VÀO NHÀ ĐẠO CÓ NÊN TÍNH THEO ĐỜI?
Quảng Tánh –Nhiên Như
HỎI: Tôi là Phật tử, được biết có một số người cũng thường đi chùa, lễ Phật nhưng không quy y Tam bảo. Tôi có hỏi lý do thì họ bảo rằng sẵn sàngquy y Phật, quy y Pháp nhưng khôngquy y Tăng. Sở dĩ họ không quy y Tănglà vì các vị Tăng Ni đa phần tuổi nhỏ hơn họ mà quy y rồi thì phải gọi bằng thầy, rồi tự xưng là con, theo họ điều này là không hợp lý. Xin hỏi quý Báo rằng trong giáo luật của Đức Phậtcó quy định là Phật tử thì phải xưng con với thầy (Tăng, Ni) dù họ nhỏ tuổi hơn rất nhiều? (Nguyên Đức, ldthuy@yahoo.com).
ĐÁP: Bạn Nguyên Đức thân mến!
Lệ thường, nước có phép nước, gia có gia quy, cũng vậy trong đạo có giới luật và những phép tắc của đạo. Đối với đạo Phật, ba ngôi Tam bảo rất quý báu, hiếm có khó gặp ở thế gian nên người con Phật (chư Tăng, Ni, Phật tử nói chung) phải kính lễ, tôn thờ.
Dĩ nhiên ai cũng thâm tín vào Phật bảo, hầu hết đều tin sâu Pháp bảo. Riêng Tăng bảo thì không phải ai cũng hiểu rõ để phát khởi đức tin trọn đời quy ngưỡng, cung kính, đảnh lễ, hộ trì.
Ở đời thì tính theo tuổi đời mà sắp xếp ngôi vị thứ bậc, “kính lão đắc thọ”. Trong nhà đạo thì thiên trọng về cái đức (tuổi và tài xếp sau đức), nên dù vẫn tôn kính các bậc cao niên nhưng vì cái đứctu học đạo của các vị ít hơn, không bằng người xuất gia nên vị trí của họ trong đạo cũng thấp hơn.
Tăng bảo có hai hạng thánh Tăng và phàm Tăng, thực tiễn ngày nay đa số là phàm Tăng. Trong hàng phàm Tăng, cái đức của Tăng bảo (Tăng, Ni) chính là sự tu tập giới-định-tuệ, sống trongThánh đạo nhằm hướng đến các Thánh quả, sự phát thệ nguyện hy sinh tất cả, an bần thủ đạo đểphụng sự chúng sinh.
Chính cái đức này người đời không làm được, cho dù là bậc cao niên trưởng thượng vẫn khó làm được. Vì không làm được cái đức cao vời thoát tục ấy nên hàng Phật tử tại gia phải quy ngưỡng,cung kính, đảnh lễ, hộ trì Tăng bảo. Tăng bảo nhờ huân tu giới đức nên họ là phước điền vô thượng, nhờ sự quy ngưỡng, cung kính, đảnh lễ, hộ trì chư Tăng (Ni) mà hàng Phật tử được thành tựu vô lượng phước đức.
Mặt khác, không chỉ trong hiện đời sinh ra là được làm Tăng (Ni) mà nhiều kiếp về trước họ đã tu hành, tích công bồi đức sâu dày nên đời này hội đủ duyên lành để sớm được xuất gia. Hình thứcbên ngoài Tăng (Ni) có thể là tuổi trẻ đầu xanh, tuổi tác chỉ đáng hàng con cháu nhưng đức hạnhbên trong thì cao vời nhờ đã huân tu nhiều kiếp.
Giáo luật của Đức Phật có quy định rất rõ ràng, cụ thể về vấn đề này. Một người xuất gia thọ Đại giới, sống Phạm hạnh thanh tịnh, dự vào hàng Tăng bảo tuy chưa chứng đắc các Thánh quả vẫn xứng đáng là thầy của trời người. Hàng Phật tử cung kính Tăng bảo là bậc thầy khai đạo để cầu học pháp, hộ trì chư Tăng để tạo phước duyên.
Vì thế, hàng Phật tử tại gia vì “kính Phật nên trọng Tăng”, vì ái kính giới đức tu hành và đại nguyệnphụng hiến của chư Tăng (Ni) nên phát tâm quy ngưỡng, tôn vinh làm thầy. Chư vị Tăng (Ni) giới đức tinh nghiêm, phạm hạnh đầy đủ, họ xứng đáng làm thầy của hàng Phật tử tại gia. Ngày xưatrong chế độ phong kiến, hàng vua chúa là thiên tử cũng không ít vị kính lễ các bậc cao tăng, tôn làm quốc sư huống gì người thường như chúng ta.
Có điều, chư vị xuất gia cũng phải nhìn lại mình, xem mình có đủ đức độ để tự xưng thầy với hàngcư sĩ hay không, nhất là những vị cao niên tuổi đáng bậc cha chú của mình? Trong cách xưng hôhàng ngày, những vị xuất gia tu đức khiêm cung vẫn tự xưng mình là thầy (cô) nhưng đối xưng thì vẫn gọi ông (bà, cô, bác,… anh, chị, em) chứ không gọi con, trừ những Phật tử hiểu đạo, thuần thành. Thiết nghĩ, đây cũng là phương tiện tùy duyên ứng xử nhẹ nhàng, nhuần nhuyễn cho cả đạo và đời.
Chúc bạn tinh tấn!