HAI HÌNH ẢNH HY SINH THIÊNG LIÊNG
Lễ tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức Vị Pháp thiêu thân được tổ chức vào ngày Chủ nhật (06/23) của mùa An Cư Kiết Hạ 2019, tại Như Lai Thiền Tự, San Diego, California. Là Phật tử ắt hẳn ai cũng từng nghe qua câu chuyện Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vào ngày 11 tháng 6 năm 1963. Không tìm hiểu nguyên nhân sâu xa mang tính chính trị và thời cuộc, hiểu biết của tôi chỉ dừng lại ở tinh thần của một người Phật giáo, sự hy sinh thân mình của Hòa Thượng vì mục đích gì.Thông điệp Ngài muốn gửi đến chính quyền đương thời nói riêng và toàn thế giới nói chung là điều gì khi Giáo Pháp đức Phật, điều thứ nhất là: “Không được sát sanh, không được hại người và cả bản thân mình”.
Năm 1963 tôi vẫn chưa ra đời. Suốt thời kỳ là học trò dưới chế độ Cộng Sản sau 1975, những bài học lịch sử tôi phải học thuộc lòng cho những kỳ thi lại hoàn toàn không hề đề cập đến những sự thật này mà đáng ra chúng tôi có quyền được biết. Lịch sử thời đó hoàn toàn bị che đậy, thậm chí xuyên tạc trắng trợn. Ra hải ngoại tôi có điều kiện tìm hiểu nhiều hơn những về văn hóa, chính trị lẫn tôn giáo qua Internet và sách báo. Tìm hiểu về nguyên nhân việc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức là một trong những điều tôi tò mò muốn biết. Khi còn ở Việt Nam tôi vẫn thường đi ngang qua ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng 8 nơi có tòa tháp nhỏ kỷ niệm nơi Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, để đến sinh hoạt tại nhà thờ Vườn Chuối gần đó. Cái cảm giác “sợ sợ” của một đứa trẻ 13 tuổi mỗi khi nhìn vào tòa tháp tối thui, hoàn toàn không thấy cũng không hề hiểu tháp “Xá Lợi” là gì và sau này trở thành câu hỏi lớn trong tôi khi đã là người Công Giáo.Vì sao và tại sao một việc làm “đáng sợ” như vậy có thể xảy ra ở một vị Hòa Thượng Phật giáo luôn dùng sự ôn hòa và từ bi để cảm hóa chúng sanh. Trong thời gian tìm hiểu việc này không ít lần tôi hoang mang, nhận thức sai lầm khi sự thật được viết và giảng tại thánh đường lại mang tính chính trị nhưng bọc trong cái vỏ tôn giáo.
Ngày 28 tháng 4 năm 2019 tôi trở thành Phật tử sau gần 20 năm là người Công Giáo. Trước khi đến dự lễ tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức tôi lại một lần nữa dùng tinh thần của một người con Phật mà suy ngẫm và quán chiếu lại việc Ngài tự thiêu 56 năm trước. Tôi đã ngộ ra hai chữ “Hy sinh” và “Từ bi” trong điều thứ tư của Lời nguyện tâm quyết mà Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã gửi đến Chính phủ thời đó: “ Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc”. Vì tình yêu thương dành cho quê hương, đất nước, dân tộc, đồng bào Ngài đã hy sinh tánh mạng cho ý nghĩa cao đẹp đó. Cũng như vì con chiên mình mà Chúa Giêsu tử đạo đó thôi. Những bi kịch đau thương đến với đạo Phật để Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự đốt thân xác mình gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự đàn áp tôn giáo mà đến tận ngày nay tôi mới hiểu được. Đó không phải là sự phản kháng thù hận mà là tình yêu thương của Ngài đối với quốc gia và dân tộc.
Cùng ngày lễ tưởng niệm sự hy sinh của Bồ Tát Thích Quảng Đức tôi tình cờ được chứng kiến một sự hy sinh khác trong tinh thần của Phật Pháp, đó là lễ xuống tóc báo hiếu cho Cha của Phật tử DL (vì chưa được sự đồng ý và tôn trọng sự riêng tư của chị, tôi xin chỉ viết tắt pháp danh của chị).
Hôm sau khi dự lễ của Bồ Tát Thích Quảng Đức tôi chuẩn bị ra về thì được Thầy Hạnh Tuệ gọi ở lại nhờ chụp hình cho lễ xuống tóc của một Phật tử nữ. Tôi ngơ ngác chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì Thầy Hạnh Tuệ đưa máy hình cho tôi và chạy đi tìm Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu và Hòa Thượng Thích Minh Hồi chứng minh cho lễ xuống tóc của Phật tử DL. Chị DL có gương mặt đẹp phúc hậu và phảng phất buồn, nét buồn của người con vừa mất đi người Cha yêu thương của mình cách đây hai hôm. Bên cạnh chị là bác gái, mẹ của chị. Tôi chào bác xin chia buồn cùng gia đình, và nhất là sự đồng cảm với chị DL vì tôi cũng vừa mất Cha hơn 3 tháng.
Bác gái ôm tôi vỗ về an ủi và nói bác chia buồn cùng tôi làm tôi cảm động và có thêm chút can đảm hỏi nhỏ với bác: “Thưa bác, chị DL quyết định xuống tóc là sao vậy bác?”. Bác gái trả lời chị DL ăn chay trường cầu nguyện cho Cha khá lâu rồi, giờ chị xuống tóc để trả hiếu.
Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu dùng một cành hoa trắng rảy nước lên tóc chị DL và dùng kéo cắt tượng trưng một nhúm tóc nhỏ của chị. Món tóc nhỏ được để vào trong chuông thật lớn ngay tại chánh điện chùa Như Lai. Tôi thoáng nghĩ lễ xuống tóc mang tính tượng trưng như vậy là xong. Tôi đưa lại máy hình cho Thầy Hạnh Tuệ và định ra về. Nhưng không phải như vậy, Thầy Hạnh Tuệ nói chưa xong mà, để Thầy đi tìm cái tông-đơ. Tôi đứng trân người mở to mắt nhìn Thầy mà không dám hỏi, sao cần đến tông-đơ để làm gì ?
Năm phút sau Thầy Hạnh Tuệ trở lại với cái tông-đơ trên tay và cả cái thùng nhỏ nói là để đựng tóc, và Thầy nói tôi chuẩn bị giúp Thầy chụp hình. Gương mặt chị DL thật bình an với nụ cười phảng phất buồn nhưng rất hạnh phúc như đón chờ một điều thiêng liêng đang đến với chị. Chị quỳ và chắp tay như một búp hoa sen đang sẵn sàng dâng lên hương hồn người cha kính yêu của chi. Chị thanh thản nhẹ nhàng và người hốt hoảng lại là tôi. Khi thầy Hạnh Tuệ bắt đầu đặt tông-đơ lên mái tóc chị tôi vẫn bàng hoàng chưa tin vào mắt mình. Mất vài giây đầu khi những lọn tóc của chị DL rơi xuống tay tôi vẫn còn run không thể bấm được tấm hình nào. Nhìn chiếc tông-đơ vang lên tiếng ro ro cùng lời niệm “Nam mô A Di Đà Phật” liên tục của chị DL cùng những lọn tóc rơi xuống chiếc thùng đựng bên dưới bỗng dưng tôi chảy nước mắt. Một cảnh tượng quá thiêng liêng xúc động đến ngỡ ngàng mà tôi chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến. Mắt tôi nhòe đi và không còn nhớ nhiệm vụ được giao của mình. Khi chiếc tông-đơ của Thầy Hạnh Tuệ đã gần xong công việc của nó thì tôi mới qua được cơn xúc động. Tôi vội chạy gần đến chỗ chị DL đang
chắp tay kính cẩn niệm Phật và cố gắng ghi lại thật nhanh những giây phút thiêng liêng còn lại trước khi việc hy sinh mái tóc của mình báo hiếu cho Cha của chị DL kết thúc. Đây sẽ là những hình ảnh cảm động trang nghiêm nhất tôi ghi vào tâm trí mình. Tôi cảm thấy mình có duyên lành khi được vinh dự giao cho công việc chụp hình buổi lễ mang tính báo hiếu thiêng liêng và rất riêng tư này để tôi được cơ hội quán chiếu và cảm nhận ý nghĩa sâu xa của việc xuống tóc báo hiếu cho Cha. Điều mà tôi có nghe nói nhưng chưa bao giờ tận mắt chứng kiến cho đến hôm nay. Điều mà tôi dù có thương Cha mình đến mấy, muốn hồi hướng công đức cho Cha cũng không bao giờ dám nghĩ đến nói chi có được sự can đảm hy sinh như chị DL đang làm dâng lên Cha chị.
Mái tóc là phần “gốc” thứ hai rất quan trọng của mỗi con người, đặc biệt là với phụ nữ. Mái tóc dù dài hay ngắn, thưa hay dày, óng mượt hay dợn sóng, tóc là phần “tài sản” quý giá trong vẻ đẹp giản dị lẫn kiêu sa của người phụ nữ. Cùng với thời gian mái tóc của ai cũng rơi rụng dù ít hay nhiều. Mỗi khi chải tóc thấy tóc mình vương vãi trong sàn nhà chắc hẳn phụ nữ chúng tôi đều xót xa tiếc nuối. Vậy mà chị DL đã can đảm trong tâm thiện lành, hy sinh phần đẹp nhất của người phụ nữ để báo hiếu cho Cha. Nghĩa cử này tôi rất khâm phục và ngưỡng mộ chị. Mái tóc chị không còn đã không làm xấu đi gương mặt vốn rất bình an phúc hậu của chị, mà giờ gương mặt ấy thêm thanh thoát và an lạc. Vẻ đẹp thoát tục đó chỉ có ở những người có tâm đẹp, trí an lạc và phẩm hạnh từ bi.
Hình ảnh cuối cùng tôi chụp cho chị là tấm hình chị trong dáng quỳ khiêm cung thánh thiện, vẻ mặt bình an cùng nụ cười hạnh phúc thoáng nhẹ trên môi vì vừa làm được việc chị tâm nguyện báo hiếu cho Cha. Những tưởng đó là hình cuối cho buổi lễ thiêng liêng của chị. Thế nhưng với tôi tấm ảnh tôi cảm động và tâm đắc nhất chính là tấm chị ngồi nhặt từng mẫu tóc nhỏ của chị còn rơi lại trên nền thảm chánh điện. Tóc chị đã rơi xuống để hồi hướng cho cha chị được siêu thoát. Từng ngọn tóc nhỏ chị nhặt và gom góp lại là lời cầu nguyện với lòng thành kính tha thiết nhất chị dâng lên cho cha mình. Còn gì đẹp hơn tấm lòng của một người con gái báo hiếu cho cha bằng nghĩa cử và tấm lòng như thế.
Trước khi rời chánh điện Như Lai Thiền Tự, tôi quay lại ngắm nhìn một lần nữa tượng Phật ngồi uy nghi đang nhìn chúng sanh bằng đôi mắt từ bi. Tôi cảm ơn Phật, cảm ơn duyên lành ngày hôm nay cho tôi được cảm nhận hai chữ “Hy sinh” trong tinh thần Phật Pháp từ một vị Bồ Tát và một người con gái từ đời thường nhưng rất cao đẹp. Rời chánh điện những cơn gió mát lành thoảng nhẹ như giúp đưa tôi tới vùng trời phật pháp trong mai sau.
Thảo Nguyên
(2019-06-23)
- Tag :
- Thảo Nguyễn