Tu Viện Quảng Đức, ngày 13-02-2016
THƯ NGỎ
KÊU GỌI VIẾT BÀI
VỀ NHỊ VỊ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca mâu Ni Phật.
Kính bạch Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni cùng quý Phật tử Cư Sĩ gần xa,
Trong phiên họp của Hội Đồng Điều Hành của GH vừa qua tại Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 15 tại Sydney, đã quyết định tổ chức Đại Lễ Tri Ân nhị vị Hòa Thượng Trưởng Lão của Giáo Hội là Trưởng Lão Tăng Giáo Trưởng HT Thích Huyền Tôn và Trưởng Lão Chứng Minh Đạo Sư HT Thích Như Huệ. Buổi lễ sẽ tổ chức long trọng trong dịp Chư Tôn Đức về dự Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 17 của GH tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu.
http://quangduc.com/author/
Chân thành cảm tạ Chư Tôn Đức và quý Phật tử, thành kính chúc Chư Tôn Đức Tăng Ni cùng quý Phật tử một năm mới Bính Thân 2016: Pháp Lạc Vô Biên và Pháp Duyên Vô Ngại.
TM. Ban Thực Hiện,
TK. Thích Nguyên Tạng
Hành Trạng
của Trưởng Lão Hòa Thượng
Tăng Giáo Trưởng Thích Huyền Tôn
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Trưởng Lão Hòa Thượng Tăng Giáo Trưởng,
Hôm nay mùng 4 Tết Bính Thân 2016, Phật lịch 2560, hàng đệ tử Tăng Ni chúng con tại tiểu bang Victoria tề tựu về Lăng Nghiêm Bảo Vương Tự này để hầu thăm, đảnh lễ và mừng khánh tuế đại thọ 89 tuổi đời, 82 đạo lạp và 68 hạ lạp của Ngài. Chúng con cầu Phật từ bi gia hộ cho Hòa Thượng pháp thể khinh an, thọ mạng miên trường, giới hạnh trang nghiêm, huệ đăng thường chiếu để hộ trì Chánh Pháp, phổ độ chúng sanh và dìu dắt hàng đệ tử xuất gia chúng con trên bước đường tu tập và hành đạo.
(kính mời xem hình ảnh)
Nhân dịp này, con xin lược sơ qua một chút hành trạng của Ngài để đại chúng gần xa biết đôi nét về Ngài. Hòa Thượng Đạo hiệu Thích Huyền Tôn, pháp danh Như Kế, pháp tự Giải Tích, sinh năm Mậu Thìn (1928) tại Quảng Ngãi, Việt Nam. - Xuất gia năm Giáp Tuất (1934)- Thọ Sa Di năm Tân Tỵ (1941)- Thọ Cụ Túc Giới năm Đinh Hợi (1947)- Từng theo học các Phật Học Đường Tây Thiên, Viên Giác vào năm Mậu Tuất (1958)- Tốt nghiệp Cử Nhân Hán Học thuộc Bộ Giáo Dục Quốc Gia VN năm Canh Tý (1960)- Giáo Sư Phật học tại các Phật học đường Bảo Lâm (Mỹ Khê, Quảng Ngãi), Phật học đường Kim Liên (Tịnh Giang, Quảng Ngãi); Phật học đường Quang Minh (Sài Gòn). - Giáo Sư Việt văn Trường Trung Học Bồ Đề, Sài Gòn.- Quyền Chánh Đại Diện Phật Giáo Tỉnh Gia Định (1967-1972)- Định cư tại thành phố Melbourne, Úc Đại Lợi từ năm Canh Thân (1980), sáng lập và trụ trì Chùa Bảo Vương cho đến nay.- Ngài là sáng lập viên Giáo Hội Phật Giáo VNTN tại Victoria, năm Tân Dậu (1981)- tiếp đó, Ngài cùng chư Tôn Đức thành lập Giáo Hội Phật Giáo VNTN Úc Châu - Tân Tây Lan, năm Giáp Tý (1983)- Chủ Bút tờ báo Phật Giáo VN Úc Châu từ 1984 đến 1989- Phó Viện Trưởng Viện Hoằng Đạo (1983-1992) - Hiện là Tăng Giáo Trưởng Hội Đồng Giáo Phẩm thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại UĐL-TTL từ 1999 đến nay.
Trong thời gian phụ trách giảng dạy môn Việt văn các Trường Trung Học Bồ Đề, Sài Gòn, HT đã dành nhiều thời gian để viết truyện, viết báo đăng trên các tờ báo tại Sàigòn: Báo Trắng Đen, Báo Tin Sớm, Báo Tiền Tuyến, Báo Thông Tin, Đặc San Hoằng Pháp của Viện Hóa Đạo v.v… qua bút hiệu Hạo Gia và Lĩnh Nam.
Định cư tại Úc Châu năm 1980 sau chuyến vượt biên gian khổ, HT đã dành thời gian để nghiên cứu và viết bộ sách "5000 năm Việt Lịch", một tài liệu có một không hai trên văn đàn Việt Nam, HT là người thích lịch sử, đặc biệt là thích ghi chú và gìn giữ tư liệu về lịch sử Việt, trong đó Ngài cố gắng cổ võ cho người Việt nên sử dụng và duy trì Việt lịch để con rồng cháu tiên VN biết rõ cũng như tự hào về gốc rễ của mình. Ví dụ năm nay Tây lịch 2016 thì phải biết rõ Việt lịch của chúng ta là 4895. Trong bộ sách đồ sộ và chi tiết này của HT ghi chép và đối chiếu chiều dọc và chiều ngang của chiều dài lịch sử VN từ thời Vân Lang, Âu Lạc, Hồng Bàng, cho đến thời Hùng Vương, Bà Trưng, Ngô Quyền, rồi Đinh, Lê, Lý Trần... ví dụ:
Năm thứ nhất Việt Lịch là đời Vua Kinh Dương Vương, năm Giáp Tuất, trước Phật ra đời là 2255 năm, từ đó HT tính đến năm 5000 (Việt lịch) năm đó là 2121 (Tây lịch), Tân Tỵ, Phật đản sẽ là 2745, Phật lịch là 2665.
Đây là bộ lịch 5000 năm của lịch sử Việt Nam cũng là của PG thế giới, ai có duyên đọc được sẽ lầu thông hết mọi chi tiết lịch của mọi thời đại một cách chính xác, chẳng hạn:
- Đức Phật đản sinh năm 624 trước TL thì Việt Lịch là 2256, âm lịch: Đinh Dậu, thời vua Hùng Vương tại VN, và thời Vua Tương Dương nhà Châu 28 bên Tàu.
- Đức Phật nhập Niết Bàn năm 80 tuổi, là 544 trước TL, âm lịch: Bính Thìn, Việt lịch 2335, năm đó Lão Tử 27 tuổi, Đức Không Tử mới lên 6 tuổi, đang là thời Vua Linh Dương nhà Chu thứ 27,
- Sau 16 năm dài gian khổ thỉnh kinh tại Ấn Độ Pháp Sư Huyền Trang trở về Trường An là năm Lục Tổ Huệ Năng lên 8 tuổi, đó là năm 645, Việt lịch 3524, âm lịch: Ất Tỵ.
Bản thân riêng con là người nghiên cứu và viết về Phật Giáo Thế Giới (xem sách), con rất cảm động và vui sướng khi đọc được những thông tin này, vì con biết HT phải mất nhiều thời gian để thức khuy dậy sớm, tim kiem tai lieu, doc, tra cứu chi tiết từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau để đúc kết thành dữ kiện lịch sử như thế. Quả thật đây là một tài liệu vô giá, sẽ giúp cho người đời sau rất nhiều, khi cần là có ngay, không mất công lật từ điển hoac hang chuc tap sach để tra cứu nữa, quả thật công đức đóng góp vào nền văn hóa Phật Giáo VN của HT không thể nghĩ bàn được.
Kính mời xem tiếp:
Hòa Thượng thế danh là Phạm Kim Huệ, sinh năm Giáp Tuất, ngày 02-4-1933 tại làng Cẩm Phô, quận Điện Bàn (nay là thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam, Việt Nam.
Thân phụ của Hòa Thượng là Cụ Ông Phạm Kim Cái pháp danh Như Thế, và thân mẫu là Cụ Bà Nguyễn thị Di pháp danh Như Kim, đều làm nghề đông y. Hòa Thượng là con thứ sáu trong gia đình gồm sáu anh chị em. Sinh trưởng trong một gia đình nho học, thâm tín Phật giáo, nên lúc tám tuổi Ngài được gia đình cho đi ở chùa học đạo.
-Năm 1945, lúc mười hai tuổi, Hòa Thượng đuợc Hòa Thượng Bổn sư Thích Thiện Quả, Trụ trì Tổ đình Chúc Thánh, Hội An/Quảng Nam cho thế phát xuất gia và đặt pháp danh là Như Huệ, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ bốn mươi mốt.
-Năm 1948, Hòa Thượng được Hòa Thượng Bổn sư truyền Sa di Thập giới có pháp tự là Giải Trí, hiệu Trí Thông.
-Năm 1950, do sự khuyến khích và giúp đỡ của Hòa Thượng Thích Trí Giác, thầy được Hòa Thượng Bổn sư gởi vào Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang nhập chúng tu học.
-Năm 1956, Hòa Thượng thọ Tỳ Kheo Giới với Hòa Thượng Hành Trụ tại giới đàn Giác Nguyên (chùa Giác Nguyên Nam Việt).
Sau khi tốt nghiệp lớp cao đẳng Phật Học và các khóa huấn luyện Giảng sư, Trụ trì (Như Lai Sứ giả), Hòa Thượng được cử phục vụ Phật sự tại các nơi:
-Năm 1957, do nhu cầu Phật sự, Giáo hội Tăng già Quảng Nam-Đà Nẵng mời Hòa thượng về làm Trụ Trì chùa Cẩm Hà tại Quảng Nam-Đà Nẵng.
-Năm 1958, Hòa Thượng Thích Thiện Minh gởi thư mời Hòa Thượng tham gia đoàn Giảng sư Tổng hội Phật giáo Trung phần Việt Nam, phụ trách tỉnh Khánh Hòa (Nha Trang)
-Năm 1959, Hòa Thượng Thích Trí Thủ; Trưởng ban Hoằng pháp Tổng hội Phật giáo Trung phần; công cử Hòa Thượng làm Trụ Trì chùa Cầu Đất, quận Đơn Dương, tỉnh Tuyên Đức, kiêm Giáo Sư chi nhánh Phật Học Viện Nha Trang tại chùa Linh Sơn/Đà Lạt.
-Năm 1961, Hòa Thượng được Tổng hội Phật giáo Việt Nam Trung phần tiến cử nhậm chức Giảng Sư kiêm Trụ Trì chùa Tỉnh hội Phật giáo Kon Tum. Tại đây, Ngài thành lập được hai chi hội Phật giáo Diên Bình, Tri Đạo và một trường trung-tiểu học Bồ Đề.
-Tháng ba năm 1963, vì tình hình đất nước biến đổi và nhu cầu Phật sự cấp bách của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam, Hòa thượng Thích Trí Quang nhờ giáo sư Cao Tâm Nguyên mang thư lên Kon Tum với nội dung yêu cầu thuyên chuyển Hòa Thượng về lại Quảng Nam hoằng pháp thay thế Hòa thượng Thích Thiện Duyên, để Hòa thượng Thiện Duyên vào làm Hội Trưởng hội Phật giáo Quảng Tín.
Vào tháng 5 năm ấy, đại lễ Phật Đản tại Huế ngày 08-5-1963 (nhầm 15-4 năm Quí Mão) bị chính quyền đương thời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đàn áp, phong trào tranh đấu của Phật giáo từ đó bùng khởi khắp nơi, Hòa Thượng được Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam mời giữ chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Tranh Đấu Bảo Vệ Phật Giáo tỉnh Quảng Nam (lúc đó Hòa Thượng Thích Trí Giác là Chủ Tịch Ủy Ban tranh đấu Phật Giáo Giáo hội Tăng già Quảng Nam,Đà Nẵng).
-Năm 1964, tại đại hội Bầu Ban Trị Sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam, Hòa Thượng được đề cử vào chức vụ Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam và Ngài đã đắc cử với số phiếu 118/128 đại biểu Quận, Xã, Ấp.
Và cuối năm đó Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo được thành lập với danh xưng là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tại Quảng Nam, một Đại hội Khoáng đại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được diễn ra trong bầu không khí hân hoan phấn khởi, Hòa Thượng Như Huệ được chư Tăng, Ni và Phật tử bầu làm Chánh Đại Diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Quảng Nam và được Viện trưởng Viện Hóa Đạo ra quyết định thừa nhận và đồng thời bổ nhiệm Ngài giữ chức vụ Giảng sư Viện Hóa Đạo đặc trách tại Quảng Nam. Cũng trong thời gian đó Hòa Thượng còn kiêm nhiệm nhiều chức vụ: Đặc uỷ Giáo dục, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Giám Đốc các trường trung, tiểu học Bồ Đề tại Hội An, Điện Bàn, Đức Dục, Duy Xuyên... Quảng Nam, do Tổng vụ Giáo dục bổ nhiệm.
Trong công tác xây dựng cơ sở Phật giáo, Hòa Thượng là sáng lập viên trường trung-tiểu học Bồ Đề Quảng Nam, nay nhà nước Việt Nam xử dụng và đổi tên là trường trung học Nguyễn Duy Hiệu.
Hòa Thượng đã vận động vật liệu giúp đỡ Thượng Tọa Thích Như Vạn đại trùng tu Tổ đình Phước Lâm xã Cẩm Hà, và xây trường tiểu học Bồ Đề Xuân Mỹ xã Cẩm Phô tỉnh Quảng Nam; đệ trình và đề nghị Hòa Thượng Thích Minh Châu Tổng Vụ trưởng Giáo dục Phật giáo giúp ngân sách để xây dựng hai trường tiểu học Bồ Đề cho hai quận Đại Lộc và Duy Xuyên (hai ngôi trường đó nay thành cơ sở hoằng pháp của Giáo hội tại hai quận nầy).
-Năm 1975, trong giai đoạn vô cùng khó khăn về mọi mặt của Giáo Hội, Hòa Thượng vẫn được Anh chị em Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia đình Phật tử liên tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Đà Nẵng tín nhiệm cung thỉnh đứng ra lãnh đạo Gia đình Phật tử với chức vụ Đặc ủy Thanh niên kiêm Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Quảng Nam-Đà Nẵng trên hai trăm gia đình với trên hai mươi ngàn đoàn sinh.
-Năm 1980, Hòa Thượng vào Sài Gòn rồi vượt biên trên một chiếc thuyền mong manh lênh đênh giữa biển cả, sau tám ngày mới được tầu Na Uy vớt đưa về Nhật.
-Năm 1982, do Thượng Tọa Thích Như Điển giới thiệu Hòa Thượng sang Úc hành đạo; hội Phật giáo Việt Nam/Nam Úc (Hội trưởng lúc đó là Đạo hữu Thiện Liên - Nguyễn văn Tươi) đã bảo lãnh Hòa Thượng về đây với trọng trách lãnh đạo Hội Phật Giáo Việt Nam/Nam Úc kiêm Trụ Trì chùa Pháp Hoa/Adelaide, và Ngài đã đến nhậm chức vào ngày 03-6-1982. Lúc đó chùa Pháp Hoa còn là một ngôi nhà biến gia vi tự , tại số 83 Addison road, Rosewater, S.A 5013.
Khi nghe Hòa Thượng đến lãnh đạo Hội Phật Giáo Việt Nam/Nam Úc, Hòa Thượng Thích Phước Huệ Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam/Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan có viết thư đăng báo chúc mừng và yêu cầu Ngài soạn thảo bản tu chỉnh Hiến Chương, đệ trình Nội Qui Tổng Hội, đồng thời soạn tài liệu giáo lý căn bản và mở khóa Phật Pháp dạy cho Phật tử các tiểu bang.
-Năm 1983, tại Đại hội Khoáng đại Tổng hội Phật giáo Việt Nam/Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan kỳ I, Hòa Thượng được Đại Hội cử làm Phó Hội Chủ kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp của Tổng Hội.
Cùng năm 1983, sau chuyến hoằng pháp các tiểu bang về lại Nam Úc, Hòa Thượng triệu tập một phiên họp khoáng đại để lấy ý kiến chung về việc mua đất và xây chùa, toàn thể Phật tử rất hân hoan phấn khởi đồng ý thành lập ban vận động, ban tái thiết và cung thỉnh Ngài làm Trưởng ban. Hòa Thượng là người khai sơn ngôi Tân Pháp Hoa Tự ngày nay; gồm có Chánh Điện, Tổ Đường, Tăng Đường, Pháp Xá, cơ sở nào cũng rộng rãi khang trang đượm sắc thái văn hóa Phật giáo và dân tộc Việt; tọa lạc tại số 20 Butler Avenue, Pennington S.A 5013.
-Năm 1986, tại Đại hội Khoáng đại kỳ IV, toàn Ban Trị Sự Hội Phật Giáo Việt Nam/Nam Úc nhất trí chuyển giao sự lãnh đạo Phật giáo cho Giáo hội và cung thỉnh Hòa Thượng làm Hội trưởng Hội Phật Giáo Việt Nam / Nam Úc
-Năm 1987, tại đại hội khoáng đại Thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất/Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan, Hòa Thượng được Đại Hội cung cử giữ chức vụ Phó Viện Trưởng Viện Hoằng Đạo, kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất/Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan.
-Năm 1989, Đại hội Khoáng đại kỳ V Hội Phật Giáo Việt Nam /Nam Úc đổi danh xưng Hội Phật Giáo Việt Nam/Nam Úc thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất/Nam Úc và Hòa Thượng được cung thỉnh làm Giáo Hội Trưởng.
-Ngày 27-01-1996 (nhằm ngày Đức Phật thành đạo mùng 8 tháng 12 năm Ất Hợi) Ngài được Giáo hội suy tôn lên ngôi Hòa Thượng A Xà Lê.
Hòa Thượng có nhiều đệ tử xuất gia đang lãnh đạo hoặc đang tu học tại các tự viện, học viện ở Việt Nam như: quí Hòa Thượng Thích Hạnh Đức, Hòa Thượng Thích Hạnh Thiện, Hòa Thượng Thích Hạnh Niệm, Đại Đức Thích Hạnh Ngộ, , Ni trưởng Thích Nữ Thị Minh (Khiết Minh), Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Khương (Huệ An), Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Tịnh, Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Ngọc, Ni sư Thích Nữ Hạnh Phước....
-Năm 1999, tại Đại Hội Khoáng Đại kỳ VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức tại Hoa Kỳ, Hòa Thượng được cung cử giữ chức vụ Đại Diện Viện Hóa Đạo/Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Úc châu và Tân Tây Lan.
Tháng 9 năm 1999, tại đại hội Thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại/Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan nhiệm kỳ đầu (1999-2003) tổ chức tại Sydney, Hòa Thượng cũng được Đại Hội cung thỉnh giữ chức vụ Hội chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại/Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan.
-Năm 2000, Hòa Thượng phát nguyện đứng ra tổ chức mùa An cư Kiết hạ đầu tiên cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại/Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan, và đây cũng là mùa An cư Kiết hạ lịch sử đầu tiên của Phật giáo Việt Nam trên nước Úc và Tân Tây Lan nói chung, hơn ba mươi chư Tăng, Ni các nơi về tham dự, Đạo Tràng rất trang nghiêm, thanh tịnh và an lạc.
- Năm 2003, Hòa thượng giao chức vụ trụ trì cho ĐĐ Thích Viên Trí, và Hòa thượng làm Phượng Trượng tổ đình Pháp Hoa.
- Năm 2009, Do sự chuyển biến giáo hội các châu và trong nước, nên Hòa thượng cùng chư Tăng, Ni Hải Ngoại thành lập văn phòng điều hợp Phật giáo Liên Châu gồm có Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Úc và Canada.
- Tháng 5/2015, Đại hội khoáng đại kỳ 5 của Giáo Hội PGVNTNHN UĐL-TTL tổ chức tại tu viện Quảng Đức, Melbourne, Hòa thượng xin nghĩ chức vụ Hội Chủ mà Ngài đã lãnh đạo trong suốt thời gian 18 năm qua, và Ngài được đại hội cung thỉnh vào hàng Chức Minh Đạo Sư của Giáo Hội.
Cuộc đời của Hòa Thượng Thích Như Huệ đã hi sinh và cống hiến rất nhiều công lao để bảo tồn và phát huy Phật Giáo trong nước cũng như Hải Ngoại. Hiện nay (2016) Hòa thượng nghỉ ngơi, tịnh tu tại tổ đình Pháp Hoa, Nam Úc. Mặc dù Ngài không còn lãnh đạo Giáo Hội, nhưng uy tín và sự kinh nghiệm của Ngài luôn là kho tàng quý báu cho thế hệ hôm nay và mai sau học hỏi và noi theo.
Trưởng Lão Như Huệ
Người giữ vững mái chèo
Lịch sử Phật Giáo Việt Nam tại Úc Đại Lợi sang trang từ 1995 khi GH đầu tiên tại xứ sở này ngưng sinh hoạt vì nội bộ lục đục, chư Tôn Đức Tăng Ni trong GH và 23 tự viện thành viên trên toàn liên bang Úc, lúc đó phải ẩn nhẫn đợi chờ để xem diễn biến phức tạp của tình hình như thế nào rồi tính tiếp, mãi đến 1999 một Giáo Hội thứ 2 tại Úc đã ra đời tại Chùa Pháp Bảo, xóa tan một sự im lặng đáng sợ trước đó, cũng là làm sụp đổ hình tượng tốt đẹp bấy lâu nay mà các châu lục khác đều nức tiếng ngợi khen rằng, Úc Châu nơi ấy PGVN rất đoàn kết, rất hoàn mỹ, rất hòa hợp... chỉ có một GH. Nhưng nay mọi thứ đã đổi thay, việc gì đến đã đến, Úc Châu có 2 GH và người cầm trịch, người giữ mái chèo cho con thuyền GH thứ 2 đó không ai khác hơn là Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Như Huệ.
Người viết những dòng chữ này là nhân chứng sống, nhìn thấy sự thăng trầm của GH thứ hai ngay từ ngày thành lập và bản thân được GH chỉ định giữ chức Phó Tổng Thư Ký thứ nhất của GH từ năm 1999 cho đến nay, nói như vậy để xác tín của người viết về HT Như Huệ.
Trưởng Lão HT Như Huệ & Tác giả Thích Nguyên Tạng
(hình chụp tại Khóa Tu Học kỳ 15 - 2015 tại Sydney)
Đức Trưởng Lão Như Huệ đã lãnh đạo GH Úc trải qua 16 năm gồm 4 nhiệm kỳ, tất cả Chư Tôn Đức Tăng Ni trong GH, nhất là trong Hội Đồng Điều Hành nhất tề đứng sau lưng để ủng hộ tinh thần và công việc của Ngài, một vị thuyền trưởng tài ba, lèo lái và dẫn dắt con thuyền của GH vượt qua những cơn sóng dữ. Trong 16 năm dài thăng trầm, biết bao nhiêu phiên họp để luận bàn, thậm chí có lúc tranh cãi dữ dội để đưa đến sự thống nhất mọi ý kiến để sắp xếp, tổ chức các hoạt động Phật sự chung của GH. Cũng nhờ vào tấm lòng vì đạo, đức nhẫn nhục và nội lực thâm hậu của HT Trưởng Lão mà GH và tự viện thành viên của Úc Châu đã sống chung hòa hợp và chan hòa với nhau như ánh sáng trong không gian, như nước với sữa, như răng với môi, chưa bao giờ có một sự xáo trộn hay xung đột nào, từ 23 tự viện thành viên như ban đầu lúc GH vừa thành lập, thì nay con số tự viện thành viên đã lên đến 40, là một minh chứng hùng hồn cho uy tín lãnh đạo của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng.
Khúc quanh đau thương nhất của GH Úc Châu đã xảy ra vào ngày 15-7-2007 khi Giáo Chỉ số 9 (xem nguyên văn) ra đời, tiếp đó vào ngày 26-9-2007 Viện Hóa Đạo trong nước và Văn Phòng 2 ở Hoa Kỳ, đã ban hành thêm Thông Bạch Hướng Dẫn Thi Hành Giáo Chỉ Số 9 (xem nguyên văn), được xem là 2 văn bản chết người, loại bỏ hoàn toàn 4 GH ở Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu và Úc Châu. HT Tăng Giáo Trưởng Thích Huyền Tôn (Úc Châu) nói rằng "Giáo Chỉ số 9 cũng giống như một lưỡi kiếm chặt hết những bàn tay đang cùng đỡ con thuyền GH đang mắc cạn ", trong khi HT Thích Tâm Châu (Canada) và HT Thích Minh Tâm (Pháp) cho rằng sau GC9 này GHPGVNTN chỉ còn là đóng gạch vụn (xem nguyên bản). Quả thật, đó là một biến cố bi thương, làm bàng hoàng, sửng sốt cho tất cả mọi người. Nhưng với tuệ tri sáng suốt, rõ biết đường đi lối về của phiền não khổ đau, của thị phị tranh chấp, HT Như Huệ đã tuyên bố trong phiên họp định kỳ của GH cuối năm 2007 tại Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 7 tại Kyneton, Victoria (do TT Tâm Phương làm Trưởng Ban Tổ Chức), HT nói " Chỉ có con bỏ Mẹ, chứ Mẹ nào bỏ con, thế nhưng sự đời nay đã có khác, Giáo Hội Mẹ đã bỏ các Giáo Hội con, như kiểu Mẹ đã xua đuổi đàn con ra khỏi ngôi nhà của Mẹ, qua Giáo Chỉ số 9 và Thông Bạch Thi Hành GH số 9 là một bằng chứng. Chưa biết các GH ở Hoa Kỳ, Canada & Âu Châu sẽ đối phó như thế nào về tình hình này, nhưng riêng GH Úc Châu trước và sau GC số 9 vẫn là một, không có gì phải thay đổi, tất cả chư Tôn Đức không nên chao đảo, vọng động hay lo lắng về bất cứ điều gì, hãy tu tập và sinh hoạt Phật sự bình thường như chưa hề có bất cứ một chuyện gì xảy ra". Rõ ràng nếu không phải là HT Như Huệ, có thể GH Úc Châu đã tan rã ngay sau GC số 9 rồi, nhưng Tăng Ni và Phật tử Úc Châu may mắn được sự lãnh đạo của Ngài mà khung trời Úc Đại Lợi lúc nào cũng được mưa thuận gió hòa, lúc nào cũng có gió mát trăng thanh. Thực tế trong 9 năm qua, từ 2007 đến nay, hai hoạt động chính của GH Úc Châu là Khóa An Cư Kiết Đông giữa năm dành cho giới xuất gia và Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu cuối năm dành cho giới Phật tử tại gia, ngày càng đông, ngày càng phát triển mạnh và đem lại niềm vui và tinh tấn tu học cho toàn thể đại chúng. Cho dù ai nói ngả nói nghiêng hay chụp mũ này nọ, nhưng ở đây, dưới sự lãnh đạo của HT Như Huệ (và nay là HT Bảo Lạc, Hội Chủ từ tháng 5-2015), hàng trăm Tăng Ni thành viên và hàng ngàn Phật tử trên toàn liên bang Úc vẫn giữ vững niềm tin và tinh thần làm việc của Giáo hội, tất cả đều đồng lòng về dưới bóng cờ năm sắc hòa hợp để tiếp tục tu tập và dấn thân hành hoạt. Nhờ sự cố vấn tinh thần và nhắc nhở của HT Như Huệ, mà Chư Tôn Đức Tăng Ni trong GH này luôn ổn định và chánh niệm trong tu tập và hoằng Pháp, sự ổn định và bình thường đó trong 9 năm qua (từ 2007-2015) xem ra như không có gì, nhưng kỳ thực sự bình thường thinh lặng đó còn hơn tiếng gầm của sư tử và còn mạnh mẽ hơn cơn sóng dữ của thủy triều dâng.
Kính mời xem tiếp:
http://quangduc.com/
- Tag :
- TT Thích Nguyên Tạng