Người Cư Sĩ Thời Mạt Pháp
Hoa Lan - Thiện Giới.
Về câu hỏi, thế nào là thời mạt Pháp? Tôi được nghe câu trả lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi nói chuyện tại chùa Viên Giác ở Hannover lần thứ hai vào ngày 20 tháng 9 năm 2013. Theo Ngài, Phật pháp không bao giờ mạt, chỉ có con người không chịu học Phật, cách sống suy đồi, sống không đạo đức rồi mạt mà thôi. Ôi, câu nói đã ghi mãi trong lòng người Cư sĩ Phật giáo như tôi. Thế thì phải hiểu như thế nào về những người „Cư sĩ thời mạt pháp“?
Cư sĩ là người tại gia mộ đạo Phật, người theo đạo Phậtnhưng vẫn giữ đời sống thế gian, đã quy y Tam bảo và giữ 5 giới. Phật giáo nguyên thủy xem cư sĩ là người phụng sự đạo Pháp bằng cách cúng dường thực phẩm, quần áo, là người lo lắng cho đời sống Tăng Ni. Đại thừa xem cư sĩ có vai trò quan trọng hơn và cũng có khả năng thành Phật. Ví dụ vị Cư sĩ nổi tiếng lẫy lừng Duy Ma Cật, trong bộ kinh Duy Ma Cật sở thuyết.
Đấy là những định nghĩa trong sách vở, chứ chúng tôi đến Chùa chỉ dám nhận mình là một Phật tử nhỏ bé thật bình thường. Chưa dám nhận mình là Phật tử thuần thành nói chi đến hai từ "Cư sĩ"! Thế nhưng hiện nay trong một số các Chùa xảy đến nhiều hiện tượng rất đáng buồn, các Cư sĩ thời mạt Pháp, nghĩa là các Cư sĩ vẫn học Phật, vẫn tụng kinh gõ mõ thật thuần thành, nhưng không chịu hiểu Kinh. Lại nghĩ mình có công lớn với Chùa, đã đóng góp rất nhiều tiền cho ngôi Tam Bảo, nên có quyền dùng tiền để khuynh đảo các Thầy. A Di ĐàPhật! Các Phật tử thuần thành chỉ có tâm và sức lao động chứ không có tiền, nên chịu nhiều đắng cay. Họ có cảm giác như là Ôsin không công, làm rất nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu. Cái bánh vẽ các "công đức" sẽ được các Ngài ghi sổ, không đủ làm Bồ Đề tâm của họ kiên cố thêm lên. Có người thất vọng quá đã rút lui ra khỏi Chùa, áp dụng câu:
Tu đâu cho bằng tu nhà.
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.
Thế là Chùa bị mất đi một số các Cư sĩ thuần thành. Phần các Cư sĩ thời mạt Pháp tha hồlộng hành, họ ngang nhiên kết bè kết phái chèn ép một cách thoải mái các vị Trụ trì yếu bóng vía, tạm gọi là "nhu nhược" trước mãnh lực của đồng tiền. Ôi, các Thầy đến điên cả đầu, chẳng biết phân giải ra sao giữa các nhóm điều hành trong nhà bếp. Họ phát hành đồ chay, đậu hũ, bánh cuốn, bánh chưng... món nào cũng đẻ ra tiền để lo cho Tam bảo. Bênh nhóm này lại mất lòng nhóm kia, nhất là các bà lại hay hờn dỗi, trời sinh đã chín vía nặng hơn các ông đến hai vía. Nên dễ tủi thân rồi đình công không làm công quả cho Chùa.
Hết chuyện Tiền sang đến chuyện Tình, các Cư sĩ thời mạt Pháp bị ảnh hưởng các câu chuyện Ma Nữ quyến rũ Đường Tăng trong Tây Du Ký rồi áp dụng trong Chùa. Họ biến thànhnhững con nhền nhện nhịp nhàng giăng lưới muôn nơi. Gặp những vị Cao Tăng thuộc loại "Bóng cây cổ thụ" thì chỉ nước gẫy càng bỏ chạy khỏi Chùa một cách liền tay. Phật tử đi Chùa gặp chuyện chướng tai gai mắt không dám thở than, sợ nói ra mang tội Khẩu nghiệprất nặng. Lại nhớ câu chuyện nồi cơm của Khổng Tử và Nhan Hồi, thấy vậy mà không phải vậy, ai biết được sự thật bên trong! Nên cuối cùng cũng đành câm nín rồi từ từ xa rời Chùa chiền không vững niềm tin với Phật pháp.
Tại Việt Nam thời nay đã xảy ra rất nhiều Chướng Ma thời mạt Pháp nhiều vô số kể. Một số các cụ già và cả giới trẻ hiện nay hiểu sai Đạo Phật, vẫn đồng hóa với các mê tín dị đoan nên rất dễ bị các Tu sĩ thời mạt Pháp lọc lừa lấy tiền, một kiểu buôn thần bán thánh rất đáng buồn.
Đâu là nguyên nhân của thời Mạt Pháp? Để trả lời cho câu hỏi này, trong bài "Định hướng tương lai với thế hệ Tăng sĩ trẻ ngày nay" của Thầy Tuệ Sỹ có đoạn: "Cái sức mạnh của Phật giáo không phải là chính trị, mà là văn hóa và xã hội, mà giáo dục là hàng đầu. Có thể mất cái gì cũng được nhưng không thể để một ngày mà không giáo dục Tăng Ni. Thành ra bằng mọi cách mình phải lập lại trường học, dưới mọi hình thức mình phải có trường học".
Vậy kết luận thật đơn giản, Cư sĩ phải học Phật và áp dụng câu: "Khẩu giáo phải đi đôi với thân giáo", mặc áo giáp Trí tuệ của ngài Văn Thù rồi hãy vào Chùa hộ Pháp, chắc chắn thời kỳ mạt Pháp sẽ chẳng bao giờ xảy ra.
Hoa Lan - Thiện Giới.
2024.
- Tag :
- Hoa Lan - Thiện Giới