Ở ĐÂY KHÔNG SẦU MUỘN
Nguyên Nhã
“ Ở đây không sầu muộn” (Idam anupaddutam) là lời khẳng quyết được Đức Phật dùng để thức tỉnh cho Yasa ra khỏi mê lầm khổ đau, khi chàng thanh niên lịch thiệp xứ Barànàsì này rơi vào tâm lý chán ngán sự đời bởi lối sống tù túng tẻ nhạt của thế giới dục lạc. Tài liệu Mahàvagga thuộc Luật tạng Pàli cho biết Yasa là con trai một gia đình nhân sĩ giàu có ở cổ thành Barànàsì, có đời sống phong lưu, giao thiệp rộng rãi với mọi người và có uy tín lớn đối với bạn bè. Yasa sở hữu ba tòa lâu đài thích hợp với ba mùa thời tiết khác nhau ở Ấn Độ. Dinh thự của ông thường xuyên đón tiếp nhiều khách quý đến viếng thăm và tham dự yến tiệc. Mặc dù sống trong cảnh giàu sang tràn đầy lạc thú, Yasa có đời sống tâm linh tiến triển vượt trội.
Chuyện thuật rằng hôm ấy sau khi nhìn thấy các ca kỹ và vũ nữ nằm ngủ la liệt trên sàn sảnh sau cuộc yến tiệc linh đình trông như những thây chết, công tử Yasa chán ngán cảnh đời hư huyễn, rời khỏi dinh thự bỏ đi lang thang ngoài đường, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Ôi sầu khổ thay; ôi nguy hiểm thay!”. Gặp Đức Phật ở vườn Nai với lời tuyên bố: “Ở đây không có sầu muộn; ở đây không có nguy hiểm”1 , Yasa bừng tỉnh và lặng lẽ ngồi xuống nghe bậc Đạo sư thuyết pháp. Nghe xong, Yasa cầu xin Đức Thế Tôn cho mình được xuất gia tu đạo giải thoát và sau đó trở thành vị A-la-hán, một con người hoàn toàn thức tỉnh, không còn bị sầu khổ chi phối.
Đức Phật đã thức tỉnh cho Yasa ra khỏi tâm lý sầu muộn luẩn quẩn với lời khẳng quyết về con đường đi ra khỏi sầu khổ. Một tâm hồn bí lối về tự do nhanh chóng tìm thấy chân lý giải thoát. “Ở đây không có sầu muộn” chính là thông điệp thức tỉnh, là cánh cửa giải thoát Đức Phật đã mở ra đúng lúc cho Yasa kết thúc chuỗi mê lầm sầu muộn bất tận.
Yasa sống trong thế giới dục vọng, thụ hưởng dục lạc, tìm thấy vị ngọt (assàda) trong các dục, nhận ra sự nguy hiểm (àdìnàva) của các dục nhưng chưa biết đến sự xuất ly (nissarana) dục vọng. Yasa bị chìm đắm trong cảnh giới dục lạc bất chợt nhận ra sự nguy hiểm của các dục thì liền ngao ngán và lo sợ về thế giới dục vọng. Yasa bắt đầu tỉnh ra “các dục là vô thường, trống rỗng, giả dối, thuộc ngu si tánh”2 , nhưng không biết cách nào thoát ly chúng. Mâu thuẫn này xảy ra khiến cho ông trở nên hoang mang rối loạn, bỏ đi lang thang ngoài đường với những lời nói gần như mê sảng. Lịch sử nhân loại cũng cho thấy mâu thuẫn tương tự từng xảy ra khiến cho một số người rơi vào bế tắc, thậm chí dẫn đến bi kịch. May mắn cho Yasa khi ông gần như lâm vào đường cùng thì được Đức Phật cứu độ. Lời khẳng quyết của đấng Giác ngộ đã đánh thức Yasa ra khỏi cơn mê sầu muộn.
Đáng chú ý rằng Đức Phật từng rơi vào hoàn cảnh giống như Yasa, nghĩa là bị giam hãm trong thế giới dục lạc với nỗi ray rứt về con đường xuất ly3 . Tài liệu kinh Tương ưng bộ cho biết trước khi xuất gia tìm cầu chân lý giải thoát, Siddhattha từng trăn trở: “Thật sự thế giới này bị hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt và bị tái sanh; và từ nơi đau khổ này, không biết sự xuất ly, thoát khỏi già chết; từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến sự xuất ly già chết?”4 . Rồi Ngài quyết tâm xuất gia tìm kiếm chân lý giải thoát và đã đạt đến hoàn toàn tỉnh thức, trở thành bậc Giác ngộ, chấm dứt cơn mê sinh tử luân hồi. Ngài ngộ ra rằng hết thảy mọi thứ làm cho con người thích thú hay sầu muộn đều là hiện tượng tương sinh tương diệt, giả hợp, hư huyễn, không thực thể, không tồn tại mãi. Cái vui cái buồn của con người do đó cũng là hiện tượng tương liên sinh diệt, giả hợp, hư huyễn, không thực thể, không tồn tại mãi. Chỉ do con người không nhận ra bản chất sanh diệt hư huyễn của chúng nên mới rơi vào ái luyến chấp trước mọi thứ, tự ôm ấp sầu muộn, tự mời gọi khổ đau. Đức Phật đã hoàn toàn tỉnh ra cơn mê sầu muộn này khi Ngài nhìn sâu vào nỗi khổ sanh, già, chết của kiếp nhân sinh và phát hiện ra bản chất hư huyễn, trống không, không thực thể của chúng; tất cả chỉ là duyên sanh và duyên diệt, giả hợp, không ngã tính, không thường hằng, không tồn tại mãi. Ngài sống với cái tâm thoát ly mọi nương tựa và bám víu, không duyên theo sự sanh diệt của các hiện tượng để tự mời gọi chuỗi sầu muộn luẩn quẩn. Ngài đã hoàn toàn giải thoát, bặt dứt mọi ý niệm có-không, hơn-thua, được-mất, vui-buồn. Có vị chư Thiên đến hỏi Ngài:
- Thưa Sa-môn, Ngài có hoan hỷ không?
- Ta được cái gì, này Hiền giả, mà Ta hoan hỷ?
- Nếu vậy, thưa Sa-môn, có phải Ngài sầu muộn?
- Ta mòn mỏi cái gì, này Hiền giả, mà Ta sầu muộn?5 .
Yasa đang ở trong tâm trạng sầu muộn đối với thực tại đầy phiền muộn cố vùng vẫy thoát ly nhưng không biết thế nào là lối ra. Ông chưa thấy pháp Duyên khởi; chưa nhận ra ngũ uẩn là các hiện tượng sanh diệt, giả hợp, không phải của mình; chưa ngộ ra các căn-trần là trống không, rỗng không, không thực thể. Ông bị cái “tôi” ám ảnh nên sầu muộn sinh khởi theo những gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân cảm xúc, ý nhận thức. Yasa không biết rằng sự sầu muộn và những gì làm phát sinh sầu muộn chỉ là các hiện tượng sanh diệt hỗ tương, không thực thể, không tồn tại mãi, không dính dáng gì đến ông. Ông bị cảm giác sầu muộn đeo bám vì đồng hóa cảm giác sầu muộn ấy là của mình. Nói cách khác, ông chưa biết thế nào là tâm giải thoát, tuệ giải thoát, theo đó bản thân ông (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là các hiện tượng sầu muộn nhưng tâm ông thì không sầu muộn. Ông được Đức Phật đánh thức khỏi tâm lý sầu muộn và bắt đầu học cách thức tỉnh để ra khỏi sầu muộn.
Thế nào là ở đây không có sầu muộn? Đó chính là sự khẳng quyết về pháp giải thoát do Đức Thế Tôn chứng ngộ và tuyên thuyết, tức con đường Thánh tám ngành hay Giới-Định-Tuệ, được mệnh danh là pháp Bất tử (Amattadhamma), con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Pháp giải thoát của Phật được gọi là không sầu muộn vì pháp ấy hướng con người ra khỏi sầu muộn, thoát ly sầu muộn, được cụ thể hóa như thế này:
Không sầu vì không làm ác
Trước hết, đặc điểm nhất quán của pháp giải thoát do Đức Phật tuyên thuyết là nói không với mọi điều ác, không chấp nhận cái ác dưới bất kỳ hình thức nào; tựa như biển lớn không chấp chứa xác chết, nếu có xác chết ở trong biển lớn thì lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền6 . Đức Phật chứng ngộ lý nhân quả nghiệp báo nên dạy các học trò mình tuyệt đối không làm ác, không tạo các ác nghiệp để tránh khỏi sầu muộn khổ đau.
Ngài nhắc nhở:
Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp”7 .
“Nếu người làm điều ác,
Chớ tiếp tục làm thêm;
Chớ ưa thích điều ác,
Chứa ác, tất chịu khổ”8 .
“Nay sầu, đời sau sầu,
Kẻ ác, hai đời sầu;
Nó sầu, nó ưu não,
Thấy nghiệp uế mình làm9 .
Sầu muộn là cảm thọ sầu khổ phát sinh do nhiều nguyên nhân trong đó làm ác được xem là nguyên nhân trực tiếp tạo ra sầu muộn. Theo lời Phật thì làm ác dưới bất kỳ hình thức nào, hoặc thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, đều là ác nghiệp đưa đến quả báo sầu khổ cho người tạo tác ngay trong đời này hay ở đời sau. Chẳng hạn, Ngài nói đến năm kết quả sầu muộn xảy ra cho người làm ác nghiệp, theo ác giới: (1) tổn thất tài sản, (2) tiếng xấu đồn xa, (3) lo ngại đám đông, (4) tâm thần mê loạn khi mệnh chung, (5) đọa cõi dữ sau khi chết10. Cụ thể hơn, người tạo ác nghiệp thì đi đâu cũng mang theo nỗi ám ảnh nặng nề về các nghiệp ác mà mình đã làm: “Ví như, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, những bóng các đỉnh núi treo nằm, treo áp, treo đè trên đất; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi người ngu ngồi trên ghế, hay ngồi trên giường, hay nằm dưới đất, trong khi ấy các nghiệp quá khứ của người ấy, tức là thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, treo nằm, treo áp, treo đè trên người ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu suy nghĩ như sau: ‘Thật sự ta không làm điều phước, không làm điều thiện, không làm điều chống lại sợ hãi, lại làm điều ác, lại làm điều hung bạo, lại làm điều tội lỗi. Do không làm điều phước, không làm điều thiện, không làm điều chống lại sợ hãi, do làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều tội lỗi nên phải đi đến ác thú; ác thú ấy sau khi chết ta phải đi’. Người ấy sầu muộn, than van, than khóc, đấm ngực, rên la và rơi vào bất tỉnh”11.
Khác với quả báo sầu muộn do duyên ác nghiệp, người sống theo pháp giải thoát hiền thiện của Phật - thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện - nhận được những kết quả lợi lạc do lối sống làm thiện, không làm ác, của mình. Người đó (1) không tổn thất tài sản, (2) được tiếng lành đồn xa, (3) tự tin khi ở giữa đám đông, (4) tinh thần minh mẫn, không mê ám khi mệnh chung, (5) sau khi chết được sanh các cõi lành12. Trong đời sống hàng ngày, vị ấy cảm nhận sự thanh thản an lạc nhờ lối sống làm thiện, không làm ác, của mình: “Ví như, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, những bóng các đỉnh núi treo nằm, treo áp, treo đè trên đất; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi người trí ngồi trên ghế hay ngồi trên giường, hay nằm dưới đất, trong khi ấy các nghiệp quá khứ của người ấy, tức là thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, treo nằm, treo áp, treo đè trên người ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người trí suy nghĩ như sau: ‘Thật sự ta không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, lại làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi. Do không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, do làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi, được đi đến thiện thú nào, thiện thú ấy sau khi chết, ta được đi’. Vị ấy không sầu muộn, không than van, không than khóc, không đấm ngực, không rên la và không rơi vào bất tỉnh”13.
Không sầu vì biết đủ đối với cuộc đời
Một phương pháp khác của đạo Phật giúp cho con người thoát khỏi sầu muộn là học cách đối diện thanh thản với thực tại sầu muộn của hiện hữu, gọi là biết đủ đối với cuộc đời. Biết đủ tức là biết rõ giới hạn của cuộc đời, hiểu rõ quy luật có sanh tức có diệt của mọi hiện hữu, tin tưởng vững chắc vào lẽ sống giác ngộ hiền thiện, không lo âu sầu muộn khi đối mặt với thực tại bất như ý xảy đến với mình. Đức Phật đến với thế gian này không phải để thay đổi quy luật sanh diệt bất như ý của cuộc đời; Ngài đến để thức tỉnh cho mọi người về sự thật biến hoại không thể tránh của kiếp nhân sinh, giúp cho con người biết cách thanh thản đón nhận mọi biến cố phiền muộn xảy ra liên quan đến bản thân mình. Ngài nói rõ quy luật sanh diệt của hiện hữu và nêu ra hai hạng người, kẻ vô văn phàm phu và vị đa văn Thánh đệ tử, để nhấn mạnh tầm quan trọng của lẽ sống sáng suốt, có trí tuệ, biết nhổ bỏ các mũi tên sầu muộn ra khỏi đời mình
Ngài thuyết giảng:
“Này các Tỷ-kheo, có năm sự kiện này không thể có được bởi Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Thế nào là năm?
Phải bị già, muốn khỏi già, là một sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Phải bị bệnh, muốn khỏi bệnh, là một sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Phải bị chết, muốn khỏi chết, là một sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Phải bị hoại diệt, muốn khỏi hoại diệt, là một sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Phải bị tiêu diệt, muốn khỏi tiêu diệt, là một sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời.
Với kẻ phàm phu không học, này các Tỷ-kheo, phải bị già và già đến; khi già đến, kẻ ấy không suy tư: ‘Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến, nhưng đối với loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình đều phải bị già và già đến. Và nếu phải bị già và khi già đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn’. Kẻ ấy phải bị già, khi già đến, sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, với kẻ phàm phu, không học phải bị bệnh và bệnh đến… phải bị chết và chết đến… phải bị hoại diệt và hoại diệt đến… phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến; khi tiêu diệt đến, kẻ ấy không suy tư: ‘Không phải chỉ một mình ta bị tiêu diệt và tiêu diệt đến, nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu phải bị tiêu diệt, và khi tiêu diệt đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích; thân ta trở thành xấu xí; công việc không có xúc tiến, kẻ thù sẽ hoan hỷ, bạn bè sẽ lo buồn’. Kẻ ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến, sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ phàm phu không học, bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trúng, kẻ ấy tự làm mình ưu não.
Với vị Thánh đệ tử có học, này các Tỷ-kheo, phải bị già và già đến; khi già đến, vị ấy suy tư như sau: ‘Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến. Nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình đều phải bị già, và già đến. Và nếu phải bị già và già đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn’. Vị ấy phải bị già, khi già đến, không sầu, không bi, không than khóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, với vị Thánh đệ tử có học phải bị bệnh và bệnh đến… phải bị chết và chết đến… phải bị hoại diệt và hoại diệt đến… phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến; khi tiêu diệt đến, vị ấy suy tư như sau: ‘Không phải chỉ một mình ta phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu phải bị tiêu diệt, và khi tiêu diệt đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn’. Vị ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến, không sầu, không bi, không than khóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự mình làm ưu não. Không sầu muộn, không bị bắn tên, vị Thánh đệ tử làm cho chính mình được hoàn toàn tịch tịnh”14.
Như vậy, kẻ vô văn phàm phu, do không có cơ duyên học Phật, không trang bị cho mình một tri kiến vững chắc về bản chất giới hạn và bất an của hiện hữu, sống theo tập quán tham ái và chấp thủ, tự để cho mình rơi vào lo âu sầu muộn khi đối diện với thực tại sanh diệt biến hoại của cuộc đời. Trái lại, vị đa văn Thánh đệ tử, nhờ nghe pháp giải thoát của Phật, hiểu rõ tính chất hữu hạn và bất toàn của sự kiện hiện hữu, chấp trì lối sống biết đủ đối với mọi giới hạn của cuộc đời, tự giải thoát mình khỏi lo âu sầu muộn khi đối mặt với hiện thực bất như ý của hiện hữu.
Không sầu vì ngộ ra tính chất hư huyễn, không thực, của sầu muộn
Một phương pháp thực tập khác nhanh chóng xua tan cảm giác sầu muộn của con người là vận dụng tâm định tĩnh nhìn thẳng vào hiện trạng sầu muộn và nhận ra tính chất hư huyễn của nó. Đây gọi là sống với tâm giải thoát ngay trong hiện tại, tức quán sát hiện tượng sầu muộn đang xảy ra với một tâm thức hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt, thấy rõ bản chất chuyển biến sanh diệt của sầu muộn, không đồng hóa cảm giác sầu muộn là “ta” hay “của ta”, tâm tư đạt đến tịch tĩnh, không có bóng dáng sầu muộn. Nói cách khác, đó là tiếng nói của tâm giải thoát, tuệ giải thoát được hiển lộ trên cơ sở hành sâu Thiền định, chỉ (samatha) và quán (vipassanà), với các hiện tượng thân, thọ, tâm, pháp hay ngũ uẩn làm đối tượng quán sát. Khi hành giả Niệm xứ tập trung nhìn sâu vào các hiện pháp với tâm định tĩnh thì bấy giờ các pháp ấy hiện rõ là các hiện tượng giả hợp, do nhân duyên sanh, trống không, không thực thể, thay đổi, biến hoại, không có gì đáng được xem là “ta” hay “của ta”. Đây chính là sự thấy biết như thật (yathàbhùtam pajànàti) đưa đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tức tuệ tri các pháp hay các hiện tượng có mặt là hoàn toàn do nhân duyên, thường xuyên thay đổi, không thực thể, không tồn tại mãi, không phải của mình. Đạo Phật gọi phương pháp tu tập như vậy là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức thực chứng tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngộ ra có hiện tượng sầu muộn xảy ra do nhân duyên nhưng không có người sầu muộn.
Đáng chú ý rằng sầu muộn chỉ là một loại cảm thọ phát sinh do duyên sự xúc chạm giữa các căn và các trần. Đó là một dạng tâm thức khó chịu khởi lên do sự cố này hay sự cố khác xảy ra gắn liền với đời sống của con người15. Rõ ràng, không ai muốn sầu muộn nhưng sầu muộn vẫn cứ xảy ra, vì không ai tránh được các sự cố phiền toái già, bệnh, chết của kiếp nhân sinh. Vấn đề là làm sao thoát ly được sầu muộn ở trong một thế giới vốn thuộc bản chất sầu muộn như thế. Ở đây, câu chuyện Thế Tôn giáo giới cho gia chủ Nakulapità và sự cắt nghĩa của Tôn giả Sàriputta về lời khẳng định “thân có bệnh nhưng tâm không bệnh” của đấng Giác ngộ cho chúng ta một chỉ dẫn quan trọng về phương pháp thoát ly sầu muộn. Chuyện kể như vầy:
Hôm ấy, gia chủ Nakulapità tuổi đã lớn đi đến yết kiến Thế Tôn và thưa:
- Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt đến tuổi thọ, thân bệnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các vị Tỷ-kheo đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giảng dạy cho con! Nhờ vậy, con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
- Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân của Gia chủ, này Gia chủ, là bệnh hoạn, ốm đau, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: ‘Dầu cho thân tôi có bệnh, tâm sẽ không bị bệnh’. Như vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập.
Rồi gia chủ Nakulapita sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, đi đến Tôn giả Sariputta; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Sariputta rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Sariputta nói với gia chủ Nakulapita đang ngồi một bên: …
- Thế nào, này Gia chủ, là thân bệnh và tâm bệnh?
Ở đây, này Gia chủ, có kẻ vô văn phàm phu không thân cận các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy bị ám ảnh: ‘Sắc là ta, sắc là của ta’. Do bị ám ảnh: ;Sắc là ta, sắc là của ta!’ nên khi sắc biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não! Vị ấy quán thọ như là tự ngã…
Vị ấy quán tưởng như là tự ngã… Vị ấy quán các hành như là tự ngã… Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy bị ám ảnh: ‘Thức là ta, thức là của ta’. Do bị ám ảnh: ‘Thức là ta, thức là của ta!’ nên khi thức biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
Như vậy, này Gia chủ, là thân có bệnh và tâm có bệnh.
Thế nào, này Gia chủ, là thân có bệnh nhưng tâm không có bệnh?
Ở đây, này Gia chủ, vị đa văn Thánh đệ tử thân cận các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, hiểu rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy không bị ám ảnh: ‘Sắc là ta, sắc là của ta’. Do vị ấy không bị ám ảnh: ‘Sắc là ta, sắc là của ta’ nên khi sắc biến hoại, đổi khác, không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
Vị ấy không quán thọ như là tự ngã… Vị ấy không quán tưởng như là tự ngã… Vị ấy không quán các hành như là tự ngã… Vị ấy không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không bị ám ảnh: ‘Thức là ta, thức là của ta’. Do vị ấy không bị ám ảnh: ‘Thức là ta, thức là của ta’ nên khi thức biến hoại, đổi khác, không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Như vậy, này Gia chủ, là thân có bệnh, nhưng tâm không có bệnh”16.
Lời giảng giải của Thánh giả Sàriputta cho chúng ta một chứng cứ xác thực về phương pháp thoát ly sầu muộn. Đó là tập trung nhìn vào ngũ uẩn và thấy rõ sắc, thọ, tưởng, hành, thức là duyên sinh, vô ngã, không còn xem sắc, thọ, tưởng, hành, thức là “ta” hay “của ta”. Khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức được thấy rõ là trống không, không thực thể, không thuộc tự ngã thì những gì xảy ra liên quan đến sắc, thọ, tưởng, hành, thức chỉ là các hiện tượng hư huyễn, không thực thể, không phải của mình. Sầu muộn là một loại cảm thọ thuộc ngũ uẩn, do duyên sinh, chịu sự thay đổi, biến hoại, không thực thể, vô ngã. Nó là một hiện tượng tâm thức do duyên sinh và do duyên diệt, không phải của ai, không dính dáng đến người nào. Thiếu hiểu biết, thiếu tu tập mà rơi vào chấp trước sầu muộn, cho rằng cảm thọ ấy là của mình tức là tự mời gọi khổ đau. Có hiểu biết và có tu tập thì không chấp trước sầu muộn, không xem cảm giác sầu muộn là của mình tức là thoát ly khổ đau. Đó là thông điệp giải thoát mà Thế Tôn đã đem đến cho thế gian này, một thông điệp nói rõ có sự kiện sầu muộn phát sinh do ngã chấp nhưng sầu muộn ấy sẽ chấm dứt nhờ biết buông bỏ ngã tưởng. “Ở đây, không sầu muộn”, tức có sự kiện sầu muộn xảy ra nhưng không có người sầu muộn là thế.
Chú thích:
1. Vinaya Pitakam, Vol. I, tr.15.
2. Kinh Lợi ích bất động, Trung bộ.
3. Tiểu kinh Khổ uẩn, kinh Màgandiya, Trung bộ.
4. Kinh Thành ấp, Tương ưng bộ.
5. Kinh Kakudha, Tương ưng bộ.
6. Kinh A-tu-la Pahàraha, Tăng chi bộ.
7. Kinh Pháp cú, kệ số 127.
8. Kinh Pháp cú, kệ số 117.
9. Kinh Pháp cú, kệ số 15.
10&12. Kinh Ác giới, Phá giới, Tăng chi bộ.
11&13. Kinh Hiền ngu, Trung bộ.
14. Kinh Sự kiện không thể có được, Tăng chi bộ.
15. Kinh Phân biệt sự thật, Trung bộ. Kinh Nakulapità,
16. Tương ưng bộ
- Tag :
- Nguyên Nhã