NHÂN QUẢ QUA MỘT CÂU CHUYỆN
Chân Hiền Tâm
Nhân quả là thực lý chi phối thế giới này.
Nghĩa là …
Mọi thứ đều có nhân duyên, không có thứ gì tự nhiên mà xuất hiện, dù là ở mặt vật chất hay tinh thần.
. Nếu mình có những ý nghĩ thiện và tạo được các hành vi thiện thì mình sẽ có được những cảnh giới tốt đẹp trong đời sống của mình.
. Nếu mình có những ý tưởng xấu và chẳng may mình thực hiện được những ý tưởng đó thì quả báo khổ nạn không sao kể xiết.
Xin nghe câu chuyện mà Hòa thượng Thiện Siêu đã kể:
Một hôm nọ, vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) và hoàng hậu Mạt-lợi (Mallika) đến tịnh xá Kỳ Viên nghe Phật thuyết pháp. Vua cưỡi ngựa, còn hoàng hậu ngồi trên kiệu do 4 người Phiến-đề-la khiêng vác. Đến nơi, trong lúc vua và hoàng hậu vào nghe thuyết pháp thì 4 tên khiêng kiệu nằm chờ ở cổng tịnh xá. Trong lúc bọn chúng ngủ mê, một kẻ gian lén trộm lấy ngọc mani trên kiệu báu của hoàng hậu. Khi ấy cận vệ của hoàng hậu ra ngoài xem chừng, thấy mất ngọc Mani liền nghi 4 tên này ăn trộm, nên nổi giận lấy roi đánh tụi nó. Bị đánh đau quá, một tên bỏ chạy vào tịnh xá kêu oan làm mọi người chú ý.
Phật báo ngài A Nan:
- Người hãy ra bảo cận vệ đừng đánh oan người vô tội. Vì 4 người ấy chính là thầy đời trước của hoàng hậu.
Hoàng hậu nghe Phật nói như vậy, liền đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật:
- Bạch đức Thế Tôn ! Như lời Thế Tôn nói thì 4 người khiêng kiệu cho con chính là thầy đời trước của con. Con thật mê muội không rõ, cúi xin Thế Tôn từ bi nói rõ nhân duyên cho chúng con được biết.
Phật nói như sau:
- Trong một kiếp quá khứ, gặp lúc hạn hán, thiên tai, dân chúng đói khát, khi ấy có 5 vị Tỳ-kheo lười biếng không học giáo lý, kinh luận, không tu hành nghiêm túc nên không ai cúng dường, bị đói khát khốn khổ. 5 người bày mưu với nhau: Mỗi người đi xin, sắm được tọa cụ, tìm chỗ đồng trống quét dọn sạch sẽ, rồi làm bộ ngồi thiền nhập định để người đời trông thấy tưởng là thánh nhân, sẽ đem đồ ăn đến cúng dường. Quả nhiên đúng như vậy! Dân chúng từ từ đồn nhau tới cúng dường bậc thánh nhân.
Khi ấy có một nữ cư sĩ thuần thành tên là Đề Vi nghe tin đồn, liền sai người đi dò hư thực. Người đi dò tin về thưa rằng: “Có 5 vị thánh nhân ngồi tu trong núi, người ta đua nhau xúm lại hầu hạ cúng dường”.
Đề Vi nghe xong, trong lòng rất hoan hỷ, sai người sắm sửa hương hoa, kỹ nhạc, trăm món thức ăn đi đến chỗ 5 thầy Tỳ-kheo để cúng dường.
Đến nơi làm lễ, thiết đãi cúng dường 5 thầy Tỳ-kheo xong. Đề Vi và quyến thuộc cung kính chắp tay thưa với 5 thầy Tỳ-kheo rằng:
- Quý ngài là bậc chân tu, đức dày, phước lớn. Đệ tử muốn thỉnh quý ngài quang lâm đến bần xá, để trọn đời cúng dường hầu hạ. Nhà đệ tử có vườn cây thanh tịnh, suối ao trong mát, cúi xin quý ngài từ bi thương xót hứa khả.
Thấy bà Đề Vi và quyến thuộc thành khẩn cầu thỉnh đôi ba lần, 5 vị Tỳ-kheo nhận lời.
Đế Vi hoan hỷ từ tạ trở về, sai người chuẩn bị xe báu, đến rước 5 thầy Tỳ-kheo về nhà cúng dường. Nhà bà có vườn cây vuông vức mười mẫu, trong đó có suối trong, ao mát, nhiều hoa thơm quả lạ. Bà cho xây dựng phòng ốc bằng bảy báy, sắm đủ giường nệm và tọa cụ tốt đẹp, rồi mời 5 thầy Tỳ-kheo về ở và trọn đời cung cấp phụng sự đầy đủ.
Khi ấy, 5 thầy Tỳ-kheo được chủ nhân cúng dường hậu hỷ, khởi nghĩ rằng: “Có gì sung sướng cho bằng. Người ta sinh ra ở đời phải tìm mọi cách kiếm sống qua ngày, dù được như ý nhưng cũng không thể bằng bọn ta, chẳng nhọc thân mà lại được hưởng phước lợi, đây há chẳng phải nhờ sức trí tuệ hay sao?”
5 thầy Tỳ-kheo tuy được bà Đề Vi hết lòng trọng đãi, cúng dường đầy đủ các thứ cần dùng, nhưng lòng tham chưa thỏa, muốn kiếm thêm tiền của để sau này thọ hưởng riêng thú vui ngũ dục. Họ bàn với nhau rồi sai một người đi dạo trong làng xóm, rao nói mọi người :”4 thầy tỳ kheo kia, ở yên một chỗ vắng lặng, giữ gìn giới cấm, dứt hẵn rượu thịt, tu thiền chỉ quán, chứng nghiệp vô lậu. Chẳng bao lâu sẽ chứng quả A-la-hán, thật là bậc vô thượng phước điền trong thiên hạ”.
Nhiều người nghe thấy, đua nhau mang đến đủ thứ tiền tài ẩm thực, cung kính cúng dường… như thế nhiều năm. Còn bà Đề Vi vẫn một lòng tin kính, tiếp tục cúng dường, không chán. Sau khi chết, bà được tái sinh lên cõi trời Hóa Lạc.
Còn năm vị Tỳ-kheo kia, chuyên làm việc lừa đảo, lợi dụng lòng tốt của kẻ khác, nên sau khi mạng chung, sinh vào địa ngục tám nghìn ức kiếp chịu quả báo rất khổ. Sau khi hết tội địa ngục, phải chịu thân ngạ quỷ trải qua tám nghìn kiếp. Sau khi hết nghiệp ngạ quỷ, phải làm thân súc sinh để đền trả sự cúng dường đời trước cho chủ nhân.
Phật bảo vua Ba-tư-nặc:
- Bà Đề Vi thuở đó chính là hoàng hậu hiện nay, còn 5 thầy Tỳ-kheo, bây giờ là 5 người khiêng kiệu cho hoàng hậu.
Vua bạch Phật rằng:
- Theo như lời đức Thế Tôn nói thì có 5 người nhưng sao chỉ thấy có 4 người khiêng kiệu, còn một người nữa ở chỗ nào?
Phật bảo vua:
- Người thứ năm là người thưởng ở trong cung quét dọn cầu xí và đổ phân.
Hoàng hậu nghe xong rùng mình rởn ốc, ôm lòng kính sợ, bạch với Phật rằng:
- Thưa đức Thế Tôn! Nay con biết được họ là thầy con đời trước, lòng con rất lo sợ phạm tội. Bởi vì đối với bậc thầy của mình thì phải cung kính lễ bái mới phải. Mà nay trở lại sai khiêng kiệu không khác gì trâu ngựa. Vì nhân duyên đó nên con rất lo sợ, cúi xin Phật thương xót dạy con sám hối.
Phật bảo hoàng hậu:
- Hoàng hậu không có tội lỗi gì nên chớ kinh sợ. Chúng sinh nhiều căn tánh, hạnh nghiệp không giống nhau, làm lành thì hưởng phước, làm ác thì thọ tai ương. Hoàng hậu đời trước tâm thanh tịnh, ưa cúng dường các bậc tu hành, nhờ phước đức đó nên sinh ra mỗi kiếp thường gặp minh sư. Cho đến ngày nay, hưởng phước gặp Phật ra đời, được nghe Chánh pháp, tín thọ phụng hành, nên không có tội lỗi chi.
Sau khi nghe Phật khai thị, hoàn hậu muốn tha cho bốn tên Phiến-đề-la, không dám sai khiến nữa và cầu xin Phật thuyết pháp cho chúng hiểu đạo, bỏ ác tu thiện để mau thoát khổ.
Phật bảo hoàng hậu:
- Nay nếu muốn Ta khai hóa thì phải gọi người đổ phân trong cung lại đây luôn.
Hoàng hậu liền sai sứ đi gọi người thứ năm đến. Sứ giả vâng lệnh đi gọi, trong giây phút cả 5 người Phiến-đề-la nhóm lại đứng trước Phật.
Đức Thế Tôn từ bi hỏi thăm:
- Các ngươi thân thể có được mạnh khỏe, an ổn, vui sướng chăng?
Năm người nổi giận nói rằng:
- Chúng tôi ngày đêm cực khổ, bị đánh đập sai sử không được nghỉ ngơi, có vui sướng gì đâu, Phật há không biết hay sao mà lại hỏi các ngươi có an ổn, vui sướng chăng?
Phật bảo 5 người rằng:
- Sự khổ của các ngươi ngày nay đều do đời trước gian dối nịnh hót, đem tâm bất thiện, lường gạt người khác, để thọ hưởng cúng dường. Nghiệp tội đó đền trả đến nay còn chưa hết. Nếu muốn thoát khỏi quả báo ác thì phải hết lòng sám hối, cải dữ tu hành.
Bọn Phiến Đề La nghe Phật nói, đùng đùng nổi giận quay lưng đi, không muốn nghe nữa. Phật bèn dùng thần lực hiện ra một hóa Phật đứng trước mặt bọn chúng, dùng phương tiện khuyên bảo sám hối. Nhưng bọn chúng tức mình quay mặt về hướng Đông. Cũng thấy hóa Phật ở trước mặt. Quay về hướng Tây, cũng có hóa Phật. Quay hướng nào cũng đều có Phật đứng trước mặt. Bọn chúng bí quá la lên:
- Chúng tôi là người tệ ác. Phật không thương xót mà còn bao vây, áp đảo thêm nữa!
Khi ấy, Thế Tôn liền thâu nhiếp hóa Phật lại thành một Phật và bảo đại chúng:
- Các ngươi phải biết chúng sinh tội nghiệp có hai món chướng. Một là nghiệp chướng, hai là phiến não chướng. Người tội nhẹ thì có phiền não chướng, người tội nặng thì có nghiệp chướng. Bọn Phiến Đề La đây có đủ hai chướng. Ví tội chướng quá nặng nên không thể nghe được lời giáo hóa của Phật.
Hoàng hậu thấy Bọn Phiến Đề La không chịu nghe lời Phật giáo hóa, buồn cảm thương tâm nói với năm người rằng:
- Ta nay đã rõ nhân duyên đời trước nên tha cho các ngươi, muốn đi đâu tùy ý.
Bọn chúng quỳ gối khóc lóc thưa với Hoàng hậu:
- Muôn tâu lệnh bà, chúng tội phụng sự hầu hạ không biết có lỗi gì mà lệnh bà lại đuổi chúng tôi? Nếu có gì không vừa ý, cúi xin lệnh bà rộng lòng tha thứ, cho chúng tôi hầu hạ như trước.
Hoàng hậu khiêm nhường từ chối đôi ba lần, nhưng bọn Phiến-đề-la nhất định ở lại, không chịu đi đâu hết. Túng thế Hoàng hậu cầu cứu đến Phật:
- Thưa Thế Tôn! Con thiệt tình dung thứ cho bọn Phiến-đề-la mà chúng nhất định không chịu đi, nhất định ở lại trả nợ, vậy phải làm sao đây?
Phật bảo hoàng hậu:
- Bọn chúng trả nợ đời trước chưa hết, nhân duyên bó buộc nên không đi được. Hoàng hậu chẳng cần làm sao, cứ để chúng phụng sự như trước, đến khi nào trả hết nợ tự động chúng sẽ ra đi.
Mới thấy…
. Nếu tâm địa mình lương thiện, mình có tâm tôn trọng Phật – Pháp – Tăng thì dù mình có cúng dường nhầm người, quả báo mình nhận được vẫn tốt. Ở đây, cần phân định cho rõ: Phu nhân bị 5 người kia dùng bề ngoài lường gạt, thành Phu nhân cúng dường là cúng dường cho bậc chân tăng. Không phải thấy 5 người kia bê tha, đội lốt tăng chúng mà vì tư tình, vì được thỏa mãn cái tôi mà vẫn cúng dường. Phu nhân chỉ vì lòng tôn trọng Phật – Pháp - Tăng mà cung dưỡng. Do tâm đó mà quả báo Phu nhân nhận được vẫn tốt đẹp. Với tâm lượng sau thì quả báo không như vậy. Cho nên, trong kinh Niết-bàn Phật nói “Nến cúng dường cho người đáng cúng dường. Không cúng dường cho người không đáng cúng dường”.
. Nhân gây rồi nếu không chuyển tâm tu hành thì sẽ trả quả cho hết mới thôi. Có tha cũng không chịu buông.
. Dùng áo Như Lai để gạt gẫm chúng sinh mưu lợi, quả báo đọa địa ngục vô lượng kiếp, làm thân ngã quỉ vô lượng kiếp, rồi sau mới làm trâu làm ngựa trả cái quả ấy.
. Tâm sân hận khiến chúng sinh không thấy được lẻ phải, không nhận được điều tốt đẹp trước mắt. Dù Phật có hiện ra trước mắt cũng không thể thấy. Tâm sân hận đáng sợ như vậy. Cần cẩn thận với tâm sân hận của chính mình.
. Nghiệp của chúng sinh, nếu không tự chuyển tâm cứu mình thì dù có năng lực tu hành như Phật cũng chẳng thể cứu.
- Tag :
- Chân Hiền Tâm