Tâm Là Như Lai Tạng Thiền Sư Thường Chiếu
Nguyễn Thế Đăng
Thiền Uyển Tập Anh chép:
“Thiền sư Thường Chiếu (?-1203), thế hệ Thứ Mười Hai, thiền phái Vô Ngôn Thông.
Chùa Lục Tổ, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức. Người làng Phù Ninh, họ Phạm. Triều Lý Cao Tông, Sư làm quan chức Lệnh đô tào ở cung Quảng Từ. Sau từ quan, cầu pháp xuất thế với Sư Quảng Nghiêm chùa Tịnh Quả, đích thân được pháp chỉ. Sư hầu thầy nhiều năm, rồi đến ngôi chùa cổ ở phường Ông Mạc tuyên thuyết hoằng dương giáo chỉ. Sau đó rời sang chùa Lục Tổ. Môn đồ ngày càng đông”.
Như vậy, Sư đã làm quan rồi mới xuất gia học đạo, và đích thân được pháp chỉ. Pháp chỉ là yếu chỉ của pháp. Yếu chỉ của pháp là bản tâm, như đoạn sau nói, “Rõ tâm tu đạo…”. Đó cũng là tâm ấn.
Sau đó ngài ở thêm với thầy nhiều năm để tiệm tu, cho thật thuần thục.
“Có vị tăng hỏi:
- Khi vật và ta duyên níu nhau thì thế nào?
Sư đáp:
Vật ta đều mất
Tính tâm vô thường
Dễ sanh dễ diệt
Khoảnh khắc chẳng dừng
Cái gì níu nhau?
Sanh là vật sanh
Diệt là vật diệt
Đắc được pháp kia
Thường không sanh diệt.
Vị tăng thưa:
- Người học chưa hiểu, xin thầy chỉ dạy lại.
Sư bảo:
- Rõ tâm mà tu đạo thì ít sức mà dễ thành. Không rõ tâm mà tu đạo thì phí công vô ích”.
Vấn đề của con người là phải sống trong vô thường sanh diệt, từ đó mà có khổ đau không dứt. Vô thường sanh diệt này là do tâm và vật duyên níu nhau, và tâm cứ chạy theo sự duyên níu theo vật thế nên cứ trôi lăn suốt đời.
Để chấm dứt sự duyên níu, chạy đuổi theo vật vô thường mà trôi lăn, Thiền sư Thường Chiếu dạy phải nhìn ra bản chất của tâm và vật là gì.
Tâm thì “vô thường, dễ sanh dễ diệt, khoảnh khắc chẳng dừng”: tâm thì không có tự tánh, vô tự tánh, là tánh Không. Vật thì có sanh có diệt, “sanh là vật sanh, diệt là vật diệt”, vật cũng sanh diệt, nghĩa là vô tự tánh, tức là tánh Không.
Bằng thiền định (Chỉ) thiền quán (Quán), hai pháp tu tâm chính của Phật giáo, người học nhìn sâu vào tính chất của tâm và vật, rồi đến lúc thấy trực tiếp tâm và vật không có tính chất cố định, không có tự tánh, vô tự tánh, là tánh Không.
Tâm và vật đều không có tự tánh, đều là tánh Không nên sự duyên níu, nương dựa lẫn nhau là một ảo tưởng. Bám nắm, đuổi theo vật hay tâm lại càng thêm ảo tưởng nữa.
Khi ấy, “vật, ta đều mất”, và thực tại (“pháp kia”) lộ bày rõ ràng ngay trước mắt, “đắc được pháp kia, thường không sanh diệt”. Pháp kia hay thực tại, hay tâm ấn thì thường không sanh diệt, bởi vì không có sự duyên níu sanh diệt.
Nhưng ở đây vị tăng vì công phu thiền định thiền quán chưa đủ, những che chướng của vô minh phiền não còn nặng nề, nên chưa thấy, chưa hiểu, bèn xin thầy chỉ dạy lại. Sư bảo, cốt yếu là phải “rõ tâm”, bởi vì “tất cả duy tâm tạo”.
Rõ tâm là rõ bản tánh của tâm. Bản tánh của tâm là tánh Không, là vô sanh. Bản tánh của tâm vốn vô sanh nên vốn là giải thoát.
“Hỏi: - Pháp thân khắp tất cả chỗ là thế nào?
Sư đáp:
- Như một lỗ chân lông trùm khắp tất cả pháp giới, tất cả lỗ chân lông thảy đều như thế. Nên biết trong Tâm Không thì không có chút khoảng nào mà không có thân Phật”.
Đây là cái thấy của một vị chứng ngộ, hơn nữa, đó là cái thấy cao nhất, cái thấy pháp giới sự sự vô ngại được nói trong Kinh Hoa Nghiêm. Một lỗ chân lông “tương dung tương nhiếp” toàn bộ vũ trụ, và toàn bộ vũ trụ “tương tức tương nhập” vào một lỗ chân lông. “Tất cả lỗ chân lông thảy đều như thế”.
“Nên biết trong Tâm Không thì không có chút khoảng nào mà không có Phật”. Đây là Pháp giới Chân Không - Diệu Hữu. Vũ trụ của những sự vật và chúng sanh không còn nữa mà chuyển hóa thành pháp giới “tất cả là Phật”, ở cấp độ vĩ mô, các thiên hà, và ở cấp độ vi mô, các nguyên tử, các vi trần.
Qua câu này Thiền sư cho chúng ta biết Tâm Không, Phật, và pháp giới là Một.
“Vì sao thế? Vì Pháp thân ứng hóa thành Đẳng Chánh Giác, không chỗ nào không đến, nên ứng ra trí huệ như vậy. Như Lai dùng lực của tâm tự tại, không có khởi, không có chuyển mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp thường không khởi. Dùng ba thứ pháp nói đoạn mà thật không đoạn mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp lìa biên kiến. Lìa cõi dục nhưng chẳng phải trừ cõi dục mà chuyển pháp luân, vì vào cõi giới hư không của tất cả các pháp. Không có ngôn thuyết mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp đều không thể nói. Rốt ráo tịch diệt mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp là tánh Niết bàn.
Ấy là tánh vô tướng, tánh vô tận, tánh vô sanh vô diệt. Hoàn toàn vô tánh: không có tánh ngã, không có tánh phi ngã, không có tánh chúng sanh, không có tánh phi chúng sanh, không có tánh Bồ tát, không có tánh pháp giới, không có tánh hư không, cũng không có tánh thành Đẳng chánh giác”.
Như Lai chính là Pháp thân, là toàn thể pháp giới, “không có chút khoảng nào mà không có thân Phật, không chỗ nào không đến”. Như Lai hay Pháp thân thì “không có khởi, không có chuyển” nên sự thành Phật, thành Đẳng chánh giác là sự “ứng hóa”, là Ứng hóa thân. Ứng hóa thân này là sự lưu xuất, sự thị hiện từ Pháp thân, “nên ứng ra trí huệ như vậy”. Và bởi vì Pháp thân ở khắp cả, nên Ứng hóa thân cũng khắp cả.
Chính từ nền tảng Pháp thân không khởi, không chuyển mà chuyển pháp luân nên sự chuyển pháp luân cũng là ứng hóa thị hiện. Pháp thân hay Như Lai, hay Như Lai tạng là bản tánh của tất cả các pháp, trong bản tánh ấy, “tất cả các pháp thường không khởi”.
Pháp thân Như Lai tạng này là tánh Không: “không khởi, không đoạn, vào cõi giới hư không (tánh Không) của tất cả các pháp”. Pháp thân Như Lai tạng này là tánh Không, là bản tánh của tất cả các pháp.
“Lìa biên kiến, lìa cõi dục, không có ngôn thuyết, rốt ráo tịch diệt” là tánh Không. Nhưng tánh Không không ngăn ngại các pháp, vẫn để cho các pháp biểu hiện: vẫn có sự “chuyển pháp luân”, “chẳng phải trừ cõi dục”. Vẫn có “ngôn thuyết để chuyển pháp luân”, vẫn để cho lời nói biểu hiện, thị hiện, mặc dù trong bản tánh, trong Pháp thân thì “không có ngôn thuyết, tất cả các pháp đều không thể nói”.
“Tất cả pháp là tánh Niết bàn, rốt ráo dịch diệt”: bản tánh nền tảng của tất cả các pháp là tánh Không, là Niết bàn, rốt ráo tịch diệt, nhưng bản tánh Không ấy, nền tảng tánh Không ấy không chướng ngại các pháp, cho nên cả đoạn vẫn nói về sự biểu hiện của “tất cả các pháp, thành Đẳng chánh giác, chuyển pháp luân, thuyết pháp”.
Nói theo sắc và Không của Bát Nhã Tâm Kinh thì “sắc tức là Không, Không tức là sắc”: Tánh Không không ngăn ngại sắc, vẫn để cho sắc biểu lộ bởi vì “sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc”.
Như thế, Pháp thân tánh Không là “tánh vô tướng, tánh vô tận, tánh vô sanh vô diệt, hoàn toàn vô tánh”, nhưng Pháp thân tánh Không ấy không ngăn ngại các tướng, không ngăn ngại cái có tận, cái có sanh có diệt, tức là không ngăn ngại Ứng hóa thân “không chỗ nào không đến”. Chân Không không ngăn ngại Diệu Hữu. Diệu Hữu là sự biểu hiện của Chân Không, là sự thị hiện của tánh Không.
Như thế, “tất cả các pháp, bản tánh của chúng là Niết bàn”, nên chính chúng là Niết bàn.
“Rồi nói bài kệ:
Ở đời làm thân người
Tâm là Như Lai tạng
Chiếu sáng khắp muôn phương
Tìm nó không bóng dáng”.
Pháp thân ấy là tâm của vị đã chứng ngộ, “Tâm là Như Lai tạng”. Pháp thân, hay Như Lai tạng, hay bản tánh của tâm, hay Pháp giới không chỉ là tánh Không, mà còn là “tánh sáng” (chữ của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông). Tánh Không là tánh Sáng không thể tách lìa.
Tánh Không là, “Tìm nó không bóng dáng”; tánh Sáng là, “Chiếu sáng khắp muôn phương”. Cả hai chưa từng tách lìa nhau.
“Đến ngày 24 tháng 9 năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ 2 (1203), Sư nói đau nơi tim, nhóm chúng nói kệ rằng:
Đạo vốn không nhan sắc
Mỗi ngày tươi mới khoe
Ngoài đại thiên sa giới
Nơi đâu chẳng phải nhà
Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già mà ra đi. Đệ tử Thần Nghi làm lễ trà tỳ, thu xá lợi, dựng tháp phụng thờ.
Sư đã soạn Nam tông tự pháp đồ, một quyển, lưu hành ở đời”.
“Đạo vốn không nhan sắc”: Pháp thân thì ở khắp mọi chỗ “không có chút nào mà không có thân Phật”, nhưng không có hình tướng, không khởi không đoạn, không sanh không diệt.
“Mỗi ngày tươi mới khoe”: Nhưng sự biểu lộ của Pháp thân là Báo thân tánh Sáng và Hóa thân pháp giới thì luôn luôn tươi mới, hiện tiền trước mắt.
“Ngoài đại thiên sa giới, nơi đâu chẳng phải nhà”: Trong toàn bộ vũ trụ, nơi đâu cũng là Pháp thân tánh Không, là Báo thân tánh Sáng, nơi đâu cũng là Ứng hóa thân thị hiện, “mỗi ngày tươi mới khoe”.
Vũ trụ này, từ nhỏ nhất như lỗ chân lông, cho đến lớn như đại thiên sa giới, đều là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, cả ba không hề tách lìa nhau, cho nên “Nơi nào chẳng phải nhà”.
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng