SỰ TRỤC NHÃN TIỀN QUÁ
Quảng Minh
Mỗi độ Xuân về, trong nhà Thiền, bài thơ được nhắc đến nhiều nhất là bài ‘Cáo tật thị chúng’ của thiền sư Mãn Giác (1052 – 1096), có hai câu: “Sự trục nhãn tiền quá, Lão tùng đầu thượng lai.”
Nhân nghiên cứu về Phật tổ tam kinh do thiền sư Thủ Toại chú, chúng tôi vừa phát hiện đoạn văn sau trong phần Quy Sơn cảnh sách chú 溈山警策註, bản Vạn, tập 63, No. 1239:
X63n1239_p0225c22:日往月來。䬃然白首。
X63n1239_p0225c23:古云。只知事逐眼前過。不覺老從頭上來。
Nhật vãng nguyệt lai, táp nhiên bạch thủ. (: Quy Sơn cảnh sách)
Cổ vân, chỉ tri sự trục nhãn tiền quá, bất giác lão tùng đầu thượng lại. (: chú của thiền sư Thủ Toại)
Dịch: Ngày qua tháng lại, vụt cái bạc đầu.
Người xưa nói, ‘Chỉ biết mọi việc trôi qua trước mắt, chẳng hay cái già đã đến trên đầu.’
Thiền sư Thủ Toại (1072 – 1147) ra đời sau thiền sư Mãn Giác đúng 20 năm. Khi thiền sư Mãn Giác thị tịch thì Thủ Toại mới 24 tuổi, chưa xuất gia. Thế nên, có hai trường hợp: một là, câu nói trên của người xưa, và cả hai ngài đều biết, và thiền sư Mãn Giác sử dụng nó nhưng bỏ ‘chỉ tri’ và ‘bất giác’; hai là, thiền sư Thủ Toại có biết bài ‘Cáo tật thị chúng’ này, và sử dụng nó nhưng thêm ‘chi tri’ và ‘bất giác’.
Vô thường là chuyển biến. Vô thường có hai: 1. Sát-na vô thường, chuyển biến trong từng sát-na; 2. Tương tục vô thường (nhất kỳ vô thường), chuyển biến trong từng giai đoạn. ‘Chỉ tri’, là cái biết phân biệt về tương tục vô thường. ‘Bất giác’, là cái vô tri, vô minh về sát-na vô thường. Thế nên, ‘sự trục nhãn tiền quá’, chỉ cho tương tục vô thường, và ‘lão tùng đầu thượng lại’, chỉ cho sát-na vô thường.
Trên cuộc đời này, con người và sự vật đều bị chi phối bởi hai định luật vô thường trên, nhưng có một cái không bị thời gian chi phối hủy hoại, nó thường hằng, đó là tánh giác, diệu tâm của chúng ta, mà được diễn tả qua câu thơ của thiền sư Mãn Giác: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.” Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết, Đêm qua, sân trước, một cành mai.
Ngay trong cái già, cái chết, vô thường, vẫn luôn có cái bất sinh bất diệt. Sinh là biểu hiện, diệt là kết thúc. Sự kết thúc của giai đoạn này là sự biểu hiện của giai đoạn kế tiếp. Như vậy sinh diệt tiếp nối tương tục, sinh là diệt, diệt là sinh, do đó sinh không thật sinh, diệt không thật diệt. Sinh không thật sinh nên gọi là bất sinh, diệt không thật diệt nên gọi là bất diệt. Nghĩa lý bất sinh bất diệt nằm trong sinh diệt vậy.
Quảng Minh
29/12/2019
- Tag :
- Quảng Minh