Nhớ Ơn Và Đền Ơn
Như Từ Viên
Nam Mô Mười Phương Chư Phật thường trụ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thường trụ.
Thưa bạn!
Sống ở trên đời, ai trong chúng ta chắc cũng có mang trong lòng bốn chữ “nhớ ơn, đền ơn”.
Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, thỉnh thoảng tôi cũng được đi theobà Nội theo các thời kinh Tịnh-độ buổi tối, tụng kinh A Di Đà. Cuối thời kinh thường tụng “bốn ơn” (ơn cha mẹ, ơn Tam Bảo, ơn quốc gia, ơn chúng sinh). Lúc về tôi hỏi bà Nội: “Bà Nội! Nhiều ơn quá làm sao mà nhớ?” Bà nói: “Lớn lên con sẽ biết, con sẽ nhớ.
Để nhắc nhở mình nhớ về bốn ơn:
1) Ơn Cha Mẹ là ơn người đã sinh ra mình, nuôi lớn, cho ăn học, dạy dỗ nên người, xây dựng gia đình, hữu ích cho gia đình, cho xã hội.
2) Ơn Tam Bảo là ơn Phật, ơn Thầy Tổ đã dẫn dắt dạy dỗ cho mình làm người nhân hậu, đạo đức, có ích cho mình và cho mọi người trong xã hội.
3) Ơn Quốc Gia là ơn nơi mình được sinh ra trong vùng đất lành mà Tổ Tiên nhiều đời đã un đúcvà bảo toàn bờ cõi, an ổn cho mọi người dân.
4) Ơn Chúng Sinh là ơn tất cả mọi người, mọi loài, mọi vật đã giúp ích cho sự sống của mình.
Thưa bạn! Cũng mấy chục năm rồi, đã lâu rồi, tôi nhớ hồi học Trung học Đệ nhị cấp, có Ban A là Vạn vật, Ban B là Toán Lý Hóa, Ban C là Văn chương. Một bữa, tôi còn nhớ rất rõ, tới giờ Việt-văn, thầy dạy Việt-văn đã giảng về phong tục tập quán của người Việt-nam như sau: Để nhớ ơn Ông Bà Tổ Tiên, thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên, các cụ còn gọi là đạo Ông Bà, tất cả mọi gia đình, cho dù là giàu hay nghèo, có một căn nhà, dù là nhà lá nhỏ nhất, cũng phải có một bàn thờ, một lư hương, để thờ Ông Bà Tổ Tiên, cho dù là cha mẹ mình vẫn hiện đang còn sống. Người nào đã ra ở riêng, có nơi chốn, mà không có một bàn thờ, một lư hương để cúng giỗ nhớ ơn Ông Bà Tổ Tiên, thì người đó không phải là người Việt-nam.
Khi mình bước chân vào nhà ai, cho dù là nhà tranh vách đất, nhưng nhìn thấy có một bàn thờvà một lư hương, thì mình cảm thấy ngay có một sự ấm áp, một ân nghĩa sâu nặng; đó là sự nhớ ơn Ông Bà Tổ Tiên. Và ngược lại, khi mình bước chân vào một căn nhà, dù là khá giả, mode, mà nếu không có được một bàn thờ gì cả, thì mình cảm thấy thiếu vắng sự ấm áp, và thiếu vắng cái ơn đức của Ông Bà Tổ Tiên để lại. Tôi cũng đã có ghé thăm một số gia đình có cha mẹ đã mất, thậm chí có nhà cả ông chồng cũng đã mất, mà tôi không thấy có bàn thờ để cúng giỗ chi cả. Tôi không hiểu họ nghĩ gì, đã quên hết quá khứ hay sao! Bạn nghĩ sao? Mình được sinh ra đời là mình có nguồn gốc, có Cha Mẹ, Ông Bà Tổ Tiên, chứ không phải tự nhiên ở trên trời rơi xuống; hiện tạimình được học hành, lại có một cuộc sống yên ổn, thì biết rằng Ông Bà Tổ Tiên mình hiền hậu, nhân đức như thế nào thì mình mới được thừa hưởng cái ân huệ của các Cụ để lại. Đã có được bàn thờ, có được một lư hương là điều đáng quí. Sáng chiều, mỗi khi mình đi hay về, mình vô bàn thờ thắp một nén nhang, xá, nhìn lên bàn thờ, thấy rằng mình có được cái thân thể này, lại được đi học, có chút hiểu biết, đó là cái tinh hoa của Tổ Tiên ban cho mình, đó là gốc rễ của mình. Thế thì tại sao mình lại quên đi cái gốc rễ, không có bàn thờ cúng giỗ nhớ ơn!?
Những lời thầy giảng dạy, cho tới bây giờ đã mấy chục năm, mà tôi vẫn còn nhớ như in. Tôi cũng lấy điều đó để truyền lại cho các người thân quyến. Tôi thầm cám ơn thầy và nhớ ơn thầy mãi mãi.
Khi xưa Phật đã dạy cho chư vị tì-kheo, đi đâu gặp lúc trời nắng trời mưa, phải trú ẩn dưới một tàng cây, trước khi rời cũng nên nhìn lại để cám ơn tàng cây; và cũng không dám ngắt một lá cây. Chúng ta thấy sự nhớ ơn và đền ơn nó quan trọng như thế nào!
Đạo làm người, như Phật dạy trong kinh 38 Pháp Hạnh Phúc, một bản kinh Phật dạy thật căn bảncho chúng ta tu tập cách sống ở đời, từ cha mẹ, anh chị em, chồng vợ, con cái, mọi người đều phải có bổn phận và trách nhiệm của mình sống giữa gia đình và xã hội; và căn bản cũng vẫn là Năm Giới.
Đạo Phật là đạo Từ Bi, phận sự làm con phải biết công ơn cha mẹ và lo đền đáp, đó cũng là con đường đi của các bậc Thánh Nhân và của đức Phật.
Thưa bạn! Trong một bài trước tôi có ghi Hồng Danh Thứ Tư, Phật dạy: Cha Mẹ là bậc đáng thọ lãnh của cúng dường, vì chỉ có Cha Mẹ là người đáng thọ lãnh tất cả mọi vật của con đem đến dâng cúng. Lòng thương và lo cho con của Cha Mẹ không bờ bến, nên bổn phận làm con có phận sự phụng dưỡng Cha Mẹ cho tròn chữ hiếu. Người con nào không lo tròn chữ hiếu thì người ấy không phải là một người đáng làm bạn, mà cũng không xứng đáng làm chồng hay vợ, mà cũng không thể là một công dân tốt của một quốc gia.
Chúng ta biết rằng, ở đời vẫn có những người con hiếu đễ, biết lo chu tòan trách nhiệm đối với cha mẹ, nhưng số này chắc là cũng không nhiều.
Cũng trong kinh 38 Pháp Hạnh Phúc, có hai hạng người xứng đáng thọ lãnh cúng dường: 1) Người có công đức cao thượng như đức Phật, là đấng có đủ đức hạnh và công đức đối với chúng sinh, là đấng tìm ra đường giải thoát và đem ra giáo hóa chúng sinh. 2) Người có công sinh dưỡng là Cha Mẹ và người có công chỉ dạy con đường giải thoát cho ta là Chư Tăng và Thầy Tổ.
Thưa bạn! Trong chúng ta ai cũng biết rằng, Cha Mẹ sinh con ra chăm nuôi, săn sóc con cũng chẳng cầu sự đền đáp của con, và cũng không bao giờ kể công với con cái... Nhưng bổn phận của chúng ta thì sao?
Có một điều mà trong lòng tôi áy náy, trăn trở, khắc khoải, băn khoăn, mà tôi muốn tâm sự với bạn ở đây, chính là về việc các cụ già vào những ngày tháng cuối đời phải vô viện dưỡng lão để sống nốt thời gian còn lại.
Có một cụ ông, cụ ông này có tư tưởng nặng về “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Cụ có tám, chín người con, hầu hết là con trai, có một cô con gái. Không biết cô này là thứ mấy trong gia đình. Ông cụ thường nói: “Tôi ở với con trai tôi, chứ không bao giờ ở với con gái”. Nhưng thực tế lại không chiều ý cụ. Cuối cùng, cụ ông cụ bà cũng về ở với cô con gái. Cô ấy đã xin nghỉ việc full-time, chỉ làm việc part-time, để có thì giờ săn sóc bố mẹ. Cụ bà bệnh một thời gian rồi qua đời. Sau đó cô sợ nghỉ lâu mất việc, nên cô đã ghi tên cho ông cụ vào một viện dưỡng lão. Về phần các người con trai của ông cụ thì ở gần hay là xa, thỉnh thoảng có ghé thăm, hoặc là phone thăm. Thế rồi mới vài tháng, viện dưỡng lão họ đã kêu. Tới ngày hẹn thì cô phải đưa ông cụ vào viện dưỡng lão. Lúc này ông cụ đã ngoài 90 tuổi, nhưng còn khỏe và tỉnh táo. Thỉnh thoảng các con vẫn vô thăm. Cụ già này bây giờ thật là rảnh rang, tối ngày ngồi trong bốn bức tường mới thấy cô đơn, mới thấy hắt hiu, mới thấy thấm thía, thấm thía vô cùng!... Cụ mới thấy “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” nó là như vậy!
Một cụ bà, cụ này tôi biết nhưng không quen, cụ khoảng trên dưới 90 tuổi, người thấy còn khỏe, tỉnh táo. Nghe nói cụ có mấy chục người con cháu, nhưng cụ đã vào viện dưỡng lão. Cụ rất buồn, nên cứ nhớ tới người nào quen là cụ phone thăm để nói chuyện cho vui. Một bữa kia có một ông y tá vô, nói là để tắm rửa thay đồ cho cụ, thì cụ từ chối, và nói: “Cậu chừng trên dưới 30 tuổi phải không? Cậu chỉ bằng tuổi cháu nội cháu ngoại tôi thôi; nhưng không sao đâu, tôi có thể tự lo cho tôi được, cậu đi ra làm việc khác đi.” Cụ bà này ở trong viện dưỡng lão không biết thời gian có được vài năm không, nhưng mà hôm nay thì cụ đã ra đi vĩnh viễn rồi!
Một bà bác khác, tôi chưa hề thấy biết bà. Nhưng một hôm tình cờ tôi nghe cô dâu của bà kể với mấy người bà con và bạn bè, là cô đã kêu người con gái của bà bác và nói rằng: “Tôi là dâu, tôi đã nuôi má lâu rồi; cô là con gái, giờ cô đem má về nuôi chứ!” Rồi không hiểu hai cô đã trao đổi thế nào, nhưng bà bác này đã phải vào viện dưỡng lão. Được 3 ngày thì viện dưỡng lão kêu cô dâu, họ đòi trả bà bác này về, vì 3 đêm nay bà cụ khóc quá trời. Càng về khuya bà càng khóc to, làm náo động cả khu vực. Các vị ở phòng khác chạy ra dòm hướng về chỗ tiếng khóc. Nhiều người không ngủ được. Sau đó cô dâu phải vô an ủi cụ: “Má cứ vui lòng ở đây đi, cứ vài ba bữa con lại vô săn sóc lo cho má. Má cứ yên tâm đi!”
Một hôm tôi theo các bạn vô thăm các cụ già trong một viện dưỡng lão. Tôi ngồi ở một bàn nhìn theo một người đang cho mẹ ăn cơm. Bà mẹ ngồi cứ nhắm mắt, nhưng vẫn há miệng ra để ăn cơm. Đối diện tôi thấy có một ông con trai khoảng trên dưới 60 tuổi, nét mặt thật buồn, cũng đang cho bà mẹ ăn cơm. Bà cụ này không chịu mở mắt mà cũng không chịu mở miệng ăn; nhìn bà cụ thì tôi có cảm tưởng bà cụ này ngày xưa nhà giàu và cũng sửa soạn lắm, vì trên mặt cụ còn rõ nét sửa mắt, sửa mũi, xâm lông mày, xâm môi. Ông con trai ngồi thật kiên nhẫn để chờ cụ há miệng...
Tôi đi vòng sang bàn bên cạnh, các cụ ngồi ăn thì cũng đông, có những cụ còn khỏe, ngồi ăn tự nhiên. Nhưng đặc biệt bàn này có hai cụ là hai mẹ con, cụ con 80 tuổi, cụ mẹ 102 tuổi. Cụ con không chịu mở miệng ăn, còn cụ mẹ thì cứ la: “Ăn đi! Ăn đi! Há miệng ra!” Nhìn cảnh này tôi thấy xót xa vô cùng.
Một lần tôi đi theo một bà bạn vô một viện dưỡng lão thăm bà thông gia của bà ấy. Bà cụ này con cái học hành và thuộc gia đình khá giả, nên thuê phòng riêng thuộc loại đắt tiền. Đẩy cửa đi vô, thấy phòng khá rộng rãi, yên tĩnh, chúng tôi vô đến giữa phòng mà bà cụ vẫn chưa biết. Thấy bà ngồi trước cửa sổ, đang nhìn ra sân, nhìn mông lung ra những hàng cây. Không biết bà đang nhìn cái gì và nghĩ cái gì, mà chúng tôi vô gần tới bà, lên tiếng chào bà: “Mô Phật”, thì bà mới biết. Chúng tôihỏi thăm sức khỏe thì bà cũng cứ ngồi yên lặng, nhìn ra xa. Sau tôi mới nói: “Bác ở trong này yên tĩnh, bác niệm Phật thì tốt quá!” Thì bà cụ trả lời: “Phật ở trong tâm.” Nghe cụ nói câu này tôi chỉ biết đứng im lặng...
Có hai bà già nói chuyện tâm sự với nhau. Bà A khen bà B: “Bác có phước quá! Đã ăn chay trường, ở với cô con gái cũng ăn chay trường. Cô ấy lại nấu nướng cho bác, và chăm sóc lo cho bác đủ thứ.” Bà B mới trả lời: “Tôi cũng hên thật, nhưng tôi sinh nó ra, và nuôi nó trên dưới cũng phải 20 năm, bú mớm, bồng ẵm, bệnh hoạn, thuốc thang, ăn học, thì bây giờ nó nuôi lại tôi, có gì đâu!” Bà A rất vui vẻ, nói rằng: “Hồi nào tới giờ tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều đó. Như vậy, tôi có 6 đứa con, thì nhân lên, phải là trên dưới 120 năm; tôi còn nhiều vốn lắm, thế mà giờ này tôi già rồi, cũng hay quên lắm, nhiều khi nói một chuyện gì với con tôi, tôi nhắc đi nhắc lại hai, ba lần, là bị con nó la: Con nghe rồi, con mắc bận đi đằng này, sao mẹ nói nhiều quá, cứ hỏi hoài, mất thì giờ! Những lúc đó tôi im lặng, nhưng trong lòng lại nhớ về ngày xưa mình nuôi con, con còn nhỏ, có những việc nó hỏi mình đến năm, mười lần, ngày mai cũng việc đó nó hỏi lại nữa, mình vẫn cười vui trả lời con như thường.” Cuộc đời nó là như thế, bạn có bao giờ gặp trường hợp đó không? Và bạn nghĩ sao?
Trong cuộc sống thực tế có những gia đình, người chồng phải đi làm việc xa nhà, và cũng có những ông chồng bận đi ta-bà, thì bà vợ chỉ có một mình lo kiếm sống, lo con ăn, con ngủ, con bệnh; bà thì khi vui, khi lo, khi buồn. Tôi có nghe một thầy giảng, trong kinh A Hàm, Phật ví người mẹ như một cây chuối; cây chuối nuôi thân cây, nuôi lá cây, có buồng chuối thì nuôi buồng chuối, nuôi quả chuối cho thật tốt, rồi buồng chuối bị chặt, cây chuối héo khô và gục xuống; và cây chuối đã chết. Người đàn bà vất vả nuôi con, chỉ trông cho con được nên người, thân mình thì coi nhẹ. Trong kinh Đại Bảo Tích, pháp hội Quán Vô Lượng Thọ Phật, Phật dạy: Người muốn sang nước Cực-lạc, phải hiếu kính nuôi dưỡng cha mẹ, kính thờ bậc sư trưởng, có tâm nhân từ, không giết hại. Trong kinh Báo Hiếu, Phật dạy công ơn cha mẹ đối với con cái thật vô cùng lớn lao, chúng tacũng nên một lần đọc kinh Báo Hiếu này.
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, thời Phật tại thế, một hôm vua Ba Tư Nặc đến thăm Phật, Phật thấy nét ưu tư đau buồn trên nét mặt vua, bèn hỏi: “Cớ sao Đại vương lại quá buồn khổ như vậy?” Vua đáp: “Bạch Thế Tôn! Hôm nay Thái hậu (mẹ tôi) thăng hà. Giả sử có người nào làm cho mẹ tôi sống lại, tôi nhường ngôi và đem của tiền châu báu cùng thân này để thưởng tặng cho người ấy sử dụng.” Đức Phật khuyên: “Này Đại vương! Đại vương chớ nên quá sầu khổ. Tất cả chúng sinh hễ thọ mạng hết, gọi là chết...”
Có những gia đình đông con, nhưng những người con này họ coi nhẹ tình yêu thương của cha mẹ, viện đủ lí do để từ chối, không mời cha mẹ về ở chung để chăm lo săn sóc. Lương tâm của họ đã đi vắng, nên bỏ lơ, không quan tâm đến cha mẹ, thì khi cha mẹ chết, những giọt nước mắt của họ liệu có chân thật hay không???
Nhớ ơn và đền ơn, chúng ta thử hình dung ngày giờ mình sửa soạn hành trang cho cha mẹ vô viện dưỡng lão, nào là sửa soạn quần áo, nào đồ lặt vặt, nào gậy để chống, nào xe walker, nào đủ thứ đồ đạc linh tinh...; rồi dắt mẹ mình ra xe, đưa vô viện dưỡng lão, giao cho người ta rồi mình ra về..., xong...; bà mẹ đã được hòa tan vào thế giới mới..., xong.... Bà mẹ vô phòng ngồi nhìn chung quanh bốn bức tường, hoặc nằm dài nhìn lên trần nhà. Bà nhớ lại, và hình dung lại những ngày tháng xa xưa, những ngày con còn rất nhỏ, con bịnh, con chơi, con nghịch ngợm, con vui cười; bà thì khi vui, khi lo, khi buồn, cái quá khứ nó cứ lộn xộn, nó cứ ẩn hiện trong đầu bà; rồi kế đến bà còn lo cho cháu nội cháu ngoại bà nữa, nó cũng lộn xộn vui buồn như vậy. Bây giờ đến phiên bà già, bịnh, yếu đuối, bà có đông con cháu chứ, nhưng hiện tại thực tế thì thân cô thế cô; nó như một giấc mơ! Bà nghĩ, đây là sự thật của cuộc đời hay sao? Song, bà suy nghĩ miên man, bà lại hình dung và nhớ ơn những người bà đã gặp và đã giúp đỡ bà ít nhiều. Bà nhớ từng người và thầm cám ơn từng người; bà ước phải chi bây giờ được gặp lại để trực tiếp nói lời cám ơn với ân nhân.
Trong khi đó thì những người con đi du lịch, đi dự những cuộc vui sinh nhật, tiệc tùng cùng bạn bè, những lúc đó, có khi nào trong tâm họ có một chút vấn vương là họ cũng còn có một người mẹ đang sống cô đơn trong một góc phòng của viện dưỡng lão chăng?
Trong nỗi thất vọng hiện tại thì cũng vẫn còn một cái may cho bà, là bà đang chới với thì níu được một cái phao, đó là Phật, là niệm Phật, là nhớ ơn Phật; đó là Phật cứu bà, là niềm hi vọng sau cùng.
Người con đưa mẹ vô viện dưỡng lão xong, về thì được rảnh rang, thong thả, thảnh thơi.
Tới ngày lễ Vu-Lan thì người con này đến chùa dự lễ, cũng đọc kinh Vu Lan, ngài Mục Kiền Liênhiếu hạnh cứu mẹ – đó là một tấm gương sáng hiếu hạnh lớn lao, dạy cho chúng sinh đời sau noi theo. Tới giờ cài hoa, người con này cũng được cài Bông Hồng lên áo vì còn mẹ, và cũng vui vẻ, hãnh diện với mọi người; trong khi đó, bà mẹ ở trong viện dưỡng lão có nhớ tới lễ Vu-Lan hay không...?
Thưa bạn! Nếu bây giờ tôi được phép có một lời ước nguyện thì tôi ước nguyện tất cả các cụ già mà có con cháu, thì cuối đời được sống vui vẻ bình an bên con cháu trước khi nhắm mắt lìa đời.
***
Thưa bạn! Tiện đây tôi xin phép được trả lời một bạn trẻ về tu Thiền và tu Tịnh-độ.
Bạn hỏi tôi: Tu Thiền hay Tu Tịnh-Độ? Bạn cho biết vừa đi tu một khóa Thiền về. Xin thưa là tôi chưa hề được đi theo một khóa tu Thiền hay khóa tu Tịnh-độ đặc biệt nào bao giờ, mà từ hồi nhỏ tôi được theo quí thầy quí cô, nói chung là truyền thống Bắc-tông, nhất là mùa An Cư, buổi khuya, thì trước khi đi Công Phu Khuya có ngồi thiền khoảng nửa tiếng. Buổi tối đi Tịnh Độ thì cũng ngồi thiền nửa tiếng, rồi tụng kinh A Di Đà. Cô bạn lại hỏi tiếp: Tu Tịnh Độ thì cứ niệm “Nam Mô A Di ĐàPhật” mỗi ngày thì được về Cực-lạc phải không? Tôi trả lời: Việc này cô nên hỏi quí Thầy thì hay hơn. Nhưng theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi thì cũng không dễ đâu. Chúng ta thử đọc đoạn kinh A Di Đà, Phật dạy: “Xá Lợi Phất! Nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhất nhật, nhược nhị nhật...” cho đến “nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn...”, thì khó vô cùng! Bảy ngày “nhất tâm bất loạn”, bạn có thực hành được không? Theo tôi nghĩ, tu Tịnh Độ nhất định là phải có Thiền, và Thiền cũng phải có Tịnh Độ. Mình đọc một vài quyển kinh thì thấy có sự dung thông giữa các pháp môn tu tập. Thỉnh thoảng được nghe quí thầy giảng thì sự dung thông nó diệu dụng vô cùng, không dễ gì mình thâm nhập được đâu. Mình phải nghe quí thầy giảng hoài và đọc kinh hoài mới từ từ thấm, chứ khả năng của mình thì còn hẹp hòi lắm.
Rồi bạn lại hỏi: Tu Thiền và tu Tịnh Độ có cần phải ăn chay trường không? Tôi xin thưa: Ăn chay là chắc chắn rồi. Tu pháp môn gì cũng phải ăn chay trường, vì đạo Phật là đạo từ bi. Ngay từ khi thọ Năm Giới, thì giới đầu tiên đã là “bất sát” rồi, thì không được giết và ăn thịt chúng sinh. Sự giải thoát và nghiệp chướng, thì con người và con vật đồng giống nhau; ăn thịt chúng sinh gây nhân sinh tử luân hồi.
Tôi có một đứa cháu 7 tuổi, gọi tôi bằng bác họ. Nó đi theo chị nó, tới một trang trại nuôi bò. Chị nó đến đây để thực tập môn gì đó. Nó thấy những con bò bị nhốt trong chuồng, cứ phải ăn hoài, cái đầu không được thụt ra thụt vô. Người ta bắt chúng ăn liền liền không được nghỉ, cho chóng lớn để đem bán. Thằng cháu tôi nó thấy con bò khổ quá, nó khóc; và từ đó nó không bao giờ ăn thịt bò, bất cứ món gì có thịt bò!
Tôi nhớ, hồi tôi còn rất nhỏ, khoảng 5, 6 tuổi, một hôm tôi thấy một đám đông con nít, đang đứng ở một đám đất trống, coi một con bò được cột vào một cái cọc, tôi cũng chạy tới để coi. Lúc ấy mấy người lớn đến đuổi chúng tôi đi. Đám con nít la lên: “Kìa, con bò nó đang khóc.” Tôi nhìn thấy con bò nó đang khóc thiệt – chắc là nó cảm được người ta sắp giết nó. Cái hình ảnh đó làm cho cái tuổi thơ của tôi xúc động, tới giờ này tôi vẫn không quên.
Trong kinh Lăng Già, Phật dạy: “Ăn thịt có nhiều tội lỗi. Phật bảo Bồ Tát Đại Huệ: Có vô lượng nhân duyên không nên ăn thịt. Song nay ta sẽ vì ông lược nói. Nghĩa là tất cả chúng sinh từ trước đến nay, nhân duyên lần lượt thường làm lục thân (cha, mẹ, anh, em, vợ chồng, con cái), vì tưởng nhớ người thân nên không ăn thịt. Này Đại Huệ! Ta xem chúng sinh luân chuyển trong sáu đường đều là thân bằng quyến thuộc của nhau.”
Trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “Hàng tì-kheo thanh tịnh và các vị Bồ-tát, đi trên đường mòn còn không dẫm cỏ non, huống nữa là lấy tay nhổ cỏ! Làm sao người có tâm đại bi mà lại lấy máu thịt của chúng sinh làm thức ăn? Nếu các thầy tì-kheo không mặc các thứ vải bằng tơ lụa lượt là, không dùng các thứ giày da, áo lông của phương Đông, cũng như không ăn các thứ sữa, bơ, phó-mát, những thầy tì-kheo ấy đối với thế gian thật là giải thoát, đã trả hết oan trái đời trước, không còn trở lại trong ba cõi nữa. Vì sao thế? Dùng các bộ phận của thân thể chúng sinh thì phải kết duyên nợ với chúng sinh; như con người ăn trăm thứ ngũ cốc lấy từ đất, thì chân không rời khỏi đất. Những người nhất quyết làm cho cả thân và tâm mình, không ăn các thứ làm từ xương thịt chúng sinh, không dùng các thứ làm bằng các bộ phận của thân thể chúng sinh, Như Lai nói đó là những người chân thật giải thoát.”
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn: “Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tại sao đức Như Laikhông cho phép ăn thịt? Phật dạy: Này Ca Diếp! Luận về người ăn thịt thì dứt mất giống đại từ. Này Ca Diếp! Từ nay Như Lai cấm các đệ tử không được ăn tất cả các thứ thịt, dù là thịt của con vật đã chết.”
***
Thưa bạn! Bạn và tôi, hay ai trong chúng ta, chắc hẳn cũng mang trong lòng sự nhớ ơn và đền ơn…... Sự hiện diện của bàn thờ và lư hương thì không thể thiếu, đó là Ông Bà Tổ Tiên, huyết thống của chúng ta. Người trực tiếp sinh ra ta là Cha Mẹ, bổn phận của mình là phải săn sóc nuôi nấng khi cha mẹ già yếu. Thưa bạn! Chúng ta được theo Phật, được học kinh, được nghe giảng, từ khi mình qui y Tam Bảo, thọ năm giới, thì mình đã phát tâm dừng lại sự ăn thịt chúng sinh để dành dụm tư lương trên đường đi về Nhà; nhất là để nhớ ơn và đền ơn Tam Bảo.
Thưa bạn! Viết bài này, trước hết là để tự nhắc nhở mình. Nếu bạn nào có duyên phát tâm đọc thì tôi xin chân thành cám ơn bạn rất nhiều. Mô Phật.
Cung kính lạy Đức Bổn Sư Thích Ca Như Lai Đại Bi.
Cung kính lạy Tôn giả A Nan Đà Khải Giáo.
Đệ tử Như Từ Viên kính lạy.
- Tag :
- Như Từ Viên