Những Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Hành Động Con Người
Tuệ Thiện
Trong cuộc sống đời thường, mỗi ngày chúng ta phải quyết định hàng trăm, hàng ngàn lần. Có bao giờ chúng ta tự hỏi quyết định này có đúng không? Có lợi không hay có khôn ngoan không?. Cái gì đưa chúng ta tới quyết định như vậy? Sau đây tôi xin đề nghị chúng ta thử suy nghĩ về đề tài : « những yếu tố ảnh hưởng đến hành động con người »
1/- SỰ HIỂU BIẾT:
Sự hiểu biết giúp con người sống một cách khôn ngoan, hợp lý, thích ứng với khả năng vật chất và tinh thần của mình, thích ứng với môi trường thiên nhiên và xã hội. Nhưng than ôi, sự hiểu biết thì vô cùng tận, như trời cao biển rộng, một đời người không thể nào thâu tóm được túi khôn nhân loại, dù chỉ một phần. Do đó theo tôi, chúng ta nên giới hạn sự học hỏi trong 4 lãnh vực sau đây:
-Kiến thức tổng quát,
-Kiến thức cần thiết để đi vào đời sống hiện đại.
-Kiến thức nghề nghiệp, chuyên môn,
-Kiến thức mà bạn thích tìm hiểu,
Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà tư tưởng và lý số Việt Nam thời Lê-Mạc đã đưa ra một câu nói để đời «khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống». Vậy thì biết cái chi?
-biết người, biết ta
-biết đúng, biết sai
-biết thiện, biết ác
-biết đẹp, biết xấu
-biết thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Muốn biết người trước hết phải biết mình. Biết mình không phải dễ: “ta chỉ thấy hạt bụi trong mắt người mà không nhìn thấy cọng rơm trong mắt ta”. Vậy biết mình bằng cách nào? Biết cái gì đây?
Biết bằng cách quay cái nhìn vào bên trong để quan sát những gì xảy ra bên trong thân và tâm của mình. Bên trong thân thì chúng ta có thể cảm nhận được những cảm giácan lạc dễ chịu hay đau đớn mệt mỏi. Các bác sĩ thường thất vọng khi khám bịnh cho người Việt Nam vì đa số không diễn tả được những cảm giác của mình, do thiếu chữ nghĩa để diễn tả? do e ngại rụt rè? Có nhiều người bị bịnh ung thư phát tán đến thời kỳ thứ 3, thứ 4 mà vẫn chưa hay, có phải do chểnh mảng và thiếu biết mình chăng?
Nhận biết Tâm của mình còn khó hơn, vì tâm là thành phần trừu tượng vô hình và nó bao gồm nhiều yếu tố. Sau khi đã ghi nhận một cảm giác qua mắt tai mũi lưỡi thân, giờ đây Tâm phải diễn dịch để đặt tên và đánh giá cảm giác ấy. Công việc nầy tâm lý học gọi là Tri giác (perception), nhờ ở trí nhớ đã ghi chép tên gọi của các cảm giác từ thuở bé, đã được dạy dỗ bởi cha mẹ thầy cô. Chúng ta đã học nhận biết hoa Hồng, hoa Cúc, hoa Lan...giờ đây gặp lại ta nhận diện được chúng ngay.
Nhờ sự đánh giá các cảm giác, ta phân biệt chúng thành 3 loại: dễ chịu, khó chịu và trung tính. Dễ chịu làm cho ta ưa thích, khó chịu làm ta ghét bỏ và trung tính làm ta thản nhiên. Như vậy ta đã có được 3 loại tình cảm: thương, ghét, và dửng dưng.
Ngoài ra con người còn có những cảm xúc (émotions), là những phản ứng xảy ra một cách nhanh lẹ và chóng qua của cả thân và tâm trước một biến cố, một hoàn cảnh bất ngờ làm cho ta biến đổi sắc mặt, xáo trộn đầu óc và rối loạn bên trong cơ thể. Những biến đổinầy rất chuyên biệt cho mỗi loại cảm xúc. Người khôn ngoan có thể nhận diện được ngay những xáo trộn bên trong mình (biết mình), người tinh tế có thể nhìn thấy từ bên ngoài (biết người). Có 6 loại cảm xúc căn bản, phổ quát chung cho loài người được thừa nhận bởi nhiều nhà khoa học như Darwin (1872), Ekman (1982)...: vui sướng, buồn sầu, giận dữ, sợ hãi, ghê tởm, lo âu.
Cảm xúc là một phương tiện để diễn tả tâm trạng và thái độ của mình trước một tình huống, đó cũng là cách để giao lưu với thế giới bên ngoài, ví dụ:
-vui sướng là để tăng cường mối dây liên lạc với người khác.
-lo buồn là để lôi cuốn sự an ủi và thương hại.
-giận dữ là để răn đe đối thủ hầu giới hạn sự xung đột.
-sợ hãi là để tăng cường phản ứng đối phó (chiến đấu, rút lui hay bất động)
-ghê tởm là để xa lánh những gì mình không ưa thích.
-lo âu là để tăng cường sự suy nghĩ giải quyết.
Sau khi đã phân tích, tìm hiểu các thông tin, tín hiệu (traitement des informations) tâm thức sẽ tiến vào diễn trình hành động và đặt ngay câu hỏi “bây giờ ta phải làm gì?”. Có 3 cách hành động:
* suy nghĩ, tính toán, lý luận để đưa ra một ý định giải quyết
* ngôn ngữ: diễn tả tư tưởng bằng lời nói, chữ viết hay cử chỉ
* hành vi, những động tác để hoàn thành ý định.
Như vậy biết mình là biết nhận diện đúng những cảm giác cảm nhận được qua 6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, biết diễn tả sự vật đúng như nó là như vậy. Có trí nhớ tốt để không diễn dịch sai lầm các cảm xúc. Biết hành trình tư tưởng của mình để đi tới một ý địnhhành động. Biết mình cũng là biết cảm nhận những trạng thái tâm của mình; Khi ta đã biết mình thì biết người cũng giống như vậy thôi, như trở bàn tay. Người có khả năng biết mình và biết người như thế, giáo sư tâm lý học Howard Gardner, đại học Harvard, cho rằng đó là trí khôn nội-cá-thể (Intelligence intrapersonnel) và trí khôn liên-cá-thể (I.interpersonnel).
Riêng đối với hai giáo sư Peter Solvey và John Mayer (1990) thì cho rằng đó là Trí Thông Minh cảm xúc (intelligence émotionnelle) được đo lường bằng Chỉ số Cảm xúc QE (Quotient émotionnel) theo đó người có chỉ số QE cao rất khôn ngoan khéo léo trong những phạm visau:
-họ có khả năng nhận diện những tình cảm và xúc cảm của mình và của người khác
-khả năng chế ngự những xúc cảm của mình và biết thể hiện chúng một cách đúng đắn để không làm phiền lòng người khác
-khả năng chuyển hóa những xúc cảm tiêu cực của mình thành những tình cảm tốt đẹp (hoan hỉ,từ bi, buông xả)
-khả năng cảm thông với kẻ khác (empathie)
-khả năng điều hòa sự liên hệ giao tiếp.
2/- TRÍ NHỚ
Một hành động dù tốt hay xấu, mỗi khi được thực hiện sẽ được ghi xuống dòng tiềm thức bằng những chủng tử dưới dạng một mã số (code) để được ghi nhớ và lưu truyền. Trí nhớ là khả năng tinh thần khiến ta có thể khơi lại những gì đã được ghi chép và lưu giữ trong tâm não. Trí nhớ được hình thành nhờ 4 tiến trình sinh động sau đây:
*ghi nhớ đầu tiên (encodage, mã hóa)
*lưu trữ (stockage) người ta không rõ ký ức được lưu trữ ở đâu, mỗi tín hiệu ghi nhậnđược có nơi dự trữ khác nhau, tùy theo nó đã xâm nhập óc não qua những đường dẫn truyền và trung khu nào, rồi mỗi lần được lập lại những trung khu này được kích hoạt (do chụp IRMf thấy được)
*khơi lại (restitution)
*quên (oubli): quên giúp chúng ta xếp hạng những sự kiện theo thứ tự ưu tiên,để dành chỗ cho những sự kiện quan trọng và cần thiết khác
Một qui luật cho sự học hỏi, luyện tập là phải củng cố trí nhớ bằng cách lập đi lập lại nhiều lần, đều đặn và cách khoảng xa dần,chẳng hạn lần đầu 10 phút sau, rồi 1 ngày sau, 1 tuần sau, 1 tháng sau, 6 tháng sau...(theo tâm lý gia Đức Herman Ebbinghaus)
Trí nhớ là thành phần quan trọng của tâm thức con người, giúp con người nhận diện(tri- giác), hồi tưởng, tưởng tượng, hình dung những hình ảnh, âm thanh, mùi vị, cảm giác, ý tưởng mà mình đã biết qua. Con người sở dĩ hơn loài thú vật vì biết sáng tạo ra chữ viết để ghi lại những kinh nghiệm và kiến thức của mình hầu lưu truyền cho hậu thế. Đây là cách để tích hợp trí nhớ của cả nhân loại.
3/- NHỮNG ĐỊNH LUẬT TÂM NÃO VỀ HÀNH ĐỘNG:
Tâm não vận hành (fonctionner) bằng 2 cách:
a)- cách Tự động (automatisme) không cần suy nghĩ do thói quen, phản xạ, xung động (impulsivité). Cách vận hành này đòi hỏi ít năng lượng để thực hiện.
b)- cách có sự kiểm soát, chọn lựa theo những tiêu chuẩn đạo đức, lý luận, thẩm mỹ... Điều này cần nhiều năng lượng tinh thần, cần phải cố gắng để thực hiện. Khoa học cho đây là chức năng hành sự của não bộ (fonctions exécutives du cerveau), bao gồmnhững công việc như sau:
-sự uyển chuyển, linh hoạt của trí năng (flexibilité mentale)
-sự sắp xếp lên kế hoạch (planification)
-sự chú tâm (attention)
-sự kiểm soát kềm chế (contrôle inhibiteur)
-sự duy trì trí nhớ hành sự (mémoire de travail)...vv...
Do đó áp dụng vào cuộc sống, tất cả những hành động và lời nói mà ta biết là tích cực, thiện lành và ích lợi thì ta nên tập luyện thành thói quen; ngược lại những hành động tiêu cực, xấu ác, có hại thì nên xa lánh đừng tập nhiễm. Còn những hành động mà ta chưa biết là tốt/ xấu lợi/hại thì phải suy nghĩ, chọn lọc hoặc đừng làm.Có như thế cuộc sống của ta có một định hướng thiện lành. Lợi ích của cách vận hành có kiểm soát này là ta tránh được những lời nóivà hành động bốc đồng, không khôn khéo, có thể gây phẫn nộ, hay gây hại cho ta. Chúng tatránh được những thói quen xấu có hại cho sức khỏe, như hút thuốc, uống rượu ghiền ma túy, cờ bạc...Chúng ta luyện tập được những việc làm hữu ích như thể dục, khí công, thiền định, lái xe, điện toán...
Ứng dụng vào thiền tập thì tất cả những loại thiền nào không nương tựa vào một hay bốn đề mục Thân, Thọ, Tâm, Pháp thì óc não sẽ sử dụng cách Tự động, nghĩa là nó sẽ vận hành theo những tập khí của tâm thức từ muôn đời là phóng tâm, vọng tưởng. Chỉ có cái chết mới chấm dứt được tập khí này.Như vậy làm sao thiền gia có thể đạt đến nhất tâm bất loạnđược?
4/- VẾT HẰNG CỦA THÓI QUEN:
Thói quen là một sinh hoạt trí não, lời nói hay tay chân, được lập đi lập lại thành thuần thục. Thói quen có thể bắt nguồn và tồn tại từ nhiều kiếp trước và trở thành một tánh khí hay tật ách. Ta có 4 loại thói quen :
a) Thói quen tinh thần : một lề lối suy nghĩ, tính toán; một cảm xúc lo âu, sợ sệt; một thái độhung dữ, sân hận...
b) Thói quen về lời nói : có người mở miệng là gọi “Chúa ơi” hay “A Di Đà Phật”, “Mô Phật”, hoặc mở miệng là chửi thề hay nói liệu ...
c) Thói quen tay chân như : ngoáy mũi, nhổ tóc, rung đùi ...
d) Thói quen bịnh lý : có người bị ám ảnh bởi một ý tưởng, trong đầu cứ lập đi lập lại một sơ đồ bịnh lý như : sợ dơ cứ phải rửa tay hàng trăm lần, sợ bị trộm cứ phải khóa cửa tới khóa cửa lui; những người bị ám ảnh bịnh hoạn, cứ phải đi hết bác sĩ này tới bác sĩ khác,những người ghiền rượu, ghiền thuốc lá hay ma-túy... Những người này cần phải được điều trị bằng liệu-pháp nhận-thức hành-vi (thérapie cognitivo-comportementale).
5/- NHỮNG ĐIỀU KIỆN SỨC KHỎE:
Tổ chức Y tế Quốc Tế định nghĩa “sức khỏe là một trạng thái an lạc (bien-être) toàn diệncủa thân, tâm và xã hội, nó không phải chỉ cốt ở sự vắng bóng của bệnh hoạn hay tật nguyền”.
Sức khỏe vật chất của con người được qui định bằng những yếu tố sau đây :
- sự Di-truyền : có những gia đình ông bà cha mẹ sống rất thọ, con cháu có hy vọng sống thọnhư ông bà. Nhưng có những bệnh có nguồn gốc di-truyền như một vài bệnh ung thư vú, ung thư ruột, ung thư nhiếp-hộ-tuyến, bệnh Alzheimer, bệnh mucoviscidose (b. nhầy nhớt)... Nên gia đình nào có cha mẹ anh em bị những bệnh trên thì phải xin đi khám nghiệm di-truyền để ngăn ngừa và chửa trị.
- chế độ dinh dưỡng quân bình : không ăn quá ngọt, quá mặn, quá béo.
- sự ngủ nghỉ đầy đủ.
- những thói quen lành mạnh trong cuộc sống : vận động cơ thể đều đặn, không hút thuốc, không uống rượu, không sử dụng ma túy...
- sự quân bình giữa thân và tâm, nguyên tắc của sức khỏe là phải kích hoạt thân thể và làm an tịnh tâm hồn.
- sự quân bình giao tiếp giữa thế giới bên trong và bên ngoài.
- sự ô nhiễm hay trong sạch của môi trường sống...
Sức khỏe tinh thần được qui định bởi :
- các giác quan hoạt động bình thường.
- tri giác chính xác, nhận thức đúng, không bị chứng mất nhận thức (agnosie).
- trí nhớ tốt, sự suy nghĩ mạch lạc, sáng suốt, tâm định tĩnh.
- khả năng buông xả và không dính mắc vào bất cứ một đối tượng ham muốn hay thù hận nào.
– năng lực tinh thần đầy đủ : không uể oải, lười biếng, mệt mõi.
Có những yếu tố làm cho tinh thần suy yếu:
*/ Xung ứng (stress)/ làm việc trí óc quá mức/ Bịnh Trầm cảm/ Bịnh Covid dài...
*/ Thiếu dinh dưỡng (Đoàn thực)
*/ Mất ngủ: những bịnh làm mất ngủ: ngáy ngủ, chân cựa quậy/ ghiền thuốc ngủ...
*/ Tâm thù hận, ganh tức
*/ Ghiền rượu, thuốc lá, ma túy
*/ Thiếu vận động cơ thể, cả ngày ngồi trước truyền hình hay máy điện toán
*/ Sự cô đơn, thiếu giao tiếp xã hội (xúc thực)
*/ Thiếu thức ăn nuôi dưỡng tâm (thức thực): học hỏi, đọc sách, âm nhạc, thi họa...
*/ Thiếu Chú tâm, Tỉnh giác
*/ Sống trong không gian tràn ngập các sóng điện-từ: TV, Đt di động, máy điện toán
Khái niệm An lạc Xã hội rất khó định nghĩa vì nó bao hàm vừa ý thức và cảm nghiệm của cá nhân về hạnh phúc của mình trong một xã hội ; người biết đủ thì dễ thỏa mãn với những gì xã hội cho mình. Có người ở trong tù cảm thấy sung sướng an ninh hơn là ở bên ngoài ; do đó, mùa Đông có nhiều người Nga và Nhật vô gia cư, cố làm một cái tội gì đó để được vào tù sống cho yên thân trong mùa đông giá lạnh. Nhưng đồng thời nó cũng bao hàm trách nhiệm của xã hội đối với người dân, đây là nhiệm vụ của nền Y Tế công cộng, như :
- quan sát và đánh giá sức khỏe của quần chúng : số tử vong, bệnh hoạn, tai nạn, tự tử...
- phòng ngừa, động viên và giáo dục y tế.
- tổ chức dịch vụ săn sóc và điều trị bệnh tật.
- chọn lựa ưu tiên hành động và đánh giá những phương pháp trị liệu...
Ngoài ra, còn một yếu tố quan trọng khác qui định sức khỏe xã hội, là : “quyền được hưởng thụ sự săn sóc do luật định”. Quốc gia càng văn minh càng có nhiều luật lệ để bảo vệ người dân về y tế và an sinh xã hội, chẳng hạn :
- chính phủ phải bảo đảm mức lương tối thiểu của người dân.
- tất cả mọi người dân đều được hưởng quyền săn sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.
- tất cả mọi công nhân đều được hưởng những điều kiện làm việc thỏa đáng.
– cấm trẻ em dưới 1 số tuổi nào đó đi làm...
6/- ĐỊNH LUẬT NHÂN-DUYÊN-QUẢ hay NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ:
Để diễn tả sự liên hệ giữa 2 sự vật trong vũ trụ, triết học Trung Hoa đưa ra nguyên lý Ngũ Hành bao gồm 5 yếu tố tượng trưng cho 5 cơ quan tạng phủ hay 5 năng lực khí hóa: Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy. Nguyên lý này có thể được phát biểu như sau: “ phàm cái gì hiện hữu đều có cái sinh ra nó, cái khắc nó, cái nó sinh ra, và cái nó khắc, tạo thành một toàn thể5 yếu tố liên hệ chặc chẻ”
Triết học Phật giáo đưa ra 2 nguyên lý để giải thích sự tương quan này: Duyên Sinhvà Duyên Hệ
a)Nguyên lý Duyên Sinh hay những điều kiện cần để Nhân sinh ra Quả: phải có nhân thì mói có quả,cũng như phải có lửa thì mới có khói, có gạo thì mới có cơm. Nguyên lý này được phát biểu như sau:
“Khi cái này có, cái kia có,
Khi cái này không có, cái kia không có”
b)Nguyên lý Duyên Hệ hay những điều kiện đủ. Muốn có cơm phải có gạo, nhưng cũng cần phải có: nồi, nước, củi, lửa (hoặc điện, gaz) thì mới có cơm. Nguyên lý Duyên Hệ đề cập một cách tổng quát và rốt ráo sự tương quan giữa hai yếu tố, có thể là vật chất hay tinh thần. Sự tương quan này có thể có đặc tính về không gian, thời gian (sinh trước, cùng sinh, sinh sau), về hổ trợ hay tương khắc, tương đồng hay tương phản, tính cách quan trọng, chuyên biệt, có mặt hay vắng mặt...Nguyên lý này có thể được phát biểu như sau:
“Khi cái này có, cái kia không có (hoặc ngược lại)
Cái sinh sau trợ duyên cho cái sinh trước (hoặc ngược lại)
Cái yếu trợ duyên cho cái mạnh (hoặc ngược lại)”
7/- YẾU TỐ DI-TRUYỀN VÀ NGOẠI-DI-TRUYỀN (Génétique et Épigénétique)
Chúng ta có 2 loại di truyền : vật thể và tinh thần. Sự di truyền vật thể được qui định bởi những định luật về sinh học như định luật Mendel phát hiện năm 1865. Cha mẹ truyền cho con cái những đặc tính hình thể (vóc dáng, màu da, màu tóc...), những bịnh tật, khả năng tinh thần...nhờ lưu truyền các di-tố (gènes). Các di-tố là một đoạn của những phân-tử ADN,acide désoxyribonucléique có trong các tế bào của mỗi sinh vật. Chúng ảnh hưởng và điều khiển sự phát triễn cũng như sự vận hành tất cả các cơ quan và hệ thống của cơ thể, giống như một cẩm nang ghi chép những chương trình phải thi hành để phát triển, tồn tại, sinh sản, già nua và cả sự chết.
Sự di truyền về tinh thần thì khó hiểu hơn, được giải thích bởi Phật Giáo, được lưu truyền qua các chủng tử của dòng tâm hữu-phần, chủng tử là những thông tin đã được mã-hóa (encodé) và được ghi chép xuống ký ức; rồi lúc chết, những mã số (chủng tử) này được chuyển từ tâm-tử của người chết sang cho tâm-tái-sinh của người ở kiếp sống mới. Những chủng tử này được lưu trữ trong ký ức của mỗi cá nhân từ đời này sang đời khác, nó không tùy thuộc huyết thống ông bà, cha mẹ mà tùy thuộc vào nghiệp nhân mà mỗi người đã tạo từ quá khứ và chỉ chờ hội đủ nhân duyên để thể hiện thành nghiệp quả.
Giữa thế kỷ 20, các nhà sinh học bắt đầu nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường trên sự biểu hiện của những đặc tính di truyền và nhận thấy rằng di truyền học tự nó không giải thích được những thay đổi của sự biểu hiện các đặc tính này. Nhà sinh học Anh Conrad Waddington (1905-1975) đưa ra thuyết Ngoại Di Truyền bằng cách ráp chữ biểu sinh (épigénèse) và chữ di truyển (génétique) thành chữ épigénétique (Ngoại Di Truyền); theo đó môi trường sinh sống, cách sinh sống ảnh hưởng rõ ràng trên sự biểu hiện của các di-tố (gènes). Chẳng hạn không phải vì chúng ta mang trong người những di-tố của một bịnh di truyền mà bịnh này bắt buộc phải phát ra. Chúng có thể nằm yên đó, nếu chúng ta biết sống lành mạnh (ăn uống chừng mực, ngủ nghỉ đều độ, vận động thân thể, tâm thái an tịnh, quân bình thân tâm...). Môn học Ngoại Di Truyền ngày càng phát triển và đưa ra những minh chứng vững chắc về ảnh hưởng của môi trường sống và sinh lực tinh thần ảnh hưởng trên sức khoẻ và tuổi thọ của con người. Chẳng hạn 2 đứa trẻ sinh đôi có cùng hệ thống di-tố (génome) được nuôi dưỡng trong 2 gia đình khác nhau sẽ có cá tính, những sở thích và bịnh hoạn khác nhau. Ngược lại trong một gia đình mà đa số các con là con gái, chỉ có đứa nhỏ nhứt là con trai, thì cậu này có tánh tình, điệu bộ, sở thích rất là đàn bà và lớn lên muốn đổi giống thành đàn bà (hay ngược lại cũng vậy).
8/-SỨC MẠNH CỦA Ý CHÍ:
Con người được qui định bởi 3 yếu tố : di truyền, hoàn cảnh và ý chí. Chúng ta chưa làm gì được với sự di truyền. Nhưng với ý chí, ta có thể thay đổi được hoàn cảnh và ngay cả thay đổi nghiệp. Vậy ý chí là cái chi ?
a) là cương quyết hành động để đạt tới mục đích dự tính. Điều này đòi hỏi khả năng biết chọn lựa cách làm và phương tiện thích hợp nhất.
b) kế đến, là soạn thảo ra một chương trình hành động với những ước tính điểm khơi đầu, điểm kết thúc và những kế hoạch trung gian.
c) biết phê phán, đánh giá những chọn lựa một cách xác đáng.
d) sau cùng, đảm trách sự kiểm soát để tự điều chỉnh và duy trì công trình cho tới thành tựumỹ mãn.
9/- TÁC ĐỘNG CỦA SỰ BUÔNG XẢ:
Buông xả là :
a) một trạng thái của tâm không vui, không buồn/ không sướng, không khổ/ một cảm giáctrung tính, chấp nhận sự việc xảy ra cho dù có xấu như thế nào.
b) một thái độ, một hành động của tâm: vô tư, không luyến ái cũng không ghét bỏ. Nhìn đối tượng qua nguyên nhân và hậu quả của nó với tâm trạng bình thàn và không đòi hỏi nó phải theo sở thích của mình.
c) chấp nhận sự khác biệt giữa người khác và mình, mỗi người một quan điểm, một chọn lựa, một sở thích. Đừng bắt buộc người khác phải giống mình.
d) không quan tâm tới những điều không liên quan tới mình chút nào, hoặc những điều nhỏ nhặt cứ dày vò tâm não mình.
Người biết buông xả là người không chấp-nhất, không ngã mạn, không ôm mối sầu hận trong lòng và sẽ có những quyết định khách quan và sáng suốt.
10/- SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA TÂM và NÃO ( TINH THẦN và VẬT CHẤT)
-Tương quan nhân quả giữa một tác động của tâm trên các tế bào não:
*Thí dụ:sự tu luyện của các thiền gia làm thay đổi cấu trúc não bộ của họ. Sự thanh lọc Tâm thường xuyên làm cho não bộ của họ trở nên kiện toàn.
-Vật chất ảnh hưởng trên tâm :
*Thí dụ:-Ngũ Trần tác động trên Ngũ Quan để sinh ra 5 Thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt,thân-thức
*Óc não biến đổi của người bị bịnh Alzheimer làm cho họ mất trí nhớ hoàn toàn.
Tâm có thể ảnh hưởng trên vật chất và ngược lại vật chất cũng có thể ảnh hưởng trên tâm tùy theo những điều kiện chi phối bởi nguyên lý Duyên-sinh Duyên-hệ như sau:
-ảnh hưởng của ngoại cảnh
-khả năng của các giác quan tiếp xúc và ghi nhận những tín hiệu đến từ thế giới bên ngoài
-khả năng diễn dịch của não bộ đối với những kích thích nầy
-Thái độ hành xử của não bộ đối với những kích thích này
-Năng lượng vật chất và tinh thần nuôi dưỡng thân và tâm
-Khả năng chuyên biệt của một nhóm tế bào não hoặc của những loại tâm đặc biệt (indriya)
-Sự có mặt trước hay sau hoặc cùng một lúc của một yếu tố, một sự kiện.
11/- SỰ TRUYỀN TẢI TÍN HIỆU TRONG CƠ THỂ VÀ ÓC NÃO:
Cơ thể là một môi trường sinh động (matrice vivante) trong đó có sự trao đổi thông tin tín hiệu liên tục không ngừng nghỉ giữa thế giới bên trong và bên ngoài, giữa các tế bào bên trong cơ thể với nhau, nhứt là giữa các tế bào nơ-rôn trong toàn bộ hệ thống thần kinhbao gồm các trung-khu thần kinh, các đường dẫn truyền thần kinh hướng tâm và ly tâm và vùng võ não, là vùng điều khiển sự vận hành trung ương nói chung. Nếu trong hệ thống này, có chỗ nào bị thương tích, tắt nghẽn thì thông tin tín hiệu không truyền tải được. Một mệnh lệnh của trung ương sẽ không được hay biết ở địa phương
Trong những tế bào của cơ thể, chất ADN có hình dạng xoắn ốc là những ăng-ten có thể rung động cộng hưởng với các sóng scalaires (là những sóng tinh thần do não bộ phát ra hay thu nhận) đến từ bên ngoài để ban phát năng lượng hoặc chuyển tải thông tin giữa các tế bào với nhau. Hình thức chuyển tải thông tin này được chứng minh là hiệu quả hơn sự chuyển tải qua sự biến dưỡng hoá học các chất hormones hay các chất thần kinh chuyển hóa(neurotransmetteurs) (Médecine énergétique, Oshman)
12/- ĐỊNH LUẬT ĐỒNG THANH TƯƠNG ỨNG ĐỒNG KHÍ TƯƠNG CẦU (Loi de l'attraction)
Người xưa có câu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, có nghĩa là : cùng một âm thanh, tiếng nói, thì có thể hưởng ứng qua lại, “cùng một khí loại thì tìm nhau, như đá từ thạch thì hút chất sắt, hổ phách thì hút hột cải” (Đào Duy Anh, Hán Việt Tự Điển). Lại cũng có câu “trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa” nghĩa là cùng giống nhau thì tìm đến nhau. Đối với con người thì giống nhau có nghĩa là cùng tâm ý, tình cảm và chí hướng. Khoa học cũng cho biết mỗi vật thể có một tần số rung động khác nhau (fréquence de vibration). Nếu cùng một tần số thì có thể cộng hưởng rung động với nhau. Con người có hai loại tần số rung động : một loại cao tương ứng với một tâm ý thiện lành, một tình cảm từ ái và một ý hướng xây dựng; một loại thấp tương ứng với một tâm ý xấu xa, một tình cảm hận thù và một ý hướngtiêu diệt. Những tư tưởng, lời nói, hành động tốt sẽ kêu gọi phúc lợi đến, ngược lại những người có tư tưởng, lời nói, hành động xấu, sẽ kêu gọi tai họa đến với người ấy. Đúng như cách ngôn “ghét của nào, trời trao của ấy”. Luật “Đồng thanh tương ứng” bao hàm nhiều địa hạt: Khoa học, Năng lượng, Tâm thức và Tâm linh... Theo khoa học, trong vũ trụ có nhiều lực hấp dẫn như lực từ trường, lực vạn vật hấp dẫn, lực tĩnh điện...Nhà bác học Albert Einstein nói: “tất cả đều là năng lượng, không có điều gì khác cả. Làm tương xứng ý bạn muốn vói tần số của thực tại, thì bạn sẽ đạt được thực tại ấy, chắc chắn như vậy. Điều này không phải là triết học, mà là vật lý đó”. Trong địa hạt Tâm lý, nếu bạn áp dụng lòng biết ơn, ban phát tư tưởng thiện lành, thì luật “đồng thanh tương ứng” sẽ thể hiện cho bạn thấy những kết quả. Cũng như luật Nhân Quả trong nhà Phật: nhân nào, quả nấy/ gieo gió, gặp bảo.
13/-CON NGƯỜI BỊ CHI PHỐI BỞI NGÃ KIẾN, ĐỊNH KIẾN, NHỮNG DÍNH MẮC và PHONG TỤC TẬP QUÁN
a)-Ý niệm về bản ngã xuất phát đầu tiên từ các tôn giáo và triết học. Các tôn giáo độc thần tin rằng Thượng đế đã thổi vào con người một linh hồn bất diệt, không thể bị tan hoại do cái chết gây ra. Sau cái chết nó chờ đợi đâu đó để hội nhập lại với thể xác trong ngày phán xét cuối cùng để được tiếp dẫn lên thiên đàng sống đời hạnh phúc hoặc đày xuống địa ngụcsống khổ sở muôn đời vì không tin và làm theo lời chúa dạy.
Phật giáo cho rằng bản ngã là ảo kiến do con người tạo ra và bám víu vào 5 thành phầncấu tạo nên nó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức (Ngũ uẩn). Ngũ uẩn là đối tượng của sự chấp thủ gọi là Ngã kiến mà phân tích ra nó sẽ thành 4 cách: Sắc này là tôi, Sắc này là của tôi, Sắc này ở trong tôi, Tôi ở trong Sắc này. Nếu suy luận như thế với cả 5 thành phần của ngũ uẩnta có tất cả 20 cách chấp ngã. Cũng như Descartes đã dựa vào một trong 20 cách đó để tuyên bố “tôi suy tư nên tôi hiện hữu”. Sự chấp ngã này rất nặng nề, không ai được đụng vào hay làm tổn thương 5 thành phần này, nếu không sẽ có đỗ máu, sẽ có chiến tranh và đau khổ.
Đúng ra nói theo học giả Philippe Cornu «cái ta là một qui ước xã hội gắn liền với một tên gọi, một hình ảnh để phân biệt ta với người khác.Sự tin tưởng vào cái ta này (hay sự chấp thủ ngũ uẩn) biểu hiện một nhu cầu truyền kiếp của con người về kiểm soát, về lảnh địa, về mong mỏi nể phục, về thừa nhận bản sắc và quyền sở hữu» (Le bouddhisme une philosophie du bonheur/ Seuil)
Thật sự không có bất kỳ một thực thể nào tồn tại một cách trường tồn, đơn lập; mà chỉ có một tập hợp thân tâm diễn tiến trên căn bản của định luật Vô thường và định luật Duyên khởi(Nhân -Duyên-Quả). Vì tri giác sai lầm về bản ngã mà con người bị khổ đau; vì thiếu hiểu biết chân xác về cái tôi mà con người cứ phải triền miên luân hồi. Con người sẽ bớt khổ hơn khi quên đi sự hiện hữu của chính mình và giá trị của một người ở chỗ anh ta có khả năng phá vỡ cái ngục tù bản ngã đã nhốt chặt mình không?
b)- Con người bị trói chặt vào những Định kiến, những ý-thức-hệ, chủ-thuyết, vào những niềm tin mà mình lầm tưởng là chân lý. Cùng một Thượng đế mà Thiên chúa giáo và Đạo Tin Lành đã đánh giết nhau; Chiến tranh tôn giáo vẫn còn đang tiếp diễn ở Trung Đông; Cùng một Allah mà Chiite và Sunnite vẫn thù địch nhau. Cùng là Phật giáo mà Đại thừa và Tiểu thừa vẫn chửi bới nhau. Con người bị gạt gẫm bởi chính mình nào phải do Trời Phật, Thượng đế nào đâu? Chưa kể hàng triệu người đã chết vì các ý-thức-hệ Cộng sản, Tư bản...
c)- Trong cuộc sống, con người luôn luôn đi tìm hạnh phúc vì đó là một nhu cầu thiết yếu của con người. Nhưng thường người ta lầm lẫn giữa hạnh phúc và lạc thú cho nên họ cứ đi tìm mãi mà không gặp; do đó tục ngữ Ấn Độ có câu “Lạc thú chỉ là cái bóng của Hạnh phúc” và nhà văn Pháp Barbey d'Aurevilly nói “Lạc thú là Hạnh phúc của kẻ điên cuồng và Hạnh phúc là Lạc thú của người thiện tri”. Hạnh phúc bao gồm 4 khía cạnh: vật thể, tinh thần, tâm linh và xã hội.
Hạnh phúc Vật thể là chúng ta sẽ có một thân thể khỏe mạnh, không yếu đuối bịnh tật. Về Tinh thần chúng ta có một tâm trạng sung sướng, mãn nguyện, Về Tâm linh chúng tađược an lạc, định tĩnh, buông xả, dứt khổ. Về Xã hội chúng ta được sống trong một nước an ninh, có công lý, tự do dân chủ. Trong khi Lạc thú chỉ là để thỏa mãn 5 giác quan: mắt phải nhìn thấy cảnh đẹp, người đẹp; tai phải nghe điệu nhạc du dương, lời hát ngọt ngào; mũi phải ngửi mùi thơm tho, dễ chịu; lưỡi nếm vị béo ngọt, thân xúc chạm mịn màng êm dịu...Lạc thú có thể ví như hình ảnh người ghiền ma túy, mỗi lần thiếu thuốc thì mình mẩy đau nhức, toát mồ hôi, tâm thần bấn loạn, tìm mọi cách để có được một liều thuốc dù có phải đến những nơi nguy hiểm chết người. Được chích một liều thì trở nên khoan khoái hoan lạc, còn sướng hơn một cuộc làm tình. Nhưng cơn khoái lạc này chóng qua; con người rơi vào trạng thái không thỏa mãn triền miên, cứ phải đi tìm, đi tìm mãi mà không bao giờ toại nguyện. Đầu óc cứ bị quay cuồng dính mắc trong những lạc thú trần tục.
d)- Phong tục, Tập quán thể hiện đời sống và tinh thần của một dân tộc, nó bắt nguồn sâu xa từ nhu cầu tâm linh, từ tín ngưỡng, từ việc “quan, hôn, tang, tế”, từ các lễ hội truyền thống đã gắn liền với một dân tộc. Nhưng “trước bao những cuộc bễ dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, có nhiều thuần phong mỹ tục đã không còn nữa, mà được thay thế bằng những phong tục vay mượn rườm rà, tốn kém và không thích hợp với đời sống mới, một đời sống lệ thuộc vào kinh tế toàn cầu, vào trí khôn nhân tạo, vào sự cạnh tranh mạnh được, yếu thua.
Có người muốn duy trì và bảo tồn một số phong tục, tập quán vì đó là sức sống, là bản sắc của dân tộc, là nền tảng của gia đình và làng xã. Vậy thì giữ cái gì và bỏ cái gì đây? Theo tôi nghĩ nên gìn giữ những cái sau đây:
*/- Những phong tục, tập quán xuất phát từ nhu cầu tâm linh như: đi chùa, đi nhà thờ, đến đền thờ vào những ngày lễ tôn giáo, Tết Nguyên Đán, lễ giỗ Tổ Hùng Vương, lễ Hai Bà Trưng, lễ Đức Trần Hưng Đạo, lễ kỷ niệm chiến thắng Đống Đa...
*/- Những tục lệ duy trì sự gắn bó gia đình như: thờ cúng tổ tiên, ngày giỗ ông bà cha mẹ là cơ hội để cho con cháu gặp gở, tụ họp, tương trợ nhau. Đó là ẩn ý của tiền nhân, cha mẹ sợ rằng sau khi mình chết anh chị em không còn biết nhau như nhiều gia đình ở hải ngoại này. Người tây phương có tục lệ ăn sinh nhật cũng hay, mỗi năm đến ngày sinh nhật tụ họp nhau quanh một buổi tiệc, một cái bánh còn hơn là: “Khi sống thì chẳng thấy đâu/ Lúc chết bày cỗ, giết trâu tế ruồi”.
Tôn giáo lâu đời nhất của người Việt Nam là đạo thờ cúng Tổ tiên, sự có mặt của bàn thờ ông bà trong nhà làm cho đời sống tâm linh của gia đình được thiện lành, ấm cúng. Con cháu yên lòng là cha mẹ ông bà vẫn ở chung với mình, đang bảo vệ và phù hộ mình.
Những phong tục cần phải từ bỏ:
*/- Những loại ảnh hưởng từ Trung Quốc mang tính chất dị đoan mê tín, xin xâm, bói toán, đốt giấy tiền vàng bạc, đốt hàng mã, tốn phí vô ích. Đốt tiền thật không biết người chết bên kia thế giới có nhận được không, huống hồ đố giả, sợ đạo quân của Diêm Vương sẽ bắt thân nhân mình vì xài đồ giả.
*/- Những tục lệ cúng tế thần linh như thầnThổ, thần Tài, thần Táo với hậu ý muốn hối lộ thần thánh cho được buôn may bán đắt. Những vị thần này chỉ là sự tưởng tượng của những con buôn Tàu.
*/- Những tục lệ rườm rà về tang tế, cưới hỏi:như xưa kia trong hôn lễ có tới 6: lễ nạp cưới (2 bên nhà trai gái trao đổi sự đính ước), lễ vấn danh (hỏi tên tuổi, ngày sanh tháng đẻ người con gái), lễ nạp cát (chấp nhận sự đính ước sau khi coi tuổi 2 bên có hợp nhau), lễ ăn hỏi, lễ xin cưới, lễ cưới. Ngày nay có lẽ chỉ cần 3 lễ là đủ rồi: chạm ngõ (xem mặt), lễ hỏi, lễ cưới.
Trong việc chọn lựa gìn giữ những Phong tục, Tập quán cần đặt nặng suy nghĩ trên những điều kiện không-thời-gian, phương tiện, trên nhu cầu Tâm linh, trên giá trị bền vữngcủa Văn hóa và Đạo đức.
KẾT LUẬN
Mười ba yếu tố trên đây chắc chắn chưa đủ. Bởi vì cuộc đời con người rất phức tạp và tâm thức con người còn rắc rối hơn. Điều này làm cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn khi hành động. Mỗi hành động có thể có hậu quả tức khắc hoặc có hậu quảvề sau trong kiếp này hoặc trong những kiếp sau...sau nữa. Nội việc nghiên cứu những định luật Nhân-Duyên-Quả hay những điều kiện cần và đủ diễn tả sự tương quan giữa hai sự vật, hai sự kiện, chúng tacũng đủ choáng ngộp về số phận con người. Phải cảm nghiệm sự khổ đau từ mỗi rung độngcủa tế bào, từ mỗi góc cạnh sâu kín của nơ-rôn. Mặc dầu vậy, chỉ có ở vị trí con người chúng ta mới có thể thoát ra được vòng luân hồi sanh tử khổ đau. Đời sống con người thật quí làm sao!
TUỆ THIỆN
- Tag :
- Tuệ Thiện