Buông Bỏ Bè Khi Tới Bờ Bên Kia
Nguyễn Hữu Đức
Gánh nặng và ảo tưởng của tự do
Tôi có thú vui vẽ tranh biếm họa khi có giờ rảnh. Để rèn nghề tay trái này, tôi thường xem tranh biếm họa nước ngoài. Mới đây tôi đã được xem hai tranh nước ngoài. Hai tranh này không chỉ làm tôi mỉm cười vì nét vẽ hài hước mà mà trong đầu tôi nảy ra những suy nghĩ sâu xa hơn, so với những lần thưởng ngoạn tranh biếm trước đây…
Trước hết là tranh biếm của hoạ sĩ người Nga Victor Bogorad (nguồn: Cartoon Gallery, xem tranh). Tranh có tựa “Gánh nặng của tự do”. Tranh diễn tả nỗi khốn khổ cho cái… tư tưởng nô lệ của một con chim vì đã thoát khỏi lồng (cửa lồng đã mở toang rồi), thế mà lại phải còng lưng cõng hoài cái lồng như cái gánh nặng đi suốt cuộc đời còn lại!
Tranh biếm thứ hai là của hoạ sĩ Shaditoon người Syria (nguồn: Cartoon Movement, xem tranh). Tranh có tựa “Ảo tưởng của tự do”. Tranh diễn tả một người mừng rỡ vui hết cỡ vì thoát ra khỏi chiếc lồng nhốt mình từ bấy lâu nay. Tưởng là thoát lồng hưởng được tự do, ngờ đâu đó chỉ là ảo tưởng bởi vì có cái lồng to hơn nhiều úp chụp lên cái lồng nhỏ, người tưởng tự do vẫn bị nhốt trong lồng lớn hơn thôi.
Cả hai tranh vừa gây cười vừa nói lên được ảo tưởng muôn đời của con người. Tranh thứ nhất vẽ về chim nhưng thật ra nói về người. Chim cõng lồng trước đây nhốt nó và sau đó cửa lồng mở cho nó hưởng tự do, nó cứ tưởng lồng là thứ đã đem lại tự do cho nó. Không khác gì con người cõng gánh nặng quá khứ trong tâm tưởng và cho rằng sự nhớ nghĩ quá khứ, tiếc nuối ký ức, chìm đắm trong hồi tưởng chuyện đã qua làm cho con người cảm thấy hạnh phúc. Còn tranh thứ hai vẽ về con người, ý tưởng của tranh nói về ảo tưởng của con người rất rõ. Trong cuộc sống của mình, con người rất thường nghĩ và làm trong ảo tưởng của mình.
Xem hai tranh tôi đã nghĩ sâu xa hơn, đã nghĩ đến những điều đã biết về triết lý Phật giáo.
Triết lý Phật giáo, chủ yếu giúp con người thoát khổ, đã chỉ ra chính sự nhớ nghĩ quá khứ, tiếc nuối ký ức, chìm đắm trong hồi tưởng chuyện đã qua làm cho con người rơi vào bất an, phiền não, khổ đau.
Trong kinh Nhất dạ hiền (số 131, kinh Trung bộ), Đức Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa đến, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính ở đây…”. Hoặc trong kinh Pháp cú (PC.348): “Bỏ qua quá khứ, hiện tại, vị lai mà vượt qua bờ bên kia, tâm giải thoát hết thảy”.
Rõ ràng là phải xem ký ức thường là một kinh nghiệm bất toàn, ký ức là một chướng ngại cho sự thấu hiểu cuộc sống, ký ức là sự tác hại cho mối liên quan giữa người và người, ký ức là sự bám giữ và mắc kẹt trong ảo tưởng sai lầm.
Xem hai tranh tôi nhớ lại chuyện kể về Đức Phật đã đọc.
Buông bỏ bè khi tới bờ bên kia
Một thời Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Đức Phật đã bảo các Tỳ-kheo:
Ta sẽ nói về chiếc bè. Các Thầy khéo suy nghĩ, ghi nhớ trong tâm.
Các Tỳ-kheo thưa: Xin vâng! Bạch Thế Tôn.
Đức Phật bảo: Hãy khởi tâm từ, bi, hỷ, xả đối với tất cả chúng sanh. Vì sao? Pháp thiện còn phải bỏ, huống chi pháp ác. Như có người gặp ách nạn tại chỗ ở, muốn tránh nơi xảy ra ách nạn để đến nơi chốn an ổn. Người ấy phải qua con sông rất lớn, thế mà không có thuyền để có thể sang bờ bên kia. Người ấy suy nghĩ suy tính: ‘Sông này rất sâu rất rộng, ta chỉ có thể thu thập cây cối, cỏ lá kết lại làm bè qua sông, nhờ chiếc bè này chèo từ bờ bên này sang bờ kia’. Bấy giờ, người ấy liền thu góp cành cây, cỏ lá kết bè mà chèo từ bờ này sang bờ bên kia. Thế là người ấy đã qua con rông rộng, sang đến bờ bên kia. Người ấy lại khởi nghĩ: ‘Chiếc bè này có nhiều lợi ích cho ta, do bè này đưa ta qua được qua chỗ ách nạn, từ chỗ sợ hãi đến chỗ an bình. Nay ta không bỏ bè này đâu, đi đâu cũng mang nó theo’. Thế nào, các Tỳ-kheo! Người kia đến nơi rồi có thể vác chiếc bè theo chăng? Hay không nên vác theo?
Các Tỳ-kheo thưa: Bạch Thế Tôn, không nên. Nguyện vọng của người ấy đã được kết quả, còn dùng bè vác theo làm gì!
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Pháp còn phải bỏ, huống chi là phi pháp”.
Biết buông bỏ ký ức
Xem kỹ có hai loại ký ức: ký ức thực tại và ký ức thuộc tâm lý. Ký ức thực tại còn có thể gọi là ký ức sự kiện, kiến thức, kỹ thuật là những gì thuộc sự kiện thật đã xảy ra trong quá khứ liên quan đến kiến thức và kỹ thuật cần thiết tạo nên cuộc sống. Như ký ức về kiến thức kỹ thuật của công nghệ dược phẩm, thiếu nó thì con người không thể tạo ra những viên thuốc dùng cho việc chữa bệnh, phòng bệnh cho con người. Rõ ràng ký ức thực tại rất cần thiết, không có nó con người không thể tồn tại và phát triển. Nhưng bên cạnh đó, con người sở hữu và đối phó với ký ức tâm lý. Ký ức tâm lý là sự nhớ lại những gì đã xảy ra có sự can thiệp của “cái tôi” của người sở hữu ký ức đó. Khổ nỗi, “cái tôi’ luôn phóng chiếu đủ loại dục vọng, khát khao cạnh tranh, đam mê thành tựu. Khổ hơn nữa, ký ức thực tại và ký ức tâm lý luôn tương quan, hòa lẫn, không tách bạch ra một cách rõ ràng. Tôi có ký ức về một người mà người đó đã làm chuyện gây đau lòng cho tôi. Ký ức thực tại giúp tôi nhận biết hình hài, nhân thân người đó nhưng bên cạnh đó, ký ức tâm lý làm tôi nhớ lại sự đau đớn mà hắn ta gây cho tôi. Và “cái tôi” do ký ức tâm lý ảnh hưởng thúc giục tôi phải trả thù. Đến đây không cần kể thêm, ai cũng thấy ký ức tâm lý vừa kể sẽ gây tổn hại cho người và cho mình.
Krishnamurti, bậc thầy về sự thấu hiểu ký ức tâm lý, đã nói: “Ký ức về những chuyện kỹ thuật là điều thiết yếu; nhưng ký ức tâm lý duy trì cái ngã, cái “tôi” và “của tôi”, nó tạo ra trạng thái đồng hóa và trạng thái muốn trường tồn của bản ngã, cái ký ức ấy là hoàn toàn có hại cho cuộc sống và thực tại” (Tự do đầu tiên và cuối cùng).
Biết buông bỏ ký ức có nghĩa là làm chủ ký ức, không để ký ức tâm lý làm chủ lấy mình.
Trong cuộc sống thường ngày, rõ ràng là chúng ta rất cần ký ức. Nhưng rất dễ chúng ta sẽ lầm lạc, không còn minh định sự cần thiết mà sa vào sự nô lệ ký ức tâm lý. Chúng ta dễ có sự nỗ lực và nghĩ hạnh phúc có được khi ta có cái này cái kia, thành đạt cho được điều này điều nọ, cho nên, chúng ta thường nghĩ nhiều về quá khứ và dồn tâm tư để hoạch định tương lai. Thế là, chúng ta không còn làm chủ bản thân mà đánh mất mình trong tiếc thương vô vàn quá khứ, lo lắng quá đáng cho tương lai và hoàn toàn không nhận thức được hiện tại đang sống. Nói theo nhà Phật là chúng ta không có “chánh niệm” để buông bỏ ký ức. Khi an trú trong hiện tại, ta đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc và suy nghĩ trong sự vững chãi, thảnh thơi, an vui và hạnh phúc trong từng giây phút hiện tại.
Từ xa xưa, triết lý đạo Phật đã nói về phương pháp tu tập để “an trú trong hiện tại”. Nhờ tu tập mà con người biết vượt qua các ảo tưởng tai hại của ký ức. Vượt qua đây không có nghĩa là chối bỏ hoàn toàn ký ức, mà là không câu nệ, cố chấp vào ký ức bằng tâm tham sân si.
Hãy buông bỏ ký ức tâm lý như con chim buông bỏ cái lồng cõng trên lưng nó, như con người thoát ra khỏi cái lồng lớn nhỏ nhốt anh ta trong hai tranh biếm họa tôi đề cập ở trên.
Hãy buông bỏ ký ức tâm lý như “buông bỏ bè khi tới bờ bên kia”.
Nguyễn Hữu Đức
Văn Hóa Phật Giáo số 345 1-6-2020
- Tag :
- Nguyễn Hữu Đức