chính sự phi thường của Đức Phật bước đầu gây tò mò và thán phục đối với Angulimāla, để rồi từ đó, Đức Phật có khả năng cảm hóa tướng cướp bạo tàn này chịu dừng lại để có cuộc đối thoại với Ngài. Chính sự biến hóa thần thông của Đức Phật đã giúp tên cướp này thay đổi cách ứng xử. Angulimāla đã hành xử hoàn toàn khác với Đức Phật, thay vì với bao nhiêu người trước đó, hễ gặp mặt là tên cướp này liền giết một cách vô cảm, chặt ngón tay kết thành vòng hoa, rồi tiếp tục đi tìm đối tượng khác để giết. Để tiếp cận một tên sát nhân máu lạnh như vậy, sử dụng biến hóa thần thông là điều vô cùng cần thiết và hợp lý.
Thế nhưng, thần thông biến hóa này cũng chỉ được Đức Phật sử dụng rất hạn chế như một phương tiện để hỗ trợ quá trình cảm hóa, giáo hóa và giúp người chuyển hóa, chứ không hề lạm dụng. Mục đích rốt ráo, cứu cánh của Đức Phật là đưa Angulimāla ra khỏi quỹ đạo sống tội lỗi, tà kiến, mê si và đặt người này vào con đường thực hành Chánh pháp. Đức Phật đã tương kế tựu kế để có thể gởi bức thông điệp có tác dụng đánh động mạnh mẽ tâm thức của Angulimāla bằng câu nói “Ta đã dừng từ lâu; còn ngươi thì chưa dừng”. Đức Phật đã thành công trong việc cho người bệnh nặng uống thuốc bằng cách “cho ăn kẹo trước, bảo uống thuốc sau”; trước Ngài thể hiện thần thông, nhằm thỏa mãn lòng ham muốn hiếu kỳ của tướng cướp này, sau Ngài dùng tâm từ bi và trí tuệ để nhiếp phục Angulimāla. Nhìn cả quá trình cảm hóa này, ta thấy nhờ những lời khai tâm mở trí của Đức Phật đúng thời điểm mà một tướng cướp khát máu đã trở thành một vị Tỳ-kheo mẫu mực trong Tăng đoàn. Đây là gì mà không phải giáo hóa thần thông?
Trong suốt cuộc đời giáo hóa chúng sanh với mục đích giúp người chuyển mê khai ngộ, Đức Phật chỉ chú trọng đến giáo hóa thần thông, còn biến hóa thần thông và tha tâm thần thông, Ngài cho rằng đó là sự huyễn hóa, nguy hại và vô ích, đưa đến nhiều nguy hiểm nếu lạm dụng chúng (Tăng chi bộ kinh, chương Ba pháp, phẩm VI, kinh 60). Thế nhưng, nếu biết kết hợp và sử dụng đúng lúc, có chừng mực thì những khả năng thần thông này có thể hỗ trợ hiệu quả trong quá trình giáo hóa, giúp người khai tâm mở trí và Đức Phật rất thành công khi làm như vậy.
Dùng thần thông để hiểu tâm ý của đối tượng nhằm giáo hóa tốt hơn
Đức Phật ít dùng thần thông, nhưng trong Kinh nói với Canki (Trung bộ kinh, số 95), trong ngữ cảnh đó, Đức Phật đã dùng tha tâm thông để đọc ý nghĩ của Bà-la-môn trẻ Kapathika. Thực tế là Đức Phật không sử dụng thần thông để phô trương, với mục đích trình diễn, nhưng Ngài sử dụng tha tâm thông như là một công cụ hỗ trợ cho giáo hóa thần thông mà Ngài thường xuyên sử dụng. Trước khi đi khất thực, với tha tâm thông, Đức Phật thường quán chiếu nhân duyên của chúng sanh, rồi quyết định độ người nào, đi hướng nào trong buổi khất thực ngày đó. Với cách này, Đức Phật sử dụng thời gian hiệu quả nhất và nhờ đó, những người có duyên với giáo pháp có cơ hội quý báu được gặp Ngài và chuyển hóa tâm một cách toàn triệt. Kinh cũng ghi lại trong nhiều trường hợp, ngay sau khi được Phật khai ngộ, người ấy liền quy ngưỡng Tam bảo, rồi qua đời ngay sau đó, câu chuyện cậu bé bệnh nặng bị cha đưa ra nằm vỉa hè, kịp gặp Phật và phát khởi niềm tin Tam bảo trước khi chết (duyên khởi câu Pháp cú số 2); vị Tỳ-kheo vừa được Đức Phật hóa độ, cho xuất gia bị bò húc chết (duyên khởi câu Pháp cú 101) là vài điển hình (Chú giải kinh Pháp cú). Nhờ sử dụng tha tâm thông trong quá trình giáo hóa, rất nhiều người được lợi ích thiết thực, chuyển hóa khổ đau, sống đời hạnh phúc.
Trong nhiều trường hợp, để việc giáo hóa càng thêm hiệu quả và bớt đi thời gian lãng phí cũng như tiêu phí năng lượng không cần thiết cho việc đi lại, Đức Phật vẫn dùng thần thông biến hóa và thần thông tha tâm để hỗ trợ cho quá trình giáo hóa được kết quả tốt nhất. Trong kinh kể lại, có lần Đức Phật dùng tha tâm thông và biết có một số đệ tử có lỗi. Ngài muốn gọi các đệ tử có lỗi đến để chỉ dạy. Thay vì cho người đi tìm gọi các vị Tôn giả đang độc cư thiền định một mình, mỗi người một nơi ở cách xa nhau, vừa tốn thời gian vừa nhọc sức cho người đi gọi, Đức Phật nghĩ rằng: “Ta hãy thị hiện thần thông một cách khiến cho các vị Tỳ-kheo ấy đến Ta từng nhóm một hay hai người, với tâm có tội lỗi”. Thế là Ngài dụng thần thông để khiến các vị Tỳ-kheo tụ tập lại để Ngài chỉ dạy. (Tương ưng bộ kinh, tập III, chương I, phẩm 3, kinh số 8). Nhờ vậy, Ngài có nhiều thời gian hơn để giúp được nhiều người hơn.
Dùng thần thông để kịp thời vực dậy tinh thần cho các đệ tử
Trong hầu hết các tình huống, Đức Phật đọc được tâm niệm của các đệ tử bằng năng lực của tha tâm thần thông, rồi Ngài dùng năng lực ấy để đối thoại với các đệ tử để xác chứng hoặc hướng dẫn kịp thời cho các đệ tử thực hành Chánh pháp. Với tâm từ vô lượng, Đức Phật luôn có mặt kịp thời để che chở, nâng đỡ tinh thần cho những đệ tử đang mất niềm tin và phương hướng trong quá trình hành trì Chánh pháp. Khi cảm nhận được sự cần giúp đỡ từ các đệ tử, đúng nghĩa một vị Đạo sư, người thầy nâng đỡ tinh thần, Đức Phật không bỏ qua cơ hội để giúp, trong thời gian sớm nhất có thể, giúp người ấy kịp thời tháo gỡ vấn đề. Thế nhưng, mục đích của việc vận thần thông là để có mặt kịp thời khi người ấy cần, và khi đến nơi tiếp cận được đối tượng thì Đức Phật lại dùng trí tuệ để giải thích vấn đề, hướng dẫn để tháo gỡ rắc rối mà người kia đang gặp phải, hoặc kịp thời điều chỉnh sự tu tập cho có kết quả.
Tôn giả Cūlapanthaka là người học chậm, bị anh ruột là Tôn giả Mahapanthaka chê bai thậm tệ và đuổi về nhà sống đời cư sĩ. Vì quá quý trọng pháp của Phật nhưng không thể học thuộc bài kệ, câu kinh nào, đang hoang mang, buồn nản và mất phương hướng, Đức Phật sau khi dùng tha tâm thông quán chiếu và hiểu rõ tâm của Tôn giả Cūlapanthaka, vận thần thông đến gặp Tôn giả này an ủi, vỗ về, khuyến khích và hướng dẫn pháp tu phù hợp. Nhờ đó, Tôn giả Cūlapanthaka thành tựu đạo quả giải thoát. Nhân sự kiện này, Đức Phật nói câu Pháp cú số 25 rằng:
Nỗ lực, không phóng dật,
Tự điều, khéo chế ngự.
Bậc trí xây hòn đảo,
Nước lụt khó ngập tràn.
(Pháp cú, câu 25)
Sự kiện này được ghi lại trong Trưởng lão Tăng kệ và Chú giải kinh Pháp cú. Những câu kệ số 557 đến 566 trong Trưởng lão Tăng kệ là do Trưởng lão Cūlapanthaka nói ra sau khi chứng quả.
Câu chuyện của Tôn giả Sona, vì thiếu chánh niệm để phiền não chi phối, mà muốn trở lại đời sống thế tục, làm các công đức, hưởng thụ hạnh phúc như một người cư sĩ tại gia bình thường. Với tha tâm thông, Đức Phật biết rõ tâm niệm của người đệ tử này, liền vận dụng thần túc đến trước Sona, hỏi thầy về những suy nghĩ vừa rồi. Sona thú thực mình có suy nghĩ thối lui trên đường thực hành pháp như vậy. Phật liền hỏi thầy về phương pháp chơi đàn tỳ-bà - vốn là sở trường của Sona trước khi xuất gia - để nhân đó khích lệ Tôn giả tiếp tục tinh tấn, giữ tâm trí quân bình, không quá căng thẳng, không quá thụ động thì sự tu tập mới đạt được tiến bộ. Tôn giả Sona đã vượt qua tâm lý chán nản, thối lui mà tinh tấn tu tập, nhờ đó, thành tựu cứu cánh giải thoát (Kinh Tăng chi bộ, tập III, chương VI, phẩm, kinh Sona). Tha tâm thông và thần túc thông được Đức Phật sử dụng thuần túy như một công cụ đúng lúc để có mặt kịp thời nhằm giúp Tôn giả Sona vượt qua tâm chán nản, thối đọa khi chưa tìm ra phương pháp tu tập hiệu quả.
Dùng thần thông để nhắc tâm các đệ tử trong quá trình hành trì
Có khi cần khuyên nhắc các đệ tử trong quá trình hành trì, Đức Phật cũng sử dụng thần thông để đến tận nơi người Ngài muốn gặp trong thời gian nhanh nhất. Bởi vì thời gian tính rất quan trọng ở đây khi Ngài không muốn nhìn thấy các đệ tử chịu áp lực, bức bách, bất an với những vấn đề chưa tìm được hướng giải quyết. Có lần, Tôn giả Moggallāna kể lại với các huynh đệ về một cuộc đối thoại với Đức Phật khi Ngài đang ở Sāvatthi, còn Moggallāna đang ở Rājagaha và khoảng cách giữa hai nơi này khoảng 650 cây số.
Khi các huynh đệ thắc mắc, hỏi Moggallāna đi đến chỗ Đức Phật bằng thần thông hay Đức Phật đến chỗ Moggallāna bằng thần thông, thì Tôn giả Moggallāna trả lời rằng cả Đức Phật và Tôn giả Moggallāna đều không dùng thần thông để đến gần nhau về phương diện địa lý, mà bằng thiên nhãn thanh tịnh, thiên nhĩ thanh tịnh, Tôn giả Moggallāna và Đức Phật đã kết nối được với nhau và khi Đức Phật giáo hóa, Tôn giả Moggallāna có thể “bắt sóng” mà lãnh hội trọn vẹn lời giáo huấn ấy mà không cần phải thân hành đến tận nơi Đức Phật ở. Khi Tôn giả Moggallāna nêu lên thắc mắc của mình về tinh cần, tinh tấn, Đức Phật đã trả lời thắc mắc cho Moggallāna (Tương ưng bộ kinh, tập II, chương X, kinh số 3 -S.ii,275).
Trong một bài kinh khác, Tôn giả Moggalāna kể lại với các huynh đệ rằng “rồi này chư Hiền, Thế Tôn với thần thông đi đến tôi và nói: Này Moggalāna, này Moggalāna, chớ có phóng dật Thiền thứ nhất. Này Moggalāna, hãy đặt tâm vào Thiền thứ nhất! Hãy nhứt tâm vào Thiền thứ nhất” (Tương ưng bộ kinh, tập IV, chương VI, kinh số 1). Nhờ đó, Tôn giả Moggalāna kịp thời chánh niệm, trở về với đề mục thiền quán của mình, tinh tấn tu tập.
Mặc dù thần thông là năng lực đặc biệt và là kết quả của sự tu chứng cần phải có sự thực hành và thành tựu tâm linh. Tuy nhiên, cách Đức Phật sử dụng thần thông trong các trường hợp cần thiết và hợp lý thay cho lời răn nhắc các đệ tử không sa đà với những biểu hiện kỳ lạ, đặc biệt hơn người này, vì đây chưa phải là mục đích của người tu học đúng pháp. Đây chỉ là những cảnh đẹp ven đường ta đi mà thôi. Ta có thể thưởng thức, nhưng biết lướt qua, chứ đừng sa đà dừng lại khi chưa đến đích. Nếu sử dụng những năng lực đặc biệt này vào mục đích giáo dục thì nó hỗ trợ đắc lực cho quá trình học đạo diễn ra hiệu quả hơn, tiết kiệm được thời gian và năng lượng cho người học và người dạy.
Tuy nhiên, nếu xem đây là cứu cánh trong cuộc sống tu học và sử dụng năng lực thần thông để thị uy, động cơ để biểu diễn thần thông xuất phát từ tâm tham cầu, muốn người khác nể phục, trầm trồ ngợi khen hoặc xem thần thông là biểu hiện duy nhất của quá trình tu chứng mà dành cho vị ấy nhiều lợi dưỡng cùng với sự cung kính, tung hô khen ngợi quá mức thì thần thông ấy bị tổn giảm. Một chi tiết xác nhận vấn đề này là khi Devadatta khởi lên ý muốn như sau: “Ta sẽ lãnh đạo chúng Tăng”. Với tâm khởi lên như vậy, thần thông của Devadatta bị thối thất (Tăng chi bộ kinh, chương Năm pháp, phẩm X, kinh số 100).
Sự bế tắc của các đệ tử về phương pháp hành trì được Đức Phật kịp thời khai thông, giải tỏa nhờ vào sự hỗ trợ của tha tâm thần thông và biến hóa thần thông. Nếu chậm trễ trong quá trình di chuyển từ nơi này đến nơi khác hoặc bỏ qua việc đọc tâm của các đệ tử, rất nhiều người sẽ mất đi cơ hội khai mở tâm trí và thực hành giáo pháp để được thăng hoa trên lộ trình tu tập giải thoát.
Giáo hóa thần thông là siêu việt hơn cả
Về biến hóa và tha tâm thần thông, được dân chúng ưa chuộng và tôn là khả năng hơn người, đáng được ngưỡng mộ khi gọi đó là “các pháp thượng nhân”. Người ta thường coi đây là dấu hiệu của người tu chứng khi phàn nàn với Đức Phật rằng, “Thuở xưa, các Tỳ-kheo ít hơn, nhưng nhiều hơn là các pháp thượng nhân, các thần thông thần biến được thị hiện. Ngày nay, các Tỳ-kheo nhiều hơn, nhưng ít hơn là các pháp thượng nhân, các thần thông thần biến được thị hiện” (Tăng chi bộ kinh, chương III, kinh số 60: Sangārava).
Thế nhưng, Đức Phật xác định, trong ba loại thần thông kể trên, Ngài chỉ chấp nhận loại thần thông thứ ba, tức giáo hóa thần thông, đưa con người từ mê đến giác ngộ, từ đau khổ đến an lạc, từ sinh tử đến Niết-bàn, là quý báu hơn, kỳ diệu tuyệt vời hơn cả. Không những Đức Phật mà ngay cả Bà-la-môn có hiểu biết cũng tán thành quan điểm rằng, chỉ có giáo hóa thần thông là ưu việt hơn, tuyệt vời hơn trong các loại thần thông (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm VI, kinh 60: Sangārava).
Đối với Đức Phật, những lời thuyết pháp của Ngài chứa đựng yếu tố thần thông, vì nó có khả năng tối thượng, kỳ diệu vô cùng. Trên cơ sở này, Đức Phật khuyến khích chúng ta nên cho nhau giáo pháp, là sự bố thí tối thượng ở đời (kinh Pháp cú, câu 354).Bằng sự giải thích rõ ràng với một thái độ từ tốn, dung hòa, Ngài đã cảm hóa vô số người ngoại đạo về với Ngài và quy ngưỡng xuất gia, sống đời phạm hạnh. Có nhiều người ngoại đạo rất hung hăng, kỳ thị với Ngài đều tâm phục khẩu phục sau khi gặp và nghe Ngài thuyết giảng, có người trải qua cảm xúc mạnh đến mức lông tóc dựng ngược (Đại kinh Sư tử hống, Trung bộ kinh số 12).
Trong rất nhiều bài kinh, điển hình như kinh Sa-môn quả, kinh số 2 trong Trường bộ kinh, ghi nhận năng lực đặc biệt của Đức Phật được tất cả, kể cả ngoại đạo tán thán là “như người dựng đứng lại những gì bị quăng xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc”. Đây chính là năng lực tuyệt vời của giáo hóa thần thông. Bằng cách giảng giải giáo pháp một cách hợp lý, phù hợp với đối tượng, chọn phương pháp truyền đạt hiệu quả, với lòng thương tưởng người học, Ngài đã giúp bao người thay đổi một cách nhanh chóng, tâm thức chuyển động mạnh mẽ và toàn triệt để trở thành một người thuần thiện, hoàn toàn khác hẳn với chính mình trong giây phút trước. Đây là gì mà không phải thần thông? Sau đây là vài điển hình trong vô số câu chuyện về sự nhiệm mầu của giáo hóa thần thông. Chính lời giảng pháp của Đức Phật khiến cho người ác như Angulimāla quay đầu và trở thành một bậc Thánh tăng trong Tăng đoàn (kinh số 86, Trung bộ kinh; Trưởng lão Tăng kệ, kệ số 866-891).
Ở một trường hợp khác, kinh kể rằng với tha tâm thông, Đức Phật quán thấy vương tử Mahākappina có ý định từ bỏ vương quốc, dẫn theo một đoàn tùy tùng xin xuất gia. Thế là Đức Phật vận thần thông bay qua sông, đến gần nơi vương tử Mahākappina, ngồi nhập định, phóng ánh sáng hào quang. Khi vương tử Mahākappina và các tùy tùng đến đảnh lễ và xin nghe pháp. Sau khi Đức Phật thuyết pháp, tất cả đều chứng A-la-hán. Lúc ấy, Ngài lại vận thần thông đem tất cả về tinh xá Kỳ Viên trong chớp mắt. Trưởng lão Mahākappina giác ngộ nhờ vào nghe pháp, tinh tấn thực hành phạm hạnh và trở thành bậc thuyết pháp đệ nhất trong Tăng chúng. Kinh nghiệm tu tập của Trưởng lão Mahākappina được đúc kết trong các câu kệ số 547 đến 556 trong Trưởng lão Tăng kệ.
Nhiều câu chuyện về sự tiếp độ và chuyển hóa chúng đệ tử Ni cũng vô cùng kỳ diệu và sự chuyển động tâm thức của đối tượng diễn ra rất mạnh mẽ trong khoảnh khắc ngắn ngủi với sức mạnh của giáo hóa thần thông. Chính những lời pháp của Ngài có tác dụng giúp Kisagotami bừng tỉnh, hiểu được luật vô thường chi phối tất cả các pháp thế gian, nên đã vơi đi khổ đau trước cái chết của đứa con yêu dấu. Ngay sau khi nghe pháp, Kisagotami chứng sơ quả Dự lưu và phát tâm xuất gia. Tỳ-kheo-ni Kisagotami tinh tấn thực hành pháp, trở thành một vị Thánh ni trong chúng đệ tử Ngài. Với những trải nghiệm thăng trầm trong cuộc sống cùng với sự chiêm nghiệm tự thân trong quá trình thực hành pháp, Trưởng lão Ni Kisagotami đã nói lên những vần kệ được ghi lại trong Trưởng lão Ni kệ câu 113 đến 123 (Trưởng lão Ni kệ).
Ở một trường hợp khác, Patācārā mất những người thân yêu nhất của bà. Cha mẹ, chồng, anh trai và hai đứa con. Bà hóa điên, Đức Phật đã an ủi bà và bà đã học được cách đối đầu với sự đau khổ bằng sự hiểu biết bản chất cuộc sống. Nghe Đức Phật thuyết pháp xong, ngay lúc đó, Patācārā chứng quả Dự lưu và xin xuất gia. Sau một thời gian ngắn tinh tấn tu hành, Tỳ-kheo-ni Patācārā chứng quả A-la-hán, là một trong những vị Trưởng lão Ni thời Đức Phật. Từ kinh nghiệm tu chứng, Trưởng lão Ni Patācārā nói ra các câu kệ 112 đến câu 121 trong tập Trưởng lão Ni kệ để khuyến tấn các đệ tử (Trưởng lão Ni kệ).
Ở một câu chuyện khác, Đức Phật đã làm được điều kỳ diệu là hóa giải nỗi đau đang đè nặng lên tâm một người phụ nữ có đứa con nhỏ vừa qua đời. Đức Phật khai tâm để người mẹ trẻ Ubbirī vơi đi nỗi khổ niềm đau khi đứa con nhỏ tên Jivā vừa qua đời khi hỏi cô ấy “Này Ubbirī, tất cả tám mươi bốn ngàn cô gái đã được thiêu đốt ở nơi hỏa táng này đều có tên Jivā, bà buồn rầu cho cô nào trong số đó?” (Trưởng lão Ni kệ, câu 51). Suy ngẫm về điều này, Ubbirī đã hiểu được quy luật cuộc sống, sự vô thường và luân hồi, vượt qua được sự sầu muộn (Trưởng lão Ni kệ, câu 52). Đây đích thực là thần thông của sự giáo hóa vậy.
Không những độ được người, Đức Phật cảm hóa được cả con voi hung dữ Nālāgiri do Ajātasattu và Devadatta rắp tâm hại Ngài (tạng Luật, Tiểu phẩm). Đây là lý do tại sao Đức Phật tuyên bố “Ta thuyết pháp có thần thông, không phải không có thần thông, nên giáo giới cần phải làm, giảng dạy cần phải làm” (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm XIII, kinh số 123).
Chính nhờ có thần thông giáo hóa mà các đệ tử Ngài nương tựa trọn đời để tu học. “Sa-môn Gotama thuyết pháp có thần thông lực, không phải không có thần thông lực” (Trung bộ kinh, số 77: kinh Maha Sakaludayi).
Chính nhờ giáo hóa thần thông mà “những nam cư sĩ của Thế Tôn đã trở thành những đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, đầy đủ Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý đã có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, đã có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, và có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu” (Trường bộ kinh, số 16: Đại bát Niết-bàn). Nhờ đó mà Chánh pháp được bảo tồn, nuôi dưỡng và lan rộng khắp nơi.
Thay lời kết
Sử dụng tha tâm thần thông và thần thông biến hóa không có gì sai. Tuy nhiên, những loại thần thông này, nếu có tác dụng và lợi ích, thì chỉ có một số ít người trực tiếp nhận được lợi ích ấy mà thôi. Tệ hơn nữa, nếu dùng thần thông chỉ để biểu diễn, thị uy, để nhận được sự ngưỡng mộ, tán thán của nhiều người để rồi thỏa hiệp với bản ngã là đi ngược lại lời Phật dạy. Tôn chỉ của Đức Phật là nhân rộng mô hình sống đạo đức, thiện lành trong xã hội. Do vậy, điều cốt lõi của người hoằng dương Chánh pháp là dùng mọi phương tiện, kể cả thần thông, để hướng dẫn những người đủ duyên kỹ năng sống hạnh phúc, mới đúng là “thừa tự pháp” của Phật. Những ai thực hành đúng theo Chánh pháp, càng lúc càng bớt tham, bớt ràng buộc, thêm bình an và hạnh phúc thì không để vướng mắc vào những phép lạ của thần thông biến hóa hay những lời tung hô khen ngợi tầm thường ấy. Đức Phật khẳng định những thứ này chỉ là vỏ cây, cành lá không đáng cho ta hài lòng chỉ với bấy nhiêu. Chỉ khi nào thành tựu giải thoát phạm hạnh mới là rốt ráo, là lõi cây, bền vững, tối thượng, đáng cho ta trân quý giữ gìn (Trung bộ kinh, số 29: Đại kinh ví dụ lõi cây).
Cách Đức Phật sử dụng thần thông một lần nữa khẳng định vị trí trọng tâm của giáo dục con người trong toàn bộ giáo lý của Ngài. Đức Phật rất rạch ròi khi dùng tha tâm thần thông và biến hóa thần thông như một phương tiện hỗ trợ cho việc giáo hóa, còn khéo léo vận dụng những phương pháp, kỹ năng và nghệ thuật giáo dục để giúp mọi người chuyển hóa tâm thức, thay đổi tận căn cội từ nhận thức là mục đích tối hậu của Đức Phật. Sử dụng thần thông như một phương tiện thiện xảo cũng chỉ nhằm đến mục đích khai ngộ cho con người về sự thật khổ đau, nguyên nhân khổ đau, sự an lạc, hạnh phúc tối thượng khi chấm dứt hoàn toàn khổ đau và những phương cách thực hành để hiện thực hóa hạnh phúc này ngay trong đời sống hiện tại. Do vậy, tất cả những gì chúng ta làm, kể cả năng lực đặc biệt của thần thông, đều hướng đến quá trình thực hành và giúp người khác cùng thực hành trên lộ trình chuyển xấu ác thành thiện lành, đảo điên thành tĩnh lặng, mê mờ thành trí tuệ, khổ đau thành hạnh phúc mới đúng là thực hành Chánh pháp.
Chính quan điểm giáo hóa là thần thông mà trọn đời Đức Phật dành cho việc thi triển loại thần thông cao quý này và Ngài khuyến khích các đệ tử tích cực sử dụng loại thần thông này qua lời sách tấn khẩn thiết đầy tâm huyết và chan chứa yêu thương bao trùm cả muôn loài rằng “Này các Tỳ-kheo! Hãy đi vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá Chánh pháp” (Đại phẩm 19-20, Luật tạng; Tương ưng bộ kinh, tập I, chương IV, phẩm I, kinh số 5: Bẫy sập). Chính nhờ giáo hóa thần thông mà trong suốt gần 26 thế kỷ qua, Chánh pháp vẫn còn trường tồn ở nhân gian, phổ biến cùng khắp, đem lại lợi lạc cho quần sanh.
Học từ Ngài, để không lạc lối hoặc đi quá xa với Chánh pháp và tôn chỉ hoằng pháp của Đức Phật, chúng ta cần phân định rõ ràng đâu là mục đích, đâu là phương tiện để vững tin trên con đường thực hành và truyền bá Chánh pháp. Người đệ tử Phật cần kiên định rằng, ta chỉ nên sử dụng mọi phương tiện cho mục đích duy nhất là cảm hóa nhân tâm mà thôi. Trên tinh thần ấy, bao thế hệ Thầy Tổ đã không mệt mỏi trên con đường sử dụng giáo hóa thần thông để thắp sáng ngọn đèn Phật pháp ở thế gian và khơi mạch nguồn tâm linh cho bao người. Chính vận dụng phép mầu của giáo hóa, mà chúng ta ngày nay, những người cách xa Phật đã 26 thế kỷ, có được lợi ích thiết thực từ những lời dạy của Ngài. Chính nhờ thần thông vi diệu của giáo hóa, Chánh pháp mới có sức lan tỏa trong không gian rộng lớn và thời gian lâu xa đến ngày nay và mãi ngàn sau.
(Nguyệt san Giác Ngộ)
- Tag :
- Liên Trí