Hạt sen khô (*)
THANH THỊ
Từ rất sớm, khi mặt trời còn đang ngái ngủ sau rặng tre, lão nhà báo đã chèo chiếc thuyền con ra giữa hồ, hái những đóa sen chớm hé, khẽ khàng đặt lên lòng thuyền; được đâu chừng mươi bông, lão lại ngược mạn thuyền, chèo vào bờ. Neo đậu thuyền xong, lão nhẹ nhàng ôm bó hoa vừa hái đặt vào chiếc bình gốm trên bàn ở căn gác lửng, nơi người phụ nữ còn đang mê man sau một đêm vật vã với cơn đau nhức khắp thân. Nhưng dường như hương sen dìu dịu lan tỏa khắp căn gác nhỏ lại đánh thức người phụ nữ trung niên dậy. Cô kéo nhẹ chiếc áo khoác mỏng mà lão nhà báo để sẵn nơi thành ghế cạnh giường, mặc vào và đi đến bên cửa sổ, từ góc đứng này có thể nhìn thấy những giọt sáng li ti ánh lên từ những giọt sương đọng trên lá ở hồ sen. Bấy giờ, người đàn ông vừa kịp đun nước, pha một ấm trà con, ra ngồi trên chiếc cầu nhỏ bắc ra một phần góc hồ, soạn sẵn hai chiếc tọa cụ, một cho mình và một cho người phụ nữ của đời mình. Người phụ nữ bước từng bước cẩn thận xuống mấy bậc thang rồi đi đến nơi người đàn ông đang ngồi. Họ không nói với nhau một lời, chỉ nhìn nhau cười rồi cùng nhau đón bình minh trong thinh lặng của việc theo dõi hơi thở.
Cách đây chừng 2 năm, trong một lần đi khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ chẩn đoán người phụ nữ bị ung thư cổ tử cung. Sau những ngày bàng hoàng vì kết quả, người đàn ông đã đồng hành cùng với vợ mình chiến đấu lại căn bệnh K. Nhưng cuộc đời, vốn dĩ khô khốc, cạn cợt như chính chữ “cuộc” trong một chữ “đời” ấy; người phụ nữ lại phát hiện K còn di căn ở ngực mình. Cô khóc cạn nước mắt. Vợ chồng họ từng trải qua những tháng ngày gian khổ nhất, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu đủ thứ; đến khi kinh tế chừng khá giả đôi chút, có thể hưởng thụ những sở thích bình thường nhất thì lại phát hiện mình đã mắc bệnh ung thư. Bằng tất cả mối quan hệ mà vợ chồng họ có được, những bác sĩ giỏi nhất họ đã tìm đến, nhưng, thuốc hay chẳng cứu được người tận số, vậy là cô đành chấp nhận và chờ cái chết đến.
Những tháng ngày đợi chờ thần chết gọi quả là không dễ chút nào. Dẫu rằng, ai rồi cũng đến lúc phải chết, nhưng một tờ giấy chỉ định chứng tử một ngày không xa, mông lung, bất định dễ khiến nỗi lo âu, sợ hãi bào mòn sức khỏe và tâm trí. Cho đến một ngày trong sợ hãi tột độ, cô đọc được trong một bài viết của ai đó nói rằng: Mỗi người chúng ta vốn dĩ vẫn chết trong mỗi thời khắc, cứ mỗi giây/phút/giờ/ngày trôi qua, chúng ta đang tiến dần về phía cái chết, chỉ là chúng ta quên mất không nhận ra điều đó; vậy nếu chỉ còn một ngày để sống bạn và tôi sẽ làm gì? Một sự diễn giải về cái chết và câu hỏi gợi mở đã vô tình giải thoát cô ra khỏi sợi dây trói buộc của lo lắng.
Cô bắt đầu dọn về ở trong ngôi nhà ngoại ô thành phố. Chồng cô – một nhà báo có thâm niên và địa vị cũng xin từ chức, kề cận bên cô những tháng ngày hiếm hoi còn lại. Họ cùng nhau bắt đầu quan tâm đến việc nuôi dưỡng hơi thở, quán chiếu những nỗi đau trong thân, cảm nhận sâu sắc nhất sự đến/đi, ra/vào của hơi thở trên cơ thể mình, cái mà bấy lâu nay, hơn năm mươi năm qua họ đã lãng quên.
Bờ hồ buổi sáng khi những giọt sương còn đọng trên lá sen; những con chim trú ngụ nơi rặng tre, cây dừa; loài cá lóc trong ao; con gà cục tác; cây chanh cô tự ươm hạt nảy mầm nay đã quá đầu gối,… tất cả sinh vật hiện hữu đều từng ngày chứng kiến hành trình quay về chú tâm hơi thở của cô. Chứng kiến cả cảnh người chồng dành cho cô sự quan tâm, chăm sóc dịu dàng nhất khi cơn đau ập đến khiến đầu óc cô mụ mị. Người đàn ông lặng lẽ đi cùng người phụ nữ những ngày cuối đời. Giờ đây, lão nhà báo chẳng còn dùng lý lẽ cứng cõi, ngôn từ sắc bén để tả lại những chuyện đời; ông chỉ chuyên chú mỗi việc, dùng hành động viết lại những gì thân thương, gần gũi, ân cần nhất vào tâm thức người phụ nữ đã đồng hành cùng mình hơn nửa đời người.
Mùa hạ đi qua, trời chớm thu se lạnh. Những cơn đau thường xuyên hơn khiến người phụ nữ gầy rộc, xanh xao. Hồ sen độ này bắt đầu rụi dần. Không còn hoa sen sớm cắm vào bình, thay vào đó là vài lá sen thật đẹp được đặt trên bàn ấp chứa gương sen. Trên mặt hồ lác đác lá sen đốm vàng, khô nhanh. Những đóa sen nở bung không được hái, sau khi cánh hồng rụng xuống mặt nước, trơ ra gương màu vàng tươi, rồi dần chuyển sang màu xanh nhạt, xanh đậm. Trên mỗi gương sen xanh thẫm, lốm đốm những đầu hạt sen như hạt đậu. Gương sen dần to đến cực điểm, trên đầu gương bắt đầu xám lại đồng điệu mở ra khoảng cách với hạt sen hơi nâu, sự nặng trĩu bởi hạt khiến đầu gương sen cúi xuống. Gương không được hái, khô dần, chẻ những đường nứt từ vòng tròn bao quanh hạt, hạt sen rơi ra, rớt xuống mặt hồ, lặn sâu vào lòng bùn, chờ ngày khai phát một cây sen mới**.
Cây cau sát nhà rụng xuống đôi bẹ, để lại ngọn cau chút trơ trọi trong gió hiu hiu của trời thu. Hôm ấy, đàn quạ ngang nhà, cất tiếng kêu thê lương thảm thiết, tiếng trống dồn dập báo tin người vừa từ bỏ cuộc trần thế mộng. Ngày đưa tang, có rất nhiều người đến tiễn đoạn đường, vì lẽ, người phụ nữ mắc bệnh K ấy cũng từng là nhà báo văn nghệ, mối quan hệ xã hội của cả hai vợ chồng khá nhiều. Người đàn ông ôm di ảnh vợ, thất thểu bước đi, không ai biết ông đang nghĩ gì, sẽ phải mất bao lâu để vượt qua nỗi đau quá lớn này. Dẫu cho bên cạnh ông vẫn còn hai người con và đứa cháu nội mới tròn một tuổi là niềm an ủi lớn cho ông; nhưng làm sao sánh được với người phụ nữ đã đi cùng ông qua những thăng trầm gần nửa thế kỷ, dù vinh hoa hay tủi nhục vẫn chưa từng rời bỏ; và, luôn bao dung, tha thứ cho ông những lỗi lầm lớn bé, đôi khi vụng dại hơn cả đứa trẻ thơ.
Trong trang nhật ký những ngày cuối đời, người phụ nữ viết rằng: Những ngày này, mình nhận ra hơn năm mươi năm qua, mình đã sống không phí hoài. Mình đã trả hiếu cho bố mẹ hai bên, đã lo cho hai con ăn học tới nơi tới chốn, chứng kiến chúng nó đến với người chúng nó yêu và tin tưởng trao gửi thân phận cả đời. Nhưng điều làm mình tiếc nuối nhất có lẽ là mình đã quên đi sự mầu nhiệm của hơi thở. Chỉ đến khi quá đau đớn và tìm một giải pháp trị liệu cho thuyên giảm cơn đau, mình mới tìm về hơi thở và tập quán chiếu một cách tường tận. Nhưng có lẽ, sự tìm kiếm trong vô vọng của cơn đau thể xác, hơi thở như phao nổi cứu mình khi rơi xuống biển, cho mình đi qua những ngày đau đớn nhất một cách bình thản nhất. Để nói một điều gì đó về bản thân, ngẫm lại, tự nhận thấy giờ đây, mình như một hạt sen trong gương sen ngã màu nâu bùn, sắp rơi xuống mặt nước; hạt sen đã được nuôi dưỡng bằng hơi thở của trời đất, và sẽ có một ngày không xa, hạt sen sẽ trở lại với một hình hài khác, để tiếp tục làm tươi đẹp cho người, cho đời.
Lời người viết: Bài viết này khởi điểm từ câu chuyện có thật của hai vợ chồng nhà báo ngụ tại một tỉnh miền Trung, Việt Nam. Thiết nghĩ, tựa hồ như một hạt sen khô, đã rũ mình, nứt ra từ gương sen, rơi xuống lòng hồ, tiếp tục chờ ngày tái hiện bằng cách nảy mầm, vươn lên khỏi mặt hồ, trổ hoa sen thơm, làm tươi mát cho đời; mỗi người hãy nuôi dưỡng đời sống bằng ý thức quay về nương tựa hơi thở của chính mình, như hành trình hạt sen tiếp nhận hơi thở của đất trời, diễn tiến theo tuần tự, chấp nhận diễn tiến sinh trong diệt, diệt trong sinh, để nếu còn trong vòng luân chuyển, thì có thể hữu ích cho tự thân và tha nhân.
07/7/2019
Thanh Thị
________________
* Tựa đề bài viết được đặt từ ý tưởng cuốn sách “Mấy hạt sen khô” của Thầy H.T., viết về chút kỷ niệm trong khoảng thời gian làm thị giả ‘Hòa thượng Vạn Đức,’ mà có lẽ sẽ còn rất lâu nữa cuốn sách mới có thể đến tay người đọc vì lý do kinh phí in ấn.
** Diễn ý từ đoạn trao đổi với một “ông thầy núi” có cảm nghiệm thăng trầm trong đời sống, lẫn sự thấu triệt vô thường sinh-diệt qua hình tượng về ‘sen’.
- Tag :
- Hạt sen khô
- ,
- Thanh Thị