Quan Niệm Về “ngày Lành Tháng Tốt” Trong Đạo Phật
Thích Nữ Hằng Như
I. “NGÀY LÀNH THÁNG TỐT”
Việc chọn “ngày lành tháng tốt” để tiến hành những công việc hệ trọng trong đời sống của người Việt, được biết bắt nguồn từ thói quen do ảnh hưởng văn hóa, tập tục cổ xưa qua hơn 1,000 năm dưới ách đô hộ và đồng hóa của người Trung Hoa. Lâu dần việc chọn “ngày lành tháng tốt” ăn sâu vào tâm tưởng quần chúng, trở thành tín ngưỡng trong dân gian. Ngay cả bây giờ người Việt tha hương sống ở hải ngoại, vào những dịp mua nhà, cất nhà, động thổ, khai trương, xuất hành, dựng vợ, gả chồng cho con, đa số người ta vẫn còn tin vào việc phải chọn “ngày lành tháng tốt”. Họ tin rằng chọn được ngày tốt thì công việc của họ sẽ được hanh thông, vợ chồng trẻ sống đời hạnh phúc đến răng long đầu bạc. Căn nhà họ mua được, sẽ khiến cho công việc làm ăn của họ được suông sẻ, các thành viên sống trong căn nhà ấy được nhiều may mắn và phúc lộc.
Ngoài việc chọn ngày lành tháng tốt còn phải chọn giờ tốt. Giờ tốt là giờ hoàng đạo. Giờ hoàng đạo là giờ đại cát đại lợi. Theo sự phân chia của các chuyên gia Tử vi, chiêm tinh... thì một ngày có 12 giờ, tương ứng mỗi giờ là 2 tiếng đồng hồ. Trong 12 giờ này sẽ có 6 giờ hoàng đạo và 6 giờ hắc đạo. Giờ hoàng đạo mang lại sự may mắn, còn giờ hắc đạo thì mang lại sự xui xẻo.
Ở đây, người viết không đào sâu vào chi tiết cách xem và nghiên cứu ngày giờ hoàng đạo hay hắc đạo, mà chỉ nêu lên thắc mắc, có phải ngày giờ hoàng đạo đó thực sự tốt lành cho tất cả mọi người trên trái đất này hay không? Nếu có thì tại sao nhiều cặp vợ chồng sau ngày cưới không bao lâu đã đưa nhau ra tòa ly hôn, ly dị, mặc dù trước đó đã được gia đình nhờ các chuyên gia xem tuổi, chọn ngày lành tháng tốt để cử hành hôn lễ. Nếu có, thì tại sao những người làm kinh doanh đã kỷ lưỡng xem ngày giờ tháng tốt tưng bừng dựng bảng khai trương, không bao lâu phải đóng cửa vì thất bại trong việc làm ăn đưa đến phá sản? Nếu tốt, thì tại sao căn nhà được chọn lựa đúng hướng phong thủy, hợp tuổi vợ chồng con cái, mà gia chủ dọn vào ở không bao lâu thì vợ chồng lục đục, con cái hư hỏng, mất hạnh phúc, hoặc là phải dựng bảng bán nhà vì lý do này hay lý do khác?
Trên thực tế, sự nhận thức về vấn đề tốt xấu không ai giống ai. Có khi tốt với người này nhưng có thể xấu đối với người kia. Không thể nói “hôm nay là ngày hoàng đạo thì tất cả mọi người trên trái đất này đều gặp may mắn!”
II. LỜI PHẬT DẠY VỀ “NGÀY LÀNH THÁNG TỐT”
Trong kinh Tăng Chi Bộ I, Phẩm Cát Tường có ghi lại bài kinh ngắn, đức Thế Tôn dạy các Tỷ-kheo về “ngày lành tháng tốt” qua tiểu đề “Buổi Sáng Tốt Đẹp” như sau:
“Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha. Tại đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi sáng tốt đẹp.
Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi trưa tốt đẹp.
Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi chiều tốt đẹp.
Này các Tỷ-kheo:
Vầng sao lành, điều lành
Rạng đông lành, dậy lành
Sát na lành, thời lành
Cúng dường bậc Phạm hạnh
Thân nghiệp chánh, lời chánh
Làm các điều chơn chánh
Được lợi ích chơn chánh
Thì được lợi, an lạc
Lớn mạnh trong Phật giáo
Hãy không bệnh, an lạc
Cùng tất cả bà con “ (hết trích)
III. Ý NGHĨA BÀI KINH
Theo lời dạy của đức Phật thì cả một ngày bao gồm sáng, trưa, chiều... nếu chúng ta suy nghĩ những điều thiện lành, nói những lời thiện lành, làm những việc có lợi ích cho chính bản thân và cho mọi người xung quanh, thì suốt một ngày hôm đó chúng ta có được một ngày an lạc hạnh phúc. Đó là chúng ta đã trải qua một ngày lành, tốt đẹp.
Và dù đức Thế Tôn không bàn sâu hơn nữa, chúng ta cũng có thể hiểu rằng nếu chúng ta bắt đầu bằng buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều với ý nghĩ bất thiện, lời nói bất thiện và thân có hành động bất thiện khiến người khác buồn phiền đau khổ thì dĩ nhiên ngày hôm đó chính là ngày xấu của chúng ta.
Như vậy đối với đức Phật trong cuộc sống hằng ngày cũng có ngày tốt và ngày xấu. Nhưng ngày tốt hay xấu do chính chúng ta làm chủ, chứ không có thần linh, mặt trời, hay tinh tú nào ảnh hưởng khiến cho ngày hôm nay là ngày hoàng đạo chắc chắn là ngày tốt, còn ngày kia là ngày hắc đạo chắc chắn là ngày xấu, đối với tất cả mọi người!
IV. ỨNG DỤNG LỜI PHẬT DẠY
Qua bài pháp ngắn gọn này, chúng ta học được thêm bài học về Nhân Quả. Hễ mình tạo nhân tốt thì mình nhận được quả như ý, tức nhận được sự vui vẻ hạnh phúc (Cúng dường bậc Phạm hạnh/Làm các điều chân chánh/Được lợi ích chân chánh/ Thì được lợi, an lạc? Lớn mạnh trong Phật giáo). Ngược lại, nếu mình làm những việc xấu, vô đạo đức thì trước sau gì quả phiền muộn, đau khổ cũng không buông tha mình. Cho nên, thay vì tìm cầu chọn lựa ngày tốt từ bên ngoài mang đến, người tỉnh thức tự biết cách chủ động chọn ngày tốt cho chính mình, bằng cách kiểm soát ba nghiệp thân, khẩu, ý, không để tâm suy tưởng những điều bất thiện, khiến cho lời nói và hành động bất thiện theo, tạo nghiệp ác.
Tin sâu nguyên lý Nhân Quả, chúng ta nguyện sống đời đạo đức, giữ giới hạnh, không sát sanh, không lấy của không cho, không giở thói tà dâm, không nói dối, không nói lời tàn ác, hung dữ, không rượu chè say xỉn... Khi hội đủ duyên lành thì hoan hỷ góp phần làm việc phước thiện. Bản thân sống đời đạo đức thì ngày nào cũng là ngày tốt cả!
Tóm lại, là người Phật tử chúng ta nên gần gủi học giáo pháp (*) từ các bậc thiện tri thức để có sự hiểu biết và suy tư đúng đắn về lời Phật dạy. Từ đó niềm tin của chúng ta đối với Tam Bảo ngày một sâu sắc hơn, gọi là Chánh tín.
Khi có niềm tin vào Tam Bảo vững chắc, trước khi khởi sự làm bất cứ việc gì, người Phật tử có Chánh kiến sẽ không xem việc coi “ngày lành tháng tốt” là tối cần thiết. Người đó vận dụng Chánh tư duy một cách sáng suốt để thấy việc làm sắp tới của mình là đúng hay không đúng? Đúng ở đây là xem kế hoạch đưa ra có hợp lý, hợp thời, và việc làm này mang lợi ích không những cho mình mà còn lợi lạc cho người xung quanh... thì vui vẻ tiến hành. Bên cạnh đó Phật dạy lấy việc sống đạo đức, việc gieo trồng phước báo như bố thí, cúng dường, giúp đỡ mọi người trong khả năng, làm nền tảng hy vọng cho công việc được viên thành. Đương nhiên việc thành tựu nhiều hay ít còn tùy theo tuệ giác và phước đức của mỗi người, chứ không phải do coi ngày tốt là thành công. Ngày lành tháng tốt đối với người Phật tử là ngày đẹp trời, thuận lợi cho mình và cho mọi người tham dự, có thể xem là một trong những điều kiện góp phần vào kết quả chứ không phải là yếu tố tối quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
Thiền Viện Chân Như, Navasota, TX
(An Cư Kiết Xuân 02/3/2023)
(*) Bát Chánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh niệm, Chánh Định.
- Tag :
- Thích Nữ Hằng Như