Chân Như Là Trung Đạo
Nguyễn Thế Đăng
Trong Trung luận hay Trung đạo luận hay Trung quán luận (Mulamadhyamakakarika, Căn bản Trung luận tụng), bản văn căn bản của ngài Long Thọ, mở đầu cho các đệ tử về sau lập thành Trung quán tông (Madhyamaka) chuyên giảng về tánh Không. Chẳng hạn như Nguyệt Xứng với Nhập trung luận, Trung đạo Bát nhã luận… Suốt cả Trung luận chỉ một lần nói đến chữ Trung hay (trung đạo).
Chúng nhân duyên sinh pháp
Ngã thuyết tức thị Không
Diệc vi thị Giả danh
Diệc thị Trung đạo nghĩa.
(Trung luận XXIV,18)
Pháp do các nhân duyên sanh
Ta nói tức là Không
Đó cũng là Giả danh
Cũng là nghĩa Trung đạo.
“We state that whatever is dependent arising. That is Emptiness. That is dependent upon convention. That itself is Middle path” (David J. Kalupahana dịch, trong cuốn The Philosophy of the Middle Way).
Trong 27 chương của Trung luận chỉ một lần nói đến Trung hay Trung đạo trong câu trên. Không, Giả (giả danh), Trung (Trung đạo) là ba phạm trù dùng để chỉ Thực Tại.
Trung luận của ngài Long Thọ (khoảng năm 150-250) có sau sự xuất hiện của các Kinh Bát nhã ba la mật (xuất hiện từ năm 50 trở đi), cho nên có thể nói rằng Luận của ngài Long Thọ dựa trên hệ thống Kinh Bát nhã ba la mật chuyên giảng về tánh Không. Ngài được xem là tác giả của bộ Luận Đại Trí Độ độ, giảng trọn bộ Kinh Đại Bát Nhã (Cưu Ma La Thập dịch). Theo sự phân định của Phật giáo Ấn - Tạng, hệ thống Kinh Bát nhã ba la mật là thời kỳ thuyết pháp thứ hai của Đức Phật (thời kỳ thứ ba là Kinh Pháp Hoa, Kinh Đại Bát Niết Bàn… là những Kinh giảng về Phật tánh, bản tánh của tâm). Thế nên để tìm nghĩa của chữ Trung, chúng ta cần tìm trong Kinh, vì Luận là dựa trên Kinh để thành lập.
Trong bài kệ tán thán Phật, mở đầu Trung luận, ngài Long Thọ đã tóm tắt toàn bộ cuốn Luận: vì tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh, nên không có tự tánh, vô tự tánh, cho nên là tánh Không.
Chẳng sanh cũng chẳng diệt
Chẳng thường cũng chẳng đoạn
Chẳng một cũng chẳng khác
Chẳng đến cũng chẳng đi.
Tôi kính lễ lạy Phật
Vị thuyết giảng nhân duyên
Khéo diệt các hý luận
Bậc nhất trong các thuyết.
Không, hay tánh Không, được nói đến nhiều lần trong Luận. Chẳng hạn:
Hư dối vọng chấp thủ
Trong ấy có gì thủ
Phật nói sự như thế
Muốn khai thị nghĩa Không
XIII, 2
Các pháp có khác nhau
Biết đều vô tự tánh
Pháp vô tánh cũng không có
Nên tất cả pháp Không
XIII, 3
Nơi vô thường chấp thường
Đó gọi là điên đảo
Trong Không, không có thường
Chỗ nào có (điên) đảo thường?
XXIII, 13
Do vì có nghĩa Không
Tất cả pháp được thành
Nếu không có nghĩa Không
Tất cả ắt chẳng thành.
XXIV, 14.
Luận cũng nói những tính cách của tánh Không như vô sanh, vô tự tánh, bất khả đắc, vô sở hữu…
Các pháp chẳng tự sanh
Cũng chẳng từ cái khác sanh
Chẳng phải cùng cả hai, chẳng phải không có nhân
Thế nên biết là vô sanh.
Trung luận I, 1
Về phạm trù Giả danh, Luận nhiều lần nói đến như huyễn như mộng…
Không ắt chẳng thể nói
Chẳng Không, chẳng thể nói
Cùng (cả hai) chẳng cùng (cả hai), chẳng thể nói
Chỉ theo giả danh mà nói.
XXII, 11
Sắc, thanh, hương, vị, xúc
Và pháp là sáu thứ
Đều Không, như sóng nắng, như mộng
Như thành Càn thát bà.
Trong sáu thứ như vậy
Nào có tịnh, bất tịnh.
Giống như người huyễn hóa
Cũng như bóng trong gương.
XXIII, 8, 9.
Hai phạm trù Không và Giả và những tính cách của chúng trong Trung luận đều có trong các bộ Bát nhã ba la mật. Nhưng phạm trù Trung, Trung đạo không thấy được giảng nghĩa trong Trung luận.
Nhưng Trung luận là gì? Trung có phải là một phạm trù riêng biệt với Không và Giả, hay Trung là Không và Giả? Không và Giả hợp lại tức là Trung? Nếu Trung luận chỉ chuyên dạy về tánh Không, tại sao không được đặt nhan đề là Không luận mà lại đặt nhan đề tên là Trung luận?
Trong Hồi tránh luận (Vigrahavyavartanikarika) phần kết của Luận là câu 70:
Không tự thể, nhân duyên
Tam nhất, Trung đạo thuyết
Ngã quy mạng lễ bỉ
Vô thượng đại trí huệ
70
Không tự thể, Nhân Duyên
Trung Đạo, ba là một
Con quy mạng lễ Ngài
Đại trí huệ vô thượng
“I venerate the incompanable Buddha, who taught Emptiness, Dependent Origination and the Middle Way as one thing”.
Như thế Trung là một trong ba phạm trù Không, Giả, Trung hay Không, Duyên khởi, Trung. Nếu như Không, Giả nghiêng về phủ định thì chính trong Trung luận có những đoạn nghiêng về xác định, như một đặc tính của Đại thừa:
19. Niết bàn và thế gian
Không có chút phân biệt
Thế gian cùng Niết bàn
Cũng không chút phân biệt
20. Thực tế của niết bàn
Cùng với tế thế gian
Hai tế ấy như vậy
Không mảy may sai biệt
(Quán Niết bàn, XXV)
Thực tế, tế có thể dịch là thực tại, với nguyên nghĩa tiếng Sanskrit là “biên giới”. Biên giới của sanh tử cũng là biên giới của Niết bàn. Nói cách khác, sanh tử và Niết bàn trùng khít nhau, không hai, không khác.
Trong Trung luận, nhiều lần ngài Long Thọ nói đến “thật tướng”, và theo các học giả ngài đã khá nhiều lần trích dẫn Kinh Pháp Hoa, mà Kinh này thường nói đến “thật tướng của tất cả các pháp”.
7. Chư pháp thật tướng giả
Tâm hành ngôn ngữ đoạn
Vô sinh diệc vô diệt
Tịch diệt như Niết bàn
8. Nhất thiết thật, phi thật
Diệc thật diệc phi thật
Phi thật, phi phi thật
Thị danh chư phật pháp
9. Tự tri bất tùy tha
Tịch diệt vô hý luận
Vô dị vô phân biệt
Thị tắc danh thật tướng.
10. Nhược pháp tùng duyên sanh
Bất tức bất dị nhân
Thị cố danh thật tướng
Bất đoạn diệc bất thường.
7. Thật tướng của các pháp
Tâm hành ngôn ngữ dứt
Không sanh cũng không diệt
Tịch diệt như Niết bàn.
8. Tất cả pháp đều thật, đều chẳng thật
Cũng thật cũng chẳng thật
Chẳng thật, chẳng phải chẳng thật
Đó là pháp chư Phật.
9. Tự biết không theo người
Tịch diệt không hý luận
Không khác, không phân biệt
Đó gọi là thật tướng.
10. Nếu pháp từ duyên sanh
Chẳng tức, chẳng khác nhân
Nên gọi là thật tướng
Chẳng đoạn cũng chẳng thường.
Chữ thật tướng này là dharmata (true nature, thật tánh), cũng được dịch từ tattvasyalaksanam (the characteristic of truth, tướng của chân lý, thật tướng).
Thật tướng ấy được nói là “vị cam lồ”, một thực thể con người có thể kinh nghiệm được chứ không phải không có gì, trong câu kệ tiếp theo:
11. Bất nhất diệc bất dị
Bất thường diệc bất đoạn
Thị danh chư Thế Tôn
Giáo hóa cam lộ vị.
Chẳng một cũng chẳng khác
Chẳng thường cũng chẳng đoạn
Gọi là vị cam lồ
Chư Thế Tôn giáo hóa.
Trong Kinh Pháp Hoa, “thật tướng của các pháp” được Đức Phật chỉ dạy là “Mười Như Thị”:
“Pháp khó hiểu hy hữu đệ nhất mà Phật thành tựu ấy, chỉ Phật cùng Phật mới có thể thấu suốt tận cùng thật tướng của các pháp. Đó là các pháp: tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, đầu cuối rốt ráo như vậy” (Phẩm Phương Tiện, thứ 2)
Mười Như Thị, Mười Như Vậy để nói lên tướng Như, tánh Như, Chân Như của tất cả các pháp. Kinh Đại Bát Nhã, mà Trung luận dựa vào đó để luận giảng, có hai phẩm chủ yếu nói về tánh Như, là phẩm Phật Mẫu và phẩm Đại Như.
“Đức Phật biết rõ chúng sanh tướng Như, ngũ ấm tướng Như, các hành tướng Như… Chư Phật tướng Như đều là tướng Nhất Như, chẳng hai chẳng khác, chẳng tận chẳng hoại. Đây gọi là tất cả pháp tướng Như… Đức Phật biết rõ tất cả pháp tướng Như, chẳng riêng khác, chẳng phải chẳng Như. Vì đắc tướng Như như vậy nên Phật được gọi là Như Lai”.
Ba phạm trù chính của các Kinh Bát nhã ba la mật là Không, Giả (như huyễn) và Như. Ba phạm trù của Trung luận là Không, Giả, và Trung. Qua bài này, có thể kết luận rằng Trung chính là Như.
Điều này có thể được thấy rõ thêm khi Kinh Luận không chỉ nói Không mà nói Không – Bất Không như Luận Đại Thừa khởi tính và Kinh Đại Bát Niết Bàn. Đại sư Trí Giả (538-597), sơ tổ tông Thiên Thai, cũng chia thành Không, Giả, Trung và Trung được gọi là Trung đạo đệ nhất nghĩa đế.
Và chính vì Trung là Chân Như nên Trung đạo tông hay Không tông có cùng mục đích với Duy thức tông hay Du già hành tông khi cả hai đều nhắm đến Chân Như (xem Thành duy thức luận của Bồ tát Thế Thân).
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng