Như Huyễn Trong Trung Luận
Nguyễn Thế Đăng
Như huyễn là một tính cách, một phương diện của tánh Không. Tánh Không là vô tự tánh của mọi cái hiện hữu, và vì vô tự tánh nên như huyễn.
Trong Trung Luận của Bồ tát Long Thọ (Nagarjuna), pháp sư Cưu Ma La Thập dịch, có ba đoạn nói về như huyễn.
Chương Quán Ba Tướng thứ 7 nói:
17. Nếu pháp (do) các duyên sanh
Tức là tánh tịch diệt
Nên đang sanh, sự sanh
Cả hai đều tịch diệt.
Tánh tịch diệt là tánh Không. Nếu pháp là do các duyên sanh, nó là tánh Không. Cho nên cả hai sự đang sanh và sự sanh đều là tánh Không.
Sự sanh là tánh Không nên tất cả cả pháp không có sanh không có diệt:
30. Như tất cả các pháp
Tướng sanh chẳng thể đắc
Vì không có tướng sanh
Tức cũng không (có) tướng diệt.
Vì tất cả các pháp không thể có tướng sanh, nên chúng cũng không có diệt.
34. Sanh, trụ, diệt, chẳng thành
Nên không có hữu vi
Pháp hữu vi không có
Sao có được vô vi?
Các pháp hữu vi và vô vi đều không có sanh, trụ, diệt, nghĩa là chẳng thể đắc, đều là tánh Không. Và vì là tánh Không nên như huyễn như mộng:
35. Như huyễn cũng như mộng
Như thành Càn thát bà
Nói rằng sanh trụ diệt
Tướng nó cũng như vậy.
Sanh, trụ, diệt là do vô minh phân biệt hư vọng. Nên phải thấy sanh, trụ, diệt của các pháp là không thật, như huyễn như mộng, như thành Càn thát bà không do đâu, không nguyên nhân gì mà hiện giữa không trung.
Chương Quán Điên Đảo thứ 23 nói:
1. Từ nhớ tưởng phân biệt
Sanh ra tham, sân, si
Điên đảo tịnh, bất tịnh
Đều từ các duyên sanh.
2. Nếu do tịnh, bất tịnh
Điên đảo sanh ba độc
Ba độc không tự tánh
Nên phiền não không thật.
3. Ngã pháp đã không có
Sự ấy rốt chẳng thành
Không ngã, các phiền não
Có, không cũng chẳng thành.
6. Điên đảo tịnh, bất tịnh
Vốn là vô tự tánh
Làm sao hai thứ ấy
Sanh được các phiền não.
Điên đảo là sự nhớ tưởng phân biệt thực tại thành tịnh, bất tịnh, từ đó ba độc tham sân si sanh ra. Phiền não chính là ba độc tham sân si. Nhưng một độc như tham thì vô tự tánh, vì tham duyên sanh từ một cái ngã vô tự tánh và một đối tượng (pháp) vô tự tánh. Thế nên phiền não ba độc không thật có. Các phiền não ba độc, dù có dù không, đều chẳng thành, không thật có, vô tự tánh, như huyễn.
Điên đảo về tịnh bất tịnh, với sự quán sát tường tận, thì thấy ra nó dựa vào các thứ vô tự tánh, cho nên nó không có căn cứ, vô tự tánh, hư vọng như mộng như huyễn.
Tiếp theo là sự quán sát cái căn bản từ đó ba độc sanh ra:
7. Sắc thanh hương vị xúc
Và pháp là sáu thứ
Sáu thứ ấy như vậy
Là căn bản ba độc.
8. Sắc thanh hương vị xúc
Và pháp, thể sáu thứ
Đều Không, như sóng nắng như mộng
Như thành Càn thát bà.
9. Trong sáu thứ như vậy
Đâu có tịnh, bất tịnh
Giống như người huyễn hóa
Cũng như bóng trong gương.
18. Ngay nơi khi điên đảo
Điên đảo thật chẳng sanh
Ông hãy tự quán sát
Điên đảo sanh nơi ai?
Sắc thanh hương vị xúc pháp là những cơ sở cho ba độc nảy sanh. Chúng là những đối tượng để điên đảo phân biệt vận hành, phát triển.
Nhưng quan sát kỹ lưỡng, sáu thứ ấy không có thật một cách khách quan, chưa nói đến kinh nghiệm chủ quan của mỗi người về sáu thứ ấy. Chúng không có thật một cách khách quan, vì chúng là duyên sanh, vô tự tánh.
Sáu thứ ấy đã duyên sanh vô tự tánh thì làm gì có sự tịnh và bất tịnh của chúng. Cho chúng là tịnh, là bất tịnh chỉ là điên đảo phân biệt hư vọng. Sáu thứ ấy đều vô tự tánh, đều Không, như sóng nắng mà tưởng là nước, như mộng đêm qua, như thành Càn thát bà vọng thấy giữa hư không.
Chúng như người huyễn hóa, do nhà huyễn thuật biến hóa ra. Nhà huyễn thuật biến hóa ra ấy là tâm, như tâm biến hóa thành câu chuyện một giấc mộng. Chúng như bóng trong gương, có thấy nhưng không thể cầm nắm, xúc chạm.
Sáu thứ ấy và phiền não, điên đảo vọng tưởng tạo thành cuộc đời chúng ta. Quán sát thật tướng của chúng như huyễn, như mộng, như sóng nắng, như người huyễn hóa, như bóng trong gương thì chúng ta được giải thoát. Chúng ta vẫn sống ở đời này, nhưng giải thoát là giải thoát khỏi ba độc, phân biệt điên đảo, những vọng tưởng do chính mình sanh ra.
Giờ đây, ngay khi đang điên đảo, hãy tự quan sát, “Điên đảo sanh nơi ai?” Quan sát được “Điên đảo sanh nơi ai?” thì “điên đảo chẳng sanh”. Và quán sát càng sâu, càng tận gốc rễ thì càng giải thoát.
Trung Luận gồm 27 chương quán sát tánh Không của 27 đề mục. Quán sát tánh Không của các đề mục khiến chúng ta loại bỏ vọng tưởng điên đảo, tịnh hóa tâm thức phân biệt hư vọng, do đó giải thoát khỏi sanh tử luân hồi hư vọng. Thế nên trí huệ thấy biết tánh Không là Trí huệ ba la mật, cái cuối cùng trong Sáu ba la mật.
Ở đây chúng ta tiếp tục phần nói về như huyễn của Trung Luận.
Chương Quán Nghiệp thứ 17 nói:
27. Các phiền não và nghiệp
Là nhân duyên sanh thân
Phiền não, các nghiệp Không
Sao nói có các thân.
28. Bị vô minh che lấp
Dây khát ái cột trói
Nhưng với chính người làm
Chẳng tức cũng chẳng khác.
29. Nghiệp chẳng từ duyên sanh
Chẳng từ phi duyên sanh
Thế nên không thật có
Tác nhân khởi nghiệp ấy.
30. Không nghiệp, không tác giả
Sao có nghiệp sanh quả
Nếu không có quả báo
Đâu có người thọ quả.
Các phiền não và các nghiệp là tác nhân sanh ra thân. Nhưng phiền não và nghiệp lại do duyên sanh, quán sát kỹ thì chẳng có cái gì thực sự kết hợp với cái gì, nên là tánh Không, vô tự tánh.
Vô minh biểu lộ thành những niệm tưởng lăng xăng che lấp thực tại. Nhưng một niệm tưởng khởi lên từ đâu, từ căn cứ, cơ sở nào? Quán sát triệt để, chúng ta thấy một niệm tưởng khởi sanh không từ đâu cả, không căn cứ, cơ sở. Một niệm tưởng như một đám mây giữa bầu trời, thoạt có thoạt không, sanh không từ đâu và biến mất không về đâu.
Vô minh và khát ái là vô tự tánh, là tánh Không. Người làm, tác giả làm ra nghiệp cũng vô tự tánh, cũng là tánh Không. Tác giả và nghiệp đều vô tự tánh, nên tác giả chẳng phải “tức là” nghiệp, cũng chẳng phải “khác” với nghiệp. Nói “tức là” thì chẳng đúng thật, mà nói “chẳng khác” thì cũng chẳng đúng thật. “Chẳng tức cũng chẳng khác”, đó là tánh Không, không thật có, như huyễn như mộng.
“Nghiệp chẳng từ duyên sanh”: hoa đốm giữa trời chẳng từ duyên nào cả. “Chẳng từ phi duyên sanh”: nếu chẳng từ chẳng phải duyên, không có duyên nào cả thì tại sao lại thấy hoa đốm? Hoa đốm là vọng thấy, như huyễn vậy.
Nghiệp thấy hoa đốm đã không thật có, thì tác nhân hay bệnh thấy hoa đốm cũng không thật có. Nghiệp đã không thật có, làm sao tác nhân khởi ra nghiệp không thật có ấy lại thật có?
Nghiệp không thật có, tác giả cũng không thật có, bởi vì cả hai đều là chân lý tương đối, quy ước (thế đế) trong chân lý tuyệt đối và tối hậu là tánh Không. Nghiệp không thật có, tác giả cũng không thật có, cả hai đều không có tự tánh, thì làm sao sanh ra quả báo thật có và có tự tánh được?
Như thế trí huệ quán chiếu tánh Không khiến nghiệp và quả báo được tịnh hóa khi chúng được thấy là như huyễn như mộng.
31. Như Thế Tôn thần thông
Làm ra người biến hóa
Người biến hóa như vậy
Lại biến tạo hóa nhân.
32. Người biến hóa ban đầu
Được gọi là tác giả
Người biến hóa tạo sau
Đó được gọi là nghiệp.
33. Các phiền não và nghiệp
Tác giả và quả báo
Đều như huyễn như mộng
Như sóng nắng như vang.
Như Phật thần thông tạo ra một người biến hóa, người do biến hóa này lại tạo ra người biến hóa khác, cả hai đều là sự biến hóa, không thật. Tác giả là người do biến hóa, việc làm của người biến hóa ấy được gọi là nghiệp, nhưng việc làm, nghiệp của người biến hóa thì cũng là việc biến hóa.
Thế nên, các phiền não, các nghiệp, tác giả và quả báo đều là biến hóa, như huyễn như mộng, như sóng nắng, như tiếng vang. Chúng xuất hiện, nhưng vô tự tánh nên không có thật, không có hiệu lực, như mộng như huyễn, chỉ làm khổ người không biết, không thức tỉnh.
Trí huệ quán chiếu tánh Không vô tự tánh thấy tất cả sanh tử đều như huyễn như mộng. Xem sanh tử là có thật, những kinh nghiệm của con người ở trong đó là có thật, đó là bị trói buộc. Bị sanh tử trói buộc, lôi kéo đi bởi các phiền não rồi tạo các nghiệp bởi vì mê tín vào sự có tự tánh, có thật của những kinh nghiệm tạo thành sanh tử.
Thế nên trí huệ thấy sự vô tự tánh, như huyễn như mộng tịnh hóa sự mê lầm của con người, đưa họ đến cái thấy đúng, chân thật. Giải thoát chính là cái thấy đúng, chân thật này.
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng