Ngay cả những bậc gọi là Thánh nhân, mặc dù họ đã giải thoát về tinh thần nhưng vẫn phải chịu sự chi phối về mặt thể chất khi tứ đại bất hòa. Lão Tử nói rằng, “Ta có khổ là vì có thân. Nếu ta không có thân thì làm gì có khổ”. Còn triết gia người Đức Jacob Boehme thì văn chương hơn khi nói rằng, “Nếu lấy tất cả các ngọn núi làm giấy, tất cả các ao hồ làm mực, và tất cả cây rừng làm bút cũng không đủ để diễn tả hết nỗi khổ của thế gian”. Có thể nói rằng, cuộc sống không tách rời khổ đau. Mặc dù cũng có lúc chúng ta có được niềm vui khi những nhu cầu của ta được đáp ứng, ước vọng của ta được thỏa mãn, nhưng khi hạnh phúc ấy qua đi thì chúng ta lại trở lại với trạng thái khổ đau như là bản chất của cuộc sống. Cho nên, hình như hạnh phúc không nằm trong tay của kẻ có tiền mà nằm trong tay của những ai biết từ bỏ hoặc không ham muốn.
Mọi thứ đều bất toàn và thay đổi. Trong hạnh phúc đã có mầm đau khổ, trong thành công đã ẩn chứa nguy cơ thất bại và trong sự hài lòng vẫn mơ hồ điều gì không như ý. Khổ đau và hạnh phúc, thành công và thất bại, thỏa mãn và thất vọng như là hai mặt của một thực thể, không thể có cái này mà không có cái kia. Con người gần như phải đấu tranh liên tục để tránh né khổ đau và tìm cầu hạnh phúc. Đó là lý do tại sao Đức Phật nói rằng, bao lâu con người còn chạy theo dục lạc thế gian thì họ vẫn không thể nào thoát được khổ đau. Hạnh phúc trọn vẹn không thể đến từ những điều kiện bên ngoài mà nó phải đến từ bên trong nội tâm. Chúng ta chỉ có thể đạt được hạnh phúc trọn vẹn khi tâm của chúng ta được hoàn toàn trong sạch khỏi những cấu uế của dục vọng và phiền não.
Tại sao con người đau khổ và ai chịu trách nhiệm cho sự đau khổ đó? Đức Phật dạy rằng chính con người phải chịu trách nhiệm đối với bản thân họ. Con người đau khổ là do con người quá tham ái, bao gồm tham ái dục lạc và tham ái được tồn tại. Để đạt được những điều đó, con người đã gây ra tội lỗi. Và đau khổ là kết quả của tội lỗi đó. Phải trải qua hơn 25 thế kỷ, các nhà triết học và tâm lý học hiện đại mới nhận ra rằng những gì Đức Phật nói là đúng. Một nhà thơ đã phân tích tình trạng tham ái của con người đối với thế giới như sau:
Con thiêu thân không biết chúng sẽ chết khi bay vào ánh đèn
Con cá không biết sự nguy hiểm khi đớp miếng mồi
Nhưng con người biết rất rõ sự nguy hiểm của dục lạc mà vẫn ngoan cố lao vào
Thật mê muội làm sao!
Giáo pháp của Đức Phật chỉ ra rằng cuộc sống của con người rất ngắn ngủi. Cho nên hành động của chúng ta cần phải thật chánh niệm, tỉnh giác và thận trọng để tự cứu lấy mình. Trong Trưởng lão Tăng kệ có bài kệ như sau:
Con người đã không biết rằng
Trần gian chỉ là quán trọ
Nếu họ biết được điều đó
Thì họ không cần phải gây sự và chịu đựng khổ đau.
Thế giới là một bãi chiến trường vĩ đại. Sự tồn tại không là gì cả ngoài những cuộc chiến triền miên. Nguyên tử chống lại nguyên tử, hạt nhân chống với hạt nhân. Và đầu óc của con người lại là một bãi chiến trường vĩ đại nhất. Con người nếu không thể hòa bình với chính bản thân họ thì cũng không thể hòa bình với thế giới bên ngoài, và những cuộc chiến tranh liên tiếp nổ ra để che giấu thực tế chiến tranh đang xảy ra bên trong con người.
Con người không ngừng cầu nguyện cho hòa bình nhưng chiến tranh sẽ không thể dừng lại trong thế giới đau thương này cho đến khi nào sự xung đột trong tâm con người chấm dứt. Dưới cái nhìn của Đức Phật thì chúng sinh đang run rẩy như những con cá trong dòng nước cạn, con thỏ dính chân vào bẫy sập. Tuy vậy, do sự thúc đẩy và sai khiến của tham dục mà con người đấu tranh với nhau. Người này lừa gạt hay đàn áp người kia, và đến lượt họ trở thành nạn nhân bị lừa gạt và đàn áp của thế lực khác nữa. Cứ thế tạo thành cái vòng luẩn quẩn rất là vô nghĩa.
Khi một đứa trẻ nhìn các cầu thủ đá banh trên sân. Nó nói với mẹ rằng các cầu thủ đang đánh nhau chỉ vì một trái banh. Tại sao không đưa cho mỗi cầu thủ một trái banh để họ không đánh nhau nữa. Trái banh không đáng để cho người ta phải đổ mồ hôi để giành lấy như vậy. Và những món lợi trên thế gian mà con người đang đánh nhau để giành đó, dưới con mắt của bậc Thánh thì cũng chỉ như trái banh mà thôi. Nhưng thử hỏi nếu đưa cho mỗi người một trái banh thì họ có ngừng đánh nhau hay không? Có thể là không. Vì tâm họ bất an và đánh nhau là cách để né tránh sự bất an đó.
Lịch sử thế giới kể cho chúng ta nghe rằng sự phân biệt chủng tộc và màu da, sự cuồng tín và tham vọng quyền lực chính trị và kinh tế đã tạo ra vô số thảm họa và khổ đau cho nhân loại. Những người tham vọng quyền lực và kinh tế bị đắm chìm trong cơn say của ganh tỵ và tham lam. Họ luôn gây khổ đau cho người khác rồi biện minh cho hành động tàn bạo đó của mình bằng những mỹ từ như tôn giáo, hòa bình, công bằng. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà con người đến với nhau bằng niềm tin giả tạo. Sự thống nhất, hòa hợp chỉ là vẻ bề ngoài nhưng trong lòng thì ai cũng có mưu tính cho lợi ích của riêng cá nhân hay quốc gia mình. Nhưng chúng ta đâu biết rằng những gì chúng ta cho là quan trọng, thề sẽ quyết tâm làm cho bằng được đó, cũng chỉ là một vở tuồng trên sân khấu trần gian mà thôi. Như bài thơ sau đây đã diễn tả:
Chúng ta sống, làm việc và ước mơ
Ai cũng vạch ra kế hoạch cho đời mình
Thỉnh thoảng chúng ta khóc
Thỉnh thoảng chúng ta cười
Và như thế tháng ngày đi qua.
Người ta luôn nói về sự bấp bênh của cuộc sống. Làm sao chúng ta có thể sống an vui trong một thế giới bấp bênh như thế? Các nhà khoa học thì tìm cách chinh phục tự nhiên, trong khi các triết gia tôn giáo thì khuyên con người nên sống hài hòa với tự nhiên. Chúng ta không thể thay đổi hết các điều kiện tự nhiên và xã hội theo ý ta muốn, nhưng chúng ta có thể thay đổi bản thân mình để phù hợp với điều kiện bên ngoài. Nói cách khác, nếu chạy theo vật chất thì chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy đủ. Đủ hay thiếu không nằm chỗ ta có tài sản nhiều hay ít mà ở chỗ ta có bằng lòng với những gì mình đang có hay không. Chủ nghĩa vật chất làm con người tha hóa xuống tình trạng thú vật, trong khi tôn giáo làm cho con người trở nên cao quý và thánh thiện. Trong vương quốc của vật chất, con người trở thành nô lệ cho các ham muốn giác quan. Và do đó, một cách tự nhiên, người ta không thích đối diện với sự thật của cuộc đời mà chỉ thích ru ngủ mình bằng những nhận thức giả tạo, sự mơ mộng và tưởng tượng về sự chắc chắn hay an vui của cuộc đời. Điều này cũng giống như người ta tin tưởng rằng Thượng đế có thể cứu được người ta khỏi bệnh nhưng bác sĩ thì kê toa.
Thái độ của Đức Phật về quyền lực và dục lạc thế gian được diễn tả qua câu nói sau đây: “Hơn cả thống trị trái đất, hơn cả đi lên thiên đường là sự chứng nhập vào dòng Thánh”. Vật chất không thể nào thỏa mãn được lòng tham không đáy của con người, do đó mà anh ta không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Theo Đức Phật thì thế giới dựa trên xung đột, cạnh tranh, bất mãn và vô thường. Ngài nói rằng thành công ở thế gian là một chuyện, còn có được cứu độ hay không là chuyện khác.
Trong cuộc sống, nếu bạn muốn có một cuộc đời bình yên và hạnh phúc thì bạn cũng phải cho phép người khác được như vậy. Nếu bạn làm được như vậy thì bạn đã làm cho cuộc đời này phần nào đáng sống hơn. Trừ khi và cho đến khi bạn hướng dẫn được cuộc sống của bạn theo những nguyên tắc cao thượng đó thì bạn mới mong có được bình yên và hạnh phúc. Bạn không thể mong đợi sự bình yên và hạnh phúc từ trên trời rơi xuống chỉ nhờ vào cầu nguyện. Nếu bạn hành động theo các nguyên tắc đạo đức bằng cách nâng cao nhân phẩm, bạn có thể tạo ra thiên đường ngay nơi cõi đời này. Ngược lại, bạn cũng có thể tạo ra địa ngục ngay bây giờ nếu bạn chà đạp các giá trị nhân văn. Bởi do không biết cách sống phù hợp với quy luật tự nhiên nên chúng ta thường hay mắc phải sai lầm và vấp ngã. Nếu ai cũng cố gắng kính trọng và không làm tổn hại tha nhân thì con người có thể hưởng thụ niềm hỷ lạc của thiên đường ngay nơi đây, hơn là hy vọng sẽ có được sau khi chết. Thật không cần thiết phải tạo ra thiên đường để thưởng cho đức hạnh cũng như tạo ra địa ngục để phạt cái xấu xa. Đức hạnh hay xấu xa tự nó là phần thưởng hay hình phạt dù có tôn giáo hay không. Muốn thiết lập một xã hội tốt đẹp, mọi người phải biết bao dung những lỗi lầm đồng thời tùy hỷ với hạnh phúc và thành công của người khác. Và tình thương đối với tất cả chúng sinh là thứ duy nhất để tạo ra thiên đường tại thế gian.
Sri Dhammananda
Thích Trung Hữu lược dịch