Phật Tử Tây Ban Nha
Nguyên Giác
Tây Ban Nha là nơi rất vắng Phật Tử, vì là quốc gia truyền thống có đại đa số dân theo Thiên Chúa Giáo. Trong hơn 500 năm, từ trước khi Tây Ban Nha thống nhất năm 1492, Công giáo đã đóng vai hình thành căn cước quốc gia Tây Ban Nha. Hiện nay, ngay cả khi cách mạng thông tin đã bùng nổ, thế giới đã trở thành ngôi làng toàn cầu hóa, Phật Tử tại Tây Ban Nha vẫn là một thiểu số rất nhỏ.
Các đội quân thực dân và các đoàn truyền giáo từ Tây Ban Nha đã đưa Công giáo lan xa toàn cầu. Ngay cả các anh em cùng họ với Công giáo – như Do Thái Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo – có thống kê nói là cũng chưa tới 5% dân số. Do vậy, Phật giáo vào được Tây Ban Nha rất trễ và rất chậm. Một lý do Phật giáo vào Tây Ban Nha chậm cũng vì tiến trình dịch Kinh Tạng Pali sang tiếng Tây Ban Nha chậm.
Dù các thống kê không thống nhất với nhau, nhưng vẫn cho chúng ta hình dung được một tổng thế. Tính trong năm 2018, thống kê chính thức từ Spanish Center for Sociological Research ghi rằng tổng dân số Tây Ban Nha là 46,659,302 người, trong đó 68.5% dân số tự nhận là Công giáo, 26.4% tự nhận có lập trường vô thần hay bất khả tri, 2.6% tự nhận theo các tôn giáo khác. Dù vậy, khoa học đang thay đổi suy nghĩ của người dân, chủ yếu là giới trẻ. Trong các giáo dân, có 59% nói họ gần như không bao giờ tham dự buổi lễ tôn giáo nào, 16.3% mói có tham dự một hay nhiều hơn nghi lễ tôn giáo mỗi tuần.
Tạp chí Buddhistdoor Global trong ấn bản 27/1/2018, với bài viết “Growing Pains, Budding Flowers: The Hispanic Association of Buddhism” (Hội Phật giáo Cho Người Dùng Tiếng Tây Ban Nha: Khổ Đau Tăng Thịnh, Hoa Nở Nhiều Hơn) của phóng viên Raymond Lam, chiếu rọi một số hình ảnh về cộng đồng Phật tử này. Sau đây là các nét chính trong bài viết này.
Phóng viên Raymond Lam gặp Ricardo Guerrero hồi tháng 7/2017, trong một hội nghị giữa các Phật tử và những người trong dòng tu Carmelite (của Công giáo) tại thành phố Avila, Tây Ban Nha. Đó là một hội nghị khác thường: chỉ vài Phật tử có nhiều kiến thức về dòng tu Carmelite của Thánh Nữ Teresa, và Tây Ban Nha trước giờ lại ít có cơ hội tiếp cận với Phật giáo. Những người tham dự hội nghị không có ý định truyền giáo cho nhau, chỉ có ước muốn đối thoại liên tôn chân thực, theo lời mời gọi của .Đức Giáo Hoàng Francis.
Ricardo sinh năm 1964, được nuôi dạy trong môi trường Công giáo. Y hệt như nhiều giới trẻ tại Tây Ban Nha, anh tìm được các câu trả lời cho các thắc mắc của anh về tôn giáo nơi quê hương anh. Ricardo nói: “Nhiều người Tây Ban Nha nhìn Công giáo như rất gần với quyền lực. Giáo hội Công giáo Tây Ban Nha đồng lõa với chế độ Phát xít cho tới năm 1979 và sụp đổ sau cái chết của lãnh tụ Franco. Đối với chúng tôi, Giáo hội trong truyền thống là thỏa hiệp.”
Thống kê có vẻ phù hợp với nhận định của Ricardo: tại Tây Ban Nha, chỉ còn chưa tới 50% dân số tự nhận là Công giáo, trong khi 18% tự xem như giáo dân thực hiện các lời dạy Công giáo. Thế là giảm rất nhiều, vì mới vài thế kỷ trước, quốc gia này rao giảng Công giáo khắp thế giới xuyên qua chủ nghĩa thực dân, và giúp phủ toàn bộ hình ảnh Công giáo lên Châu Mỹ Latin.
Đối với Ricardo, anh rời Công giáo năm 18 tuổi. Và năm 2000, khi tới Sri Lanka, nơi anh gặp một vị sư, người trở thành vị thầy của anh – Đại sư Nandisena, một nhà sư sinh ở Argentina, người xuất gia năm 1991 tại tu viện Taungpulu Kaba Aye Monastery, ở Boulder Creek, California, tu học dưới hướng dẫn của Đại sư Silananda.
Đó cũng là lần đầu tiên Ricardo bước vào một xã hội nơi có đa số dân theo Phật giáo, và anh thấy bầu không khí của Colombo (thủ đô Sri Lanka) hoan hỷ thân thiết hơn là ở Madrid (thủ đô Tây Ban Nha). Đặc biệt, anh nhớ, rất nhiều những nụ cười từ những người anh không hề quen trên đường phố Colombo. Sau khi đọc về Phật pháp và trở thành một người thực tập giáo pháp, anh thêm tự tin rằng đây là con đường chính đáng cho anh.
Cùng với Đại sư Nandisena, Ricardo thành lập hội Asociacion Hispana de Buddhismo (Hispanic Association of Buddhism -- Hội Phật giáo Cho Người Dùng Tiếng Tây Ban Nha) năm 2012, với mục đích truyền bá Phật giáo tại Nam Mỹ. Với đa số cư dân Nam Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha, Ricardo chọn dùng chữ “Hispanic” (người nói tiếng Tây Ban Nha) cho hội của anh, thay vì đơn giản là “Spanish” (người Tây Ban Nha). Cũng nên ghi nhận rằng Phật giáo đã hiện diện ở Nam Mỹ Châu từ đầu các năm 1900s, và xưa cổ hơn Phật giáo tại Tây Ban Nha, nơi tôn giáo phương Đông này chỉ mới khởi đầu sau khi chế độ phát xít của Franco sụp đổ.
Không mang tính bộ phái, tập trung của hội là dịch Kinh Tạng Pali sang tiếng Tây Ban Nha, mặc dù nhiều bài viết và sách từ các vị thầy khác nhau cũng được dịch ra. Hội cũng có các lớp thiền tập, các lớp về tư tưởng Phật học (mỗi năm có thể tới 40 buổi) và dạy Thiền chánh niệm.
Ricardo nói: “Xuất bản và dịch thuật là ưu tiên của chúng tôi. Tôi đã dịch các công trình của Bhikkhu Bodhi, Đại sư Dhammasami, và Hòa thượng Shi Da Yuan. Nếu không có các bản dịch để chúng tôi có thể cầm lên đọc, chúng tôi sẽ không có hy vọng nào truyền bá Phật giáo.” Anh giải thích rằng Tạng Pali là chủ yếu cho người nói tiếng Tây Ban Nha hiểu được các giáo lý nền tảng nhà Phật.
Ricardo nói, anh mô phỏng theo phương cách Phật giáo được truyền bá tại Hoa Kỳ, nơi nhiều truyền thống Phật giáo truyền dạy. Đó là trung tâm của “Phật giáo Phương Tây” – một tinh thần độc đáo và đa dạng, thích hợp với xã hội, văn hóa, quan tâm và ưu tiên của người dân Hoa Kỳ. Anh cảm thấy người nói tiếng Tây Ban Nha cần hướng về một tinh thần tương tự.
Anh nói: “Chúng tôi thiếu kinh điển trong tiếng Tây Ban Nha, thiếu tác phẩm từ các học giả Phật giáo trong ngôn ngữ này. Tây Ban Nha chưa bao giờ quan hệ chân thực với Châu Á, chỉ trừ với Philippines, cho nên cực kỳ khó để có sẵn tài liệu tiếng Tây Ban Nha.”
Hội đặt trụ sở ở Madrid và mở cửa đón nhận mọi người quan tâm. Ricardo nói rằng hiện đã có một cộng đồng Phật tử tại Madrid, và đang có thêm nhiều người đang tìm tới Phật giáo để tìm câu trả lời họ không thể tìm trong Công giáo. Năm 2011, Đại sư Nandisena giúp thiết lập viện Instituto de Estudios Buddhistas Hispano (Hispanic Institute of Buddhist Studies – Viện Nghiên Cứu Phật Học Bằng Tiếng Tây Ban Nha), hoạt động dưới cái dù của hội. Viện cấp các văn bằng Phật học, và học viên có thể tham dự các lớp qua mạng trực tuyến.
Bất kể nhiều thành quả của hội, tiến trình chỉ dần dần và thường là chậm. Ricardo từng muốn thiết lập một ngôi chùa ở Madrid với sự giúp đỡ từ cộng đồng 180,000 người gốc Trung Hoa. Nhưng rồi anh không kiếm đủ tài chánh, và phải bỏ ý định đó. Anh cũng nhìn nhận rằng ý nghĩ thiết lập một ngôi chùa mang tính độc đáo trong văn hóa của người dùng tiếng Tây Ban Nha sẽ không luôn luôn phù hợp với quan điểm mỹ học từ những người có thể hỗ trợ, nhiều người trong đó mang theo di sản Châu Á.
Anh nói: “Chúng tôi không muốn mở ra một kiểu ngôi chùa ‘sắc tộc’ thường thấy ở các thành phố khác – trong khi chúng tôi đón nhận hoan hỷ nhiều cộng đồng văn hóa dị biệt để họ mở ra các ngôi chùa riêng của họ; chúng tôi cần một trung tâm Phật học chân thực, nơi thích hợp với bản sắc những người nói tiếng Tây Ban Nha, và không đơn giản là nhập cảng những cách biểu hiện Châu Á.”
Ricardo tin rằng Phật giáo cần thời gian và kiên nhẫn để lan rộng trong một xã hội đã bị đồng hóa với tôn giáo khác. Anh tin rằng với các phương pháp thiền tập và lời dạy đạo đức, Phật giáo cung cấp các thay thế cần thiết cho cuộc khủng hoảng giá trị con người trong các xã hội nói tiếng Tây Ban Nha hiện nay.
Anh nói: “Những câu trả lời truyền thống không thuyết phục, và nhiều người đang tìm kiếm những gì họ không biết rằng thực ra đã có và hữu dụng cho họ. Chúng tôi đã và đang đau khổ quá nhiều, với các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội. Phật giáo có thể hỗ trợ những người đang đau khổ. Nhưng, dù rằng Phật giáo là tu học cá nhân, vẫn cần hỗ trợ từ cộng đồng. Một người không thể làm gì nếu không có người khác. Đó là những gì hội này cung ứng.”
Nguyên Giác