Chân lý Phật, vừa giản dị vừa rất thâm sâu. Vì thế, Đức Phật đã mượn những câu chuyện dụ ngôn, gắn với hình ảnh của sự vật cụ thể mà rất quen thuộc trong đời sống, khi nói ra ai cũng biết, nhằm lột tả những giá trị chân lý mà Ngài thuyết giảng, để giúp cho tất cả chúng ta dễ dàng hiểu sâu được chân lý đó. Vì thế, trong kinh điển có rất nhiều những dụ ngôn hay ngụ ngôn được Ngài mô tả để làm thí dụ, trong đó có dụ ngôn “Nắm lá trong tay và lá trong rừng”. Xuất xứ dụ ngôn này nằm trong Pali tạng, thuộc Kinh Tương Ưng bộ V, chương 12, phẩm Rừng Simsàpa; còn trong Hán tạng, thuộc Kinh Tạp A Hàm, Kinh 404. Thân Thứ.
Trong một buổi dừng chân tại rừng Simsàpa, thuộc nước Kosambi. Lúc đó, Đức Phật nhặt một nắm lá Simsàpa và hỏi các đệ tử: Nắm lá trong tay Ta nhiều hay ít hơn lá trong khu rừng này? Các Tỳ kheo đáp: Lá trong tay Thế Tôn ít rất nhiều lần so với lá trong khu rừng này.
Đức Phật nói: Đúng thế “Những gì Ta biết rõ bằng trí tuệ, giảng dạy dưới hình thức chân lý cho các thầy thật ra chỉ là những chiếc lá có trong lòng bàn tay thôi. Trong khi đó nguồn trí tuệ mà Ta biết, chứng ngộ, thấu hiểu nhiều như là những chiếc lá trong rừng này. Thế nhưng tại sao bao nhiêu năm qua Ta lại không thuyết giảng những điều ấy? Bởi vì những điều ấy chẳng liên quan gì đến mục đích, đến căn bản của đời sống Thánh thiện. Không đưa đến sự viễn ly tham ái, kết thúc sầu bi, hướng đến an tịnh và giải thoát” [1]. Do đó, khi Tôn giả Malunkyaputta hỏi Thế Tôn về những nghi vấn rằng: “Thế giới này là thường hay vô thường, thế giới là hữu biên hay vô biên, sinh mạng và thân này là một hay khác, Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết,…” [2]. Thế Tôn đã không trả lời, bỏ qua một bên những điều ấy, những gì không phải là căn bản của phạm hạnh, lợi ích khi quỹ thời gian kiếp người ngắn ngủi, thì Ngài không dành nhiều thời gian cho những vấn đề đó, mà Ngài dành thời gian cho những điều thiết yếu, giúp mọi người áp dụng chân lý đó mà sống hạnh phúc trong đời.
Vì thế, khi hướng dẫn chân lý Đức Phật đã có sự chọn lọc những gì cần thuyết giảng, nhằm mang lại sự khai mở tri thức “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến” [3], hướng đến đạo đức, đạt được an vui; cũng như “Mục đích của Đạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi loài; nhưng phải là người có trí mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc. Và chỉ có trí tuệ (paññā) mới là phương tiện duy nhất đưa loài người đến bờ giải thoát và giác ngộ” [4]. Còn những nguồn trí thức hiểu biết khác Ngài không cần thiết phải nêu ra. Do đó, là người con Phật chúng ta nên học theo phong cách truyền bá của Đức Phật, cái gì thật sự có ích cho mọi người, chúng ta nên tình nguyện không mệt mỏi để trở thành một truyền thông viên cho các giá trị đó “Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.” [5].
Trong suốt 49 năm thuyết pháp, Đức Phật đã để lại 84.000 pháp môn tu, một con số ví von cho sự đa dạng vô cùng trong giáo huấn của Ngài. Như vậy, làm phép so sánh nhỏ, 84.000 pháp môn ấy chỉ là “Nắm lá trong tay”, trong khi đó nguồn tuệ giác mà Đức Phật khai thác được như là lá trong rừng, tỷ lệ đó lớn hơn gấp nhiều lần. Điều đó cho thấy, Đức Phật luôn ưu tiên nói những gì cần thiết, có lợi ích cho cuộc sống của con người. Do đó, ứng dụng vào cuộc sống, chúng ta cũng nên học theo cách của Đức Phật rằng đặt ra đâu là ưu tiên. Những gì cần phải đầu tư làm cho ưu tiên thì chúng ta không nên chần chừ, mà phải thực hiện việc đó ngay và luôn, đừng nên giống như một người bị bắn bởi mũi tên có tẩm độc. Bạn bè, bà con mời y sĩ đến trị thương nhưng người ấy nói: “Tôi sẽ không rút mũi tên ra nếu chưa biết rõ dòng tộc, tên họ, hình dáng, nơi ở của người bắn; tôi sẽ không rút mũi tên ra nếu chưa biết cung tên được làm bằng chất liệu và cấu tạo thế nào? Tẩm chất độc gì?…” [6]. Kết quả, người ấy sẽ chết mà vẫn không biết được gì. Vì thế, khi một người bị trúng tên, việc cần thiết là phải nhổ mũi tên ra khỏi cơ thể để tránh tử vong. Sau khi chữa lành vết thương rồi tìm hiểu về nguồn gốc của mũi tên đó cũng chẳng muộn gì.
Cho nên, cần ưu tiên cho những cái quan trọng bằng cách đổ dồn hết tâm sức của mình với phương pháp đúng, để chúng ta có cơ hội biến ước mơ trở thành hiện thực. Và trong khi làm việc, giao tiếp với xã hội phải biết chọn lọc những tinh hoa, cốt tủy như “Người vào trong rừng đem lõi cây về, chớ đừng đem cành cây, lá cây và vỏ cây” [7]. Thực hiện được như vậy, chúng ta sẽ được đánh giá cao và trở nên có giá trị trong cuộc sống. Vì thế, cái gì thật sự có lợi ích và mang lại những giá trị hướng đến sự hạnh phúc, chấm dứt khổ đau thì cái đó được Đức Phật chọn lọc như là những chiếc “Lá nắm trong lòng bàn tay” khi Ngài thuyết pháp trong suốt 49 năm, với lời tuyên bố: “Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay Ta chỉ nói lên hai điều đó là khổ và sự diệt khổ” [8].
THỨ NHẤT
Sự khổ
Đây là thực tại mà chúng sinh hằng chịu khổ, với: Sinh, già, bệnh, chết liên hệ đến cơ thể, cũng bởi do vô minh mê muội, tham lam, luyến ái, ham muốn mà ra. Và con người nếu chưa tu hành cho đắc đạo thì còn khổ nữa. Bởi khổ còn có nhiều mối đem lại đó là: Tam khổ, Lục khổ, Bát khổ.
Tam khổ
1. Khổ khổ: Con người đang chịu hết sự khổ này đến sự khổ khác, nào là đói khát, tật bệnh, nào là thiên lai dịch bệnh,… cái khổ này kéo thêm cái khổ khác dài mãi, mà tấm thân phải ưu não không dứt.
2. Hoại khổ: Cái khổ này chỉ sự hư hoại, bởi người, vật mà mình ưa thích thì lần lần hư hoại mất đi, nhân đó mà mình cảm thấy khổ.
3. Hành khổ: Tức là nỗi khổ khi nhận ra vạn vật ở thế gian này chịu sự chi phối của vô thường, cứ chuyển dời biến đổi mãi, nên tâm sinh ra khổ não.
Lục khổ
Gồm: “Nhân khổ, quả khổ, cầu tài vị khổ, cần thủ hộ khổ, vô yếm túc khổ, biến hoại khổ” [9].
Bát khổ
Gồm: “Sinh, lão, bệnh, tử, thương yêu mà phải chia ly, ghét nhau mà phải hội ngộ, mong muốn mà không toại nguyện và chấp vào thân thể vật lý này là thường hằng” [10]. Đó là những khổ đau thuộc về tâm lý và thái độ. Ngoài ra còn có những nỗi khổ niềm đau khác như: Sầu, bi, ưu, não tác động chi phối con người rất nhiều. Vì thế, Đức Thế Tôn có nhiệm vụ “Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối…” [11], giúp chúng ta thấy rõ và nhận diện đâu là nguyên nhân dẫn đến sự khổ và dạy chúng ta bản lĩnh để đối diện với sự khổ đó. Đó là bước thứ nhất mà trong giáo lý gọi là Khổ đế (Dukkha) trong Tứ Diệu Đế.
THỨ HAI
Xác định: Tâm tham lam, tâm giận dữ hận thù, tâm si mê thiếu hiểu biết, tâm cố chấp bảo thủ,… là những tâm khổ đau mà Đức Phật dạy chúng ta khoanh vùng, bằng cách truy tìm các nguyên nhân của nỗi khổ niềm đau. Bởi, trong cùng một hoàn cảnh, nhưng người này không sao còn người kia lại đau khổ, người khác giàu chúng ta lại nghèo, người này thành công người kia lại thất bại. Điều này, không thể đổ lỗi cho ông thần ông thánh hay ông thượng đế nào có thể ban phước giáng họa, mà tất cả đều theo quy luật nhân quả của nó, vì Đức Phật đã dạy: “Tất cả chúng sanh đều mang theo nghiệp (Kamma) của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa các chúng sanh” [12]. Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ có được niềm tin đúng với chánh pháp, mang lại sự tiến bộ và sự thành tựu trong cuộc sống, mà không phải rơi vào con đường lung lạc, mù quáng thiếu hiểu biết theo lối ‘Niềm tin’ của sự mê tín và dị đoan như: “Tin ông đồng bà cốt, tin xin xăm bói quẻ, tin ngày lành tháng dữ, tin số mạng sang hèn, tin coi tay xem tướng, tin cúng sao giải hạn, tin có một người ban phước giáng họa,…” [13] làm ảnh hưởng xấu, dẫn đến sự bất an, khổ não. Vì thế, trong những hoàn cảnh đó, chúng ta nên chịu khó phân tích từng tình huống, thì chắc chắn rằng sẽ tìm ra được nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ này. Đây là Tập đế (Samudaya).
THỨ BA
Dập tắt phiền não, đạt được đỉnh cao của sự hạnh phúc, an lạc đó là Niết bàn (Nirvana/Nibbàna) bây giờ và tại đây mà không phải chờ sau khi qua đời. Vì Niết bàn không phải là cảnh giới Phật, cũng không phải là cõi Phật mà Niết bàn là trạng thái tâm thanh tịnh, khi mà toàn bộ khổ đau và nguyên nhân gây tạo ra sự khổ đau ấy đã kết thúc. Đó chính là Diệt đế (Nirodha).
THỨ TƯ
Thực tập con đường Bát Chánh Đạo gồm có: Chánh kiến (Sammà Ditthi) và Chánh tư duy (Sammà Sankappa) (thuộc về trụ cột trí tuệ); Chánh ngữ (Sammà Vàcà), Chánh nghiệp (Sammà Kammanta), Chánh mạng (Sammà Ajivà), Chánh tinh tấn (Sammà Vàyàma) (thuộc về trụ cột đạo đức); Chánh niệm (Sammà Sati) và Chánh định (Sammà Samàthi) (thuộc về trụ cột thiền định). Đó là Đạo đế (Magga).
Đây là bài kinh thứ 2 sau bài Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật nói về tính thực tiễn trong chân lý cho 5 vị trước kia cùng tu khổ hạnh với Ngài, rằng: Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ và tìm ra con đường diệt khổ một cách nhanh chóng không vòng vo, không dài dòng, không lan man như người trúng mũi tên độc kia. Cho nên, Đức Phật hiếm khi dành nhiều thời gian cho những vấn đề đó, mà Ngài chỉ rõ khổ đau và con đường chấm dứt sự khổ đau đó để đi đến hạnh phúc Niết bàn, đây chính là trọng tâm của chân lý Phật, hễ ai đi đúng con đường đó thì kết quả hạnh phúc sẽ có mặt. Vì thế, những điều Thế Tôn dạy như nắm lá trong bàn tay tuy ít nhưng là chìa khóa để mở cửa kho tàng tuệ giác của lá cây trong rừng, cũng như tháo mắt xích của Mười hai nhân duyên: “Vô Minh diệt, các Hành diệt, do các Hành diệt Danh Sắc diệt, do Danh Sắc diệt Lục nhập diệt,….” [14] tháo gỡ được một cái thì những mắt xích khác cũng sẽ ra, hay “Cái này có mặt nên cái kia có mặt; do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt; do cái này sanh nên cái kia sanh; do cái này diệt nên cái kia diệt” [15]. Cho nên, chỉ cần khảo sát tường tận một phần nắm lá ấy, tự khắc chúng ta sẽ hiểu được bản chất của toàn bộ lá cây trong rừng mà thôi.
Tóm lại, nắm lá Simsàpa trong bàn tay là những điều liên hệ đến mục đích giải thoát, là căn bản cho phạm hạnh, đưa đến ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và niết bàn. Cho nên, những gì căn bản và cần thiết nhất cho một đời người ngắn ngủi thì Đức Phật thuyết giảng, nhằm giúp chúng sinh vượt thoát khổ đau để sống an lạc, hạnh phúc. Vì thế, dụ ngôn lá trong tay, xác định về chủ trương thiết thực hiện tại của Đức Phật. Đây là dụ ngôn nói về tính thực tiễn cuộc sống, đó là bài học về sự khổ, nguyên nhân mang lại khổ và làm thế nào để chấm dứt sự khổ. Thực hiện đúng theo phương pháp mà Đức Phật đã dạy như thế, thì chắc chắn rằng khổ đau sẽ chấm dứt và chỉ còn lại sự an lạc hạnh phúc luôn luôn có mặt với chúng ta ngay trong cuộc sống hiện tại này, mà trong nhà Phật thường hay gọi với tên “Hiện tại lạc trú” là đây.
NCS.Thích Nữ Kiều Tuệ Quang
Chú thích:
* NCS SC. Thích Nữ Kiều Tuệ Quang, Nghiên cứu sinh Tiến Sĩ khóa II, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
[1] Kinh Tương Ưng bộ V, Chương 12, Phẩm Rừng Simsàpa, HT. Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN ấn hành 1993, tr.635.
[2] Trung Bộ II, Tiểu Kinh Malunkya, số 63, HT. Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN ấn hành 1992, tr.193.
[3] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, HT. Thích Trí Tịnh dịch, 2007, Nxb. Tôn giáo, tr.66.
[4] Thích Minh Châu (2012), Trí Tuệ Trong Đạo Phật, Trích Hãy Tự Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr.70.
[5] Trường Bộ I, Kinh Đại Bổn, Đại tạng kinh Việt Nam, VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.502.
[6] Trung Bộ II, Tiểu Kinh Màlunkyà, số 63, HT. Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN ấn hành 1992, tr.193.
[7] Trung Bộ I, Đại Kinh Thí Dụ Lõi Cây (Mahasaropamasuttam), số 29, HT. Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN ấn hành 1992.
[8] Trung Bộ I, Kinh Ví Dụ Con Rắn (Alagaddùpama sutta), số 22, HT. Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN ấn hành 1992, tr.140.
[9] Nguyên Huệ dịch, Luận Du Già Sư Địa, quyển 44, Địa thứ 15: Địa Bồ Tát (phần bản địa), 2013, Nxb. Hồng Đức.
[10] Kinh Tương Ưng V, Thiên Đại Phẩm, Chương 12, Phẩm Chuyển Pháp Luân, HT. Thích Minh Châu dịch.
[11] Kinh Tương Ưng I, Chương VII: Tương Ưng Bà La Môn, Phẩm A-la-hán Thứ Nhất, HT. Thích Minh Châu dịch, tr.156.
[12] Narada Maha Thera, Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh dịch, (2013), Nxb. Tổng hợp, TP.HCM, tr.157.
[13] Di Giáo Kinh [ Kinh Lời Dạy Cuối Cùng], Phần Dịch nghĩa: Phần Chánh tông, (2010), Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến việt dịch và chú giải, Nxb. Tôn giáo, tr.30.
[14] Trung Bộ Kinh III, 115. Kinh Đa Giới (Bahudhàtuka sutta), phần Duyên khởi, HT. Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN ấn hành 1992.
[15] Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Phật Tự Thuyết Hay “Lời Cảm Hứng”, Chương 1: Phẩm Bồ Đề, HT. Thích Minh Châu dịch, (1999), TP. Hồ Chí Minh, tr.115.