“Một thời Đức Phật, tại A-tỳ-xà, bên sông Hằng. Bấy giờ, có Tỳ-kheo đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
- Lành thay! Bạch Thế Tôn, xin vì con thuyết pháp. Sau khi nghe pháp rồi, con một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung và hiểu được lý do về những nhà dòng dõi, cạo bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, tiến tu phạm hạnh, thấy pháp, tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa’.
Bấy giờ, Thế Tôn ngắm sông Hằng, thấy trong nước có một cây lớn trôi theo dòng nước chảy xuống, nói với vị Tỳ-kheo kia:
- Ông có thấy cây lớn trong dòng nước sông Hằng này không?
- Bạch Thế Tôn, con đã thấy.
Phật bảo:
- Cây lớn này không vướng bờ bên này, không vướng bờ bên kia, không chìm xuống đáy, không mắc ở bãi cù lao, không vào dòng nước xoáy, không bị người vớt lên, phi nhân không giữ lại, cũng không bị mục, sẽ xuôi theo dòng nước, thuận dòng mà rót về, đổ về biển lớn phải không?
Tỳ-kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Phật bảo:
- Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Không vướng bờ bên này, không vướng bờ bên kia, không bị chìm, không mắc bãi cù lao, không vào dòng nước xoáy, cũng không bị người vớt lấy, phi nhân không giữ lại, cũng không bị mục, vị ấy sẽ theo dòng nước mà xuôi về, rót về, đổ về Niết-bàn.
Tỳ-kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, thế nào là bờ bên này? Thế nào là bờ bên kia? Thế nào là chìm mất? Thế nào là bị mắc bãi cù lao? Thế nào là dòng nước xoáy? Thế nào là người vớt lấy? Thế nào là phi nhân giữ? Thế nào là mục nát? Lành thay, Thế Tôn, vì con giảng rộng! Sau khi nghe xong, con sẽ một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung,… cho đến tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.
Phật bảo Tỳ-kheo:
- Bờ bên này là sáu nhập xứ. Bờ bên kia là sáu ngoại nhập xứ. Bị người vớt lấy là như người nào gần gũi với người thế tục, hay với người xuất gia; nếu gặp chuyện sướng, khổ, buồn, vui và những việc làm của họ, tất cũng cùng họ cộng đồng. Đó gọi là bị người vớt lấy. Bị phi nhân giữ lại là như có người nào nguyện tu phạm hạnh, rằng: ‘Nay ta trì giới, khổ hạnh, tu các phạm hạnh để được sanh lên các cõi trời’. Đó gọi là bị phi nhân giữ lại. Bị dòng nước xoáy là như có người nào hoàn giới thoái chuyển. Hư mục là phạm giới, hành các pháp bất thiện, hủ bại, ít học, giống như cỏ dại, như tiếng thổi tù và. Họ không phải là Sa-môn mà giống Sa-môn, không phải là phạm hạnh mà giống phạm hạnh.
Như vậy, Tỳ-kheo, đó gọi là không vướng bờ bên này, bờ bên kia,… Niết-bàn.
Sau khi Tỳ-kheo kia nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ làm lễ ra về. Lúc này, một mình ở chỗ vắng, tư duy về những lời Đức Phật đã dạy trong kinh Cây lớn trôi theo dòng nước,… cho đến tự biết không còn tái sanh đời sau nữa và đắc A-la-hán”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1174 [trích])
Trong kinh văn, không thấy giải thích nghĩa của “bị chìm” và “mắc bãi cù lao”. Tuy nhiên, liên hệ với bản kinh tương đương trong Tăng nhất A-hàm (tập 3), “bị chìm” chính là lún sâu vào ái dục, “mắc bãi cù lao” là dính kẹt vào năm dục tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ.
Khúc gỗ không trôi được ra biển vì dính mắc, gặp nhiều chướng ngại. Cũng vậy, người tu nếu không vượt qua các chướng nạn như Phật đã dạy ở trên thì khó đến được giải thoát, Niết-bàn.Quảng Tánh
- Tag :
- Quảng Tánh