CHIÊM BAO HẠC TRẮNG
Thích Nữ Huệ Trân
Trong kiếp phù sinh, biết bao người đốt đuốc tìm tri kỷ mà lúc nhắm mắt xuôi tay cũng vẫn ngậm ngùi ôm mối cô đơn.
Tri kỷ là thế nào mà hiếm hoi như vậy?
Bá Nha một đời nhịp phách mà vắng Tử Kỳ cũng phách rã nhịp lơi!
Phạm Thái lên yên, vó ngựa mãi dặm trường cát bụi thì Trương Quỳnh Như thà ngọc nát vàng phai !
Thế mà, một kẻ ngây ngô giữa chốn ta-bà như tôi lại có tri kỷ ngay từ lúc mở mắt chào đời. Đó là cha tôi, người thường ôm tôi trên cánh tay nôi hồng, ru tôi bằng những câu hát:
“Hồng Hà mênh mông trôi cát tới chân làng quê. Dưới sông, nhiều bến ai về có thấy đồng mía nương chè, với những tình thắm trên làng quê? Hồng Hà chơi vơi, giòng nước trên nguồn về khơi. Sông Thao, ngoài bến Việt Trì, có những chàng áo nâu về. Say mê giòng nước vui tràn trề ….” (1)
Tôi nghe kể lại rằng, mẹ tôi buồn cười lắm khi nghe cha hát ru tôi như thế vì đối với mẹ, đó không phải là những câu ru con ngủ. Ru con phải: “ À … ơi ….Đồng Đăng có phồ Kỳ Lừa. Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh ….” Hay: “Con cò con vạc con nông. Sao mày dẫm lúa đồng ông hỡi cò ? …” Mẹ tôi hiền hòa, chất phác như thế nên càng chế nhạo khi cha ru tôi bằng những câu hát rực lửa đấu tranh hơn:
“Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau, núi rừng âm u. Thu ru, bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một mầu khói thu. Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang. Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn mầu nước sông Lô xưa …” (2)
Tình tự dân tộc và tình yêu quê hương đó đã đưa tôi vào những giấc mộng êm ái đầu đời chứ không phải “Con cò, con vạc, con nông …” Tôi nói rằng tôi may mắn có tri kỷ ngay từ khi mở mắt chào đời là như thế.
Cha không phải chỉ cho tôi hình hài, mà trong sự nhiệm mầu không thể giải thích, cha còn khai sinh cho tôi một đời sống tâm linh phong phú.
Là con gái mà tôi tâm sự với cha những chuyện đáng lẽ chỉ nói với mẹ. Tôi hoàn toàn an tâm khi cha biết tôi đang nghĩ gì và làm gì. Cha luôn là người đầu tiên đọc những bài thơ non nớt mà tôi cặm cụi “sáng tác”. Chẳng phải cha chỉ đọc thôi mà còn lấy những câu đắc ý, để dưới mặt kính trên bàn làm việc. Cha vào tiệm vải mua lụa trắng cho tôi may áo khi thấy áo tôi bị vấy mực, tế nhị và kín đáo kẹp vào tập sách những tờ giấy bạc mới để tôi chi tiêu, khẽ khàng trách mẹ tôi khi tôi bị la rầy vì đôi điều lặt vặt trong bếp núc …..
Lúc nào cha cũng ở đó, bên tôi, và trong tâm hồn tôi như bóng với hình.
Vậy mà !!!!!! ……
Cơn hồng thủy Tháng Tư 75 đã bứt tôi ra khỏi núm ruột !
Tôi nổi trôi bến bờ xa lạ.
Cha vào tù trả nợ nước non.
Bá Nha đập đàn khi Tử Kỳ ngã gục.
Phạm Thái si cuồng vì oan khuất Quỳnh Như.
Thư nhà gửi sang, kèm mảnh giấy nguyệch ngoạc cha viết khi đi nhận gói quà đầu tiên của con gái
“Trời mưa, gió giật, cầu khỉ trơn như mỡ, giầy dép là đất sình lại càng trơn, sợi giây kẽm để vịn tay đu đưa liên hồi, kẻ bật ra xa, người co lại gần, mất thăng bằng tạo ra mất thăng bằng liên tục. Mới nhích được một phần tư cầu, cha nhìn xuống con suối, nước chảy xiết dưới chân mà hoa cả mắt. Rồi cũng phải nhìn lên, trấn tĩnh lại, cố nhích dần cho người khác lết tới. Sợi giây kẽm quái ác hết lôi cha ra, lại đẩy cha vào. Gió giật liên hồi, đôi giầy toàn đất bùn trên thân cây gỗ chỉ còn là sình trộn nước mưa, như không có cái gì khả dĩ giúp cha đi tiếp được nữa. Cha đành đứng yên tại chỗ, nhìn ra mới được nửa con suối, liếc sang bên bạn đồng tù, mặt ai cũng trắng bệch thì biết chắc mình cũng tái mét. Thật là nghìn cân treo sợi tóc, lui chẳng được, tiến cũng chẳng xong … Nhưng nghĩ đến mẹ, đến các con, cha nhất định không để giòng suối cướp mất gói quà, nên dưới mưa ấy, gió ấy, cha xoay ngang chân mà nhích đi, thẳng nhìn lên, không màng đến giòng suối cuồn cuộn dưới chân. Cha thầm khấn Trời Phật, còn để có hôm nay, không lẽ lại cướp đi tình thương của một người tưởng chừng tuyệt vọng ! ….”
Mảnh giấy đó, với thời gian, càng cũ nát thì nét chữ như lại càng hiển hiện.
Khi cha về với Phật thì từng hàng chữ trở thành từng nét khắc chạm trong đáy hồn tôi.
Với những nét khắc chạm đó, tôi lao vào giòng sông lịch sử, tìm cha như đi tìm chính mình. Và nơi giòng sông đó, một chiều mưa bay, tôi run rẩy cảm nhận những vết khắc trong hồn mình mờ ảo, lung linh, giòng sông lênh láng trên cõi lòng người con vọng về cha.
Đó là khi tình cờ đọc một bài thơ.
Không phải, không đơn giản thế! Đó không chỉ là bài thơ. Với tôi, bài thơ này là một trang kinh, là tiếng khóc rạt rào sông thương, biển nhớ, từ tròn kiếp nhân sinh của một người con hướng vọng về đấng sinh thành:
“Mười lăm năm, một bước đường
Đau lòng lữ thứ đoạn trường Cha ơi!
Đêm dài tưởng tượng Cha ngồi
Gối cao tóc trắng rã rời thân con
Phù sinh một kiếp chưa tròn
Chiêm bao hạc trắng hãi hùng thiên cơ
Tuần trăng cữ nước tình cờ
Lạc loài du tử mắt mờ viễn phương
Tàn canh mộng đổ vô thường
Bơ vơ quán trọ khói sương đọa đầy” (*)
Hơn mười lăm năm tụng kinh cho Cha, đến “trang kinh” này tôi đã bất ngờ bật khóc. Khối uẩn tình òa vỡ như mặt trời chiếu rọi đỉnh băng sơn. Nước mắt chảy trên những vết khắc thời gian, nhòa dần oan khuất để Cha nhẹ nhàng hạc trắng vỗ cánh thênh thang.
Tôi thấy được Cha qua hình bóng Cha Lạc Long Quân chưa từng bao giờ rời xa con trẻ, dù trong hạnh phúc hay nơi khổ đau, dù trên thiên đàng hay dưới địa ngục, vì rốt ráo, đàn con trăm trứng chỉ có một cội nguồn. Kẻ nào phủ nhận, lội ngược giòng dân tộc sẽ tự hủy diệt.
Trang kính tạ ơn Thiền Sư Thích Tuệ Sỹ, tác giả bài thơ “Thương Nhớ” tôi đã được đọc trong một chiều mưa bay …
Huệ Trân
(Tháng mười một Âm Lịch- Thắp nhang giỗ cha)
(1) “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận
(2) “Trường ca sông Lô” của Văn Cao
(*)” Thương Nhớ” TS Thích Tuệ Sỹ
- Tag :
- Thích Nữ Huệ Trân