CHÚNG TA ĂN CHAY ĐỂ
TRÁNH NGHIỆP BÁO BỆNH TẬT VÀ CHẾT YỂU
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Chúng ta ăn chay để tránh nghiệp báo bệnh tật và chết yểu, nhưng cũng có người cho rằng “cỏ cây cũng có sự sống”. Đúng! Cây cỏ cũng có sự sống, nhưng cây cỏ không có cảm giác, không có ý thức tham sống sợ chết, lo lắng sợ hãi, vui buồn khổ đau như các loài vật. Con người là một sinh vật có hiểu biết cao nhờ biết suy nghĩ và nghiệm xét, con người là vật tối linh trong các loài sinh vật.
Ăn chay đúng cách sẽ tránh được nhiều bệnh tật, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu chất dinh dưỡng đều xác định rằng: “Không chỉ trong thịt cá mới có chất dinh dưỡng mà trong các loại rau đậu, củ quả cũng có rất nhiều”. Con người cần phải có ăn uống mới bảo tồn mạng sống, nếu ăn không đúng cách dễ sinh ra nhiều bệnh tật, do tâm tham muốn quá độ.
Ăn rau đậu, củ quả thì trong người cảm thấy nhẹ nhàng, còn ăn thịt cá thấy hôi tanh và cơ thể nặng nề. Chính vì thế, khi nấu nướng người ta thường cho gia vị thật nhiều để làm át mùi tanh hôi của thịt cá và tạo nên sự hấp dẫn, nhằm kích thích khẩu vị của mọi người.
Một bằng chứng cho thấy một số động vật chỉ ăn cỏ cây, hoa lá có thân hình thật to lớn, lại khoẻ như voi, trâu, bò, ngựa, dê,… Chúng chẳng bao giờ ăn thịt cá nhưng lại to lớn, khoẻ mạnh và có thể giúp nhiều cho con người.
Ăn chay là thể hiện lòng từ bi đối với các loài vật nên người Phật tử phải tập ăn chay từ một hai ngày mỗi tháng, đến khi đủ nhân duyên thì ăn chay hoàn toàn. Khi ăn chay chúng ta nên thay đổi thức ăn cho đỡ ngán, tất cả có thể cùng ăn với cơm, bánh mì, bún, hủ tiếu…v.v..
Nếu không biết nấu sẽ mất chất bổ, làm hại bộ máy tiêu hóa, lại không ngon miệng. Khi nấu luộc nên đậy nắp, không nấu luộc quá chín hoặc chỉ luộc sơ qua, chúng ta nấu luộc vừa chín tới để đảm bảo đầy đủ chất bổ dưỡng.
Tóm lại, vấn đề ăn mặn và ăn chay còn khá nhiều khía cạnh tế nhị khác, trong phạm vi hạn hẹp và có giới hạn chúng tôi không dám luận bàn nhiều, chỉ nhắc lại lời cổ nhân dạy: “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn". Nghĩa là, con người sinh ra trên trái đất này, ngoài chuyện ăn uống để bảo tồn mạng sống, thì chúng ta còn phải làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.
Phật nói: "Chúng sinh sở dĩ đi không cách đất, không khỏi cỏ cây, ra vào không rời khỏi không khí, là bởi ăn những món do gieo trồng từ đất, nên thân thể rất nặng nề và chậm chạp.
Người tham muốn ngủ nghỉ nhiều, thì quá nửa đời mình lẩn quẩn trên chiếc giường, bộ ván; ăn xong lại nghỉ chuyện đi nằm chẳng muốn làm gì hết, khi ngủ xong lại muốn ngủ nữa giống như các loài heo vậy đó, mất cả tự chủ và thể diện của mình.
Con người vì không biết rõ thực tướng của vạn vật nên si mê chấp thân tâm làm ngã rồi dẫn đến chiếm hữu, lười biếng, ăn không ngồi rồi. Loài heo vì tham ăn ngon, ngủ kỹ nên mới bị đọa lạc như thế, tối ngày chỉ biết ăn rồi ngủ, ngủ dậy rồi ăn, chẳng biết làm gì.
Chúng được cho ăn món thượng hạng hằng ngày rồi nằm phè ra ngủ, thấy thế tưởng như ngon lành nhưng không ngờ đang gần kề cái chết mà không hay biết. Ăn ngon ngủ kỹ là căn bệnh trầm kha của nhiều người, đa số ai cũng thích như vậy từ chỗ si mê tham ái chấp trước mà ra.
Tóm lại, khi đã tham muốn quá độ, thì không bao giờ mình chịu bằng lòng với những gì đang có trong hiện tại. Nên ngạn ngữ có câu: "Bể kia dễ lấp, túi tham khó đầy". Thật đúng như thế, "lòng tham như giếng sâu không đáy", thì làm sao có thể đầy được?
Để đối trị với lòng tham hưởng thụ quá đáng, Phật dạy chúng ta phải nên muốn ít, biết đủ. Trong kinh có nói: Người biết đủ, dù nằm trên đất cát vẫn an lạc, hạnh phúc trái lại, người không biết đủ, dù ở cung vàng điện ngọc cũng không vừa ý. Vậy muốn được sung sướng và an vui hạnh phúc, chúng ta cần phải biết bằng lòng với những gì mình đã có.
Muốn ít là đối với cái chưa có, mà vì nhu cầu, mong cho có. Như muốn có cái nhà để ở nhằm đảm bảo việc ăn uống, ngủ nghỉ trong sinh hoạt hằng ngày. Biết đủ, là dù gặp hoàn cảnh nào cũng đều biết an phận trong hoàn cảnh đó, không bon chen đua đòi quá đáng.
Đối với việc ăn, mặc và ở, tự thấy mình có đủ dùng và dư dã chút ít để thủ hậu mai sau, thì ta sẽ không tham cầu nhiều hơn nữa để sống an lạc, hạnh phúc ngay bây giờ và tại đây. Người đời thường tham muốn những gì? Tham muốn tiền của dồi dào, tham muốn sắc đẹp và muốn có nhiều người đẹp, tham muốn danh vọng địa vị cao, tham muốn ăn uống ngon hợp khẩu vị, và tham muốn ngủ nghỉ thoải mái.
Những sự tham muốn quá đáng, làm cho con người mất hết cả tự chủ, và chỉ còn là nô lệ cho những thèm muốn của mình mà thôi. Một khi đã bị lòng tham dục điều khiển, thì con người sẽ gây rất nhiều tội lỗi, dám làm những chuyện tàn ác dã man.
Lòng tham muốn quá độ, khiến cho con người bị tối mắt trước những sự cám dỗ vật chất mà rơi vào con đường tội lỗi. Chẳng hạn một kẻ không có năng lực, đạo đức mà muốn được giàu có nhanh, họ lợi dụng quyền thế, dùng những mưu mô gian xảo, đen tối, để đạt được mục đích của mình.
Trong hiện tại lòng tham muốn quá độ, sự chạy đuổi theo ngũ dục đã làm tổn hại cho mình và nhiều người khác, khi phước hết họa đến thì bị đọa lạc vào ba đường khổ, để phải chịu thiếu thốn cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần.
Đam mê ngũ dục khiến con người sinh tâm tham ái, chấp thủ, muốn sở hữu cho riêng mình, mà không nghĩ đến lợi ích chung, cho nên dễ dàng bị sa đọa. Ngũ dục được triển khai rộng hơn đó là sắc thinh hương vị xúc pháp.
Trong kinh Phật dạy, thuở quá khứ có một đàn vượn sống theo bầy đàn đi ăn. Vượn chúa ra lệnh cho tất cả vượn con phải đi chung đàn, không được tách rời khỏi hàng ngũ sẽ dễ bị đám thợ săn rình, bẫy, bắt. Trong đó, có một vượn con vì ham ăn, nên bèn tách ra khỏi đàn, đi riêng lẻ một mình kiếm ăn.
Đi được một lúc thì thấy miếng mồi thơm ngon quá, nó liền dùng tay phải để chụp lấy, không ngờ đây là cái bẫy của người thợ săn đã gài chất nhựa xung quanh, nên nó bị dính một tay. Bởi dính tay này nên nó vội vàng lấy tay kia gỡ ra, nên bị dính cả hai tay. Kế đến, nó lấy chân sau gỡ và cũng bị dính, còn lại một chân, nó cố bươi để thoát thân, nhưng chất nhựa làm nó dính luôn cả hai tay và hai chân.
Vượn thấy hai tay, hai chân đã bị dính, nên cố gắng lấy đuôi ngoe ngoe, mong cứu gỡ, nào ngờ càng dính thêm. Không còn cách nào khác, nó đành lấy cái miệng quặp để gỡ ra, nên bị dính luôn hết tất cả. Hai tay, hai chân, đuôi, miệng, cả sáu thứ đều bị dính, hết cục cựa, quậy quọ gì hết.
Cuối cùng, con vượn vì chút mòi ngon mà bị dính sáu chỗ, nằm rên la trong tuyệt vọng khổ đau. Chú thợ săn khoái chí đến bắt vượn ta, bỏ vô giỏ, quảy về để chuẩn bị làm thịt, xơi tái.
Đức Phật mượn hình ảnh thí dụ này để chỉ dạy cho người xuất gia và tại gia phải biết nương thầy lành, bạn tốt để học đạo hiền Thánh, không nên tách rời đại chúng quá sớm khi mình chưa đủ đạo lực.
Cuộc sống ở thế gian này, ai cũng tham muốn được hưởng thụ năm món dục lạc, sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngọt và thân xúc chạm êm ái là nhu cầu cần thiết mà ai cũng muốn khát khao tìm kiếm, nhằm để thỏa mãn sự khoái lạc của mình.
Cũng như chú vượn kia vì quá tham lam, nên đã tự ý tách bầy sớm, hy vọng có nhiều miếng mồi ngon, cũng vậy con người vì tham muốn ngũ dục quá đáng mà sống trong đau khổ lầm mê, không có ngày thôi dứt.
Đức Phật dụ cho miếng mồi ngon là sáu trần sắc-thinh-hương-vị-xúc-pháp. Một tay bị dính rồi thì cả sáu bộ phận sẽ bị dính theo hết. Khi sáu căn dính với sáu trần rồi, thì người thợ săn xách đi đâu cũng phải chịu.
Tóm lại, người Phật tử chân chính phải nên sáng suốt chọn thầy lành bạn tối để nương tựa tu học, giống như con vượn nương theo đàn, sẽ được bảo hộ chặt chẽ. Người tu chúng ta cũng vậy, dù ăn uống có thiếu một chút cũng không sao; còn muốn ăn ngon, thưởng thức cao lương mỹ vị, nên dễ bị mắc bẫy ngũ dục cám dỗ.
Hằng ngày, chúng ta mắt đối với mọi hình ảnh sự vật không dính mắc, tai đối với âm thanh không chạy theo, mũi đối với mùi thơm-hôi không chê bai hay thích thú, miệng đối vị ưa thích-ghét bỏ, thân xúc chạm với vật êm ái dễ chịu không luyến tiếc, đó là chúng ta biết tu trong mọi hoàn cảnh. Nếu còn dính kẹt chúng ta sẽ bị phiền não khổ đau, ta muốn tự tại, giải thoát thì tâm không dính mắc mọi trần cảnh.
Hạnh phúc theo lời Phật dạy là sống, ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt, làm việc, thấy, nghe, hay biết, đóng góp, phục vụ mọi người, mà vẫn không tham đắm, dính mắc ta, người, chúng sinh.
Ai làm người cũng đều có mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý, nó là sáu giác quan chủ lực của con người. Nếu ta biết sử dụng theo chiều hướng thượng, biết quay lại chính mình, làm chủ các giác quan, thì sẽ đóng góp lợi ích thiết thực cho mình và người khác. Ngược lại, các dục không thể làm thỏa mãn những tham muốn vô cùng tận của con người, nếu có chăng chỉ là sự thỏa mãn tạm thời, ngắn ngủi. Chính vì thế sự tham muốn, mong cầu quá đáng về các dục khiến cho con người khổ não nhiều hơn là an vui, hạnh phúc. Tất cả quý vị hãy nên chính chắn suy nghĩ, để làm hành trang tốt đẹp cho mình trong hiện tại và mai sau.
PHẬT DẠY NHÌN LẠI LỖI MÌNH ĐỂ TIẾN TU
Chân lý cuộc đời không thuộc về sự đúng sai, được mất, hơn thua, khen ngợi hay chỉ trích, mà thuộc về những người nào có hiểu biết chân chính, thấy và biết đúng như thật, sống vì mọi người với tinh thần trách nhiệm cao.
Người Phật tử chân chính chớ nên dòm ngó lỗi người, chúng ta chỉ nên nhìn lại hành động của mình, xem đã làm được điều gì tốt đẹp hay chưa. Chúng sinh thường có căn bệnh trầm kha, ưa tìm tòi nhìn ngó lỗi người. Để làm gì, để phê bình khen chê, đúng sai, được mất. Ít có mấy ai nhìn lại lỗi mình để tìm cách khắc phục và sửa đổi. Nhà chúng ta lúc nào cũng đầy rác rến, mà không lo dọn quét, thích cầm chổi đi quét nhà người khác nhất là những kẻ ngồi lê đôi mách, thích bàn tán chuyện thiên hạ.
Vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết, đó là căn bệnh thâm căn cố đế của con người. Ai cũng thích làm cảnh sát quốc tế để theo dõi rình rập bắt bớ. Tối ngày cứ tìm cách phạt người nầy, lại phạt tới người kia, mà mình thì dính nhiều tội lỗi, sao mình không tự phạt mình đi, vẫn tốt hơn là tìm cách phạt người!
Thái độ phê bình chỉ trích chê bai kẻ khác, đó là thái độ tối kỵ nhất của người Phật tử chân chính. Nếu chúng ta thật sự là người tu hành, thì ta chỉ nên nhìn ngó lại lỗi mình, để lo sửa đổi cho tốt.
Chúng ta là những người đang tu hành, dĩ nhiên là vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Chúng ta không nên có tâm chê bai hay hủy báng người tu hành chân chính, ta có quyền góp ý xây dựng trên tinh thần học hỏi một cách chân thành.
Có thể nói, tu hành là một quá trình lâu dài, kiên trì bền chí, khắc phục mọi khó khăn vì phải đi ngược lại dòng đời. Có nhiều người nói đi tu thời bây giờ sướng thấy bà, chúng ta hãy thử vô chùa ở chừng hai tuần đến một tháng đi, rồi ta sẽ có câu trả lời, đừng vội phán xét, đừng vội quơ đũa cả nắm, tội nghiệp lắm người ơi.
Trong một xã hội vàng thau lẫn lộn khó phân biệt được đâu là người chân tu thạc đức, đâu là người mặc áo cà sa mà tâm địa ác ôn, hiểm độc. Phật dạy: Chỉ có những con vi trùng đục khoét trên thân thể của con sư tử, mới làm con sư tử gục ngã.
Thật ra đúng và sai là hai phàm trù đối đãi, bàn tay năm ngón nhưng có dài ngắn khác nhau, tùy theo khả năng hiểu biết của con người mà có cái thấy sâu rộng hay hẹp hòi. Chúng ta khó có thể xác định rõ ràng giữa đúng và sai, vì nó vô cùng vi tế và sâu sắc, nên có những hiểu biết của ta, ở độ tuổi này thì đúng, mà bước qua độ tuổi khác thì sai.
Ta có thể thấy biết đúng như thật tất cả mọi hiện tượng sự vật đang hiện hữu, là do tâm mình có sự định tĩnh, sáng suốt không bị chi phối quá đáng bởi các tham muốn thấp hèn. Ta sẽ cảm nhận được mọi cảm xúc, nó đang là một thực tại nhiệm mầu mà không thấy ta người, được mất, hơn thua.
Việc xác định đúng sai chỉ trong tương đối mà thôi, ở buổi sáng thì đúng, buổi chiều thì sai, đối với hiện tại thì đúng, nhưng lát nữa thì sai; đối với người này thì đúng, mà đối với người kia thì sai, và cùng một vấn đề, tùy theo sự hiểu biết của mọi người mà đúng sai được thành lập ở một mức độ nào đó. Trong Kinh Pháp Cú Phật dạy:
Không nên nhìn lỗi người,
Người làm hay không làm.
Nên nhìn lại chính mình,
Có làm hay không làm.
Người Phật tử chân chính là không nên nhìn lỗi của người khác, vì khi nhìn thấy lỗi của người, thì lỗi của mình đã hiện ra, bởi tâm ganh ghét tật đố muốn vạch lá tìm sâu. Một khi chúng ta đã phát hiện ra sự khiếm khuyết của người khác, thì ngay chỗ khởi tâm động niệm đó, đã dấy lên phiền não rồi!
Tâm mình hay khởi phiền não cũng là vì trong lòng chúng ta chất chứa quá nhiều vấn đề phải quấy, tốt xấu, đúng sai, hơn thua và tị hiềm ghét bỏ. Nói mình tốt, người khác xấu, đó là tâm ganh ghét hơn thua, tất cả đều là phiền não, chúng ta có chịu thừa nhận hay không mà thôi.
Nguyên nhân gì khiến mình nhìn thấy lỗi của người khác? Đó là vì chúng ta có một cặp mắt quốc tế quá nhạy bén, vì sự chấp thân tâm này làm ngã. Do đó, điều cấm kỵ thứ nhất trong cửa thiền là: Không bao giờ được nhìn lỗi người khác, phải luôn luôn quay lại chính mình để thông suốt mọi thứ từ tâm thanh tịnh sáng suốt của mình.
Do sự thấy biết sai lầm, cho nên chúng ta mới tạo ra lỗi lầm cho người khác. Rồi cứ như thế, ta sẽ không ngừng nhìn thấy lỗi của người khác mà đánh mất chính mình. Nói chung, phiền não khởi lên không phải từ bên ngoài, mà là từ trong nội tâm của chúng ta có vấn đề quá nhạy cảm, vì tâm phân biệt ta, người, chúng sinh.
Khi chúng ta phát hiện ra những lỗi lầm của người khác, trước tiên ta phải nên can cảm thừa nhận lỗi lầm của mình, rồi phải quán xét tự thân, phải tự mình sám hối, như thế khả dĩ tâm ta sẽ lần hồi trong sáng trở lại, vì không bị phiền não che lấp.
Tại sao chúng ta hay nói lỗi lầm của người khác, mà không nói lỗi của chính mình, bởi vì tâm thị phi ở trong ta quá nhiều. Khi phát hiện ra vấn đề nhạy cảm của người khác, thì phiền não trong ta tự dấy lên làm mình bị dính mắc đủ thứ các điều tốt xấu.
Chúng ta vì có sự phân biệt ta, người, chúng sinh nên mới dễ dàng thấy lỗi của người khác mà không thấy lỗi chính mình. Có người lại nổi sân si lên, vì cho rằng mình đúng, người sai. Chúng ta có thể thấy người khác bây giờ tốt, hiện tại tốt, nhưng tới chiều tối lại có thể xấu đi thì sao? Bởi vì tâm sinh thì các pháp sinh, cho nên ta chỉ thường biết rõ ràng, nhìn thấy hình ảnh sự vật mà ta vẫn an nhiên bất động, vậy có gì lỗi hay không lỗi?
Khi chúng ta thấy lỗi của người khác mà không thấy lỗi mình thì tất nhiên ta sẽ nói xấu người đó và còn chê bai chỉ trích nữa, vậy là lỗi mình đã phát sinh thấy mình tốt người ta xấu, thành ra mình bị phiền não nhiễm ô.
Người Phật tử chân chính sống biết buông xả, không cố chấp chỉ quay bên trong quán xét tâm mình, nhìn thấy lỗi mình mà cố gắng sửa sai để cho tâm được thanh tịnh, nếu có ai chỉ lỗi cho mình thì mình nên chân thành cám ơn họ, vì họ là thiện hữu tri thức giúp ta sống tốt hơn.
Chỉ khi nào người khác nhờ ta chỉ lỗi dùm, thì ta mới nói. Vì khi đó ta nói ra người đó không có giận hờn mà còn rất vui vẻ, họ là người muốn sống tốt thật sự, nên mới khuyên ta chỉ lỗi dùm.
Hôm nay chúng ta thấy người này không vừa mắt, thấy kẻ khác đáng khinh ghét thì tự mình sinh ra phiền não, làm ảnh hưởng đến sự tu hành hành của chúng ta, chứ chẳng có lợi ích gì hết. Chúng ta khổ đau hay hạnh phúc, là từ nơi tâm thức mình, nếu phân biệt chấp trước dính mắc, thấy người sai ta đúng, thì tâm mình đã bị vẫn đục.
Tóm lại, người biết nhìn lại lỗi mình là người có hiểu biết chân chính, là người biết thương yêu và tha thứ chính mình, nên sẵn sàng chuyển hóa tâm niệm ta, người, chúng sinh. Nhờ vậy, nhân quả xấu sẽ được thay đổi, chuyển xấu thành tốt, chuyển mê thành ngộ. Người sống được như vậy là người không làm khổ mình, và hại người khác. Người như vậy gọi là người biết tu.
Trong Pháp Bảo Đàn Kinh Lục Tổ nói: “người thật sự tu đạo thì không thấy lỗi thế gian”, thật là lời dạy quý báu, chúng ta nhất định phải ghi nhớ lời này, để làm bài học tiến tu. Vậy nên người thật sự tu học là biết cách tu sửa bản thân mình, không chỉ trích phê phán người khác.
Người biết lỗi mình thì tâm người đó là tâm giác ngộ, vì biết được sai mới sửa sai, đó là ta đang tu và đã tu, nếu ta thường xuyên tỉnh giác như thế, thì việc gì mà làm chẳng xong