Trong chúng ta cũng đã từng được sinh ra và lớn lên dưới một mái gia đình. Tùy vào nghiệp báo sai biệt mà mỗi người có một hoàn cảnh gia đình khác nhau. Người thì sống giàu sang sung sướng, gia đình hạnh phúc sum vầy, kẻ thì gia đình nghèo khó cha mẹ anh em ly tán. Nhưng cho cùng, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, dù trong hoàn cảnh nào, cái họa, cái phúc, niềm vui, nỗi buồn, con người vẫn cảm thấy nó như là một giá trị tạm bợ, vẫn hoài ưu tư và dồn hết tâm tư để xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc. Vậy làm sao để có được một cuộc sống gia đình hạnh phúc thực sự?
Gia đình là tập thể xã hội cơ bản nhất trong quan hệ giữa người và người. Quan niệm về hai chữ “hạnh phúc” của con người thay đổi tùy theo thời đại và hoàn cảnh sống. Trong xã hội ngày nay, đặc biệt là văn hóa truyền thống Á Đông nói chung và tại Việt Nam nói riêng, quan niệm về một gia đình hạnh phúc thường phải đi kèm những yếu tố sau:
Thứ nhất, đời sống vật chất tiện nghi đầy đủ.
Thứ hai, sự nghiệp thành đạt, có địa vị trong xã hội.
Thứ ba, mọi người trong gia đình thương yêu, hòa thuận, hiếu kính lẫn nhau.
Và điều quan trọng nhất là nhiều con nhiều cháu để nối dõi tông đường, họ tộc.
Vì ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Nho giáo, những tiêu chí này đã trở thành những giá trị để đánh giá hạnh phúc gia đình của đại đa số người dân Á Đông.
Đối với đạo Phật, ngay thuở sinh tiền, đức Thế Tôn cũng đã nhiều lần giảng dạy thật cụ thể, thực tế liên quan đến vấn đề “hạnh phúc” của cá nhân con người, “hạnh phúc” trong các mối tương quan xã hội, đặc biệt là hạnh phúc của gia đình. Ví dụ như trong bài kinh “Chân Hạnh Phúc” (Maha Mangala Sutta) do HT. Thích Thiện Châu dịch với nội dung như sau:
“Như vầy tôi nghe, một thời Thế Tôn ở tại Savatthi, trong rừng Jeta, vườn Anathapindika. Có một thiên nhân, khi đêm gần tàn, với dung sắc thù thắng chiếu khắp rừng Jeta, đi đến chỗ Thế Tôn. Sau khi đến, kính lễ Thế
Tôn, rồi đứng một bên, thiên nhân ấy nói lên bài kệ trước đức Thế Tôn như sau:
Chư thiên và loài người
Suy nghĩ về hạnh phúc
Ước mong được hạnh phúc
Chân hạnh phúc là gì?
Thế Tôn đáp kệ rằng:
Kẻ si mê nên tránh
Bậc hiền đức phải gần
Cung kính người đáng kính
Ấy là chân hạnh phúc.
Chọn nơi lành mà ở
Đời trước đã tạo phúc
Nay giữ lòng thẳng ngay
Ấy là chân hạnh phúc.
Hiểu rộng và khéo tay
Giữ tròn các giới luật
Nói những lời hòa ái
Ấy là chân hạnh phúc.
Cung dưỡng cha mẹ già
Yêu mến vợ /chồng và con
Không vương vấn phiền hà
Ấy là chân hạnh phúc.
Cho và sống đúng cách
Nên giúp đỡ bà con
Hành động không chê trách
Ấy là chân hạnh phúc.
Ngăn trừ điều ác xấu
Dứt bỏ thói rượu chè
Chuyên cần trong Chánh Đạo
Ấy là chân hạnh phúc.
Kính nhường và khiêm tốn
Biết đủ và nhớ ơn
Tùy thời học đạo lý
Ấy là chân hạnh phúc.
Nhẫn nhục vâng ý lành
Viếng thăm bậc tu hành
Tùy thời bàn luận đạo
Ấy là chân hạnh phúc.
Trong sạch và siêng năng
Suốt thông các chân lý
Thực hiện vui Niết-bàn
Ấy là chân hạnh phúc.
Tiếp xúc với thế gian
Giữ lòng không sa ngã
Không sầu nhiễm bình an
Ấy là chân hạnh phúc.
Như thế mà tu hành
Việc gì cũng thành tựu
Ở đâu cũng an lành
Ấy là chân hạnh phúc.”
Bài kinh trên chính là kim chỉ nam cho tất cả mọi người. Chúng ta cần đọc và suy ngẫm ứng dụng khéo léo sao cho phù hợp với hoàn cảnh của từng người. Chẳng hạn như trong đoạn:
Ngăn trừ điều ác xấu
Dứt bỏ thói rượu chè
Chuyên cần trong Chánh Đạo
Ấy là chân hạnh phúc.
Hạnh phúc chân thật sẽ đến với chúng ta khi chúng ta biết dứt trừ các điều ác của thân, khẩu và ý.
Đối với thân có ba việc ác cần diệt trừ: sát sinh, trộm cắp (lấy những gì không được cho), tà dâm.
Đối với miệng có bốn việc ác không nên làm: nói dối, nói lời hung ác (nói cay nghiệt), nói lưỡi đôi chiều (gieo mối bất hòa), nói thị phi (nói chuyện phiếm vô ích).
Đối với ý có ba điều ác cần tránh: tham muốn, sân hận (làm tổn hại người khác), si mê (tà kiến). Trái với mười việc ác kể trên là mười việc thiện lành mà chúng ta nên làm.
Tiếp đến chúng ta phải từ bỏ thói quen uống rượu chè, hoặc những chất gây say, chất kích thích gây nghiện như: ma túy, thuốc lá… Bởi vì rượu và các chất kích thích khác là nguyên nhân dẫn đến việc phạm phải tất cả các giới nghiêm trọng khác. Từ rượu mà đưa chúng ta vào con đường sa đọa, gia đình ly tán, bà con làng xóm bất hòa, tư cách đạo đức không còn, mất hết niềm tin ở mọi người, trí tuệ lu mờ, đời này đã khổ mà cho đến những đời sau bị đọa lạc trong ba đường ác, nếu được làm người lại chịu cảnh ngu tối bần hàn.
Vậy muốn diệt trừ những thói hư tật xấu, để đem lại hạnh phúc, thì chúng ta cần nên thực hành “Bát Chánh Đạo” (tám con đường chân chánh) đó là: quan điểm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, ý niệm chân chánh và thiền định chân chánh.
Thực hành trọn vẹn tám con đường chân chánh này thì hạnh phúc luôn hiện hữu trong ta. Đó là hạnh phúc chân thật, hạnh phúc này không phải từ trên trời rơi xuống, không phải do cầu xin thần thánh mà có được, và hạnh phúc này cũng sẽ không bị thế lực nào cản phá, không bị nước cuốn trôi, lửa không thể đốt cháy, trộm cướp không thể lấy, con cái bất hiếu không thể hủy hoại. Hạnh phúc này là hạnh phúc do chính cá nhân của mỗi người rèn luyện, hun đúc bằng trí tuệ và từ tâm mà ra, nó là tài sản vô giá có sẵn trong tự thân, mà ngay cả đức Phật cũng không thể ban tặng hay làm thay cho chúng ta được.
Ngoài ra, đức Thế Tôn cũng thường quan tâm khuyến khích các môn đồ tại gia chú trọng đến việc rèn luyện nâng cao đạo đức gia đình. Ngài luôn đề cao và chỉ dạy phương cách để cảm thông và giữ tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình hơn là chú trọng đến các vấn đề khác như tiền bạc, vật chất, danh vọng, địa vị…. Bởi chính Ngài hiểu rõ hơn ai hết về tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ đạo đức gia đình. Gia đình có tốt đẹp, xã hội mới bình an, đất nước sẽ phú cường, thịnh vượng. Vì thế trong bài kinh “Nền Tảng Đạo Đức Xã Hội” (trích Kinh Tụng Hằng Ngày do thầy Nhật Từ biên soạn, phần phụ lục 1: tóm tắt nội dung 49 bài kinh, trang 887-888) được đức Phật đề cập đến. Tóm tắt nội dung như sau:
“Nhân sự kiện một thanh niên Bà-la-môn tên là Thi-ca-la-việt đảnh lễ sáu phương vào mỗi buổi sáng mà không hiểu ý nghĩa của việc mình làm, đức Phật đã giảng dạy về các mối quan hệ đạo đức xã hội, thông qua sáu phương. Phương Đông tượng trưng cha mẹ. Phương Nam tượng trưng cho thầy cô giáo. Phương Tây tượng trưng cho đạo vợ chồng. Phương Bắc tượng trưng cho bạn bè. Phương Trên tượng trưng cho các bậc tu hành. Phương Dưới tượng trưng cho quan hệ chủ thợ.
Về quan hệ giữa cha mẹ và con cái, đức Phật dạy năm nguyên tắc đạo đức cho cha mẹ và năm nguyên tắc đạo đức cho con cái. Phàm làm cha mẹ phải thương yêu con cái theo năm nguyên tắc đạo đức: (1) ngăn chặn con làm việc ác, (2) khuyên dạy con làm việc thiện, (3) tạo dựng nghề nghiệp chân chánh cho con, (4) xây dựng gia đình xứng đáng cho con, (5) truyền trao gia tài cho con đúng thời. Ngược lại phần làm con phải đối xử với cha mẹ theo 5 cách: (1) nuôi dưỡng mẹ cha, (2) làm tròn bổn phận, (3) giữ gìn danh dự và truyền thống gia đình, (4) bảo vệ tài sản thừa tự, (5) chu toàn tang lễ cho cha mẹ.
Về đạo vợ chồng, đức Phật dạy mỗi bên cũng có năm bổn phận như nhau: (1) Chồng đối với vợ phải trọng nể vợ, (2) chung thủy với vợ, (3) tin tưởng khả năng của vợ, (4) giao quyền hạn cho vợ, (5) sắm nữ trang cho vợ. Ngược lại, người vợ phải đối xử với chồng theo năm cách: (1) làm tốt trách nhiệm, (2) cư xử tốt đối với bên nội và bên ngoại, (3) chung thủy thương yêu chồng, (4) giữ gìn và bảo quản tài sản gia đình, (5) siêng năng và khéo léo trong giao tế.
Về đạo bằng hữu, đức Phật dạy năm điều sau đây: (1) giúp đỡ bạn, (2) nói lời từ ái với bạn, (3) vì lợi ích của bạn, (4) xem bạn như mình, (5) thành thật và giữ lời hứa với bạn. Ngược lại, người bạn cũng nên đối xử với ta như sau: (1) không để bạn sa ngã, (2) không làm cho bạn sợ hãi (3) bảo vệ bạn hoạn nạn, (4) giúp bạn trong gian khó, (5) ca ngợi tánh tốt của bạn.
Về đạo chủ và người làm công, đức Phật dạy như sau. Chủ phải đối với người làm công:
(1) giao công việc đúng với khả năng và sức khỏe, (2) trả lương và tặng quà thích đáng, (3) chăm lo sức khỏe khi người làm bị bệnh, (4) chia sẻ thức ăn, (5) có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Ngược lại, người làm cũng phải đối với chủ: (1) dậy trước chủ, (2) ngủ sau chủ, (3) hài lòng với những gì chủ cho, (4) làm tốt công việc được giao, (5) giữ gìn danh giá và uy tín của chủ.
Về đạo cư sĩ và tu sĩ, đức Phật dạy người cư sĩ phải xử sự với người tu sĩ: (1-3) từ ái bằng lời nói, ý nghĩ và việc làm đối với người tu, (4) cung kính và chào đón tu sĩ, (5) cúng dường và ủng hộ tu sĩ. Ngược lại, người tu cũng đối lại: (1) khuyên cư sĩ từ bỏ ác, (2) khuyến khích cư sĩ làm việc thiện, (3) trải lòng từ ái đối với cư sĩ, (4) dạy cho cư sĩ những gì chưa được học hỏi, (5) hiệu chỉnh và thanh tịnh những gì chưa hoàn thiện ở cư sĩ, (6) chỉ dạy cho cư sĩ cách tái sanh về cõi trời.
Trên nền tảng các mối quan hệ đạo đức như vừa nêu, Kinh này được xem là giềng mối đạo đức của gia đình và xã hội.
Qua bài kinh này đức Thế Tôn đã chỉ bảo cho chúng ta hết sức tận tình về mối quan hệ đạo đức trong gia đình và xã hội. Trong bài viết này chúng ta đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ đạo đức giữa con cái đối với cha mẹ và ngược lại. Vì xét cho cùng nền tảng hạnh phúc của gia đình thành hay bại, lâu bền hay chóng vánh đều từ căn nguyên này mà ra.
Chúng ta cũng thấy rằng đức Thế Tôn phân tích rất rõ về 5 nguyên tắc đạo đức mà cha mẹ đối với con cái: (1) ngăn chặn con làm việc ác, (2) khuyên dạy con làm việc thiện, (3) tạo dựng nghề nghiệp chân chánh cho con, (4) xây dựng gia đình xứng đáng cho con, (5) truyền trao gia tài cho con đúng thời. Nếu ngày nay các bậc cha mẹ vận dụng được 5 nguyên tắc này vào việc dạy bảo con cái thì hạnh phúc và an lạc biết bao. Thế nhưng thật khó mà trọn vẹn!
Có những cha mẹ hết mực thương con, chiều chuộng cho con mọi thứ nhưng không hề tạo dựng cho con cái ý thức tự lập, tự biết cách chăm sóc bản thân, tự biết vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Ngược lại cha mẹ làm thay cho con hết tất cả, từ việc lớn đến việc nhỏ, ngay cả việc đi học thay cho con, khiến cho con cái ỷ lại không biết tự nỗ lực vươn lên. Thương con như thế là đúng hay sai? Lại nữa, có những cha mẹ chỉ biết áp đặt những “chỉ thị, mệnh lệnh” cho con mà không hề biết chia sẻ và thông cảm, hướng dẫn phương pháp để cho con định hướng được tương lai của mình. Cha mẹ hoàn toàn áp đặt cho con dựa trên truyền thống lạc hậu phong kiến gia trưởng của mình, mà không hề biết lắng nghe nguyện vọng, tâm tư tình cảm của con.
Hơn nữa, một số bậc cha mẹ vì bận rộn suốt ngày với công việc, hoặc đối tác làm ăn, v.v… mà không hề quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của con. Họ chỉ nghĩ là làm sao kiếm thật nhiều tiền, tạo dựng nhà cửa to đẹp, chạy theo danh lợi mà quên mất trách nhiệm với gia đình. Hoặc có những cha mẹ quá đam mê các công tác quần chúng, đoàn thể, hăng say đóng góp trong các công tác từ thiện xã hội, v.v… nhưng lại quên đi trách nhiệm quan trọng của mình trong gia đình, trong xã hội nhỏ của mình. Trong khi đó, con cái của họ ít nhận được sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc, hướng dẫn đúng mực từ phía cha mẹ, dần dần, nảy sinh tâm lí hướng nội, trầm mặc hoặc tâm lí hướng ngoại, buông thả tìm niềm vui bên ngoài khiến nhiều gia đình rơi vào những hoàn cảnh vô cùng thương tâm.
Như vậy, xét theo những gì đã phân tích, trên năm nguyên tắc đạo đức căn bản mà đức Phật đã dạy, chúng ta phải hiểu thêm thành những điều cụ thể nữa cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay đó là: (1) cha mẹ nên biết tôn trọng lắng nghe ý kiến và chia sẻ cùng con cái, (2) quan tâm đến sự thay đổi về tâm sinh lý của con cái, (3) đừng dùng quyền làm cha mẹ, hay quyền của người lớn mà áp đặt con cái làm theo những ý nghĩ, định kiến lạc hậu phong kiến gia trưởng của mình, (4) vận dụng và thực hành khéo léo giữa lòng từ và sự hiểu biết chân chánh để khuyên bảo và hướng dẫn con cái có được đời sống tâm linh vững chãi, (5) hãy là người bạn thân của các con. Trên đây là năm nguyên tắc mà chúng ta cần phải cân nhắc để áp dụng thêm vào việc duy trì mối quan hệ đạo đức giữa cha mẹ và con cái.
Ngày nay, cha mẹ phần đông là những người có học thức, chúng ta nên suy nghĩ cho thật chín chắn, đừng vì biên kiến cá nhân mà gây hậu quả không tốt cho con cái, đồng thời bản thân lại mang thêm nghiệp tội. Ngoài ra cha mẹ cũng nên tôn trọng ý kiến quyết định của con cái, nếu quyết định đó chưa đúng thì nên dùng lý lẽ nhẹ nhàng mà khuyên bảo. Trong xã hội ngày càng phát triển và đồng thời cũng nảy sinh nhiều vấn đề xã hội đòi hỏi tự thân mỗi cá nhân phải có ý thức tự trách nhiệm bản thân càng cao, các bậc cha mẹ nên dành thêm thời gian để quan tâm đến cách giáo dục và quan tâm con cái của mình.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, tình trạng suy đồi đạo đức của con cái đối với cha mẹ lại là một vấn nạn hết sức nghiêm trọng. Ngoài những người con có hiếu, thâm hiểu Phật pháp, biết khuyên bảo và hướng thiện cho cha mẹ Quy y Tam bảo, niệm Phật làm lành thì hầu hết những người còn lại chỉ biết đến tiền bạc, gia đình riêng (nếu đã kết hôn), danh vọng địa vị mà quên đi bổn phận của mình đối với cha mẹ hoặc có chăng họ chỉ biết cung phụng cho mẹ tiền bạc, tiện nghi cuộc sống mà không hề biết cha mẹ đang nghĩ gì, đang cần gì, họ mãi chạy theo tiếng gọi của lợi danh mà không còn nhớ đến câu “thâm ân dưỡng dục”. Thậm chí có những người con hư đốn đã không phụng dưỡng lại còn đục khoét, đánh đập, thậm chí giết chết cha mẹ chỉ vì vài chỉ vàng, vài mét đất hoặc vài trăm bạc…
Lại có những người quan niệm rằng làm thật nhiều tiền để lo cho cha mẹ lúc tuổi già, nhưng họ đâu biết cái gì sẽ theo cha mẹ họ về bên kia cửa tử. Tiền bạc ư? Con cháu ư? Hay nhà cao quyền trọng ư? Không! Tất cả sẽ ở lại thế gian này, ngay cả cái hình hài mà họ cho đó là mẹ là cha của họ cũng thế, bởi vì nó là tài sản của thế gian, thì dĩ nhiên là phải trả lại cho thế gian, không ai được mang theo dù chỉ là một hạt bụi. Vậy thì chúng ta phải làm sao đây? Duy nhất chỉ có một con đường đó là hướng cho cha mẹ quay về với Phật pháp, Quy y Tam bảo, vì nếu biết quay về với Phật pháp tức là quay về với chân tâm thanh tịnh của mỗi người, mà cái chân tâm thanh tịnh này là bất biến, nó mới thực sự là tài sản của chúng ta khi chết sẽ mang theo, nếu chưa quay về với Phật pháp thì chưa tìm thấy chân tâm, mà chưa tìm thấy chân tâm thì chân tâm sẽ bị ba con quỷ “tham, sân, si” lôi kéo và dẫn đi vào cảnh giới của đau khổ luân hồi. Ngược lại nếu tìm thấy chân tâm, hàng phục được ba con quỷ dữ kia thì cuộc sống sẽ an lành, xán lạn. Đây chính là phương pháp mà những người con chí hiếu cần nên thực hành.
Làm đẹp lòng cha mẹ không phải chỉ biết vâng lời, kính yêu phụng dưỡng mà còn phải biết can gián, ngăn ngừa những ý nghĩ, hành động, lời nói không tốt của cha mẹ. Liệu tiền muôn bạc vạn, nhà cao cửa rộng có thể mua được ba con quỷ “tham, sân, si” ra khỏi cha mẹ của chúng ta không? Hay chúng ta chỉ biết cung phụng để làm tác nhân gây nên những tham muốn, ích kỷ, bỏn xẻn, sân hận, tà kiến ngày càng lớn dần trong tâm của cha mẹ chúng ta. Đạo làm con cần nên suy nghĩ điều này?
Phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn truyền thống gia đình, nhưng không thể đi ngược lại với cái thiện, không gây tổn hại cho những người khác. Và không nên lạm dụng quyền hạn của bậc gia trưởng mà buộc người khác phải tuân theo “mệnh lệnh chỉ thị” sai lầm của mình.
An táng cho cha mẹ khi quá vãng là một việc cần nên làm. Nhưng phải làm như thế nào? Hiện nay nhiều người con xem việc tổ chức tang lễ cho cha mẹ mình lúc qua đời không khác gì một hình thức kinh doanh trá hình, nhằm trục lợi hoặc có những người con quanh năm suốt tháng không hề quan tâm đến cha mẹ, nhưng khi cha mẹ chết thì lại tổ chức cúng tế linh đình, kèn ta, kèn tây, xây mồ to mả đẹp nhằm phô trương cho mọi người biết mình là con có hiếu.
Vậy nên chúng ta hãy chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ chúng ta ngay khi họ còn tại thế, đừng để đến khi cha mẹ mất mới cảm thấy hối tiếc, có muốn phụng dưỡng thì cũng không còn kịp nữa.
Việc ma chay tống táng nên tổ chức theo hoàn cảnh gia đình. Nếu là Phật tử tu học Phật pháp thì nên tổ chức theo nghi lễ Phật giáo, tiết kiệm, nhẹ nhàng nhưng không kém phần trang nghiêm, tránh những thủ tục lạc hậu tiêu phí tiền của dẫn đến việc phải vay mượn.
Như vậy, theo hoàn cảnh hiện nay chúng ta cũng cần phải đưa ra thêm những nguyên tắc đạo đức dành cho con cái đối với cha mẹ như sau: (1) phụng dưỡng chăm lo cho cha mẹ ngay lúc còn sống, (2) can gián, khuyên bảo cha mẹ nếu cha mẹ có những điều bất thiện xuất phát từ thân khẩu ý, (3) luôn thể hiện thái độ khiêm cung, lễ phép làm đẹp lòng cha mẹ mặc dù mình đã lớn tuổi, (4) hướng dẫn cha mẹ biết quy y Tam bảo, niệm Phật làm lành lánh dữ, (5) không nên buồn rầu than khóc khi cha mẹ qua đời, hãy làm mọi điều lành hồi hướng công đức cầu nguyện cha mẹ được siêu thoát. Đây là năm điều bổ sung cũng như làm sáng tỏ hơn vai trò trách nhiệm cao cả của người con đối với cha mẹ trong thời đại mới này.
Tóm lại, hạnh phúc gia đình là nhân tố quan trọng để xây dựng nên một xã hội tốt đẹp. Vì thế việc “Phật hóa gia đình” là việc làm hết sức cần thiết. Muốn vậy mỗi thành viên trong gia đình hãy nỗ lực hết mình nghiên cứu và thực hành giáo lý Phật dạy, có lối sống đạo đức tốt đẹp làm mô phạm cho những thành viên khác, trong đó cha mẹ làm gương cho con cháu và ngược lại. Đồng thời các bậc cha mẹ cũng nên cởi mở tư tưởng, học hỏi những điều bổ ích từ con cháu. Động viên tương trợ lẫn nhau trong việc xây dựng quan hệ đạo đức gia đình trên tinh thần “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” trong đạo Phật. Tích cực xây dựng gia đình lành mạnh, làm gương sáng cho cộng đồng xã hội chung quanh.
(Tập san Pháp Luân, số 64)