CHÚ CÁ PHÓNG SANH
- A! Chú Cá phóng sanh trở về rồi kìa. Bà con ơi.
Cư dân thủy tộc vẫn quen gọi vậy sau mỗi chuyến du hành hồi hương của chú cá nhỏ. Nói du hành cho oai chứ thật ra chú cùng đám bạn của mình mải vui chơi nên dễ dàng chui lọt vào những cái bẫy do con người giăng ra. Chú cá được phóng sanh bình yên trở về đã trở thành câu chuyện tán gẫu của cả dòng họ nhà cá. Bởi lẽ đâu chỉ có một lần.
Khi vừa mở mắt chào đời, chú cá đã choáng ngợp trong thế giới đầy màu sắc lạ lẫm quanh mình. Bản tánh hiếu động lại thích khám phá nên cá bơi lội tung tăng khắp nơi, hết trồi lên rồi lặn xuống đáy sâu để ngắm nghía mấy tảng đá bám đầy rong rêu phía dưới. Rồi một ngày, chú nhận thấy cái miệng mở to của một anh cá lớn đang chực chờ ăn tươi nuốt sống lấy đồng loại tí hon. Ngay lập tức chú cá bơi trở lên mặt nước và bắt đầu nhận thức mối hiểm nguy luôn rình rập chứ không hề êm ả bình yên như mình nghĩ.
Sau lần trải nghiệm đáng nhớ ấy… tiểu Ngư nhà ta chỉ dám kiếm ăn các loài thảo mộc rong rêu gần trên mặt nước. Nơi đây có vẻ an toàn hơn với không gian trải rộng trên cao. Bơi giữa làn nước mát lạnh, chú tha hồ hít thở rồi thỉnh thoảng ngước nhìn đám lục bình dập dìu qua lại. Ngày qua ngày chú học được nhiều kinh nghiệm để sinh tồn. Nhưng cuộc sống vốn ẩn chứa nhiều sự bất trắc mà bản thân cá dù tinh đời vẫn không thể lường hết được.
Một buổi sáng trời nắng ấm, không khí trong lành, đang tha thẩn bơi thì chú cá thấy mình bị hất tung lên, bay ra khỏi mặt nước rồi rơi tỏm vào một nơi nào đó. Cảm giác có điều bất thường, sau vài giây định thần, cá thấy xung quanh có rất nhiều đồng loại cá tôm đang vùng vẫy tuyệt vọng trong chậu nước bé xíu. Vừa thoát cảnh cá lớn ăn cá bé chú lại bị rơi vào cạm bẫy giăng bắt của con người. Rốt cuộc chú đã hiểu ra vấn đề. Bản thân các loài động vật sớm muộn cũng sẽ trở thành miếng mồi ngon phục vụ nhu cầu ăn uống vô tận cho cả bàn dân thiên hạ.
… Ngày rằm, Phật tử mua cá đem đến chùa nhờ quý sư tụng kinh chú nguyện cho chúng. Sau đó những thùng xô chứa đầy tôm cá lại mang thả trên sông gọi là phóng sanh làm phước. Được tự do, đàn cá gặp nước vui mừng quẩy đạp tung tóe nhưng chỉ trong chốc lát… tất cả đã bị lùa bắt trở lại bởi những kẻ cơ hội luôn đợi chờ quanh đó. Đàn cá bị mua bán nhiều lần đến nỗi mù mờ quên mất phương hướng nên rất ít trong số đó được sống sót quay trở về. Dù vậy, những chúng sanh mang nghiệp chướng nặng nề cũng có vài lần được quý thầy quy y sám hối và chú nguyện cầu vãng sanh. Thế nên khi xả bỏ thân cá chắc chắn chúng sẽ được thác sanh về một nơi nào đó thật an lành thiện lạc.
Chú cá nhà ta nhờ may mắn nên dù trải qua nhiều lần bị đánh bắt vẫn thoát được một cách bình an vô sự. Mỗi lần được phóng sanh là chú lại tìm về quê xưa, kể cho cả gia tộc nhà cá nghe về những lần thoát chết, những bài kinh lời chú mà cá đã nghe quý thầy đọc tụng bao lần đến cả thuộc lòng. Vậy nhưng đa số bọn họ lại không tin, còn cho rằng chú cá nhỏ đi xa về rồi ba hoa khoác lác những chuyện trên trời dưới đất. Không chỉ vậy, chú lại nhận được lời khuyến cáo rất nghiêm túc của các bậc cha chú:
- Mày đừng nghĩ sẽ còn cơ hội may mắn lần sao đâu nhé. Cả bầy cá bị phóng sanh có được mấy con quay về. Rong ruổi cho nhiều thì trước sau bản thân cũng nằm trên dao thớt nhà người ta thôi. Còn nữa, với bộ vảy màu sáng của mầy sẽ thu hút mấy tay chuyên chơi cá cảnh tìm bắt. Phải liệu mà tránh xa những nơi nguy hiểm đó.
***
Tuấn Anh đi học về, chào bà nội và bố mẹ xong liền đi nhanh lên lầu. Hiếu Nhi chạy theo anh ríu rít hỏi:
- Anh Hai! Hôm nay có mua quà cho Nhi không?
Tuấn Anh mở cửa phòng rồi quay nhìn em gái:
- Mua quà gì chứ?
- Thì anh Hai hứa hồi tối đó. Quên rồi sao?
- À! Nhớ, nhưng để bữa nào đi. Hôm nay anh hết tiền rồi.
Nhìn thấy vẻ mặt ngơ ngác của cô em, anh Hai vội nói nhanh:
- Là thế này… anh Hai vừa mua con cá cảnh đẹp lắm. Vẫn còn ít tiền nhưng lát nữa phải mua thức ăn cho cá.
- Anh Hai lại nuôi cá hả?
Tuấn Anh đưa tay bụm miệng em:- Nói khẻ chứ. Bà nội, bố mẹ mà biết là anh bị rầy đó.
Tuấn Anh lấy trong cặp ra một lọ thủy tinh đặt lên bàn. Chú cá của chúng ta đang ở trong đó. Chú ve vảy đuôi rồi lắng nghe tiếp câu chuyện của hai anh em.
- Ồ… Con cá đẹp quá- Hiếu Nhi lên tiếng: - mà anh Hai mua ở đâu vậy?
- Của mấy người chuyên bắt cá phóng sanh. Họ quăng lưới vây cả đàn cá người ta vừa thả xuống sông. Anh thấy con cá này có vảy màu vàng sáng đẹp nên hỏi mua. Nó thuộc loại cá cảnh mà.
Hiếu Nhi ngắm chú cá hồi lâu rồi trầm giọng nói:
- Hồi ông nội mình còn sống cũng nuôi cá cảnh, nhiều con còn đẹp hơn nữa kìa. Sau khi ông qua đời, bà nội đem phóng sanh hết cá vào ao nhà chùa và không cho ba nuôi tiếp. Bà bảo nuôi cá là chúng ta tạo nghiệp giam giữ sự tự do của nó. Nuôi không khéo, nó chết là mình mang tội sát sanh đó. Bà nội mà thấy con cá này, chắc chắn sẽ bảo anh thả ra ngay.
- Ừ! Nhưng nếu bé Nhi không mách lẻo thì làm sao bà biết được.
Hiếu Nhi trề môi:- Nhi không mách lẻo thì sớm muộn bà cũng biết thôi. Anh Hai tưởng giấu mãi được à. Thôi thì thế này. Anh Hai cho Nhi con cá này đi, coi như món quà anh hứa tặng hôm qua.
Tuấn Anh tròn mắt:- Nhi nuôi hả? Cá sẽ chết nhanh hơn đấy.
Hiếu Nhi lắc đầu:- Nhi đem thả nó vào hồ sen ở chùa. Tuần tới giỗ ông nội rồi. Nhà mình ăn chay cả tháng nay để cầu siêu cho ông. Bà nội còn mua chim cá phóng sanh, thế mà anh Hai lại đi sát sanh…
Tuấn Anh quát nhẹ:- Nuôi cá mà cho là sát sanh à. Thôi đừng lải nhải nữa cô bé. Cứ để mặc anh.
Được di truyền từ người ông quá cố nên Tuấn Anh tỏ ra khá thành thạo trong việc chăm nuôi cá cảnh. Có điều chú cá vàng chỉ có bộ vảy bên ngoài là ra dáng quý phái thôi chứ bản chất thật của chú thuộc loại đồng nội quê mùa. Cá đã quen sống nơi hồ ao sông suối, ăn các loại thảo mộc thiên nhiên, thích ngắm nhìn cây cỏ dọc theo con nước mênh mông. Nay phải chịu cảnh giam cầm lại bắt ăn các loại thực phẩm chế biến thì làm sao nuốt nổi. May mà có mấy cọng rong tươi để cá nhấm nháp duy trì mạng sống nhỏ nhoi của mình.
Buổi chiều đi học về Hiếu Nhi lại lên phòng anh Hai để xem chú cá còn sống không. Tuấn Anh cầm gói thức ăn đọc đi đọc lại mấy dòng chữ trên đó rồi băn khoăn nói:
- Thức ăn dành cho cá cảnh còn hạn sử dụng mà sao con cá này lại không chịu ăn. Cả ngày thức ăn vẫn còn nguyên, chỉ có mấy cọng rong là vơi đi thôi.
Hiếu Nhi nhìn vào chậu cá rồi nói:
- Thực ăn công nghệ người ta chế biến hỗn hợp từ đầu tôm đầu tép đến giun đất giun chỉ gì đó, cá không ăn là phải rồi. Loại cá này chỉ ăn các loại thực vật thôi, như người ta ăn chay vậy đó.
- Cá mà cũng ăn chay ăn mặn nữa hả nhỏ ?
- Có đấy. Để Nhi thử cho anh Hai coi nha.
Nói xong cô bé chạy biến ra khỏi phòng. Lát sau mang vào mẩu bánh mì khô. Hiếu Nhi bẻ từng miếng nhỏ cho vào chậu. Chú cá thấy mồi liền bơi lên đớp nhanh. Cô bé hồ hởi:
- Anh Hai thấy chưa? Cá nuôi ở chùa quý thầy cũng cho ăn cơm nguội và bánh mì khô. Vậy mà chúng khỏe mạnh lại chung sống rất vô tư vui vẻ.
Tuấn Anh phì cười:- Tại nó đang đói thấy mồi là đớp ngay thôi. Mà bé Nhi làm chuyên gia khảo sát cá hồi nào vậy, hiểu rõ cả tâm lý vui buồn của chúng.
- Hiếu Nhi hay theo bà nội đi chùa tụng kinh vào chiều chủ nhật. Lúc này quý thầy đang cho cá ăn. Khi nghe đánh tiếng kẻng là cả một đàn cá nổi lên đầy cả hồ sen, lớn có nhỏ có. Được quý thầy huấn luyện theo khuôn phép nhà chùa nên chúng ăn rất trật tự chứ không chen lấn giành giật. Ăn xong cả đàn cùng bơi dạo quanh hồ sen trông rất đẹp mắt. Cá nuôi ở chùa cho ăn đầy đủ, lại không sợ con người đánh bắt ăn thịt, cũng không có chuyện cá lớn hiếp cá bé. Đời sống như vậy mà không an lạc hạnh phúc là gì.
- Nhà chùa có nuôi cá sao? Người ngoài có đến thả câu đánh bắt không?
- Chùa có ao sen. Cá do Phật tử mang đến phóng sanh rồi thả vào đấy, lâu ngày thành ra nhiều đến chật cả ao. Quý thầy phải vớt đem thả dọc mấy con kênh trong thành phố. Cá trên kênh phần nhiều cũng là cá phóng sanh và chính quyền cũng nghiêm cấm việc đánh bắt để bảo vệ đàn cá cũng là bảo vệ môi trường chung. Cá chùa nuôi không ai dám bắt ăn vì sợ mang tội. Chúng được cảm hóa nên có tánh linh như con người vậy, biết nghe kiểng lệnh, lúc quý thầy tụng niệm, chúng đồng loạt nổi lên để nghe kinh nữa đấy.
- Hay quá nhỉ. Hôm nào anh sẽ lên chùa để tận kiến đàn cá này mới được. Nhiều lần đi chùa, có nghe nói nhưng chưa từng chiêm ngưỡng…
- Vậy chiều nay đi. Tuần tới giỗ ông nội rồi. Mấy hôm nay bà nội, ba mẹ cùng lên chùa tụng kinh cầu siêu độ cho ông.
- Chiều nay à… Ừ thì đi.
… Cuối cùng chú cá nhà mình cũng tìm được một bến đổ an lành. Vẫn trong dòng sanh tử lưu chuyển, nhưng dòng chuyển lưu đã trở nên thông thoáng nhẹ nhàng. Vẫn mang thân cá nhiều hệ lụy, nhưng việc đến đi đã thong dong tự tại hơn nhiều. Trong ao sen nhà chùa… hội tụ những đàn cá phóng sanh nhiều thế hệ đang chung sống hòa bình thân thiện. Trong môi trường tỏa đầy hương sen và lòng người trải rộng, dòng chuyển lưu của chú cá đã thật sự bước sang một trang đời mới.
Những buổi chiều… không gian yên ắng, chú cá lại bơi dạo quanh hồ, lắng nghe từng bước chân qua lại của khách hành hương viếng cửa chùa.
- Anh Hai lại đây xem. Con Cá vàng của mình đang bơi kìa. Quý thầy bảo con cá này có Phật tánh sâu dày. Mà những con cá được thả ở đây đều như vậy cả, chắc chắn khi hết làm thân cá chúng sẽ sanh lên cõi người hoặc xa hơn là thế giới Cực Lạc. Đó là một nơi cực vui, không có cảnh chiến tranh chém giết hận thù như cõi Ta Bà này đâu. Nơi ấy cũng có vườn cây đầy tiếng chim hót, có hồ sen để các loài cá có thiện duyên sanh về. Trong thế giới Cực Lạc không chỉ cá biết nghe kinh mà chim cũng biết nói pháp nữa đấy.
Tuấn Anh bật cười:- Em gái thuyết pháp nghe hay lắm, có vẻ đã thâm nhập kinh điển nhiều rồi.
Nhìn đàn cá bơi lội dưới ao, Tuấn Anh cũng nghe lòng lâng lâng niềm vui thích ngưỡng mộ. Ở đây cảnh trí không gian thật tuyệt vời, nhất là được ngắm nhìn đàn cá ung dung bơi lội trong hồ sen, cảm giác như mình đang bước vào một thế giới an lành thánh thiện không chút vẩn đục đời thường.
Dòng sông đời trôi qua muôn nẻo… vẫn có một nơi nào đó để muôn thú quay về, cùng chung sống chan hòa trong ánh đạo từ bi bất diệt./.
- Tag :
- Lam Khê