Nghe nói đến người tu, tưởng chừng như người ấy làm cái gì to lớn, đội đá vá trời, dời non, lấp biển; làm những việc khác đời, kỳ hình dị tướng cho lắm. Thực ra, người tu như lời đức Phậtdạy, là để cái nhìn vào trong; trong tâm của mình, mà không để cái nhìn ở bên ngoài; không chú mục để chạy theo trần cảnh, dong ruổi ngoài đời, hơn thua nhân ngã. Xoay cái nhìn vào bên trong tâm, để thấy khi tâm nghĩ thiện, thì biết mình đang nghĩ thiện; khi nghĩ bất thiện, thì biết tâm mình đang nghĩ bất thiện, nhờ vậy mà mình hướng tâm đến chỗ tốt đẹp, đến nơi an lạc, chỉ nhẹ nhàng, thanh thản là vậy, vì thế mà người tập tu giữ tâm mình để thể đạt được. Như vậy, người tập tu là biết chăn cái tâm của mình, giống như người chăn trâu, không cho trâu ăn lúa mạ, khoai sắn của người. Hãy giảm thiểu bằng cái nhìn danh tướng, áo mão cân đai, mà phải thắp sáng hạt mầm Từ Bi, Trí Tuệ hiện hữu bên trong; bên trong tâm tĩnh lặng, “Tri kiến Phật.” Hay “Tánh giác ngộ” vốn sẵn có.
I. Lý Tưởng Giác Ngộ – Nhất Tâm Theo Đuổi Cho Đến Ngày Giải Thoát.
Tập làm người tu là phải đề bạt cho mình cái lý tưởng, cái tiêu đích mà mình nhắm tới. Tiêu đích mà mình nhắm tới để không bị lạc hướng, mất thời gian, phí công sức lâu dài. Như đức Phật đã dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.” Vậy, nghe lời đức Phật dạy mà thắp đuốc lên đi. Nhờ đuốc soi đường, nên đi không bị vấp té bởi ổ gà, hay mô đất cao, gồ ghề sỏi đá. Đuốc ấy là đuốc giáo pháp. Đuốc giáo pháp soi tỏ cho ta:
“Không làm các điều ác
Nguyện làm các hạnh lành
Giữ tâm ý trong sạch.”
Đuốc giáo pháp soi cho ta: “Đời là vô thường. Vậy vô thường là khổ hay lạc?” Vốn dĩ không có cái “tôi” và “cái sở thuộc của tôi”, cho nên chỉ là “vô ngã”, tự tánh sự vật vốn không- không tánh, duyên sinh một chuỗi dài vô tận:
“Do cái này có, nên cái kia có
Do cái này sanh, nên cái kia sanh
Do cái này không, nên cái kia không
Do cài này diệt, nên cái kia diệt.”
Trùng trùng duyên khởi, mà đức Phật dạy: “Ai ngộ được lý duyên sinh là thành Phật.” Ngộ chân như mà không là khái niệm.
Tập làm người tu như thế nào để cho ánh sáng giác ngộ bừng dậy, dù ngay nơi đời này hay nhiều đời trong tương lai. Nếu là ngay trong đời này thì như yếu chỉ của Tịnh Độ Tông – niệm Phật cầu vãng sanh- giải quyết sự sống chết của mình ngay trong đời này mà không hẹn kiếp sau. Bởi vì tâm vô thường, hay thất ý, vọng tâm là bị thối đọa ngay, làm sao vãng sanh được trong kiếp tới, do vậy mà người tu Tịnh Độ, niệm Phật không hẹn kiếp sau. Còn người tập tu hạnh bồ tát thì không hẹn một đời nào cả. Vì Bồ Tát có nghĩa là tự giác, giác tha, giác hạnhviên mãn – hữu tình giác, giác hữu tình, cả hai tình đều giác ngộ viên mãn. Do vậy, Bồ tát tu tập dưới mọi hình tướng, trong mọi thời xứ, để nhơn đó mà độ sinh; độ mãi đến khi nào, không còn có một chúng sinh để độ, chừng ấy Bồ Tát mới thành Phật. Như 12 lời đại nguyệncủa Bồ Tát Quan Âm. Lời nguyện thứ nhất: “Nam Mô hiệu Viên Thông, danh Tự Tại Quan ÂmNhư Lai quảng phát hoằng thệ nguyện.” Cho đến nguyện thứ 12. “Nam Mô đoan nghiêm thân vô tỉ trại, Quan Âm Như Lai quả tu thập nhị nguyện.” Rồi Bồ Tát Địa Tạng Vương thì sao:
“Chúng sanh độ tận
Phương chứng Bồ Đề
Địa ngục vị không
Thệ bất thành Phật.”
Rồi Tôn giả A Nan thì sao:
“Phụng thỉnh Thế Tôn vị chứng minh
Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập
Như nhứt chúng sanh, vị thành Phật
Chung bất ư thử thủ Nê hoàn.”
Như vậy tu hạnh Bồ Tát – Bồ Tát hạnh, Bồ Tát đạo, Bồ Tát nguyện là cứu độ hết chúng sinh, rồi Bồ Tát mới thành Phật sau cùng. Tu theo hạnh Bồ Tát chắc không bao giờ Bồ Tát thành Phật, mà đây là tinh thần độ sinh của Phật Giáo đại thừa. Chúng ta có thể hiểu Bồ Tát đem lòng Từ Bi để cứu độ chúng sanh trong khi cứu độ chúng sinh thì Bồ Tát đã thành Phật rồi. Vì Pháp môn của Bồ Tát tu là: Bố Thí, Trì Giới, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục, Thiền Định, Trí Tuệ. Có tam vô lậu học: Giới, Định, Tuệ-tu ba pháp môn giải thoát. Còn Bố thí, Tinh Tấn, Nhẫn Nhụclà ba pháp môn yểm trợ cho Bồ Tát đi xa hơn nữa trên tiến trình độ sinh. Như vậy, Trì Giới, Thiền Định, Trí Tuệ là tự độ. Bố Thí, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục là độ tha. Tuy nhiên, chúng ta học giáo pháp viên dung, vô ngại, thì trong tự tính tự độ đã có nội hàm tự tính độ tha, và trong tự tính độ tha đã có nội hàm tự tính tự độ- Bất nhị tuỳ thuận. Ngày giải thoát đã đến- hiện tại lạc trú, hay vô trụ xứ Niết bàn.
II. Đạo Pháp Xương Minh – Phát Tâm Hộ Trì Phật Pháp Trong Mọi Thời Xứ
Đây là bổn phận trách nhiệm của người tập tu, biết bảo vệ chánh pháp. Biết làm cho Tam Bảo trang nghiêm, để làm nơi nương tựa, quy ngưỡng cho nhơn thiên mọi loài. Như trong bài sám Quy Mạng, chư Tổ đã dạy để nguyện rằng:
“Sanh phùng trung quốc
Trưởng ngộ minh Sư
Chánh tín xuất gia
Đồng chơn nhập đạo.”
Hay:
“Thừa sự thập phương chư Phật
Vô hữu bì lao
Tu học nhất thiết pháp môn
Tất giai thông đạt.”
Người tập tu phải biết thừa sự mười phương chư Phật. Phụng cúng mười phương chư Phật. Nương tựa mười phương chư Phật mà không biết mệt mỏi, không lơ là, không chểnh mảng. Đồng thời phải tu học tất cả các pháp môn, hiểu biết một cách rõ ràng, thấu triệt. Đây là những đức tính cần thiết của người tập tu để làm cho Đạo Pháp được xương minh, Chánh Pháp được cửu trụ nơi cõi sa bà. Tập làm người tu, như ở trước đã nói là lễ kính chư Phật; nương tựa chư Phật; tưởng nhớ chư Phật một cách thân thiết, không rời một giây, không xa một tấc, Phật với ta ở chung một nhà. Như Thiền Sư Thiên Như Duy Tắc, sống khoảng đầu thế kỷ XIV, là một khuôn mặt lớn suốt trong triều đại nhà Nguyên, đã nói: “Há không thấy kinh nói rằng mười phương Như Lai thương nhớ chúng sanh như mẹ thương con; chúng sanhchìm đắm trong biển sinh tử như con trẻ lưu lạc nơi những xứ lạ quê người. Phật như một bà mẹ từ ái thương nhớ chúng, và dù Ngài không nói đến từ tâm của mình, tấm lòng của Ngài vẫn luôn luôn nhớ tưởng những đứa con lạc mất không thôi. Nếu con cũng nhớ tưởng mẹ như thế, tại sao mẹ con không có ngày hội diện?” Thiền luận Tập 2. Bản dịch của Tuệ Sỹ. Tr. 207.
Tập làm người tu phải nhớ niệm Phật nhiều, bởi vì Phật là ngôi vị mà mình muốn đạt tới. Muốn đạt tới thì phải nhớ Phật, tập hạnh Phật làm, tu hạnh Phật chứng. Như mẹ thương tưởng về con và con cũng luôn nhớ mẹ, thì ắt có ngày mẹ con gặp nhau, như Thiền Sư đã nói.
III. Hồi Hướng Công Đức Có Được Cho Mọi Loại Đều Lợi Lạc.
Tập làm người tu là phải có đôi tay bao dung, tấm lòng rộng mở độ lương. Vì bao dung, độ lượng là chất liệu của Từ Bi. Có chất liệu Từ Bi trong tâm của mình thì oán đối nào cũng được cởi mở, hận thù nào cũng được nguôi ngoai. Như trong Kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:
“Hận thù diệt hận thù
Đời này không thể có
Từ Bi diệt hận thù
Là định luật nghìn thu.”
Hay:
“Người khác không hiểu biết
Ở đây ta bị diệt
Những ai hiểu điều này
Tranh luận tự nhiên tiêu.”
Tập làm người tu là phải cấy hạt giống Từ Bi. Trồng tình thương yêu đồng loại, vun quén chở che, như nền văn hoá dân gian Việt tộc đã dạy:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”
Hay:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
Bước đầu tập làm người tu, phải là như đôi mắt Phật, Bồ Tát nhìn xuống để thấy nỗi khổ của người khác mà cứu vớt xoa dịu. Phải là như tiếng hồng chung đi ngang qua lòng người đề làm vơi đi nỗi thăng trầm lao lung; phải là thế ngồi kiết già vững chãi của thiền định chẳng lay động. Một hơi thở nhẹ nhưng sâu, đẩy lùi cặn bã, bụi bặm ra ngoài từ buồng phổi, thanh lọc thân và tâm được an lành, hạnh phúc bây giờ và ngay đây. Tập làm người tu là cho nguồn năng lượng lành đến người khác, tạo thành một từ trường tươi mát giữa mình và người.
Đôi lời gợi ý cho mình, hãy tập làm người tu. Làm người có tu, thì đẹp như đồng lúa chín vàng, rì rào trong gió. Làm người có tu thì nên thơ như trăng rằm soi tỏ nơi vườn cau, luống trầu, như dòng sông lững lờ trong vắt soi bóng sum la vạn tượng, như cánh chim trời lộng gió thênh thang, vô cùng. Hãy tập làm người tu, để cuộc sống thêm nhiều ý vị cao quý hơn.
San Diego, California
ngày 09 tháng 10 năm 2024
Chùa Phật Đà
Nguyên Siêu
* Nghe những bài thuyết giảng của các bậc Tôn Túc, đồng thời đọc kinh nghe những lời đức Phật dạy mà sách tấn cho chính mình.