Về Ajahn Chah
Ajahn Chah thực hành thiền Phật giáo Nguyên thủy theo đại sư vĩ đại nhất Ajahn Mun của truyền thống lâm truyền (trong rừng) Thái lan và Lào ở nhiều thế kỷ và sống đời tu sĩ giản dị trong rừng hơn bảy mươi năm. Trí huệ và sự giản dị đáng kính của ngài đã thu hút nhiều đệ tử tây phương, và ở Thái, hơn hàng trăm tu viện lâm truyền (trong rừng) đã phát triển dưới sự dìu dắt của ngài.
---o0o---
Ajhan Chah nói rằng nếu bạn muốn chuyển hóa tâm, bạn phải biết và chuyển hóa trái tim. Và khi thực hành bạn cảm thấy không thoải mái, muốn bỏ cuộc, đó là khi bạn biết mình đang đi đúng đường.
Toàn bộ lý do để nghiên cứu Pháp, các giáo lý của Đức Phật, là tìm kiếm một phương cách để vượt qua khổ đau và đạt được bình an, hạnh phúc. Cho dù chúng ta nghiên cứu các hiện tượng vật lý hay tinh thần, tâm hoặc các tâm sở của nó, thì chỉ khi nào chúng ta giải thoát khỏi khổ đau với mục tiêu tối thượng là chúng ta đang đi đúng đường. Khổ đau có một nhân, một duyên (điều kiện) để hiện hữu.
Xin hiểu rõ rằng khi tâm tĩnh lặng, đó là trạng thái bình thường, tự nhiên của tâm. Ngay khi tâm dịch chuyển, nó trở nên bị điều kiện hoá. Khi tâm bị cuốn hút vào một cái gì đó, tâm trở nên bị điều kiện hoá. Khi ác cảm nảy sinh, tâm trở nên bị điều kiện hoá. Ham muốn đi đây đi đó phát sinh từ việc điều kiện hoá. Nếu sự rõ biết của chúng ta không theo kịp với những gia tăng tâm lý này khi chúng xảy ra thì tâm sẽ đuổi theo chúng, bị điều kiện hoá bởi chúng. Và bất cứ khi nào tâm dịch chuyển, vào lúc đó, tâm trở thành một thực tại tương đối.
Nếu một ý nghĩ sân hận sinh khởi, tôi tự hỏi mình tại sao. Nếu một ý nghĩ yêu thương sinh khởi, tôi tự hỏi mình tại sao. Đây là phương cách.
Đức Phật đã dạy rằng bất cứ khi nào tâm dịch chuyển, tâm trở nên không vững vàng và vô thường (anicca), bất toại nguyện (dukkha) và không thể được xem như vô ngã (anatta). Đây là ba đặc tính tổng quát của tất cả các tướng hữu vi (có điều kiện). Đức Phật đã dạy chúng ta quan sát và quán chiếu những dịch chuyển này của tâm.
Tương tự như lời dạy về nguyên lý duyên khởi: vô minh là nhân và duyên để phát sinh các hành nghiệp tác ý, là nhân và duyên để phát sinh thức và vân vân. Đức Phật đã tách ra từng mắt xích để nghiên cứu dễ dàng hơn. Mặc dù đây là sự miêu tả chính xác thực tại, nhưng khi tiến trình này xảy ra trong đời sống thực thì các hành giả không thể theo kịp với những gì đang diễn ra. Nó giống như đang rơi từ ngọn cây xuống – chúng ta không biết mình đã rơi qua bao nhiêu cành cây trên đường xuống đất. Điều mà chúng ta biết là mình tiếp đất một cái bịch, đau nha! Tương tự, khi tâm đột nhiên bị tác động bởi một cảm tưởng tâm lý, nếu tâm thích thú thì tâm phấn chấn. Tâm xem như tốt mà không rõ biết chuỗi nhân duyên dẫn đến đó. Chẳng có gì tuyên bố “Đây là ảo tưởng. Chúng là các hành nghiệp tác ý và đó là thức”.
Vì vậy chỉ có tính học giả không thể theo kịp với thực tại. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy rằng chúng ta nên trau dồi tính biết rõ ràng cho chính mình. Bất cứ điều gì phát sinh đều phát sinh trong tính biết này. Khi tính biết biết, biết theo đúng sự thật, sau đó tâm và các tâm sở của tâm nhận biết như không phải là của chúng ta. Cuối cùng thì tất cả những hiện tượng này đều bị loại bỏ và ném đi như thể chúng là rác. Chúng ta không nên bám chấp vào chúng hoặc cho chúng bất cứ ý nghĩa nào.
Biết Tâm
Tâm này đã bị điều kiện hoá rồi. Tâm đã được huấn luyện và bị điều kiện hoá để hướng ra ngoài và mất kiểm soát khỏi trạng thái rõ biết thanh tịnh. Lúc tâm mất kiểm soát, tâm tạo ra tướng hữu vi (có điều kiện), điều đó đẩy mạnh sự tác động vào tâm, và sự gia tăng tiếp diễn. Tiến trình này sản sinh ra thiện lành, bất thiện và tất cả mọi thứ khác trên đời. Đức Phật dạy rằng chúng ta nên từ bỏ tất cả. Tuy nhiên, lúc đầu, bạn phải tự làm quen với lý thuyết để bạn có thể từ bỏ tất cả vào giai đoạn sau này. Đây là một tiến trình tự nhiên. Tâm chỉ là như vậy; các tâm sở cũng chỉ vậy thôi.
Đức Phật dạy rằng tâm không có bản thể; tâm không là gì cả. Tâm không được sinh ra để thuộc vào ai đó và tâm cũng không chết theo bất kỳ ai. Tâm tự do, rạng rỡ và không ràng buộc vào bất kỳ vấn đề hay sự việc nào. Sở dĩ các vấn đề phát sinh là do tâm bị mê mờ bởi các pháp hữu vi (các sự vật hiện tượng có điều kiện), bị mê mờ bởi quan niệm sai lầm này của bản ngã này. Vì vậy Đức Phật dạy chúng ta quan sát tâm này. Lúc bắt đầu, đó là cái gì? Chẳng thật sự có cái gì ở đó. Tâm không phát sinh với những pháp hữu vi (các sự vật hiện tượng có điều kiện) và tâm không chết theo chúng. Khi tâm gặp điều tốt, tâm không chuyển đổi thành tốt. Khi tâm gặp điều xấu, tâm không trở nên xấu. Đó là cách làm của tâm khi có tuệ giác sâu sắc về bản tánh con người: có sự am hiểu rằng về bản chất đây là một trạng thái không có thể chất của sự tướng (các mối liên hệ).
Chúng ta phải nhìn sâu sắc vào chính tâm mình nếu chúng ta muốn cảm nhận thành quả của việc thực hành này. Theo tôi, thử diễn tả tâm lý của tâm trong nhiều khoảnh khắc riêng biệt của thức và các đặc tính khác nhau của chúng là chưa thực hành đủ sâu xa. Vẫn còn nhiều hơn thế nữa. Nếu chúng ta dự định nghiên cứu những điều này, thì chúng ta phải hoàn toàn biết chúng, với tính sáng tỏ và thấu suốt trùm khắp.
Tuệ giác phải đến từ sự bình an và yên tĩnh. Toàn bộ tiến trình sẽ diễn ra tự nhiên theo quy luật của chính nó. Chúng ta không thể ép buộc được.
Vì vậy thực hành Pháp vô cùng quan trọng. Khi tôi thực hành, tôi không biết bất cứ điều gì về các khoảnh khắc của tâm hoặc các tâm sở. Tôi chỉ quan sát tính biết. Nếu một ý nghĩ sân hận nảy sinh, tôi tự hỏi mình tại sao. Nếu một ý nghĩ yêu thương sinh khởi, tôi tự hỏi mình tại sao. Đây là phương cách. Cho dù nó được dán nhãn là ý nghĩ hay được gọi là tâm sở, vậy thì sao? Chỉ cần thấu suốt điểm này cho đến khi bạn có khả năng giải quyết những cảm xúc yêu thương và sân hận này, cho đến khi chúng biến mất hoàn toàn khỏi tâm. Khi tôi có thể ngừng yêu thương và sân hận dưới bất cứ tình huống nào thì tôi có thể chuyển hóa khổ đau, bởi vì vào lúc đó, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, tâm và thức đều nhẹ nhàng, thanh thản. Không gì còn lại, tất cả đều dừng dứt.
Giới Hạnh, Thiền Định, và Trí Huệ
Giới hạnh (sila) là sự bắt đầu thiện lành của con đường đưa đến giải thoát; an tịnh sâu sắc của thiền định là thiện lành ở giữa; trí huệ là thiện lành lúc kết. Mặc dù cả ba có thể được tách ra như ba khía cạnh độc đáo của sự rèn luyện, nhưng khi chúng ta nhìn chúng ngày càng sâu sắc hơn thì cả ba phẩm chất này hiệp thành một. Để trì giới, bạn phải khôn ngoan. Thông thường chúng ta hay khuyên người ta trước tiên hãy xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức bằng cách giữ gìn năm giới để cho giới hạnh của họ được vững chắc. Tuy nhiên, giới hạnh toàn hảo cần rất nhiều trí huệ. Chúng ta phải xem xét lời nói và hành vi của mình, và phân tích những hậu quả của chúng. Đây là toàn bộ công việc của trí huệ. Do đó, chúng ta phải dựa vào trí huệ của mình để tu dưỡng giới hạnh.
Trí huệ tịnh hoá hành vi và lời nói của chúng ta. Một khi chúng ta trở nên quen thuộc với cách hành xử đạo đức và vô đạo đức, chúng ta thấy nơi cần hành trì. Chúng ta từ bỏ những gì sai và trau dồi những gì đúng. Đây là giới hạnh. Khi chúng ta làm điều này, trái tim ngày càng trở nên vững vàng và kiên định. Trái tim kiên định và vững vàng thì thoát khỏi sự e sợ, hối tiếc và hoang mang liên quan đến hành vi và lời nói của chúng ta. Đây là thiền định.
Tâm hợp nhất vững vàng này tạo thành nguồn năng lượng thiết yếu và mạnh mẽ hơn trong thực hành pháp của chúng ta, làm cho quán chiếu sâu hơn những hình ảnh, âm thanh… mà chúng ta kinh nghiệm. Một khi tâm được thiết lập với chánh niệm và an lạc vững chắc, không lay động, chúng ta có thể tiến hành thẩm vấn liên tục về thực tại của thân, thọ, tưởng, ý, thức, nhãn, thanh, hương, vị, xúc, và các đối tượng của tâm. Khi những điều này sinh khởi liên tục, chúng ta thẩm nghiệm với quyết tâm chân thành đừng để mất chánh niệm của mình. Chỉ bằng cách này chúng ta mới đi tới hiểu biết chúng thực sự là gì và chúng hiện hữu theo sự thực tự nhiên của chính chúng. Một khi có sự hiểu biết rõ ràng về cách các hiện tượng thực là thì tri giác cũ của chúng ta được nhổ bật ra và kiến thức khái niệm chuyển hóa thành trí huệ. Đó là cách giới hạnh, thiền định và trí huệ hợp nhất và hoạt động như một.
“Hãy quyết tâm cản trở ham muốn của tâm. Hãy thách thức vào tận thâm tâm cho đến khi những lời dạy thẩm thấu vào tim can.”
Khi phương diện dũng mãnh của trí huệ gia tăng, thiền định phát triển ngày càng vững chắc. Thiền định càng kiên định thì giới hạnh càng không lay động và bao trùm tất cả. Khi giới hạnh toàn hảo, giới hạnh nuôi dưỡng thiền định, và việc tăng cường thêm thiền định làm cho trí huệ viên mãn. Ba khía cạnh rèn luyện này đan quyện vào nhau. Được hòa hợp, tạo nên bát chánh đạo, con đường của Đức Phật. Một khi giới hạnh, thiền định, và trí huệ đạt đến mức cao nhất thì con đường này có sức mạnh diệt trừ những điều làm vẩn đục tâm thanh tịnh, kilesa (phiền não).
Nếu các yếu tố của bát chánh đạo yếu kém thì những phiền não sẽ xâm chiếm tâm chúng ta. Nếu sự biết không đủ nhanh và khéo léo như hành, thọ, tưởng và ý được kinh nghiệm thì chúng sẽ xâm chiếm và tàn phá chúng ta. Tuy nhiên, nếu con đường chánh đạo dũng mãnh, nó sẽ chế ngự và tiêu diệt những phiền não. Con đường và phiền não diễn ra song hành. Khi thực hành pháp nảy nở trong lòng thì hai lực này phải ra trận chiến trong từng bước tiến. Giống như có hai người đang tranh cãi ở trong đầu, nhưng chỉ có đạo pháp và những phiền não đang đấu tranh để giành sự chiếm lĩnh trái tim.
Khi giới hạnh, thiền định, và trí huệ đạt được sức mạnh trọn vẹn thì đạo pháp không thể bị ngăn ngại nữa, tiến lên không ngừng vượt qua tham luyến và bám chấp, những gì đã mang lại cho chúng ta quá nhiều đau khổ. Khổ đau không thể phát sinh vì đạo đang diệt trừ các phiền não. Đây là điểm sự dừng dứt khổ đau xuất hiện..
Một khi chúng ta đạt được bình an này, thì thậm chí khi nghe tiếng ồn, tâm vẫn điềm tĩnh. Một khi chúng ta đạt đến bình an này, chẳng còn gì để làm nữa. Đức Phật dạy chúng ta hãy buông bỏ hết. Bất cứ điều gì xảy ra thì cũng chẳng có gì để lo lắng. Đó là lúc chúng ta tự biết mình thực sự, không nghi ngờ và không còn đơn giản tin vào những gì người khác nói.
Một Tiến Trình Tự Nhiên
Nếu chỉ có một chút tuệ giác sáng tỏ, chúng ta gọi điều này là một chút vipassana (minh sát tuệ). Khi sự thấy rõ ràng tăng lên một chút, chúng ta gọi đó là vipassana vừa phải. Nếu sự hiểu biết trọn vẹn phù hợp với chân lý, chúng ta gọi đó là vipassana tối thượng. Đối với tôi, tôi thích sử dụng từ trí huệ (pañña) hơn là vipassana. Tôi nghĩ nếu chúng ta dự định thỉnh thoảng ngồi xuống và thực hành thiền vipassana (thiền tuệ), chúng ta sẽ có một khoảng thời gian rất khó khăn cho việc này. Tuệ giác phải đến từ sự bình an và yên tĩnh. Toàn bộ tiến trình sẽ diễn ra tự nhiên theo quy luật của chính nó. Chúng ta không thể ép buộc được.
Đức Phật dạy rằng tiến trình này trưởng thành theo chính tốc độ của nó. Cho dù tiến triển nhanh hay chậm đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Giống như trồng cây. Cây biết bao lâu sẽ lớn. Nếu chúng ta muốn cây lớn nhanh hơn thì đây là ảo tưởng đơn thuần. Nếu chúng ta tiến hành công việc, các kết quả sẽ đến, giống như trồng cây vậy.
Nếu chúng ta đạt giác ngộ trong đời này thì tốt. Nếu chúng ta phải đợi cho đến kiếp sau của mình thì cũng không sao. Chúng ta có lòng tin và xác tín không nao núng đối với Pháp. Cho dù chúng ta tiến triển nhanh hay chậm đều phụ thuộc vào năng lực nội tại của mình, năng lực tâm linh và phước báu mà chúng ta tích lũy cho đến giờ. Thực hành như vậy làm cho lòng nhẹ nhõm.
Khi bạn bắt đầu tu dưỡng sự tĩnh lặng của thiền định, đừng phạm sai lầm khi thử một hoặc hai lần rồi từ bỏ do tâm bất an. Đó không phải là cách đúng. Bạn phải trưởng dưỡng thiền định trong một thời gian dài. Tại sao phải lâu như vậy? Hãy nghĩ xem: Chúng ta cho phép tâm lan man lạc lối trong bao nhiêu năm rồi? Bao nhiêu năm chúng ta không thực hành thiền định? Bất cứ khi nào tâm sai sử chúng ta phải chạy theo nó theo một cách cụ thể thì chúng ta đều lao vào đó. Để làm dịu đi tâm lan man đó, làm cho nó dừng lại, để nó đứng yên, thì một vài tháng thiền định sẽ không đủ.
Bất cứ khi nào chúng ta có tâm trạng hoặc cảm xúc thì chúng ta nên xem xét các mặt vô thường, bất như ý và vị tha của nó. Sau đó hãy nghiền ngẫm và thẩm nghiệm. Hãy quan sát làm thế nào mà những cảm xúc phiền não này hầu như luôn đi cùng với suy nghĩ quá nhiều. Bất cứ nơi nào tâm trạng dẫn đường thì ý nghĩ chạy tụt theo sau. Ý nghĩ phản ứng đơn thuần theo tâm trạng của chúng ta, và chúng cứ tiếp diễn không hồi kết. Nhưng nếu trí huệ mở ra, nó sẽ mang tâm về tĩnh lặng. Tâm dừng lại và không đi bất cứ đâu nữa. Chỉ đơn giản biết và thừa nhận điều gì đang trải qua: khi cảm xúc này đến, tâm này giống như vậy; khi tâm trạng đó đến, tâm giống như thế. Chúng ta duy trì cái “biết”. Rốt cuộc là nó xảy ra với chúng ta, “Ơ, toàn bộ ý nghĩ này, tiếng nói tinh thần vu vơ này, lo lắng và phán xét này, tất cả điều vô lý, không có thực. Tất cả đều vô thường, bất như ý và không phải là tôi hay của tôi”. Hãy ném nó vào một trong ba phạm trù bao hàm này và chế ngự sự nổi dậy. Cắt đứt nó từ tận gốc rễ. Sau đó, khi chúng ta ngồi thiền trở lại, nó sẽ nảy sinh nữa. Hãy quan sát nó cho thật kỹ. Dò xét nó.
Đức Phật đã nói rằng những ai theo dõi chặt chẽ tâm của họ sẽ thoát khỏi cám dỗ của Ma Vương. Và còn nữa tâm đang biết này cũng là tâm, vậy ai là người quan sát tâm đây? Những ý nghĩ như vậy có thể khiến bạn vô cùng bối rối. Tâm là một thứ, cái biết là một thứ khác, vậy mà cái biết lại bắt nguồn từ chính tâm này. Hiểu biết tâm này có nghĩa là gì? Nó như thế nào khi bắt gặp các tâm trạng và cảm xúc? Nó ra sao khi không có bất cứ thứ cảm xúc phiền não nào? Cái biết những điều này là gì, chính là cái được gọi là cái “biết”. Cái biết quan sát theo tâm, và từ cái biết này trí huệ được sinh ra. Tâm là cái suy nghĩ và bị ràng buộc vào những cảm xúc, hết cái này đến cái khác.
Khi tâm kinh nghiệm một cảm xúc thì ngay lập tức túm lấy nó, đó là công việc mà cái biết cần chỉ dạy cho tâm. Hãy kiểm tra tâm trạng xem liệu đó là tốt hay xấu. Giải thích cho tâm cách nhân và quả hoạt động như thế nào. Và khi tâm cố bám víu lại một điều gì đó mà nó nghĩ là yêu thích, cái biết phải dạy lại cho tâm, giải thích nhân và quả cho đến khi tâm có thể loại bỏ điều đó sang một bên. Điều này làm cho tâm an. Sau khi nhận thấy rằng bất cứ thứ gì mà nó cứ nắm bắt và nắm bắt vốn là điều không mong muốn thì tâm sẽ đơn giản là dừng lại. Nó không bận tâm với những điều đó chút nào nữa, bởi vì nó rơi vào trong hàng loạt những lời khiển trách và quở trách liên tục. Hãy quyết tâm cản trở ham muốn của tâm. Hãy thách thức vào tận thâm tâm cho đến khi những lời dạy thẩm thấu vào tim can.
Can Đảm Đổi Thay
Đức Phật dạy rằng trong những giai đoạn đầu của thực hành pháp, bạn nên hành trì rất chăm chỉ, phát triển mọi thứ một cách thấu đáo, và nương tựa nhiều. Nương tựa Phật. Nương tựa Pháp. Nương tựa Tăng. Nương tựa sâu sắc và vững vàng – đó là những gì Đức Phật đã dạy.
Tôi hy sinh cuộc đời mình cho pháp bởi vì tôi có lòng tin vào thực tại của giác ngộ và con đường đi đến đó. Những điều này đều thực sự hiện hữu, y như Đức Phật đã nói về chúng. Nhưng để nhận ra chúng cần phải hành trì, hành trì đúng. Cần đẩy bản thân vượt qua giới hạn. Cần can đảm rèn luyện, nghiền ngẫm và thay đổi một cách căn bản. Phải can đảm để thực sự làm những gì cần. Bạn phải làm điều đó như thế nào? Bạn rèn tâm.
Tại sao cần phải rèn luyện? Bởi vì tâm hoàn toàn bị khảm và phết đầy những phiền não. Đó là những gì tâm giống như thế khi chưa được chuyển hóa thông qua rèn luyện. Nó không đáng tin cậy, vì vậy đừng tin nó. Nó chưa có giới hạnh lắm. Làm sao chúng ta có thể tin vào một cái tâm thiếu thanh tịnh và sáng tỏ? Ban đầu, tâm chỉ là tá điền của phiền não, nhưng nếu chúng hợp tác cùng nhau trong một khoảng thời gian dài thì tự tâm bị biến thái thành phiền não. Đó là lý do tại sao Đức Phật dặn chúng ta đừng đặt lòng tin của mình vào một tâm phiền não.
Nếu chúng ta nhìn kỹ quy tắc đào tạo dành cho người xuất gia của mình, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả đều nhằm rèn luyện tâm. Và bất cứ khi nào chúng ta rèn tâm, chúng ta cảm thấy cáu kỉnh và chán nản. Ngay khi chúng ta cáu kỉnh và chán nản, chúng ta bắt đầu than phiền: “Này chàng trai, thực hành này khó không ngờ luôn! Bất khả thi!” Nhưng Đức Phật không nghĩ như thế. Theo Đức Phật, quá trình rèn luyện khiến chúng ta nóng nảy và bất đồng có nghĩa là chúng ta đang đi đúng hướng. Nhưng chúng ta lại nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó sai sai. Sự hiểu nhầm này là điều làm cho thực hành dường như quá gian khổ.
Mọi người đều muốn cảm thấy tốt nhưng họ lại ít quan tâm liệu việc đó đúng hay sai. Khi chúng ta chống lại hạt giống của những phiền não và thách thức những ham muốn của mình, dĩ nhiên chúng ta cảm thấy khổ. Chúng ta cáu kỉnh, bực bội, chán nản và rồi bỏ cuộc. Chúng ta nghĩ mình đang đi sai đường. Tuy nhiên, Đức Phật sẽ nói chúng ta đang đi đúng đó. Chúng ta đang đương đầu với những phiền não của mình, và chúng là những gì đang trở nên cáu kỉnh và chán nản.
Thấu Tâm
Hãy thực hành tận tụy điềm nhiên nha! Nếu bạn muốn thực hành Pháp, xin cố gắng đừng suy nghĩ quá nhiều. Nếu bạn đang thiền và thấy bản thân đang cố ép ra những kết quả cụ thể thì tốt hơn hết bạn nên dừng lại. Khi tâm bạn lắng dịu trở nên bình an và bạn nghĩ “Chính là nó! Chính nó, phải không? Nó có phải là điều này không?” – rồi thì dừng lại. Hãy lấy tất cả kiến thức phân tích và lý thuyết của bạn, gói lại, cất vào trong tủ. Và đừng lôi nó ra ngoài để thảo luận hay dạy dỗ. Đó không phải loại kiến thức thẩm thấu vào bên trong.
Khi nhìn thấy thực tại của điều gì đó thì không giống như những bản văn miêu tả. Ví dụ, giả sử chúng ta viết ra từ “ham muốn cảm tính”. Khi ham muốn cảm tính thực sự tràn ngập tâm thì chữ viết không thể nào chuyển tải ý nghĩa giống như thực tại. “Giận” cũng như vậy. Chúng ta có thể viết các ký tự lên bảng đen, nhưng khi chúng ta thực sự giận thì trải nghiệm không giống như vậy. Chúng ta không thể đọc những chữ này đủ nhanh, và tâm bị chôn vùi trong cơn thịnh nộ.
Đây là một chi tiết cực kỳ quan trọng. Những lời dạy lý thuyết là chính xác nhưng cần thiết phải đưa chúng vào tâm của chúng ta. Nó phải được tiếp thu. Nếu Pháp không đi vào tâm thì Pháp không thực sự được biết. Không thực sự được nhìn thấy.
Mọi điều mà tôi đã nói cho đến bây giờ, chỉ để bạn lắng nghe và nghĩ đến. Nó chỉ là lời nói, thế thôi. Khi người ta đến gặp tôi, tôi nói. Các loại đề tài này không là điều mà chúng ta nên ngồi quanh và nói luyên thuyên hàng giờ. Hãy thực hành. Hãy đi vào trong kia và thiền định. Giống như khi chúng ta gọi cho một người bạn đi đâu đó: chúng ta mời họ, và nhận câu trả lời. Sau đó chúng ta lên đường mà không có gì ầm ĩ. Chúng ta chỉ nói đúng ý nghĩa và để nó ở đó. Tôi có thể nói cho bạn một hai điều về thiền định, bởi vì tôi đã thực hành thiền định xong rồi. Nhưng bạn biết đấy, có thể tôi sai. Công việc của bạn là tự thẩm nghiệm và tự tìm hiểu những gì tôi nói có đúng hay không.
Nguồn: https://www.lionsroar.com/training-the-heart/
- Tag :
- Ajahn Chah