Vầng Trăng Lăng Già
Nhìn xuyên qua khung cửa sổ, ngoài trời lồng lộng ánh trăng xinh vừa tròn mười sáu. Ánh trăng soi rọi trên khắp cả núi đồi. Trên cả một thung lũng rộng lớn, tràn ngập ánh trăng. Tu Viện đêm nay chìm trong ánh trăng mơ. Ánh trăng huyền diệu. Bóng Sư già ngồi bên trong khung cửa hẹp tụng lời Kinh Lăng Già:
"Thế gian ly sanh diệt
Du như hư không hoa
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm."
Dịch:
Thế gian lìa khỏi sự sanh và diệt
Bởi vì nó giống hoa đốm giữa hư không.
Dùng cái trí mà thấy không có cái có và không
Để sinh khởi cái tâm cứu khổ lớn.
Nhưng nghiệt nỗi, bên trong khung cửa hẹp còn có bóng Sư già gõ mõ tụng từng lời Kinh, nghe trầm thoát làm sao, thiền vị làm sao, thì làm sao để mà lìa bỏ sự sanh, sự diệt. Vì mỗi lời Kinh vang lên nhịp đều theo tiếng mõ, thì lúc ấy là sự sinh hiện có, rồi cũng ngay nơi lời kinh tiếng mõ ấy trôi qua về quá khứ tức diệt. Và cứ thế sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, miên man vô cùng. Ngày nào cũng vậy, nơi chốn thiền môn kia, lời kinh tụng cứ mãi sinh rồi diệt theo điệu trầm hùng an nhiên.
Ngoài kia, bầu trời thái hư, trăng vẫn sáng, cảnh vật được soi tỏ làm rạng rỡ từng lá hoa, từng phiến đá, mà có lắm khi lúc ẩn, lúc hiện, chợt tỏ chợt mờ, bao nhiêu hình ảnh diệt sinh, sinh diệt vô cùng...
"Nhất thiết pháp như huyễn
Viễn ly ư tâm thức
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm"
Dịch:
Tất cả các pháp đều như huyễn
Xa lìa từ nơi tâm thức.
Dùng cái trí mà thấy chẳng có cái có và không
Để phát khởi cái tâm cứu khổ lớn.
Sư già ngồi tụng kinh như huyễn, âm ba trầm vọng lời kinh như huyễn, một chuỗi huyễn không dừng nơi đâu. Thân là sắc uẩn. Âm thanh là thanh uẩn, chợt có rồi không, chợt hiện rồi biến. Thế gian vô thường, phải xa lìa hết để phát khởi lòng cho vui, cứu khổ lớn.
Vầng trăng mười sáu dường như bất động, lững lơ giữa trời không. Nhưng trong cái bất động đã hàm tàng bao cái động, cái động đó là trăng tàn, trăng khuyết, trăng non, trăng lưỡi liềm mỏng manh như làn chỉ, làn tơ, làn sương khói. Chính vậy mà ánh trăng sáng vô cùng, vô tận, khắp trên mặt đất này.
"Viễn ly ư đoạn thường
Thế gian hằng như mộng
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm."
Dịch:
Xa rời hai lãnh vực đoạn và thường
Thế gian luôn giống như mộng
Dùng cái trí mà thấy chẳng có cái có và không
Để sinh khởi cái tâm cứu khổ lớn.
Tiếng chuông ngân dài, lời kinh thiền vị, ấm áp vô cùng. Tiếng mõ như thủa nào, từ đầu đến bây giờ vẫn thế. Đâu có dứt. Đâu có lại bắt đầu mà cho là như mộng, mà cho là đoạn thường, thôi hãy quên đi, buông bỏ đi để là đem tâm cứu khổ, làm vui cho đời, cho trần thế hôm nay an lạc. Như vầng trăng kia, vầng trăng bản môn, luôn hiện có giữa trời, không mờ! Không tỏ! Không rõ! Không mơ! Làm sáng cả đất trời dù mù khơi sương tuyết!
"Tri nhơn pháp vô ngã
Phiền não cập nhĩ diệm
Thường thanh tịnh vô tướng
Nhi hưng đại bi tâm."
Dịch:
Biết người và pháp đều vô ngã
Phiền não và các sở tri chướng
Thường là thanh tịnh và vô tướng
Để sinh khởi cái tâm cứu khổ lớn.
Sư già ngồi tụng kinh vô ngã. Ánh trăng sáng ngoài kia, ngoài khung cửa hẹp vô ngã. Cả hai đều không có chủ thể. Cả hai đều do duyên sinh, hình thành nên chóng vỡ tan. Người vỡ tan. Trăng vỡ tan. Cả hai đều vỡ tan. Nhơn pháp câu không. Hãy liễu tri như thế. Liễu tri như âm thanh của lời kinh siêu thoát. Liễu tri như ánh trăng Tích môn soi sáng, tỏ rạng khắp chốn sông hồ. Dù nước đục nước trong, ánh trăng Tích môn luôn hiện hữu. Trong, đục, cạn, sâu vì chướng duyên để tâm sai biệt, chứ thật lẽ Chân như là thường hằng, thanh tịnh, từ đó mà hưng khởi cái tâm đại bi cho đời bớt khổ, cho người thêm vui.
"Nhứt thiết vô Niết Bàn
Vô hữu Niết Bàn Phật
Vô hữu Phật Niết Bàn
Viễn ly giác sở giác
Nhược hữu nhược vô hữu
Thị nhị tất câu ly."
Dịch:
Tất cả đều không có Niết Bàn
Cũng không có Phật nhập Niết Bàn
Không có Niết Bàn của Phật
Xa rời cái giác và cái sở giác
Dù có hay dù cả không có
Hai lãnh vực ấy đều phải xa rời.
Sư già ngồi tụng kinh, lòng thành khẩn, thanh tịnh ước muốn nhập Niết Bàn và cầu mong có Niết Bàn để nhập. Nhưng khi nghe bài kệ này, lòng Sư hoát nhiên đại ngộ. Lời kinh tụng càng lớn. Tiếng mõ đánh càng to, âm vang cả chánh điện chùa, làm thức tỉnh bao lá hoa đang phơi mình dưới ánh trăng huyền diệu, tịch lặng ngoài kia. Ngộ cái ngộ của tự thân tâm mà không còn dính mắc cái giác và cái được giác như mình và người, Sư và trăng đều cách biệt, phân li, tơ hào.
"Mâu ni tịch tịnh quán
Thị tắc viễn ly sanh
Thị danh vi bất thủ
Kim thế hậu thế tịnh."
Dịch:
Quán tịch lặng như nhiên
Làm cho sự xa rời dấy khởi
Quán như vậy gọi là chẳng giữ lấy
Đời này, đời sau cả hai đều thanh tịnh.
Trăng sáng là trăng sáng. Sư già tụng kinh là tụng kinh. Tụng kinh, trăng sáng phải thấy rõ không lầm. Thấy như Đại viên cảnh trí. Thấy như Bình đẳng tánh trí, chân thật bất hư. Không mộng. Không ảo. Nhất như. Tuyệt cùng.
Cửa Chánh điện chùa khép lại từ lâu. Ánh đèn bạch lạp còn cháy leo lắt, làm một không gian u tịch lặng tờ. Phật tọa trên đài sen như thường hằng, bất động. Vầng trăng Lăng Già vẫn sáng như nhiên. Tâm, vật bất phân. Phật, trăng như thị. Trăng Bản môn, Tích môn vẫn là trăng. Phật pháp thân, báo thân vẫn là Phật. Phật, trăng bình đẳng chân như.
Chùa Phật Đà, ngày 27 tháng 01 năm 2021
Thích Nguyên Siêu