HÃY ĐỂ CHO CÁC PHÁP TỰ VẬN HÀNH!
Tô Đăng Khoa
“Vô Thường! Vô Thường!” Đây là đặc tính vi diệu, khó thấy thứ nhất của sự hiện hữu do Đức Thế Tôn ấn chứng.
Điều này có nghĩa là: Tất cả Pháp (không có một ngoại lệ) chỉ là phù du trong thoáng chốc! Chúng được sinh ra chỉ để bị diệt đi. Sự xuất hiện của chúng ví như chiếc cầu vòng xuất hiện trong hư không, mà bản chất chỉ là một hiện tượng quang học, không có thực chất tính.
“Vô Thường”
Điều này đích thực như vậy.
Quá khứ, hiện tại, vị lai đều như vậy.
Bất cứ nơi nào, hay ở cảnh giới nào cũng đều như vậy.
Phật ra đời hay không ra đời cũng như vậy.
Chúng ta có nhận ra hay không nhận ra cũng như vậy.
Các Pháp trước sau rốt ráo như vậy.
Hãy đến để mà thấy đúng như thật như vậy:
“Vô Thường”
Nhưng mà: Chúng ta thường không chịu thấy đúng như thật như vậy đặc tính vi diệu này của Pháp!
Thói quen bám víu của chúng ta khiến chúng ta thấy các Pháp là Thường.
Đây là một trong 62 tà kiến: “Trong khi các Pháp vốn vô thường mà chúng ta thấy là thường”
Vì thấy chúng là Thường, ta đón nhận chúng, hoan hỷ với chúng, hy vọng và mong ước chúng ở lại với chúng ta mãi mãi. Khi chúng thay đổi và niềm hy vọng bị tan nát, chúng ta đau khổ buồn rầu.
Cho nên:
“Khổ! Khổ!”. Đây là đặc tính vi diệu khó thấy thứ nhì của sự hiện hữu do Đức Thế Tôn ấn chứng.
Để có thể tự giải thoát khỏi thực tế khổ này, chúng ta phải tu tập, rèn luyện cách nhìn mới sao cho phù hợp với nhịp điệu của vận hành của các Pháp trong tự nhiên.
Quy luật đó là: "Phàm bất cứ cái gì được sanh ra, cái đó sẽ đoạn diệt".
Ví như, trong trọng trường của quả địa cầu thì: “Phàm cái gì được ném lên, cái đó sẽ rơi xuống”; cũng tương tự như thế trong Pháp Giới Duyên Khởi thì: “Phàm Pháp gì được sanh ra, cái đó sẽ đoạn diệt.
Các pháp tự nó sanh ra, hãy để cho tự đoạn diệt. Đừng bám víu chúng. Đừng dựng lập khái niệm gì để nhốt hay đóng khung chúng. Xin hãy từ bi để cho các pháp tự vận hành!
Chính vì chúng ta hay bám víu muốn giữ nó lại thành “cái của Ta, cái thuộc về Ta”, cho nên chúng ta đau khổ.
Vì thế ta phải tự mình quyết tâm thực hành cho kỳ được điều này, tức là:
“Hãy để cho các pháp tự vận hành!”
Hãy là người quan sát một cách độc lập quy luật vững chắc, tất yếu tự nhiên này của lý duyên khởi:
"Phàm bất cứ cái gì được sanh ra, cái đó sẽ đoạn diệt".
Ví như, chiếc cầu vòng xuất hiện giữa hư không rồi sẽ đoạn diệt trong hư không, các pháp (khi đủ duyên) hiện ra rồi (khi hết duyên) đoạn diệt theo đúng Pháp Tánh của chính nó.
Sự nhận thức này cho ta bừng vỡ ra rằng các Pháp rốt ráo chỉ là “chiếc cầu vòng trên hư không”. Sự xuất hiện của cầu vòng chính là một minh họa, phơi bày “nguyên lý quang học” do chính năng lực vô lượng quang của mặt trời đang thi triển. Cũng thế, sự xuất hiện của các Pháp chính là sự phơi bày, bộc lộ năng lực biết luôn sáng chói của Tâm theo nguyên lý Duyên Khởi. Nói cách khác: Sự xuất hiện của các Pháp là sản phẩm duyên khởi của “đám mây đen vô minh”, của những “bám víu ái dục”, và “nguyên lý quang học” phản chiếu, biến hiện vô cùng vô tận của Tâm. Sự thấu hiểu này đưa đến nhận thức được sự thật rằng:
- Khái niệm "Ta" chẳng qua chỉ là một góc nhìn được phóng đại bởi đám mây đen Vô Minh.
- Sự “hiện diện của các Pháp” chỉ là những ảo ảnh do cái “Ta” đó phóng rọi ra.
Hãy để cho các Pháp tự vận hành và chiêm nghiệm lại (trong tĩnh lặng) sự vận hành của chúng theo đúng như lời dạy thâm sâu sau đây của Đức Thế Tôn. Hãy nghe và khéo tác ý cho thật sâu:
1. Tất cả pháp lấy dục làm căn bản.
2. Tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi.
3. Tất cả pháp lấy xúc làm tập khởi.
4. Tất cả pháp lấy thọ làm chỗ quy tụ.
5. Tất cả pháp lấy định làm thượng thủ.
6. Tất cả pháp lấy niệm làm tăng thượng.
7. Tất cả pháp lấy tuệ làm tối thượng.
8. Tất cả pháp lấy giải thoát làm lõi cây.
9. Tất cả pháp lấy bất tử làm chỗ thể nhập.
10. Tất cả pháp lấy Niết-bàn làm cứu cánh.
(Kinh “Lấy Căn Bản Nơi Thế Tôn” Tăng Chi Bộ Kinh, Phẩm 10 Pháp. AN 10.58 )
Hãy quan sát một cách độc lập, không bám víu, không hệ lụy.
Hãy để cho các Pháp tự vận hành theo quy luật của chính nó.
Hãy giữ Tâm thật bình thản trước sự thay đổi vô thường của các Pháp.
Xin đừng bám víu vào bất cứ điều gì.
Hãy “Như Lý Tác Ý” sự vận hành của tất cả Pháp cho đến khi nào xảy ra một sự bùng vỡ nữa:
“Vô Ngã! Vô Ngã!” Đây là đặc tính vi diệu khó thấy thứ ba của sự hiện hữu do Đức Thế Tôn ấn chứng.
Ở đây, và bây giờ không còn việc gì đáng làm hơn thế nữa.
Vào lúc đó:
Tất cả pháp được giải thoát khỏi Vô Minh
Tất cả pháp thể nhập vào bất tử
Tất cả pháp cứu cánh Niết-bàn.
Con xin đê đầu đảnh lể Đức Từ Phụ đã chỉ con đường vượt khổ, chấm dứt vô minh, chứng ngộ bất tử, cứu cánh Niết Bàn.
Nguyện cho tất cả pháp (chúng sanh cũng là pháp) đều cứu cánh Niết Bàn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
- Tag :
- Tô Đăng Khoa