Lộ Trình Giải Thoát Trong Đạo Phật
Thích Nữ Hằng Như
I. DẪN NHẬP
Ở đời không ai mong cầu giải thoát khi đang ở trong lầu son hạnh phúc. Người ta chỉ muốn được giải thoát khi bị nhốt trong hoàn cảnh bi đát nào đó. Cho nên giải thoát có nghĩa là thoát khỏinhững trói buộc, vượt thoát thực tại bị giam hãm và được hoàn toàn tự do.
Thí dụ: Như một người đau bệnh, trị hết bệnh, được khỏe mạnh an vui là người đó đã được giải thoát khỏi căn bệnh gây đau đớn thân thể. Một người tù đến ngày mãn hạn, được tự do về với gia đình, xem như được giải thoát khỏi cảnh bị giam cầm. Một cặp vợ chồng sống chung trong hoàn cảnh chán ghét lẫn nhau, sau cuộc ly dị mỗi người một cuộc sống riêng tư, thì xem như họ đã được giải thoát khỏi ngục tù gia đình. Chuyện giải thoát không phải chỉ bàn ở con người, mà loài vật khi bị ràng buộc cũng muốn được giải thoát. Thí dụ như con chim bị nhốt trong lồng, tuy hằng ngày được chủ chăm sóc cho ăn uống tử tế nhưng nó vẫn cảm thấytù túng, một ngày kia thoát ra ngoài được tự do, nó sẽ không bao giờ trở lại, vì nó đã được giải thoát.
Trên đây là vài thí dụ mô tả ý nghĩa giải thoát ở ngoài đời. Trong đạo Phật hai từ giải thoátđược đề cập tới một cách sâu sắc hơn. Giải thoát theo triết lý nhà Phật là trạng thái tinh thầncon người được tự do, tự tại trước những buồn vui, thương ghét, hạnh phúc hay đau khổ của bản thân. Tâm người ấy thanh tịnh tuyệt đối, do đoạn tận những tập khí, đam mê, dục vọng, dập tắt những ngọn lửa ngầm tham, sân, si là gốc rễ của mọi đau khổ. Các bậc thánh nhânnày đã chấm dứt dòng nhân quả nghiệp báo, vượt qua biển khổ vô minh, lên bờ giác ngộ giải thoát.
Trên lộ trình tu tập giải thoát trong đạo Phật, thì Niết-bàn là mục tiêu giải thoát cao nhất. Niết-bàn tiếng Phạn là Nirvana, có nghĩa là diệt độ. Diệt độ đây không có nghĩa là triệt tiêu hay tiêu diệt.
Diệt ở đây có nghĩa là đoạn tận mười Kiết sử là mười thứ trói buộc con người vào dòng nhân quả nghiệp báo. Độ có nghĩa là vượt qua khỏi biển khổ vô minh, lên bờ giác ngộ.
Nói cách khác, Niết-bàn là trạng thái tâm vô tham, vô sân, vô si, vô ái, vô thủ, vô hữu, vô sanh... Trạng thái tâm này tương ưng với Diệt đế trong Tứ thánh đế nghĩa là tâm đã giải thoátra khỏi những tập nhân gây ra phiền não.
Giải thoát có hai loại: Hữu Dư Y Giải thoát hay Hữu Dư Y Niết-bàn, chỉ các bậc thánh được giải thoát ngay khi còn thân mạng. Tuy sống và sinh hoạt với người bình thường mà vẫn an nhiên tự tại không bị hoàn cảnh thế nhân chi phối. Khi thân hoại mạng chung , thì nhập Vô Dư Y Niết-bàn. Vô Dư Y Niết-bàn là bản thể thường còn, bất sinh bất diệt của vạn pháp hữu tình và vô tình, không thể dùng ngôn từ để diễn tả, cũng không thể dùng Ý căn, Ý thức hình dung đưa ra quan niệm giải thích.
II. LỘ TRÌNH GIÁC NGỘ GIẢI THOÁT TRONG ĐẠO PHẬT
Như trình bày ở trên, tất cả mọi người sinh ra ở thế gian này, không ai là không phiền não, khổ đau. Nhưng nếu người nào cứ ôm lấy phiền não, khổ đau mãi thì trong nhà Phật gọi người đó là vô minh, cho dù người đó có bằng cấp, học vị cao, thành công, giàu có trong xã hội.
Muốn thoát khỏi phiền não, người tu theo đạo Phật cần nhuần nhuyễn Pháp học và Pháp hành. Sau khi tu tập có kết quả thì gọi là Pháp thành.
A. PHÁP HỌC: Thông thạo giáo lý Tứ Diệu Đế và giáo lý Duyên Khởi, để biết rằng bất cứ chuyện gì xảy ra cũng có nguyên nhân của nó. Khổ cũng có nguyên nhân gây ra khổ. Nhận ra nguyên nhân rồi, áp dụng pháp tu để loại trừ những nguyên nhân đó, thì thoát khổ. Con người sống ở đời có rất nhiều phiền não khổ đau, nhưng chung quy nguyên nhân gây khổ đau nằm ở ba mặt.
1) Nhóm thứ nhất gây khổ đau là Ngũ dục: Gồm tài, sắc, danh, thực, thùy. Bình thườngcon người khó tránh khỏi năm thứ trói buộc. Đó tiền bạc, nhan sắc, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ. Thuật ngữ trong Phật giáo gọi là ngũ dục. Ngũ dục là năm thứ mà con người luôn khao khát mong muốn chiếm hữu.
2) Nhóm thứ hai là Ngũ trần: Qua các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân... tiếp xúc trần cảnh bên ngoài là: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc... nghĩa là mắt thấy cảnh sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi hương, lưỡi nếm những thức ăn, da thịt xúc chạm êm ái... Những thứ này luôn khiến con người có những phản ứng thuận hay nghịch, đưa đến hành vi và nhận thức tốt hoặc xấu gây phiền não, tạo thành nghiệp.
3) Nhóm thứ ba là Tâm ô nhiễm: Tâm con người thường có hai mặt thiện và bất thiện. Nếu không khéo kiểm soát tâm ý, thì tâm bất thiện có nhiều cơ hội lấn át tâm thiện. Tâm bất thiệngồm: Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến... Đây là những thứ làm ô nhiễm tâm, là nguyên nhân gây ra phiền não và luân hồi sinh tử.
B. PHÁP HÀNH: Muốn đạt giải thoát, theo giáo lý nhà Phật là phải thực hành Giới-Định-Tuệ không có con đường nào khác. Tu Giới-Định-Tuệ tức thực hành theo Bát chánh đạo gồm tám yếu tố: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Thành tựu Bát chánh đạo là thành tựu Giới-Định-Tuệ, có nghĩa là Tâm hành giả được giải thoát khỏi những phiền não trong hiện tại, nhưng chưa hoàn toànthoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Muốn giải thoát rốt ráo, hành giả cần tiếp tục thực hành thiền Tuệ. Tu thiền Tuệ có hai cấp bậc.
1) Quán Anupassana: Nhìn liên tục hiện tượng thế gian bằng con mắt tâm để nhận ra bản thể “Vô thường, khổ (xung đột, bất như ý) và vô ngã “.
2) Vipassana/Minh sát tuệ: Tiếp tục quán sâu vào Thân, Thọ, Tâm, Pháp, thành tựu tuệ giác“Vô ngã cao độ” xả ly toàn bộ tham ái, chấp thủ, tự tại vô ngại trước ngũ dục và ngũ trần, thanh lọc mọi thứ ô nhiễm trong tâm, thành tựu chánh trí đắc Tứ quả A-la-hán.
Bậc A-la-hán đã thành tựu giải thoát luân hồi sinh tử, chấm dứt mọi khổ đau. Các Ngài sống an lạc trên thế gian. Muốn nhập Niết-bàn ngay khi đắc đạo hay tùy duyên ở lại thế gian trong trạng thái Hữu-dư-y Niết-bàn, hoằng pháp lợi sinh cho đến khi tuổi thọ chấm dứt thì nhập Vô-dư-y Niết-bàn.
III. GIẢI THOÁT TỪNG PHẦN
1. Sơ quả Tu-đà-hoàn: Muốn giác ngộ giải thoát, hành giả tu tập từng bước. Nhờ thông hiểugiáo lý Phật đà, hành giả biết rằng con người do nhiều điều kiện hợp thành nên bản thân này không phải là ta hay của ta, bởi vì ta không thể làm chủ được nó. Cho nên đoạn trừ được quan niệm về thân sắc, không quá đắm say nô lệ nó. Thay đổi nhận thức, có nghĩa là hành giả có chánh tín về pháp học, nên loại trừ được giới cấm thủ và nghi ngờ pháp tu. Hành giảđoạn trừ ba Kiết sử đầu tiên là: Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi ngờ, hành giả bước vào dòng Thánh gọi là Dự lưu. Nếu trong thời gian tu tập, thân hoại mạng chung, thì vị này trở lạikiếp người thêm 7 lần nữa, nên gọi là Thất lai.
2. Nhị quả Tư-đà-hàm: Tiến thêm một bước nữa, hành giả tu tập giảm bớt tham dục và sân hận, đắc Nhị quả Tư đà hàm. Trong kinh ghi khi thân hoại mạng chung vị này tái sanh về cõi người một lần nữa để tu tiếp nên gọi là Nhất lai.
3. Tam quả A-na-hàm: Hành giả đắc pháp nhãn nhìn rõ nguyên nhân gây ra phiền não, nên đoạn trừ 100% tham ái, sân hận, nghĩa là đoạn tận năm thượng phần Kiết sử là: Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi ngờ, Tham dục, Sân hận. Vị này tiếp tục hành trì tu tập hoặc nếu chấm dứt tuổi thọ, thì sanh lên cõi Trời và ở đó tu tập nhập Niết Bàn luôn không còn trở lại đời sốngnày nữa nên gọi là Bất lai.
4. Tứ quả A-La-hán: Là vị đã đoạn trừ được thêm năm thượng phần Kiết Sử, tức tâm vị này không còn hướng đến: Sắc ái (dính mắc với tứ thiền hữu sắc), Vô sắc ái (dính mắc với tứ thiền vô sắc), Kiêu mạn, Trạo cử và Vô minh. Vị này đã xả ly toàn bộ mười Kiết Sử, không còn tham ái, chấp thủ, tự tại vô ngại trước ngũ dục, ngũ trần, tâm hoàn toàn trong sáng thành tựu chánh trí, đắc quả A-la-hán, an trú trong Hữu Dư Y giải thoát.
IV. KẾT LUẬN
Theo quan niệm nhà Phật thì con người tự ràng buộc mình trong nỗi khổ đau do chính mình gây ra (từ nghiệp cũ, nghiệp mới, ngũ dục, ngũ trần, tham, sân, si). Muốn thoát khổ thì phải tự mình tháo gở những sợi dây ràng buộc đó, chứ không Thần Phật nào cứu rỗi, ban ơn, giáng họa cho mình. Vì thế, muốn nếm được hương vị giải thoát, trước hết hành giả phải tự thân nỗ lực tu hành. Dù theo pháp môn nào, hành giả cũng phải thâm nhập bốn nền tảng giáo lý Tứ Diệu Đế của đạo Phật. Đó là mọi khổ đau của chúng sanh đều phát xuất từ một hay nhiều nguyên nhân. Và những nguyên nhân đó có thể giải trừ bằng đường lối tu tập tám ngành Bát chánh đạo. Đó chính là thực hành Tam Vô Lậu Học: Giới-Định-Tuệ. Hiểu rõ giáo lý Y-duyên tánh để nhận ra sự thật của vạn pháp là “vô thường, bất như ý, vô ngã”, con người sẽ không còn lý do bám víu vào ngũ dục, sân si... là những nguyên nhân gây khổ đau trong cuộc đời.
Thực hành Giới-Định-Tuệ, đời sống đạo đức của hành giả được thăng hoa, tâm định tĩnh, trí tuệ phát sáng. Kết quả sơ khởi của việc tu tập, giúp hành giả thoát khỏi một số ràng buộcnhư ý hay bất như ý trong đời sống hằng ngày. Tiếp tục tinh cần hành trì, buông xả mọi khả ái, khả lạc, khả ưu, khả sân... thường xuyên sống trong chánh niệm, luôn có cái biết trong lành, định tĩnh, sáng suốt, hành giả sẽ thực thụ trải nghiệm trạng thái Xả, là trạng thái tâm bình thản trước mọi vướng bận của cuộc đời. Bấy giờ có thể nói hành giả đã an toàn giải thoát, an trú trong Hữu Dư Y Niết-bàn,/.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(23/6/2024, Sinh hoạt trực tuyến với
Hội Thiền Tánh Không Sacramento và San Jose, California)
- Tag :
- Thích Nữ Hằng Như