Tàn sát, giết hại là một tập khí cố hữu của mọi chúng sinh. Riêng trong loài người, con người không chỉ giết hại loài vật mà còn tổn hại lẫn nhau. Do vì tà kiến nên không ít người hại vật để cúng tế thần linh. Vì cung phụng thân này nên sát sinh để làm thực phẩm. Do vì tham chấp, sân hận, oán thù nên người ta tàn hại lẫn nhau.
Thậm chí có người do vì giải trí mà gây nên nghiệp sát. Ngoài ra, không ít người vì sự mưu sinh mà tạo ra ác nghiệp giết hại. Bởi sát nghiệp nặng nề như thế nên tranh chấp, xung đột, khủng bố, chiến tranh luôn xảy ra ở khắp mọi nơi.
Câu chuyện Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nhìn thấy mộtchúng sinh chịu quả báo nặng nề đang đi giữa hư không đã được Đức Phật xác chứng, đồng thời Ngài cũng chỉ rõ nghiệp nhân do làm nghề đánh cá trong thời quá khứ. Chỉ sát hại chúng sinh thôi mà quả báo đã nặng nề dường ấy huống chi là giết người, nhất là giết người hàng loạt, giết cả người thân.
“Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên giữa đường thấy một chúng sinh lấy cái lưới đồng hoặc sắt tự quấn vào thân mình, lửa thường cháy đỏ trở lại đốt thân người đó, đau đớn tận xương tủy, đi giữa hư không... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:
Chúng sinh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, làm người bắt cá. Vì tội này nên đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.
Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là chân thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
Như người bắt cá, cũng vậy bắt chim, lưới thỏ lại cũng như vậy”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 519)
Rõ ràng, nếu giết hại chúng sinh quá nhiều thì chịu quả báo nặng nề. Người đánh cá kia sau khi chịu khổ trong địa ngục nhiều kiếp, dư báo còn tái sinh làm một “chúng sinh lấy cái lưới đồng hoặc sắt tự quấn vào thân mình, lửa thường cháy đỏ trở lại đốt thân người đó, đau đớn tận xương tủy, đi giữa hư không”. Không chỉ người đánh cá, những người “bắt chim, lưới thỏ lại cũng như vậy”.
Vì thế người đệ tử Phật luôn tâm nguyện và thực hành không giết hại chúng sinh. Chẳng những không giết hại mà còn phóng sinh, tích cực bảo vệ sự sống và môi trường xanh sạch. Dĩ nhiên, trong thực tiễn cuộc sống hạnh lành này rất khó thực hiện một cách vẹn toàn. Việc đầu tiên, để tránh quả báo xấu địa ngục, người đệ tử Phật nguyện không nghĩ và không làm những việc tổn hại đến mạng sống con người. Kế đến là không giết hại những loài sinh vật to lớn như trâu bò heo gà chó mèo v.v… Riêng với loài sâu kiến côn trùng nhỏ nhít vì vô tình khiến chúng tổn hại cần phải thành tâm sám hối.
- Tag :
- Quảng Tánh