Tham luận:
Hội thảo Giáo dục Phật giáo Quốc tế
Biên soạn Giáo trình Phật học song ngữ Anh – Việt
Được tổ chức tại Viện Phật Học Bồ Đề Phật Quốc
Từ ngày 7 đến 10/6/2018
Đề tài:
Vài Gợi Ý Hướng Đi Cho Một Nền Giáo Dục PGVN Tại Hoa Kỳ
Diễn giả: Thích Hạnh Tuệ
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư Tôn Đức,
Kính thưa quý Đại biểu và quý Phật tử,
Hôm nay, trong chương trình Hội thảo Giáo dục Phật giáo quốc tế - Biên soạn giáo trình Phật học song ngữ Anh – Việt được tổ chức tại Viện Phật Học Bồ Đề Phật Quốc, California, Hoa Kỳ từ ngày 7 đến 10 tháng 6 năm 2018, chúng con/tôi xin đóng góp vài gợi ý hướng đi cho một nền giáo dục Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Kính bạch quý ngài, kính thưa quý liệt vị,
Giáo dục là nền tảng để phát triển con người và xã hội. Bất cứ thời gian nào, quốc độ nào cũng cần có định hướng cho việc giáo dục. Con người nhờ sự giáo dục mà biết sống hợp với tự nhiên và thời thế. Đã hơn 40 năm qua, kể từ tháng 4 năm 1975 đến nay, người Việt đã đến các quốc gia tự do để tị nạn chính trị, đoàn tụ gia đình, hay với những lý do khác nữa ngày một đông đảo. Trong dòng người đó, họ đã mang theo tất cả những giá trị của mình tại bổn quốc để kiến tạo và duy trì ở nơi cư trú mới. Một trong những giá trị ấy là nền văn hoá tâm linh, những tín ngưỡng, phong tục, tập quán, nơi họ được sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên, sự giao thoa và xung đột giữa bản chất của 2 nền văn hoá phương Đông – nông nghiệp, cộng đồng và nền văn hoá phương Tây – công nghiệp, cá nhân đã làm cho thế hệ đầu tiên lưu trú không ít khó khăn để thích nghi và tiếp biến. Giữ gìn những cái cũ truyền thống để không bị mất gốc và hội nhập vào cái mới để không bị lẻ loi là cả một thách thức lớn.
Ngày nay, riêng tại đất nước Hoa Kỳ đã có trên 500 ngôi chùa Việt lớn nhỏ, ở hầu hết các tiểu bang nhưng tập trung nhiều nhất tại miền Nam và Bắc của California, nơi có người Việt đông đảo nhất. Bằng sự nỗ lực của tự thân, quý Chư Tôn Đức và Phật tử quản trị các tự viện cũng đã tổ chức những lớp học giáo lý, tổ chức các khoá tu học Phật pháp hay mở lớp học tiếng Việt, thành lập Gia Đình Phật tử v.v… để giữ gìn, truyền lưu nền văn hoá ngàn đời của dân tộc và duy trì sự sinh hoạt của tự viện. Tuy nhiên, tất cả sự nỗ lực đó, cũng chỉ dừng lại ở tầm vóc tự phát của một ngôi chùa, phục vụ cho một cộng đồng nhỏ hay một đạo tràng mà chưa có một định hướng mang tầm vóc lớn hơn, phổ quát hơn. Nay trong hội thảo về giáo dục này, chúng con/tôi xin được góp vài gợi ý thô thiển để góp phần khai mở một hướng đi cho con đường giáo dục Phật giáo tại đất nước Hoa Kỳ này.
Văn hoá truyền thống của những người Phật tử, thế hệ đầu tiên đến Hoa Kỳ vốn là những người có niềm tin sâu sắc với Phật giáo. Họ đã biết tin sâu nhân quả, tội phước, bố thí, cúng dường, tích tụ công đức.v.v… Nói chung, với đối tượng này không phải là đối tượng chính được hướng đến ở đây mà những người thuộc thế hệ con cháu của họ, sinh ra hoặc lớn lên trên mảnh đất này. Thế hệ đó sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính để giao tiếp và lao động. Tiếng Việt chỉ còn là thứ yếu, chỉ dùng trong gia đình khi giao tiếp với thế hệ lớn hơn.
a. Xác định đối tượng như thế để xây dựng một khung giáo trình phù hợp với lứa tuổi, giới tính và yêu cầu của họ là cần thiết.
b. Những người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng làm việc tại Hoa Kỳ. Những người này thông thạo cả 2 ngôn ngữ nên cũng là đối tượng hướng đến.
c. Đa phần thế hệ thứ 2, thứ 3 này đã phần nhiều không có niềm tin tôn giáo như cha mẹ của họ. Tất thảy những giá trị về Phật học và văn hoá Phật giáo cũng như văn hoá dân tộc phải được hướng dẫn thì họ mới có thể biết mà giữ gìn và phát huy được.
2. Mục đích
Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên đó chính là “khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến.” Khai - Thị - Ngộ - Nhập chúng nhân là mục đích mà các ngài thị hiện vào đời. Vì vậy, mục đích của con đường giáo dục Phật giáo cũng không ngoài lí do ấy và góp phần cho những con người có ý định thực thi Bồ tát hạnh được dấn thân mà phục vụ cho nhân quần xã hội.
a. Đem giáo lý giải thoát của Phật đến với mọi người hữu duyên để chuyển hoá khổ đau trong cuộc sống nội tại mà con người đang gặp phải.
b. Củng cố niềm tin vào Phật pháp cho những người có truyền thống Phật giáo trong gia đình nhưng bị cải đạo theo diện vợ chồng hoặc vì đời sống như là vì nhà thờ bảo lãnh rồi theo Đạo Chúa v.v…
c. Cần duy trì sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc một cách nhuần nhuyễn để không bị mất gốc.
d. Tiếp thu và thay đổi những tư tưởng của xã hội này để lồng vào đó tư tưởng của Phật giáo nhằm làm cho người mới tiếp cận Đạo Phật mà không vị dị ứng. Cần tạo nên một vùng đệm giữa văn hoá Phật giáo và văn hoá đời thường mà họ đã quen thuộc.
e. Khuyến khích sự dấn thân để xây dựng gia đình và xã hội trên tinh thần yêu thương sự sống và hoà bình cho nhân loại.
3. Nội dung giáo trình
Nội dung của sự giáo dục Phật giáo được thể hiện cụ thể qua giáo trình. Giáo trình được biên soạn theo mục đích và chiều hướng nào thì người tiếp cận sẽ nghiêng theo mục đích và chiều hướng đó. Vì vậy, cần có những người am hiểu nhiều lĩnh vực và có tâm đạo phụng hiến cũng như am hiểu sâu sắc Phật học mới có thể biên soạn được.
a. Cấp độ của giáo trình được phân chia từ thấp lên cao để phù hợp với lứa tuổi và độ khó của nội dung Phật học.
b. Thể hiện được tính thực dụng trong nội dung học Phật pháp. Người học có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống để thấy được sự lợi lạc. Đây cũng là điều là mà đối tượng đã huân tập trong môi trường sống, đó là chủ nghĩa cá nhân thực dụng.
c. Pháp hành được đề cao để giúp người học tiếp cận mà chuyển hoá tự thân.
d. Nội dung giáo trình cần tránh tối đa sự phân hoá, chia rẻ liên quan đến các hệ thống tổ chức như: chính trị, xã hội, đảng phái, tông môn pháp phái.v.v…
4. Lợi ích của người tham gia
Lợi ích bao giờ cũng là yếu tố cốt cõi của bất kỳ một sự tham gia nào. Nếu người tham gia học hành không thấy được lợi ích của họ thì họ sẽ bỏ cuộc không sớm thì muộn. Vậy những người tạo ra chương trình cần phải đặt lên trên tất cả đó là lợi ích của người tham gia theo học. Khi người tham gia thấy được lợi ích của mình thiết thực thì họ sẽ tự nguyện theo học.
a. Rốt ráo sau cùng của giá trị giáo dục Phật giáo và xây dựng một con người có đủ yếu tố để vượt thoát khổ đau ngay đời này và vô tận kiếp tái sinh cho đến cuối cùng đạt thành quả vị Phật.
b. Chú ý đến đầu ra của chương trình đào tạo. Người tham gia học xong một khoá nào đó có thể sử dụng bằng cấp, hay tín chỉ kết thúc khóa đã học này cho việc gì. Điều này yêu cầu hệ thống trường lớp phải đi thẳng được vào hệ thống giáo dục của tiểu bang hay quốc gia sở tại để có thể hợp thức hoá được giá trị của chương trình đạo tạo. (Đó là vấn đề lý tưởng.)
c. Lợi ích của người tham gia này có được công nhận rộng rãi đến mức độ nào.
5. Môi trường học tập
Ngày xưa, mẹ của Mạnh Tử đã ba lần dọn nhà để tránh cho con gặp môi trường xấu mà bị ảnh hưởng. Như vậy: “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hay “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là điều cần được coi trọng trong khâu tổ chức trường trại.
a. Cơ sở vật chất từ bàn ghế đến những phương tiện giảng dạy cần phải đủ độ hấp dẫn người học. Tổ chức trường học mà quá thô sơ trên đất nước này thì sẽ không phù hợp với những con người ở đây. Vì trên căn bản, những người trong xã hội văn minh đây đã sở hữu nền vật chất tương đối khá.
b. Đầy đủ giáo trình cho các môn học.
c. Không gian sinh hoạt khác như: Thư viện, phòng ăn, phòng sinh hoạt nhóm.v.v… cho đến các khâu vệ sinh cũng được chú ý đầu tư.
d. Phòng học cần trang trí như thế nào để thể hiện tinh thần Phật pháp và những yếu tố khác như: ánh sánh, nhiệt độ, tiếng ồn.v.v… cũng ảnh hưởng đến sự truyền dạy của giáo thọ và tiếp nhận của học viên.
Trên đây là đôi điều đóng góp cho hội thảo hôm nay. Tất nhiên, những điều này mang tính chất hết sức chủ quan của bản thân chúng con/tôi nhưng tất cả không ngoài một tấm lòng chung tay cho Phật pháp hôm nay và mai sau.
Kính mong Chư Tôn Đức, quý Đại biểu và quý Phật tử thức giả hoan hỷ và góp ý cho.
Kính chúc quý ngài và chư liệt vị gặt hái được nhiều thành tựu trong những ngày hội thảo.
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát
San Diego, ngày 17 tháng 5 năm 2018
Thích Hạnh Tuệ
- Tag :
- Thích Hạnh Tuệ