Một Góc Nhìn Đạo Đức Học Phật Giáo Từ Tứ Nhiếp Pháp
Thích Nữ Huệ Thùy
Tóm tắt: Đạo đức học Phật giáo là một hệ giá trị bền vững cùng năm tháng, xuất phát từ tuệ nhãn của bậc Thiện Thệ hơn hai nghìn sáu trăm năm trước. Trong đó, Tứ Nhiếp pháp (Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự) quy định mẫu hình ứng xử giữa người với người trong xã hội. Tuân theo Tứ Nhiếp pháp, chúng ta sẽ gặt hái được mối quan hệ chân thành, bình đẳng và hướng thượng, giúp hóa giải nỗi đau khổ trong thế giới ngày nay.
DẪN NHẬP
Ngày nay, phương tiện truyền thông phát triển vừa giúp con người mở rộng khả năng nhận thức thế giới, tạo cơ hội giao tiếp, hợp tác lẫn nhau, vừa hàm chứa nguy cơ mối quan hệ cá nhân với cộng đồng trở nên lỏng lẻo hơn. Khi điều này suy yếu, tâm lý cô đơn hình thành trong con người, dần dần sinh ra thái độ thờ ơ, dửng dưng trước nỗi đau khổ hay hạnh phúc của người khác. Chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng đang làm tha hóa một số người. Thặng dư vật chất phát triển nhanh chóng còn sự thăng tiến tâm linh lại rất chậm chạp. Bên cạnh đó, còn xuất hiện thái độ đòi hỏi lợi ích hơn là hy sinh, muốn hưởng thụ hơn đóng góp. Rõ ràng, nguy cơ suy giảm đạo đức đã hiện hữu và chúng ta cần có trách nhiệm với nhân loại, hướng đến đời sống hòa bình, an lạc. Để thực hiện những sứ mệnh thiêng liêng ấy, không gì hơn chúng ta sống và hành theo lời Phật dạy, cụ thể là Tứ Nhiếp pháp. Lợi ích hành trì pháp này giúp ta tu dưỡng đạo đức, tâm linh trưởng dưỡng tinh thần từ bi, thương yêu và hướng đến chân giá trị cộng đồng.
NHÌN NHẬN CHUNG VỀ ĐẠO ĐỨC
Đạo đức là khái niệm dùng để chỉ nhân cách con người, những nguyên lý chế ngự và ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cá nhân, từ đó chúng ta biết hòa điệu giữa tự thân và tha nhân, gia đình và xã hội. Đạo đức hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của cộng đồng nhằm duy trì trật tự, hướng cộng đồng đến chân thiện mỹ, bảo vệ sự sống và bản sắc. Theo Graw Hill Book, “đạo đức là môn học đánh giá các hành vi thiện ác của con người biểu hiện qua thân lời và ý và được thực hiện bởi lí trí, tình cảm và ý chí”.
Bài viết Chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam hiện nay của Viện Khoa học xã hội định nghĩa như sau: “Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội bao gồm: những nguyên tắc, quy tắc, và chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của mình và sự tiến bộ xã hội trong mối quan hệ giữa người và người” [1]. Còn Từ điển Đào Duy Anh giải thích: “Nguyên lý tự nhiên là đạo, được vào lòng người là đức. Cái pháp lý người ta nên noi theo” [2].
Từ những định nghĩa trên, có thể nói, đạo đức là những khuynh hướng tốt phát xuất từ những lời nói hành vi bên ngoài khiến mọi người cảm thấy an lạc, lợi ích, là những vấn đề liên hệ đến giá trị tốt xấu, thiện ác của đời sống biểu hiện qua những hình thức khác nhau như: lương tâm, trách nhiệm, bổn phận… Đạo đức hình thành tự phát bởi nhu cầu và lợi ích xã hội được mọi người chấp nhận.
Đạo đức Phật giáo được xây dựng trên cơ sở hệ thống giáo lý, đó là mối quan hệ giữa Giới – Định – Tuệ đi đến hoàn thiện bản chất con người và đạt được giải thoát. Cuộc sống đang tồn tại vô vàn các mối liên hệ đan xen, mọi quan hệ xã hội nhân bản và bình đẳng đều có giá trị đạo đức. Ở đâu có đạo đức, ở đó có hạnh phúc. Đạo đức và hạnh phúc tồn tại song song, không thể tách rời. Tư tưởng từ, bi, hỷ, xả, cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo vẫn đang được nhân loại tiếp thu và phát huy trong đời sống xã hội. Những quy tắc đạo đức Phật giáo có nét tương đồng với các quy tắc, chuẩn mực của đạo đức xã hội, vẫn đang được nhân loại tin theo và khuyến khích phát huy, trong đó hết sức cần thiết là Tứ Nhiếp pháp.
TỨ NHIẾP PHÁP
Tứ nhiếp pháp hiểu là các phương pháp để nhiếp hoá, cảm hóa chúng sanh, hướng dẫn chúng sanh trên con đường phước thiện, đạo đức, sống để người khác thương yêu và mình cũng thương yêu người. Trong Tăng Chi bộ Kinh, Đức Phật dạy về Tứ nhiếp pháp gồm: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự. Bốn phương pháp này không chỉ áp dụng cho mỗi cá nhân mà còn đúng cho cả những tập thể.
Bố thí
Ngày nay việc bố thí là một nghĩa cử cao đẹp, nhằm hướng con người đến giá trị tối thượng. Bố thí không chỉ mang đến cho chúng ta niềm vui, mà còn giúp tha nhân vơi bớt đi nỗi khổ niềm đau. Ít nhiều họ sẽ cảm thấn an ủi, hơn nữa chính nhờ sự bố thí trong lúc cần thiết nhất đưa con người ra khỏi những hệ lụy, ngờ vực, làm tiền đề cho sự thành tựu sau này. Bố thí giúp chúng ta mỗi ngày tăng trưởng được tâm thiện lành, nhìn thấu cuộc đời và hiểu hơn về những thân phận bạt bèo trong kiếp nhân sinh.
Bố thí không chỉ mang tặng vật chất trên hình thức mà hơn thế nữa chính là dẫn dắt tha nhân có được định hướng trong cuộc sống, thấy được sự mầu nhiệm trên đường đạo chơn chánh, lập chí nguyện về cứu cánh Vô thượng đạo Bồ đề, hiểu bản chất cuộc đời là huyễn hóa hư không. Bố thí còn là phương pháp truyền trao cho người thoát khổ, khi hiểu cuộc đời là vô thường, chúng ta tâm niệm rằng phải hoàn tất cuộc đời với một sự chân thành nhất, để hy sinh, phục vụ cho đời trọn vẹn. Vì vô úy thí, chính là sự kiên định, vững vàng của chính mình mà giúp tha nhân đi trên con đường một cách an nhiên, tự tại, hình thành nên nội lực mạnh mẽ vô úy. Điều đó cũng có công năng như việc giữ giới trong sạch. Đấy là duy trì một lối sống đạo đức, thiện lành, nỗ lực kiêng tránh những điều bất thiện từ ý, khẩu, thân.
Ái ngữ và Lợi hành
Pháp Ái ngữ cũng chính là đem lại sự dễ chịu, nhẹ nhàng cho người khác. Ái ngữ là dùng những lời nói yêu thương, nhu hòa khiến người nghe luôn dễ chịu, an ổn, không đau buồn, thương tổn. Một lời nói ra tuy dễ dàng, nhưng có thể khiến người nghe lại đau thương suốt từng năm, từng tháng. Cổ nhân nhắc: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” chính là nhắc nhở mình một khi nói ra lời nào cũng đều phải suy nghĩ thật kĩ, vì lời nói tuy nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa biết bao thâm sâu, khiến người nghe khổ đau qua từng ngày từng tháng. Như khi chúng ta đi thăm bệnh, lúc họ đang đau đớn chiến đấu với cái đau thể xác, thì không nên trách họ là tại bạn ăn uống, thức khuya, hay nhịn ăn mà dẫn đến hậu quả thế này. Thay vào đó, bằng những lời ủi an, khuyến khích, mong cầu cho họ khỏe mạnh, bệnh tật sớm qua. Cùng là lời nói, ai trong chúng ta cũng thích người khác đối xử với mình dịu dàng, hòa nhã. Vậy chính mình cần làm thế nào để người khác cảm nhận lại như thế.
Bố thí chính là đem trao tặng niềm vui, sự ủi an, chia sẻ cho người khác. Ái ngữ là dùng lời nói dịu dàng, nhu hòa mà khiến cho người có được sự dễ chịu, tăng trưởng mối qua hệ và cùng nhau huân tập những giá trị cao thượng. Từ đó, giữa mình và người tăng trưởng được thiện căn, vì mình đem đến an lạc cho người và người cũng cảm thấy an lạc. “Trên tất cả sự cứu giúp bằng lợi hành, là dẫn người ra khỏi đường ác, để không sa đọa vào cảnh khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nói cách khác, người ít tịnh tín, ta khuyến khích tăng trưởng tín. Người hay phá giới, ta tìm phương tiện ngăn chặn không để người sa ngã. Người xan tham keo kiệt ta khuyến khích cho thấy ích lợi của thí xả” [3]. Chúng ta khi thực hành pháp này biểu hiện qua thân khẩu ý, hướng đến những gì không có tội, không có tội nghĩa là không có hại, không có hại nghĩa là có lạc báo. Có lạc báo nghĩa là hành động gì không đưa đến hại mình, hại người, hại cả hai, thuộc về lãnh vực tinh thần.
Đồng sự
Cuộc sống có nhiều khó khăn, bất như ý, ai trong chúng ta cũng cần cầu có được sự yêu thương, san sẻ để cuộc sống trở nên có ý nghĩa và giá trị hơn. Vì thế, việc luôn đặt mình vào suy nghĩ hay hoàn cảnh sống của người khác, chính là phần nào giúp họ có được sự cảm thông, yêu thương. Chúng ta mỗi ngày phải luôn trau dồi tâm từ bi, sự bao dung đi vào cuộc đời này với tất cả chí nguyện vì cứu độ chúng sanh, đem sự an lạc bình an đến mọi người trên tinh thần không phân biệt, thương và thấu cảm được với người. Trong kinh, Đức Phật dạy: “A-nan, ông xem Như Lai, khi xưa tu hạnh lành, bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự; dùng căn lành này thâu giữ chúng sinh chẳng có phân biệt, đây là cha ta, đây là mẹ ta, anh em ta, chị em ta, bạn bè thân thích của ta. A-nan, ta đối với chúng sinh chỉ có một vị bình đẳng, tâm không phân biệt sai khác” [4]. Việc chúng ta và người cùng bước đi trên hành trình hoàn thiện giá trị đạo đức, nhân cách của con người là để góp phần tạo nên sự phát triển cho nhân loại, mỗi người sống biết nghĩ về nhau, cảm thông chia sẻ. Có như vậy, cuộc sống mới thêm ý nghĩa hơn, mình và người cùng đạt được hạnh phúc, giúp ích cho xã hội này: “Đồng sự cao cả nhất là cùng đồng đẳng mục đích” [5].
Pháp tu Tứ nhiếp nhằm đem lại giá trị đạo đức trong mỗi người, hướng đến đời sống cao thượng, chánh đẳng chánh giác. Thực hành pháp này chính là chúng ta luôn tâm niệm ở ngay tại thân, khẩu, ý, luôn có sự tỉnh thức và vì nghĩ đến tha nhân. Như sứ mệnh của một vị Bồ tát, hành giả luôn biết lắng nghe, từ đó dùng trái tim yêu thương, từ bi của mình mà cứu giúp người thoát khỏi những khổ đau, ngờ vực. Thực hành bốn pháp ấy cũng chính là giúp chúng ta nuôi dưỡng tâm mình mỗi ngày thêm tăng trưởng thiện lành, như pháp Bố thí không chỉ phát triển lòng từ bi nơi chính mình mà còn giúp con người cảm thấy an lạc, không mặc cảm, thấy được sự san sẻ giữa người với người trong cuộc sống. Bốn pháp tu này có mối tương duyên lẫn nhau mà thành tựu được chí nguyện hướng đến giải thoát cho mình và người. Vì vậy, Kinh Du Già Bồ tát Giới (Bản dịch của HT. Tuệ Sỹ) có nói: “Trong các đệ tử tại gia hành bốn nhiếp sự để duy trì đoàn kết đại chúng, không phải duy chỉ Thủ Trưởng giả, mà những đệ tử tại gia nổi tiếng như Cấp Cô Độc, Úc-già, Chất-đa, Pháp Dữ, và Tì-xá-khư; bảy vị này đều được nói là thủ chúng một chúng hội đông đảo và duy trì sự đoàn kết bằng bốn nhiếp sự”, và “Bốn nhiếp pháp là Tịnh độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sanh nào được tiếp thọ bởi giải thoát sẽ tái sinh vào đó”.
TẠM KẾT
Đạo đức Phật giáo hướng con người đến cuộc sống chân thiện mỹ bằng những triết lý đi vào đời sống mang tinh thần vị tha, bình đẳng, bác ái. Điều này minh chứng qua sự đóng góp tích cực trong việc xây dựng một nền tảng giá trị đạo đức truyền thống và tinh thần từ bi, hỷ, xả, cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo. Quy tắc đạo đức Phật giáo có những nét tương đồng với các quy tắc, chuẩn mực của nền đạo đức xã hội, đang được nhiều người tin theo và khuyến khích phát huy. Đạo đức Phật giáo là những quy tắc mà xã hội nào cũng rất cần đến để duy trì một nền đạo đức, một nếp sống lành mạnh và hạnh phúc. Còn Tứ Nhiếp pháp chính là phương pháp khéo léo giúp mình và người hoàn thiện đạo đức một cách hiệu quả. Tình yêu thương hướng con người đến với chánh pháp mầu nhiệm, đạt được lợi lạc, chân thiện mỹ của đạo, xây dựng cuộc sống ấm áp.
Chú thích:
* SC. Thích Nữ Huệ Thùy, Học viên Cao học tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.
[1] Thích Viên Trí, Tài liệu tham khảo bài giảng Đạo đức Phật giáo nguyên thủy.
[2] Đào Duy Anh (1998), tr.251.
[3] Tuệ sỹ (2010), Bodhisattvabhūmāv adhāre yogasthāne daśamaṁ Śīlapaṭalam, Du Già Bồ-tát giới, Nxb. Phương Đông, tr.30.
[4] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 49 – Bộ Niết Bàn III – Số 376 đến 396, Kinh Đại Bi – Quyển V – Phẩm 13: Trồng Căn Lành, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn (Đài Loan), 2000, tr. 488.
[5] Tuệ Sỹ (2010), Bodhisattvabhūmāv adhāre yogasthāne daśamaṁ Śīlapaṭalam, Du Già Bồ-tát giới, Nxb. Phương Đông, tr.30.
(Trích từ Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 404)
- Tag :
- Thích Nữ Huệ Thùy