Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Biên Niên Sử Thiền Tông Việt Nam (1010-2000)

Thursday, October 29, 202019:55(View: 13477)
Biên Niên Sử Thiền Tông Việt Nam (1010-2000)

THÍCH HẠNH THÀNH

Biên Soạn

 (Xem bản FDF)

BIÊN NIÊN SỬ

THIỀN TÔNG VIỆT NAM 

(1010 – 2000)

 

NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC - 2016

bien-nien-su-thien-tong-viet-nam

     “Nói Thiền tông Việt Nam là nói Phật giáo Việt Nam. Và những bậc cao Tăng làm sáng cho Phật giáo, làm lợi ích cho dân tộc từ thế kỷ thứ 6 mãi đến nay đều là các Thiền sư.”

(Hòa thượng Thích Thanh Từ)

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

    Đạo Phật Việt Nam có mặt trên đất nước Việt Nam từ bao đời. Theo sự kê cứu của các sử gia thì đạo Phật đã du nhập nước ta từ thời các Thái thú Trung Hoa đặt chân đến cai trị đất Việt. Cũng có thuyết nói từ thế kỷ đầu công nguyên, các Thiền sư Ấn Độ theo những đoàn thương buôn sang Việt Nam và từ đó Phật giáo được truyền bá tại phương Nam. Phật giáo có mặt và phát triển tại trung tâm Luy Lâu, phủ Thuận Thành có thể cùng thời hoặc sớm hơn Phật giáo tại trung tâm Bành Thành.

     Điều đặc biệtđạo Phật có mặt thì thiền tông cũng có mặt, bởi vì đạo Phật Việt Namđạo Phật thiền. Chư vị đại sư đặt nền móng đạo Phật Việt Nam cũng có nghĩa là đặt nền móng Phật giáo thiền tông Việt Nam. Dân tộc Việt Nam trải qua bao cuộc thăng trầm oanh liệt thì đạo Phật Việt Nam cũng gắn bó xuyên suốt. Dân tộc vùng dậy, Phật giáo cũng theo đó mà đóng góp, cùng chịu thịnh suy với dân tộc. Và rồi mọi cuộc đổi thay nào cũng đến hồi kết thúc

     Thiền tông từ thời Thượng Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền xuống, chư vị kế thừa chánh thống thật khiêm nhường, mộc mạc so với dòng thiền Phật giáo nước bạn lân cận. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ thứ 9, thiền tông nước nhà một lần nữa khởi sắc. Đây cũng chính là thời kỳ Phật giáo thịnh hành, đất nước thanh bình, dân tộc Việt Nam an cư lạc nghiệp, ấm no, hạnh phúc. Một phái thiền thứ hai có mặt ở Việt Nam, đó là phái thiền Vô Ngôn Thông. Đạo Phật thiền bắt nhịp cùng dân tộc, xướng khúc tông phong. Chư sư kế thừa mở rộng con đường tuệ giác, góp phần xây dựng đất nước thật sự độc lập.

     Tiếp đến là thời Lý Trần, một thời kỳ vàng son của dân tộc Việt, của Phật giáo Việt. Bấy giờ nước ta có các thiền sư lỗi lạc như Khuông Việt, Vạn Hạnh, Chân Không, Thường Chiếu…Song song với các thiền sư, đất nước xuất hiện các vị danh tướng anh hùng dân tộc như Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt… đã làm nên chiến công hiển hách, mở rộng biên cương nước Việt. Đây là thời kỳ phạt Tống bình Chiêm. Vua quan nước Việt làm nên lịch sử, mở rộng bờ cõi, uy danh rạng ngời. Thời kỳ này một thiền sư nữa xuất hiện, đưa Phật giáo thiền vào nước ta, đó là thiền sư Thảo Đường. Thiền phái này rất được các quân dân ngưỡng mộ và là bước chuyển tiếp cho thời kỳ Phật giáo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

     Khai tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, một ông vua Phật, một đấng anh hùng dân tộc, đã dựng nên chiến tích giữ nước uy dũng, đánh đuổi quân Nguyên Mông hung hãn, mở ra trang sử vàng sáng chói mãi trong lòng dân tộc. Từ khi thiền phái Trúc Lâm được dựng lập, Phật giáo thiền tông phát huy quang đại. Chư vị thiền tổ phấn đấu tu hành, hóa đạo, làm lợi ích chúng sanh, mở ra trang sử mới, Phật giáo sáng ngờigắn liền với dân tộc quê hương.

     Tuy nhiên, các pháp là duyên sinh đều thuận theo luật vô thường biến đổi, đó là một lẽ thực. Các đời sau từ Hậu Lê đến nhà Nguyễn ở phương Nam cho tới thời cận đại, thiền tông mai một dần. Thế nhưng mạng mạch Phật pháp vẫn lưu truyền, đời này đời khác, bao lần kiến tạo, đổi chủ thay ngôi. Các tông phái thiền có mặt ở Việt Nam chỉ còn tìm ẩn nơi rừng sâu núi thẳm. Đất nước có nội biến, giặc phương Tây tràn vào, dân tình thống khổ, quê hương phân đôi chiến tuyến. Nhưng Phật giáo Đàng Trong, Đàng Ngoài cũng vẫn cố nối nắm những dòng thiền đã có mặt từ trước, mặt dù rất mong manhgắng gượng.    

     Mãi đến cuối thế kỷ 20, Hòa thượng Thích Thanh Từ ra đời và phát đại nguyện khôi phục thiền tông Việt Nam. Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử lại tiếp tục sống dậy, hình thành và phát triển khắp ba miền đất nước, dần dần lan rộng sang các nước Âu Châu, Bắc Mỹ. Đây quả thậtthời kỳ Phật giáo nước nhà hưng thịnh về mọi mặt, góp phần chuyển hóa đời sống đạo đức của người dân Việt, hòa cùng nếp sinh hoạt của xã hội, tốt đời đẹp đạo.

     Trong quyển Biên Niên Sử Thiền Tông Việt Nam của soạn giả Thích Hạnh Thành, đã phần nào ghi chép lại những giai đoạn hình thành và phát triển Phật giáo thiền tông Việt Nam. Tuy là đàn hậu học, nhưng với tấm lòng hướng vọng tổ tông, dân tộc, tác giả cố gắng biên soạn trong phạm vi học hiểu giới hạn của mình, sưu tầm trình bày một số tài liệu thiền học căn bản. Việc làm này thật đáng khích lệ.

     Tuy nhiên, ngôi nhà tổ tông thì dữ kiện quá nhiều, người sắp xếp cần khéo léo, cố gắng hệ thống theo thứ tự diễn tiến của lịch sử mà vẫn giữ được chân tinh thần của đạo pháp và dân tộc. Việc làm này không sao tránh khỏi những bất cập, thiếu sót. Mong chư vị tôn túc lãnh đạo giáo hội và chư vị thiện hữu tri thức trong tông môn, các bậc cụ nhãn khắp nơi, vui lòng hướng tiến và bổ túc cho những chỗ còn sai sót. Rất mong tập sách sẽ hoàn chỉnh và bổ ích cho những ai để tâm nghiên cứu về thiền học Phật giáo Việt Nam.

 

                                Tổ đình thiền viện Thường Chiếu, 09-6-2016

 

                                    Hòa thượng THÍCH NHẬT QUANG               

 

LỜI NÓI ĐẦU

 

     Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam đến nay hơn hai ngàn năm, thuở ban đầu những nhà sư truyền giáo sang hoằng hóa ở Giao Châu, dần dần hình thành nên các Thiền phái đầu tiên ở nước ta như Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn ThôngThảo Đường, vào khoảng thế kỷ thứ VI đến thế kỷ XI. Các dòng Thiền này với giáo nghĩa uyên thâm, tinh thần độ tha vô ngã của nó đã xây nền đắp móng cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam phát triển trong những thời kỳ đầu. Đến thời nhà Trần (1225-1400) thì khai sinh Thiền phái Trúc Lâm, do các Thiền sư Trúc Lâm Đầu ĐàTrần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang kế thừa xiển dương làm cho Phật giáo thêm huy hoàng rực rỡ, trở thành quốc giáo thời bấy giờ. 

     Để tiếp nối sự nghiệp truyền bá chánh pháp các Thiền sư từ Trung Quốc sang Việt Nam hành đạo, như Viên VănChuyết Công (1590-1644), Nguyên Thiều – Siêu Bạch (1648-1728), Minh Hoằng – Tử Dung, Minh Hải – Pháp Bảo (1670-1746), Minh Hành – Tại Tại,…Thiền sư Chuyết Công truyền bá tông Lâm Tế, Thiền sư Thủy Nguyệt xiển dương tông Tào Động, đều tại miền Bắc; Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung truyền cho Thiền sư Thiệt Diệu – Liễu Quán, thành lập nên dòng Thiền Lâm Tế - Liễu Quán, Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo thành lập nên dòng Thiền Lâm Tế - Chúc Thánh, hai dòng Thiền này đều ở miền Trung và miền Nam sau này. Trong bối cảnh ấy, Thiền sư Nguyên Thiều truyền thừa tông yếu cho các đệ tử như Thành Đẳng – Minh Lượng, Thành Nhạc - Ẩn Sơn, Minh Vật – Nhất Tri, Minh Giác – Kỳ Phương. Thiền sư Minh Giác hình thành dòng Thập Tháp (Bình Định). Tiến về phương Nam những vùng đất mới mở, ba vị Thiền sư : Thành Đẳng, Thành Nhạc và Minh Vật xiển dương tông phong, truyền bá tôn chỉ cho các đệ tử thành lập nên ba dòng Thiền ở miền Nam, đó là dòng Lâm Tế - Chánh Tông, Lâm Tế - Gia Phổ và Tế Thượng – Chánh Tông. Có thể nói, ba dòng Thiền này chưa thực sự đúng ý nghĩa truyền thống của nó. Bởi vì, các dòng Thiền này không có biệt xuất kệ truyền thừa riêng, không có Tổ đình của môn phái rõ ràng. Qua lịch sử Thiền tông cho thấy, hầu hết các Thiền sư đều nối pháp từ tông Lâm Tế rồi thành lập ra, và truyền lại cho các thế hệ sau. Hiện nay, hai dòng Lâm Tế - Chánh Tông và Lâm Tế - Gia Phổ vẫn tiếp nối truyền thừa rộng rãi ở miền Nam, có những đóng góp không nhỏ cho phong trào chấn hưng, xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam và dân tộc trong gần một thế kỷ qua.

     Thế ấy, trên con đường hoằng hóa các Thiền sư thường vân du hoằng đạo khắp nơi, tùy theo sở nguyện, khi thì ẩn cư ở núi cao rừng thẳm, lúc thì nhập thế giữa đô thị phồn hoa; những năm tháng trải thân làm Phật sự như thuyết pháp giảng kinh, khai sơn tạo tự, tiếp tăng độ chúng,…các sự kiện đó để ghi chép đầy đủ vào sử sách cũng là khó khăn lắm. Tôi nói khó khăn bởi vì thời trước các Thiền sư chỉ chú trọng về mặt tu chứng, không quan tâm nhiều đến việc biên chép thành sử sách; mặt khác phần lớn các ngài luôn vân du hoằng hóa, không an trụ ở một trú xứ nhất định nào. Nhưng sự mất mát to lớn hơn là trải qua bao cuộc chiến tranh của đất nước và thiên tai nên hầu hết những sử sách của Phật giáo không còn lại bao nhiêu. Như chúng ta biết cho đến nay trong số các sách lịch sử Phật giáo Việt Nam, chưa thấy sử gia nào viết về lịch sử Thiền tông Việt Nam, còn về sử biên niên thì lại càng khan hiếm. Hiện nay, chúng tôi chỉ thấy có 2 quyển : Biên Niên Sử Phật Giáo Gia Định – Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh (1600-1992), do THPG Tp. HCM thực hiện, được Nhà xuất bản Tp. HCM xuất bản năm 2001; và Biên Niên Sử Phật Giáo Miền Bắc (1920-1953) của Nguyễn Đại Đồng, được Nhà xuất bản Tôn giáo xuất bản năm 2008.

     Đứng trước hoàn cảnh ấy, chúng tôi là kẻ hậu học với tài sơ trí thiển nhưng vì hoài bão “ẩm thủy tri nguyên”, không cô phụ ân giáo dưỡng của Thầy Tổ, đồng thời cũng để góp phần phát triển ngôi nhà văn hóa Phật giáo Việt Nam, nên mạo muội biên soạn quyển Biên Niên Sử Thiền Tông Việt Nam này.

     Sau cùng, tác giả xin chân thành tri ân Hòa thượng Thích Nhật Quang đã hoan hỷ đọc bản thảo, góp ý kiến bổ sung và viết cho lời giới thiệu, chư tôn thiền đức ở các tự viện cung cấp tư liệu và khuyến khích động viên để tác phẩm này được hoàn thành. Đồng thời xin cám ơn sâu sắc đến các tác giả của những tác phẩm mà tôi đã sử dụng biên soạn cho quyển sách này.

     Trong quá trình biên soạn, dù đã cố gắng hết sức nhưng với kiến thức giới hạn và nguồn sử liệu không mấy dồi dào, nên khó tránh khỏi những sai sót, ngưỡng mong chư tôn thiền đức, chư vị thiện hữu tri thức hoan hỷ đóng góp ý kiến, phê bình để lần tái bản sau được hoàn thiện hơn.

                                         

                                                           Thiền thất Trúc Lâm

                                                  Mùa Hạ năm Bính Thân (2016)

                                                      Sa môn Thích Hạnh Thành

                                                                    Cẩn bút

 

 

PHÀM LỆ

 

     1. Nội dung sách Biên niên sử Thiền tông Việt Nam được trình bày theo thứ tự từng triều đại của lịch sử Việt Nam, ví dụ : Từ Thiền tông thời nhà Lý (1010-1225), đến Thiền tông thời nhà Trần (1225-1400),… đến Thiền tông thời nhà Lê Sơ (1428-1527),… cho đến Thiền tông thời CHXH CNVN (1976-2000). Riêng Thiền tông thời kỳ du nhập và Bắc thuộc; Thiền tông từ năm 2001-2015, thì để vào phần phụ lục, vì tài liệu của tác giả về Thiền tông Việt Nam ở các thời kỳ này còn giới hạn nên việc biên niên lịch sử chưa đầy đủ, do đó chỉ đưa vào phần phụ lục để độc giả tham khảo thêm.

     2. Về giới hạn của đề tài, trong tác phẩm này chúng tôi chỉ nghiên cứu, biên soạn về Thiền tông Việt Nam thuộc hệ Phật giáo Bắc truyền (Đại thừa Phật giáo), còn Thiền phái của những hệ phái Phật giáo khác hiện cũng đang phát triển ở nước ta tác giả xin không biên soạn ở đây. Vì lý do, như trên tôi đã nói bởi tài liệu còn khiếm khuyết, chưa có đủ nhân duyên để nghiên cứu thực tế, khảo sát điền dã. 

     3. Biên niên sử Thiền tông Việt Nam được sắp xếp theo tuần tự thời gian, ví dụ : Năm 1136, năm 1137, năm 1138,…năm Dương lịch trước, đến Âm lịch và Phật lịch, niên hiệu, năm thứ mấy và đời vua nào. Niên hiệu được đặt ra năm nào và sử dụng đến năm nào, tôi chỉ ghi một lần vào năm đầu của niên hiệu, các năm sau của niên hiệu đó không ghi lại năm mà chỉ chép tên niên hiệu thôi; cũng vậy năm vị vua sinh ra hay lên ngôi và năm băng hà, chỉ ghi một lần vào năm đầu đời vua đó, các năm sau trong đời vua đó trị vì sẽ không ghi lại, vì tránh sự dài dòng, khô khan. Ví dụ : Năm 1176 (Bính Thân – PL.1720), niên hiệu Trinh Phù (1176-1185) thứ 1, đời vua Lý Cao Tông (1176-1210), và năm sau chỉ ghi : Năm 1177 (Đinh Dậu – PL.1721), niên hiệu Trinh Phù, thứ 2, đời vua Lý Cao Tông. Nếu trong một năm có hai, ba hoặc bốn niên hiệu hay đời vua thì tác giả sẽ ghi đầy đủ các niên hiệu và năm để độc giả dễ tra cứu. Ví dụ : Năm 1054 (Giáp Ngọ - PL.1598), niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo (1049-1054) năm cuối, đời vua Lý Thái Tông (1028-1054); năm đầu niên hiệu Long Thụy Thái Bình (1054-1058), đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072); Năm 1138 (Mậu Ngọ - PL.1682), niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự (1133-1138) năm cuối, niên hiệu Thiệu Minh (1138-1139) năm đầu, đời vua Lý Anh Tông (1138-1175).

     4. Về Phật lịch, Thiền tông Việt Nam hệ Bắc truyền Phật giáo thuộc tư tưởng Đại Thừa đều sử dụng Phật lịch theo Hội Phật giáo Thế giới, lấy năm 544 trước Tây lịch (tức năm Đức Phật Thích-ca nhập Niết-bàn) là Phật lịch năm đầu tiên, tính đến năm nay (2015) thì Phật lịch là 2559 năm. Đây cũng là Phật lịch phổ thông của Phật giáo Việt Nam hiện nay.

     5. Về tài liệu biên soạn, tác giả sử dụng các nguồn tài liệu như sau : Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Sử Thiền tông Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, chùa Việt Nam; về sách tra cứu gồm các Từ điển Phật giáo; các báo : Tập văn Phật Đản, Tập văn Vu Lan, Tuần báo Giác Ngộ, Văn Hóa Phật Giáo, Liễu Quán, Hoa Đàm và các trang Website.

     6. Trong tác phẩm này về danh xưng, tác giả gọi chư tôn đức là Thiền sư đúng như Phật giáoThiền tông đã sử dụng trước đây. Nhưng từ năm 1930 trở về sau tôi gọi theo phẩm vị của các ngài là Đại đức, Thượng tọa hay Hòa thượng, đúng theo Luật tạng cũng như cách gọi thống nhất của GHPGVN hiện nay. 

 

 


BẢNG CHỮ VIẾT TẮT

 

Sách và Báo trích dẫn :

 

Thiền Uyển Tập Anh                                   : TUTA

Thiền Sư Việt Nam                                      : TSVN

Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh         : NCVTUTA

Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam                     : TSDTVN

Báo Giác Ngộ                                              : BGN

Văn Hóa Phật Giáo                                      : VHPG

Liễu Quán. Số …                                         : LQ. s 

Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái -

Lâm Tế Chúc Thánh                                    : LSTTTPLTCT

Thiền Tông Việt Nam -

Trên đường phục hưng và hoằng hóa           : TTVN

Hành Trạng Chư Ni Việt Nam                     : HTCNVN

Hành Trạng Chư Thiền Đức Xứ Quảng       : HTCTĐXQ

Những Chùa Tháp Phật Giáo Ở Huế           : NCTPGOH

Danh Lam Xứ Huế                                       : DLXH

Biên Niên Sử Giới Đàn Tăng Việt Nam      : BNSGĐTVN

Chư Tôn Thiền Đức Phật Giáo Thuận Hóa : CTTĐPGTH

Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam -

Xứ Đàng Ngoài                                            : LSPGVNXĐN

Biên Niên Sử Phật Giáo Miền Bắc              : BNSPGMB

Tự Viện Phật Giáo Long An                        : TVPGLA 

Sơ Thảo Phật Giáo Bình Dương                  : STPGBD

Những Ngôi Chùa Ở Nam Bộ                      : NNCONB

Biên Niên Sử Phật Giáo 

     Gia Định – Sài Gòn                                 : BNSPGGĐ-SG 

 

Danh từ riêng :

 

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất  : GHPGVNTN

Giáo Hội Tăng Già Nam Việt                       : GHTGNV

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam                     : GHPGVN

Giáo Hội Tăng Già                                        : GHTG

Phật giáo Việt Nam                                       : PGVN

Hội Đồng Chứng Minh                                 : HĐCM

Hội Đồng Trị Sự                                           : HĐTS

Giáo Hội Phật Giáo                                       : GHPG

Mặt Trận Tổ Quốc                                       : MTTQ

Ban Trị Sự                                                    : BTS 

Ban Đại Diện                                                 : BĐD

Chánh Đại Diện                                             : CĐD

Phó Đại Diện                                                 : PĐD

 

 

MỤC LỤC

Lời giới thiệu

Lời nói đầu

Phàm lệ

Bảng chữ viết tắt

Mục Lục

 

PHẦN A. NỘI DUNG

I. Thiền tông thời nhà Lý (1010-1225)

II. Thiền tông thời nhà Trần (1225-1400)

III. Thiền tông thời kỳ thuộc Minh (1414-1427)

IV. Thiền tông thời nhà Lê Sơ (1428-1527)

V. Thiền tông thời nhà Mạc (1527-1592)

VI. Thiền tông thời Lê Trung Hưng (1533-1788) thời Trịnh-Nguyễn phân tranh

VII. Thiền tông thời nhà Tây Sơn (1778-1802)

VIII. Thiền tông thời nhà Nguyễn (1802-1945)

IX. Thiền tông thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1945-1975)

X. Thiền tông Việt Nam giai đoạn 1976- 2000, thời Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 

 

PHẦN B. PHỤ LỤC :

1. Thiền tông thời kỳ du nhập và Bắc thuộc cho đến đầu thời nhà Lý 

2. Thiền tông Việt Nam từ năm 2001 - 2016

3. Những bài kệ truyền thừa của các phái Thiền tại Việt Nam

4. Các biểu đồ sử Thiền tông Việt Nam

5. Thư mục biên soạn

 

         

BIÊN NIÊN SỬ THIỀN TÔNG VIỆT NAM

(1010-2000)

    PHẦN A. NỘI DUNG

I. THIỀN TÔNG THỜI NHÀ LÝ (1010-1225)

 

NĂM 1011 (TÂN HỢI- PL.1555), niên hiệu Thuận Thiên (1010-1028) thứ 2, đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028). 

     • Ngày 15 tháng 2, Đại sư Khuông Việt (933-1011) họ Ngô, tên Chân Lưu, người làng Cát Lợi, huyện Thường Lạc, trụ trì chùa Phật Đà (làng Cát Lợi), thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 4, viên tịch, thọ 79 tuổi. Trước lúc tịch, Thiền sư nói bài kệ“Trong cây sẵn có lửa, Có lửa, lửa lại sanh, Nếu bảo cây không lửa, Cọ xát làm gì sanh”.         

     Khi còn ở đời, Sư thọ giáo với Thiền sư Vân Phong (?-956) ở chùa Khai Quốc, thấu tột thiền yếu và đọc khắp các kinh điển. Đại sư từng được vua phong chức Tăng Thống, sau phong là Khuông Việt Đại Sư  (TSVN).

 

NĂM 1014 (GIÁP DẦN- PL.1558), niên hiệu Thuận Thiên thứ 5, đời vua Lý Thái Tổ

     • Tháng 5 năm Giáp Dần, “Hữu nhai Tăng thống Thẩm Văn Uyển tâu xin lập giới trường ở chùa Vạn Tuế cho tăng đồ thụ giới, vua chuẩn y”

     • Thiền sư Ma-ha (Ma-ha Ma-da) người gốc Chiêm Thành, họ Dương, thuộc Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 10, về chùa Đại Vân ở Trường An. Ngày ngày Sư chuyên cần tu tập được Tổng Trì Tam-muội và các pháp thuật, người đời không thể lường nổi. Hoàng đếĐại Hành ba lần triệu Sư vào cung thưa hỏi, Sư chỉ chấp tay cúi đầu mà thôi. Đến lần thứ ba Sư mới đáp : “cuồng tăng ở chùa Quan Ái.” Vua nổi giận cầm sư ở chùa Vạn Tuế trong Đại nội, cắt người canh gác. Sáng hôm sau thấy Sư ở ngoài phòng tăng, mà cửa vẫn kín như cũ. Vua rất kính phục, bèn trả tự do cho Sư (TUTA, TSVN).

 

NĂM 1016 (BÍNH THÌN- PL.1560), niên hiệu Thuận Thiên thứ 7, đời vua Lý Thái Tổ.

     • Vua Lý Thái Tổ cấp độ điệp cho hơn 1000 người ở kinh sư làm tăng đạo

 

NĂM 1018 (MẬU NGỌ- PL.1562), niên hiệu Thuận Thiên thứ 9, đời vua Lý Thái Tổ.

     • Ngày 15 tháng 5, Thiền sư Vạn Hạnh (?- 1018) họ Nguyễn, người làng Cổ Pháp, ở chùa Lục Tổ, thuộc Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 12, viên tịch. Trước lúc tịch sư gọi chúng tăng lại nói kệ :

“Thân như bóng chớp có rồi không,

Cây cỏ xuân tươi, thu nhuốm hồng,

Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi,

Thạnh suy như cỏ hạt sương đông.” 

     Lúc sinh tiền Thiền sư cùng ngài Định Huệ thọ học với Đạo giả Thiền Ông (902- 979), ở chùa Lục Tổ làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức, sư chăm chỉ học hỏi không biết mệt. Sau khi Thiền Ông tịch diệt, sư chuyên tâm tu tập pháp Tổng Trì Tam-ma-địa, lấy đó làm sự nghiệp. Bấy giờ sư nói ra điều gì, thiên hạ đều coi như lời sấm ngữ. Vua Lê Đại Hành đặc biệt tôn kính sư (TUTA, TSVN).    

 

NĂM 1019 (KỶ MÙI- PL.1563), niên hiệu Thuận Thiên thứ 10, đời vua Lý Thái Tổ.

     • Vua thỉnh Thiền sư Phi Trí hướng dẫn phái đoàn qua Quảng Tây đón nhận Đại Tạng Kinh, do sứ thần Phạm Hạc và Nguyễn Đạo Thanh đến Trung Quốc thỉnh về

 

NĂM 1024 (GIÁP TÝ- PL.1568), niên hiệu Thuận Thiên thứ 15, đời vua Lý Thái Tổ.

     • Vua Lý Thái Tổ sắc dựng chùa Chân Giáo trong nội thành. Chùa làm xong, vua thỉnh các Thiền sư đến thay phiên tụng niệmgiảng đạo

 

NĂM 1029 (KỶ TỴ- PL.1573), niên hiệu Thiên Thành (1028-1033) thứ 2, đời vua Lý Thái Tông (1028-1054).

     • Thiền sư Ma-ha (Ma-ha Ma-da) được Đô úy Nguyễn Quang Lợi (Rị) mời về trụ trì chùa Khai Thiên, ở phủ Thái Bình. Đến năm 1033, sư cáo từ, trở về Hoan Châu.

     • Khoảng niên hiệu Thông Thụy (1034-1038), vua Lý Thái Tông thường đến viếng chùa Trùng Minh trên núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du, do Thiền sư Thiền Lão thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 6, trụ trì. Vua hỏi sư : Hòa thượng trụ núi này đã bao lâu ? sư đáp : 

 Tháng ngày rày biết rõ

 Xuân thu cũ ai hay.

Vua hỏi : Hằng ngày Hòa thượng làm gì ?

Sư đáp :

Trúc biết hoa vàng đâu ngoại cảnh 

Trăng trong mây trắng rõ toàn chân.

Vua hỏi : có ý chỉ gì ? 

Sư đáp : Nhiều lời vô ích (TUTA). 

 

NĂM 1034 (GIÁP TUẤT- PL.1578), niên hiệu Thống Thụy (1034-1038) thứ 1, đời vua Lý Thái Tông (1028-1054).

     • Tháng 4, Hai Thiền sư Minh Tâm (?- 1034) và Thiền sư Bảo Tính (?- 1034) thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 7, cùng trụ chùa Cảm Ứng phủ Thiên Đức, được vua Lý Thái Tông sai sứ thỉnh về kinh. Hai sư bèn mở hội giảng kinh rồi cùng vào trong lửa hỏa quang tam-muội, di cốt kết thành thất bảo, vua xuống chiếu đem thất bảo ấy giữ ở chùa Trường Thánh để cúng dường.

     • Thiền sư Tăng Hưu ở chùa Pháp Vân (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) phát hiện hòm xá lợi nằm ngay trong chùa

     • Vua Lý Thái Tông cho xây thêm nhà chứa kinh Trùng Hưng ở chùa Trùng Quang, trên núi Tiên Du

 

NĂM 1036 (BÍNH TÝ- PL.1580), niên hiệu Thống Thụy thứ 3, đời vua Lý Thái Tông.

     • Vua Lý Thái Tông cho sao chép một Đại Tạng Kinh và để tại nhà chứa kinh Trùng Hưng ở chùa Trùng Quang, trên núi Tiên Du

 

NĂM 1049 (KỶ SỬU- PL.1593), niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo (1049-1054) năm đầu, đời vua Lý Thái Tông.

     • Vua Lý Thái Tông sắc dựng chùa Thiên Hựu (Diên Hựu, còn gọi chùa Một Cột) hiện tọa lạc ở số 1, phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội.

 

NĂM 1050 (CANH DẦN- PL.1594), niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ 2, đời vua Lý Thái Tông.

     • Ngày 03 tháng 3 năm Canh Dần, Trưởng lão Định Hương (?- 1050) họ Lã, người Minh Châu, trụ trì chùa Cảm Ứng, Ba Sơn, phủ Thiên Đức, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 6, thị tịch. Trước lúc tịch Trưởng lão họp chúng đệ tử từ biệt, đọc kệ : “Xưa nay không xứ sở, xứ sở là chân tông, chân tông như thế huyễn, huyễn có là không không”(TSVN). 

 

NĂM 1054 (GIÁP NGỌ- PL.1598), niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo (1049-1054) năm cuối, đời vua Lý Thái Tông (1028-1054); năm đầu niên hiệu Long Thụy Thái Bình (1054-1058), đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072).

     • Vua Lý Thái Tông (1028-1054), húy Phật Mã, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 7, băng hà. Theo TUTA ghi : Nhà vua thường đến tham vấn những yếu chỉ của đạo thiền với Thiền sư Thiền Lão…vua cùng các bậc túc thiền, trưởng lão giảng cứu, bàn luận những điều dị đồng. Vua nói trước mọi người : Trẫm nghĩ bàn tới nguồn tâm của Phật tổ, các bậc Thánh hiền thuở xưa còn không tránh khỏi tiếng chê bai, huống chi là những kẻ hậu học. Nay trẫm muốn cùng các sư giải bày tâm ý của mình. Mỗi người hãy làm một bài kệ để xem sự dụng tâm của từng người như thế nào ? Các sư đều vâng mệnh. Mọi người còn đang tìm ý tứ thì vua đã làm xong. Bài kệ như sau :“Bát nhã thực vô tông, người không, mình cũng không, Phật trước, nay, sau nữa, Pháp tính vốn tương đồng”.

     • Vua Lý Thánh Tông (1023-1072) húy Nhật Tôn, lên ngôi. Sau này vua nối pháp dòng thiền Thảo Đường, đời thứ 1

     • Trong niên hiệu Long Thụy Thái Bình (1054-1058), Tể tướng Dương Đạo Gia lập chùa Diên Linh ở núi Long Đội, huyện An Lang và thỉnh Thiền sư Cứu Chỉ, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 7, về trụ trì.  

 

NĂM 1056 (BÍNH THÂN- PL.1600), niên hiệu Long Thụy Thái Bình (1054-1058) thứ 3, đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072).

     • Vua Lý Thánh Tông xây dựng chùa Sùng Khánh ở phường Báo ThiênCũng năm này, vua cho dựng chùa Đông Lâm ở Điển Lãnh và Tịnh Lự ở núi Đông Cứu. Vua lại sắc đúc một quả chuông đồng, nặng 12.000 cân và tự tay viết bài minh vào chuông 

 

NĂM 1057 (ĐINH DẬU- PL.1601), niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ 4, đời vua Lý Thánh Tông.

     • Vua Lý Thánh Tông xây dựng các chùa Thiên Phúc, Thiên Thọ ở Thăng Long; xây tháp Đại Thắng Tư Thiên (tức tháp Báo Thiên) cao mấy chục trượng, có 12 tầng

 

NĂM 1058 (MẬU TUẤT- PL.1602), niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm cuối, đời vua Lý Thánh Tông.

     • Vua Lý Thánh Tông xây dựng tháp Tường Long ở Đồ Sơn. Cũng năm này, vua sai lang tướng Quách Mãn tạc tượng A-di-đà bằng đá ở huyện Tiên Du 

 

NĂM 1059 (KỶ HỢI- PL.1603), niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065) thứ 1, đời vua Lý Thánh Tông.

     • Vua Lý Thánh Tông xây dựng chùa Sùng Nghiêm Báo Đức ở châu Vũ Ninh

     • Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065) Thiền sư Cứu Chỉ thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông, đời thứ 7, trụ trì chùa Diên Linh (núi Long Đội, Yên Lãng), viên tịch.  

 

NĂM 1061 (TÂN SỬU- PL.1605), niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ 3, đời vua Lý Thánh Tông.

     • Thiền sư Không Lộ (?-1119) khai sơn chùa Nghiêm Quang (sau đổi là chùa Thần Quang) thuộc làng Ngọc Cục, huyện Giao Thủy, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Vũ Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình)

 

NĂM 1063 (QUÝ MÃO- PL.1607), niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh năm cuối, đời vua Lý Thánh Tông.

     • Tăng thống Huệ Sinh (?- 1063) họ Lâm, húy Khu, người ở Đông Phù Liệt, trụ trì chùa Vạn Tuế, thuộc Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 13, viên tịch. Theo TSVN ghi : Năm 19 tuổi, sư xả tục xuất gia cùng sư Pháp ThôngHạc Lâm thờ Thiền sư Định Huệ ở chùa Quang Hưng làm thầy. Từ đây, huyền học càng ngày càng tiến. Thiền sư Định Huệ an ủiấn chứng cho sư. Sau đó, sư vân du khắp các tùng lâm tham vấn đầy đủ yếu chỉ Thiền. Rồi trụ ở Trà Sơn, ngọn núi Bồ-đề. Mỗi lần sư vào thiền định ít ra cũng năm ngày. Người thời bấy giờ gọi sư là nhục thân Đại Sĩ. Vua Lý Thái Tông (1028-1054) nghe danh sư, sai sứ thỉnh ngài về triều đàm đạo, vua rất kính phục, phong chức Nội Cung Phụng Tăng và sắc trụ trì chùa Vạn Tuế, gần thành Thăng Long. Về sau, sư được vua Lý phong chức Đô Tăng Lục; vua Lý Thánh Tông thăng sư chức Tả Nhai Đô Tăng Thống. Sư từng vâng chiếu chỉ soạn văn bia các chùa : Thiên Phúc, Thiên Thánh, Khai Quốc ở Tiên Du; Diệu Nghiêm, Báo Đức ở Vũ Ninh và soạn các sách : Pháp Sự Trai Nghi, Chư Đạo Tràng Khánh Tán Văn, lưu hành ở đời.    

     • Vua Lý Thánh Tông xây dựng chùa ở Ba Sơn để cầu tự

 

NĂM 1066 (BÍNH NGỌ- PL.1610), niên hiệu Long Chương Thiên Tự (1066-1067) thứ 1, đời vua Lý Thánh Tông.

     • Vua Lý Thánh Tông sai Lang tướng Quách Mãn dựng tháp ở núi Tiên Du.

 

NĂM 1069 (KỶ DẬU- PL.1613), niên hiệu Thiên Huống Bảo Tượng (1068-1069) thứ 2, niên hiệu Thần Võ (1069-1072) thứ 1, đời vua Lý Thánh Tông.

     • Vua Lý Thánh Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành, chiếm các châu Địa Lý…Sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc nói rằng : trong số những tù nhân bắt được của Chiêm Thành trong cuộc chinh phạt ấy, có một vị Thiền sư Trung Hoa tên là Thảo Đường (đệ tử của Thiền sư Tuyết Đậu Trùng Hiển, 980-1052). Sau đó, có vị Tăng lục biết được bèn tâu lên vua. Nhà vua cho mời Thiền sư vào triều đàm đạo, khâm phục về sức học và đạo đức của Thảo Đường nên vua phong Thiền sư làm Quốc sư. Từ đó một thiền phái nữa được thành lập, lấy tên là thiền phái Thảo Đường. Thiền sư Thảo Đường trụ trì tại chùa Khai Quốc, ngay ở kinh thành Thăng Long.     

   

NĂM 1070 (CANH TUẤT- PL.1514), niên hiệu Thần Võ thứ 2, đời vua Lý Thánh Tông.

     • Vua Lý Thánh Tông xây dựng chùa Nhị Thiên Vương.

 

NĂM 1071 (TÂN HỢI- PL.1515), niên hiệu Thần Võ thứ 3, đời vua Lý Thánh Tông.

     • Vua Lý Thánh Tông đích thân viết chữ “Phật” cao một trượng sáu, và cho khắc vào bia đá để tại núi Tiên Du 

 

NĂM 1072 (NHÂM TÝ- PL.1516), niên hiệu Thần Võ năm cuối, đời vua Lý Thánh Tông.

     • Vua Lý Thánh Tông (1023-1072) húy Nhật Tôn, thuộc thiền phái Thảo Đường, đời thứ 1, băng hà, hưởng dương 50 tuổi. Sinh tiền, vua xây dựng các chùa Nhị Thiên Vương, Đông Lâm, Tịnh Lự, Thiên Phúc, Thiên Thọ, tháp Báo Thiên, tháp Tường Long,…

 

NĂM 1087 (ĐINH MÃO- PL.1631), niên hiệu Quảng Hựu (1085-1091) thứ 3, đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127).

     • Thiền sư Sùng Phạm (1004- 1087) họ Mâu, thuộc Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 11, viên tịch, thọ 84 tuổi. Sinh thời, sư đến tham vấn thiền sư Vô Ngại ở Hương Thành, được truyền tâm ấn. Từ đó sư đi vân du khắp nơi, sang tận Thiên Trúc để rộng cầu hiểu biết. Vua Lê Đại Hành mấy lần thỉnh sư về kinh để hỏi han huyền chỉ. Vua rất vừa ý, tiếp đãi long trọng.  

     • Trong niên hiệu Quảng Hựu (1085-1091), đời vua Lý Nhân Tông, Thiền sư Quảng Trí, họ Nham, người kinh đô Thăng Long, thuộc dòng Thiền Vô Ngôn Thông, đời thứ 7, thị tịch.  

 

NĂM 1088 (MẬU THÌN- PL.1632), niên hiệu Quảng Hựu thứ 4, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Ngày 14 tháng 6 năm Mậu Thìn, Thiền sư Ngộ Ấn (1020-1088) họ Đàm, tên Khí, quê ở Tư Lý, làng Kim Bài, thuộc dòng Thiền Vô Ngôn Thông, đời thứ 8, trụ trì chùa Long An (Ninh Sơn, phủ Ứng Thiên), viên tịch, thọ 69 tuổi

     • Vua Lý Nhân Tông phong Khô Đầu Thiền sư chức Đại Sư để cố vấn việc quốc chính. 

     • Vua Lý Nhân Tông đã ra lệnh : định các chùa trong nước làm đại, trung và tiểu danh lam, dùng văn quan quý chức kiêm làm đề cử, vì chùa bấy giờ có nhiều điền nô và khố vật

 

NĂM 1090 (CANH NGỌ- PL.1634), niên hiệu Quảng Hựu thứ 6, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Tháng 9 năm Canh Ngọ, Thiền sư Viên Chiếu (999-1090) họ Mai, tên Trực, người huyện Long Đàm, châu Phúc Đường, trụ trì chùa Cát Tường (kinh đô Thăng Long), thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 7, viên tịch, thọ 92 tuổi, 56 tuổi hạ. Những tác phẩm của sư : Dược Sư Thập Nhị Nguyện VănTán Viên Giác Kinh, Thập Nhị Bồ-tát Hạnh Tu Chứng Đạo Tràng, Tham Đồ Hiển Quyết, 1 quyển (TUTA).  

 

NĂM 1092 (NHÂM THÂN- PL. 1636), niên hiệu Hội Phong (1092-1100) năm đầu, đời vua Lý Nhân Tông. 

     • Thiền sư Lê Kim soạn bài minh của bia tháp Hồi Thánh ở núi Ngọc Già. Cũng năm này, Thiền sư soạn văn bia tháp Lăng Già 

 

NĂM 1096 (BÍNH TÝ- PL. 1640), niên hiệu Hội Phong thứ 5, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Ngày rằm tháng 2 năm Bính Tý, Phù Thánh Cảm Linh Nhân Hoàng Thái Hậu đến chùa thiết lễ trai tăng. Trong lúc đàm đạo với các bậc túc tăng kỳ lão, Thái hậu thấy Quốc sư Thông Biện (?-1134) tinh thông giáo điển, biện tài vô ngại, nên Thái hậu phong cho sư làm Tăng thống, ban áo cà-sa, ban hiệu Thông Biện Đại sư 

     • Ngày 30 tháng 11, Đại sư Mãn Giác (1052-1096) họ Nguyễn, húy Trường, người Lũng Triền, làng An Cách, trụ trì chùa Cửu Liên Giáo Nguyên, thị tịch, hưởng dương 45 tuổi, 19 tuổi hạ. Vua Lý Nhân Tông ban lễ hậu, các quan công khanh đều đến dâng hương làm lễ hỏa táng thu xá-lợi, xây tháp tại chùa Sùng Nham làng An Cách để thờ. Vua ban cho sư thụy là Mãn Giác. Sinh tiền, Đại sư được Thiền sư Quảng Trí (chùa Quán Đính) truyền tâm ấn, nối dòng Thiền Vô Ngôn Thông, đời thứ 8, Đại sư cũng từng được vua phong hiệu : Giáo Nguyên Thiền Viện, Hoài Tín Đại Sư, Truyền Tổ Vô Tu Vô Chứng Tâm Ấn; phụng chiếu nhận các chức : Nhập Nội Đạo Tràng, Tứ Tử Đại Sa-môn, Đồng Tam Ty Công Sự, được quyên 50 hộ. Trước khi tịch Sư cáo bệnh để kệ dạy chúng :

“Xuân đi trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa cười.

Trước mắt việc đi mãi,

Trên đầu già đến rồi.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua, sân trước, một cành mai” (TUTA- TSVN).

 

NĂM 1097 (ĐINH SỬU- PL. 1641), niên hiệu Hội Phong thứ 6, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Thiền sư Viên Thông (1080-1151) đỗ đầu khoa thi Tam giáo, được sung chức Đại Văn.

 

NĂM 1099 (KỶ MÃO- PL.1643), niên hiệu Hội Phong thứ 8, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Thiền sư Trì Bát (1049-1117) cúng dường tượng Phật A-di-đà bằng đá cho chùa Kim Hoàng (chùa Một Mái), xã Hoàng Ngô, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây

 

NĂM 1100 (CANH THÌN- PL.1644), niên hiệu Hội Phong thứ 9, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Ngày mùng 01 tháng 11 năm Canh Thìn, Thiền sư Chân Không (1046-1100) họ Vương, húy Hải Thiềm, người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, thị tịch, hưởng dương 55 tuổi, 36 hạ lạp. Theo TUTA ghi : Sinh thời, sư được truyền tâm ấn từ Thiền sư Thảo Nhất (ở chùa Tĩnh Lự, núi Đông Cứu), nối dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 16. Vua Lý Nhân Tông kính mộ sư, viết chiếu chỉ sai sứ mời sư về Đại nội giảng kinh Pháp Hoa, người đến nghe giảng đông nượp như trẩy hội. Bấy giờ, Thái úy Lý Thường Kiệt thứ sử Lạng Châu, tướng quốc họ Thân đặc biệt giữ lễ tôn kính sư, thường xuất của cải cúng dường rất trọng hậu. Sư dùng của công đức ấy vào việc sửa chùa, xây tháp, đúc chuông để lưu truyền muôn đời.   

 

NĂM 1101 (TÂN TỴ- PL.1645), niên hiệu Long Phù (1101-1109) năm đầu, đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127).

     • Ngày 07 tháng 2, Thiền sư Thuần Chân (?- 1101) họ Đào, người làng Cửu Ông, huyện Tế Giang, thuộc dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 12, trụ trì chùa Hoa Quang, thị tịch. Trước khi tịch, sư đọc bài kệ“Chân tính thường không tính, chưa từng có diệt sinh, sinh diệt bởi thân mình, chẳng hề diệt pháp tính”(TUTA). 

 

NĂM 1108 (MẬU TÝ- PL.1652), niên hiệu Long Phù thứ 8, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Thiền sư Viên Thông (1080-1151) đỗ đầu khoa thi Hoằng Tài, được phong chức Nội cung phụng truyền giảng Pháp

 

NĂM 1109 (KỶ SỬU- PL.1653), niên hiệu Long Phù năm cuối, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Thiền sư Huệ Hưng soạn ký, trước tác lang Nghiêm Thường khắc chữ vào chuông chùa Thiên Phúc (núi Phổ Đà Lạc, Sài Sơn, huyện Yên Sơn) do Thiền sư Đạo Hạnh (?-1117) đúc thành (Theo Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn)

     • Thiền sư Minh Không (1076-1141) khai sơn chùa Cổ Lễ ở làng Cổ Lễ, huyện Tây Chân nay thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định

 

NĂM 1110 (CANH DẦN- PL.1654), niên hiệu Hội Tường Đại Khánh (1110-1119) thứ 3, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Chùa Sùng Nghiêm, Diên Thánh ở làng Duy Tinh dựng bia, văn bia do Thiền sư Pháp Bảo (Hải Chiếu) soạn 

NĂM 1112 (NHÂM THÌN- PL.1656), niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 3, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Thiền sư Đạo Hạnh (?- 1117) bị vua Lý Nhân Tông sai quan quân bắt đến lầu Hưng Thánh để triều thần hỏi tội, vì vua nghi ngờ sư làm bùa chú để phá vua. Sau đó, nhờ có Sùng Hiền hầu tâu vua tha cho, sư mới khỏi tội.

     • Quốc sư Viên Thông (1080-1151) trùng hưng chùa Diên Thọ, khi hoàn thành, sư vâng mệnh vua soạn văn bia. Vua đánh giá cao tài năng của sư, thăng cho sư giữ chức Tả nhai Tăng lục.

 

NĂM 1113 (QUÝ TỴ- PL.1657), niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 4, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Ngày 01 tháng 6 năm Quý Tỵ, Ni sư Diệu Nhân (1042-1113) húy Ngọc Kiều, pháp danh Diệu Nhân, thuộc Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 17, trụ trì Ni viện Hương Hải (huyện Tiên Du), viên tịch, thọ 72 tuổi.

     • Chùa Diên Phúc thôn Cổ Việt dựng bia, văn bia do Nguyễn Công Diễm, gia khách của Đỗ Anh Vũ (?-1185) soạn (Theo Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn)

 

NĂM 1117 (ĐINH DẬU- PL.1661), niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 8, đời vua Lý Nhân Tông. 

     • Ngày 18 tháng 2, Thiền sư Trì Bát (1049 - 1117) họ Vạn, người ở Luy Lâu, thuộc Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 12, nguyên trụ trì chùa Tổ Phong (ở núi Thạch Thất, làng Đại Cẩu, Tân Trại) viên tịch, thọ 69 tuổi.

     • Thiền sư Đạo Hạnh (?- 1117) họ Từ, húy Lộ, trụ trì chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích, thuộc Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 12, viên tịch. Lúc còn ở đời, sư đến Thiền sư Sùng Phạm (1004-1087) ở chùa Pháp Vân, được khai ngộ, tỉnh giác, pháp lực thần thông mầu nhiệm.

 

NĂM 1119 (KỶ HỢI- PL.1663) niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 10, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Ngày 3 tháng 6 năm Kỷ Hợi, Thiền sư Không Lộ (?- 1119) họ Dương, người Hải Thanh, trụ trì chùa Nghiêm Quang (làng Hải Thanh), thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 9, thị tịch. Sư từng đọc bài kệ :

“Kiểu đất long xà chọn được nơi

Tình quê lai láng chẳng hề vơi

Có khi xông thẳng lên đầu núi

Một tiếng kêu vang, lạnh cả trời” (TUTA). 

 

NĂM 1121 (TÂN SỬU- PL. 1665), niên hiệu Thiên Phù Duệ Võ (1120-1126) thứ 2, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Thiền sư Giác Hải khai sơn xây dựng chùa Diên Phúc (sau đổi là Viên Quang) ở bờ Nam sông Hồng thuộc hương Giao Thủy, huyện Giao Thủy, lộ Thiên Trường (Văn Bia Chùa Phật Thời Lý, Phân Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Nxb Khoa Học Xã Hội 2011). 

 

NĂM 1122 (NHÂM DẦN- PL. 1666), niên hiệu Thiên Phù Duệ Võ thứ 3, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Chùa Diên Phúc (sau đổi là chùa Viên Quang) thuộc hương Giao Thủy, huyện Giao Thủy, lộ Thiên Trường, xây dựng hoàn thành. Cũng năm này, Thiền sư Đỉnh Đạt soạn văn bia chùa và bài minh quả chuông (Văn Bia Chùa Phật Thời Lý, Phân Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Nxb Khoa Học Xã Hội 2011). 

 

NĂM 1125 (ẤT TỴ- PL. 1669), niên hiệu Thiên Phù Duệ Võ thứ 6, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Ngày 04 tháng Chạp năm Giáp Thìn, dựng bia “Càn Ni Sơn Hương Nghiêm Tự Minh” tại chùa Hương Nghiêm (núi Càn Ni, phủ Thanh Hóa). Chùa này do Thiền sư Pháp Dung (?-1174) khai sơn

 

NĂM 1126 (BÍNH NGỌ- PL. 1670), niên hiệu Thiên Phù Duệ Võ năm cuối, đời vua Lý Nhân Tông.

     • Chùa Linh Xứng, núi Ngưỡng Sơn, làng Ngọ Xá, dựng bia, văn bia do Thiền sư Pháp Bảo (Hải Chiếu) soạn 

 

NĂM 1127 (ĐINH MÙI- PL. 1671), niên hiệu Thiên Phù Khánh Thọ (1127), đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127).

     • Chùa Trung Hưng Diên Thọ làm xong, vua nhờ Quốc sư Viên Thông (1080-1151) soạn văn bia.

 

NĂM 1128 (MẬU THÂN- PL. 1672), niên hiệu Thiên Thuận (1128-1132) năm đầu, đời vua Lý Thần Tông (1128-1138).

     • Quốc sư Viên Thông (1080-1151) được phong chức Hữu Nhai Tăng Thống Tri Giáo Môn Công Sự

     • Khoảng niên hiệu Thiên Thuận (1128-1132), gặp năm hạn hán, vua Lý xuống chiếu thỉnh Thiền sư Thiền Nham (1093-1163) về kinh cầu mưa. Lễ cầu đảo được ứng nghiệm, sư được trọng vào bậc danh tăng, ban cho áo ngự. Sau đó, mỗi khi có việc cầu đảo, triều đình đều giao cho sư làm chủ trì   

 

NĂM 1130 (CANH TUẤT- PL. 1674), niên hiệu Thiên Thuận thứ 3, đời vua Lý Thần Tông.

     • Vua Lý Thần Tông thỉnh Quốc sư Viên Thông (1080-1151) vào điện Sùng Khải để hỏi kế hưng, vong, trị, loạn. Sư đáp : “Thiên hạ cũng ví như đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì nó được yên, đặt vào chỗ nguy thì tất bị nguy. Xin bệ hạ hành xử đức hiếu sinh cho hợp với lòng dân thì dân sẽ kính yêu như cha mẹ, ngưỡng mộ như mặt trăng mặt trời. Ấy là đặt thiên hạ vào chỗ yên vậy…”.

 

NĂM 1134 (GIÁP DẦN- PL.1678), niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự (1133-1138) thứ 2, đời vua Lý Thần Tông.

     • Ngày 12 tháng 2 năm Giáp Dần, Quốc sư Thông Biện (?- 1134) họ Ngô, người làng Đan Phượng, trụ trì chùa Phổ Ninh, huyện Từ Liêm, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 8, viên tịch. Sinh thời, Quốc sư vốn dòng dõi Phật tử, bản tính thông tuệ, học thông Tam giáo. Lúc đầutham vấn thiền học, đắc pháp với Thiền sư Viên Chiếu ở chùa Cát Tường. Sau đó có chiếu chỉ triệu về kinh đô Thăng Long trụ trì chùa Khai Quốc, tự xưng hiệu là Trí Không. Sư được Phù Thánh Cảm Linh Nhân Hoàng Thái Hậu phong làm Tăng thống, ban áo cà-sa màu tía, ban hiệu là Thông Biện Đại sư, hậu thường để tỏ rõ vinh sủng. Sau Thái hậu lại thỉnh Sư vào Đại nội, phong làm Quốc sư để tham vấn, nhờ đó mà Thái hậu hiểu sâu tôn chỉ của Thiền tông (TUTA).  

NĂM 1135 (ẤT MÃO- PL.1679), niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự (1133-1138) thứ 3, đời vua Lý Thần Tông.

     • Thiền sư Giới Không (họ Nguyễn, tên Tuân, thuộc Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 15), được vua Lý triệu về kinh chữa bệnh. Sư vừa về đến cửa khuyết thì có sắc chỉ ủy cho sư đến chùa Gia Lâm để làm phép chú thủy chữa bệnh, mỗi ngày cứu sống được hàng nghìn người. Vua khen ngợi cấp cho 10 hộ được miễn tô thuế để phụng dưỡng.

 

NĂM 1136 (BÍNH THÌN- PL.1680), niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ 4, đời vua Lý Thần Tông.

     • Ngày 14 tháng 6 năm Bính Thìn, Thiền sư Viên Học (1073-1136) họ Hoàng, người làng Như Nguyệt, thuộc dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 17, tu ở chùa Đại An Quốc (huyện Tế Giang) thị tịch, thọ 64 tuổi.

     • Vua bệnh nặng, thuốc chữa không khỏi, Thiền sư Minh Không (1076-1141) chữa lành, phong làm Quốc sư, tha thuế dịch cho vài trăm hộ (Trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

 

NĂM 1137 (ĐINH TỴ- PL.1681), niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ 5, đời vua Lý Thần Tông.

     • Vua Lý Thần Tông sắp băng hà, Quốc sư Viên Thông (1080-1151) được dự vào hàng Cố mệnh thảo tờ di chiếu. Vua phó thác mọi việc cho sư. Năm sau (1138), vua Lý Anh Tông lên ngôi, Thái hậu xét thấy Quốc sư có công lớn nên rất trọng hậu 

 

NĂM 1138 (MẬU NGỌ- PL.1682), niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự (1133-1138) năm cuối, đời vua Lý Thần Tông (1128-1138); niên hiệu Thiệu Minh (1138-1139) năm đầu, đời vua Lý Anh Tông (1138-1175).

     • Hoàng thái hậu Cảm Thánh ra lịnh cho trùng tu chùa Diên Phúc (hay chùa Viên Quang, nay thuộc thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định), do Thiền sư Minh Không trụ trì

 

NĂM 1140 (CANH THÂN- PL.1684), niên hiệu Thiệu Minh thứ 3, đời vua Lý Anh Tông (1138-1175).

     • Ngày 14 tháng 6 (năm Kỷ Mùi ?), Thiền sư Bổn Tịch (?- 1140) họ Nguyễn, trước tên Pháp Mật, người làng Tây Kết, trụ trì chùa Chúc Thánh (huyện Bình Lạc), thuộc Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 13, thị tịch.

 

NĂM 1141 (TÂN DẬU- PL.1685), niên hiệu Đại Định (1140-1162) thứ 2, đời vua Lý Anh Tông.

     • Ngày 01 tháng 8 năm Tân Dậu, Thiền sư Minh Không (1076-1141) tên là Nguyễn Chí Thành, sinh tại làng Loại Trì, huyện Chân Định, tỉnh Nam Định, thuộc Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 13, viên tịch, thọ 66 tuổi. Sinh tiền, sư sang Trung Quốc vào triều xin vua nhà Tống ít đồng về nước đúc Đại Nam Tứ Khí. Vua Tống thuận ý, cấp cho đồng. Thiền sư về nước, đến chùa Quỳnh Lâm (Hải Dương) đúc một tượng Phật A-di-đà cao lớn. Tại kinh đô nơi tháp Báo Thiên, sư đúc một cái đỉnh. Ở Phả lại, sư đúc một quả đại hồng chung. Tại Minh Đảnh, sư đúc một cái vạc.  

     • Thiền sư Bản Tịnh (1100-1176) đến trụ ở núi Kiệt Đặc, Quan hữu bật Ngụy Quốc Bảo kính phục đạo hạnh của sư kính lễ như thầy 

 

NĂM 1142 (NHÂM TUẤT- PL.1686), niên hiệu Đại Định (1140-1162) thứ 3, đời vua Lý Anh Tông.

     • Ngày 27 tháng Giêng năm Nhâm Tuất, Tăng thống Khánh Hỷ (1067-1142) họ Nguyễn, người quê ở Cổ Giao, huyện Long Biên, thuộc Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 14, viên tịch, thọ 76 tuổi. Theo TUTA ghi : Sư theo thọ giáo với Thiền sư Bản Tịch (?-1140) ở chùa Chúc Thánh, được đắc pháp, danh tiếng khắp chốn tùng lâm. Khoảng niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự (1133-1138) sư được vời về kinh. Vua Lý Thần Tông khen sư ứng đối hợp ý, phong làm Tăng Lục, sau thăng đến chức Tăng Thống. Sư có tác phẩm  Ngộ Đạo Thi Ca tập, lưu hành ở đời. 

 

NĂM 1143 (QUÝ HỢI- PL.1687), niên hiệu Đại Định (1140-1162) thứ 4, đời vua Lý Anh Tông.

     • Quốc sư Viên Thông (1080-1151) được vua phong chức Tả hữu nhai Tăng thống Nội cung phụng tri giáo môn công sự, truyền giảng Tam tạng văn chương, ứng chế hộ quốc quân sư, ban hàm Tử y đại sa-môn.

NĂM 1144 (GIÁP TÝ- PL.1689), niên hiệu Đại Định (1140-1162) thứ 5, đời vua Lý Anh Tông (1138-1175).

     • Vua Lý Anh Tông xây dựng các chùa Vĩnh Long, Phúc Thánh

NĂM 1151 (TÂN MÙI- PL.1695), niên hiệu Đại Định (1140-1162) thứ 12, đời vua Lý Anh Tông (1138-1175).

     • Ngày 21 tháng 4 năm Tân Mùi, Quốc sư Viên Thông (1080-1151) họ Nguyễn, húy Nguyên Ức, quê ở Cổ Hiền, trụ trì chùa Quốc Ân (huyện Nam Định), thuộc Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 18, viên tịch, thọ 72 tuổi. Theo TUTA ghi :  Từ nhỏ đã có chí xuất gia, thường đến chùa An Quốc học đạo với Thiền sư Viên Học (1073-1136) nhờ đó hiểu sâu yếu chỉ thiền tông…Quốc sư từng được vua Lý phong các chức : Đại Văn, Nội cung phụng truyền Pháp sư, Tả nhai Tăng lục, Hữu nhai Tăng Thống, Tả hữu nhai Tăng thống nội cung phụng tri giáo môn công sự. Tác phẩm của Quốc sưChư Phật Tích Duyên Sự (hơn 30 quyển), Hồng Chung Văn Bi Ký, Tăng Gia Tạp Lục (hơn 50 quyển), thơ phú có hơn nghìn bài lưu hành ở đời.

 

NĂM 1159 (KỶ MÃO- PL.1703), niên hiệu Đại Định (1140-1162) thứ 20, đời vua Lý Anh Tông.

     • Thiền sư Đạo Huệ (?- 1172) được vua thỉnh về triều để xem bệnh cho Hoàng cô Thụy Minh. Khi vào cung, sư vừa đến cửa ngoài thì bệnh Hoàng cô được lành. Vua Lý rất mừng, mời ở lại chùa Báo Thiên trong khoảng mười ngày. Nhân đó, sư khai đường giáo hóa

 

NĂM 1163 (QUÝ MÙI- PL.1707), niên hiệu Chính Long Bảo Ứng (1163-1173) thứ 1, đời vua Lý Anh Tông (1138-1175).

     • Tháng 2 năm Quý Mùi, Thiền sư Thiền Nham (1093-1163) họ Khương, húy Thông, người làng Cổ Châu, trụ trì chùa Trí Quả (huyện Long Biên), thuộc Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 13, viên tịch, thọ 71 tuổi 

 

NĂM 1165 (ẤT DẬU- PL.1709), niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 3, đời vua Lý Anh Tông.

     • Ngày 07 tháng 6 năm Ất Dậu, Thiền sư Trường Nguyên (1110-1165) họ Phạm, người làng Trường Nguyên, huyện Tiên Du, trụ chùa Sóc Thiên Vương, núi Vệ Linh, Bình Lỗ, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 10, thị tịch, thọ 56 tuổi

 

NĂM 1167 (ĐINH HỢI- PL.1711), niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 5, đời vua Lý Anh Tông.

     • Vua Lý Anh Tông xuống chiếu trùng tu chùa Diên Phúc và đổi tên thành chùa Viên Quang, ở bên bờ Nam sông Hồng, đồng thời đổi tên hương Giao Thủy, thành hương Hộ Xá, huyện Giao Thủy, lộ Thiên Trường (Văn Bia Chùa Phật Thời Lý, Phân Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Nxb Khoa Học Xã Hội 2011). 

     • Vua Lý Anh Tông đến lễ Phật ở chùa Nghiêm Quang thuộc làng Ngọc Cục, huyện Giao Thủy, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình), cúng dường tiền để trùng tu chùa và cho đổi tên là chùa Thần Quang. Chùa này do Thiền sư Không Lộ (?-1119) khai sơn năm 1061

 

NĂM 1170 (CANH DẦN- PL.1714), niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 8, đời vua Lý Anh Tông.

     • Thiền sư Tịnh Không (1091-1170) họ Ngô, người Phúc Châu (Trung Quốc), trụ trì chùa Khai Quốc (phủ Thiên Đức), thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 10, viên tịch, thọ 80 tuổi. Khi còn tại thế, Sư từng được vua phong là “Thạc đức danh Tăng”

 

NĂM 1172 (NHÂM THÌN- PL.1716), niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 10, đời vua Lý Anh Tông.

     • Ngày mồng 01 tháng 8, Thiền sư Đạo Huệ (?- 1172) họ Âu, quê ở Chân Hộ, làng Như Nguyệt, trụ ở chùa Quang Minh, núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 9, thị tịch

 

NĂM 1173 (QUÝ TỴ- PL.1717), niên hiệu Chính Long Bảo Ứng (1163-1173) thứ 11, đời vua Lý Anh Tông.

     • Ngày 07 tháng 5 năm Quý Tỵ, Thiền sư Bảo Giám (?- 1173) họ Kiều, tên Phù, người làng Trung Thụy, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 9, viên tịch. Sắp viên tịch, sư đọc bài kệ rằng :

“Được thành chánh giác ít nhờ tu,

Ấy chỉ nhọc nhằn, trí tuệ ưu.

Nhận được ma-ni lý huyền diệu,

Ví thế trên không hiện vầng hồng” (TSVN). 

 

NĂM 1174 (GIÁP NGỌ- PL.1718), niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo (1174-1175), thứ 1, đời vua Lý Anh Tông (1138-1175).

     • Ngày mùng 05 tháng 2 năm Giáp Ngọ, Thiền sư Pháp Dung (?- 1174) họ Lê, người ở Bối Lý, thuộc dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 15, trụ trì chùa Hương Nghiêm (phủ Thanh Hóa), thị tịch.

     • Thái úy Đỗ Anh Vũ ra lệnh bắt Thiền sư Đại Xả (1120-1180) giam ở thành nội, quở trách nặng nề, nhưng ngài không hề sợ hãi. Vì sư bị nghi ngờ dùng yêu thuật. Nhờ có Thiên Cực công chúa xin với vua nên sư mới khỏi tội.

 

NĂM 1175 (ẤT MÙI- PL.1719), niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo (1174-1175) năm cuối, đời vua Lý Anh Tông (1138-1175).

     • Thiền sư Tịnh Lực (1112-1175) họ Ngô, tên Trạm, người ở Cát Lăng, thuộc dòng Thiền Vô Ngôn Thông, đời thứ 10, trụ trì am Anh Việt Vương Trì (huyện Vũ Ninh), viên tịch, thọ 64 tuổi

     • Ngày 11 tháng 6 năm Ất Mùi, Thiền sư Nguyện Học (?- 1175) họ Nguyễn, người Phù Cẩm, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 10, trụ trì chùa Quảng Báo (làng Chân Hộ, Như Nguyệt), thị tịch. Theo NCVTUTA ghi : Thưở nhỏ sư thọ pháp với ngài Viên Trí chùa Mật Nghiêm. Khi được yếu chỉ, trước tiên sư đến ẩn ở núi Vệ Linh chuyên tu phạm hạnh trải 12 năm. Mỗi khi nhập thiền quán đến 3 ngày mới dậy. Sư thường trì Hương Hải Đại Bi Đà-la-ni, nên việc cầu mưa, trị bệnh, không việc gì là không hiệu nghiệm tức khắc. Vua Lý Anh Tông thấy các điều thần hiệu của sư, ban chiếu cho vào ra cung cấm, để dùng chú trị bệnh.    

     • Tháng 7 năm Ất Mùi, Vua Lý Anh Tông (1136-1175) húy Thiên Tộ, thuộc thiền phái Thảo Đường, đời thứ 3, băng hà, hưởng dương 40 tuổi.

 

NĂM 1176 (BÍNH THÂN- PL.1720), niên hiệu Trinh Phù (1176-1185) thứ 1, đời vua Lý Cao Tông (1176-1210).

     • Tháng Giêng năm Bính Thân, Thiền sư Bản Tịnh (1100-1176) họ Kiều, quê ở Phù Diễn, quận Vĩnh Khang, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 9, trụ trì am Bình Dương (huyện Chí Linh), viên tịch, thọ 77 tuổi

 

NĂM 1177 (ĐINH DẬU- PL.1721), niên hiệu Trinh Phù thứ 2, đời vua Lý Cao Tông.

     • Mùa hè gặp đại hạn, vua Lý Cao Tông thỉnh Thiền sư Tịnh Giới (?- 1207) về kinh để cầu đảo. Sư nghỉ ở chùa Báo Thiên đến nửa đêm thắp hương đứng giữa sân chùa tụng niệm cầu khấn, trời bèn đổ mưa. Vua hết lời khen ngợi sủng ái, thường gọi là Vũ Sư (vị sư giỏi thuật cầu mưa)

 

NĂM 1179 (KỶ SỬU- PL.1723), niên hiệu Trinh Phù thứ 4, đời vua Lý Cao Tông.

     • Vua Lý Cao Tông triệu thỉnh các danh tăng đức trọng về dự lễ khánh thành chùa Chân Giáo ở núi Vạn Bảo. Bấy giờ trời mưa dầm, đường sá lầy lội phương hại đến việc mở hội chùa. Thiền sư Tịnh Giới (?- 1207) lập đàn cầu tạnh, mưa liền ngớt. Xong hội chùa bảy ngày trời lại mưa như cũ

     • Đàm Dĩ Mông dùng kinh Bát-nhã thi để thải bớt tăng đồ

 

NĂM 1180 (CANH TÝ- PL.1724), niên hiệu Trinh Phù thứ 5, đời vua Lý Cao Tông.

     • Ngày 05 tháng 2 năm Canh Tý, Thiền sư Đại Xả (1120-1180) họ Hứa, người phương Đông Tác, trụ trì chùa Báo Đức ở núi Vũ Ninh, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 10, viên tịch, thọ 61 tuổi. Sinh thời, Sư xuất gia lúc nhỏ, theo tu tập thiền định với Thiền sư Đạo Huệ (ở núi Tiên Du), hiểu biết đại khái. Sư từng được vua Lý Anh Tông mời đến hỏi đạo, các vương công, Kiến Ninh Vương, công chúa Thiên Cực đều rất kính trọng

 

NĂM 1188 (MẬU THÂN- PL.1732), niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy (1186-1201) thứ 3, đời vua Lý Cao Tông (1176-1210).

     • Vua Lý Cao Tông đến chùa Pháp Vân ở Duềnh Bà cầu mưa, nhân đó rước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên

 

NĂM 1190 (CANH TUẤT- PL.1734), niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ 5, đời vua Lý Cao Tông.

     • Ngày 09 tháng Giêng năm Canh Tuất, Thiền sư Tín Học (?- 1190) họ Tô, người làng Chu Minh, phủ Thiên Đức, thuộc dòng Thiền Vô Ngôn Thông, đời thứ 10, trụ trì chùa Quán Đính ở núi Không Lộ, thị tịch

     • Ngày 15 tháng 2 năm Canh Tuất, Thiền sư Quảng Nghiêm (1122-1190) họ Nguyễn, người Đan Phượng, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 11, trụ trì chùa Tịnh Quả (huyện Trương Canh), thị tịch, thọ 69 tuổi. Thượng thư Phùng Giáng Tường làm lễ hỏa thiêu, xây tháp phụng thờ

• Ngày 14 tháng 4 năm Canh Tuất, Thiền sư Trí Bảo (?- 1190) họ Nguyễn, người Ô Diên, quận Vĩnh Khang, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 10, trụ ở chùa Thanh Tước (quận Thường Lạc), thị tịch

 

NĂM 1193 (QUÝ SỬU- PL.1737), niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ 8, đời vua Lý Cao Tông.

     • Ngày 12 tháng 8 năm Quý Sửu, Thiền sư Tịnh Thiền (1121-1193) họ Phí, húy Hoàn, người làng Cổ Giao, quận Long Biên, dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 17, trụ trì chùa Long Hoa (huyện Long Biên), thị tịch, thọ 73 tuổi.

 

NĂM 1196 (BÍNH THÌN- PL.1740), niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ 11, đời vua Lý Cao Tông.

     • Thiền sư Minh Trí (?- 1196) họ Tô, pháp danh Thiền Trí, người làng Phù Cầm, thuộc dòng Thiền Vô Ngôn Thông, đời thứ 10, trụ trì chùa Chúc Thánh ở làng Điển Lãnh, thị tịch. Trước lúc tịch, sư đọc bài kệ :

Thông reo trăng nước sáng

Không ảnh cũng không hình

Sắc thân cũng thế vậy

Hư không tìm tiếng vang (TUTA). 

 

NĂM 1198 (MẬU NGỌ- PL.1742), niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ 13, đời vua Lý Cao Tông.

     • Mùa xuân tháng giêng, vua xuống chiếu sa thải tăng đồ theo lời của Đàm Dĩ Mông

 

NĂM 1203 (QUÝ HỢI- PL.1747), niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu (1202-1204) thứ 2, đời vua Lý Cao Tông.

     • Tháng 5 năm Quý Hợi, Thiền sư Đạo Lâm (?- 1203) họ Tăng, người làng Cửu Cao, quận Chu Diên, thuộc dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 16, trụ trì chùa Long Vân ở làng Siêu Loại, Long Phúc, thị tịch.

     • Ngày 24 tháng 9 năm Quý Hợi, Thiền sư Thường Chiếu (?- 1203) họ Phạm, người làng Phù Ninh, thuộc dòng Thiền Vô Ngôn Thông, đời thứ 12, trụ trì chùa Lục Tổ (phủ Thiên Đức), thị tịch. Trước lúc tịch sư đọc kệ : “Đạo vốn không nhan sắc, ngày ngày lại mới tươi, ngoài đại thiên sa giới, chỗ nào chẳng là nhà”. Tác phẩm của sư : Thích Đạo Khoa Giáo, 1 quyển; Nam Tông Tự Pháp Đồ, 1 quyển (TSVN). 

 

NĂM 1206 (BÍNH DẦN- PL.1750), niên hiệu Trị Bình Long Ứng (1205-1210) thứ 2, đời vua Lý Cao Tông.

     • Vua Lý Cao Tông xây dựng chùa Thánh Huân

 

NĂM 1207 (ĐINH MÃO- PL.1751), niên hiệu Trị Bình Long Ứng thứ 3, đời vua Lý Cao Tông.

     • Ngày 07 tháng 7 năm Đinh Mão, Thiền sư Tịnh Giới (?- 1207) họ Chu, húy Hải Ngung, quê ở Giang Mãn, đất Lô Hải Ngung, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 10, trụ trì chùa Quốc Thanh (phủ Nghệ An), viên tịch. Trước khi tịch sư đọc bài kệ :

“Thời này bàn đạo ít tri âm

Vì đạo ngày nay đã mất tâm

Ai giống Tử Kỳ nghe nhạc giỏi

Bá Nha đàn thoảng hiểu tình thâm.” (TUTA). 

 

NĂM 1210 (CANH NGỌ- PL.1754), niên hiệu Trị Bình Long Ứng (1205-1210) năm cuối, đời vua Lý Cao Tông (1176-1210).

     • Ngày 28 tháng 10 năm Canh Ngọ, Vua Lý Cao Tông (1173-1210) húy Long Cán, thuộc thiền phái Thảo Đường, đời thứ 5, băng hà, hưởng dương 38 tuổi

 

NĂM 1213 (QUÝ DẬU- PL.1757), niên hiệu Kiến Gia (1211-1224) thứ 3, đời vua Lý Huệ Tông (1211-1224).

     • Ngày 18 tháng 3 năm Quý Dậu, Thiền sư Y Sơn (?- 1213) họ Nguyễn, quê ở Cẩm Hương, phủ Nghệ An, trụ trì chùa Đại Bi (huyện Long Phúc), thị tịch. Sinh tiền, Sư đến kinh đô tham vấn Quốc sư Viên Thông, được Quốc sư truyền tâm ấn, nối dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đời thứ 19.

 

NĂM 1216 (BÍNH TÝ- PL.1760), niên hiệu Kiến Gia thứ 6, đời vua Lý Huệ Tông.

     • Ngày 18 tháng 2 năm Bính Tý, Thiền sư Thần Nghi (?- 1216) họ Quách, người đất ngoại trại, thuộc dòng Thiền Vô Ngôn Thông, đời thứ 13, trụ trì chùa Thắng Quang, làng Thị Trung, Kim Bài, thị tịch

 

NĂM 1221 (TÂN TỴ- PL.1765), niên hiệu Kiến Gia thứ 11, đời vua Lý Huệ Tông (1211-1224).

     • Thiền sư Hiện Quang (?- 1221) họ Lê, húy Thuần, người kinh đô Thăng Long, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 14, Tổ khai sơn chùa Vân Yên (núi Yên Tử), thị tịch. Theo TUTA ghi : “Năm mười một tuổi, Sư được Thiền sư Thường Chiếu ở chùa Lục Tổ, nhận nuôi làm đệ tử. Sau sư gặp Thiền sư Trí Thông ở chùa Thánh Quả, được nghe một lời nói mà đất lòng bừng sáng, bèn thờ Trí Thông làm thầy. Sư từng nhận lễ cúng dường của công chúa Hoa Dương…

     Vua Lý Huệ Tông kính trọng đức hạnh của sư, nhiều lần đưa lễ vật đến mời về kinh, nhưng lần nào sư cũng lánh mặt, bảo người hầu trả lời với sứ giả rằng : Bần đạo ở đất vua, ăn lộc vua, thờ Phật tại núi này đã lâu năm, thửa công đức chưa thành tựu, tự lấy làm hổ thẹn…”   

     • Thiền sư Đạo Viên – Phù Vân, tức Quốc sư Trúc Lâm, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 15, kế thế trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử.

 

II. THIỀN TÔNG THỜI NHÀ TRẦN (1225-1400)

 

NĂM 1228 (MẬU TÝ- PL.1772), niên hiệu Kiến Trung (1225-1231) thứ 4, đời vua Trần Thái Tông (1225-1258).

     • Tháng 7, Cư sĩ Thông Sư (?- 1228) họ Đặng, người Ốc Hương, huyện An La, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, đời thứ 13, qua đời. Theo TUTA ghi : Lúc đầu cư sĩ cùng Quách Thần Nghi ở chùa Thắng Quang theo học đạo với Thiền sư Thường Chiếu, ở chùa Lục Tổ… Sau khi cư sĩ lãnh ngộ yếu chỉ thiền tông, trở về bản hương truyền giảng giáo pháp, học trò đến học rất đông. Những người đến tham vấn đều được Thông Sư truyền tâm ấn

 

NĂM 1231 (TÂN MÃO- PL.1775), niên hiệu Kiến Trung năm cuối, đời vua Trần Thái Tông.

     • Vua Trần Thái Tông sắc cho nhân dân phải vẽ hình Phật ở khắp các nơi công quán và các nơi công chúng hội họp (theo Đại Nam Thực Lục)

 

NĂM 1236 (BÍNH THÂN- PL.1780), niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình (1232-1250) thứ 5, đời vua Trần Thái Tông.

     • Vua Trần Thái Tông (1218-1277) bỏ triều đình trốn lên núi Yên Tử, ở chùa Vân Yên hiện tại xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Vua tham kiến Thiền sư Trúc Lâm. Theo bài tựa sách Thiền Tông Chỉ Nam ghi : “Thấy trẫm, quốc sư mừng rỡ. Người ung dung bảo trẫm : Lão tăng ở chốn sơn dã đã lâu rồi, xương cứng, mặt gầy, ăn rau răm, nhai hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh rừng đã quen, lòng nhẹ như đám mây nổi, cho nên mới theo gió mà đến đây. Nay bệ hạ bỏ địa vị nhân chủ mà nghỉ đến cảnh quê mùa rừng núi, hẳn là muốn tìm cầu gì ở đây cho nên mới đến, phải không ? Trẫm nghe lời thầy hỏi, hai hàng nước mắt ứa ra, liền thưa với thầy rằng : “Trẫm còn thơ ấu, đã sớm mất mẹ cha, chơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nào để nương tựa. Lại nghĩ rằng sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường, cho nên trẫm mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Phật, chứ chẳng muốn tìm gì khác”. Thầy đáp : “Trong núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lại và trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần phải đi tìm cực khổ ở bên ngoài”.

  

NĂM 1248 (MẬU THÂN- PL.1792), niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 17, đời vua Trần Thái Tông.

     • Khoảng năm 1248, Quốc sư Trúc Lâm xuống kinh đô theo lời mời của vua Thái Tông để kiểm điểm lại các bộ kinh và lục trước khi đem khắc bản gỗ để ấn loát, phát hành

 

NĂM 1256 (BÍNH THÌN- PL.1800), niên hiệu Nguyên Phong (1251-1258) thứ 6, đời vua Trần Thái Tông.

     • Vua sắc đúc 330 quả chuông treo ở các chùa

 

NĂM 1258 (MẬU NGỌ- PL.1802), niên hiệu Nguyên Phong (1251-1258) năm cuối, đời vua Trần Thái Tông (1225-1258); niên hiệu Thiệu Long (1258-1272) thứ 1, đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278).

     • Mùa thu tháng 8 gió lớn, đỉnh tháp Báo Thiên rơi

     • Ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258) ngày sinh của vua Trần Nhân Tông (Trần Khâm), Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm.

 

NĂM 1262 (NHÂM TUẤT- PL.1806), niên hiệu Thiệu Long thứ 5, đời vua Trần Thánh Tông.

     • Thượng hoàng Trần Thái Tông (1218-1277) sắc dựng chùa Phổ Minh ở phía Tây điện Thiên Trường

 

NĂM 1274 (GIÁP TUẤT- PL.1818), niên hiệu Bảo Phù (1273-1278) thứ 2, đời vua Trần Thánh Tông.

     • Ngài Lý Đạo Tái (sau này là Thiền sư Huyền Quang, 1254-1334) thi đỗ Tiến sĩ (Trạng Nguyên), năm 21 tuổi. Sau đó, ngài được bổ làm quan ở Hàn Lâm Viện

 

NĂM 1277 (ĐINH SỬU- PL.1821), niên hiệu Bảo Phù thứ 5, đời vua Trần Thánh Tông.

     • Ngày 01 tháng 4 năm Đinh Sửu, Thượng hoàng Trần Thái Tông (1218-1277) băng hà, thọ 60 tuổi. Sinh tiền, Thượng hoàng được ý chỉ Thiền tông nơi Thiền sư Thiện Phong, vị tăng nhà Tống (Trung Quốc); từng thọ giáo với Quốc sư Phù Vân. Tác phẩm của Thượng hoàng có : Văn Tập, 1 q, Thiền Tông Chỉ Nam Ca, Kim Cương Tam Muội Kinh Chú Giải, Bình Đẳng Lễ Sám Văn, Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi, Khóa Hư Lục, 10 q (LSPGVN, TĐL). 

 

NĂM 1278 (MẬU DẦN- PL.1822), niên hiệu Bảo Phù (1273-1278)  năm cuối, đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278).

     • Hoàng hậu Thiên Cảm qua đời, vua Thánh Tông cúng chay, ở trong cung, bảo con là Nhân Tông đi mời Tuệ Trung Thượng Sĩ đến dự. Có mặt trong lễ khai đường là nhiều vị tôn túc, trưởng lão của thiền môn. Thánh tông thỉnh mỗi vị làm một bài kệ ngắn để tỏ bày kiến giải về Phật pháp của mình. Trong lúc tư tưởng các vị còn như “nước đọng vũng bùn” chưa được khai thông thì mang giấy bút trước mặt Tuệ Trung. Ông viết liền bài kệ sau đây : “Viết kệ trình kiến giải, như dụi mắt thấy quái, dụi mắt thấy quái xong, lại rỡ ràng tự tại”.

Vua Thánh Tông đọc xong phê tiếp như sau : “Rỡ ràng và tự tại, cũng một thứ thấy quái, thấy quái mà không quái, thì quái ấy tự hoại” (VNPGSL).

     • Khoảng năm 1278, vua Trần Nhân Tông (1258-1308) được Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) ấn chứng (LSPGVN).

 

NĂM 1290 (CANH DẦN- PL.1834), niên hiệu Trùng Hưng (1285-1293) thứ 6, đời vua Trần Nhân Tông (1279-1293).

     • Ngày 22 tháng 5 năm Canh Dần, Thượng hoàng Trần Thánh Tông (1240-1290) băng hà ở cung Nhâm Thọ, hưởng thọ 51 tuổi. Sinh tiền, vua được ý chỉ thiền tông nơi Quốc sư Trúc Lâm Đại Đăng. Tác phẩm của vua có : Văn Tập, Chỉ Giá Minh, Thiền Tông Liễu Ngộ Ca. 

 

 

NĂM 1291 (TÂN MÃO- PL.1835), niên hiệu Trùng Hưng thứ 7, đời vua Trần Nhân Tông.

     • Ngày 01 tháng 4 năm Tân Mão, Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291), tên Trần Tung, con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Thái  Vương Trần Liễu, là anh cả của Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, được phong tước Hưng Ninh Vương, viên tịch, thọ 62 tuổi. Theo TSVN ghi : Lúc còn để chỏm, ngài đã chuộng cửa không. Đến tham vấn Thiền sư Tiêu Daotịnh xá Phước Đường, ngài lãnh hội được yếu chỉ, bèn thờ làm thầy, lấy thiền duyệt làm cái vui hằng ngày…Vua Trần Nhân Tông nhớ ơn ngài dạy dỗ, sai thợ vẽ chân dung thờ và lấy đạo của ngài truyền cho mà tuyên dương, lập nên phái Trúc Lâm. Ông có tác phẩmTuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục

 

NĂM 1293 (QUÝ TỴ- PL.1837), niên hiệu Trùng Hưng (1285-1293) năm cuối, đời vua Trần Nhân Tông (1279-1293); niên hiệu Hưng Long (1293-1314) năm đầu, đời vua Trần Anh Tông (1293-1314). 

     • Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng. Ở ngôi Thái thượng hoàng để chỉ dạy cho con được sáu năm, ngài sắp đặt việc xuất gia

 

NĂM 1296 (BÍNH THÂN- PL.1840), niên hiệu Hưng Long thứ 4, đời vua Trần Anh Tông.

     • Ngày 01 tháng 3, Thiền sư Mật Vân ở Lịch Sơn soạn bài minh để khắc vào chuông chùa Bình Lâm nay ở thôn Mường Nam, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

 

NĂM 1299 (KỶ HỢI- PL.1843), niên hiệu Hưng Long thứ 7, đời vua Trần Anh Tông.

     • Tháng 7 năm Kỷ Hợi, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) lập am Ngự Dược trên núi Yên Tử.

     • Tháng 10 năm Kỷ Hợi, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), tên Trần Khâm, con vua Trần Thánh Tông, xuất gia vào tu ở núi Yên Tử. Ở đây, ngài chuyên cần tu tập theo hạnh đầu-đà (khổ hạnh) lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu- đà

     • Sách Phật Giáo Pháp Sự Đạo Tràng Công Văn Cách Thức ấn hành

NĂM 1301 (TÂN SỬU- PL.1845), niên hiệu Hưng Long thứ 8, đời vua Trần Anh Tông.

     • Sơ Tổ Trúc Lâm - Đầu Đà (1258-1308) vân du về phương Nam, đến biên giới phía Nam, cửa Đại Việt lập am Tri Kiến ở châu Bố Chánh (Quảng Bình ngày nay)

     • Sơ Tổ phái Trúc Lâm (1258-1308) đi Chiêm Thành để quan sát Phật giáo ở đây. Vua đi với tư cách một du tăng, có một số tăng sĩ tùy tùng. Vua đã lưu lại đây đến tháng mười mới về. Trong thời gian lưu trú tại Chiêm Thành, ngài đã đàm đạo với vua nước Chiêm Thành là Chế Mân. Sơ Tổ Trúc Lâm đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm

 

NĂM 1303 (QUÝ MÃO- PL.1847), niên hiệu Hưng Long (1293-1314) thứ 10, đời vua Trần Anh Tông (1293-1314).

     • Ngày 15 tháng 1 năm Quí Mão, Sơ Tổ phái Trúc Lâm (1258-1308) đi Chiêm Thành về, vua Trần Anh Tông thiết một đàn tràng lớn gọi là : “Vô Lượng Phật Pháp” ở chùa Phổ Minh hành lễ và phát chẩn cho dân nghèo. 

 

NĂM 1304 (GIÁP THÌN- PL.1848), niên hiệu Hưng Long thứ 12, đời vua Trần Anh Tông.

     • Sơ Tổ phái Trúc Lâm (1258-1308) vân du khắp nơi khuyên dân dẹp bỏ những dâm từ (miếu thờ thần không chánh đáng) và dạy họ tu hành Thập thiện

     • Cuối nămvua Trần Anh Tông thỉnh Sơ Tổ phái Trúc Lâm vào Đại nội và xin thọ Tại Gia Bồ-tát Tâm Giới…Ngày Tổ Trúc Lâm vào thành, vương công bách quan đều theo vua đi đón. Thấy vua phát nguyện thọ giới Bồ-tát, mọi người cũng xin phát nguyện thọ Tam quy ngũ giới.

     • Ngài Đồng Kiên Cương (1284-1330, sau là Nhị Tổ Pháp Loa) lễ bái Sơ Tổ Trúc Lâm xin được xuất gia. Sơ Tổ trông thấy bằng lòng, nói : “Kẻ này có đạo nhãn, sau ắt làm pháp khí, vui vẻ tự đến đây”. Ngài bèn cho hiệu là Thiện Lai, dẫn về liêu Kỳ Lân ở Linh Sơn cạo tóctruyền giới Sa-di

 

NĂM 1305 (ẤT TỴ- PL.1849), niên hiệu Hưng Long thứ 13, đời vua Trần Anh Tông.

     • Ngài Lý Đạo Tái (1254-1334) xuất gia thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, được ban pháp hiệuHuyền Quang, theo làm thị giả Điều Ngự (Sơ Tổ Trúc Lâm).

     • Vua Trần Anh Tông xây tháp Phổ Minh ở chùa Phổ Minh, nay thuộc xã Lộc Vượng, Tp. Nam Định. Tháp có bốn mặt, cao 21m, 12 từng, đỉnh tháp làm bằng đồng, chân tháp hình vuông, mỗi cạnh 5m20

 

NĂM 1306 (BÍNH NGỌ- PL.1850), niên hiệu Hưng Long thứ 14, đời vua Trần Anh Tông.

     • Thiền sư Thiện Lai (1284-1330) được Sơ Tổ Trúc Lâm làm lễ truyền giới Tỳ-kheo và Bồ-tát, ban cho hiệu là Pháp Loa tại viện Kỳ Lân. Cũng năm này, Thiền sư được cử làm giảng chủ chùa Báo Ân (huyện Siêu Loại)

     • Ngày 09 tháng Giêng (nhuận) năm Bính Ngọ, Sơ Tổ phái thiền Trúc Lâm giảng pháp tại viện Kỳ Lân ở Linh Sơn

 

NĂM 1307 (ĐINH MÙI- PL.1851), niên hiệu Hưng Long thứ 15, đời vua Trần Anh Tông.

     • Tháng 8, Sơ Tổ phái Trúc Lâm (1258-1308) lên ở am trên đảnh Ngọa Vân Phong. Ngày rằm làm lễ Bố-tát (sám hối tụng giới) xong, Sơ Tổ cho mọi người xuống, lấy y bát và viết tâm kệ trao cho ngài Pháp Loa, dạy khéo giữ gìn 

     • Sơ Tổ phái Trúc Lâm (1258-1308) trụ ở am Thiên Bảo Quan giảng Đại Huệ Ngữ Lục cho ngài Pháp Loa cùng bảy, tám thị giả nghe 

 

NĂM 1308 (MẬU THÂN- PL.1852), niên hiệu Hưng Long thứ 16, đời vua Trần Anh Tông.

     • Mồng một Tết tháng Giêng năm Mậu Thân, Sơ Tổ phái Trúc Lâm (1258-1308) sai Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) đến làm trụ trì chùa Báo Ân ở Siêu Loại, và được giao cho chức vụ Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm

     • Tháng 4 năm Mậu Thân, Sơ Tổ phái Trúc Lâm (1258-1308) kiết hạ ba tháng tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng – Hà Bắc), ủy cho Thiền sư Pháp Loa làm trụ trì chùa này. Đồng thời ngài giảng Truyền Đăng Lục cho đại chúng nghe. Thỉnh Quốc sư Đạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa  

     • Tháng 7, Sơ Tổ phái Trúc Lâm (1258-1308) lên núi Yên Tử, ở am Tử Tiêu, giảng Truyền Đăng Lục riêng cho Pháp Loa

     • Tháng 9, Sơ Tổ phái Trúc Lâm (1258-1308) đi du hành mọi nơi trên núi Yên Tử, có Thiền sư Bảo Sát đi theo

     • Tháng 10, Thiên Thụy công chúa, chị của Sơ Tổ phái Trúc Lâm (1258-1308), bệnh nặng nên ngài phải chống gậy xuống núi, chỉ có một thị giả theo hầu. Sơ Tổ đi từ mồng năm đến mồng mười mới đến kinh đô. Thăm chị xong, ngày rằm lên đường về núi. Trên đường ghé nghỉ đêm tại chùa Siêu Loại. Sáng mai lại lên đường, đi ngang qua làng Cổ Châu (chắc là chùa Pháp Vân) ghé lại chơi, có đề một bài thơ như sau trên vách : “Số đời một hơi thở, tình đời hai biển trăng, cung ma đâu sá kể ? nước Phật một trời xuân” (VNPGSL). 

     • Ngày 17 tháng 10, Sơ Tổ Trúc Lâm nghỉ đêm tại chùa Sùng Nghiêm (Chí Linh). Tuyên Từ hoàng thái hậu thỉnh về am Bình Dương thọ trai. Tổ vui và nói : “có lẽ đây là buổi cúng dường cuối cùng”

     • Theo Tam Tổ Thực Lục chép : “Ngày 18, Sơ Tổ Trúc Lâm lại lên đường. Tới chùa Tú Lâm ở ngọn An Kỳ Sinh thấy nhứt đầu mới bảo hai vị Tỳ-khưu là Tử Dinh và Hoàng Trung rằng : “Tôi muốn lên đỉnh Ngọa Vân mà sức chân yếu quá không thể đi được, bây giờ làm sao ?” Hai vị nói : “Hai chúng tôi xin đỡ ngài đi”. Lên tới đỉnh Ngọa Vân, Điều Ngự (Sơ Tổ Trúc Lâm) cảm ơn hai vị và nói : “Quí vị xuống núi lo tu hành, đừng xem chuyện sinh tử là nhàn hạ”. Ngày 19, Sơ Tổ bảo thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu núi Yên Tử gọi Thiền sư Bảo Sát đến gấp…Ngày 21, ngài Bảo Sát đến nơi. Đức Điều Ngự trông thấy, cười mà nói : “Ngươi sao đến muộn thế ? Ta sắp đi rồi. Trong Phật pháp có điều gì chưa hiểu thì mau hỏi đi” Bảo Sát nói : “Khi Mã Tổ Đại sư bệnh, vị viện chủ hỏi : gần đây tôn vị thế nào ? Mã Tổ đáp : Ngày đối diện Phật, đêm đối diện Phật. Ý ấy thế nào ?” Điều Ngự lớn tiếng : “Ngũ Đế và Tam Hoàng là vật gì ?” Bảo Sát tiếp : “Hoa nở rực rỡ phô màu gấm, tre phương Nam gỗ phương Bắc, phải hiểu thế nào ?” Điều Ngự nói : “Mù mắt ngươi đi”. Bảo Sát liền thôi…

     • Ngày 01 tháng 11 năm Mậu Thân, đúng nửa đêm, sao sáng đầy trời, Sơ Tổ Trúc Lâm hỏi : bây giờ là giờ gì ? Bảo Sát thưa : giờ Tý. Sơ Tổ đưa tay ra hiệu mở cửa sổ để nhìn ra ngoài. Nói : “Đến giờ ta đi rồi vậy” Bảo Sát hỏi : “Tôn đức đi đâu bây giờ ?”. Sơ Tổ nói :

“Mọi pháp đều không sinh, mọi pháp đều không diệt, nếu hiểu được như thế, chư Phật thường hiện tiền, chẳng đi cũng chẳng lại”

Bảo Sát hỏi thêm : “Còn khi bất sinh bất diệt thì sao ?” Sơ Tổ khua tay nói : “Thôi đừng nói mê nữa”, rồi ngồi theo kiểu sư tử tọa mà hóa…thọ 51 tuổi. 

     Thiền sư Pháp Loa theo lời di chúc của Sơ Tổ Trúc Lâm (1258-1308) làm lễ hỏa táng, lượm ngọc cốt có năm màu để vào bình. Vua Trần Anh Tông cùng đình thần đem long giá rước ngọc cốt về tôn thờ nơi Đức Lăng và xây tháp ở chùa Vân Yên núi Yên Tử, để hiệu là Huệ Quang Kim Tháp và dâng tôn hiệuĐại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu-đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật. Sơ Tổ Trúc Lâm còn truyền lại những tác phẩmThiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng-già Toái Sự, Thạch Thất Mị Ngữ (VNPGSL- TSVN). 

     • Triều đình cúng cho chùa Báo Ân ở Siêu Loại, do Tỳ-khưu Pháp Loa mới về làm trụ trì, 100 mẫu ruộng và cấp người cày cấy để lấy hoa lợi cho chùa

 

NĂM 1309 (KỶ DẬU- PL.1853), niên hiệu Hưng Long thứ 17, đời vua Trần Anh Tông.

     • Vua Trần Anh Tông (1293-1314) ra chiếu mời Quốc sư Liễu Minh giảng kinh Pháp Hoa và kinh Lăng Già Thông Nghị tại chùa Tư Phúc.

     • Lễ Vu Lan năm Kỷ Dậu, Nhị tổ Trúc Lâm - Pháp Loa tổ chức trai đàn tưởng niệm và cầu nguyện cho Sơ tổ Trúc Lâm Đầu Đà. Cũng năm này, Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) theo hầu Nhị Tổ Pháp Loa y lời phó chúc của Điều Ngự (Sơ Tổ Trúc Lâm).  

 

NĂM 1310 (CANH TUẤT- PL.1854), niên hiệu Hưng Long thứ 18, đời vua Trần Anh Tông.

     • Ngày 16 tháng 9 năm Canh Tuất, triều đình làm lễ rước linh cữu (đựng tro xương) Sơ Tổ Trúc Lâm (1258-1308) về chôn ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng. Một ít tro xương này thì được an trí tại bảo tháp Huệ Quang ở am Ngọa Vân trên núi Yên Tử, Thiền sư Trí Thông ở chùa Siêu Loại về tháp Huệ Quang để phụng hầu hương khói

     • Khoảng năm 1310 – 1313, sách Lược Dẫn Thiền Phái Đồ Tinh Tự được biên soạn

     • Vua Trần Anh Tông ban chiếu cho Đô Tăng ba năm một lần trong lễ Vu Lan cúng chay Sơ Tổ Trúc Lâm, Thiền sư Pháp Loa giảng yếu chỉ kinh Hoa Nghiêm

 

NĂM 1311 (TÂN HỢI- PL.1855), niên hiệu Hưng Long thứ 19, đời vua Trần Anh Tông.

     • Tháng 4, Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) giảng Truyền Đăng Lục tại chùa Siêu Loại. Sau đó, ngài Huyền Quang trình kiến giải, sư đều chấp nhận 

     • Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) phụng chiếu tiếp tục khắc bản Đại Tạng Kinh. Sư giao cho ngài Bảo Sát làm chủ việc này

 

NĂM 1312 (NHÂM TÝ- PL.1856), niên hiệu Hưng Long thứ 20, đời vua Trần Anh Tông.

     • Vua Trần Anh Tông (1293-1314) cúng dường năm vạn quan tiền để Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) bố thí cho dân nghèo. Vua cũng dâng cúng thuyền bè và kiệu phu cho chùa dùng, nhưng Thiền sư từ chối không nhận. Vua lại sai lấy 500 mẫu ruộng từ Niệm Như Trang cúng vào chùa làm bất động sản

     • Vua Trần Anh Tông (1293-1314) ra chiếu mời Tôn giả Phổ Tuệ (tức Thiền sư Pháp Loa, 1284-1330) vào chùa Tư Phúc trong đại nội giảng Đại Huệ Ngữ Lục và tham hỏi về ý chỉ Thiền.

 

NĂM 1313 (QUÝ SỬU- PL.1857), niên hiệu Hưng Long thứ 21, đời vua Trần Anh Tông.

     • Ngày rằm tháng Giêng, Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) phụng chiếu vua Anh Tông về triều, ở chùa Báo Ân, giảng kinh Lăng Nghiêm. Sau đó, sư dâng chiếu xin về quê thăm viếng cha mẹ. Nhân đây, ngài lập ngôi chùa phía tây nhà, để hiệu là chùa Đại Bi 

     • Tháng 2, Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) giảng Thiền Lâm ngữ lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ lục và kinh Duy Ma tại viện Long Đàm

     • Tháng 9, Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lượng Giang, quy định mọi chức vụ của tăng sĩ trong Giáo hội, kiểm tra tự viện và làm sổ tăng tịch. Chúng tăng từ đây mới có sổ bộ, chính sư là người cầm sổ bộ ấy. Lúc đó, Thiền sư độ hơn một ngàn vị tăng. Về sau cứ ba năm một lần độ tăng như thế 

     • Giáo hội Trúc Lâm do Sơ Tổ Trúc Lâm (1258-1308) khai sáng, truyền bá đến năm này (1313) có trên 100 ngôi chùa

     • Vua Trần Anh Tông theo lời di chiếu của Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông lấy những bảo vật thờ tự tam bảo của mẹ mà cúng dường vào chùa Báo Ân ở huyện Siêu Loại, lại cúng dường vật liệu xây dựngcung cấp thợ phu để làm thêm chùa tháp 

     • Bảo Từ Hoàng thái hậu cúng vào chùa Siêu Loại 300 mẫu gia điền. Trước đây, Hoàng thái hậu đã quy y tại chùa này

     • Vua Trần Anh Tông (1293-1314) đem các bảo vật thừa tự Tam Bảo cúng cho chùa Báo Ân ở huyện Siêu Loại

     • Khoảng năm 1313, Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) về trụ trì chùa Ninh Phúc (nay là chùa Bút Tháp hay Nhạn Tháp), cho trùng tu lại chùa, xây tháp “Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa” chín từng

 

NĂM 1314 (GIÁP DẦN- PL.1858), niên hiệu Hưng Long (1293-1314) năm cuối, đời vua Trần Anh Tông (1293-1314); niên hiệu Đại Khánh (1314-1323) thứ 1, đời vua Trần Minh Tông (1314-1329).

     • Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) xây dựng tại chùa Báo Ân ở huyện Siêu Loại, tới 33 cơ sở, trong đó có Phật điện, tàng kinh và tăng đường. Tính đến năm 1329, Thiền sư đã xây dựng được 5 bảo tháp, hai cơ sở hành đạo lớn (Quỳnh Lâm và Báo Ân) và trên 200 tăng đường. Về việc đúc tượng, ngài đã đúc tới 1.300 tượng Phật lớn nhỏ bằng đồng 

 

NĂM 1315 (ẤT MÃO- PL.1859), niên hiệu Đại Khánh thứ 2, đời vua Trần Minh Tông.

     • Vua Anh Tông lấy 30 mẫu ruộng của người cung nhân cũ họ Phạm cúng vào chùa

 

NĂM 1316 (BÍNH THÌN- PL.1860), niên hiệu Đại Khánh thứ 3, đời vua Trần Minh Tông.

     • Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) vào cung truyền giới Bồ-tát tại gia cho Thượng hoàng Trần Anh Tông

NĂM 1317 (ĐINH TỴ- PL.1861), niên hiệu Đại Khánh thứ 4, đời vua Trần Minh Tông.

     • Tháng 2 năm Đinh Tỵ, Nhị Tổ Trúc Lâm - Pháp Loa (1284-1330), bệnh nặng, sư đem y của Sơ Tổ Trúc Lâm và viết bài tâm kệ trao cho Thiền sư Huyền Quang, pháp khí và gậy trao cho Cảnh Ngung, phất tử trao cho Cảnh Huy, gậy tre trao cho Huệ Quán, pháp thơ và pháp cụ trao cho Huệ Nhiên, linh vàng trao cho Hải Ấn, sử vàng trao cho Huệ Chúc. Sau ít hôm, bệnh sư được lành

     • Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) vâng lệnh Nhị tổ Pháp Loa (1284-1330) đến trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Do sư đa văn bác học, tinh thâm đạo lý, nên học đồ bốn phương nghe danh tụ hội về tham vấn thường xuyên không dưới ngàn người 

     • Tư đồ Văn Huệ Vương cúng dường 4.000 lưng tiền và một người tên Nguyễn Trường ở Lâm Đông cúng dường 75 mẫu ruộng vào chùa Quỳnh Lâm (nay thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Cũng năm này, Tôn giả Pháp Loa (1284-1330) lập Viện Quỳnh Lâm để đào tạo tăng ni

 

NĂM 1318 (MẬU NGỌ- PL.1862), niên hiệu Đại Khánh thứ 5, đời vua Trần Minh Tông.

     • Tháng 8 năm Mậu Ngọ, Vua Trần Anh Tông thỉnh Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) đến am Thường Lạc ở cung Thiên Trường để giảng Truyền Đăng Lục

     • Tháng Chạp năm Mậu Ngọ, Thiền sư Pháp Loa (1284-1330), giảng xong bộ Đại Huệ Ngữ LụcCũng tháng này, Thiền sư giảng Tuyết Đậu Lục. Chính vua tự tay viết bốn chữ “Phổ Tuệ Tôn Giả” ban tặng cho Thiền sư Pháp Loa

 

NĂM 1319 (KỶ MÙI- PL.1863), niên hiệu Đại Khánh thứ 6, đời vua Trần Minh Tông.

     • Tháng Chạp năm Kỷ Mùi, Tăng sĩ và cư sĩ cùng hiến máu in một Đại Tạng Kinh trên 5.000 quyển để an trí tại chùa Quỳnh Lâm nay thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

     • Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) nhận lời mời của quốc phụ thượng tể Quốc Chấn vào giảng Đại Huệ Ngữ Lục trong phủ An Hoa

     • Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) truyền Tam quy ngũ giới cho Hoa Dương công chúa. Cũng năm này, các Lộ đói kém, vua xuất vàng bạc trong kho riêng giao cho Thiền sư ban cho những người nghèo đói

 

NĂM 1320 (CANH THÂN- PL.1864), niên hiệu Đại Khánh (1314-1323) thứ 7, đời vua Trần Minh Tông (1314-1329).

     • Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) tổ chức trai đàn chẩn tế ở chùa Phổ Ninh trong cung để cầu cho thượng hoàng Anh Tông sống lâu thêm, và trong dịp đó cũng làm lễ quán đỉnh cho Thượng hoàng

     • Ngày 16 tháng 3 năm Canh ThânThượng hoàng Trần Anh Tông (1276-1320) băng hà, hưởng dương 45 tuổi. Khi còn tại thế, Thượng hoàng được ý chỉ Thiền tông nơi Thiền sư Pháp Loa, Tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm. Khi còn sinh tiền, Thượng hoàng đã từng thỉnh Quốc sư Liễu Minh giảng kinh Pháp Hoa và kinh Lăng Già Thông Nghị; thỉnh Thiền sư Pháp Loa giảng Đại Huệ Ngữ Lục, Truyền Đăng Lục, Tuyết Đậu Ngữ Lục.

     • Vua Trần Minh Tông ra chiếu mời Thiền sư Pháp Loa (tức Tôn giả Phổ Tuệ, 1284-1330) vào triều để tham vấn Phật pháp

 

NĂM 1321 (TÂN DẬU- PL.1865), niên hiệu Đại Khánh thứ 8, đời vua Trần Minh Tông.

     • Triều đình mở khoa thi cho các Tăng nhân, dùng kinh Kim Cương làm văn bản ra đề thi

• Hoài Ninh hầu Trịnh Trọng Tử đúc tượng Quán Thế Âm ngàn tay ngàn mắt và xin thọ giới Bồ-đề tâm với Tôn giả Pháp Loa (1284-1330)

 

NĂM 1322 (NHÂM TUẤT- PL.1866), niên hiệu Đại Khánh thứ 9, đời vua Trần Minh Tông.

     • Tháng 3 năm Nhâm Tuất, sét đánh tháp Báo Thiên sạt góc phía đông tầng hai

     • Nhiều người trong triều đình đóng góp vào việc cúng dường để đúc 1.000 tượng Phật, trong số đó có : Bảo Từ hoàng thái hậu, Bảo Huệ quốc mẫu, Bảo Vân công chúa, Tư đồ Văn Huệ Vương, Uy Huệ Vương, Hưng Uy Hầu, Hoài Ninh Hầu, Đặng Trung Tử, Đoàn Nhữ Hài,…Cũng năm này, Tư đồ Văn Huệ Vương (?-1325) xuất gia thọ giáo với Tôn giả Pháp Loa

     • Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) cho khắc bản cuốn Tứ Phần Luật (giới luật Tỳ-khưu) để in và phổ biến cho giới tăng sĩ học tập

     • Quốc sư Bảo Phác (đệ tử của Sơ Tổ Trúc Lâm, được vua Anh Tông phong hiệu Quốc sư) và Quốc sư Tông Cảnh (đệ tử của Tuệ Trung Thượng Sĩ, được vua Anh Tông phong hiệu Quốc sư) được Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) mời về mở lớp dạy Tứ Phần Luật cho tăng sĩ ở chùa Báo Ân thuộc huyện Siêu Loại

     • Vua Trần Minh Tông ra chiếu mời Thiền sư Pháp Loa (tức Tôn giả Phổ Tuệ, 1284-1330) soạn sách Tham Thiền Chỉ Yếu, được vua khen ngợi và ban hiệu là “Minh Giác”.

     • Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) lập am Hồ Thiên Châu Lạc

 

NĂM 1323 (QUÝ HỢI- PL.1867), niên hiệu Đại Khánh năm cuối, đời vua Trần Minh Tông.

     • Văn Huệ Vương và Uy Huệ Vương đến chùa Báo Ân ở huyện Siêu Loại xin thọ Bồ-đề tâm giới và pháp quán đỉnh; Bảo Vân công chúa, Bảo Từ hoàng thái hậuVăn Huệ Vương thỉnh Thiền sư Pháp Loa giảng kinh Pháp Hoa

 

NĂM 1324 (GIÁP TÝ- PL.1868), niên hiệu Khai Thái (1324-1329) thứ 1, đời vua Trần Minh Tông (1314-1329).

     • Tháng Chạp năm Giáp Tý, Quốc mẫu Bảo Huệ mời Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) vào cung Dưỡng Phúc giảng kinh Hoa Nghiêm (hồi thứ bảy). Đồng thời, khởi tạo tượng Phật Di Lặc cao 1,6 trượng.  

     • Tư đồ Văn Huệ Vương và Thượng Trân công chúa cúng dường tới 900 lạng vàng để đúc tượng Phật Di-lặc; con trai của Nhật Trinh công chúa là Di Loan cư sĩ cúng dường 300 mẫu ruộng tại phủ Thanh Hoa; Bảo Từ hoàng thái hậu cúng dường 222 mẫu đất ở phủ An Hoa…Lúc này điền địa cúng vào cho riêng chùa Quỳnh Lâm (nay thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã lên tới trên 1.000 mẫu. chùa có tới 1.000 người tá điền làm ruộng

     • Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) truyền giới xuất gia Bồ-tát cho Chiêu Từ Hoàng thái phi và thỉnh Thiền sư giảng kinh Hoa Nghiêm (hồi thứ sáu). Cũng năm này, ngài đến chùa Phổ Quang ở Nghĩa Trụ dự lễ hội khánh tán điểm nhãn 1000 tượng Phật đá được Thiền sư Trừng Chiếu đúc

 

NĂM 1325 (ẤT SỬU- PL.1869), niên hiệu Khai Thái thứ 2, đời vua Trần Minh Tông.

     • Ngày 01 tháng 1 năm Ất Sửu, Quốc mẫu Bảo Huệ mời Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) giảng kinh Kim Cương Niệm Tụng tại cung Dưỡng Phúc.

     • Tư đồ Văn Huệ Vương Trần Quang Triều (?- 1325, hiệu Vô Sơn Ông, con của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, xuất gia năm 1322, đệ tử của Thiền sư Pháp Loa) thị tịch, hưởng dương 39 tuổi. Lúc chưa xuất gia, ông từng cúng dường nhiều tài sản cho chùa để Thiền sư Pháp Loa làm Phật sự. Ông cũng đã thỉnh Thiền sư Pháp Loa tới chùa An Long giảng kinh Lăng Nghiêm

     • Vua Trần Minh Tông xuống chiếu mời Thiền sư Pháp Loa (tức Tôn giả Phổ Tuệ, 1284-1330) đến chùa Tư Phúc giảng Tuyết Đậu Ngữ Lục. Tháng ba, Đại sư Tá Thánh và công chúa Hoa Dương thỉnh Thiền sư về chùa Thiên Quang giảng kinh Hoa Nghiêm (hồi thứ tám). Sau đó, ngài phụng chỉ của Thái hậu Bảo Từ đến viện Quỳnh Lâm giảng kinh Hoa Nghiêm (hồi thứ chín), rồi thiết lễ hội Thiên Phật 7 ngày đêm và xây 2 ngôi tháp bằng gạch tại chùa Quỳnh Lâm (nay thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Ngày 01 tháng 9 năm này, Thiền sư phụng chiếu vào chùa Tư Phúc giảng kinh Viên Giác.

     • Thiền sư Quán Viên (1257-1325) tức Quốc sư Huệ Nhẫn, họ Vương, hiệu Quán Viên hay Huệ Vân, quê ở xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, trụ trì chùa Đông Sơn (trên núi), viên tịch, thọ 69 tuổi.   

 

NĂM 1326 (BÍNH DẦN- PL.1870), niên hiệu Khai Thái thứ 3, đời vua Trần Minh Tông.

     • Ngày 22 tháng 2 năm Bính Dần, Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) phụng chiếu đến chùa Hoa Yên (hay Vân Yên) trên núi Yên Tử, tôn trí xá-lợi của Điều Ngự (Phật hoàng Trần Nhân Tông) vào kim tháp Tuệ Quang (VHPG-191). 

     • Tháng 3, Thương Vị Chương Văn hầu thỉnh Tôn giả Pháp Loa (1284-1330) về chùa Kinh Hào thuyết pháp. Ngày 30, Tôn giả lại phụng chiếu vào điện Động Thiên trong cung truyền giới Bồ-tát cho Hoàng Thái hậu Chiêu Từ và truyền giới Bồ-đề tâm cho các cung nhân

     • Tháng 4 năm Bính Dần đại hạn, Vua ban chiếu cho Tôn giả Pháp Loa làm lễ cầu mưa. Tôn giả sai Sa-môn Thu Tử cầu được ứng nghiệm lập tức

     • Ngày 01 Tháng 5 năm Bính Dần, Thượng hoàng Trần Minh Tông xuống chiếu thỉnh Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) đến chùa Tư Phúc trong đại nội truyền pháp Quán đảnh cho Thượng hoàng và cung phi.

 

NĂM 1327 (ĐINH MÃO- PL.1871), niên hiệu Khai Thái thứ 4, đời vua Trần Minh Tông.

• Ngày 07 tháng 3 năm  Đinh Mão, Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) đúc đại tượng Di LặcThánh Tăng ở viện Quỳnh Lâm nay thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Cũng năm này, Thiền sư sáng lập các am An Mã, Thị Khê và Hạc Lai

 

NĂM 1328 (MẬU THÌN- PL.1872), niên hiệu Khai Thái thứ 5, đời vua Trần Minh Tông.

     • Vua Trần Minh Tông thỉnh Quốc sư Pháp Cổ ở núi Cảo giảng Niêm Tụng Kinh Kim Cang của ngài Xuyên Lão.

     • Tháng 3 năm Mậu Thìn, Thái hậu Bảo Từ và Quốc mẫu Bảo Huệ mời Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) đến viện Quỳnh Lâm nay thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, tập hợp chư Tăng mười phương thiết lễ Đại trai đàn tụng kinh 10 ngày đêm để cúng Thượng hoàng Trần Anh Tông và Quốc khảo Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Nhân lúc Thượng hoàng Trần Minh Tông đến dự lễ, Tôn giả Pháp Loa tâu xin quân cấm vệ rước Đại tượng Di Lặc lên bảo tòa thếp vàng trong điện Phật.

     • Tháng 9 năm Mậu Thìn, Thượng hoàng Trần Minh Tông xuống chiếu nhờ Tôn giả Pháp Loa (1284-1330) soạn sách “Nhân Vương Hộ Quốc Nghi Quỷ” để tiện việc tu thân

 

NĂM 1329 (KỶ TỴ- PL.1873), niên hiệu Khai Thái (1324-1329) năm cuối, đời vua Trần Minh Tông (1314-1329); niên hiệu Khai Hựu (1329-1341) năm đầu, đời vua Trần Hiến Tông (1329-1341).

     • Tháng 7 năm Kỷ Tỵ, Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) xây dựng chùa Côn Sơn và chùa Thanh Mai (ở huyện Chí Linh). Cũng năm này, Thiền sư xây dựng 5 bảo tháp và 2 cơ sở hành đạo lớn là chùa Quỳnh Lâm (nay thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) và chùa Báo Ân ở huyện Siêu Loại, trên 200 tăng đường; đồng thời Thiền sư cho in Đại Tạng Kinh với số lượng 5.000 quyển (theo Tam Tổ Thực Lục) (TSVN, LSPGVN-MT). 

     • Tháng 8 năm Kỷ Tỵ, Tuệ Chân công chúa (con của Quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Chẩn) xuất gia, vào tháng 9, Lệ Bảo công chúa (con Chiêu Huân Vương) lại xuất giađều do Thiền sư Pháp Loa chứng minhtruyền giới

     • Tháng 11 năm Kỷ Tỵ, Tôn giả Pháp Loa (1284-1330) lập đàn tràng ở viện Quỳnh Lâm, làm lễ điểm nhãn tượng Phật Di Lặc và thỉnh một phần xá-lợi của Sơ tổ Trúc Lâm tại tháp Thắng Tư Thiên đưa vào thờ trong tháp bằng đá ở viện Quỳnh Lâm nay thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

 

NĂM 1330 (CANH NGỌ- PL.1874), niên hiệu Khai Hựu thứ 2, đời vua Trần Hiến Tông.

     • Ngày 03 tháng 2 năm Canh Ngọ, Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) phát bệnh, trong hội giảng kinh Hoa Nghiêm tại An Lạc tàng viện, phải nhờ Trưởng lão Bích Phong giảng tiếp. Đến ngày 11, thì bệnh rất nặng. Ban đêm ngài Huyền Quang đứng hầu, thấy sư ngủ mà nói ra tiếng : “Hồng ! Hồng !”…Đến ngày 13, Thiền sư trở về viện Quỳnh Lâm nơi phương trượng cũ mà nằm. Đệ tử các nơi dồn về thưa hỏi xin kệ. Thiền sư vẫn đối đáp và tùy người cho kệ, không biết mệt mỏi (TSVN, LSPGVNXĐN).   

     • Ngày mùng 01 tháng 3 năm Canh Ngọ, Thượng hoàng Trần Minh Tông đích thân đến thăm bệnh  Thiền sư Pháp Loa và gọi Thái y đến điều trị cho ngài

     • Ngày 03 tháng 3 năm Canh Ngọ, Tôn giả Pháp Loa (1284-1330) thế danh Đồng Kiên Cương, quê ở làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, Tổ thứ 2 Thiền phái Trúc Lâm, thị tịch, hưởng dương 47 tuổi. Trước lúc tịch ngài có viết một bài kệ :

“Muôn duyên cắt đứt, một thân nhàn

Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng

Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi

Bên kia trăng gió rộng thênh thang”

Những tác phẩm của Tôn giả có : Đoạn Sách Lục, Tham Thiền Chỉ Yếu (Thiền Đạo Yếu Học ?), Kim Cương Đạo Tràng Đà-la-ni Kinh, Tán Pháp Hoa Kinh Khoa Số, Bát-nhã Tâm Kinh Khoa (TSVN).

     • Ngày 11 tháng 3 năm Canh Ngọ, Thái thượng hoàng Trần Minh Tông ngự bút ban hiệu cho Thiền sư Pháp Loa vừa mới viên tịch là “Tịnh Trí Tôn Giả”, tháp tên “Viên Thông”, tặng mười lượng vàng để xây tháp và đề một bài thi vãn

 

NĂM 1331 (TÂN MÙI- PL.1875), niên hiệu Khai Hựu thứ 3, đời vua Trần Hiến Tông.

     • Thiền sư Bảo Sát tiếp tục in ấn Đại Tạng Kinh, theo lời ủy thác của Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) cho ngài trước đây

 

NĂM 1334 (GIÁP TUẤT- PL.1878), niên hiệu Khai Hựu (1329-1341) thứ 6, đời vua Trần Hiến Tông (1329-1341).

     • Ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất, Tôn giả Huyền Quang (1254-1334) thế danh Lý Đạo Tái, sinh ở làng Vạn Tải, huyện Vũ Ninh, tỉnh Bắc Giang, Tổ thứ ba Thiền phái Trúc Lâm, viên tịch, thọ 80 tuổi. Vua ban thụy là Trúc Lâm Thiền sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả. Những tác phẩm của Tôn giảNgọc Tiên Tập, Chư Phẩm Kinh, Công Văn Tập, Phổ Tuệ Ngữ Lục.    

 

NĂM 1337 (ĐINH SỬU- PL.1878), niên hiệu Khai Hựu thứ 9, đời vua Trần Hiến Tông.

     • Thiền sư Kim Sơn biên soạn Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, 1 quyển. Nội dung ngữ lục này ghi lại ba tông phái Thiền (Vô Ngôn Thông, Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Thảo Đường) và sự tích các nhà sư nổi tiếng ở nước ta từ thời Bắc thuộc, trải đến các đời Đinh, Lê, Lý, Trần (từ cuối thế kỷ VI đến đầu thế kỷ XIII). Sách này gồm có : 1. Bài tựa (khuyết danh), 2. Thiền phái Vô Ngôn Thông : có 38 vị, 3. Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi : có 28 vị, 4. Thiền phái Thảo Đường : có 19 vị. Đây là tác phẩm không những có giá trị về lịch sử Phật giáo Việt Nam mà còn là một tác phẩm truyện ký có giá trị về mặt văn học, triết họcvăn hóa dân gian.

 

NĂM 1357 (ĐINH DẬU- PL.1901), niên hiệu Thiệu Phong (1341-1357) năm cuối, đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369).

     • Tháng Giêng năm Đinh Dậu, Thượng hoàng Trần Minh Tông xuất một xâu chuỗi bằng vàng tặng Thiền sư Kim Sơn để từ biệt.

     • Ngày 19 tháng 12 năm Đinh Dậu, Thượng hoàng Trần Minh Tông (1300-1357) băng hà, thọ 58 tuổi. Sinh tiền, vua được ý chỉ Thiền tông với Thiền sư Huyền Quang, Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm. Vua đã từng thỉnh Thiền sư Pháp Loa  soạn Tham Thiền Chỉ Yếu, giảng Tuyết Đậu Ngữ Lục, kinh Viên Giác, thọ pháp Quán đảnh; vua thỉnh Quốc sư Pháp Cổ giảng Niêm Tụng Kinh Kim Cang.

 

NĂM 1362 (NHÂM DẦN- PL.1906), niên hiệu Đại Trị (1358-1369) thứ 5, đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369).

     • Tháng 11 năm Nhâm Dần, lập bia chùa Thanh Mai trên núi Tam Ban, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh, Hải Dương (chùa quê của Thiền sư Pháp Loa Phổ Tuệ, bia ghi tiểu sử ngài)

 

III. THIỀN TÔNG THỜI KỲ THUỘC MINH (1414-1427)

 

NĂM 1418 (MẬU TUẤT- PL.1962), thời kỳ thuộc Minh.

     • Nhà Minh sai hai nhà tri thức Hạ Thanh và Hạ Thì sang Đại Việt thu lượm cho kỳ hết những tác phẩm của Đại Việt, trong đó những kinh, sách của Thiền phái Trúc Lâm như: Thiền Tông Chỉ Nam, Bình Đẳng Sám Hối Khoa Văn, Thạch Thất Mị Ngữ, Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Đại Hương Hải Ấn Thi Tập,… không tác phẩm nào còn lại

 

VI. THIỀN TÔNG THỜI NHÀ LÊ SƠ (1428-1527)

NĂM 1434 (GIÁP DẦN- PL.1978), niên hiệu Thiệu Bình (1434-1439) năm đầu, đời vua Lê Thái Tông (1433-1442).

     • Vua Lê Thái Tông sai các quan rước Phật từ chùa Pháp Vân về kinh đô để làm lễ cầu mưa. Lại cho phóng thích một số tù nhân, và dựng trai đàn chẩn tế ngay ở điện Cần Chánh để tu tạo công đức, cầu cho có mưa

 

NĂM 1448 (MẬU THÌN- PL.1992), niên hiệu Thái Hòa (1443-1453) thứ 6, đời vua Lê Nhân Tông (1442-1459)

     • Có hạn hán lớn, vua Lê Nhân Tông xuống chiếu cho tất cả các quan văn võ phải ăn chay và giữ mình cho trong sạch để tới chùa Báo Ân, ở cung Cảnh Linh mà làm lễ cầu mưa. Đích thân vua tới lạy trước Phật điện, tất cả các Nho thần đều phải làm theo. Rồi vua sai thái úy Lê Khả đến chùa Pháp Vân ở xã Cổ Châu, rước tượng Phật chùa này, đem về tôn trí tại chùa Báo Thiên ở kinh thành, rồi xuống chiếu và thỉnh chư tăng tới tụng kinh, sám hốicầu nguyện. Vua và hoàng hậu thân đến lạy Phật, đồng thời tổ chức cúng dường trai tăng và phóng thích hai mươi bốn người tù mà tội còn đáng ngờ

 

NĂM 1460 (CANH THÌN- PL.2004), niên hiệu Quang Thuận (1460-1469) thứ 1, đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497)

     • Thiền sư Viên Thái (k 1400-1460) viên tịch

 

NĂM 1463 (QUÝ MÙI- PL.2007), niên hiệu Quang Thuận thứ 3, đời vua Lê Thánh Tông. 

     • Cư sĩ Lương Thế Vinh (1441- ?) đậu Trạng Nguyên. Ông làm quan đến chức hàn lâm thị thư, kiêm văn quán tứ lâm cục tư huấn. Ông giỏi toán học, khảo cứu sân khấu, âm nhạc,…cả Phật học nữa. Ông có viết tác phẩm Thiền Môn Khoa Giáo và đề tựa sách Nam Tông Tự Pháp Đồ

 

NĂM 1521 (TÂN TỴ- PL.2065), niên hiệu Quang Thiệu (1516-1522) thứ 6, đời vua Chiêu Tông (Lê Ý, 1516-1522).

     • Khoảng năm 1521, Thiền sư Pháp Tính (1470-1550) viết sách Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa

 

V. THIỀN TÔNG THỜI NHÀ MẠC (1527-1592)

 

NĂM 1530 (CANH DẦN- PL.2074), niên hiệu Đại Chính (1530-1540) thứ 1, đời vua Mạc Đăng Doanh (1530-1540).

     • Cuối năm Canh Dần, Tăng niPhật tử quyên góp trùng tu chùa Dương Nham thuộc xã Dương Nham, huyện Kinh Môn, trấn Hải Dương. Chùa này do Thiền sư Chân Phúc (Lê Đắc Danh), thuộc thiền phái Trúc Lâm, trụ trì

 

NĂM 1532 (NHÂM THÌN- PL.2076), niên hiệu Đại Chính thứ 3, đời vua Mạc Đăng Doanh.

     • Tiến sĩ Vũ Can, hiệu Tùng Hiên soạn bia “Trùng Tu Dương Nham Tự Bi Ký”, để ghi công đức Tăng ni, Phật tử trùng tu chùa Dương Nham thuộc xã Dương Nham, huyện Kinh Môn, trấn Hải Dương, chùa do Thiền sư Chân Phúc trụ trì

 

NĂM 1550 (CANH TUẤT- PL.2094), niên hiệu Cảnh Lịch (1548-1553) thứ 3, đời vua Mạc Phúc Nguyên (1546-1564).

     • Thiền sư Pháp Tính (1470-1550) viên tịch, thọ 80 tuổi. Khi sinh tiền, Thiền sư đã dịch Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hạnh Lục ra tiếng Nôm gọi là Cổ Châu Pháp Vân Hạnh và viết Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa

     • Sách Thánh Đăng Ngữ Lục được Đại sư Chân Nghiêm chùa Sùng Quang tại Cẩm Giang khắc in. Ngữ lục này có 1 quyển, được biên soạn vào cuối thế kỷ XIII, thời nhà Trần (1225-1400). Nội dung lục ghi chép về hành trạng của năm vị vua đầu đời Trần : Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông. Các vị vua này đều ngộ lý thiền và được trao truyền tâm ấn.

  

NĂM 1572 (NHÂM THÂN- PL.2116), niên hiệu Sùng Khang (1568-1577) thứ 5, đời vua Mạc Mậu Hợp (1564-1592).

     • Quốc thái phu nhân Vương Thị Ngọc Đỉnh, Đô chỉ huy Thiêm sự Vũ Quang Phụ,…cúng dường trùng tu và mua ruộng cho chùa Bảo Phúc ở xã Quí Khê, huyện Yên Hưng, trấn Yên Quảng (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh), Thiền sư Đạo Trí soạn bia “Trùng tu Bảo Phúc Phật tự bi” để ghi công đức; Thiền sư Đạo Sơn viết chữ khắc vào bia đá

 

NĂM 1575 (ẤT HỢI- PL.2119), niên hiệu Sùng Khang thứ 8, đời vua Mạc Mậu Hợp.

     • Thiền sư Tuệ Thông vận động quyên góp trùng tu chùa Hoa Nghiêm (chùa Nội) ở xã Ỷ La, huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây

 

VI. THIỀN TÔNG THỜI KỲTRUNG HƯNG (1533-1788) THỜI TRỊNH- NGUYỄN PHÂN TRANH

 

NĂM 1602 (NHÂM DẦN- PL.2146), niên hiệu Hoằng Định (1601-1619) thứ 2, đời vua Lê Kính Tông (1599-1619).

     • Thiền sư Tuệ Pháp (Pháp Nhẫn) và Tuệ Hương (Pháp Đăng) vận động xây cổng tam quantrùng tu chùa Tư Phúc ở núi Côn Sơn, xã Chúc Thôn, huyện Chí Linh, trấn Hải Dương. Sau khi hoàn thành, Thiền sư khắc bia “Côn Sơn Tự Phúc Bi”, để ghi lại công đức

 

NĂM 1606 (BÍNH NGỌ- PL.2150), niên hiệu Hoằng Định thứ 5, đời vua Lê Kính Tông.

     • Thiền sư Tuệ Pháp (Pháp Nhẫn) cùng các hội chủ, thiện tín hưng công trùng tu chùa Tư Phúc ở núi Côn Sơn, xã Chúc Thôn, huyện Chí Linh, trấn Hải Dương; Nguyễn Đức Minh soạn bia “Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi”, để ghi công trình.

 

NĂM 1608 (MẬU THÂN- PL.2152), niên hiệu Hoằng Định thứ 8, đời vua Lê Kính Tông.

     • Chùa Keo (chùa Thần Quang) xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình dựng bia. Chùa này do Thiền sư Không Lộ (?- 1119) xây dựng vào thế kỷ XII

     • Năm 1608 – 1609, Tăng thống Tuệ Chiếu (Nguyễn Văn Cơ) hưng công trùng tu chùa Đại Dương (hay Quế Dương) ở xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), do sự hỗ trợ của Hoàng Thái hậu Hoàng Thị Ngọc Đệ, Việt quận công Trịnh Trình,…

 

NĂM 1611 (TÂN HỢI- PL.2155), niên hiệu Hoằng Định thứ 11, đời vua Lê Kính Tông.

     • Thiền sư Chánh Truyền trụ trì chùa Tư Thánh, soạn bia “Thắng Minh Tự Bi Ký” để ghi công đức của Phật tử trùng tu chùa Thắng Minh ở xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (khởi công trùng tu năm 1603 đến năm 1609 hoàn thành).

 

NĂM 1612 (NHÂM TÝ- PL.2156), niên hiệu Hoằng Định thứ 12, đời vua Lê Kính Tông.

     • Chùa Keo (chùa Thần Quang) xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định dựng bia. Chùa này do Thiền sư Không Lộ (?- 1119) xây dựng vào thế kỷ XII

     • Tương truyền Thiền sư Khánh Long khai sơn xây cất chùa Núi Châu Thới trên ngọn núi cao 85m, nay thuộc ấp Châu Thới, xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương

 

NĂM 1613 (QUÝ SỬU- PL.2157), niên hiệu Hoằng Định thứ 13, đời vua Lê Kính Tông.

     • Thiền sư Tuệ Hương soạn văn bia ghi công đức của : Bình An vương Trịnh Tùng, cung tần Lê Thị Ngọc Chu, Thượng quận chúa Trịnh Thị Ngọc Liễu, Thái úy Trịnh Đỗ,…cúng dường ruộng và trùng tu chùa Tư Phúc ở núi Côn Sơn, xã Chúc Thôn, huyện Chí Linh, trấn Hải Dương

 

NĂM 1619 (KỶ MÙI- PL.2163), niên hiệu Hoằng Định (1601-1619) năm cuối, đời vua Lê Kính Tông (1599-1619); năm đầu đời vua Lê Thần Tông (1619-1662).

     • Thiền sư Chân Phúc trụ trì chùa Dương Nham (Kinh Môn, Hải Dương) soạn bia “An Kinh Pháp Phật Tăng Bảo Giá”, để ghi công đức cư sĩ Phúc Điền (Nguyễn Văn Ngự) cúng dường tiền khắc in kinh

     • Thiền sư Đàm Giao – Đức Trọng quyên góp trùng tu chùa Linh Quang ở làng Mộ Trạch, huyện Bình Giang, trấn Hải Dương. Tiểu sinh Nguyễn Đình soạn bia “Linh Quang Tự Bi” để ghi công đức

     • Khoảng đầu niên hiệu Vĩnh Tộ (1619-1628), đời vua Lê Thần Tông, Thiền sư Huệ Long trụ trì chùa Cảm Ứng (chùa Phật Hiện ở huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc), trùng tu kiến tạo chùa rất trang nghiêm tráng lệ. Giám sinh Nguyễn Ngạn, tự Phúc Diễn, soạn bia “Phật Hiện Tự Bi” vào năm 1627, để ghi công trình này

 

NĂM 1620 (CANH THÂN- PL.2164), niên hiệu Vĩnh Tộ (1620-1628) thứ 1, đời vua Lê Thần Tông (1619-1662).

     • Thiền sư Pháp Quang (Nguyễn Nghĩa Hoàng) soạn bia “Đại Bi Tự Bi”, để ghi công đức Tăng Ni, thiện tín cúng dường xây dựng chùa Đại Bi, xã Triều Đông, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây)

 

NĂM 1621 (TÂN DẬU- PL.2165), niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 2, đời vua Lê Thần Tông.

     • Thiền sư Bảo Viên – Pháp Vũ soạn bia“Đại Thống Tự Bi Ký”, để ghi công đức của nội cung tần phủ chúa và các thiện tín cúng dường trùng tu chùa Đại Thống, xã Thanh Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương.

 

NĂM 1622 (NHÂM TUẤT- PL.2166), niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 3, đời vua Lê Thần Tông.

     • Thiền sư Tuệ Nghĩa viết và khắc tên các Phật tử cúng ruộng cho chùa Kiến Sơ (làng Phù Đổng, huyện Tiên Du) vào bia đá (LSPGVN). 

     • Thiền sư Pháp Viên cùng Giám sinh Vũ Chân Nho, Hương trưởng Tống Công Luận vận động quyên góp trùng tu chùa Sùng Đức trên núi Hàm Long, xã Yên Lập, huyện Yên Hưng, trấn Quảng Yên (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh); Thiền sư Tuệ Nhẫn soạn bia “Tứ Tự Hồng Danh”

     • Thiền sư Pháp Thông (Lê Văn Ngô) được sự hộ pháp của Á quốc phu nhân Nguyễn Thị Ngọc Lan cùng thiện nam tín nữ, ngài hưng công trùng tu chùa Già Nương (hay chùa Nhà Nàng) ở xã Đông Sơn, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Hà Bắc)

NĂM 1631 (TÂN MÙI- PL.2175), niên hiệu Đức Long (1629-1634) thứ 3, đời vua Lê Thần Tông.

     • Khóa Hư Lục, 3 quyển của Trần Thái Tông (1218-1277) được in ấnLục này có 2 quyển, do vua Trần Thái Tông, vị vua có tâm đắc về Thiền biên soạn. Sách được viết bằng thể văn biền ngẫu và kệ, thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn… rất có giá trị về thiền học, văn học. Nội dung bao gồm : Tựa dẫn, Tựa sách Thiền tông chỉ nam và quyển thượng hạ.  

 

NĂM 1632 (NHÂM THÂN- PL.2176), niên hiệu Đức Long thứ 4, đời vua Lê Thần Tông.

     • Thiền sư Chuyết Công (1590-1644, quê ở tỉnh Phước Kiến, Trung Hoa) và đệ tử là ngài Minh Hành – Tại Tại qua Chân Lạp hoằng dương Phật pháp nhưng cơ duyên không thuận.

 

NĂM 1633 (QUÝ DẬU- PL.2177), niên hiệu Đức Long thứ 5, đời vua Lê Thần Tông.

     • Thiền sư Chuyết Công (hay Chuyết Chuyết, 1590-1644) người Trung Hoa, sang Việt Nam, đến kinh thành Thăng Long. Thiền sư cùng các đệ tử ở chùa Khán Sơn (Thanh Hóa) và bắt đầu giảng dạy Phật pháp 

     • Thiền sư Pháp Trang vận động quyên góp trùng tu chùa Hoa Nghiêm (chùa Nội) ở xã Ỷ La, huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây. Chùa tu sửa : gác chuông, nhà thiêu hương, hậu đường, hành lang, các tượng Phật. Sau khi hoàn thành, Thiền sư soạn văn bia “Hoa Nghiêm tự bi” ghi công đức

     • Thiền sư Chân Quang Đà Lâm (húy Cao Thế Vinh), thuộc thiền phái Lâm Tế (dòng kệ Thiền sư Trí Bản Đột Không), đời thứ 34, được thỉnh về hoằng đạo tại thôn Xuân Mai, vùng sơn cước phía tây Quảng Bình (Tài liệu trước đây ghi ngài về vùng này hoằng đạo vào năm 1533, nhưng năm ấy thì dòng thiền này chưa truyền đến nước ta).

 

NĂM 1636 (BÍNH TÝ- PL.2180), niên hiệu Dương Hòa (1635-1643) thứ 2, đời vua Lê Thần Tông (1619-1662).

     • Tháng 10 năm Bính Tý, Hòa thượng Đạo Long trùng tu chùa Pháp Vũ (nay thuộc thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây), do cung tần Ngô Thị Ngọc Nguyên của chúa Trịnh Tráng cúng dường tiền để trùng tu

 

NĂM 1637 (ĐINH SỬU- PL.2181), niên hiệu Dương Hòa thứ 3, đời vua Lê Thần Tông.

     • Tháng 2 năm Đinh Sửu, Lễ khánh thành chùa Pháp Vũ (nay thuộc thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây) trùng tu hoàn tất, được Hòa thượng Đạo Long, Tăng lục Ty Tăng thống khai lễ

 

NĂM 1638 (MẬU DẦN- PL.2182), niên hiệu Dương Hòa thứ 4, đời vua Lê Thần Tông.

     • Khoảng năm 1638, Thiền sư Đạo Chân (1579-1638?) tục danh Vũ Khắc Minh, sinh tại xã Gia Phúc, huyện Phúc Khê, trụ trì chùa Pháp Vũ (chùa Đậu, Thường Tín, Hà Tây), thị tịch, thọ khoảng 59 tuổi. Nhục thân của sư hiện vẫn còn thờ ở chùa Đậu 

     • Thiền sư Phổ Tế soạn bia “Sáng Tổ Điện Cung Điền Tạo Lang Thánh Ân Tự Bi” để ghi công đức của Tăng Ni, cung tần vương phủ, thiện tín trùng tu chùa Thánh Ân ở xã Phù Than, huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc (nay thuộc Gia Lương, Bắc Ninh)

 

NĂM 1639 (KỶ MÃO- PL.2183), niên hiệu Dương Hòa thứ 5, đời vua Lê Thần Tông.

     • Khoảng năm 1639, Thiền sư Đạo Tâm (tục danh Vũ Khắc Trường, là cháu kêu Thiền sư Đạo Chân (1579-1638?) bằng chú, cùng một quê quán) kế thế trụ trì chùa Pháp Vũ nay ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Cũng năm này, Thiền sư viết bia trùng tu chùado Tiến sĩ Nguyễn Thọ Xuân soạn văn. Thiền sư Đạo Tâm sau khi viên tịch vẫn còn lưu lại nhục thân, hiện thờ ở chùa Pháp Vũ

     • Thiền sư Phổ Tế soạn bia “Đại Dương Tự Điền Bi”, để ghi công đức của cung tần phủ chúa là Thái Thị Phi cúng 5 quan và 6 dật bạc để tu sửa và mua ruộng cho chùa Đại Dương ở xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc (nay thuộc ngoại thành Hà Nội)

 

NĂM 1640 (CANH THÌN- PL.2184), niên hiệu Dương Hòa thứ 6, đời vua Lê Thần Tông.

     • Thiền sư Phổ Tuệ soạn bia “Lưu Truyền Bản Tịch Tự Bi”, để ghi công đức của cung tần phủ chúa Nguyễn Thị Ngọc Tuyền cúng dường 1 mẫu ruộng và trùng tu chùa Bản Tịch tại xã Đình Loan, huyện Văn Lâm, trấn Hải Dương (nay thuộc tỉnh Hải Hưng)

     • Tăng thống Tuệ Uyên (Bùi Bách Niên) soạn bia “Tân Tạo Pháp Quang Quán Tự” để ghi công đức Thiền sư Nguyễn Tuấn Đức trụ trì, cung tần phủ chúa, các quí phi, quan tướng, Tăng Ni,…cúng dường xây  dựng chùa Pháp Quang thuộc làng Đông Mỹ, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam (nay thuộc Vụ Bản, Nam Định)

 

NĂM 1641 (TÂN TỴ- PL.2185), niên hiệu Dương Hòa thứ 7, đời vua Lê Thần Tông.

     • Thiền sư Phổ Tế (tức Tăng thống Tuệ Oánh, Nguyễn Văn Quế) trùng tu và mua ruộng cho chùa Đại Dương ở xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), do Thiền sư trụ trì

 

NĂM 1643 (QUÝ MÙI- PL.2187), niên hiệu Dương Hòa (1635-1643) năm cuối, đời vua Lê Thần Tông (1619-1662).

     • Ni sư Pháp TánhKim Cương (nguyên là Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc), đệ tử của Thiền sư Minh Hành – Tại Tại, xin với vua cha (chúa Trịnh Tráng) cho trùng tu chùa Ninh Phúc (chùa Bút Tháp, ở huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc ngày nay). Sau khi hoàn thành, Hòa thượng Chuyết Công (1590-1644) được thỉnh sang trụ trì 

 

NĂM 1644 (GIÁP THÂN- PL.2188), niên hiệu Phúc Thái (1643-1649) thứ 2, đời vua Lê Chân Tông (1643-1649).

     • Ngày 22 tháng 4 năm Giáp Thân, Thiền sư Chân Pháp (?-1644) người Ấn Độ, trụ trì chùa Tịnh Quang (Quế Dương – Kinh Bắc), thị tịch

     • Ngày 15 tháng 7 năm Giáp Thân, Thiền sư Viên Văn - Chuyết Chuyết (1590-1644) họ Lý, tên Thiên Tộ, pháp danh Hải Trừng, quê ở tỉnh Phước Kiến, Trung Hoa, thuộc tông Lâm Tế, đời thứ 34, trụ trì chùa Ninh Phúc (chùa Bút Tháp, tỉnh Hà Bắc), viên tịch, thọ 55 tuổi. Trước lúc tịch, ngài gọi đồ chúng đến truyền kệ :

“Tre gầy thông vót nước rơi thơm

Gió thoảng trăng non mát rờn rờn

Nguyên Tây ai ở người nào biết ?

Mỗi chiều chuông nổi đuổi hoàng hôn”

     Vua Lê Chân Tông phong hiệu là Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư. Hiện nay nhục thân của Hòa thượng vẫn còn thờ tại tháp Báo Nghiêm ở chùa Ninh Phúc, tỉnh Hà Bắc (TSVN, LSPGĐT).   

     • Khoảng năm 1644-1645, Ni sư Pháp Tánh thế danh Trịnh Thị Ngọc Trúc, pháp danh Pháp Tánh, hiệu Kim Cương, con của Thanh Đô vương Trịnh Tráng, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 36, hoằng hóa ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), viên tịch

 

NĂM 1645 (ẤT DẬU- PL.2189), niên hiệu Phúc Thái thứ 3, đời vua Lê Chân Tông.

     • Khoảng năm 1645, Thiền sư Minh Hành – Tại Tại (1596-1659) và đồ chúng xây tháp Báo Nghiêm ở chùa Ninh Phúc, tỉnh Hà Bắc, để an trí kim thân Hòa thượng Chuyết Công (1590-1644). Đồng thời, nhờ cư sĩ Thanh Nguyên (Âu Dương Vựng Đăng, người Trung Hoa) viết văn bia “Hiển Thoại am Báo Nghiêm tháp bi minh”, để kể về hành trạng của Hòa thượng  

 

NĂM 1648 (MẬU TÝ- PL.2192), niên hiệu Phúc Thái thứ 6, đời vua Lê Chân Tông.  

     • Ngày 08 tháng 7 (nhằm ngày 18 – 5 – Mậu Tý) ngày sinh của Thiền sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch (1648-1728). Ngài quê ở huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

     • Khoảng năm 1648 – 1650, Thiền sư Viên Cảnh – Lục Hồ và Viên Khoan – Đại Thâm đến Thuận Hóa để truyền bá Phật pháp

 

NĂM 1651 (TÂN MÃO- PL.2195), niên hiệu Khánh Đức (1649-1653) thứ 3, đời vua Lê Thần Tông (1619-1662).

     • Thiền sư Đạo Hải hưng công trùng tu chùa Quốc Ân ở xã Hương Vinh, huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc. Chùa trùng tu : điện Phật, tô thêm 25 tượng Phật, mua thêm ruộng Tam Bảo, với sự hộ giúp của Thượng sĩ Nguyễn Như Khuê, Nguyễn Khắc Minh,…   

NĂM 1652 (NHÂM THÌN- PL.2196), niên hiệu Khánh Đức thứ 4, đời vua Lê Thần Tông.

     • Ngài Hương Hải (1628-1715) Tri phủ huyện Triệu Phong, Quảng Trị, đến thọ giáo với Thiền sư Viên Cảnh – Lục Hồ được ban pháp tự Minh ChâuHương Hải, pháp hiệu Huyền CơThiện Giác 

 

NĂM 1653 (QUÝ TỴ- PL.2197), niên hiệu Khánh Đức (1649-1653) năm cuối, niên hiệu Thịnh Đức (1653-1657) thứ 1, đời vua Lê Thần Tông (1619-1662).  

     • Thiền sư Huệ Quảng trụ trì chùa Linh Tiên (chùa Bằng, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) trùng tu chùa này.

     • Chùa Sùng Báo Tứ Ân tại xã Kim Lữ, huyện Ân Thi, trấn Sơn Nam, do Thiền sư Chân Phúc trụ trì trùng tu, đúc đại hồng chung, mua thêm ruộng chùa…  

 

NĂM 1656 (BÍNH THÂN- PL.2200), niên hiệu Thịnh Đức thứ 4, đời vua Lê Thần Tông.  

     • Ni cô Diệu Tuệ (1616-1664), đệ tử của Thiền sư Minh Hành – Tại Tại, đứng ra lo trùng tu chùa Bút Tháp hiện ở huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc và đúc tượng Đại bi Quan Thế Âm ngàn tay ngàn mắt 

 

NĂM 1659 (KỶ HỢI- PL.2203), niên hiệu Vĩnh Thọ (1658-1661) thứ 2, đời vua Lê Thần Tông.  

     • Ngày 25 tháng 3 năm Kỷ Hợi, Thiền sư Minh Hành – Tại Tại (1596-1659) hiệu Tại Tại, người phủ Kiến Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Hoa, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 35, trụ trì chùa Ninh Phúc (Hà Bắc), viên tịch, thọ 64 tuổi

     • Ngày 16 tháng 6 năm Kỷ Hợi, Ni sư Pháp Tánh xây dựng tháp Tôn Đức tại khu vườn tháp chùa Vân Yên, núi Yên Tử, để thờ Thiền sư Minh Hành – Tại Tại (1596-1659). Năm sau (1660), dựng bia ký “Sắc Kiến Tôn Đức Khoán Thạch”, kể về hành trạng của Thiền sư Minh Hành và việc xây dựng tháp, văn bia do Thiền sư Chân NguyênChánh Giác biên soạn (LSPGVNXĐN). 

     • Thiền sư Minh Huyễn – Liễu Nhất, thuộc thiền phái Lâm Tế, kế thế trụ trì chùa Phật Tích ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Sau được vua phong tặng là “Liêm Từ Giản Chân Nho Thích Chính Tông Hộ Quốc Thiền sư”.

 

NĂM 1664 (GIÁP THÌN- PL.2208), niên hiệu Cảnh Trị (1663-1671) thứ 2, đời vua Lê Huyền Tông (1663-1671).  

     • Tháng 2 năm Giáp Thìn, Thiền sư Minh Huyễn – Liễu Nhất, thuộc thiền phái Lâm Tế, viết Bài tựa ghi ruộng công đức chùa Quang Ân. 

     • Thiền sư Thủy Nguyệt - Thông Giác (1637-1704) sang núi Phượng Hoàng, Hồ Châu, Trung Quốc học đạo với Thiền sư Tri Giáo Nhất Cú. Trải qua 6 năm, Thiền sư được truyền y bát, ban pháp danh Thông Giác và kệ phú pháp (28 chữ), mang về truyền tại nước ta

     • Ni sư Diệu Tuệ (1616-1664) thế danh Lê Thị Ngọc Duyên, pháp danh Diệu Tuệ, con của Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 36, trụ trì chùa Phật Tích (Bắc Ninh), thị tịch, hưởng dương 49 tuổi. Cũng năm này, đồ chúng xây tháp Phổ Quang tôn thờ. Tháp cao khoảng 5m, 3 tầng, hình vuông (4 mặt), tháp làm bằng đá xanh mài láng

     • Thiền sư Thành Nhạc - Ẩn Sơn (?-1776) khai sơn chùa Long Thiền, hiện tại số K2/3B, ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

 

NĂM 1665 (ẤT TỴ- PL.2209), niên hiệu Cảnh Trị thứ 3, đời vua Lê Huyền Tông.

     • Quan tổng thái giám Hoa Lễ Hầu cho thuyền ra đảo Tiêm Bút La (cù lao Đại Lãnh) thỉnh Thiền sư Minh Châu - Hương Hải (1628-1715) về đất liền để làm đàn tràng sám hối, cầu cho hết bệnh lao mà ông mắc phải trong ba năm. Chúa Nguyễn Phúc Tần nghe tiếng Thiền sư Hương Hải liền cho người đi đón. Lúc Thiền sư đến phủ, chúa ra đón vào, hỏi thăm, ủy lạo rồi truyền lập thiền viện Thiền Tĩnh Viện trên núi Quy Kính để ngài ở. Quốc thái phu nhân và ba công tử là Phúc Mỹ, Hiệp Đức và Phúc Tộ đều đến quy y học đạo với ngài

 

NĂM 1666 (BÍNH NGỌ- PL.2210), niên hiệu Cảnh Trị thứ 4, đời vua Lê Huyền Tông.  

     • Chùa Linh Quang ở làng Mộ Trạch, huyện Bình Giang, trấn Hải Dương, được Thiền sư Chân Tuệ trùng tu hoàn thành, Tiến sĩ Vũ Duy Đoán hiệu Quế An, Hiệu thảo Hàn lâm viện, soạn bia “Tu Tạo Linh Quang Tự Bi” để ghi công đức

 

NĂM 1667 (ĐINH MÙI- PL.2211), niên hiệu Cảnh Trị thứ 5, đời vua Lê Huyền Tông.

     • Ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi, ngày sinh của Thiền sư Thiệt Diệu - Liễu Quán. Ngài sinh ở làng Bạc Má (Bạc Mã), huyện Đồng Xuân, phủ Phú YênThiền sư là Tổ khai sáng Thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán tại Việt Nam, khai sơn chùa Thuyền TônThừa Thiên – Huế.  

     • Chùa Kim Sơn (còn có tên là Bửu Sơn, Ngọc Sơn) nay thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, được trùng tu quy mô. Đây là ngôi chùa sớm nhất thuộc thiền phái Tào Động tại Đàng Trong

     • Hòa thượng Đạo Đức (tức Thiền sư Bảo Lâm Hoa) được sự hộ giúp của hai cung tần Lương Thị Ngọc Phú và Lương Thị Ngọc Vinh cúng dường 10 dật bạc, 100 quan tiền để trùng tu chùa Thái Tử ở xã Nhâm Trạch, huyện Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Nam Định) 

 

NĂM 1668 (MẬU THÂN- PL.2212), niên hiệu Cảnh Trị thứ 6, đời vua Lê Huyền Tông.  

     • Thiền sư Minh Huyễn – Liễu Nhất, trụ trì chùa Phật Tích (Bắc Ninh), viết Bài tựa sách Thiền Lâm Bảo Huấn ở chùa Khán Sơn

 

NĂM 1669 (KỶ DẬU- PL.2213), niên hiệu Cảnh Trị thứ 7, đời vua Lê Huyền Tông.  

     • Hòa thượng Đạo Đức (tức Thiền sư Bảo Lâm Hoa) trùng tu chùa Thái Tử ở xã Nhâm Trạch, huyện Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Nam Định) hoàn thành  

 

 

 

NĂM 1670 (CANH TUẤT- PL.2214), niên hiệu Cảnh Trị thứ 8, đời vua Lê Huyền Tông. 

     • Ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất, ngày sinh của Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo (1670-1746), sinh tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Thân phụ là Lương Đôn Hậu, thân mẫu là Trần Thục Thận. Thiền sư Minh Hải là Tổ khai sáng thiền phái Lâm Tế - Chúc Thánh tại Việt Nam, khai sơn chùa Chúc Thánh (Hội An, Quảng Nam)

 

NĂM 1671 (TÂN HỢI- PL.2215), niên hiệu Cảnh Trị (1663-1671) năm cuối, đời vua Lê Huyền Tông (1663-1671).  

     • Thiền sư Viên Thông cùng Sa-môn Chân Tung vận động quyên góp trùng tu chùa Đại Thống, xã Thanh Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, được Ưu-bà-di Diệu Minh cúng dường 5 dật bạc, 84 quan, 2 sào ruộng (trị giá 2 dật)

 

NĂM 1672 (NHÂM TÝ- PL.2216), niên hiệu Dương Đức (1672-1673) thứ 1, đời vua Lê Gia Tông (1672-1675).   

     • Công tử Hiệp Đức (tức Hiệp Quận công Nguyễn Phước Chiểu, ?-1675) dựng một thảo am nhỏ tại núi Bút Sơn, làng Thanh Tuyền, xã Khách Quán (sau xây dựng thành chùa Minh Thiện hiện tại xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), ở một mình ăn chay, thường đốt hương, tụng kinh niệm Phật. Cũng năm này, ông từ bỏ quan tước, xuất gia tu hành, vân du tham học các bậc cao tăng, thăm viếng các danh lam thắng cảnh ở Đàng Trong. Trước đây, vào năm 1667, ông quy y với Thiền sư  Minh Châu - Hương Hải (1628-1715) (LSPGĐT). 

     • Thiền sư Chân Huyền (Nguyễn Đình Sách) trùng tu chùa Phúc Lâm (chùa Dư Hàng) nay ở số 121, đường Dư Hàng, khu Lê Chân, Tp. Hải Phòng, do ngài làm trụ trì. Chùa này tiếp tục được trùng tu vào những năm : 1899, 1995, 1997

 

 

 

 

NĂM 1673 (QUÍ SỬU- PL.2217), niên hiệu Dương Đức (1672-1673) thứ 2, đời vua Lê Gia Tông.

     • Thiền sư Đạt Phổ - Thanh Chiếu khai sáng chùa Sùng Đức ở gần Chợ Lớn, hiện tại số 136, đường Hùng Vương, phường 1, quận 11, Tp. HCM

 

NĂM 1674 (GIÁP DẦN- PL.2218), niên hiệu Đức Nguyên (1674-1675) thứ 1, đời vua Lê Gia Tông (1672-1675).

     • Ngày 17 tháng 11 năm Giáp Dần, Thiền sư Minh Thiện (?-1675) xây dựng chùa Minh Thiện ở núi Bút Sơn, làng Thanh Tuyền (nay thuộc xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), hoàn thành

 

NĂM 1675 (ẤT MÃO- PL.2219), niên hiệu Đức Nguyên (1674-1675) năm cuối, đời vua Lê Gia Tông (1672-1675), năm đầu đời vua Lê Hy Tông (1675-1705).

     • Ngày 15 tháng 6 năm Ất Mão, Thiền sư Minh Thiện (?-1675) viên tịch tại chùa Minh Thiện (núi Bút Sơn, làng Thanh Tuyền) hưởng dương 23 tuổi, chúa Hiền, Nguyễn Phước Tần ban thụy hiệu cho Thiền sưTịnh Đức Phổ Chiếu Hòa Thượng. Sinh thời, ngài chính là công tử Hiệp Đức hầu Nguyễn Phước Chiểu, quy y với Thiền sư Hương HảiMinh Châu; thọ giáo với Thiền sư Viên Khoan – Đại Thâm, được ban pháp danh Minh Thiện. Sau đó, ngài đến cầu pháp với Thiền sư Giác Phong – Pháp Hàm, được Tổ Giác Phong truyền cho bài kệ sau : “Phước chiểu liên hoa diệu, thiền gia ngọc bát hương, vĩnh truyền ngô tông ấn, chánh pháp thạnh Nam phương” (LSPGĐT). 

 

NĂM 1676 (BÍNH THÌN- PL.2220), niên hiệu Vĩnh Trị (1676-1680) thứ 1, đời vua Lê Hy Tông (1675-1705).

     • Thiền sư Thành Đẳng - Minh Lượng (1626-1709), người Quảng Đông, Trung Quốc, lập thảo am tu hành (sau này là chùa Vạn Đức) ở phường Cẩm Hà, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam

 

 

 

 

NĂM 1677 (ĐINH TỴ- PL.2221), niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2, đời vua Lê Hy Tông.  

     • Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) người Quảng Đông, Trung Quốc, sang Qui Nhơn lập chùa Thập Tháp Di Đà hiện tại thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, để truyền bá Thiền tông (BNSPGGĐ-SG).  

 

NĂM 1678 (MẬU NGỌ- PL.2222), niên hiệu Vĩnh Trị thứ 3, đời vua Lê Hy Tông.  

     • Vua Lê Hy Tông (1663-1716) ra lệnh cho các quan khắp nước bất cứ ở đâu Tăng Ni hoặc già hoặc trẻ đều đuổi hết về rừng núi. Bấy giờ, Thiền sư Tông Diễn (1640-1711) viết một tờ biểu, nói rõ việc tu hành cách thức làm yên nhà lợi nước, …rồi đem trao cho quan Đề Lĩnh tâu lên vua. Vua nghe đọc biểu xong, thuận ý mời Thiền sư vào triều. Khi vào triều, vua cho sư ngồi một bên trước mặt vua. Vua hỏi những sách lược trị dân, sư ứng đối sự lý rất dung thông. Khi ấy, vua phán : “Đạo Phật là viên ngọc quí, chẳng lẽ trong nước chúng ta không dùng, Tăng Ni hay khuyên người làm thiện, tại sao lại vất bỏ đi ? Người đem Phật pháp khai hóa dân chúng cũng là phương pháp tốt giúp cho triều đình trị dân”. Vua liền mời Thiền sư ở lại chùa Báo Thiên để bàn luận đạo lý. Thượng hoàng nghe tiếng sai Trung sứ đến nói với vua thỉnh sư vào cung diễn giảng kinh pháp. Vua cũng đến dự nghe thấu hiểu đạo lý, liền ban cho sư được quyền ra vào nội cung để tuyên dương chánh pháp, đồng thời ra lệnh thu hồi lệnh trước, để Tăng Ni tự ý trở về chùa mình ở đâu tùy duyên giáo hóa (TSVN).   

     • Ngài Lương Thế Ân (1670-1746, sau này là Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo) xuất gia tại chùa Báo Tư thuộc tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc

 

NĂM 1680 (CANH THÂN- PL.2224), niên hiệu Vĩnh Trị (1676-1680) năm cuối, niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) thứ 1, đời vua Lê Hy Tông (1675-1705).   

     • Khoảng niên hiệu Chánh Hòa (1680-1705) – Vĩnh Thịnh (1705-1719) Thiền sư Như Đức đệ tử của Thiền sư Hương Hải (1628-1715), trụ trì chùa Lân Động huyện Đông Triều, giữ giới luật tinh nghiêm, tu hành khổ hạnh…có nhiều tài đức và thường du hóa khắp nơi, được nhiều người kính mộ

     • Thiền sư Phật Ấn – Quảng Hiển (1602-1716) dựng Phước Am trên đồi Hoa Sơn tu hành (nay thuộc phường Phương Sài, TP. Nha Trang)

 

NĂM 1682 (NHÂM TUẤT- PL.2226), niên hiệu Chính Hòa thứ 3, đời vua Lê Hy Tông.  

     • Tháng 3, Thiền sư Minh Châu - Hương Hải (1628-1715), cùng với năm mươi đồ đệ vượt biển về Bắc. Chúa Trịnh sai Đường quận công đem thuyền đón sư về kinh. Sư đến kinh ở tạm lại công quán, Chúa Trịnh sai Nội giám là Nhượng quận công và Bồi Tụng là Lê Hy đến hỏi tra lý lịch, lại đòi người làng Áng Độ đến nhận thực. 

     Biết đúng lẽ thực rồi, Chúa Trịnh cho mời sư vào triều thăm hỏi và phong cho chức Vụ Sử, thưởng 300 quan tiền, mỗi năm cấp 24 lậu thóc, 36 quan tiền, 1 tấm vải trắng. Đồ đệ của Thiền sư mỗi người một năm cấp 12 lậu thóc, 12 quan tiền. Chúa sai sư vẽ địa đồ của hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam. Sư vâng lệnh vẽ rất rõ ràng dâng lên. Chúa khen ngợi thưởng 2.000 quan tiền (TSVN).    

 

NĂM 1683 (QUÝ HỢI- PL.2227), niên hiệu Chính Hòa thứ 4, đời vua Lê Hy Tông.  

     • Chúa Trịnh sai quan trấn thủ Sơn Nam lấy ba mẫu đất làm chùa cho Thiền sư Minh Châu - Hương Hải (1628-1715)

     • Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) ra Thuận Hóa truyền bá Phật pháp. Ngài lập chùa Phổ Thành (thường gọi chùa Hà Trung), chùa Vĩnh Ân (sau đổi thành Quốc Ân) phía Tây Bắc núi Ngự Bình thuộc thôn Phước Quả (nay là phường Trường An, Huế)

     • Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung ra Phú Xuân, dựng chùa Ấn Tông (sau đổi tên là chùa Từ Đàm) trên núi Hoàng Long thuộc làng Bình An, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân - Huế, để hoằng dương Phật pháp

     • Lễ khánh thành chùa Thập Tháp Di Đà hiện tại thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Chùa này do Thiền sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch (1648-1728) khai sơn. Cũng năm này, Thiền sư Đạo Nguyên – Tánh Đề (1656-1716) kế thế trụ trì chùa này.

     • Trúc Lâm Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục được in ấn

 

NĂM 1684 (GIÁP TÝ- PL.2228), niên hiệu Chính Hòa thứ 5, đời vua Lê Hy Tông.   

     • Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) dựng đài Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Quỳnh Lâm nay thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh 

     • Chùa Vĩnh Ân (sau đổi thành Quốc Ân) ở Phú Xuân do Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) khai sơn, khánh thành. Ngài đã được chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) ban cho một ngân khoản để xây dựng chùa này.  

 

NĂM 1685 (ẤT SỬU- PL.2229), niên hiệu Chính Hòa thứ 6, đời vua Lê Hy Tông.   

     • Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) viết Thiên Nam Ngữ Lục.

 

NĂM 1686 (BÍNH DẦN- PL.2230), niên hiệu Chính Hòa thứ 7, đời vua Lê Hy Tông.  

     • Thiền sư Viên Quang trùng tu chùa Hương (hay Hương Tích ở núi Hương Tích, xã Hương Sơn, huyện Hoài An, trấn Sơn Nam) hoàn thành, trở thành danh lam thắng cảnh bậc nhất của Đại Việt, do sự hỗ trợ của vương phi Trịnh Thị Ngọc Long, Hán quận công Thân Công Đẩu,…

 

NĂM 1687 (ĐINH MÃO- PL.2231), niên hiệu Chính Hòa thứ 8, đời vua Lê Hy Tông.   

     • Chúa Ngãi (Nguyễn Phúc Thái) cử Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) về Trung Quốc thỉnh thêm nhiều danh tăng sang Đàng Trong hoằng hóa, nhờ đó Phật giáo ngày càng hưng thịnh

     • Chùa Hồng Phúc (thường gọi là chùa Hòe Nhai), hiện tại số 19, phố Hàng Than, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội, được trùng tu. Chùa này tiếp tục được trùng tu vào những năm : 1699, 1703, 1812, 1894, 1899, 1920, 1946 và 1952. Đây là Tổ đình  dòng thiền Tào Động của Phật giáo miền Bắc

 

 

NĂM 1689 (KỶ TỴ- PL.2233), niên hiệu Chính Hòa thứ 9, đời vua Lê Hy Tông.  

     • Thiền sư Tế Viên (?- 1689), Tổ khai sơn chùa Hội Tôn ở Phú Yên, thị tịch

     • Ngày 27 tháng 5 năm Kỷ Tỵ, chúa Nguyễn Phúc Thái ký sắc lệnh miễn giảm tất cả các sắc thuế đất ruộng cho chùa Vĩnh Ân ở Phú Xuân do Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) khai sơn, đồng thời đổi hiệu chùa là Quốc Ân Tự và ban tấm biển “Sắc Tứ Quốc Ân Tự”.  

 

NĂM 1690 (CANH NGỌ- PL.2234), niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) thứ 10, đời vua Lê Hy Tông (1675-1705).  

     • Thiền sư Thiệt Diệu - Liễu Quán (1667-1742) đến thọ giáo với Thiền sư Giác Phong – Pháp Hàm ở chùa Hàm Long (sau đổi là chùa Báo Quốc) trên núi Hàm Long, huyện Hương Trà, Thuận Hóa

     • Thiền sư Tịch Viễn – Hồng Quy (1648-1690) trụ trì Phước Am (đồi Hoa Sơn, Nha Trang) thị tịch, trụ thế 42 năm

     • Thảo am do Thiền sư Thành Đẳng - Minh Lượng (1662-1769) khai sơn năm 1676, được mở rộng, xây dựng thành chùa Lang Thọ (chùa Cây Cau) ở phường Cẩm Hà, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Sau này, Thiền sư Phổ Triêm trùng tu và đổi tên là chùa Vạn Đức

 

NĂM 1691 (TÂN MÙI- PL.2235), niên hiệu Chính Hòa thứ 11, đời vua Lê Hy Tông.   

     • Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) xây dựng chùa Mỹ An ở núi Mỹ An (nay là núi Túy Vân)

     • Thiền sư Hưng Liên – Quả Hoằng trụ trì chùa Tam Thai (Quảng Nam) được Chúa tin dùng và Thiền sư giới thiệu để chúa viết thơ và cho người sang Trung Hoa thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm sang Đàng Trong hoằng hóa

     • Chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa Quốc Ân hiện tại số 143, đường Đặng Huy Trứ, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, cặp liễn. Chùa này do Thiền sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch (1648-1728) khai sáng (1883)

     • Thiền sư Thiệt Diệu - Liễu Quán (1667-1742) về quê để phụng dưỡng phụ thân đã già yếu

NĂM 1692 (NHÂM THÂN- PL.2236), niên hiệu Chính Hòa thứ 12, đời vua Lê Hy Tông.   

     • Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) được vua Lê Hy Tông triệu vào cung để tham vấn Phật pháp. Vua khâm phục tài đức của Thiền sư, ban cho sư hiệu Vô Thượng Công và cúng dường áo cà-sa cùng những pháp khí để thừa tự

     • Chúa Nguyễn Phúc Chu xuống sắc đưa Thiền sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch (1648-1728) ra trụ trì chùa Hà Trung (Thuận Hóa)

 

NĂM 1694 (GIÁP TUẤT- PL.2238), niên hiệu Chính Hòa thứ 14, đời vua Lê Hy Tông.   

     • Khoảng năm 1694, Thiền sư Phật Bảo - Pháp Hóa (1670-1754) khai sơn chùa Thiên Ấn ở núi Thiên Ấn, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi

     • Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sắc hai vị sư sang Trung Hoa đem thơ mời, có thư giới thiệu của Thiền sư Hưng Liên – Quả Hoằng, để thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm (1633-1704) thuộc phái thiền Tào Động sang Đàng Trong hoằng dương Phật pháp

     • Ngày 27 tháng 5 năm Giáp Tuất, Thiền sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch (1648-1728) và Thiền sư Giác Phong – Pháp Hàm ở chùa Quốc Ân (Thuận Hóa – Huế) làm tờ trình “thân” gởi phủ chúa xin miễn thuế Tam Bảo tự điền. Sau đó, được phủ chúa chính thức châu phê. 

 

NĂM 1695 (ẤT HỢI- PL.2239), niên hiệu Chính Hòa thứ 15, đời vua Lê Hy Tông.  

     • Ngày 12 tháng 3 (nhằm ngày 28 – 1 - Ất Hợi), Thiền sư Thạch Liêm (1633-1704, người Trung Hoa) đến đảo Tiêm Bút La (Cù Lao Chàm ngày nay) thuyền buôn ở ngoài khơi cảng Hội An, Quảng Nam

     • Ngày 29 tháng Giêng năm Ất Hợi, Chiến thuyền của chúa Nguyễn từ Hội An ra rước Hòa thượng Thạch Liêm và các đệ tử về Phú Xuân, ngụ tại chùa Thiền Lâm

     • Ngày 01 tháng 2 năm Ất Hợi, Thiền sư Thạch Liêm (1633-1704) ra mắt chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn mời sư ở chùa Thiên Mụ (trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, Phú Xuân) để dạy đệ tử và thường vời vào cung thưa hỏi đạo

     • Ngày 26 tháng 2 năm Ất Hợi, Chúa rước Hòa thượng Thạch Liêm (1633-1704) vào ngụ nơi phương trượng mới, Quốc Mẫu đãi cơm chay, Vương huynh Công chúa dâng hương, thỉnh Hòa thượng thuyết pháp (LSPGĐT). 

     • Ngày 10 tháng 3 năm Ất Hợi, các tăng sĩ (theo Hòa thượng Thạch Liêm) đi chuyến thuyền sau đến đảo Tiêm Bút La

• Ngày 06 tháng 4 năm Ất Hợi, Giới đàn chùa Thiền Lâm truyền giới tỳ-khưu. Quốc mẫu và vương huynh thiết lễ trai tăng cúng dường các vị tăng sĩ mới thụ giới, và ghi chép các lời pháp ngữ của Thiền sư Thạch Liêm

     • Ngày mùng 08 tháng 4 năm Ất Hợi, Phật đản, làm lễ trao Bồ-tát giới cho chúa Nguyễn Phúc Chu, quốc mẫu, công chúa và các người quyến thuộc trong nội cung. Chúa được ban pháp danhHưng Long. Lễ truyền giới được tổ chức ở chùa Giác Vương Nội Viên trong phủ chúa. Thiền sư Thạch Liêm (1633-1704) viết cho chúa một cuốn sách ngắn, chỉ bày cách tu tập, gọi là Hộ Pháp Kim Thang Thư. Buổi chiều truyền giới Bồ-tát cho các vương huynh là Lệ Truyền Hầu và Thiều Dương Hầu cùng với một số các quan được tổ chức tại chùa Thiền Lâm (Phú Xuân)

     • Ngày 09 tháng 4 năm Ất Hợi, Giới đàn chùa Thiền Lâm truyền giới Bồ-tát cho chư tăng. Các vương huynh công chúa cúng dường trai tăng và thỉnh Thiền sư Thạch Liêm thuyết pháp, rồi ghi chép pháp ngữ

     • Ngày 12 tháng 4 năm Ất Hợi, tại Giới đàn chùa Thiền Lâm, Thiền sư Thạch LiêmQuốc sư Hưng Liên thống suất hai dãy tăng giới tử, tất cả một ngàn năm trăm vị tăng đều mang bình bát, chống tích trượng làm lễ “Cổ Phật khất thực” trong thành phố, và đến phủ chúa tạ ơn chúa Nguyễn đã thành tựu công đức cho đại giới đàn. Lễ cúng dường cơm chay được thiết lập tại phủ chúa. Giới đàn bế mạc chiều hôm ấy. Trong giới đàn này, giới điệp cấp phát cho giới tử đều có đóng kèm ấn của phủ chúa

     • Ngày 24 tháng 4 năm Ất Hợi, Chúa Nguyễn Phúc Chu lập đàn trì chú Đại Bi Đà-la-ni để tạ ơn Phật tổ, Long Thiên vì trong nước được mưa thuận gió hòa

     • Ngày 03 tháng 6 năm Ất Hợi, Hòa thượng Thạch Liêm (1633-1704) vào Phủ báo với Chúa là ngày rằm sẽ vào Hội An để kịp chuyến thuyền về Trung Hoa. Chúa yêu cầu Hòa thượng cho lưu lại chùa Giác Hoàng hai đệ tử, ngài chọn Tri khách Thiên Vũ và Hậu đường Khánh Ngu ở lại “Giác vương Nội viện”.

     • Ngày rằm tháng 6 năm Ất Hợi, Hòa thượng Thạch Liêm (1633-1704) cùng các đệ tử vào Hội An để lên thuyền về lại Trung Quốc

     • Ngày 07 tháng 7 năm Ất Hợi, chùa Di-đà ở Hội An, Quảng Nam, mở giới đàn với sự chứng minh của Hòa thượng Thạch Liêm. Có khoảng trên 300 người đã xin thọ giới. Giới đàn ở đây được tổ chức rất đơn giản, nhưng giới điệp cũng được đóng kèm với ấn chúa

     • Ngày 30 tháng 7 năm Ất Hợi, Hòa thượng Thạch Liêmđệ tử xuống thuyền về Trung Quốc, nhưng ra khơi bị bão, thuyền phải quay trở lại Hội An

     • Ngày 12 tháng 10 năm Ất Hợi, Hòa thượng Thạch Liêm được rước về Phú Xuân bằng đường bộ.

     • Ngày 15 tháng 10, Hòa thượng Thạch Liêm (1633-1704) đến chùa Thiên Mụ (Phú Xuân) và tạm ngụ ở đây cho đến ngày trở về Trung Quốc

     • Ngày 04 tháng 11 năm Ất Hợi, Chúa cho rước Hòa thượng Thạch Liêm (1633-1704) và 24 đệ tử của ngài đến Phủ làm lễ sám hối Vạn Phật trong 40 ngày

     • Khoảng năm 1695, Quốc sư Hưng Liên – Quả Hoằng nhờ Hòa thượng Thạch Liêm (1633-1704) viết cho bài sớ để kêu gọi Phật tử quyên góp trùng tu chùa Di Đà ở Hội An. Cũng khoảng năm này, Quốc sư trụ trì chùa Tam Thai (núi Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang, Quảng Nam)

     • Chúa Minh Vương cho trùng kiến chùa Thiền Lâm tại Thuận Hóa.

     • Thiền sư Thạch Liêm (1633-1704) đến viếng chùa Tam Thai (do Quốc sư Hưng Liên, đệ tử của Thiền sư Thạch Liêm, làm trụ trì) ở phía tây Ngũ Hành Sơn, huyện Diên Phước, Quảng Nam. Tại đây, Thiền sư đặt tên cho những động Nghiêm Thạch, động Hoa Nghiêm Vân

 

NĂM 1696 (BÍNH TÝ- PL.2240), niên hiệu Chính Hòa thứ 16, đời vua Lê Hy Tông.   

     • Ngày 22 tháng 7 (nhằm ngày 24 – 6 – Bính Tý), Hòa thượng Thạch Liêm (1633-1704) và tùy tùng lên thuyền rời Hội An về Trung Quốc. Chúa ban tặng Hòa thượng nhiều bảo vật : Tích trượng, bình bát, giới đao bằng vàng và tặng 5000 quan tiền để trùng tu chùa Trường Thọ (Quảng Đông)

     • Chúa Nguyễn Phúc Chu pháp danh Hưng Long, viết bài tựa sách Hải Ngoại Ký Sựcủa Thiền sư Thạch Liêm (1633-1704)Sách này có 6 quyển, do Thiền sư Thạch Liêm ghi chép về cuộc hành trình với việc hoằng hóa của ngài ở Đàng Trong và các bài thơ sáng tác trong thời gian đó (1695-1696).

     • Thiền sư Hưng Triệt (đệ tử Hòa thượng Thạch Liêm) được cử làm trụ trì chùa Thiên Mụ hiện trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, Phú Xuân (từ năm 1696 – 1702)

 

NĂM 1697 (ĐINH SỬU- PL.2241), niên hiệu Chính Hòa thứ 17, đời vua Lê Hy Tông.   

     • Thiền sư Từ Lâm được suy tôn làm Hòa thượng Đường đầu cho Đại giới đàn tại chùa Từ Lâm ở Thuận Hóa. Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) được thọ giới Tỳ-khưu trong giới đàn này

     • Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) khai sơn chùa Viên Thông tại xóm Hành, ấp Tứ Tây, làng An Cựu, phía Tây Nam chân núi Ngự Bình (Huế) 

 

NĂM 1698 (MẬU DẦN- PL.2242), niên hiệu Chính Hòa thứ 18, đời vua Lê Hy Tông.   

     • Kim Cang Kinh được khắc bản in, bản gỗ hiện được lưu trữ tại chùa Từ Đàm, Huế.

 

NĂM 1699 (KỶ MÃO- PL.2243), niên hiệu Chính Hòa thứ 19, đời vua Lê Hy Tông.   

     • Thiền sư Thiệt Diệu - Liễu Quán (1667-1742) rời chùa Từ Lâm (Thuận Hóa), vân du tham vấn khắp các thiền lâm ở Đàng Trong

 

NĂM 1700 (CANH THÌN- PL.2244), niên hiệu Chính Hòa thứ 20, đời vua Lê Hy Tông.   

     • Thiền sư Minh Châu - Hương Hải (1628-1715) được Cung tần của chúa Trịnh Tráng là Nguyễn Thị Ngọc Hân mời về trụ trì chùa Nguyệt Đường thuộc tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, học trò theo hơn bảy mươi người đều tinh thông kinh luật. Sư xây dựng lại ngôi chùa Nguyệt Đường rất rộng rãiđẹp đẽ. Chính nơi đây, sư làm hưng thịnh lại phái Trúc Lâm 

 

NĂM 1702 (NHÂM NGỌ- PL.2246), niên hiệu Chính Hòa thứ 22, đời vua Lê Hy Tông.   

     • Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì (húy Tánh Ban, hiệu Mộc Y Sơn Ông (thường gọi là Ông Núi), tên Lê Ban, người Trung Hoa), đến núi Linh Phong, vùng biển Phương Phi, Phương Thái, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, lập am tranh tu hành, đặt tên chùa là Dũng Tuyền

     • Thiền sư Thiệt Diệu - Liễu Quán (1667-1742) bái yết Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung tại chùa Ấn Tôn núi Hàm Long, Thuận Hóa. Theo VNPGSL ghi : Thiền sư Tử Dung dạy ngài Liễu Quán tham khảo về công án : “Muôn pháp về một, một về chỗ nào ?”. Ngài rút lui về tham cứu năm năm mà chưa phá vỡ được công án ấy. Một hôm đọc Truyền Đăng Lục đến câu “trỏ vật mà truyền tâm,chính vì vậy mà người ta không hiểu”, thoạt nhiên ông thấy tỏ ngộ, bèn buông sách xuống.  

     • Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) cử hai đệ tử của Hòa thượng Thạch Liêm (1633-1704) là Thiền sư Hưng Triệt và Giám Sinh Hoàng Thìn đem cống vật và dâng biểu nhờ Tổng Đốc Lưỡng Quảng xin vua Thanh phong vương cho chúa Nguyễn, trong tờ biểu, chúa có xưng là đệ tử của Hòa thượng Thạch Liêm (nhưng vua Thanh không chấp nhận) 

 

NĂM 1703 (QUÝ MÙI- PL.2247), niên hiệu Chính Hòa thứ 23, đời vua Lê Hy Tông.   

     • Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) ban cho chùa Ấn Tông (sau đổi là chùa Từ Đàm) ở núi Hàm Long, Thuận Hóa tấm biển “Sắc tứ Ấn Tông tự”, chùa này do Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung sáng lập

     • Cư sĩ Trần Đình Ân (1624-1706) pháp danh Tịnh Tín, hiệu Minh Hồng, về trí sĩ; ông cho trùng kiến chùa chùa Bình Trung ở làng Hà Trung, xứ Thuận Hóa, để ẩn cưtu thiền

     • Chùa Hồng Phúc nay tại số 19, phố Hàng Than, quận Ba Đình – Hà Nội, dựng bia, do Tiến sĩ Hà Tông Mục soạn văn bia năm 1698 (Tập văn.16, năm 1990).

 

NĂM 1704 (GIÁP THÂN- PL.2248), niên hiệu Chính Hòa thứ 24, đời vua Lê Hy Tông.   

     • Ngày 06 tháng 3 năm Giáp Thân, Thiền sư Thủy Nguyệt – Thông Giác (1637-1704), quê ở Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình, thuộc tông Tào Động, đời thứ 36, trụ trì chùa Tường Quang Đông Sơn (Mạo Khê, Quảng Ninh), thị tịch, thọ 68 tuổi

     • Hòa thượng Thạch Liêm (1633-1704) hiệu Đại Sán, quê ở Giang Tây, Trung Hoa, thuộc Tông Tào Động, đời thứ 29, trụ trì chùa Trường Thọ (Trung Hoa), viên tịch ở Trường Sa, thọ 72 tuổi 

     • Thiền sư Như Liên trụ trì chùa Linh Tiên, cho xây dựng lại chùa Quang Ân nay tọa lạc ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội

 

NĂM 1705 (ẤT DẬU- PL.2249), niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) năm cuối, đời vua Lê Hy Tông (1675-1705); niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1719) thứ 1, đời vua Lê Dụ Tông (1705-1729).   

     • Thiền sư Chân Nguyên (1646-1726) viết bài tựa và cho khắc in sách Thánh Đăng Lục

     • Thiền sư Hương Hải (1628-1715) được vua Lê Dụ Tông mời vào Nội Điện để lập đàn “cầu tự” (cầu cho có con nối ngôi)

     • Thiền sư Như Lãng – Tuệ Bình (1674-1724) về trụ trìtrùng tu chùa Liên Trì ở núi Long Sơn, thuộc Diêm Khê, huyện Hưng Yên nay thuộc trấn Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.  

 

NĂM 1706 (BÍNH TUẤT- PL.2250), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 2, đời vua Lê Dụ Tông.

     • Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sai người sang Trung Hoa thỉnh kinh. Kinh thỉnh về được tàng trữ ở chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, Phú Xuân

     • Hòa thượng Khắc Huyền – Như Tư (?-1706) thuộc thiền phái Tào Động, Tổ khai sơn chùa Thiền Lâm (Phú Xuân), viên tịch

     • Cư sĩ Trần Đình Ân (1624-1706) pháp danh Tịnh Tín, hiệu Minh Hồng, nguyên quán xã Hà Trung, huyện Minh Linh, phủ Quảng Bình, xứ Thuận Hóa, lâm chung tại chùa chùa Bình Trung (Thuận Hóa), thọ 81 tuổi

     • Thiền sư Minh Dung - Pháp Thông (1691-1749) chủ trì khởi công khắc bản in kinh Pháp Hoa tại chùa Bồ Đề, thôn An Hòa, điếm Ma Nương, xã Đắc Nhơn, tổng Vạn Phước, huyện An Phước, đạo Ninh Thuận.

 

NĂM 1708 (MẬU TÝ- PL.2252), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 4, đời vua Lê Dụ Tông.

     • Thiền sư Thiệt Diệu - Liễu Quán (1667-1742) ra chùa Ấn Tông ở núi Hàm Long, Thuận Hóa, trình cho bổn sư (Hòa thượng Minh Hoằng – Tử Dung) công phu tham cứu công án để nhờ thầy ấn chứngCũng khoảng thời gian từ năm 1708 – 1712, Thiền sư vào rừng thông ở núi Thiên Thai thuộc làng An Cựu, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân, lập am tranh (sau này là chùa Thuyền Tôn) để tu thiền.  

     • Thiền sư Thiệt Huệ - Khánh Tài và Thiền sư Thiệt Sát – Bảo Hương vận động Phật tử khắc bản gỗ in bộ kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa

 

NĂM 1709 (KỶ SỬU- PL.2253), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5, đời vua Lê Dụ Tông.

     • Ngày 15 tháng 7 năm Kỷ Sửu, Hòa thượng Minh Lượng – Thành Đẳng (1626-1709) thế danh Lý Nhuận, pháp danh Minh Lượng, tự Nguyệt Ân, hiệu Thành Đẳng, sinh tại huyện Triều Dương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 34, Tổ khai sơn chùa Vạn Đức (Lang Thọ tự, Hội An – Quảng Nam), viên tịch, thọ 83 tuổi

     • Khoảng năm 1709, Thiền sư Hải Khiển – Đức Sơn (1655-1741) người Trung Quốc, sang khai sơn chùa Long Khánh tại Quy Nhơn – Bình Định.   

     • Thiền sư Như Lãng – Tuệ Bình (1674-1724) đúc đại hồng chung, làm tượng Phậttrùng tu chùa Liên Trì ở núi Long Sơn, thuộc Diêm Khê, huyện Hưng Yên (nay thuộc trấn Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).   

 

NĂM 1710 (CANH DẦN- PL.2254), niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1719) thứ 6, đời vua Lê Dụ Tông (1705-1729).

     • Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho đúc chuông chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, Thuận Hóa. Chuông nặng 3.285 cân. Trên chuông có khắc những dòng sau đây : “Quốc chúa Đại Việt Nguyễn Phúc Chu, nối dòng Tào Động Chánh Tông đời thứ ba mươi, pháp danh Hưng Long, đúc hồng chung này nặng 3.285 cân, an trí ở chùa Thiên Mụ Thiền Tự để vĩnh viễn cung phụng Tam Bảo. Cầu nguyện gió hòa mưa thuận quốc thái dân an, chúng sinh trong pháp giới đều hoàn toàn đại viên chủng trí. Năm Vĩnh Thịnh thứ sáu, ngày Phật đản tháng tư Canh Dần”

 

NĂM 1711 (TÂN MÃO- PL.2254), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 7, đời vua Lê Dụ Tông.  

     • Ngày 16 tháng 7 năm Tân Mão, Thiền sư Tông Diễn – Chân Dung (1640-1711) thế danh Tưởng Đình Khoa, hiệu Chân Dung, quê ở xã Hương Ngãi, huyện Chân Định, trấn Sơn Nam Hạ, thuộc tông Tào Động, đời thứ 37, trụ trì chùa Hồng Phúc (Hà Nội), viên tịch, thọ 72 tuổi. Sinh tiền, Thiền sư là người viết biểu khuyên vua Lê Hy Tông bỏ sắc lệnh đuổi Tăng Ni về rừng núi, ngài cảm hóa được vua Lê, Thiền sư cũng thường tới lui triều đình giảng đạo cho vua chúa nghe. (TSVN) (Theo LSPGVNXĐN thì Thiền sư Tông Diễn sinh năm 1638 và viên tịch ngày 16 tháng 7 năm Kỷ Sửu (1709) 

     • Thái Thượng hoàng Lê Hy Tông ban cho Thiền sư Chân NguyênChánh Giác (1647-1726) ba tượng Phật (Di Đà, Quan ÂmThế Chí) và 2 quyển sách (Long Thư Tịnh Độ Văn, Niệm Phật Bảo Cảnh). Chính Thái thượng hoàng đứng ra bảo trợ cho việc khắc in 2 quyển sách này, Thiền sư Chân Nguyên viết tựa

     • Thiền sư Tuệ Tĩnh (?-1713) đứng ra hưng công 2 tượng Phật bằng vàng, tượng Phật Chuẩn Đề (24 tay) và tượng Mục Kiền Liên. Ngoài ra Thiền sư còn xây dựngtrùng tu 24 ngôi chùa ở miền Bắc.   

 

NĂM 1712 (NHÂM THÌN- PL.2255), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8, đời vua Lê Dụ Tông.   

     • Trong đại lễ Toàn Viện tại Quảng Nam, Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) đem trình với Hòa thượng Minh Hoằng - Tử Dung bài kệ tắm Phật mà ngài mới làm. Hòa thượng nói : “Tổ truyền cho Tổ, Phật truyền cho Phật, chẳng hay họ truyền cho nhau cái gì nhỉ ?”. Thiền sư đọc liền hai câu :

Búp măng trên đá dài hơn trượng

Cây chuổi lông rùa nặng mấy cân.

Hòa thượng lại đọc :

Chèo thuyền trên núi cao

Phi ngựa dưới đáy biển

Thiền sư đọc tiếp :

Dây dứt đàn tranh chơi suốt buổi

Gảy sừng trâu đất rống thâu đêm.

Hòa thượng gật đầu tỏ ý rất bằng lòng (VNPGSL). 

 

NĂM 1713 (QUÝ TỴ- PL.2257), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9, đời vua Lê Dụ Tông.  

     • Ngày 01 tháng 4 năm Quý Tỵ, Thiền sư Tuệ Tĩnh (?-1713) hiệu Thận Trai, tự Vô Dật, pháp danh Chân An – Giác Tánh, quê ở làng Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giang, trấn Hải Dương, hoằng hóa ở chùa Hộ Xá (Hải Dương), cũng là một Danh y, viên tịch. Tác phẩm của Thiền sưHồng Nghĩa Giác Tư Y Thư, Nam Dược Thần Hiệu, Thập Tam Phương Gia Giảm, chú giải sách Khóa Hư Lục.   

 

NĂM 1714 (GIÁP NGỌ- PL.2258), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 10, đời vua Lê Dụ Tông.   

     • Ngày 15 tháng 2 năm Giáp Ngọ, Hòa thượng Tánh Nhẫn – Thiện Châu (1622-1714), thuộc dòng Tế Thượng Chánh Tông, đời thứ 33, Tổ khai sơn chùa Bửu Lâm (Đồng Tháp), viên tịch, thọ 93 tuổi.

     • Tháng 5 năm Giáp Ngọ, Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) trùng tu chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, Thuận Hóa. Chưởng cơ Tống Đức Đại được ủy thác việc trùng tu lớn lao này

     • Tháng 6, Chúa Trịnh nhân đi kinh lý ghé thăm chùa Nguyệt Đường nay thuộc tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, phát 1.000 quan tiền để cúng chùa

     • Ngày 22 tháng 11 năm Giáp Ngọ, Hòa thượng Giác Phong – Pháp Hàm (?-1714), thuộc Tông Tào Động, Tổ khai sơn chùa chùa Hàm Long (sau đổi là chùa Báo Quốc, Thuận Hóa), viên tịch

     • Vua Lê Dụ Tông (1680-1731) đàm đạo với Thiền sư Minh Châu - Hương Hải (1628-1715)

NĂM 1715 (ẤT MÙI- PL.2259), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11, đời vua Lê Dụ Tông.   

     • Ngày 13 tháng 5 năm Ất Mùi, Hòa thượng Minh Châu - Hương Hải (1628-1715), pháp danh Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự Minh Châu Hương Hải, người hương Áng Độ, huyện Chân Phúc, châu Ái, thuộc Thiền phái Trúc Lâm, trụ trì chùa Nguyệt Đường (Khoái Châu, Hưng Yên), viên tịch, thọ 88 tuổi. Tác phẩm của Thiền sư có : Giải Pháp Hoa Kinh, Giải Kim Cương Kinh Lý Nghĩa, Giải Sa-di Giới Luật, Giải Phật Tổ Tam Kinh (3 quyển), Giải A-di-đà Kinh, Giải Vô Lượng Thọ Kinh, Giải Địa Tạng Kinh, Giải Tâm Kinh Đại Điên, Giải Tâm Kinh Ngũ Chỉ, Giải Chân Tâm Trực Thuyết, Giải Pháp Bảo Đàn Kinh (6 quyển), Phổ Khuyến Tu Hành (1 quyển), Bảng Điều Nhất Thiên, Cơ Duyên Vấn Đáp Tinh Giải, Lý Sự Dung Thông, Quán Vô Lượng Thọ Kinh Quốc Ngữ (TSVN, CTTĐPGTH).    

     • Thiền sư Như Trí (?-1723) khắc bản in lại Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, tại chùa Tiêu trên núi Tiêu, thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây là bản cổ nhất còn lại

     • Tháng 10 năm Ất Mùi, Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) viết Bài bia trùng tu chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, Thuận Hóa

     • Chùa Hàm Long (sau đổi là chùa Báo QuốcThuận Hóa) lập bia tháp Lão tổ Giác Phong – Pháp Hàm (?-1714), thuộc phái Tào Động.

 

NĂM 1716 (BÍNH THÂN- PL.2260), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 12, đời vua Lê Dụ Tông.   

     • Ngày 08 tháng 7 năm Vĩnh Thịnh (1716), Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ban biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn tự” cho chùa Thiên Ấn ở núi Thiên Ấn, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi

     • Tháng 8 năm Bính Thân, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho trùng tu chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch

     • Ngày 03 tháng 6 năm Bính Thân, Hòa thượng Đạo Nguyên – Tánh Đề (1656-1716) húy Tánh Đề, hiệu Đạo Nguyên, thuộc thiền phái Lâm Tế, trụ trì chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định) viên tịch, thọ 61 tuổi

     • Thiền sư Phật Ấn – Quảng Hiển (1602-1716) người Trung Hoa, Tổ khai sơn Phước Am (đồi Hoa Sơn, Nha Trang), thị tịch, thọ 114 tuổi. Cũng năm này, Thiền sư Tịch Viễn – Hồng Quy (1648-1690) kế thế trụ trì Phước Am

     • Thiền sư Minh Giác – Kỳ Phương (1682-1744) kế thế trụ trì chùa Thập Tháp – Di Đà nay thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Đình.

 

NĂM 1717 (ĐINH TỴ- PL.2261), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13, đời vua Lê Dụ Tông.   

     • Tháng 7 năm Đinh Tỵ, Thiền sư Minh Giác – Kỳ Phương (1682-1744) chứng minh khai sơn chùa Thắng Quang tại thôn Hy Tường, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

     • Thiền sư Chân Hỷ - Tuệ Minh (?-1717) thuộc thiền phái Lâm Tế, hoằng hóa ở chùa Đại Khánh (Đông Sơn – Thanh Hóa), viên tịch

 

NĂM 1720 (CANH TÝ- PL.2264), niên hiệu Bảo Thái (1720-1729) thứ 1, đời vua Lê Dụ Tông (1705-1729).   

     • Ngày 15 tháng 5 năm Canh Tý, Thiền sư Pháp Thông - Quảng Trí ở chùa Trấn Hải, kinh đô Thăng Long, dâng lên Vua Lê Dụ Tông sách “Mục Ngưu Đồ Tụng Luận Giải” 2 quyển, do ngài luận giải. Nội dung sách bao gồm : Bài tựa tranh chăn trâu, Quyển Thượng : Luận giải về các bài tụng tranh chăn trâu; Luận về chưa chăn; Nói về lúc mới chăn. Quyển Hạ : Luận giải về các bài tụng tranh chăn trâu của Phổ Minh Thiền sư về tranh. Có 10 bài : 1. Chưa chăn, 2. Mới dắt, 3. Chịu phép, 4. Quay đầu, 5. Ngoan ngoãn, 6. Không ngại, 7. Theo cuộc, 8. Quên nhau, 9. Riêng chiếu, 10. Cả hai đều vắng bặt. Sau cùng, Tổng luận về tướng viên giác tịch quangchân không diệu hữu

     • Thiền sư Tế HiếnChánh Trực (1662-1737) khai sơn chùa Thiên Đức hiện tại thôn Háo Lễ, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, được Tổ Minh Giác – Kỳ Phương chứng minh khai sơn

     • Thiền sư Như Thông (1659-1723) khai sơn chùa Bảo Quang trên núi Lãm Sơn, thuộc Sơn Đông, xã Sơn Nam, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Thiền sư đã mua khu đất này và xây dựng thành ngôi thiền tự trang nghiêm, phải tốn đến 118 quan tiền cho chi phí xây dựng.  

 

NĂM 1721 (TÂN SỬU- PL.2265), niên hiệu Bảo Thái thứ 2, đời vua Lê Dụ Tông.

     • Tháng 2 năm Tân Sửu, Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho lập chùa Giác Hoàng ở xã Thiền Sĩ, huyện Phong Điền

     • Thiền sư Thiệt Thoại – Tánh Tường (?-1817) sáng lập chùa Huê Nghiêm nay ở số 204, đường Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP. HCM

     • Chúa Trịnh Cương (1709-1729) sai Hiển Thọ hầu đến chùa Quang Minh thỉnh Thiền sư Như Nhàn (1655-1724) về kinh thành Thăng Long lập đàn tràng cầu đảo ở tháp Báo Thiên. Chúa phong cho sư chức Tăng phóban cho ca-sa tử y.   

 

NĂM 1722 (NHÂM DẦN- PL.2266), niên hiệu Bảo Thái thứ 3, đời vua Lê Dụ Tông.  

     • Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) được vua Lê Dụ Tông thỉnh vào cung điện, lập đàn chay Nghiêm Phúc. Vua phong cho Thiền sư chức Tăng Thống và ban hiệu Chánh Giác Hòa Thượng

     • Thiền sư Thiệt Diệu - Liễu Quán (1667-1742) trùng tu chùa Thuyền Tôn ở núi Thiên Thai, thuộc làng An Cựu, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân, thành khang trang và ngài về trụ ở đây

     • Thiền sư Liễu Toàn thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 37, sáng lập chùa Phước Long hiện tại D5/156, ấp 4, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, Tp. HCM.

 

NĂM 1723 (QUÍ MÃO- PL.2267), niên hiệu Bảo Thái thứ 4, đời vua Lê Dụ Tông.  

     • Ngày 02 tháng 6 năm Quý Mão, Thiền sư Như Thông (1659-1723) sinh tại thôn Phú Mẫu, xã Nội Trà, huyện Yên Phong, trấn Kinh Bắc, thuộc thiền phái Trúc Lâm, Tổ khai sơn chùa Bảo Quang (Bắc Ninh), viên tịch, thọ 65 tuổi.   

     • Thiền sư Bản Lai Thiện Thuận Đạo Chu (1698-1775) trùng tu chùa Báo Quốc (chùa Hàm Long) trên đồi Hàm Long, thuộc ấp Trường Giang, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân

     • Thiền sư Như Trí (?-1723) thuộc thiền phái Trúc Lâm, trụ trì chùa Tiêu Sơn (chùa Thiên Tâm, Từ Sơn, Bắc Ninh), thị tịch (VHPG-52). 

     • Thiền sư Giác Thù – Pháp Vấn (1664-1754) từ Trung Hoa trở về nước 

 

NĂM 1724 (GIÁP THÌN- PL.2268), niên hiệu Bảo Thái thứ 5, đời vua Lê Dụ Tông.  

     • Chúa Trịnh Cương (1709-1729) truyền cho mở rộng chùa Nguyệt Đường thuộc tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, cúng thêm hơn năm mươi mẫu để xây dựng rộng rãi, nguy nga. Thiền sư Như Nguyệt – Hoa Quangpháp tử của Thiền sư Minh Châu - Hương Hải đứng ra chủ trương xây cất

     • Thiền sư Như Sơn viết bài tựa sách Pháp Giới An Lập Đồ.

     • Thiền sư Từ Sơn Hành Nhất (1681-1737) xây dựng chùa Quảng Nghiêm, rồi giao cho đệ tử trụ trì

     • Thiền sư Như Nhàn (1655-1724) quê ở xã Kim Lũy, huyện Đông Triều, trấn Hải Dương, trụ trì chùa Quang Khánh (Kim Thành, Hải Dương), viên tịch, thọ 72 tuổi, 46 hạ lạp.  

     • Thiền sư Như Lãng – Tuệ Bình (1674-1724) thuộc Thiền phái Trúc Lâm, trụ trì chùa Liên Trì (Quảng Yên, Quảng Ninh) thị tịch, trụ thế 50 năm.   

 

NĂM 1725 (ẤT TỴ- PL.2269), niên hiệu Bảo Thái thứ 6, đời vua Lê Dụ Tông.  

     • Ngày 24 tháng 4 năm Ất Tỵ, Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng Đạo Nhân, thuộc tông Tào Động, đời thứ 30, băng hà, hưởng dương 51 tuổi, ngồi ngôi chúa 34 năm. Sinh tiền, Chúa thọ giới Bồ-tát từ Thiền sư Thạch Liêm. Theo lời khuyên của Thiền sư chúa để ý nâng đỡ cao tăng ở các tỉnh và  xây dựng nhiều chùa, ban biển ngạch sắc tứ cùng câu đối cho rất nhiều chùa. Ngoài ra chúa còn cho đúc chuông chùa Thiên Mụtrùng tu chùa này

     • Tháng 6 năm Ất Tỵ, sấm sét, nước dâng cao, Thiền sư Như Nguyệt lập đàn tế Long cung…đến tháng sau, ngài vớt một bè gỗ lớn trôi giạt trên bãi sông, đem về sửa chùa Nguyệt Đường thuộc tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên

     • Thiền sư Giác Thù – Pháp Vấn (1664-1754) được sắc nhập vào Viện Thị Triều Hậu và phong tặng Quốc Sư 

NĂM 1726 (BÍNH NGỌ- PL.2270), niên hiệu Bảo Thái thứ 7, đời vua Lê Dụ Tông.  

     • Ngày 28 tháng 10 năm Bính Ngọ, Hòa thượng Chân NguyênChánh Giác (1647-1726) họ Nguyễn, tên Nghiêm, pháp danh Tuệ Đăng, quê ở làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, thuộc tông Lâm Tế, đời thứ 36, trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm, là Tăng Thống, Thiền sư được truyền y bát của phái Trúc Lâm, viên tịch, thọ 80 tuổi. Theo TSVN ghi : Thiền sư là người khôi phục lại Thiền phái Trúc Lâm. Tác phẩm của sư có : Tôn Sư Pháp Sách Đăng Đàn Thọ Giới, Nghênh Sư Duyệt Đinh Khoa, Long Thư Tịnh Độ Văn, Long Thư Tịnh Độ Luận Bạt Hậu Tự, Tịnh Độ Yếu Nghĩa, Ngộ Đạo Nhân Duyên, Thiền Tông Bản Hạnh, Nam Hải Quan Âm Bản Hạnh, Thiền Tịch Phú, Đạt-na Thái Tử Hạnh, Hồng Mông Hạnh, Kiến Tánh Thành Phật.

     • Thiền sư Tánh Trạm (Lê Văn Nghi, người tỉnh Thanh Hóa) trụ trì chùa Hương Nghiêm (núi Ma Ni), khắc lại bia chùa Hương Nghiêm

     • Thiền sư Như Trừng - Lân Giác (1696-1733) dịch và đề tựa sách “Xuất Gia Sa Di Quốc Âm Thập Giới”. Cũng năm này, ngài sáng lập chùa Liên Phái (còn gọi là chùa Liên Tôn) nay tại phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội

 

NĂM 1727 (ĐINH MÙI- PL.2271), niên hiệu Bảo Thái thứ 8, đời vua Lê Dụ Tông.  

     • Thiền sư Tánh Tuyên (1700-1755) trụ trì chùa Quang Ân ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì – Thăng Long, đứng ra quyên góp trùng tu chùa này

 

NĂM 1728 (MẬU THÂN- PL.2272), niên hiệu Bảo Thái thứ 9, đời vua Lê Dụ Tông.  

     • Ngày 20 tháng 11 (nhằm ngày 19 – 10 – Mậu Thân), Hòa thượng Nguyên Thiều – Siêu Bạch (1648-1728) họ Tạ, pháp danh Nguyên Thiều, hiệu Hoán Bích, quê ở Trình Hương, Triều Châu, Quảng Đông, Trung Hoa, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 33, viên tịch ở chùa Kim Cang (Đồng Nai), thọ 81 tuổi. Sinh tiền, Thiền sư vâng lệnh chúa Nguyễn về Trung Quốc thỉnh các Thiền sư như : Từ Lâm, Giác Phong, Minh Hoằng – Tử Dung, Minh Hải – Pháp Bảo, sang Việt Nam hoằng pháp. Thiền sư từng lập các chùa như : Thập Tháp Di Đà, Hà Trung, Vĩnh Ân, Kim Cang,…Thiền sư có các đệ tử nổi tiếng là : Minh Giác – Kỳ Phương, Minh Vật – Nhứt Tri, Minh Lượng – Thành Đẳng, Thành Nhạc - Ẩn Sơn, Minh Dung – Thành Chí,…

     • Ngày 20 tháng 10 năm Mậu Thân, xây tháp Hiển Minh (tháp thờ Thiền sư Chân Pháp – Mật Niệm), Tăng thống Như Nguyệt - Hoa Quang soạn văn bia tháp thầy của ngài.

     • Thiền sư Minh Hằng – Định Nhiên (?-1793) kế thế trụ trì chùa Quốc ÂnThuận Hóa - Huế

     • Hòa thượng Như Huấn (?-1728) thuộc Thiền phái Trúc Lâm, trụ trì chùa Sùng Đức (huyện Thủy Đường, tỉnh Kiến An), viên tịch.   

     • Thiền sư Hải Bi (1663-1728) thế danh Nguyễn Đình Hiến, quê ở xã Bằng Lai, huyện Kim Thành, trấn Hải Dương, thuộc Thiền phái Lâm Tế, Tổ khai sơn chùa Kim Liên (Giáp Sơn, Hải Dương), viên tịch, thọ 66 tuổi

 

NĂM 1729 (KỶ DẬU- PL.2273), niên hiệu Bảo Thái (1720-1729) năm cuối, đời vua Lê Dụ Tông (1705-1729); niên hiệu Vĩnh Khánh (1729-1732) thứ 1, đời vua Lê Duy Phường (1729-1732).  

     • Ngày 08 tháng 4 : chúa Nguyễn Phước Trú (1697-1738) ban thụy hiệu cho Thiền sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch (1648-1728) là “Hạnh Đoan Thiền Sư” và làm bài Minh khắc vào bia tháp

     • Ngày 20 tháng 11 năm Kỷ Dậu, tháp Hiển Minh xây dựng hoàn thành, thỉnh xá-lợi Thiền sư Chân Pháp – Mật Niệm nhập tháp.

     • Thiền sư Nguyên Thanh – Nguyệt Hiện (1710-1789) khai sơn chùa Sắc tứ Linh Thứu nay tại xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

 

NĂM 1730 (CANH TUẤT- PL.2274), niên hiệu Vĩnh Khánh (1729-1732) thứ 2, đời vua Lê Duy Phường (1729-1732).

     • Các chùa Quỳnh Lâm (nay thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) và chùa Sùng Nghiêm (hiện tại làng Mía, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây) do Thiền sư Như Hiện – Nguyệt Quang (?- 1765) trụ trì, được chúa Trịnh Giang trùng tu. Chùa cùng dân ba huyện Đông Triều, Thủy Đường và Chí Linh góp sức vào việc xây dựng các chùa này

 

NĂM 1732 (NHÂM TÝ- PL.2276), niên hiệu Vĩnh Khánh (1729-1732) năm cuối, đời vua Lê Duy Phường (1729-1732); niên hiệu Long Đức (1732-1735) thứ 1, đời vua Lê Thuần Tông (1732-1735).  

     • Đồ chúng thiền phái Lâm Tế xây tháp Hóa Môn thờ Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch (1648-1728) giữa rừng thông tĩnh mịch thuộc làng Dương Xuân Thượng ở Phú Xuân (Huế)

     • Thiền sư Tuệ Như – Tịnh Giác (1680-1732) họ Nguyễn, tên Nhân, pháp danh Tuệ Như, tự Tịnh Giác, sanh ở xã Mạc Xá, huyện Thanh Lâm, quy y thọ giáo ở chùa Đại Bi (Hải Dương), thị tịch, trụ thế 52 năm

 

NĂM 1733 (QUÝ SỬU- PL.2277), niên hiệu Long Đức (1732-1735) thứ 2, đời vua Lê Thuần Tông (1732-1735).  

     • Thiền sư Như Trừng - Lân Giác (1696-1733), thế danh Trịnh Thập, húy Như Như, hiệu Cao Thiền, con của Phổ Quang Vương, thuộc tông Lâm Tế, đời thứ 37, Tổ khai sáng phái Liên Tông (chùa Liên Phái), thị tịch, hưởng dương 37 tuổi. Trước lúc tịch Thiền sư để lại kệ : “Vốn từ không gốc, từ không mà đến, lại từ không mà đi, ta vốn không đến đi, tử sanh làm gì lụy”. Tác phẩm của Thiền sư có : Ngũ Giới Quốc Âm, Thập Giới Quốc Âm, Phật Tâm Luận, Kiến Đàn Giải Uế Nghị, Mãn Tán Tạ Quá Nghi,…(TSVN, LSPGVNXĐN). 

     • Chúa Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738) nghe danh đạo hạnh chân chánh của Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì, nên Chúa sắc lệnh xây cất lại chùa Dũng Tuyền (nay ở vùng biển Phương Phi, Phương Thái, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) trang nghiêm, đặt tên chùa là “Linh Phong Thiền Tự”, và ban cho tấm hoành “Linh Phong Thiền Tự”; Chúa lại ban cho Thiền sư Tịnh Giác (Ông Núi) hiệu là Tịnh Giác Thiện Trì Đại Lão Thiền sư 

     • Thiền sư Pháp Thông – Thiện Hỷ thuộc Tông Tào Động, đời thứ 36, khai sơn chùa Long Ẩn thuộc thôn Tân Lại, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên (nay là xã Tân Bửu, TP. Biên Hòa) (chưa rõ năm Quý Sửu, 1733 hay 1793).

 

NĂM 1734 (GIÁP DẦN- PL.2278), niên hiệu Long Đức thứ 3, đời vua Lê Thuần Tông.

     • Tháng 8 năm Giáp Dần, chúa Nguyễn Phước Trú ban biển ngạch cho chùa Hộ Quốc, sau gọi là Sắc Tứ Hộ Quốc (ở phía Nam sông Phước Giang, Đồng Nai)

     • Bộ kinh Pháp Hoa do Thiền sư Minh Dung - Pháp Thông (1691-1749) chủ trì khắc bản in từ năm 1706 tại phủ Bình Thuận, đã hoàn thànhBộ kinh khắc gỗ đầy đủ với 60.000 chữ Hán trên 118 tấm ván bằng gỗ thị đỏ, mỗi tấm dài 0,68m, rộng 0,26m, dày 0,03m, thực hiện suốt 28 năm.

     • Sách Ngự Chế Thiền Uyển Thống Yếu Kế Đăng Lục (gọi tắt là Kế Đăng Lục) của Thiền sư Như Sơn chùa Hồng Phúc soạn, ấn hành

 

NĂM 1735 (ẤT MÃO- PL.2279), niên hiệu Long Đức (1732-1735) năm cuối, đời vua Lê Thuần Tông (1732-1735); niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740) thứ 1, đời vua Lê Ý Tông (1735-1740).  

     • Thiền sư Chí Khả (1710-1744) lập am Tịnh Độ tại làng Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

     • Thiền sư Tính Tuyền (1674-1744) sau sáu năm tham khấu từ Hòa thượng Kim Quang Đoan, chùa Khánh Vân, núi Đỉnh Hồ, phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), sư trở về nước, thỉnh được hơn nghìn muôn quyển kinh điển nội ngoại, để tại chùa Càn An, sài Nam Đồng kinh đô lưu thông (theo LSPGVNXĐN thì Thiền sư về Việt Nam  năm 1736) (VHPG-161).

     • Thiền sư Minh Dung - Pháp Thông (1631-1749) in sách Nhân Quả Thực Lục.

 

NĂM 1736 (BÍNH THÌN- PL.2280), niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740) thứ 2, đời vua Lê Ý Tông (1735-1740).

     • Ngày 20 tháng 11 năm Bính Thìn, Thiền sư Tánh Chúc – Như Chúc (1691-1736) quê ở huyện Kim Bảng, thuộc Thiền phái Trúc Lâm, trụ trì chùa Long Động (núi Yên Tử, Quảng Ninh) thị tịch, trụ thế 45 năm

     • Khoảng năm 1736, Thiền sư Thiệt Dinh – Ân Triêm, thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, đời thứ 35, khai sơn chùa Phước Lâm ở Hội An, Quảng Nam 

     • Bộ kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa do Thiền sư Thiệt Huệ - Khánh Tài và Thiền sư Thiệt Sát – Bảo Hương vận động Phật tử khắc bản gỗ in (1708) nay được hoàn thành.

     • Ni sư Diệu Viên (Đào Thị Ngọc Hữu) kế thế trụ trì chùa Bút Tháp (còn gọi là chùa Ninh Phúc) nay thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

 

NĂM 1737 (ĐINH TỴ- PL.2281), niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 3, đời vua Lê Ý Tông.  

     • Ngày 13 tháng 2 năm Đinh Tỵ, Thiền sư Tế HiếnChánh Trực (1662-1737), húy Tế Hiến, hiệu Chánh Trực, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 36, Tổ khai sơn chùa Thiên Đức (Bình Định), viên tịch, thọ 76 tuổi

     • Ngày 24 tháng 11 năm Đinh Tỵ, Thiền sư Từ Sơn - Hành Nhất (1681-1737) họ Tưởng, quê tại Hương Ngãi, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam hạ, Tổ khai sơn chùa Quảng Nghiêm (Hoài Đức, Hà Tây), thị tịch, thọ 57 tuổi

     • Hòa thượng Hoàng Long (?-1737), quê ở Bình Định, viên tịch tại núi Bạch Tháp, tỉnh Hà Tiên

     • Thiền sư Tính Mộ (1705-1755) xây tháp Hòa Phong ở chùa Pháp Vân tại thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tháp cao 17 m, có ba tầng

     • Chúa Trịnh Giang dựng tượng Phật lớn để thờ ở chùa Quỳnh Lâm nay thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và sắc các quan thay phiên đến tổ chức các buổi khóa lễ

     • Ni sư Diệu Viên dựng tháp Tâm Hoa ở chùa Bút Tháp (còn gọi chùa Ninh Phúc, nay thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), để thờ xá-lợi của Thiền sư Tánh Chúc - Như Chúc (1691-1736). Tháp cao 3 từng bằng đá xanh, mặt ngoài mài láng, từng thứ 2 có ghi hành trạng Thiền sư Như Chúc.

 

NĂM 1738 (MẬU NGỌ- PL.2282), niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 4, đời vua Lê Ý Tông.   

     • Khoảng năm 1738 – 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) cho trùng tu lại chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân, thêm tráng lệ và sai người sang Trung Hoa thỉnh Đại tạng kinh gồm hơn 1000 bộ kinh đưa về tôn trí tại chùa này. 

     • Thiền sư Thiệt Kiến – Liễu Triệt được chúa Nguyễn Phúc Khoát cử làm trụ trì chùa Quốc Ân ở phía Tây núi Ngự Bình, thuộc ấp Phước Quả, làng Phú Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân

     • Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu (1698-1775) soạn văn bia và lập tháp cho thầy ngài là Thiền sư Từ Sơn Hành Nhất (1681-1737) tại chùa Vạn Đức, Kinh Môn

     • Thiền sư Tánh Quảng (1694-1768) viết bài tựa, khắc in kinh Lăng Nghiêm Chính Mạch. 

 

NĂM 1739 (KỶ MÙI- PL.2283), niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5, đời vua Lê Ý Tông.   

     • Thiền sư Minh Giác – Kỳ Phương (1682-1744) xin cáo chức trụ trì chùa Thiên Mụ, chỉ còn trụ trì chùa Quốc Ân ở phía Tây núi Ngự Bình, thuộc ấp Phước Quả, làng Phú Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân

     • Thiền sư Thiệt Kiến – Liễu Triệt (1702-1764) được cử làm trụ trì chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, Phú Xuân (1739-1748).

     • Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) đến thăm am Tịnh Độđảnh lễ Phật, chúa ngự bút đề tặng 5 chữ “Sắc Tứ Tịnh Quang tự”. Từ đó, am Tịnh Độ (nay thuộc thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) do Thiền sư Chí Khả (1710-1744) khai sơn, được đổi thành Sắc tứ Tịnh Quang tự

     • Lập bia “Linh Sơn thắng tích Yên Tử sơn Hoa Yên tự Chân thường tháp ký”. 

     • Thiền sư Tế Duyên – Quảng Giác, thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 36, khai sơn chùa Kim Cang (nay thuộc phường 1, thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), đồng thời được triều đình ban “Sắc tứ”.

 

NĂM 1740 (CANH THÂN- PL.2284), niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740) năm cuối, đời vua Lê Ý Tông (1735-1740); niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) thứ 1, đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786).  

     • Thiền sư Thiệt Diệu - Liễu Quán (1667- 1742) được thỉnh mở giới đàn Long Hoa phóng giới, rồi trở về chùa Thiền Tông. Theo TSVN  ghi : Vào những năm 1733 (Quý Sửu), 1734 (Giáp Dần), 1735 (Ất Mão), Thiền sư nhận lời thỉnh của chư tăng trong tông môn, cùng các Tể quan, cư sĩ ở Huế, ngài dự bốn lễ Đại giới đàn.

     • Khoảng năm 1740 – 1744, Thiền sư Minh Giác – Kỳ Phương (1682-1744) rời chùa Quốc Ân (thuộc huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân), về trụ trì chùa Thập Tháp Di Đà nay thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định

     • Chúa Nguyễn Phúc Khoát sắc tứ cho chùa Minh Thiện (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) và ban biển ngạch sơn son thếp vàng, trên có khắc chữ “Sắc tứ Minh Thiện tự”. Bấy giờ, trụ trì chùa là Thiền sư Thiệt Bửu

     • Chúa Trịnh Giang (1729-1740) cho tịch thu chuông các chùa để đúc binh khí.

     • Thiền sư Tổ Đạt – Trí Tâm, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 36, đến vùng Bà Hom dựng chùa Long Thạnh nay ở số 1756, tỉnh lộ 10, ấp 3, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. HCM.

     • Thiền sư Thiện Thuận Tính Chúc (1698-1775) trụ trì chùa Hồng Phúc nay tại số 19, phố Hàng Than, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội, được sắc làm Bản Lai Hòa thượng Đạo Chu Thiền sư

 

NĂM 1741 (TÂN DẬU- PL.2285), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2, đời vua Lê Hiển Tông.  

     • Ngày 03 tháng 9 năm Tân Dậu, Thiền sư Tánh Khoát – Thích Trừng Trừng (1685-1741) sinh tại xã Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, trấn Hải Dương, trụ trì chùa Quang Khánh (Kim Thành, Hải Dương), thị tịch, hưởng dương 57 tuổi, 35 tuổi đạo.   

     • Ngày 02 tháng Chạp năm Tân Dậu, Thiền sư Hải Khiển – Đức Sơn (1655-1741) thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 36, Tổ khai sơn chùa Long Khánh (Quy Nhơn – Bình Định), viên tịch, thọ 87 tuổi 

     • Chúa Nguyễn sắc triệu Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì (Mộc Y Sơn Ông) về đô thành Phú Xuân tham vấn Phật pháp. Thiền sư xách tích trượng về phủ chúa ở đó một tháng. Chúa ban cho Thiền sư ca-sa có móc vàng, vòng ngọc.

     • Thiền sư Đại Ngạn – Từ Tấn (?-1812) khai sơn chùa Hội Khánh nay tại phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

     • Thiền sư Điều Điều - Tính Quảng (1694-1768) được quốc mẫu mời về chùa Phổ Quang.

     • Thiền sư Tế Điền – Như Bổn (1687-1741) trụ trì Phước Am trên đồi Hoa Sơn (nay thuộc TP. Nha Trang) thị tịch, trụ thế 54 năm

     • Thiền sư Linh Quang – Phật Chiếu khai sáng chùa Phước Tường hiện tại số 13/32, đường Lã Xuân Oai, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, Tp. HCM.

 

NĂM 1742 (NHÂM TUẤT- PL.2286), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 3, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Hòa thượng Thiệt Diệu - Liễu Quán (1667- 1742) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đường đầu cho giới đàn chùa Viên Thông tại xóm Hành, ấp Tứ Tây, làng An Cựu, phía Tây Nam chân núi Ngự Bình (Huế)

     • Ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất, Hòa thượng Thiệt Diệu - Liễu Quán (1667-1742), thế danh Lê Thiệt Diệu, quê ở Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 35, Tổ khai sơn chùa Thiền Tông (Phú Xuân - Huế), viên tịch, thọ 76 tuổi. Trước lúc tịch, Thiền sư viết bài kệ từ biệt :

“Hơn bảy mươi năm ở cõi này

Không không sắc sắc thảy dung thông

Hôm nay nguyện mãn về quê cũ

Nào phải bôn ba hỏi Tổ tông”.

Vua nghe tin, sắc ban bia ký và tứ hiệu Đạo Hạnh, thụy Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng (TSVN, LSPGĐT). 

 

NĂM 1743 (QUÝ HỢI- PL.2287), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4, đời vua Lê Hiển Tông.  

     • Ngày 19 tháng 2 năm Quý Hợi, Lễ nhập tháp Hòa thượng Thiệt Diệu - Liễu Quán (1667-1742) ở chân núi Thiên Thai, gần chùa Thuyền Tôn tại làng An Cựu, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên

     • Thiền sư Điều Điều - Tính Quảng (1694-1768) về ở chùa Phàn Long.

NĂM 1744 (GIÁP TÝ- PL.2288), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Ngày 19 tháng 2, Thiền sư Chí Khả (1710-1744, người Trung Quốc) pháp danh Tế Pháp, tự Tánh Tu, thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 36, Tổ khai sơn Sắc Tứ Tịnh Quang Tự (Triệu Phong, Quảng Trị), thiêu thân cúng dường chư Phật, hưởng dương 34 tuổi.

     • Ngày 16 tháng 3 năm Giáp Tý, Hòa thượng Minh Giác – Kỳ Phương (1682-1744) pháp danh Minh Giác, hiệu Kỳ Phương, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 34, trụ trì chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định), viên tịch, thọ 63 tuổi

     • Ngày 15 tháng 5 năm Giáp Tý, Thiền sư Tính Tuyền (1674-1744), họ Huỳnh, quê ở Đa Nhất, Võ Tiên, tỉnh Nam Định, thuộc, tông Lâm Tế, đời thứ 39, trụ trì chùa Liên Tông (Hà Nội), viên tịch, thọ 70 tuổi

     • Thiền sư Phật Ý – Linh Nhạc (1725-1821) theo di dân đến thôn Tân Lộc (nay thuộc khu chợ Đũi, quận 3, TP. HCM) lập thảo am, sau này trở thành chùa Từ Ân. Một người bạn của Thiền sư (chưa rõ pháp danh) cũng lập thảo am ở gần, sau này trở thành chùa Khải Tường 

     • Thiền sư Tế Trí – Hữu Phỉ (?-1799) được cử làm trụ trì chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân

     • Thiền sư Pháp ThânĐạo Minh (1684-1803) khai sơn chùa Sắc Tứ Thiên Tứ thuộc thôn Mỹ Trạch, xã Ninh Hà, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

     • Thiền sư Tính Chúc - Đạo Chu (1698-1775) in sách Tam Giáo Nhất Nguyên Thuyếtcủa Trịnh Huệ và sư mời Trịnh Huệ soạn bia Trùng tu Báo Quốc tự bi. 

     • Thiền sư Thiệt Tâm – Thiện Trực (1694-1759) kế thế trụ trì chùa Thắng Quang tại thôn Hy Tường, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

     • Thiền sư Tánh Cơ (1684-1757) được Phật tử cung thỉnh về trụ trì chùa Tam Thánh ở xã Thường Sơn, huyện Thủy Nguyên, Kinh An.   

     • Thiền sư Thanh Thiền dời Thiền thất Giang Long ở huyện Tuy Viễn, phủ Tuy Ninh, trấn Bình Định về chân đồi hiện nay thuộc xã Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đồng thời đổi tên thành chùa Sơn Long. Chùa này tiếp tục được trùng tu vào năm 1954

     • Thiền sư Đạo Huệ - Huyền Quảng sáng lập chùa Đức Lâm, hiện tại số 111, đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, Tp. HCM 

     • Thiền sư Thiệt Kiến – Liễu Triệt (1702-1764) kế thế trụ trì chùa Thập Tháp – Di Đà nay thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Đình.

 

NĂM 1745 (ẤT SỬU- PL.2289), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 6, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Sa-môn Liễu Viên trụ trì chùa Liên Hoa sai Sa-di ni Diệu Thuần khắc bản in sách “Trần Triều Thiền Tôn Chỉ Nam Truyền Tâm Quốc Ngữ Hành” còn tên khác là An Tử Sơn Trần Triều Trúc Lâm Thiền Tông Bản Hạnhgọi tắt là Thiền Tông Bản Hạnh do Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) viết vào thời Hậu Lê. Nội dung sách này kể sơ lược về lịch sử Thiền tông từ Phật Thích-ca đến thời nhà Trần (1225-1400).

 

NĂM 1746 (BÍNH DẦN- PL.2290), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 7, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Ngày 07 tháng 11 năm Bính Dần, Hòa thượng Minh Hải – Pháp Bảo (1670-1746) thế danh Lương Thế Ân, pháp danh Minh Hải, hiệu Pháp Bảo, tự Đắc Trí, sinh tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 34, Tổ khai sơn chùa Chúc Thánh ở Quảng Nam, viên tịch, thọ 77 tuổi. Trước khi tịch, Thiền sư đọc kệ phú pháp như sau : “Pháp giới như mây nổi, chân như không tánh tướng, nếu hiểu được như vậy, chúng sanh với Phật đồng.” (LSTTTPLTCT)

     • Khoảng năm 1746 – 1747, Thiền sư Tế Ân – Lưu Quang, thuộc Tông Lâm Tế Liễu Quán, đời thứ 36, hoằng hóa ở chùa Báo Quốc (Phú Xuân), viên tịch

     • Năm 1746 – 1747, Thiền sư Tế Hiệp – Hải Điện đại trùng tu chùa Thuyền Tôn tại núi Thiên Thai xã An Cựu, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa. Cuộc trùng tu này có Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan, pháp danh Tế Ý hỗ trợ, đồng thời ông và các Phật tử chú tạo đại hồng chung nặng 855 cân

 

NĂM 1747 (ĐINH MÃO- PL.2291), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Ngày 08 tháng 4 năm Đinh Mão, lễ Phật Đản, Thiền sư Tế Hiển – Bửu Dương, chứng minh đúc đại hồng chung chùa Thiên Bửu (Ninh Hòa, Khánh Hòa), do ngài khai sơn. Thiền sưđệ tử của Tổ sư Thiệt Diệu – Liễu Quán, nối dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán, đời thứ 36

     • Chúa Nguyễn Phúc Khoát ban biển ngạch sắc tứ chùa Thuyền Tôn tại núi Thiên Thai xã An Cựu, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa. Chùa này do Thiền sư Thiệt Diệu - Liễu Quán (1667-1742) sáng lập

     • Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) sắc cử Thiền sư Tế Nhơn – Giác Viên (?-1754) trụ trì chùa Báo Quốc trên đồi Hàm Long, thuộc ấp Trường Giang, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân và thừa lệnh trùng tu chùa này.  Chúa ngự đề biển ngạch “Sắc tứ Báo Quốc tự” và cúng dường chùa tượng Phậtpháp khí; đồng thời Thiền sư Giác Viên mua ruộng đất cho chùa

     • Hương Hải Thiền sư ngữ lục được khắc bản inNgữ lục này có 1 quyển, do đệ tử nối pháp của Thiền sư Minh Châu - Hương Hải (1628-1715) soạn thuật, ghi chép lại hành trạng của Thiền sư. Nội dung lục này gồm có : 1. Bài tựa, 2. Tiểu sử Thiền sư Hương Hải, 3. Sư bị chúa nghe lời dèm pha truyền cho về quê cũ, 4. Sư ra vùng bên ngoài gần trấn lập Thiền Tịnh viện, 5. Thiền sư ra trụ trì, khai sáng chùa Nguyệt Đường, 6. Khai thị ngộ nhập được duyên tốt truyền trao ấn chứng, 7. Sư năm tám mươi tám tuổi dặn dò Niết-bàn.  

     • Thiền sư Đại Thông – Chánh Niệm (1710-1810) kế thế trụ trì Phước Am trên đồi Hoa Sơn. Sau đó, ngài dời Phước Am đến phường Phương Sài, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, và đổi tên là Hội Phước tự như hiện nay

     • Hòa thượng Tế Hiệp – Hải Điện (?-1775) trụ trì chùa Thuyền Tôn (tại ấp Ngũ Tây, xã An Cựu, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên) cùng cư sĩ Tế Ý (Chưởng Thái giám Đoán Tài Hầu) và Phật tử chú tạo Đại hồng chung 

     • Thiền sư Tánh Tuyên (1700-1755) trụ trì chùa Quang Ân (Thanh Trì – Thăng Long), khắc in sách Bồ Đề Yếu Nghĩa. 

 

NĂM 1748 (MẬU THÌN- PL.2292), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Tháng 4 năm Mậu Thìn, Pháp điệt Thiện Kế ở chùa Tang Liên, huyện Ôn Lăng, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc bái soạn văn bia của tháp Tổ sư Thiệt Diệu – Liễu Quán (1667-1742)

     • Vua Lê Hiển Tông ban chức Tăng Cương cho Thiền sư Như Hiện Nguyệt Quang (?- 1765)  

     • Thiền sư Thiệt Vinh – Bửu Hạnh, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 35, phó pháp cho pháp tử Tế Cảm – Thiện Ứng trụ trì chùa Vạn Thiện huyện Diên Khánh (Khánh Hòa)

     • Chùa Thuyền Tôn tại núi Thiên Thai, thuộc xã An Cựu, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa, trùng tu hoàn thành

     • Thiền sư Điều Điều - Tính Quảng (1694-1768) trở về kết am tranh ở viện Thiền Phong để tham thiền tịnh tu.

     • Thiền sư Tánh Tuyền – Liễu Giác (1709-1778) khắc in lại sách “Tôn Sư Phát Sách Đăng Đàn Thọ Giới” của Tăng thống Chân NguyênChánh Giác biên soạn 

     • Thiền sư Phật Chiếu trùng tu chùa Long Thiền hiện tại số K2/3B, ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chùa được mở rộng, chánh điện xây cất lại bằng gỗ gồm ba gian hai chái, có thêm nhà tổ, vách ván, lợp ngói âm dương, nền tráng vôi vữa

 

NĂM 1749 (KỶ TỴ- PL.2293), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 10, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Tháng 2, Thiền sư Thiệt Vinh – Bửu Hạnh (Tổ khai sơn chùa Vạn Thiện ở núi Phụng Thùy, Khánh Hòa) truyền pháp cho ngài Linh Phù – Tế Cảm, nối dòng thiền Lâm Tế - Chánh tông, đời thứ 36, và  phú pháp kệ như sau : 

“Phật tổ tông phong chính pháp truyền,

Ba mươi lăm tổ vẫn y nguyên,

Ta nay trao lại dòng tâm pháp,

Tỏ rạng ngàn năm ngọn đèn thiền” (CTTĐPGTH).

     • Ngày 19 tháng 3 năm Kỷ Tỵ, Thiền sư Thiệt Diệu – Chánh Hiền (?-1749), người Trung Quốc, thuộc thiền phái Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 35, trụ trì Tổ đình Chúc Thánh (Quảng Nam), viên tịch

     • Ngày 11 tháng 8 năm Kỷ Tỵ, Thiền sư Thành Chí – Pháp Thông (1691-1749) pháp danh Minh Dung, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 34, hoằng hóa ở chùa Hoàng Long và chùa Hưng Long, thị tịch, hưởng dương 58 tuổi

     • Thiền sư Hải Tại, thế danh Trần Văn Chức, tự Hải Tại, quê ở xã Đông Nhuyễn, huyện Phú Xuyên, được sắc phong chức Tăng chánh

     • Thiền sư Thiệt Kiến - Liễu Triệt (1702-1764) trùng kiến chánh điện chùa Thập Tháp Di Đà hiện nay tọa lạc ở thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành,  huyện An Nhơn, tỉnh Bình ĐịnhChánh điện xây dựng lại bằng gỗ danh mộc, to lớn, bề thế uy nghiêm, được Quốc vương Nguyễn Phúc Khoát, đạo hiệu Từ Tế Đạo Nhân, ủng hộ và làm hai cặp liễn sơn son thếp vàng phụng cúng.  

 

NĂM 1750 (CANH NGỌ- PL.2294), niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) thứ 11, đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786).   

     • Thiền sư Tính Lượng (Lãng), đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên (1646-1726), trùng san sách Thánh Đăng Lục

     • Ngày 08 tháng 8 năm Canh Ngọ, Thiền sư Tịch Viễn – Hồng Qui (1708-1750) viên tịch tại am tranh ở núi Hoa Sơn (Hòn Một, Khánh Hòa), trụ thế 42 năm

     • Thiền sư Tánh Quảng (1694-1768) soạn thuật và viết bài tựa sách Việt Quốc Yên Tử Sơn Trúc Lâm Chư Tổ Thánh Đăng Ngữ Lục, in tại chùa Sùng Quang (Hải Dương)

     • Khoảng năm 1750, Thiền sư Tánh Thông – Vô Đại, thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 39, khai sơn chùa Phước Long nay tại xã Tân Tây, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

 

NĂM 1751 (TÂN MÙI- PL.2295), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 12, đời vua Lê Hiển Tông.  

     • Ngày 25 tháng 11 năm Tân Mùi, Thiền sư Thiệt Thọ – Chánh Khóa (?-1751), người Trung Quốc, thuộc thiền phái Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 35, trụ trì Tổ đình Chúc Thánh (Quảng Nam), viên tịch

     • Chùa Thuyền Tôn tại núi Thiên Thai, xã An Cựu, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, được cấp tự điền

 

NĂM 1752 (NHÂM THÂN- PL.2296), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Ngày 17 tháng 7 năm Nhâm Thân, Thiền sư Tế Cảo – Thông Tải (1691-1752) thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 36, viên tịch, thọ 62 tuổi (BGN-605).

     • Hòa thượng Tế Nhơn – Hữu Bùi (?-1753) phú pháp cho đệ tửThiền sư Đại Triệt với bài kệ : “Trao pháp vốn nối tông, các tướng thảy đều không, các pháp và phi pháp, muôn pháp ở bên trong” (CTTĐPGTH).  

     • Thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc (1725-1821) xây dựng chùa Từ Ân tại phủ Gia Định (nay ở số 23, đường Tân Hóa, phường 14, quận 6, Tp. HCM) khang trang, có đủ chánh điện, nhà Tổ, phòng khách,…

 

NĂM 1753 (QUÝ DẬU- PL.2297), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Ngày 11 tháng 12 năm Quý Dậu, Hòa thượng Tế Nhơn – Hữu Bùi (?-1753) họ Bùi, pháp danh Tế Nhơn, hiệu Hữu Bùi, thuộc dòng thiền Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 36, trụ trì chùa Báo Quốc (Huế), viên tịch, được ban thụy là Viên Giác

     • Thiền sư Trí Hải – Hàn Chất (?-1766) kế thế trụ trì chùa Báo Quốc trên đồi Hàm Long, thuộc ấp Trường Giang, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân.

     • Thiền sư Tính Mộ Huệ Nguyên và Thiền sư Phật Chứng Huyền Cơ Diệu Giác chủ trì trùng khắc Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh, gồm 80 cuốn, in trên giấy dó, bìa bọc vải điều, mỗi 5 cuốn được đặt trong 1 hòm gỗ sơn son thếp vàng, hiện được lưu trữ tại chùa Báo Quốc, Huế. Công trình trùng khắc in này vào năm Cảnh Hưng thứ 14, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) (Liễu Quán số 6, NXB Thuận Hóa 2015, PL.2559).

 

NĂM 1754 (GIÁP TUẤT- PL.2298), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 15, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Ngày 15 tháng 10 năm Giáp Tuất, Hòa thượng Giác Thù – Pháp Vấn (1664-1754) thế danh Nguyễn Văn Vấn, pháp tự Giác Thù, húy Pháp Vấn, thuộc thiền phái Tào Động, trụ trì chùa Khánh Vân (Thuận Hóa), viên tịch, thọ 90 tuổi 

     • Hòa thượng Hải Nguyện – Thiện Ý (1674-1754), thuộc thiền phái Lâm Tế - Chánh Tông, đời thứ 34, trụ trì chùa Bửu Lâm (Đồng Tháp), viên tịch, trụ thế 80 năm.

     • Thiền sư Thiệt Úy – Khánh Vân (?-1770) được chư sơn cử làm trụ trì chùa Thiên Ấn ở núi Thiên Ấn, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi

     • Hòa thượng Phật BảoPháp Hóa (1670-1754) thế danh Lê Duyệt, pháp danh Phật Bảo, người tỉnh Phước Kiến, Trung quốc, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 35, Tổ khai sơn chùa Thiên Ấn (ở núi Thiên Ấn, Quảng Ngãi), viên tịch, thọ 85 tuổi

 

NĂM 1755 (ẤT HỢI- PL.2299), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 16, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Ngày 25 tháng 10 năm Ất Hợi, Thiền sư Tánh Tuyên (1700-1755) thuộc Thiền phái Trúc Lâm, trụ trì chùa Quang Ân (Thanh Trì – Thăng Long), thị tịch, trụ thế 55 năm

     • Thiền sư Đạt Bổn, quê ở Bình Định, vân du đến trấn Phiên An (Sài Gòn - Gia Định) lập chùa Kim Chương

     • Thiền sư Pháp Nhãn – Thiên Trường khai sơn chùa Thiên Trường ở thôn Tân Triêm (Cầu Kho)

     • Thiền sư Tính Mộ (1705-1755) thế danh Vương Doanh, sinh tại làng Bình Ngô, huyện Gia Định, trấn Kinh Bắc, trụ trì chùa Pháp Vân, thị tịch, trụ thế 45 năm

 

NĂM 1756 (BÍNH TÝ- PL.2300), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Thiền sư Điều Điều - Tính Quảng (1694-1768) được đạo tràng Hải Dương thỉnh về chùa Kim Âu Việt Khê.

 

NĂM 1757 (ĐINH SỬU- PL.2301), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Ngày 24 tháng 9 năm Đinh Sửu, Hòa thượng Tánh Cơ (1684-1757) họ Trần, pháp danh Tánh Cơ, quê ở xã Trịnh Xá, huyện Thủy Đường, tỉnh Kiến An, thuộc Thiền phái Trúc Lâm, trụ trì chùa Tam Thánh (huyện Thủy Nguyên, Kinh An), viên tịch, thọ 74 tuổi.   

     • Tháng 10, Thiền sư Hải Phạn xây dựng tháp Liên Phương tại chùa Quang Khánh (Kim Thành - Hải Dương) để thờ Thiền sư Tánh Khoát – Thích Trừng Trừng (1685-1741).   

     • Thiền sư Như Hiện – Nguyệt Quang (?- 1765) được vua Lê phong chức Tăng Thống Thuần Giác Hòa Thượng.

     • Thiền sư Tính Quảng – Thích Điều Điều (1694-1768) cùng các Thiền sư Hải Phạn, Hải Luật – Quýnh Quýnh, trùng tu chùa Quang Khánh ở xã Dưỡng Mộng, huyện Kim Thành, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Kim Mộng, tỉnh Hải Dương). Cũng năm này, các Thiền sư xây tháp Tịnh Hạnh, soạn văn bia  “Tịnh Hạnh Tháp Ký” ghi lại hành trạng của Thiền sư Như Nhàn (1655-1724) thầy tổ của các ngài.   

     • Thiền sư Hoàng Lung, người Quy Nhơn, vào đất Hà Tiên lập chùa tu tại núi Bạch Tháp 

 

NĂM 1758 (MẬU DẦN - PL.2302), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19, đời vua Lê Hiển Tông.  

     • Ngày 03 tháng 7 năm Mậu Dần, Hòa thượng Liễu Nghĩa – Chiếu Thành (1695-1758), húy Liễu Nghĩa, hiệu Chiếu Thành, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 37, trụ trì chùa Thiên Đức (Bình Định), viên tịch, thọ 64 tuổi

 

NĂM 1759 (KỶ MÃO- PL.2303), niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) thứ 20, đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786).   

     • Hòa thượng Thiệt Tâm – Thiện Trực (1694-1759) thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 35, trụ trì chùa Thắng Quang (Hoài Nhơn,  Bình Định), viên tịch, thọ 66 tuổi

     • Thiền sư Tế Hội – Thiền Tôn, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 36, kế thế trụ trì chùa Thắng Quang tại thôn Hy Tường, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định

 

 

 

NĂM 1760 (CANH THÌN- PL.2304), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 21, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Tháp Thắng Quả (thờ xá-lợi của Hòa thượng Tánh Cơ (1684-1757) xây xong; dựng bia “Thắng Quả Tháp Ký Tịnh Minh” do Sa-môn Tánh Quảng – Thích Điều Điều soạn bài minh, Thiền sư Hải Luật – Quýnh Quýnh viết chữ.   

     • Thiền sư Quảng TâmTrí Huệ (1770-1811) kế thế trụ trì chùa Sắc tứ Linh Thứu nay tại xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

 

NĂM 1761 (TÂN TỴ- PL.2305), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Nhân dịp Thiền sư Thiệt Kiến – Liễu Triệt trùng tu chùa Thập Tháp Di Đà nay thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, Chúa Nguyễn Phúc Khoát (Võ Vương, 1738-1765) ban sắc tứ chùa và ngự đề hai câu đối sơn son thếp vàng

     • Thiền sư Đại Bửu – Kim Cang (?-1764) khai sáng chùa Sa Long (sau đổi tên là chùa Linh Sơn) nay tại thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa 

     • Thiền sư Như Lý (?-1761) họ Lê, thuộc Thiền phái Trúc Lâm, trụ trì chùa Sùng Tiên (Gia Lương, Bắc Ninh), thị tịch

     • Thiền sư Nhu Hòa - Khoan Giáo (?-1812) về trụ trì chùa Phổ Giác ở xứ Tàu Tượng, thôn Hậu Lâu, Hà Thành (nay thuộc phố Ngô Sĩ Liên, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) và trùng tu chùa, đúc chuông, làm tượng, xây thượng điện.

 

NĂM 1762 (NHÂM NGỌ- PL.2306), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 23, đời vua Lê Hiển Tông.   

• Thiền sư Chơn Định – Liễu Đạt khai sơn chùa Phước An trên đồi đá, nay thuộc thôn Hà Thủy 1, xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận

 

NĂM 1763 (QUÝ MÙI- PL.2307), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Thiền sư Tuệ Nguyên, trụ trì chùa Long Động ở núi Yên Tử, khắc in lại Thượng Sĩ Ngữ Lục (tên đầy đủ của sách là Trần Triều Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục). Ngữ lục này có 1 quyển, do Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) nói. Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông khảo đính, Thiền sư Pháp Loa biên tập. Nội dung bao gồm : 1. Bài tựa Trần Triều Thượng Sĩ ngữ lục của Trần Nhân Tông, 2. Đối cơ, 3. Cử công án, 4. Thơ tụng, 5. Thượng sĩ hành trạng, 6. Chư nhân tán tụng, 7. Lời bạt của tướng Trần Khắc Chung. Đây là quyển ngữ lục mang một bản sắc độc lập của Phật giáo Việt Nam. Nó tổng hợp một số tư tưởng Phật giáo Đại thừa của Ấn - Hoa - Việt và góp phần vào kho tàng văn hóa của Phật giáo và dân tộc Việt Nam

     • Thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu (1743-1800) khai sơn chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen, nay thuộc ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh

     • Thiền sư Thiệt Kiến - Liễu Triệt (1702-1764) được chúa Nguyễn thỉnh ra kinh đô Phú Xuân trụ trì chùa Thiên Mụ

 

NĂM 1764 (GIÁP THÂN- PL.2308), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 25, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Ngày 02 tháng Chạp năm Giáp Thân, Thiền sư Đại Bửu – Kim Cang (?-1764), thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 37, Tổ khai sơn chùa Sa Long (Ninh Hòa, Khánh Hòa) viên tịch.

     • Ngày 14 tháng 11 năm Giáp Thân, Hòa thượng Thiệt Kiến – Liễu Triệt (1702-1764) thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 35, trụ trì chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định), viên tịch, thọ 63 tuổi

     • Thiền sư Tế Đoan – Hạo Nhiên (1712-1784) kế thế trụ trì chùa Thập Tháp – Di Đà nay thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Đình.

 

NĂM 1765 (ẤT DẬU- PL.2309), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26, đời vua Lê Hiển Tông.  

     • Ngày 06 tháng 9 năm Ất Dậu, Hòa thượng Như Hiện – Nguyệt Quang (?- 1765) người làng Đường Hào, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, thuộc tông Lâm Tế, đời thứ 37, làm Tăng Thống Thuần Giác Hòa thượng, viên tịch. Theo TSVN  ghi : Trước khi Thiền sư Chân Nguyên tịch, Thiền sư Như Hiện được truyền y bát phái Trúc Lâm, kế thế chăm sóc các chùa Long Động (núi Yên Tử), Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) và Nguyệt Quang (Hải Phòng).

     • Sách Tam Tổ Thực Lục được khắc in và ấn hành. Ngữ lục này có 1 quyển, do một Thiền sư đời nhà Trần soạn, Diệu Trạm đời Nguyễn hiệu chính. Nội dung lục này có 4 phần : 1. Bài tựa của Tỳ-kheo Diệu Trạm nói về việc in lại Tam Tổ Thực Lục vào năm Thành Thái thứ 9 (1897); 2. Tiểu sử của Sơ tổ Trúc Lâm; 3. Tiểu sử của đệ Nhị tổ Pháp Loa; 4. Tiểu sử của đệ Tam tổ Huyền Quang.

     • Thiền sư Thiệt Bửu trụ trì chùa Minh Thiện (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) viên tịch

     • Thiền sư Tính Quảng (1694-1768) khai sáng chùa Thiên Ân (ở Phúc Lai, Gia Định, Kinh Bắc). Cũng năm này, Thiền sư viết bài tựa, khắc in sách Chư Kinh Nhật Tụng.

     • Hòa thượng Tế Mẫn – Tổ Huấn (?-1778) phú pháp cho đệ tử Đại Cận – Phước Dương với bài kệ :

“Đức Tổ nếp nhà khắp cõi truyền,

Pháp không pháp giảng, thoại đầu tuyên,

Mong ông nêu giữ tròn tiêu bảng,

Hoằng đạo, sáng ngời khắp Đại thiên” (CTTĐPGTH).  

     • Tháng 2 năm Ất Dậu, đồ chúng nghinh rước linh cửu Hòa thượng Thiệt Kiến – Liễu Triệt (1702-1764) về nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Thập Tháp Di Đà, nay thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định

 

NĂM 1766 (BÍNH TUẤT- PL.2310), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27, đời vua Lê Hiển Tông.  

     • Ngày 11 tháng 9 (nhằm ngày 08 – 8 – Bính Tuất), Thiền sư Thiệt Tánh – Trí Hải (?-1766), thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 35, trụ trì chùa Quốc Ân (Phú Xuân), viên tịch

     • Thiền sư Tế Lịch – Chánh Văn kế thế trụ trì chùa Quốc Ân ở phía Tây núi Ngự Bình, thuộc ấp Phước Quả, làng Phú Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân (1766 – 1786)

     • Thiền sư Tế Trí– Hữu Phỉ (?-1799) kế thế trụ trì chùa Báo Quốc trên đồi Hàm Long, thuộc ấp Trường Giang, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân.

 

NĂM 1767 (ĐINH HỢI- PL.2311), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28, đời vua Lê Hiển Tông.  

     • Thiền sư Tế Vĩ khai sơn chùa Đông Thuyền nay tại xã Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, Huế

     • Thiền sư Tế Căn – Từ Chiếu (1702-1767), thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 36, trụ trì Hồ Sơn cổ tự (Tuy Hòa, Phú Yên), viên tịch, thọ 66 tuổi.

     • Chùa Sa Long (sau đổi là Linh Sơn) hiện tại thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, bị cháy. Chùa này do Thiền sư Đại Bửu – Kim Cang khai sơn 

 

NĂM 1768 (MẬU TÝ- PL.2312), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 29, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Ngày 13 tháng 5 năm Mậu Tý, Hòa thượng Điều Điều - Tính Quảng (1694-1768) người Phúc Lai, Gia Định, Kinh Bắc, thuộc thiền phái Lâm Tế, Tổ khai sáng chùa Thiên Ân (Kinh Bắc), viên tịch, thọ 75 tuổi.

     • Hòa thượng Điều Điều - Tính Quảng (1694-1768) viết bài tựa kinh “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Phẩm Tiết” do chùa Thiên Càn in

     • Thiền sư Pháp Liêm – Luật Oai (1747-1830) gặp lúc người Man nổi dậy chống lại triều đình chúa Nguyễn và cướp phá hà hiếp dân làng, Thiền sư liền bỏ áo cà sa, gia nhập quân đội của triều đình để bình định người Man.

     • Thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu (1743-1800) được dân làng dựng thảo am (ở vùng bưng, cầu Định, thuộc tỉnh Bình Dương) cúng dường cho sư tu thiền

 

NĂM 1769 (KỶ SỬU- PL.2313), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Ngày 15 tháng 7 năm Kỷ Sửu, Hòa thượng Thành Đẳng - Minh Lượng (1686-1769), húy Minh Lượng, tự Thành Đẳng, hiệu Nguyệt Ân, quê ở Quảng Đông, Trung Quốc, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 34, Tổ khai sơn chùa Vạn Đức (Hội An)  và chùa Bảo Phong  (Khánh Hòa), viên tịch, thọ 84 tuổi

 

NĂM 1770 (CANH DẦN- PL.2314), niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) thứ 31, đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786).   

     • Ngày 25 tháng Giêng năm Canh Dần, Thiền sư Hồng ÂnTrí Năng hạ mãnh hổ ở chợ Tân Kiểng (Tân Cảnh) thuộc trấn Phiên An (Sài Gòn) để cứu dân. Thiền sư Hồng Ân bị thương nặng và thị tịch lúc ấy (hiện nay dân tôn thờ ở đình Tân Kiểng – Chợ Lớn (BNSPGGĐ-SG).

     • Tháng 8, Thiền sư Hải Khâm – Thân Thân (1728-1810) soạn văn bia tháp Thiền Phong tại chùa Bảo Quang (chùa Bụt Mộc) thôn Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh.

     • Tháng 8 năm Canh Dần, các đệ tử Hải Thuần, Hải Khâm, Hải Uyển ở am Thụ Thụ, chùa Bảo Quang (Lãm Sơn) xây tháp tôn thờ xá-lợi Thiền sư Tính Quảng (Điều Điều – Thượng Đức, 1694-1768), Tổ khai sáng chùa Thiên Ân (ở Phúc Lai, Gia Định, Kinh Bắc).

     • Ngày 01 tháng 10 năm Canh Dần, Hòa thượng Thiệt Úy –Khánh Vân (?-1770) họ Huỳnh, pháp danh Thiệt Úy, tự Chánh Thành, hiệu Khánh Vân, sinh tại ấp Kim Thành, làng Thiết Trường, tổng Cai Đức, phủ Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, thuộc thiền phái Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 35, trụ trì chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi), viên tịch

 

NĂM 1771 (TÂN MÃO- PL.2315), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32, đời vua Lê Hiển Tông.  

     • Ngày 29 tháng 4 năm Tân Mão, Thiền sư Tánh Đường – Huệ Cự (1706-1771) thế danh Đinh Hưng Tạo, quê ở vùng Hồ Tây, kinh đô Thăng Long, trụ trì chùa Long Động (núi Yên Tử), viên tịch, thọ 66 tuổi

 

NĂM 1772 (NHÂM THÌN- PL.2316), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33, đời vua Lê Hiển Tông.  

     • Tháng Giêng năm Nhâm Thìn, Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu (1698-1775) viết bài tựa cho bản in Hương Sơn Bảo quyển

     • Ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Thìn, Thiền sư Phổ Triêm – Phước Sơn lập dàn hỏa tự thiêu thân cúng dường. Sinh tiền, Thiền sư được triều đình phong chức Tăng cang, sau khi tịch, ban thụy là Phước Sơn

     • Thiền sư Tổ Tông Viên Quang (1758-1827) được Thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc (1725-1821) cử làm trụ trì chùa Giác LâmPhú Thọ, huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn (TP. HCM ngày nay) 

     • Chùa Thuyền Tôn nay tại ấp Ngũ Tây, xã An Cựu, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, được triều đình cấp bằng khoán tự điền. Chùa này do Hòa thượng Tế Hiệp – Hải Điện (?-1775) trụ trì 

     • Thiền sư Đại Nhật – Trường Tuyên hưng công khắc bản in Tam Kiếp Tam Thiên Phật Danh Kinh 3 quyển, Thiền sư Đại Nguyên viết lời bạt. Mộc bản hiện tàng trữ tại Kỳ Viên Thiền tự ở núi Dương Xuân, huyện Hương Trà – Thuận Đô

     • Thiền sư Phật Chiếu – Linh Quang (?-1772) thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 35, trụ trì chùa Long Quang, thị tịch.

 

NĂM 1773 (QUÝ TỴ- PL.2317), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34, đời vua Lê Hiển Tông.   

     • Cuối xuân năm Quý Tỵ, Thiền sư Tính Tĩnh (1692-1773), họ Trần, quê ở Đông Khê, thuộc tông Lâm Tế, đời thứ 38, trụ trì chùa Nguyệt Quang (Hải Phòng), viên tịch, thọ 82 tuổi

     • Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng (1735-1835) được cử làm trụ trì chùa Đại Giác (Biên Hòa, Đồng Nai)

     • Thiền sư Toàn Hiệu – Gia Linh (?-1812) và Gia Tiền đến thị trấn An Thanh, huyện Thuận An (Bình Dương) lập thảo am tu hành (sau này là chùa Thiên Tôn)

     • Thiền ông Ngộ Giác – Thiện Minh, thế danh Lê Tấn Đạt, lập am tranh Phổ Giác tại thôn Phổ Trạch, tổng Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, phủ Hoài Nhơn, trạm Bình Điền, dinh Quảng Nam (am Phổ Giáctiền thân của chùa Phổ Bảo hiện nay thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).

 

NĂM 1775 (ẤT MÙI- PL.2319), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36, đời vua Lê Hiển Tông.  

     • Ngày 25 tháng 5 năm Ất Mùi, Hòa thượng Bản Lai Thiện Thuận Đạo Chu (1698-1775) pháp danh Tính Chúc, họ Hoàng, quê ở làng Đa Cốc, Vũ Tiên, Kiến Xương, thuộc dòng thiền Tào Động chính tông, đời thứ 49, trụ trì chùa Hồng Phúc (Hà Nội), viên tịch, thọ 78 tuổi, 20 hạ lạp

     • Hòa thượng Tế Mẫn – Tổ Huấn (?-1778) kế thế trụ trì chùa Thuyền Tôn hiện tại ấp Ngũ Tây, xã An Cựu, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên 

     • Hòa thượng Tế Hiệp – Hải Điện (?-1775) thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 36, trụ trì chùa Thuyền Tôn (Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế), viên tịch 

     • Khoảng năm 1775, Thiền sư Tánh Khánh – Trí Chánh (1730-1788) khai sơn xây dựng chùa Đức Sơn hiện tại làng Hiệp Thành, Thủ Dầu Một (Bình Dương)

 

NĂM 1776 (BÍNH THÂN- PL.2320), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 37, đời vua Lê Hiển Tông.  

     • Tháng 11, Tướng sĩ nhà Nguyễn họp ở chùa Kim Chương (Gia Định, chùa do Thiền sư Đạt Bổn sáng lập), tôn chúa Nguyễn Phúc Thuần làm Thái Thượng vương và Đông cung Nguyễn Phước Dương làm Tân Chính vương để chống lại nhà Tây Sơn. Do đó sau này chùa được “Sắc tứ Phổ Quang tự” (BNSPGGĐ-SG).  

     • Ngày 17 tháng Chạp năm Bính Thân, Hòa thượng Thành Nhạc - Ẩn Sơn (?- 1776) thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 34, Tổ khai sơn chùa núi Châu Thới (Bình Dương), viên tịch

     • Quân Tây Sơn vào đánh Gia Định để truy đuổi bắt Thái thượng vương và Tân chính vương và đã bắt được cả hai cùng một số thuộc tướng, đem về xử tử ở chùa Kim Chương (chùa do Thiền sư Đạt Bổn sáng lập(LSPGĐT). 

 

NĂM 1777 (ĐINH DẬU- PL.2321), niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) thứ 38, đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786).  

     • Ngày 09 tháng Chạp năm Bính Thân, Hòa thượng Phật Ấn – Quảng Hiển (1722-1777), hiệu Lão Ông, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 35, trụ trì chùa Hội Phước (Hòn Một, Khánh Hòa), thị tịch, trụ thế 55 năm

 

VII. THIỀN TÔNG THỜI NHÀ TÂY SƠN (1778-1802)

NĂM 1778 (MẬU TUẤT- PL.2322), niên hiệu Thái Đức (1778-1793) thứ 1, đời Thái Đức Hoàng đế (1778-1793).

     • Thiền sư Đại Huệ - Chiếu Nhiên (?-1802) kế thế trụ trì chùa Thuyền Tôn tại núi Thiên Thai, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa - Huế

     • Hòa thượng Tế Mẫn – Tổ Huấn (?-1778), thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 36, trụ trì chùa Thuyền Tôn (Huế), viên tịch 

     • Hòa thượng Tánh Tuyền – Liễu Giác (1709-1778) họ Huỳnh, hiệu Liễu Giác, quê ở Đa Nhất, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam, thuộc thiền phái Liên Tông, làm Tăng chính (trong Tăng lục ty), viên tịch, thọ 70 tuổi 

 

NĂM 1782 (NHÂM DẦN- PL.2326), niên hiệu Thái Đức thứ 5, đời Thái Đức Hoàng đế.

     • Ngày 21 tháng Giêng năm Nhâm Dần, Hòa thượng Thiệt Đăng – Bửu Quang (1699-1782) pháp húy Thiệt Đăng, tự Chánh Trí, hiệu Bửu Quang, thuộc thiền phái Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 35, trụ trì chùa Sơn Long (Quy Ninh, Bình Định), viên tịch, thọ 84 tuổi

NĂM 1784 (GIÁP THÌN- PL.2328), niên hiệu Thái Đức thứ 7, đời Thái Đức Hoàng đế.

     • Ngày 01 tháng 11 năm Giáp Thìn, Hòa thượng Tế Đoan – Hạo Nhiên (1712-1784) thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 36, trụ trì chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định), viên tịch, thọ 73 tuổi

     • Chùa Hội Khánh hiện tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, trùng tu và xây cổng

     • Thiền sư Tế Trĩ – Hữu Phỉ (?-1799) kế thế trụ trì chùa Thập Tháp – Di Đà nay thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Đình.

 

NĂM 1785 (ẤT TỴ- PL.2329), niên hiệu Thái Đức thứ 8, đời Thái Đức Hoàng đế.

     • Chư tăng nhiều nơi họp lại xây tháp thờ Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì (húy Tánh Ban, hiệu Mộc Y Sơn Ông, thường gọi là Ông Núi, tên Lê Ban, người Trung Hoa), Tổ khai sơn chùa Linh Phong nay thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

 

 

 

 

NĂM 1786 (BÍNH NGỌ- PL.2330), niên hiệu Thái Đức thứ 9, đời Thái Đức Hoàng đế.

     • Ngày 10 tháng 10 năm Bính Ngọ (?), Hòa thượng Minh Vật - Nhất Tri (?- 1786), thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 34, trụ trì chùa Kim Cang ở Đồng Nai, viên tịch

     • Trong những năm 1786 – 1801, nhiều chùa lớn ở đô thành Phú Xuân bị phá hủy (chùa Thiên Mụ, chùa Quốc Ân, tháp Phổ Đồng,…) hay bị trưng dụng làm dinh thự, cơ quan, chùa Ấn Tông có lẽ cũng bị hư hoại…

     • Sa-môn Tánh Quảng – Thích Điều Điều soạn văn bia, Tỳ-kheo Hải Luật – Quýnh Quýnh viết chữ Hán khắc vào bia “Liên Phương Tháp Ký” tại chùa Quang Khánh (Kim Thành - Hải Dương), tháp thờ Thiền sư Tánh Khoát – Thích Trừng Trừng (1685-1741).  

 

NĂM 1787 (ĐINH MÙI- PL.2331), niên hiệu Thái Đức thứ 10, đời Thái Đức Hoàng đế.

     • Tháng 3 năm Đinh Mùi, Bằng Trung công Nguyễn Hữu Chỉnh ra lịnh tịch thu hết chuông đồng, tượng đồng ở các đình, chùa đem về Thăng Long để đúc tiền “Chiêu Thống Thông Bảo”, Nguyễn Hữu Chỉnh còn cho quan quân đi khắp nơi, vào tận xóm làng để vơ vét chuông tượng đồng, ai giấu giếm bắt tra khảo (LSPGVNXĐN, LSPGVN-MT).

 

NĂM 1788 (MẬU THÂN- PL.2332), niên hiệu Thái Đức thứ 11, đời Thái Đức Hoàng đế.

     • Ngày 07 tháng Giêng năm Mậu Thân, Thiền sư Tánh Khánh – Trí Chánh (1730-1788), thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 39, Tổ khai sơn chùa Đức Sơn (Thủ Dầu Một, Bình Dương), thị tịch, trụ thế 58 năm

     • Tháng 8, Thiền sư Khánh Thông, hoằng pháp tại chùa Trùng Quang (Phú Yên), viên tịch

     • Thiền sư Phật Chiếu – Linh Quang (1739-1788), thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 35, Tổ sư khai sơn chùa Phước Tường ở Thủ Đức, viên tịch

     • Thiền sư Toàn Nhựt – Quang Đài (1757-1834) về trụ trì chùa Viên Quang ở Phú Yên

     • Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm (1726-1798) đến hoằng pháp tại chùa Trùng Quang (Phú Yên)

     • Thiền sư Minh Giác – Trí Chơn (1800-1851) kế thế trụ trì chùa Đức Sơn tại làng Hiệp Thành, Thủ Dầu Một (Bình Dương)

 

NĂM 1789 (KỶ DẬU- PL.2332), niên hiệu Thái Đức thứ 12, đời Thái Đức Hoàng đế.

     • Tháng 8 năm Kỷ Dậu, Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm (1726-1798) được chư tăng thỉnh giảng “Sa-di Oai Nghi Tăng Chú”. 

     • Thiền sư Từ Khánh – Thiền Diên chứng minh cho đạo hữu Nguyễn Kịch lập chùa cúng dường tam bảo, tại thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, Thiền sư đặt tên là chùa Thiên Bình

     • Thiền sư Liễu Minh – Đức Tạng (?-1813) lập thảo am Thiền Lâm trên đồi Mai Quy nay thuộc thôn Đắc Nhân, xã Nhơn An, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận

     • Nhà vua bãi bỏ lệnh cấm : thu tự điền, cấm Tăng, phá chùa; Thiền sư Đạo Tâm – Trung Hậu (?-1834) trở về chùa Thuyền Tôn (núi Thiên Thai, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa) tập họp Tăng chúng, giáo pháp bấy giờ tạm hưng khởi (CTTĐPGTH). 

     • Hòa thượng Nguyên Thanh – Nguyệt Hiện (1710-1789), thuộc thiền phái Lâm Tế, Tổ khai sơn chùa Sắc tứ Linh Thứu (Châu Thành – Mỹ Tho), viên tịch, thọ 80 tuổi

     • Thiền sư Trí Huệ kế thế trụ trì chùa Sắc Tứ Linh Thứu, hiện tại ở Xoài Hột, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (1789-1811)

 

NĂM 1790 (CANH TUẤT- PL.2334), niên hiệu Thái Đức thứ 13, đời Thái Đức Hoàng đế.

     • Ngày 24 tháng 3 năm Canh Tuất, Thiền sư Thiệt Địa – Pháp Ấn (?-1790) thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 35, thiết lập đàn trà tỳ (tự thiêu) để cúng dường xác thân ở chùa Bảo Phong (Khánh Hòa)

     • Trong khi chờ xây thành, Nguyễn Vương tạm trú tại chùa Từ Ân, nội cung ở tại chùa Khải Tường, thuộc xã Tân Lộc, huyện Tân Bình (nay thuộc quận 3, TP. HCM). Trụ trì chùa Từ Ân bấy giờ là Thiền sư Phật Ý – Linh Nhạc, trụ trì chùa Khải Tường là Thiền sư Thiệt Thành – Liễu Đạt (sau phong là Hòa thượng Liên Hoa(BNSPGGĐ-SG). 

     • Thiền sư Liễu Minh – Đức Tạng (?-1813) khai sơn chùa Phước Long nay thuộc thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận

     • Thiền sư Minh Đường (?-1804), người Trung Quốc, khai sơn am Bạch Vân (Linh Sơn Tự) nay tại xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang

 

NĂM 1791 (TÂN HỢI- PL.2335), niên hiệu Thái Đức thứ 14, đời Thái Đức Hoàng đế.

     • Đại sư Trí Đăng, trụ trì chùa Cổ Lâm (huyện Đồng Xuân) thỉnh Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm (1726-1798) giảng kinh Kim Cang Bát Nhã ở chùa Bảo Toàn. Đến tháng 8, Thiền sư giảng kinh Pháp Hoa tại am Khánh Sơn

 

NĂM 1792 (NHÂM TÝ- PL.2336), niên hiệu Thái Đức thứ 15, đời Thái Đức Hoàng đế.

     • Thiền sư Chiếu Tuyên (1754-1801) khắc in sách “Hiến Cổ Châu Phật Tổ Nghi” (Khoa nghi cúng hiến Phật tổ chùa Cổ Châu), do Thiền sư Tánh Quảng hiệu đính và ghi chép lại

 

NĂM 1793 (QUÝ SỬU- PL.2337) niên hiệu Thái Đức (1778-1793) năm cuối, đời Thái Đức Hoàng đế (17781793); niên hiệu Cảnh Thịnh (1793-1801) năm đầu, đời Hoàng đế Cảnh Thịnh (1793-1802).

     • Thiền sư Minh Hằng – Định Nhiên (?-1793) thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 34, trụ trì chùa Quốc ÂnThuận Hóa (Huế), viên tịch

     • Sư Thiên Chơn thỉnh Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm (1726-1798) giảng kinh Địa Tạng

     • Thiền sư Khoan Giai – Thiện Chúng đến trụ trì chùa Linh Quang (chùa Bà Đá) ở thôn Tự Tháp, phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, kinh đô Thăng Long và dựng thêm mấy gian nhà tranh

     • Khoảng năm 1793-1794, Thiền sư Hải Lượng (tức Ngô Thời Nhiệm, 1746-1803) thành lập Thiền viện Trúc Lâm ở phường Bích Câu, phía Nam thành Thăng Long

 

NĂM 1794 (GIÁP DẦN- PL.2338) niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2, đời Hoàng đế Cảnh Thịnh.

     • Ngày 01 tháng Chạp năm Quý Sửu, Thiền sư Chiếu Tuyên (1754-1801) đúc đại hồng chung và viết bài minh khắc trên chuông chùa Diên Ứng (hay chùa Pháp Vân) ở Cổ Châu, xã Khương Tự, huyện Siêu Loại, đạo Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh)

     • Thiền sư Đạo Trung - Thiện Hiếu (1743-1800) khai sơn xây dựng chùa Long Hưng nay tại ấp 4, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương

     • Thiền sư Phước An lập chùa Hưng Long ở làng An Điềm, huyện Bình Dương, Gia Định. Đến năm 1803, chùa được Thiền sư Chánh Niệm trùng tu

 

NĂM 1795 (ẤT MÃO- PL.2339) niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 3, đời Hoàng đế Cảnh Thịnh.

     • Ngày mồng 01 tháng Đinh Hợi năm Ất Mão, lập bia tháp Thiền sư Hải Tại, thế danh Trần Văn Chức, tự Hải Tại, quê ở xã Đông Nhuyễn, huyện Phú Xuyên (lúc sinh tiền, sư được sắc phong Tăng chánh)

     • Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm (1726-1798) được thỉnh giảng Tỳ-ni Sa-di Oai Nghi Cảnh Sách

 

NĂM 1796 (BÍNH THÌN- PL.2340) niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4, đời Hoàng đế Cảnh Thịnh.

     • Ngày 24 tháng 4 năm Bính Thìn, Hòa thượng Thiệt Dinh – Chánh Hiển (1712-1796) thế danh Lê Hiển, pháp danh Thiệt Dinh, tự Chánh Hiển, hiệu Ân Triêm, quê ở Bến Đền, huyện Điện Bàn, dinh Quảng Nam, thuộc Tông Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 35, Tổ khai sơn chùa Phước Lâm (Hội An, Quảng Nam), viên tịch, thọ 85 tuổi

     • Ngày 21 tháng 7 năm Bính Thìn, đệ tử ở am Khánh Sơn thỉnh Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm (1726-1798) khai đàn thuyết giảng kinh Địa Tạng và truyền giới. Đàn giới này có sự tham dự của các Thiền sư Hoa Nghiêm, Quang Huy, Đức Lâm ở Quy Nhơn và Thiền sư Thiên Mãn ở Phú Yên. Đàn giới quy tụ trên 200 tăng ni tham dự và quan tổng trấn cũng như các quan viên đều hộ trì.

     • Thiền sư Pháp Ấn – Quảng Độ (1739-1811) kế thế trụ trì chùa Phước Lâm nay tại phường Cẩm Hà, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam

     • Thiền sư Hải Khoát viết chữ, ông Nguyễn Tài Trí khắc chữ, ông Phan Cẩm soạn bài minh cho chuông chùa Thiên Phúc (chùa Thầy nay ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây). Chuông cao 0,80m, chu vi miệng chuông 1,40m.

     • Thiền sư Hải Lượng (1746-1803, tức Ngô Thời Nhiệm) và các Thiền sư Hải Âu, Hải Huyền, Hải Hòa, Hải Điền viết sách “Trúc Lâm Tông Chỉ Thanh Nguyên” còn có các tên :“Trúc Lâm Đại Chân Viên Giác Thanh” hay“Nhị Thập Tứ Thanh”. Sách này có 1 quyển, gồm những bài thuyết pháp tại thiền viện ở phường Bích Câu, Thăng Long, là một tổng hợp Nho Thích khá độc đáo, với khuynh hướng quy thú về Phật giáo Trúc Lâm

     • Thiền sư Minh Tri – Chiếu Thế, thuộc thiền phái Lâm Tế - Gia Phổ, đời thứ  38, khai sơn chùa Kim Tiên nay tại khu 7, thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

 

NĂM 1797 (ĐINH TỴ- PL.2341) niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 5, đời Hoàng đế Cảnh Thịnh.

     • Tháng 10, đại chúng thỉnh Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm (1726-1798) giảng Tứ Thập Nhị Chương kinh, Di Giáo kinh, Long Thơ Tịnh Độ tập, Địa Tạng kinh,…và cũng năm này ngài xây dựng thảo am thành ngôi Phạm vũ trang nghiêm, đặt tên là Từ Quang Tự trên núi Bạch Thạch, thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên (LSTTTPLTCT, HTCTĐXQ). 

 

NĂM 1798 (MẬU NGỌ- PL.2342) niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 6, đời Hoàng đế Cảnh Thịnh.

     • Ngày 15 tháng 5 năm Mậu Ngọ, Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm (1726-1798) về Phú Yên tổ chức Lễ trai đàn bạt độtruyền giới cho hơn 100 người

     • Ngày 17 tháng 6 năm Mậu Ngọ, Hòa thượng Pháp Chuyên – Luật Truyền (1726-1798) họ Trần, hiệu Diệu Nghiêm, pháp danh Pháp Chuyên, tự Luật Truyền, sinh tại làng Cổ Tháp, xã Hoa Châu, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam, thuộc Tông Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 36, Tổ khai sơn chùa Từ Quang (Sông Cầu, Phú Yên), viên tịch, thọ 73 tuổi, 53 năm tu học và hoằng hóa. Những tác phẩm của Thiền sưBồ-tát Địa Tạng Nguyện Kinh Yếu Giải, Đại Phương Tiện Báo Ân Kinh Chú Nghĩa, A-di-đà Sớ Sao Tự Nghĩa (4 q), Qui Sơn Cảnh Sách Chú Thích Ký Lược, Tỳ-ni Sa-di Oai Nghi Cảnh Sách Ấn Chú Yếu Lược, Tỳ-ni Nhựt Dụng Thiết Yếu Phát Ẩn Âm Chú, Sa-di Luật Nghi Yếu Lược Tăng Chú, Sự Nghĩa Luật Yếu Lược (LSPGĐT, LSTTTPLTCT). 

     • Thiền sư Tổ Tông - Viên Quang (1758-1827) trùng tu chùa Giác Lâm ở xã Phú Thọ, huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn (TP. HCM ngày nay) 

     • Thiền sư Pháp Chuyên – Luật Truyền (1726-1798) được Hoàng thái hậu thỉnh về kinh đô chứng minh lễ đúc Đại hồng chung. Pháp sự viên thành, ngài được ban ca-sa sắc tía

     • Thiền sư Nguyên Quán – Đạo Thông, quê ở Quảng Nam, khai sơn chùa Long Huê hiện ở số 131/27, đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, Tp. HCM. Chùa này về sau được vua Gia Long ban sắc tứ 

     • Thiền sư Pháp Liêm – Luật Oai (1747-1830) còn gọi là Tổ “Bình Man Tảo Thị” được bổn đạo chùa Chiên Đàn thỉnh về trụ trìtôn hiệu cho ngài là Minh Giác Hòa thượng

     • Thiền sư Toàn Thể - Linh Nguyên (1765-1844) kế thế trụ trì chùa Từ Quang trên núi Bạch Thạch, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

     • Thiền sư Tổ Trí – Khánh Hưng, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 36, khai sơn chùa Đức Lâm (nay tại xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho), do Bà Lớn (vợ một vị quan) hiến cúng 3 mẫu đất vườn và tiền để ngài xây dựng chùa

 

NĂM 1799 (KỶ MÙI- PL.2343) niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7, đời Hoàng đế Cảnh Thịnh.

     • Ngày 15 tháng 5 năm Kỷ Mùi, Hòa thượng Tế Trí – Hữu Phỉ (?-1799), thuộc Tông Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 36, trụ trì chùa Thập Tháp (Bình Định) viên tịch

     • Ngày 20 tháng 12 năm Kỷ Mùi, Thiền sư Đạo Trung - Thiện Hiếu (1743-1799), thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 38, Tổ khai sơn chùa Long Hưng (Bến Cát, Bình Dương), viên tịch, trụ thế 57 năm. Khi còn tại thế, Thiền sư đã khai sơntrùng tu các chùa : chùa Linh Sơn (Tây Ninh), chùa Long Hưng (Bình Dương), chùa Hội Hưng, chùa Bà Tang (Củ Chi - TP. HCM)

     • Thiền sư Liễu Trí – Huệ Nhựt (1752-1826) kế thế trụ trì chùa Thập Tháp – Di Đà nay thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Đình.

 

NĂM 1800 (CANH THÂN- PL.2344) niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8, đời Hoàng đế Cảnh Thịnh.

     • Ngày 17 tháng 3 năm Canh ThânThiền sư Đạo Giác – Trí Thông (1729-1800), thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 38, trụ trì chùa Thiên Đức (Bình Định), viên tịch, thọ 72 tuổi

     • Ngày 21 tháng 10 năm Canh ThânThiền sư Pháp Tràng – Quang Chính, hiệu Bửu Đài, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 36, trụ trì chùa Tam Thai (Quảng Nam), viên tịch

     • Khoảng năm 1800, Thiền sư Hải Soạn, thuộc Thiền phái Trúc Lâm, hoằng hóa ở chùa Cam Lộ (Thủy Nguyên – Hải Phòng), viên tịch.  

     • Ngày 16 tháng 12 (nhằm ngày 01 – 11 – Canh Thân), Tỳ-kheo ni Diệu Tâm (Nguyễn Thị Nhu) trụ trì chùa Sài Sơn, đã thêu bản kinh “Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật” hoàn thành. Bản kinh thêu gồm 7.000 chữ, trên lụa dài 4,4m, rộng 0,24.3m; bản kinh được ghép làm 2 lớp : lớp trên là lụa màu vàng, trên có thêu hình và chữ của toàn bản kinh, khung thêu hoa văn hình chữ T nằm ngược nhau; lớp dưới là lớp nhiễu điều, dệt hoa lá và bướm

     • Thiền sư Tiên Đề - Chơn Phẩm (1782-1852) kế thế trụ trì chùa Long Hưng nay tại ấp 4, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương

     • Thiền sư Pháp Ấn khai sáng chùa Thanh Sơn hiện tại số 12/4, khu Bình Long, phường Long Bình, quận 9, Tp. HCM, do cư sĩ Bùi Văn Thọ, Đoàn Thị Thanh hiến cúng đất

 

 

 

 

 

 

NĂM 1801 (TÂN DẬU- PL.2344), niên hiệu Cảnh Thịnh (1793-1801) năm cuối, niên hiệu Bảo Hưng (1801-1802) thứ 1, đời Hoàng đế Cảnh Thịnh (1793-1802).

     • Ngày 05 tháng 5 năm Tân Dậu, Thiền sư Tế Điền – Như Bổn (1747-1801), thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 36, hoằng hóa ở chùa Kim Sơn, chùa Hội Phước (Khánh Hòa) thị tịch, trụ thế 54 năm

     • Thiền sư Toàn Tánh - Chánh Đắc (1789-1869) trùng kiến chùa Tập Phước ở Gia Định, nay tại số 233, đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, Tp. HCM. 

     • Thiền sư Tiên Hiền, thuộc thiền phái Lâm Tế - Gia Phổ, đời thứ 37, khai sơn chùa Bửu Thạnh hiện tại số 50D Ông Nhiêu, Hương lộ 33, phường Long Trường, quận 9, Tp. HCM.

     • Thiền sư Chiếu Tuyên (1754-1801) quê ở làng Bảo Khám, huyện Gia Định, trấn Kinh Bắc, trụ trì chùa Diên Ứng (hay chùa Pháp Vân, Bắc Ninh), viên tịch

 

VIII. THIỀN TÔNG THỜI NHÀ NGUYỄN (1802-1945)

 

NĂM 1802 (NHÂM TUẤT- PL.2345), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 1, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc (1725-1821) được vua Gia Long sắc phong chức Hòa thượngy bát

     • Vua Gia Long cho trùng tu chùa Từ Ân ở thôn Hòa Hưng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định và chùa Khải Tường ở gần đó

     • Thiền sư Tánh Thông - Giác Ngộ (?- 1842) xây dựng chùa Bát Nhã ở núi Long Sơn, nay thuộc thôn Mỹ Thạnh, xã An Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên và đúc đại hồng chung (năm 1804)

     • Thiền sư Pháp Liêm – Luật Oai (1747-1830) kế thế trụ trì Tổ đình Phước Lâm ở Hội An, Quảng Nam

     • Thiền sư Pháp Châu được chư sơn cử làm trụ trì chùa Thiên Ấn ở núi Thiên Ấn, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi

     • Thiền sư Liễu Năng – Đức Chất khai sơn chùa Phước Sơn tại thôn Tân Phước, xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên

     • Thiền sư Toàn Đức – Thiệu Long (1763-1847) lập thảo am Khánh Sơn tu hành tại ấp Thanh Đức, xã Phước Hậu, tổng Bình Hòa, phủ Tuy Hòa (nay thuộc xã Bình Kiến, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên)

     • Hòa thượng Pháp ThânĐạo Minh (1684-1802) pháp danh Pháp Thân, hiệu Đạo Minh, thuộc thiền phái Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 36, Tổ khai sơn chùa Thiên Tứ (Ninh Hòa, Khánh Hòa), viên tịch, thọ 118 tuổi

     • Hòa thượng Đại Huệ - Chiếu Nhiên (?-1802) thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 37, trụ trì chùa Thuyền Tôn (Huế), viên tịch

     • Thiền sư Đạo MinhPhổ Tịnh (?-1816) khai sơn chùa Trung Kiên tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị, đồng thời chú nguyện hồng chung, thỉnh tượng Phậtpháp khí về chùa rất trang nghiêm.

     • Khoảng năm 1802 – 1819, Hòa thượng Đạo Chánh – Thanh Chứng, thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 38, đến khai kiến và trùng hưng chùa Từ Lâm trên đồi Quảng Tế (Thuận Hóa) 

     • Khoảng năm 1802, Thiền sư Liễu Thông – Chân Giác (1753-1840) khai sơn kiến tạo chùa Phụng Sơn tại Gia Định, hiện ở số 1408, đường 3/2, phường 2, quận 11, Tp. HCM.

     • Chùa Tập Phước hiện tại số 233, đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, Tp. HCM, được vua Gia Long ban Sắc tứ. Chùa được trùng tu vào những năm : 1927, 1967, 1993. Chùa này do Thiền sư Toàn Tánh – Chánh Đắc (1789-1869) khai sơn vào đầu thế kỷ XIX  

     • Chùa Long Huê ở xã Cai Hạt, tỉnh Gia Định (nay tại số 131/27, đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, Tp. HCM) được vua Gia Long ban Sắc tứ.

 

NĂM 1803 (QUÝ HỢI- PL.2346), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 2, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Ngày 07 tháng 3 (nhằm ngày 16 – 2 – Quý Hợi), Cư sĩ Ngô Thì Nhậm (1746-1803) tên Phó, tự Hi Doãn, hiệu Đạt Hiên, pháp danh Hải Lượng, sinh tại làng Tả Thanh Dao, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam, đã qua đời, hưởng dương 57 tuổi. Sinh thời, ông đậu tiến sĩ năm 1775, và được bổ làm Đông các hiệu thư, rồi thăng chức Công bộ hữu thị lang. Sau tiến chức thượng thư và thị lang đại học sĩ…Về sau ông ở ẩn, nghiên cứu thiền học, từng lập thiền viện Trúc Lâm, được tôn là Thiền sư Hải Lượng, đề hiệu là “Long Biên Thành Thị đại ẩn sĩ”. Ông cùng Hải Âu, Hải Hòa là tác giả của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh

     • Thiền sư Chánh Niệm – Tiên Liễu (1762-1822) trùng kiến chùa Hưng Long

     • Chùa Sắc tứ Kim Chương ở Gia Định khai Đại giới đàn (chùa này do Thiền sư Đạt Bổn sáng lập)

     • Vua Gia Long cho lập trai đàn ở chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân, để cầu siêu chiến sĩ trận vong

     • Bà Nguyễn Thị Đạt xây dựng chùa Bửu Lâm ở thôn Phú Hội, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường (Mỹ Tho), cúng dường cho Hòa thượng Tổ Trí – Khánh Hưng. Hòa thượng cử đệ tửThiền sư Tiên Hiện - Từ Lâm (1780-1859) về trụ trì chùa này. Cũng năm này, Thiền sư Từ Lâm khai sơn chùa Bửu Hưng (nay thuộc xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)

     • Thiền sư Liễu Diệu – Chánh Quang (1779-1855) khai sơn chùa Triều Tôn tại thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên

     • Thiền sư Đạo Tâm – Trung Hậu (?-1834) trùng kiến chùa Thuyền Tôn tại núi Thiên Thai, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa - Huế.

     • Thiền sư Liễu Căn (thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 37) khai sơn chùa Bảo Sơn tại thôn Phong Thắng, xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

     • Sách “Thiền Tông Bản Hạnh” được Thiền sư Thanh Hanh in lại

 

NĂM 1804 (GIÁP TÝ- PL.2347), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 3, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Chùa Giác LâmPhú Thọ, huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn (Tp. HCM ngày nay) do Thiền sư Tổ Tông - Viên Quang (1758-1827) trùng tu đã hoàn thành rất trang nghiêm, nguy nga. Thiền sư tiếp tục khai giảng kinh luận trở lại, chư tăng ở các tỉnh tựu về chùa học rất đông 

     • Vua Gia Long xuống chiếu triệu Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng (1735-1835) ra kinh đô Phú Xuân làm Tăng cang chùa Thiên Mụ, kiêm trụ trì chùa Quốc Ân và vào Nội cung thuyết giảng kinh pháp cho Hoàng gia

     • Chùa Sắc tứ Kim Chương ở Gia Định khai Đại giới đàn

     • Hòa thượng Đạo TrungChánh Định, thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 38, về trùng hưng và trụ trì chùa Kỳ Viên (Thuận Hóa) 

     • Thiền sư Minh Đường (1710-1804), người Trung Quốc, Tổ khai sơn am Bạch Vân (nay là chùa Tiên Sơn, Hà Tiên, Kiên Giang), viên tịch tại chùa Địa Tạng (Kiên Giang), thọ 94 tuổi 

 

NĂM 1805 (ẤT SỬU- PL.2348), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 4, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Cuối mùa hè, Thiền sư Tịch Thọ - Trinh Tường, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 37, trụ trì chùa Long Khánh (Quảng Nam), đúc đại hồng chung mới cho chùa, gọi là “Thái Bình hồng chung” 

     • Thiền sư Tổ Trí – Khánh Hưng, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 36, đúc đại hồng chung chùa Hội Tôn hiện tại ấp 8, xã Qưới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Cũng ở đầu thế kỷ XIX này, Thiền sư đã trùng tu chùa, tôn tạo tượng Phật và pháp khí 

     • Thiền sư Huệ Thân trụ trì chùa Hoa Yên và đệ tử khắc bản in sách Thiền Tông Bản Hạnh (tên đầy đủ là Trần Triều Thiền Tôn Chỉ Nam Truyền Tâm Quốc Ngữ Hành).

     • Thiền sư Pháp Ấn – Quảng Độ (1739-1811) chứng minh chú nguyện đúc quả Đại hồng chung tại chùa Sắc tứ Viên Tông (Quảng Nam)

     • Chùa Quốc Ân thuộc ấp Phước Quả, làng Phú Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân – Huế, được tái thiết xây dựng, do Công chúa Long Thành (pháp danh Tế Minh, hiệu Thiên Nhật) cúng dường 300 lạng bạc để trùng tu, giao phó cho hai Thiền sư Thiệt Tánh - Trí Hải và Tế Lịch - Chính Văn (?-1817) trông nom công trình

     • Thiền sư Thiệt Tánh – Trí Hải (?-1805) thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 35, trụ trì chùa Quốc Ân (Phú Xuân) viên tịch

 

NĂM 1806 (BÍNH DẦN- PL.2349), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 5, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Hai Thiền sư Minh Lý – Quảng Cơ (tự Gia Trường) và Minh Tịnh – Bảo Châu vân du đến xã Dư Khánh, được nhân dân địa phương thỉnh về trụ trì chùa Hưng Long ở xã Dư Khánh, huyện Phước Lộc, dinh Trấn Biên (nay thuộc xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé) 

     • Hòa thượng Huệ Chơn, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 35 về trụ trì chùa Sùng Đức hiện tại số 136, đường Hùng Vương, phường 1, quận 11, Tp. HCM. 

 

NĂM 1808 (MẬU THÌN- PL.2352), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 7, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Thiền sư Tánh Thành – Viên Ngộ (1786-1846) khai sơn chùa Lan Nhã (sau đổi là chùa Tôn Thạnh, hiện tọa lạc tại ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).   

     • Thái hậu Hiếu Khương (mẹ của vua Gia Long) đứng ra lo tái thiết chùa Báo Quốc trên đồi Hàm Long, thuộc ấp Trường Giang, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân, cử Cửu Ngọc Hầu làm đổng lý, trông coi việc xây dựng. Chùa được xây dựng rộng lớn hơn và đổi tên thành chùa Thiên Thọ, đồng thời sắc cử Thiền sư Đạo MinhPhổ Tịnh (?-1816) về làm trụ trì

     • Thiền sư Tánh Thiên – Nhứt Định (1784-1847) về trụ trì chùa Thiền Tông trên núi Thiên Thai, thuộc làng An Cựu, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân

     • Vâng lệnh thánh mẫu là Hiếu Khương hoàng hậu, vua Gia Long ra lệnh cấm, không cho ai xâm phạm đến các vật thường dùng ở chùa Linh Phong (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), để chờ trùng tu chùa. Chùa này do Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì (húy Tánh Ban, hiệu Mộc Y Sơn Ông (thường gọi là Ông Núi) sáng lập (LSPGĐT). 

     • Thiền sư Liễu Minh – Đức Tạng (?-1813) vận động Phật tử đúc Đại hồng chung chùa Thiền Lâm trên đồi Mai Quy, Tp. Phan Rang

     • Thiền sư Đạo Tâm – Trung Hậu (?-1834) được suy cử làm trụ trì chùa Thuyền Tôn tại ấp Ngũ Tây, làng An Cựu, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Cũng năm này vào ngày 16 tháng 12, Thiền sư trùng kiến chùa Thuyền Tôn, xây dựng chánh điện, tiền đường rất nguy nga, do sự hỗ trợ của hai Hoàng công chúa

     • Thiền sư Minh Trung – Đạt Từ (1779-1843) khai sáng chùa Bửu Long nay tại số 25, ấp 2, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, do gia đình hiến cúng đất

NĂM 1809 (KỶ TỴ- PL.2353), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 8, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Thiền sư Quảng Lợi – Minh Trinh (1785-1834) khai sơn chùa Phước Tường tại làng An Thạnh, Lái Thiêu (Bình Dương)

     • Thiền sư Minh Lý – Quảng Cơ chứng minh trùng tu xây dựng chùa Long Thắng tại xã Tân Hội, cù lao Rùa nay thuộc xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương

 

NĂM 1810 (CANH NGỌ- PL.2354), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 9, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Ngày 11 tháng 3 năm Canh Ngọ, Thiền sư Đạo Chơn – Thường Trung trụ trì chùa Phật Quang (Phan Thiết - Bình Thuận) đúc quả Đại hồng chung cao 1,5m và bảo chúng

     • Ngày 30 tháng 7 năm Canh Ngọ, Hòa thượng Đại Thông – Chánh Niệm (1710-1810) thuộc Tông Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 37, trụ trì chùa Tân Long (Diên Khánh, Khánh Hòa) và chùa Hội Phước, viên tịch, thọ 101 tuổi

     • Thiền sư Hải Khâm – Tuệ Nhãn (1728-1810), họ Đặng, người Thọ Vực, Sơn Nam, trụ trì am Thụ Thụ và chùa Bảo Quang, viên tịch, thọ 83 tuổi.

     • Thiền sư Toàn Thể - Linh Nguyên (1765-1844) khai sơn chùa Long Tường tại thôn Lương Quang, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Phú Yên

     • Thiền sư Đạo An – Phổ Nhuận (1781-1841) kế thế trụ trì chùa Hội Phước nay thuộc phường Phương Sài, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

     • Thiền sư Đạo Chơn – Quang Huy (1782-1851) và Thiền sư Đạo Tín – Hải Chấn từ Phú Yên du hóa vào Bình Thuận đến trụ trì chùa Liên Trì tại thôn Long Đàm, tổng Trung, huyện Hòa Đa, xứ Phan Thiết để hoằng pháp

     • Thiền sư Giác Bổn – Minh Nam (hay Thanh Nguyên) thọ giới Cụ túc và được Tăng thống Đạo NguyênPhổ Chiếu mật ấn cho nối pháp đời thứ 41, Thiền phái Tào Động và ban kệ : 

“Chân mày phóng quang đâu phải Phật,

Gót chân mây phủ chớ bảo Tiên,

Hãy nên nuôi dưỡng trâu cương trắng,

Hôm sớm quen cày đám ruộng mình” (LSPGVNXĐN).   

 

NĂM 1811 (TÂN MÙI- PL.2363), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 10, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Ngày 14 tháng 4 năm Tân Mùi, Hòa thượng Hải Quýnh – Từ Phong (1728-1811) hiệu Từ Phong, họ Nguyễn, quê ở thôn Nghiêm Xá, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, thuộc tông Lâm Tế, đời thứ 40, hoằng hóa ở các chùa Liên Hoa, Hàm Long, Nghiêm Xá, viên tịch, thọ 84 tuổi

     • Tháng 5 năm Tân Mùi, Thiền sư Pháp Ấn – Quảng Độ (1739-1811) chú nguyện đúc quả tiểu hồng chung và khánh đồng tại chùa Phước Lâm ở Hội An, Quảng Nam

     • Ngày 17 tháng 9 năm Tân Mùi, Hòa thượng Pháp Ấn – Quảng Độ (1739-1811), pháp danh khác là Phật Tuyết – Tường Quang, thế danh Nguyễn Văn Viên, sinh tại huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, thuộc Tông Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 36, trụ trì chùa Phước Lâm (Quảng Nam) kiêm trụ trì chùa Viên Tông, viên tịch, thọ 73 tuổi

     • Thiền sư Quảng TâmTrí Huệ (1770-1811), thuộc thiền phái Lâm Tế, trụ trì chùa Sắc tứ Linh Thứu (Châu Thành, Mỹ Tho), thị tịch, trụ thế 41 năm

     • Vua Gia Long đổi tên chùa Sắc tứ Linh Thứu thành chùa Long Tuyền nay tại xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Cũng năm này, Thiền sư Thoại Lâm kế thế trụ trì chùa Sắc tứ Linh Thứu. 

     • Thiền sư Như Thanh – Huệ Tịnh, thuộc thiền phái Lâm Tế - Gia Phổ, đời thứ  39, kế thế trụ trì chùa Kim Tiên nay tại khu 7, thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (1811-1856)

     • Thiền sư Thoại Lâm kế thế trụ trì chùa Sắc Tứ Linh Thứu, hiện tại ở Xoài Hột, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (1811-1832)

     • Vua Gia Long mở Đại trai đàn ở chùa Thiên Mụ, cho thỉnh các cao tăng ở phủ Gia Định ra kinh đô Phú Xuân bằng “ngựa trạm” (rước bằng ngựa, như các đại thần)

     • Thiền sư Đạo Thâm – Thanh Tịnh làm Hội chủ cùng thiện tín thập phương chú tạo Đại hồng chung chùa Lý Hòa (chùa Vĩnh Phước) ở làng biển Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Chuông có chiều cao 144 cm; đường kính miệng 56 cm; đường kính thân trên 42 cm.

 

NĂM 1812 (NHÂM THÂN- PL.2364), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 11, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Ngày 08 tháng 4 năm Nhâm Thân, Hòa thượng Nhu Hòa - Khoan Giáo (?-1812) họ Nguyễn, húy Khoan Giáo, hiệu Nhu Hòa, quê xã An Bồi, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, Sơn Nam, thuộc thiền phái Tào Động, trụ trì chùa Phổ Giác (Hà Nội), viên tịch, thọ 79 tuổi.

     • Ngày 28 tháng 4 năm Nhâm Thân, thỉnh nhục thân Thiền sư Khoan Giáo (?-1812) nhập bảo tháp Phương Viên, Tăng thống Đạo NguyênThanh Lãng soạn văn bia.

     • Ngày 09 tháng 9 năm Nhâm Thân, Hòa thượng Đại Ngạn – Từ Tấn (?-1812) thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 37, Tổ khai sơn chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một, Bình Dương), viên tịch.

     • Ngày 25 tháng 9 năm Nhâm Thân, Hòa thượng Chương Nhật – Chí Minh (1738-1812), thuộc thiền phái Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 38, trụ trì chùa Thiên Đức (Bình Định), viên tịch, thọ 75 tuổi

     • Thiền sư Toàn Hiệu – Gia Linh (?-1812), thuộc thiền phái Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 37, Tổ khai sơn chùa Thiên Tôn (Thuận An, Bình Dương), thị tịch. Cũng năm này, Thiền sư Gia Tiền kế thế trụ trì thảo am Thiên Tôn

     • Thiền sư Thanh Lãng – Khoan Dực (tức Tăng thống Đạo NguyênPhổ Chiếu) viết bài tựa và khắc in kinh “Hiền Ngu Nhân Duyên”. Ngoài ra, ngài còn viết sách “Tào Động Tông Nam Truyền Ngữ Lục”. 

     • Thiền sư Minh Huệ - Chân Kính (1741-1839) kế thế trụ trì chùa Hội Khánh nay thuộc phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

     • Hòa thượng Tổ Thuận – Đức An (1747-1812) thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 36, trụ trì chùa Phước Quang, viên tịch, thọ 66 tuổi.

 

NĂM 1813 (QUÝ DẬU- PL.2357), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 12, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Ngày 25 tháng 5, Thiền sư Liễu Minh – Đức Tạng (?-1813) họ Nguyễn, nguyên quán thôn Đắc Nhơn, phủ Ninh Thuận, tỉnh Khánh Hòa, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 37, Tổ khai sơn chùa Thiền Lâm (Ninh Sơn - Ninh Thuận) thị tịch

     • Ngày 28 tháng 7 năm Quí Dậu, Thiền sư Liễu Năng – Đức Chất được cấp bảng Chính pháp nhãn tạng (Điệp phú pháp), thuộc phái thiền Lâm Tế, đời thứ 37.

     • Phó tướng Trần Nhân Phụng vâng chỉ dụ của Cao hoàng hậu, ban 10.000 quan tiền để trùng tu chùa Kim Chương ở Gia Định, chỉnh trang chuông tượng, tu chỉnh kinh tạng…cho chùa được thêm trang nghiêm tráng lệ. Chùa được ban “Sắc tứ Thiên Trường tự” (BNSPGGĐ-SG). 

     • Thiền sư Tịch Thọ - Trinh Tường, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 37, trùng tu chùa Long Khánh hiện tại số 141, đường Trần Cao Vân, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định 

     • Hòa thượng Đạo Trung – Trọng Nghĩa, thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 38, trùng hưng chùa Ấn Tôn (sau đổi tên là chùa Từ Đàm, trên đồi dãy Hoàng Long Sơn, Thuận Hóa – Huế) và chú tạo Đại hồng chung 

     • Thiền sư Khoan Nhơn – Tịnh Đức, thuộc Thiền phái Tào Động, hưng công đại trùng tu chùa Trấn Quốc nay tại số 32, đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Tp. Hà Nội

     • Thiền sư Tiên Vân - Ấn Tông, thuộc thiền phái Lâm Tế - Gia Phổ, đời thứ 37, kế thế trụ trì chùa Đức Lâm nay tại xã Mỹ Phong, Tp. Mỹ Tho (1813-1844)

     • Khoảng năm 1813, Thiền sư Phật Kế - Hoằng Kim trụ trì chùa Trường Thọ, chứng minh khai sơn và đặt hiệu chùa Quang Long nay tại làng Đại Tập, xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, và ngài kiêm nhiệm trụ trì luôn chùa Quang Long. Chùa này do vợ chồng ông Trần Văn Cẩn cải gia vi tự, để làm ngôi Tam Bảo tu hành lúc tuổi già.

 

NĂM 1814 (GIÁP TUẤT- PL.2358), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 13, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Ngày 14 tháng 09 năm Giáp Tuất, Thiền sư Tánh Thiên - Nhất Định (1783-1847) được Hòa thượng Đạo MinhPhổ Tịnh trao truyền tâm ấn và phú pháp kệ như sau : “Nhứt Định chiếu tâm minh, hư không trăng tròn đầy, tổ tổ truyền phó chúc, Đạo Minh truyền Tánh Thiên” (LSPGĐT). 

     • Thiền sư Đạo Hương – Đức Tín đúc bảo chung tại chùa Khánh An thuộc làng Khánh Thiện, phường Mũi Né, Phan Thiết, dưới sự chứng minh của Hòa thượng Đạo Chơn – Thường Trung

     • Thiền sư Phổ Chiêu (1777-1814) thế danh Phạm Phượng Sinh, tên khác Phạm Thái, tự Đan Phượng, hiệu Chiêu Lì, người làng Yên Thị, xã Yên Thường, tổng Xuân Dục, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (Hà Nội), thị tịch, trụ thế 37 năm. Tác phẩm của Thiền sưSơ Kính Tân Trang (theo Phật Giáo Thời Hậu Lê, tập 4, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, NXB Tôn Giáo 2014).

     • Thiền sư Tánh Chiếu – Nhứt Niệm (?-1857) được Hòa thượng Đạo MinhPhổ Tịnh ấn chứng và phú pháp kệ như sau : “Một niệm tâm thường viên, tâm pháp vốn tự nhiên, Tổ đạo truyền pháp ấn, quang huy mãi lưu truyền” (CTTĐPGTH). 

     • Thiền sư Đạo Tâm – Trung Hậu (?-1834) tổ chức khắc bản in các kinh Kim Cang, kinh Thọ MạngHồng Danh – Vu Lan và kinh Di ĐàPhổ Môn hợp bản. Mộc bản khắc hiện lưu trữ tại chùa Từ Đàm, Huế nhưng không còn đầy đủ.

     • Thiền sư Tổ Ấn – Mật Hoằng (1754-1825) được vua Gia Long triệu ra kinh đô Thuận Hóa phong chức Tăng cang chùa Thiên Mụ.

 

NĂM 1815 (ẤT HỢI- PL.2359), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 14, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Tháng Giêng năm Ất Hợi, chùa Trấn Quốc (Hà Nội) đại trùng tu hoàn thành (1813-1815), do Thiền sư Khoan Nhơn – Tịnh Đức trụ trì chùa này. Tiến sĩ Phạm Quí Thích soạn văn bia kể lại việc trùng tu này

     • Tháng 4 năm Ất Hợi, Tháp Tổ sư Thiệt Diệu – Liễu Quán (1667-1743) ở chân núi Thiên Thai, thuộc huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân, được tái thiết và dựng bia “Trùng tu tháp Tổ bi”.

     • Ngày 14 tháng 9 năm Ất Hợi, Thiền sư Đạo MinhPhổ Tịnh (?-1816) khai đại giới đàn tại chùa Hàm Long Thiên Thọ thuộc ấp Trường Giang, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân – Huế, và ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu truyền giới. Số giới tử thọ giới rất đông, đồ chúng đắc pháp có đến 28 vị như : Thiền sư Tánh Thiên – Nhất Định, Tánh Hoạt – Huệ Cảnh, Tánh Huệ - Nhất Nguyên, Tánh Chiêu – Nhất Niệm, Tánh Khai – Nhất Đắc, Tánh Huệ - Nhất Chơn, Tánh Thông – Nhất Trí, Tánh Toàn – Nhất Thể, Tánh Tịnh – Nhất Xương,…(HTCTĐXQ). 

     • Vua Gia Long cho trùng tu chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân – Huế, theo kiến trúc cũ của chúa Nguyễn Phúc Chu nhưng qui mô nhỏ hơn, có ít cơ sở hơn

     • Thiền sư Hải Lương – Chánh Tâm (1776-1846) khai sáng chùa Hàn Lâm hiện tọa lạc tại số 4, xã Hướng Thọ Phú, TP. Tân An, tỉnh Long An. Chùa được xây dựng trên khu đất do gia đình Hội đồng Hà hiến cúng. Kiến trúc chùa làm bằng gỗ, mái ngói âm dương, vách ván bổ kho, nền gạch tàu trang nghiêm. Bà Hội đồng Nga và bà Tổng Tín hiến đất (hơn 5 mẫu) và vật liệu xây dựng chùa

 

NĂM 1816 (BÍNH TÝ- PL.2360), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 15, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Ngày 13 tháng 11 năm Bính Tý, Hòa thượng Đạo MinhPhổ Tịnh (?-1816), họ Nguyễn, húy Đạo Minh, hiệu Phổ Tịnh, người thôn Tây An, xã Long Phước, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam, thuộc Tông Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 38, trụ trì chùa Thiên Thọ (Phú Xuân), viên tịch. Vua ban thụy cho ngài là Viên Nhứt.

     • Đại sư Kim Liên - Tịch Truyền (1745-1816) pháp danh Kim Liên, quê ở thôn Trình Viên, huyện Thượng Phước, phủ Thường Tín, Sơn Nam, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 41, viên tịch, thọ 70 tuổi. Trước lúc tịch, ngài phó chúc kệ cho Thiền sư Chiếu Khoan – Tường Quang“Tâm là trước đất trời, thân là sau trời đất, thân tâm trong trời đất, tuần hoàn không cùng tận” (TSVN). 

     • Thiền sư Tánh Thiên – Nhứt Định (1784-1847) được cử làm trụ trì chùa Báo Quốc trên đồi Hàm Long, thuộc ấp Trường Giang, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân - Huế (1816 – 1835)

     • Thiền sư Đạo Tâm – Trung Hậu về trụ trì Tổ đình Thuyền Tôn ở núi Thiên Thai, thuộc làng An Cựu, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân (Huế)

     • Hòa thượng Đạo Chơn – Quang Huy (1782-1851) chú nguyện đúc Đại hồng chung cao 1,2m tại chùa Liên Trì (Phan Thiết - Bình Thuận), dưới sự chứng minh của các vị cao tăng : Tánh Thông – Giác Ngộ, Liễu Diệu – Chánh Quang, Chiêu Long

     • Thiền sư Giác Bổn – Minh Nam (hay Thanh Nguyên) viết bài tựa, khắc in “Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa kinh”.  

     • Thiền sư Thanh Hội – Vô Tri, thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 41, kế thế trụ trì chùa Thanh Trước nay tại ấp Gò Tre, xã Long Thuận, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang (1816-1840)

 

NĂM 1817 (ĐINH SỬU- PL.2361), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 16, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Ngày 07 tháng 10 năm Đinh Sửu, Hòa thượng Thiệt Thoại – Tánh Tường (1741-1817), thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 35, Tổ khai sơn chùa Long Thọ (Bến Cát – Bình Dương), viên tịch, thọ 77 tuổi (LSPGĐT)(theo www.vncgarden.com thì cho rằng Thiền sư Tánh Tường sinh năm 1681 và tịch vào năm 1757).

     • Vua Thế Tổ xuống sắc triệu Thiền sư Liễu Đạt - Thiệt Thành (?-1823) ra kinh đô Huế, cử làm Tăng cang chùa Thiên Mụ. Ngài còn được cử làm Pháp sư thuyết giảng Phật pháp trong Nội cung của vua Gia Long. Mỗi tháng, Tăng cang Liễu Đạt phải vào Nội cung tám ngày để thuyết giảng cho Hoàng gia. Sau đó, vua phong Tăng cang Liễu Đạt Thiệt Thành danh hiệu Hòa Thượng Liên Hoa.  

     • Vua Gia Long cử Tăng cang Tổ Ấn Mật Hoằng (1735-1835) làm trụ trì chùa Quốc Ân ở phía Tây núi Ngự Bình, thuộc ấp Phước Quả, làng Phú Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân (Huế)

     • Thiền sư Tiên Huệ - Tịnh Nhãn (1735-1835), từ Huế về khai sơn chùa Thiên Phước nay ở xã Phước Long – Thủ Đức

     • Thiền sư Tế Thân – Quảng Phước (1786-1841) kế thế trụ trì chùa Long Thọ nay tại xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương

     • Thiền sư Tế Lịch – Chánh Văn (?-1817) thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 36, trụ trì chùa Quốc Ân (Thuận Hóa – Huế), thị tịch.

 

NĂM 1818 (MẬU DẦN- PL.2362), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 16, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Thiền sư Đạo Tâm – Trung Hậu (?-1834) tổ chức Trai đàn tại Tổ đình Thuyền Tôn ở núi Thiên Thai, thuộc làng An Cựu, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân (Huế), chư tăng trong trai đàn suy tôn Thiền sư Trung Hậu làm Hòa thượng Đạo sư, nhân đó, làm tờ khải (ngày 21 – 07 – năm Gia Long (1818) xin vua phong cho chức Hòa thượng

     • Thiền sư Toàn Đức – Hoằng Tông (1779-1843) trùng tu chùa Vạn Đức tại thôn Đồng Nà, xã Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (Hội An, Quảng Nam) và đúc đại hồng chung dưới sự chứng minh của Thiền sư Pháp Liêm – Luật Oai (1747-1830)

     • Thiền sư Tế Chánh – Bổn Giác (1781-1850) được vua Minh Mạng thỉnh làm Tăng cang chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân (Huế)

     • Thiền sư Toàn Đức – Thiệu Long trùng tu chùa Khánh Sơn tại ấp Thanh Đức, xã Phước Hậu, tổng Bình Hòa, phủ Tuy Hòa (nay thuộc xã Bình Kiến, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên)

     • Thiền sư Toàn Thể - Linh Nguyên (1765-1844) vận động khắc bản kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Yếu Giải do Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm biên soạn

 

NĂM 1819 (KỶ MÃO- PL.2363), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 17, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Thiền sư Thanh Đàm - Minh Chánh (thuộc tông Tào Động, đời thứ 42, trụ trì chùa Bích Động (tỉnh Ninh Bình), sáng tác sách Pháp Hoa Đề Cương tại viện Liêm Khê

     • Thiền sư Tổ Tông - Viên Quang (1758-1827) mở Giới đàn tại chùa Giác LâmPhú Thọ, huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn (TP. HCM ngày nay), tăng chúngthiện nam tín nữ đến quy y thọ giới rất đông 

 

NĂM 1820 (CANH THÌN- PL.2364), niên hiệu Gia Long (1802-1820) thứ 18, đời vua Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh, 1802-1820).

     • Thiền sư Tổ Ấn - Mật Hoằng (1735-1835) trùng tu chùa Thập Tháp Di-đà nay thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện Nhơn An, tỉnh Bình Định.

     • Xứ Gia Định bị dịch, Thiền sư Tăng Ngộ nguyện tịch cốc cầu an cho dân chúng

     • Thiền sư Tánh Thông – Quảng Lợi khai sơn chùa Khánh Nguyên tại thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

     • Thiền sư Đại Bồ - Thiện Đề, thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 37, khai sơn chùa Phước Long (sau đổi là Kim Cang) tại thôn Bình Khuê, tổng Thuận Đạo, huyện Cửu An, phủ Tân An (Long An)

     • Thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh (1788-1875) khai sơn chùa Linh Nguyên nay tại số 236, tổ 4, ấp Bình Tả 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

  

NĂM 1821 (TÂN TỴ- PL.2365), niên hiệu Minh Mạng (1820-1840) thứ 2, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Ngày 27 tháng 5 năm Tân Tỵ, Thiền sư Pháp Liêm – Luật Oai (1747-1830) trụ trì chùa Phước Lâm (Quảng Nam) được mời ra tham dự Đại trai đàn tại chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân (Huế)

     • Ngày 20 tháng 11 năm Tân Tỵ, Hòa thượng Phật Ý - Linh Nhạc (1725-1821) thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 35, trụ trì chùa Sắc Tứ Từ ÂnQuốc Ân Khải Tường (Gia Định), viên tịch, thọ 97 tuổi. Sinh thời, Thiền sư Phật Ý đã đào tạo được một số đệ tử danh tăng thạc đức như : Tổ Tông - Viên Quang, Tổ Đạt - Trí Tâm, Tổ Ấn - Mật Hoằng.

     • Vua Minh Mạng sắc tứ cho hai chùa ở Gia Định : “Quốc ân Khải Tường” (nơi vua sanh) và “Sắc tứ Từ Ân”

     • Khoảng niên hiệu Minh Mạng (1820-1840), Thiền sư Tánh Minh – Trí Quang, thuộc Tông Lâm Tế Liễu Quán, đời thứ 39, trùng tu chùa Hội Phước (nay tại thành phố Nha Trang)

     • Thiền sư Tiên Hiện - Từ Lâm (1780-1859) trụ trì chùa Sắc Tứ Linh Thứu và chùa Từ Lâm (tỉnh Tiền Giang), được mời tham dự trai đàn ở chùa Thiên Mụ, tại kinh đô Huế. Cũng năm này, Thiền sư trùng tu chánh điện chùa Bửu Hưng (Đồng Tháp)

     • Thiền sư Khoan Giai – Thiện Chúng trùng tu chùa Linh Quang (thường gọi là chùa Bà Đá) ở thôn Tự Tháp, phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, kinh đô Thăng Long và đặt tên là chùa Linh Quang. Chùa xây dựng gồm đủ : tiền đường, hậu đường, chánh điện, hai dãy hành lang, tạc thêm tượng Phật

 

 

NĂM 1822 (NHÂM NGỌ- PL.2366), niên hiệu Minh Mạng (1820-1840) thứ 3, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Thiền sư Tổ Ấn – Mật Hoằng (1735-1835) dâng sớ xin đại trùng tu chùa Quốc Ân thuộc ấp Phước Quả, làng Phú Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân (Huế), vua cấp cho 500 quan tiền và các vật hạng

     • Thiền sư Pháp Liêm – Luật Oai (1747-1830) trùng tu chùa Phước Lâm ở xã Thanh Hà, Hội An, dinh Quảng Nam và đúc đại hồng chung 

     • Thiền sư Đạo An – Phổ Nhuận (1781-1841) trùng tu chùa Hội Phước nay tại số 153/2, đường Hoàng Văn Thụ, Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, chú tạo thêm Phật tượng, pháp khí và đúc đại hồng chung

     • Thiền sư Toàn Định – Bảo Tạng (1789-1842) trùng kiến chùa Thắng Quang tại thôn Hy Tường, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định

     • Thiền sư Liễu Thông – Chơn Giác trùng tu xây dựng lại chùa Liên Trì hiện tại số 10/15, tổ 9, khu vực Thới Thạnh, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ.

 

NĂM 1823 (QUÝ MÙI- PL.2367), niên hiệu Minh Mệnh (1820-1840) thứ 11, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Ngày 15 tháng 3 năm Quý Mùi, Thiền sư Toàn Định – Bảo Tạng (1789-1842) được Hòa thượng Pháp Liêm – Minh Giác (1747-1830) ban cho Pháp quyển, ấn chứng và ban hiệu là Bảo Tạng. Sau đó, Thiền sư về trụ trì chùa Thắng Quang (Bình Định)  

     • Hòa thượng Liễu Đạt - Thiệt Thành (?-1823) hiệu Liên Hoa, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 35, xin từ chức Tăng cang chùa Thiên Mụ (Phú Xuân - Huế) để trở về trụ trì chùa Từ Ân (Gia Định). Cũng năm này, Thiền sư lên chùa Đại Giác, tỉnh Biên Hòa, nhập thất, rồi viên tịch

     • Thiền sư Tiên Huệ - Tịnh Nhãn (?-1843) được cử giữ chức Tăng cang chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân, Huế (1823-1825)

     • Ngài Trạch Quang Hầu và một số quan lại cúng dường tiền trùng tu xây dựng quy mô thảo am Viên Thông dưới chân núi Ngự Bình, xã Thủy An, huyện Hương Thủy, Huế (do Tổ sư Thiệt Diệu – Liễu Quán khai sơn cuối thế kỷ XVII) và đổi tên thành Hưng Phước tự (LSTTTPLTCT). 

     • Vua Minh Mạng xuống chiếu triệu Thiền sư Tế Chánh – Bổn Giác (1761-1851) về Kinh đô Phú Xuân, sung chức Tăng cang chùa Thiên Mụ (Huế) 

     • Thiền sư Giác Lĩnh – Hiển Thông, thuộc Thiền phái Tào Động, đời thứ 42, hoằng hóa ở chùa Bích Động (Ninh Bình), thị tịch

 

NĂM 1824 (GIÁP THÂN- PL.2368), niên hiệu Minh Mạng (1820-1840) thứ 12, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Tháng 5 năm Giáp Thân, chùa Thiên Mụ thuộc huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân (Huế) đã khắc xong bốn bộ kinh, gồm có 548 tấm gỗ, đó là  Kinh Pháp Hoa, 7 quyển có 272 tấm; Kinh Địa Tạng, 3 quyển có 45 tấm; Kinh Báo Ân, 7 quyển có 165 tấm; Kinh Thủy Sám, 3 quyển có 66 tấm (LSPGĐT).

     • Ngày 19 tháng 6 năm Giáp Thân, Hòa thượng Đại Trạm – Định Ấn cùng đệ tửThiền sư Tánh Thọ - Từ Ẩn đúc Đại hồng chung cao 1,2m tại chùa Từ Quang (Phan Thiết)

     • Thiền sư Liễu Huệ - Thiệu Quyền (1719-?) lập thảo am tịnh tu (sau này đổi tên là chùa Long Trường, rồi đổi là Long Quang), hiện tại ấp Bình Nhựt B, xã Long Hòa, Tp. Cần Thơ.

     • Cư sĩ Tô Quang Xuân ở chùa Quan Âm (Cà Mau) truyền bá môn phái Phật giáo cứu thế, bị triều đình nghi gian đạo sĩ, ép phải về chùa Sắc tứ Kim Chương (Gia Định) quy y, được ban pháp danh Trí Tâm, nối dòng thiền Lâm Tế, đời thứ 37  

     • Vua Minh Mạng cho đổi tên chùa Thiên Thọ trở lại tên cũ là chùa Báo Quốc trên đồi Hàm Long, thuộc ấp Trường Giang, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân (Huế)

 

NĂM 1825 (ẤT DẬU- PL.2369), niên hiệu Minh Mệnh (1820-1840) thứ 13, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Tháng 3 năm Ất Dậu, Vua Minh Mệnh cử Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh (1788-1875) trụ trì chùa Giác Lâm, ra kinh đô Huế, làm Tăng cang chùa Thiên Mụ thuộc huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân (Huế)

     • Ngày 15 tháng 10 năm Ất Dậu, Hòa thượng Tánh Toàn – Nhất Thể hưng công khắc bản bộ Luật Giải của ngài Độc Thể biên soạn, gồm có 4 cuốn luật tiểu đó là (1) Tỳ-ni nhật dụng, (2) Sa-di luật nghi yếu lượt tăng chú quyển thượng, (3) Sa-di luật nghi yếu lượt tăng chú quyển hạ, (4) Quy Sơn cảnh sách cú thích

     • Vua ngự giá đến chùa Tam Thai núi Ngũ Hành, huyện Hòa Vang, Quảng Nam, và sắc trùng tu lại chùa này

     • Thiền sư Liễu Đạo – Chí Tâm (?-1865) được vua cử làm trụ trì chùa Thánh Duyên trên núi Túy Vân, nay thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cũng trong thời gian này, Thiền sư khai sơn thảo am Thiên Hưng  trong dãy Hoàng Long Sơn, làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, Huế

     • Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng (1818-1872) khởi công trùng tu chùa Thiền Lâm nay tại thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.

     • Thiền sư Minh Tánh – Thiện Thành (1805-1865) khai sơn xây dựng chùa Long Sơn tại làng Phú Hữu, Thủ Dầu Một (nay thuộc xã Phú Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

     • Thiền sư Tiên Ngộ - Gia Hội (?-1829 ?) lập thảo am trên núi Thần Đinh, tại nền cũ của cổ tự Kim Phong (thuộc xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh).

 

NĂM 1826 (BÍNH TUẤT- PL.2370), niên hiệu Minh Mệnh (1820-1840) thứ 14, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Thiền sư Ngộ Hiên khai sơn chùa Phật Linh (sau đổi thành chùa Thanh Trước) nay tại ấp Gò Tre, xã Long Thuận, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

     • Ngày 23 tháng 9 năm Bính Tuất, Hòa thượng Liễu Trí – Huệ Nhựt (1752-1826), thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 37, trụ trì chùa Thập Tháp – Di Đà (Bình Định) viên tịch, thọ 75 tuổi

     • Thiền sư Đạt Lượng – Hưng Long (1792-1860) kế thế trụ trì chùa Thập Tháp – Di Đà nay thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện Nhơn An, tỉnh Bình Định

     • Vua Minh Mạng ra lệnh cho quan tỉnh Bình Định lo trùng tu lại chùa Linh Phong (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), vua cấp cho 120 lượng bạc để dùng vào việc xây dựng. Chùa này do Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì  sáng lập

     • Vua đúc tượng Phật bằng đồng cúng dường chùa Tam Thai (núi Ngũ Hành, huyện Hòa Vang, Quảng Nam) và bổ nhiệm Thiền sư Viên Trừng (1777-1853) về làm trụ trì chùa này (LSTTTPLTCT). 

     • Hòa thượng Khánh Hưng (?-1826) thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 36, trụ trì chùa Hội Tôn (Bến Tre), viên tịch

 

NĂM 1827 (ĐINH HỢI- PL.2371), niên hiệu Minh Mệnh (1820-1840) thứ 15, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Ngày 03 tháng Chạp năm Đinh Hợi, Hòa thượng Tổ Tông - Viên Quang (1758-1827), người Minh Hương, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 36, trụ trì chùa Giác Lâm (huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn, Gia Định), viên tịch, thọ 70 tuổi 

     • Thiền sư Toàn Chiếu – Bảo Ấn (1798-1866) kế thế trụ trì Tổ đình Thiên Ấn ở núi Thiên Ấn, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Cũng năm này, ngài được sơn môn thỉnh kiêm trụ trì Tổ đình Viên Quang

     • Thiền sư Tánh Viên – Trí Cảnh trùng kiến chùa Phổ Quang trên ngọn đồi ấp Trường Giang, vùng Lâm Lộc xưa (Huế)

     • Đại sư Chánh Thiện trụ trì chùa Thiền Lâm, hưng công khắc bản in Tứ Phần Giới BổnPhạm Võng Kinh 2 quyển, do Đại sư Quảng TríGiác Mãn viết chữ, Đại sư Trọng Nghĩa ấn tống. Mộc bản hiện tàng trữ tại chùa Thiền Lâm ở núi Phú Xuân, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, xứ Thuận Hóa

 

NĂM 1828 (MẬU TÝ- PL.2372), niên hiệu Minh Mệnh (1820-1840) thứ 16, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Hòa thượng Tế Lập - Ứng Am (1761-1828) thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 36, Tổ khai sơn chùa Giác Nguyên (An Nhơn, Bình Định) viên tịchthọ 68 tuổi.

     • Thiền sư Hải Âu (?-1828) tên Vũ Trinh, tự Duy Chu, hiệu Lai Sơn, hoằng hóa ở Thiền viện Trúc Lâm (Thăng Long), thị tịch

 

 

 

NĂM 1829 (KỶ SỬU- PL.2373), niên hiệu Minh Mệnh (1820-1840) thứ 17, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Ngày 13 tháng Giêng (1829 ?), Thiền sư Tiên Ngộ (?-1829 ?), họ Trần, tên Gia Hội, người làng Đức Phổ, Phong Lộc, Quảng Bình, thuộc Thiền phái Lâm Tế, đời thứ 37, hoằng hóa ở thảo am trên núi Thần Đinh (chùa cổ Kim Phong, Trường Xuân, Quảng Ninh), thị tịch, trụ thế 44 năm (Liễu Quán số 5, NXB Thuận Hóa 2015-Pl.2559).

     • Thiền sư Toàn Nhựt – Quang Đài (1757-1834), trụ trì chùa Viên Quang ở Phú Yên, viết lời bạt kinh Vô Lượng Nghĩa. Những tác phẩm của Thiền sư có : Xuất Gia Văn, Xuất Gia Tối Lạc Tỉnh Thế Tu Hành Văn, Tam Giáo Nguyên Lưu Ký, Hoàn Tỉnh Trần Tâm Khuyến Tu Tịnh Độ Văn, Tham Thiền Văn, Thiền Cơ Yếu Ngữ Văn, Bát Nhã Ngộ Đạo Quốc Âm Văn, Lục Tổ Truyện Diễn Ca, Nhân Quả Kinh Bạt, Thủy Sám Bạt, Vô Lượng Nghĩa Kinh Hậu Bạt…(LSPGĐT). 

     • Thiền sư Liễu Huệ - Thiện Quyền (1719-?) cải tạo thảo am của ngài xây dựng thành chùa Long Trường (sau này đổi là chùa Long Quang) hiện tại số 155/6, khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ.

 

NĂM 1830 (CANH DẦN- PL.2374), niên hiệu Minh Mệnh (1820-1840) thứ 11, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Ngày 12 tháng 8 năm Canh Dần, các Thiền sư : Tánh Thiên – Nhứt Định (1784-1847), Tánh Huệ - Nhứt Chơn (?-1852), Toàn Đức – Hoằng Tông (1779-1843), Toàn Nhâm – Quán Thông (1798-1883), Kim Mã Thiền sư, được Bộ Lễ cấp Độ điệpGiới đao. Cũng năm này, Thiền sư Tánh Thiên – Nhất Định về trụ trì Linh Hựu quán (Phú Xuân - Huế)

     • Tháng 8 năm Canh Dần, Thiền sư Toàn Định – Bảo Tạng (1789-1842) được triều đình sắc ban Giới đao Độ điệp và cử làm trụ trì chùa Phước Lâm (Hội An, Quảng Nam)

     • Hòa thượng Pháp Liêm – Luật Oai (1747-1830) đứng ra quyên mộ và chứng minh đúc đại hồng chung tôn trí tại chùa Hải Tạng (Quảng Nam)

     • Ngày 10 tháng 11 năm Canh Dần, Hòa thượng Pháp Liêm – Luật Oai (1747-1830) hiệu Minh Giác, tức Tổ “Bình Man Tảo Thị”, thế danh Võ Đức Nghiêm, sinh tại thôn Ngọc Trì, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, thuộc Tông Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 36, trụ trì chùa Phước Lâm (Quảng Nam) viên tịch, thọ 84 tuổi

     • Ngày 22 tháng 12 năm Canh Dần, Thiền sư Quảng Lợi – Minh Trinh (1785-1834), thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 38, Tổ khai sơn chùa Phước Tường (Lái Thiêu - Bình Dương), thị tịch, trụ thế 49 năm

     • Đại sư Chiếu Khoan – Tường Quang (1741-1830), họ Nguyễn, pháp danh Tường Quang, quê ở bến đò Trình Viên, kinh đô Thăng Long (Hà Nội), thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 42, viên tịch, thọ 70 tuổi

     • Vua Minh Mạng cho tổ chức lễ “Tứ tuần đại khánh” (lễ mừng nhân dịp 40 tuổi) ở chùa Báo Quốc. Trong dịp này, vua cho thỉnh chư tăng ở các tỉnh trong nước về dự lễ, nhân đó mở Đại giới đàn, Bộ Lễ sát hạch chư tăng để cấp độ điệp giới đao cho những vị thi đậu. Bộ lễ chọn được 50 vị, trong đó có Thiền sư Tiên Hiện - Từ Lâm (1780-1859)(LSPGĐT).

     • Sơn môn tỉnh Quảng Ngãi thỉnh Hòa thượng Bảo Ấn (?-1866) về trụ trì chùa Thiên Ấn ở núi Thiên Ấn, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi

     • Hòa thượng Toàn Nhâm – Quán Thông (1798-1883) kế thế trụ Tổ đình Phước Lâm ở Hội An, Quảng Nam. Cũng năm này, Thiền sư Toàn Nhâm và các vị Toàn Đức, được triều đình ban Giới đao Độ điệp

     • Khoảng năm 1830, Thiền sư Thanh Thuận – Chánh Định khai sơn chùa Vĩnh Hưng nay tại ấp 4, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, do Phật tử Đoàn Ngọc Cát hiến cúng đất

     • Thiền sư Đạt Lý - Quảng Khai (1801-1898) kế thế trụ trì chùa Phước Tường nay tại làng An Thạnh, Lái Thiêu - Bình Dương

     • Thiền sư Thanh Hương – Thoại Lâm (1805-1850) kế thế trụ trì chùa Long Tuyền (trước hiệu là chùa Sắc tứ Linh Thứu) hiện tại xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

     • Thiền sư Tế Chánh – Bổn Giác (?-1851) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu tại giới đàn chùa Thiên MụThuận Hóa – Huế.

 

NĂM 1831 (TÂN MÃO- PL.2375), niên hiệu Minh Mạng (1820-1840) thứ 12, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Vua Minh Mạng cho trùng tu chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân (Huế)

NĂM 1832 (NHÂM THÌN- PL.2376), niên hiệu Minh Mạng (1820-1840) thứ 13, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Thìn, Hòa thượng Phổ Triêm (1735-1832) thế danh Lê Công Mạo, người Trung Hoa, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 36, trụ trì chùa Vạn Đức (Hội An, Quảng Nam), viên tịch, thọ 98 tuổi, được ban thụy hiệu là Phước Sơn

     • Thiền sư Tánh Hoạt (1798-1869) được Hòa thượng Tế Chánh – Bổn Giác (1781-1850) ban hiệu là Huệ Cảnh và phú pháp kệ như sau : 

“Thị pháp bổn lai như thị pháp;

Vô danh triển chuyển cưỡng an danh,

Nhữ kim liễu tánh vô ngôn thuyết,

Thị giác như tư Huệ Cảnh minh” (NCTPGOH).  

     • Thiền sư Huệ Thắng kế thế trụ trì chùa Sắc Tứ Linh Thứu hiện tại ở Xoài Hột, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (1832-1854)

     • Thiền sư Tế Chánh – Bổn Giác (?-1851) và Tăng chúng chùa Quốc ÂnThuận Hóa – Huế khắc in bộ Tịnh Độ Thần Chung, 2 quyển.

 

NĂM 1833 (QUÝ TỴ- PL.2377), niên hiệu Minh Mạng (1820-1840) thứ 14, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Thiền sư Tế Chánh – Bổn Giác (1781-1850) được vua Minh Mạng thỉnh làm Tăng cang chùa Thiên Mụ thuộc huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân (Huế)

     • Thiền sư Tánh Chiếu – Nhứt Niệm được cử làm trụ trì chùa Báo Quốc trên đồi Hàm Long, thuộc ấp Trường Giang, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân (Huế)

     • Thiền sư Từ Trường trùng san Giải Tâm Kinh Ngũ Chỉ, do Thiền sư Minh ChâuHương Hải (1628-1715) thích giải, pháp tử Chân Lý, Nhân Truyền thuật. Bản gỗ lưu lại Linh Sóc Thiền tự, xã Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam (Hà Tây)Sách này có 1 quyển, do Thiền sư Hương Hải thích giải Tâm Kinh Bát Nhã theo năm đề mục mà ngài đưa ra. Trong tác phẩm ấy, ngài viết : “Ngũ chỉ là danh, thể, tôn, dụng, tướng. Lấy đơn pháp làm danh, lấy thật tướng làm thể, lấy quán chiếu làm tôn, lấy độ khổ làm dụng, lấy đại thừa làm giáo tướng. Đơn pháp là Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Thật tướngchư pháp không tướng. Quán chiếuchiếu kiến ngũ uẩn giai không. Độ khổ là độ nhất thiết khổ ách. Đại thừa là Bồ-tát hành thâm Bát-nhã”.

 

NĂM 1834 (GIÁP NGỌ- PL.2378), niên hiệu Minh Mệnh (1820-1840) thứ 15, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Ngày 06 tháng 4 năm Giáp Ngọ, Hòa thượng Toàn Nhật –Quang Đài (1757-1834) pháp danh Toàn Nhật, tự Vi Bảo, hiệu Quang Đài, thuộc Tông Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 37, trụ trì chùa Viên Quang (Tuy An, Phú Yên), viên tịch, thọ 78 tuổi

     • Ngày 23 tháng 9 năm Giáp Ngọ, Thiền sư Đạo NguyênViên Dung (1779-1834) thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 38, trụ trì chùa Thiên Lộc Thiền Tông (Diên Khánh, Khánh Hòa), viên tịch, hưởng dương 56 tuổi

     • Thiền sư Tổ Chơn – Phước Quang, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 36, trùng tu chùa Phước Tường và dời chùa về địa điểm hiện nay ở số 13/32, đường Lã Xuân Oai, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, Tp. HCM

     • Thiền sư Thanh Đàm viết Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Trực Giải. 

     • Hòa thượng Đạo Tâm – Trung Hậu (?-1834) thế danh Nguyễn Văn Hậu, pháp danh Đạo Tâm, tự Trung Hậu, thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 38, trụ trì chùa Thuyền Tôn (phủ Phú Xuân, Huế) viên tịch. Ngài được ban thụy là Viên Giác

     • Thiền sư Tánh Thiện – An Cư kế thế trụ trì chùa Thuyền Tôn tại núi Thiên Thai, xã An Cựu, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa - Huế

 

NĂM 1835 (ẤT MÙI- PL.2379), niên hiệu Minh Mạng (1820-1840) thứ 16, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Ngày 07 tháng 2 năm Ất Mùi, Hòa thượng Ấn HảiViên Thông (1767-1835), pháp danh Ấn Hải, hiệu Viên Thông, thuộc thiền phái Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 39, trụ trì chùa Sơn Long (Quy Nhơn – Bình Định), viên tịch, thọ 69 tuổi

     • Ngày 15 tháng 7 năm Ất Mùi, lễ Trung Nguyên, vua cho mời Thiền sư Liễu Bửu – Huệ Thân trụ trì chùa Thiên Bửu (Ninh Hòa, Khánh Hòa), Thiền sư Liễu Dương – Từ Chơn, trụ trì chùa Long Quang, ra kinh đô Phú Xuân (Huế) dự lễ “Thủy Lục Đạo Tràng” cầu siêu cho quan quân nhà Nguyễn. Sau đó, vua Minh Mạng cấp Giới đaoĐộ điệp cho các Thiền sư, khoảng 50 vị (LSPGĐT). 

     • Ngày mùng 01 tháng 10 năm Ất Mùi, Hòa thượng Tổ Ấn - Mật Hoằng (1735-1835), họ Nguyễn, quê ở huyện Phù Cát, phủ Qui Nhơn, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 36, trụ trì chùa Quốc Ân (Thuận Hóa), viên tịch, thọ 101 tuổi (TSVN). (Nhưng theo sách Chư Tôn Thiền Đức Phật Giáo Thuận Hóa, thì Hòa thượng viên  tịch vào ngày 1 tháng 10 năm Ất Dậu (10 – 11 – 1825) tại chùa Quốc Ân, thọ 73 tuổi. Vì bia tháp của Hòa thượng tại chùa Quốc Ân do môn đồ tạo năm Bính Tuất, 1826).

     • Thiền sư Tánh Thiên – Nhứt Niệm (?-1858) kế thế trụ trì chùa Báo Quốc trên đồi Hàm Long, thuộc ấp Trường Giang, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân, Huế (1835-1858)

     • Thiền sư Hải Thuận – Lương Duyên (1805-1896) được Bộ Lễ cấp Giới đaoĐộ điệp

     • Hòa thượng Toàn Nhâm – Quán Thông (1798-1883) trùng tu Tổ đình Chúc Thánh ở Hội An, Quảng Nam 

     • Thiền sư Thanh Lãng – Khoan Dực (tức Tăng thống Đạo NguyênPhổ Chiếu) viết bài tựa sách “Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh” do chùa Thiên Hưng ở xã La Phù khắc in

     • Thiền sư Liễu Huệ - Thiện Quyền (1719-?) trùng tu chùa Long Trường (sau này đổi là chùa Long Quang) hiện tại số 155/6, khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ.

     • Thiền sư Tế Chánh – Bổn Giác (1771-1851) đại trùng tu chùa Quốc Ân thuộc ấp Phước Quả, làng Phú Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân (Huế). 

 

NĂM 1836 (BÍNH THÂN- PL.2380), niên hiệu Minh Mạng (1820-1840) thứ 17, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Ngày 15 tháng 7 năm Bính Thân, Thiền sư Toàn Đạo – Viên Đàm (1769-1838) ban bản phú pháp cho đệ tửThiền sư Chương Từ - Quảng Thiện (1810-?) nối dòng thiền Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 38.

     • Sách Đại Phương Tiện Báo Ân Kinh Chú Nghĩa của Thiền sư Pháp Chuyên – Luật Truyền (1726-1798) được Thiền sư Quảng Giác trụ trì chùa Từ Quang cùng Quảng Văn, Quảng Nhuận chùa Triều Tôn và chùa Linh Sơn (ở Phú Yên) in ấn

     • Thiền sư Toàn Ý – Phổ Huệ (1799-1872) thiên di tái thiết và cải hiệu am Phổ Giác thành chùa Phổ Bảo ở thôn Phổ Trạch, tổng Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, phủ Hoài Nhơn, trạm Bình Điền, dinh Quảng Nam (nay thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định)

     • Thiền sư Chương Từ - Quảng Thiện (1810-1864?) kiến tạo lại chùa Phước Sơn tại xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, quy mô tráng lệ

     • Khoảng năm 1835 – 1836, Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng (1818-1872) đến hoằng hóa ở núi Cổ Thạch, thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Nơi đây, ngài giáo hóa hương hào Hồ Công Điểm và được cư sĩ này hỗ trợ xây dựng chùa Cổ Thạch (sau này trở thành danh lam của xứ Bình Thuận)

     • Hòa thượng Tánh Giác – Nhựt Lễ (1774-1836), thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 39, hoằng hóa ở chùa Sắc tứ Kim Chương (Gia Định), viên tịch, thọ 63 tuổi

 

NĂM 1837 (ĐINH DẬU- PL.2381), niên hiệu Minh Mạng (1820-1840) thứ 18, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Thiền sư Toàn Định – Bảo Tạng (1789-1842) được cung thỉnh làm Giáo thọ A-xà-lê tại giới đàn chùa Linh Phong (Phù Cát, Bình Định) do Hòa thượng Chánh Tôn làm Đàn đầu

     • Thiền sư Hải Thuận – Lương Duyên (1805-1896) được bổn sư là Hòa thượng Tánh Thiên – Nhứt Định truyền pháp kệ :

“Lương Duyên hội ngộ cải đầu kim,

Hợp đạo truyền tâm ứng chỗ tìm.

Phước tuệ song tu không gián đoạn,

Rõ nêu Tổ ấn mãi lưu truyền” (CTTĐPGTH). 

     • Hòa thượng Ấn Bình – Chánh Trực (1755-1737), thuộc thiền phái Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 39, trụ trì chùa Thiên Đức (Bình Định), viên tịch, thọ 83 tuổi

 

NĂM 1838 (MẬU TUẤT- PL.2382), niên hiệu Minh Mệnh (1820-1840) thứ 19, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Ngày 19 tháng 2 năm Mậu Tuất, Thiền sư Tánh Tại – Quảng Khiêm trụ trì chùa Bảo Sơn (hay Kim Sơn), trên đồi Lưu Bảo, nay thuộc xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, chú tạo chuông gia trì

     • Ngày 24 tháng 4 năm Mậu Tuất, Thiền sư Toàn Định – Bảo Tạng (1789-1842) thiết lập đàn tràng lễ bái Tam thiên hồng danh chư Phật, chẩn tế cô hồn để cầu quốc thái dân an

     • Tháng 5 năm Mậu Tuất, Hòa thượng Toàn Chiếu – Bảo Ấn (1798-1866) mở giới đàn tại chùa Thiên Ấn nay ở xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi và ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, thỉnh Thiền sư Toàn Định – Bảo Tạng làm Yết-ma A-xà-lê

     • Cuối năm : Vua cho thỉnh Hòa thượng Tánh Thông – Giác Ngộ về cung nội để hỏi về căn nguyên đại đạo, lúc đó Hòa thượng Giác Ngộ đã trên 80 tuổi, tịch cốc (không ăn cơm) trên 40 năm

     • Chùa Phước Long nay thuộc ấp Bình Cang, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, dời đến gần bờ sông xây dựng chùa mới đổi tên thành Tổ đình Kim Cang, với diện tích 12,8 mẫu, do điền chủ Bùi Bá Kim cúng dường (BGN-233).

     • Hòa thượng Toàn Đạo – Viên Đàm (1769-1838) thuộc thiền phái Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 37, chùa Đức Xuân, viên tịch, thọ 70 tuổi.

     • Hòa thượng Tánh Không thế độ Hoàng nữ Nguyễn Phước Ngọc Cơ (con vua Gia Long) xuống tóc thọ giới Sa-di tại chùa Đông Thuyền thuộc ấp Cư Sĩ, làng Dương Xuân Thượng (Huế)

     • Thiền sư Giác LâmMinh Liễu, thuộc Thiền phái Tào Động, đời thứ 42, trụ trì chùa Hồng Phúc (Hà Nội), đứng ra khắc in sách “Đạt Na Thái Tử Hành” và sau đó tiếp tục in sách “Hồng Mông Hành” đều do Thiền sư Chân Nguyên biên soạn.   

     • Thiền sư Minh Phước – Tư Trung (?-1884) khai sơn xây dựng chùa Phước Hưng hiện tại số 74/5, đường Hùng Vương, phường 1, Tp. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

 

NĂM 1839 (KỶ HỢI- PL.2383), niên hiệu Minh Mệnh (1820-1840) thứ 20, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Tháng 2, chùa Giác Hoàng ở kinh thành Huế xây dựng hoàn thành. Vua cử Hòa thượng Giác Ngộ (hiệu Sơn Nhân) trụ trì chùa này. Nhưng chỉ một tháng sau, Hòa thượng xin về chùa Bát-nhã ở Long Sơn (Phú Yên) để tu hành như xưa

     • Ngày 21 tháng 12 năm Kỷ Hợi, Thiền sư Chân Kính – Huệ Minh (1741-1839), trụ trì chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một, Bình Dương), viên tịch, thọ 99 tuổi

     • Thiền sư Tánh Thiên - Nhất Định (1784-1847), trụ trì chùa Thiên Mụ, được vua Minh Mạng cử làm Tăng cang chùa Giác Hoàng (phủ Phú Xuân, Huế).

     • Tăng cang Tế Chánh – Bổn Giác (1771-1851) mua 11 mẫu 8 sào ruộng ở An Nông, xã Lộc Bổn làm hương hỏa cho chùa Quốc Ân thuộc ấp Phước Quả, làng Phú Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân (Huế), chú tạo tượng Bồ-tát Địa Tạng và đúc đại hồng chung cho chùa

     • Hương hào Điểm phát tâm xây dựng một ngôi chùa khang trang ở Cổ Thạch (phủ Ninh Thuận) để Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng (1818-1872) hoằng hóa

     • Thiền sư Toàn Tánh – Chánh Đắc (1789-1869) được bổn đạo cung thỉnh về trụ trì chùa Hội Khánh nay tại phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

     • Thiền sư Tánh Hoạt – Huệ Cảnh (1798-1869) được thỉnh làm trụ trì chùa Trường Phước trong Đại Nội (Phú Xuân – Huế).  

     • Thiền sư An ThiềnPhúc Điền trùng khắc sách “Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục”. 

     • Chùa Phước Sơn nay tại xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, được triều đình ban biểu ngạch Sắc tứ.  

 

NĂM 1840 (CANH TÝ- PL.2384), niên hiệu Minh Mạng (1820-1840) thứ 21, đời vua Thánh Tổ (Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840).

     • Tháng 4 năm Canh Tý, Lễ Phật Đảnnhân dịp Ngũ tuần của vua Minh Mạng, vua cho mở Đại trai đàn ngay tại chùa Giác Hoàng và quán Linh Hựu (Thiên Mụ), mời các danh tăng ở các tỉnh về kinh đô để tụng kinh Chúc Hổ ba thất ngày đêm và Thủy đàn bạt độ một thất. Bấy giờ, Hòa thượng Tánh Thiên - Nhứt Định (1784-1847) là Tăng cang chùa Giác Hoàng và chùa Thiên Mụ, thuộc huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân - Huế (LSPGĐT). 

     • Tháng 6 năm Canh Tý, Thiền sư Tế Chánh – Bổn Giác (1761-1851) chứng minh, Đại sư Huệ Giám giám sát công trình đúc đại hồng chung chùa Quốc Ân thuộc ấp Phước Quả, làng Phú Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân - Huế, do các bổn đạo : Châu Thị Cẩm, Thái Yến, Hoàng Thị Thiện, Đỗ Thị Tân,…phụng cúng. Hồng chung cao 3m2, đường kính miệng 1m7, nặng 662 cân (LQ. S8).

     • Ngày 09 tháng 8 năm Canh Tý, Thiền sư Liễu Thông – Chân Giác (1753-1840) tên tục là Huỳnh Đậu, pháp danh Chân Giác, quê ở Thanh Hóa, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 37, Tổ khai sơn chùa Phụng Sơn (Gia Định), viên tịch, thọ 87 tuổi

     • Ngày 18 tháng 10, Thiền sư Tánh Thông - Giác Ngộ (?- 1842), trụ trì chùa Bát-nhã núi Long Sơn, được vua Minh Mạng phong chức Tăng cang và thưởng cấp 20 lạng bạc, tăng phục, áo quần. Vua ra lệnh cho đưa Thiền sư bằng ngựa trạm từ kinh đố Huế về chùa Bát Nhã ở Phú Yên, và còn ra lệnh cho quan Tuần vũ Phú Yên lo trùng tu chùa Bát Nhã, đồng thời ban hiệu “Sắc tứ Bát Nhã tự” (LSPGĐT). 

     • Ngày 21 tháng 12 năm Kỷ Hợi, Thiền sư Minh Huệ - Chân Kính (1741-1840) trụ trì chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một, Bình Dương) viên tịch, thọ 100 tuổi

     • Thiền sư Thông Ân – Hữu Đức (1812-1887) vân du hành đạo đến xứ Bảo Trâm, làng Kim Thạnh (tỉnh Bình Thuận) lập am tranh (sau xây dựng thành chùa Kim Quang) tu hành, trị bệnh giúp dân nghèo.  

     • Thiền sư An ThiềnPhúc Điền về hoằng hóa ở chùa Đại Giác trên núi Bồ Sơn, tỉnh Bắc Ninh 

     • Thiền sư Chương Nhân – Thiện Đức, hiệu Bảo Hải, thuộc thiền phái Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 38, khai sơn xây dựng chùa Hội Sơn nay thuộc phường Hiệp Thành, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương

     • Thiền sư Đạt Lượng – Hưng Long (1792-1860) được nhà vua sắc ban Giới đaoĐộ điệp và cấp thêm ruộng đất cho chùa Thập Tháp (Bình Định) do ngài trụ trì.

 

NĂM 1841 (TÂN SỬU- PL.2385), niên hiệu Thiệu Trị (1841-1847) thứ 1, đời vua Hiến Tổ (Miên Tông, 1841-1847).

     • Ngày 16 tháng 3, Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh (1788-1875) được triều đình cho phục hồi chức vụ Tăng cang trở lại. Vì trước đây ngài bị tội (chưa rõ tội gì ?) nên cách chức Tăng cang, bị đày làm việc nặng ở chùa một thời gian (TSVN). 

     • Ngày 09 tháng 4 năm Tân Sửu, Hòa thượng Ấn Lễ - Chí Nhân (1761-1841), pháp danh Ấn Lễ, tự Tổ Trí, hiệu Chí Nhân, thuộc thiền phái Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 39, Tổ khai sơn chùa Bình An (Quy Nhơn, Bình Định), viên tịch, thọ 81 tuổi.   

     • Ngày 22 tháng 8 năm Tân Sửu, Hòa thượng Đạo An – Phổ Nhuận (1781-1841) thuộc Tông Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 38, viên tịch ở chùa Linh Sơn (Khánh Hòa), thọ 61 tuổi

     • Ngày 11 tháng 11 năm Tân Sửu, Thiền sư Tế Thân – Quảng Phước (1786-1841), thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 36, trụ trì chùa Long Thọ (Bến Cát, Bình Dương), viên tịch, trụ thế 55 năm

     • Tháng 11, Thiệu Trị nguyên niên (13/12/1841 – 10/1/1842), Thiền sư Tế Chánh – Bổn Giác (1761-1851) và Thiền sư Liễu Thông – Huệ Giám tâu xin nhà vua một khoản trợ cấp để tiếp tục trùng tu Quốc Ân Tự thuộc huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân (Huế), vua Thiệu Trị ban cho 2500 quan tiền. Cũng năm này, Thiền sư Bổn Giác được sung chức Tăng cang chùa Long Quang trong Nội Thành, kinh đô Huế 

     • Thiền sư Thanh Hương - Thoại Lâm (1800-1855) được phong hiệu Gia Lợi Đại sư

     • Thiền sư Tế Bổn – Viên Thường (1769-1848) được vua Thiệu Trị cử làm Tăng cang chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân (Huế)

     • Vua Thiệu Trị ban sắc đổi tên chùa Ấn Tông trên đồi Long Sơn, thuộc làng Bình An, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân (Huế) thành chùa Từ Đàm, vì tên húy của vua là Miên Tông

     • Thiền sư Tiên Hiện - Từ Lâm (1780-1859) được Bộ Lễ chính thức cấp độ điệp. Cũng năm này, Thiền sư được cử sang trụ trì chùa Sắc Tứ Linh Thứu hiện ở Xoài Hột, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

     • Tỳ-kheo Thanh Ninh – Đạo An ở núi Phượng Hoàng, viết Bài tựa Kim Cương Bát Nhã Kinh Giải Lý Tự, bản lưu tại chùa An Lạc xã Tiểu Mai, huyện Hiệp Hòa, phủ Thiên Đức, tỉnh Bắc Ninh.

     • Thiền sư Tánh Minh – Trí Quang (1805-1853) kế thế trụ trì chùa Hội Phước nay thuộc phường Phương Sài, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

     • Thiền sư Liễu Triệt – Từ Minh, Tăng cang chùa Giác Hoàng, khai sơn chùa Viên Quang (Huế)

     • Thiền sư Hải Thạnh – Mật Khánh (1790-1863) kế thế trụ trì chùa Long Thọ nay tại xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương

     • Vua Thiệu Trị đổi tên chùa Long Tuyền nay tại xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, thành chùa Sắc tứ Linh Thứu, như hiệu cũ. Chùa này do Thiền sư Nguyên Thanh – Nguyệt Hiện (1710-1789) khai sơn năm 1729

     • Thiền sư Tiên Đức trùng tu chùa Long Thiền hiện tại số K2/3B, ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chùa tu sửa nhà tổ, cất thêm khách đường và nhà trù, tường xây gạch, nền gạch tàu, lợp ngói âm dương

     • Thiền sư Trừng Bửu khai sáng chùa Vân Sơn hiện tại số 61/4, đường Bình Chánh, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Tp. HCM

 

NĂM 1842 (NHÂM DẦN- PL.2386), niên hiệu Thiệu Trị (1841-1847) thứ 2, đời vua Hiến Tổ (Miên Tông, 1841-1847).

     • Ngày 03 tháng 6, Hòa thượng Trí Tâm (?-1842) thế danh Tô Quang Xuân, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 37, viên tịch. Ngài được triều đình truy phong Hòa thượng, đồng bào gọi là đức Phật Tổ sư, Chùa Quan Âm (Cà Mau) nơi ngài trụ trước đây cũng được ban Sắc tứ  

     • Ngày 16 tháng 9, Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh (1788-1875) được triều đình cử đến kinh đô Huế, làm Tăng cang chùa Giác Hoàng.  

     • Ngày 16 tháng 9, vua quyết định cách chức Tăng cang Tánh Thiên – Nhứt Định (1784-1847) ở chùa Giác Hoàng (phủ Phú Xuân, Huế)

     • Ngày 22 tháng Chạp năm Nhâm Dần, Hòa thượng Toàn Định – Bảo Tạng (1789-1842) thế danh Ngô Văn Thụy, pháp danh Toàn Định, tự Vi Quang, hiệu Bảo Tạng, sinh tại ấp Hội An, xã Ô Liêm, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn, trấn Bình Định, thuộc thiền phái Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 37, trụ trì chùa Thắng Quang (Hoài Nhơn, Bình Định), thị tịch, hưởng dương 54 tuổi

     • Hòa thượng Tánh Thông - Giác Ngộ (?- 1842), họ Nguyễn, húy Tánh Thông, hiệu Giác Ngộ ( và Sơn Nhân), quê ở phủ Gia Định, thuộc Tông Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 39, trụ trì chùa Sắc tứ Bát-nhã (núi Long Sơn, Phú Yên), viên tịch, thọ 87 tuổi

     • Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng (1818-1872) cầu pháp với Tăng cang Tế Giác – Quảng Châu (1788-1875), được ban pháp danhLiễu Minh – Đức Tạng.

     • Thiền sư Đạt Phổ - Thanh Chiểu (1796-1842) trụ trì chùa Sùng Đức, thị tịch, trụ thế 46 năm

     • Thiền sư Chương An – Quảng Khánh (?-1876) kế thế trụ trì Tổ đình Thắng Quang tại thôn Hy Tường, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

     • Thiền sư Minh Bổn – Lương Tri lập thảo am Phổ Phúc (sau này đổi thành chùa Phổ Phúc) cạnh chùa Huệ Lâm (Huế) để tu trì

     • Thiền sư Thông Ân – Hữu Đức (1812-1887) khai sơn chùa Kỳ Viên tại thôn Dân Kê, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận

     • Thiền sư Liễu Thông – Huệ Giám được suy cử làm trụ trì chùa Quốc Ân thuộc ấp Phước Quả, làng Phú Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân - Huế.

     • Sư cô Ngọc Cơ (con vua Gia Long) cùng mẹ là Hữu cung tần Nguyễn Đình Thị Vĩnh và hoàng thân trùng tu chùa Đông Thuyền thuộc ấp Cư Sĩ, làng Dương Xuân Thượng (Huế) rất tráng lệ. Chùa trùng tu : chánh điện, phương trượng, Tăng xá, thiền đường, hậu liêu gồm hơn mười sở. Đồng thời chú tạo tượng Phật Tam thế, pháp khí và đúc đại hồng chung nặng 398 cân, dưới sự chứng minh của Hòa thượng Tế Chính – Bổn Giác, Tăng cang chùa Giác Hoàng (DLXH). 

     • Thiền sư Hải Nguyên thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 40, sáng lập chùa Long Triều hiện tại D3/87, ấp 4, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, Tp. HCM

 

 

 

 

NĂM 1843 (QUÝ MÃO- PL.2387), niên hiệu Thiệu Trị (1841-1847) thứ 3, đời vua Hiến Tổ (Miên Tông, 1841-1847).

     • Ngày 08 tháng 3 năm Quý Mão, Hòa thượng Minh Trung – Đạt Từ (1779-1843), thuộc thiền phái Lâm Tế - Gia Phổ, đời thứ 38, Tổ khai sáng chùa Bửu Long (Bến Lức, Long An), viên tịch, thọ 65 tuổi

     • Ngày 28 tháng 5 (nhằm ngày 30 – 4 – Quý Mão), chùa Quốc Ân tại kinh đô Huế được Hòa thượng Tế Chánh – Bổn Giác (1771-1851) và Hòa thượng Huệ Giám trùng tu hoàn thành. Lần trùng tu này kéo dài 5 năm (từ năm 1838 – 1843).   

     • Ngày 03 tháng 5 năm Quí Mão, Thiền sư Tiên Huệ - Tịnh Nhãn (?-1843) thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 37, Tổ sư khai sơn chùa Thiên Phước (Thủ Đức, Gia Định), viên tịch

     • Ngày 28 tháng 10 năm Quí Mão, Hòa thượng Toàn Đức – Hoằng Tông (1779-1843) tên tục là Đoàn Xuân Thu, pháp danh Toàn Đức, hiệu Hoằng Tông, sinh tại phường Trung Tín, xã Nha Phiến, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn, trấn Bình Định, thuộc Tông Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 37, trụ trì chùa Vạn Đức (Hội An, Quảng Nam) viên tịch, thọ 65 tuổi

     • Thiền sư Thanh Đàm - Minh Chánh ở chùa Bích Động (Bắc Ninh) sáng tác sách Tâm Kinh Trực Giải, 1 quyển. Nội dung sách gồm có : 1. Bài tựa Tâm Kinh Trực Giải, 2. Trực giải : Kệ đảnh lễ cầu gia hộ; Giải thích văn kinh, 3. Kệ tụng : a. Mười tắc cương lãnh, b. Tín, giải, hạnh, chứng, c. Hai mươi thiên kệ hậu bạt, d. Giải thích kệ Bát-nhã, e. Kệ sáu căn, bảy đại.

     • Thiền sư Tánh Hoạt – Huệ Cảnh (1798-1869) được sung chức trụ trì chùa Thánh Duyên trên núi Túy Vân, thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, xứ Thuận Hóa - Huế.  

     • Cư sĩ Ngô Hiền phát tâm cúng 4000 m2 đất tại làng Phú Tài để xây dựng lại chùa Phú Linh và đổi hiệu là Phú Sơn tự (Phan Thiết), đồng thời thỉnh Thiền sư Thị Quang – Huệ Minh (1816-1908) về trụ trì

     • Hòa thượng Hải Nhu – Tín Nhậm (1812-1883) Tăng cang chùa Thiên Mụ, trùng kiến chùa Quảng Tế nay thuộc TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, rất quy mô

     • Thiền sư Tánh Thiên – Nhất Định (1784-1847) dựng thảo am (sau này là chùa Từ Hiếu) trên triền đồi thuộc ấp Cư Sĩ, làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, xứ Thuận Hóa - Huế

     • Thiền sư An ThiềnPhúc Điền khai sơn chùa Phú Nhi ở Sơn Tây 

 

NĂM 1844 (GIÁP THÌN- PL.2388), niên hiệu Thiệu Trị (1841-1847) thứ 4, đời vua Hiến Tổ (Miên Tông, 1841-1847).

     • Ngày 13 tháng 4 ( nhằm ngày 26 - 2 - Giáp Thìn), Thiền sư Liễu Thông – Huệ Giám (?-1844), thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 37, trụ trì chùa Quốc Ân (Huế), viên tịch

     • Ngày 03 tháng 3 năm Giáp Thìn, Hòa thượng Toàn Thể - Linh Nguyên (1765-1844) tộc tánh Nguyễn, pháp danh Toàn Thể, tự Vi Lương, hiệu Linh Nguyên, sinh tại tỉnh Phú Yên, thuộc thiền phái Lâm Tế - Chúc Thánh, đời thứ 37, trụ trì chùa Từ Quang (Tuy An, Phú Yên), viên tịch, thọ 80 tuổi

     • Tháng 3 năm Giáp Thìn, nhân dịp lễ Bát tuần của Nhân Tuyên Từ Khánh Thái Hoàng thái hậu, vua Thiệu Trị cho xây tháp Từ Nhân, cao bảy tầng và đình Hương Nguyện ở trước chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, thuộc huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân, Huế (LSPGĐT).

     • Ngày 18 tháng 4, Thiền sư Tánh Hoạt – Huệ Cảnh (1798-1869) được Bộ Lễ cử về trụ trì chùa Thánh Duyên trên núi Túy Vân, thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, xứ Thuận Hóa - Huế

     • Ngày 13 tháng 10 năm Giáp Thìn, Thiền sư Hải Toàn - Linh Cơ (1823-1896) được Hòa thượng Tánh Thiên – Nhất Định phú pháp kệ :

“Linh Cơ thông mẫn bởi thiên nhiên,

Phát hiện tùy duyên bởi mọi người,

Chín phẩm hoa sen sinh một đóa,

Sáng lòa thế giới rộng vô biên” (CTTĐPGTH). 

     • Ngày 13 tháng 11 năm Giáp Thìn, Thiền sư Hải Thiệu (1810-1898) được Hòa thượng Tánh Thiên - Nhứt Định (1784-1847) ban pháp hiệu Cương Kỷ và phú pháp kệ như sau :

“Cang Kỷ kinh quyền bất chấp phương,

Tùy cơ ứng dụng thiện tư lương,

Triêu triêu tương tức nan tâm tích,

Nhựt nhựt xuyên y khiết phan thường” (LSPGĐT). 

     • Thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh (1788-1875) rời kinh đô Huế về trụ trì chùa Giác Lâm ở xã Phú Thọ, huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn (Gia Định) và kiêm quản trụ trì chùa Quốc Ân Khải Tường. Trong mùa hạ năm đó, Thiền sư Hải Tịnh khai mở trường Hương ở chùa Giác Lâm cho chư tăng ở miền Nam

     • Chùa Diệu Đế được xây dựng hoàn thành, vua cử Thiền sư Liễu Tánh làm trụ trì đầu tiên ở chùa này. Nhân khi mới lên ngôi, vua Thiệu Trị (1841-1847) lấy nơi sanh của mình cho xây dựng thành chùa Diệu Đế nay thuộc Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên

     • Thiền sư Hải Nhu – Tín Nhậm (1812-1883) xây dựng chùa Quảng Tế nay ở thôn Dương Xuân Hạ, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế

     • Thiền sư Tế Chánh – Bổn Giác (1771-1851) được vua cử làm Tăng cang chùa Giác Hoàng trong nội thành, kinh đô Huế. Cũng năm này, ngài chứng minh cho việc chú tạo đại hồng chung của chùa Linh Sơn Đông Thiên Tự

     • Thiền sư Chương Niệm – Quảng Giác (1808-1875) kế thế trụ trì chùa Từ Quang trên núi Bạch Thạch, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

 

NĂM 1845 (ẤT TỴ- PL.2389), niên hiệu Thiệu Trị (1841-1847) thứ 5, đời vua Hiến Tổ (Miên Tông, 1841-1847).

     • Tháng 7 năm Ất Tỵ, tháp Từ Nhân ở chùa Thiên Mụ (Phú Xuân – Huế) xây xong, vua cho đổi tên tháp là “Phước Duyên Bảo Tháp” và viết văn bia kể về việc xây tháp Phước Duyên và đình Hương Nguyện

     • Thiền sư An Thiền, trụ trì chùa Đại Giác ở làng Bồ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, viết sách Tam Giáo Thông Khảo, cũng có tên là Đạo Giáo Nguyên Lưu, 3 quyển.Quyển thứ nhất, nói về đạo Phật; quyển thứ hai và ba, nói về Khổng và Lão giáo.

     • Thiền sư Hải Bình - Bảo Tạng (1818-1862) đến hoằng hóa ở núi Cổ Thạch, cách xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Thuận Hải về phía đông bắc 2 km.

     • Vua Thiệu Trị xuống sắc cho đổi tên chùa Qui Tông trở lại tên cũ là chùa Kim Sơn (Ninh Hòa, Khánh Hòa), nên được gọi là “Sắc tứ Kim Sơn tự”. Chùa này do Thiền sư Thiệt Địa – Pháp Ấn (?-1790) sáng lập

     • Tăng cang Tế Bổn – Viên Thường (1769-1848) đệ đơn thưa với vua về việc xã Khê Xá không chịu trả lại cho chùa Pháp Vân 21 mẫu ruộng của chùa hồi trước. Vua trao cho Ty Tam pháp cứu xét, Ty Tam pháp giao cho phủ Thừa Thiên xét xử

     • Thiền sư Toàn Chiếu – Bảo Ấn (1798-1866) đến làng Chú Tượng thỉnh Đại hồng chung về Tổ đình Thiên Ấn trên núi Thiên Ấn, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi

     • Thiền sư Tiên Tường – Bửu Quang, thuộc thiền phái Lâm Tế - Gia Phổ, đời thứ 37, kế thế trụ trì chùa Đức Lâm nay tại xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho (1845-1862)

     • Thiền sư Toàn Nhâm – Quán Thông (1798-1883) đứng ra quyên mộ trùng kiến Tổ đình Chúc Thánh nay tại đường Hai Bà Trưng, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam và đổi hướng chùa từ hướng Tây sang hướng Tây Nam. Năm 1849, ngài tiếp tục khởi công trùng tu tiền đường chùa này, tăng gấp đôi diện tích chánh điện

     • Thiền sư Bảo Thanh khai sáng chùa Long Bàn hiện tại thôn Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

 

NĂM 1846 (BÍNH NGỌ- PL.2390), niên hiệu Thiệu Trị (1841-1847) năm cuối, đời vua Hiến Tổ (Miên Tông, 1841-1847).

     • Ngày 19 tháng 2 năm Bính Ngọ, Hòa thượng Viên Ngộ - Tánh Thành (1786-1846) thế danh Nguyễn Ngọt Dót, húy Tánh Thành, sinh tại xã Thanh Ba, huyện Phước Lộc, tỉnh Gia Định, thuộc thiền phái Lâm Tế - Chánh Tông, đời thứ 39, Tổ khai sơn chùa Lan Nhã (nay là chùa Tôn Thạnh, Cần Giuộc, Long An), viên tịch, thọ 61 tuổi

     • Tháng 5 năm Bính Ngọ, nhân lễ tứ tuần (40 tuổi) vua cho lập trai đàn mừng “Thánh thọ tứ tuần” ở chùa Diệu Đế (Phú Xuân – Huế), kéo dài một thất (7 ngày). Kế đến các hoàng nam và hoàng nữ xin mở tiếp trai đàn thêm một thất nữa. Đến ngày 22, Tăng cang Tế Bổn – Viên Thường (1769-1848) cùng Tăng cang chùa Giác HoàngTăng cang chùa Diệu Đế (ở phủ Phú Xuân) xin tiếp tục tụng kinh chúc thọ cho vua thêm một thất nữa và các vị này tự lo liệu mọi phí tổn cho trai đàn (LSPGĐT).

     • Thiền sư Tánh Huệ - Nhứt Chơn (?-1852) ở chùa Linh Hựu, được vua cử làm Tăng cang chùa Diệu Đế ở phủ Phú Xuân, nay thuộc Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên

     • Thiền sư Liễu Kiến – Từ Hòa được suy cử làm trụ trì chùa Quốc Ân (1846-1863) thuộc thôn Phước Quả, làng Phú Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân (nay là phường Trường An, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên)

     • Thiền sư An ThiềnPhúc Điền khai sơn chùa Liên Trì ở Hà Nội. Năm sau (1847), Thiền sư về hoằng hóa ở chùa Báo Thiên (Hà Nội) 

     • Thiền sư Ấn Lực – Trí Sơn (1828-1901) trùng tu xây dựng chùa Rạch Kè (Bến Chùa) ở Rạch Kè, ngài dời về phường Mỹ Chánh, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hiện nay và đặt hiệu là Phước Long tự.

     • Thiền sư Bửu Châu (?-1869), người Trung Hoa, vân du hành đạo đến Hà Tiên được Phật tử địa phương thỉnh về trụ trì Phù Cừ Am Tự nay tại phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang

 

NĂM 1847 (ĐINH MÙI- PL.2491), niên hiệu Tự Đức (1847-1883) năm đầu, đời vua Dục Tông (Hồng Nhậm, 1847-1883).

     • Ngày 15 tháng 4 năm Đinh Mùi, Hòa thượng Toàn Nhâm – Quán Thông (1798-1883) phú pháp kệ cho Thiền sư Chương An – Quảng Khánh, trụ trì chùa Thắng Quang (Bình Định) như sau :

“Pháp bổn nguyên lai thị pháp tâm

Pháp ngoại phi pháp mạc cánh tầm

Pháp lý ngộ thời chơn thị pháp

Vĩnh vi tông phong vạn cổ kim” (HTCTĐXQ). 

     • Ngày 20 tháng 6, vua quyết định về việc đòi lại đất ruộng chùa Pháp Vân của Tăng cang Tế Bổn – Viên Thường (1769-1848) đệ đơn thưa từ trước là không đúng sự thật. Vua sắc lệnh : thần Hà Huy Phiên, Nguyễn Quốc Cẩm, Tôn Thất Thường, Trương Hao Hợp vâng chỉ rằng : “Trụ trì Nguyễn Văn Thường (Tế Bổn - Viên Thường) lần này kháng tố không đúng sự thật, đáng phát chiếu luật trừng trị. Nhưng nghĩ vì tuổi đã ngoài 70 già yếu, nên gia ân truyền miễn đánh trượng và cũng không thâu tiền chuộc làm gì. Các khoản khác y cho như lời tâu, khâm thử” (trích Châu bản triều Nguyễn)  (LSPGĐT). 

     • Ngày 07 tháng 10 năm Đinh Mùi, Hòa thượng Tánh Thiên - Nhất Định (1784-1847) họ Nguyễn, pháp danh Tánh Thiên, người thôn Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị, thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 39, trụ trì An Dưỡng am (Hương Thủy, Thừa Thiên), viên tịch, thọ 64 tuổi, 46 Tăng lạp. Lúc còn tại thế, Thiền sư từng được vua Minh Mạng thỉnh trụ trì Quán Linh Hựu (1833), sau vua thỉnh làm Tăng Cang chùa Giác Hoàng

     • Hòa thượng Tế Tín – Chánh Trực (?-1847) thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, đời thứ 36, viên tịch ở chùa Sắc tứ Từ Ân (Gia Định), thọ 74 tuổi. Bấy giờ, Thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh trụ trì chùa Giác Lâm (Gia Định) được cử kiêm trụ trì chùa Từ Ân

     • Thiền sư Tánh Huệ - Nhứt Chơn (?-1852) được vua Tự Đức cử làm Tăng cang chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân, Huế

     • Hòa thượng Toàn Nhâm – Quán Thông (1798-1883) khai Đại giới đàn tại Tổ đình Chúc Thánh (Hội An, Quảng Nam) và ngài được chư sơn cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu 

     • Hòa thượng Toàn Đức – Thiệu Long (1763-1847) thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 37, Tổ khai sơn chùa Khánh Sơn (Tuy Hòa, Phú Yên), viên tịch, thọ 86 tuổi

     • Thiền sư Chương Thiện – Quảng Hưng (1809-1881) kế thế trụ trì chùa Khánh Sơn tại ấp Thanh Đức, xã Phước Hậu, tổng Bình Hòa, phủ Tuy Hòa (Phú Yên)

     • Thiền sư Tánh Chiếu – Nhứt Niệm (?-1857) được sung chức trụ trì chùa Diệu Đế (Phú Xuân - Huế)

     • Thiền sư Hải Nhận trùng tu, xây dựng thảo am thành chùa Phổ Phúc nay tọa lạc ở số 60/14, đường Điện Biên Phủ, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Năm 1916, chùa cải hiệu là chùa Vạn Phước, được vua Bảo Đại sắc phong “Sắc tứ Vạn Phước tự” vào năm 1939

  

NĂM 1848 (MẬU THÂN- PL.2492), niên hiệu Tự Đức (1847-1883) thứ 2, đời vua Dục Tông (Hồng Nhậm, 1847-1883).