VÌ SAO PHẢI TIN PHẬT
Sư Giác Nguyên (giảng)
Có một chuyện rất khoa học, tôi không bắt quý vị phải nhắm mắt tin Phật nhưng tôi cho quý vị một gợi ý. Đó là, thứ nhất muốn tin cái gì phải có bằng chứng, muốn bác cái gì cũng phải có bằng chứng. Thứ hai, ta không thể nào can thiệp được vào một vật gì đó mà ta không thấy nên dù có văn minh khoa học cách mấy mà cho đến bao giờ chúng ta không thấy được cái tâm thì chúng ta không làm được gì với nó hết. Đó là lý do vì đâu mà bây giờ chúng ta vẫn phải học Phật.
Tôi đã đọc hơi nhiều về Kinh Thánh, Khổng giáo, Do Thái giáo, kể cả Lão Trang là hệ thống mà tôi rất là mê, tôi không thấy một hệ thống tư tưởng nào hơn được Phật pháp.
Kể cả khi tôi không tin Phật, không phải là Phật tử thì đây cũng là hệ tư tưởng mà rất đáng để tôi bận tâm vì hai lẽ: có bài bản, có hệ thống và tôi đã tìm thấy ít nhiều sự lợi lạc từ hệ thống đó; chứ không xúi tôi phải thờ vị này vị kia một cách mù quáng.
Đức Phật đã tháo gỡ cái vòng kim cô nô lệ ra khỏi đầu tôi, Ngài nói: Con được tự do, con vô ngã. Con đừng vội tin những gì chỉ vì nó là truyền thống, chỉ vì nó được ghi chép trong kinh điển, chỉ vì nó được nói bởi những người nổi tiếng, những người con rất mực kính yêu; đừng vội tin khi chưa kiểm chứng đó là điều bất thiện, điều nên hay không nên.
Tôi nghĩ, tìm ra được một vị sư phụ như vậy hơi khó bởi vì không có vị đạo sư nào dám kêu gọi đệ tử nghi ngờ mình. Đối với Đức Phật, cái quan trọng là Ngài kêu mình phải hiểu được Ngài. Và những giây phút cuối cùng trước khi lìa đời, Ngài nói rõ: Tất cả những hình thức lễ bái cúng dường cho Như Lai không bằng hành trì và hiểu lời dạy của ta. Khi ta mất rồi thì đây chính là lời dạy của ta. Ngài không kêu gọi mình lễ lạy, bái sám, đúc tượng, dựng chùa.
Khi ngài Ānanda hỏi: Bạch Thế Tôn, khi ngài tịch rồi thì chúng tỳ kheo phải làm gì với di thể Thế Tôn?
Đức Phật trả lời: Này Ānanda, các ngươi đã theo ta đến đây là đủ rồi, đừng bận tâm đến chuyện đó, việc lo tống táng Như Lai hãy để cho hàng cư sĩ làm. Trách nhiệm của các ngươi chỉ là tu tập và hoằng pháp. Tu tập và hoằng bá những gì mà các ngươi tu tập, dạy cho người ta điều mình hành trì. (Kinh Đại Bát Niết-bàn).
(Viettheravada)
- Tag :
- Sư Giác Nguyên