Nghiên Cứu Về Một Vài Điểm Đặc Thù Trong Quá Trình
Phiên Dịch Kinh Điển Của Hoà Thượng Thích Minh Châu
Thích Chúc Phú[1]
Một trong những đóng góp to lớn của Hoà thượng Thích Minh Châu là sự nghiệpphiên dịch kinh điển. Trong sự nghiệpphiên kinh, chính bản thân Hoà thượngđã từng xác định: Chúng tôi xem sự nghiệp phiên dịch kinh tạng như là một bổn phận phải làm đối với những ai được may mắn du học tại Ấn Độ[2]. Thực sự, chí nguyện to lớn đó đã được Hoà thượng nuôi dưỡng từ năm 1952 trong khi du học ở Tích Lan[3]. Do đó, bên cạnh những Phật sự to lớn như nghiên cứu, giáo dục, quản trị, hoằng pháp…, sau khi du học trở về, Hoà thượng Thích Minh Châu đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để phiên dịch hoàn tất năm bộ Nikāya từ Pāli sang tiếng Việt[4].
Trong quá trình phiên dịch kinh điển, mặc dù Hoà thượng Thích Minh Châu không để lại những nguyên tắc hay tôn chỉ dùng để phiên kinh như các nhà phiên kinh ở Trung Hoa thời xưa đã từng đề xuất[5]; tuy nhiên, trong bước đầu khảo sát những dịch phẩm của hoà thượng, chúng tôi đã phát hiện có nhiều điểm đặc thù, được xem như tôn chỉ căn bản mà Hoà thượng dựa vào đó để phiên kinh.
1. Chú trọng nguyên tác
Trung thành với nguyên tác, đó là tiêu chí đầu tiên được Hoà thượng vận dụng trong quá trình phiên kinh. Hoà thượng cho biết rằng: Có người than kinh Pāli quá dài và có nhiều đoạn trùng điệp. Khi dịch kinh, bao giờ tôi cũng phải kính trọng nguyên bản, và vì vậy chúng tôi không có thể tự ý lược bỏ những đoạn trùng điệp, dầu rằng nguyên bản Pāli chúng tôiphiên dịch cũng đã lược bỏ khá nhiều. Điều chúng ta nên nhớ là phần lớn kinh điển được kiết tập trong các Đại hội Kiết tập và đều do chư Tăng tụng đọc lại những đoạn các vị ấy đã ghi nhớ, và lẽ dĩ nhiên khi tụng đọc không bao giờ có chuyện lược bỏ. Lại nữa, đức Phật trong khi đi truyền giáo, mỗi kinh đều được giảng trọn vẹn trong mỗi hoàn cảnh đặc biệt và chư Tăngghi nhớ lại không bao giờ dám lược bỏ các đoạn đã được nghe. Do đó, có nhiều đoạn trùng điệp, khó lòng lược bỏ cho được. Dầu thế nào, các đoạn trùng điệp vẫn có sự tác dụng cho người đọc vì không gì tốt đẹp hơn là được nhắc đi nhắc lại những giáo lý quan trọng và những pháp tu căn bản[6].
Nhờ y cứ vào nguyên tác cho nên những nguyên tắc căn bản nhất từ lời dạy của Phật được xác chứng và đảm bảo. Nhờ vào nguyên tắc này mà những pháp hành được triển khai và đã được chứng minh trong thực tiễn tu tập của nhiều người. Thậm chí, có những hành giả dành trọn cả cuộc đời tu tập, chỉ y cứ và tin tưởng duy nhất vào bản dịch Việt kinh tạng Nikāya của Hoà thượng Thích Minh Châu.
Có thể nói, kinh văn như thế nào thì dịch như thế đó, là nguyên tắc hàng đầu của mọi lãnh vực phiên dịch và càng đặc biệt hơn đối với lãnh vực phiên kinh. Ở đây, do vì tuân thủ vào nguyên tắc này gần như tuyệt đối, thế nên trong bản Việt dịch các bộ Nikāya của Hoà thượngThích Minh Châu có nhiều câu kinh thể hiện hết sức cô đọng[7], có đôi chỗ dịch ngữ khá trúc trắc[8], một vài nơi dùng chữ chưa tao nhã nhưng do yêu cầu đảm bảo tính chân thực của kinh văn nên đành phải tạm dùng[9].
2. Tham chiếu kinh điển
Theo Kinh Đại Bát-niết-bàn (D.16), muốn xác định một bản kinh có phải là lời dạy của Như Lai hay không thì cần phải đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Kinh ghi:
Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứngvới Luật, thời các ngươi có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh"[10].
(Tāni ce sutte osāriyamānāni vinaye sandassiyamānāni sutte ceva osaranti, vinaye ca sandissanti, niṭṭhamettha gantabbaṁ: ‘addhā idaṁ tassa bhagavato vacanaṁ; imassa ca bhikkhuno suggahitan’ti)[11]
Có 1ẽ xuất phát từ quan điểm này thế nên trong quá trình phiên dịch kinh điển, trong một số đoạn kinh hoặc trong nhiều bài kinh, Hoà thượng Thích Minh Châu đã ghi chú nguồn tương tương ở Hán tạng. Đơn cử như, trong kinh Tương Ưng Bộ, Hoà thượng đã đối chiếu nhiều bản kinh tương đương và đã ghi chú như sau:
Đưa đến đoạn tận (Tạp 36.9; Đại 2, 262b; Biệt Tạp 8.7; Đại 2, 427b (S.i.2)[12].
Đây là cách ghi chú bản kinh tương đương trong Hán tạng theo cách riêng của hoà thượng. Ở đây:
Tạp 36.9: Nghĩa là Kinh Tạp A-hàm, quyển 36, kinh số 9.
Đại 2, 262b: Nghĩa là Tạng Đại chánh (Taisho), tập 2, trang 262b
Biệt Tạp 8.7: Nghĩa là Biệt dịch Tạp A-hàm, quyển 8, kinh số 7.
Đại 2, 427b: Nghĩa là Tạng Đại chánh (Taisho), tập 2, trang 427b
Chúng tôi đã kiểm tra và đã xác định rằng, dù cách ghi chú của Hoà thượng có vài khác biệt so với quy cách ghi chú của học giới nói chung và của Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam hiện nay, nhưng vẫn có thể giúp cho người đọc tìm kiếm dễ dàng những bản kinh tương đương trong Hán tạng.
Tương tự, trong Kinh Tăng Chi Bộ, thỉnh thoảng có nhiều bài kinh cũng được Hoà thượng ghi chú như vậy. Cụ thể như:
Nữ sắc (Tăng 4, Đại 2, 563a); …Tâm không tu tập (Tăng 5, Đại 2, 566c)[13]
Ở đây, Tăng 4, Đại 2, 563a, nghĩa là: Kinh Tăng-nhất A-hàm, quyển 4; Tạng Đại chánh (Taisho), tập 2, trang 563a.
Tăng 5, Đại 2, 566c, nghĩa là: Kinh Tăng-nhất A-hàm, quyển 5; Tạng Đại chánh (Taisho), tập 2, trang 566c.
Việc tìm kiếm và chỉ ra những bản kinh tương đương trong điều kiện không có các phương tiện kỹ thuật hiện đại trợ giúp mà chỉ kiểm tra đối chiếu bằng phương cách thủ công, điều đó cho thấy sự cần mẫn, nghiêm túc của Hoà thượng trong việc tham chiếu kinh điển.
Cũng nên mở rộng để thấy rằng, bên cạnh sự nghiệp dịch kinh, công trình chứa đựng nhiều tâm huyết, là Luận án tiến sĩ của hoà thượng, đó là tác phẩm: So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pāli[14]. Ở đây, có thể xem tác phẩm này như là đỉnh cao của việc tham chiếu kinh điển, giữa hai nguồn thư tịch quan trọng, là Hán tạng là Pāli.
Trong chủ trương so sánh giữa hai truyền thống, hai bộ loại kinh điển quan trọng này, Hoà thượng Thích Minh Châu đã khẳng định: Hai bộ Pāli và Hán sẽ bổ sung cho nhau làm sáng tỏnhững đoạn tối nghĩa trong cả hai bộ và hai bộ sẽ bổ túc lẫn nhau rất là tốt đẹp[15].
Có thể nói rằng, ước nguyện đối chiếu kinh điển trong quá trình dịch kinh đã được Hoà thượng ấp ủ từ rất sớm. Ngay trong Lời giới thiệu kinh Trường Bộ, tập IV, vào năm 1972, Hoà thượng đã từng đề xuất nên thành lập môn Tỷ giảo học Tam tạng:
Cho dịch kinh Trường Bộ này, chúng tôi không mong gì hơn là giới thiệu tạng Pāli cho phật tử và học giả Việt Nam và cũng mở đầu một môn học mới, là môn Tỷ giảo học giữa Kinh tạng, Luật tạng Pāli và tạng chữ Hán tương đương. Môn tỷ giảo học này sẽ giúp chúng ta hiểu được thế nào là tạng nguyên thuỷ của Phật giáo[16].
Là một nhà phiên kinh, việc tham chiếu các nguồn tư liệu giúp cho bản dịch được sáng tỏnhiều điều. Ý thức rõ ràng điều ấy, Hoà thượng Thích Minh Châu đã xem việc đối chiếu kinh điển như là một tôn chỉ trong quá trình dịch kinh. Ngoài ra, từ chủ trương này của hoà thượng, từ thực tế những tác phẩm to lớn mà Hoà thượng đã thực hiện, nên chăng hàng hậu bối chúng ta sẽ tiếp bước đối chiếu so sánh 4 bộ Nikāya còn lại với các nguồn thư tịch Hán tạng tương đương. Nếu được như vậy, quả là phúc lành của Phật giáo nói chung và của dân tộc Việt Nam nói riêng.
3. Cẩn trọng phiên âm
Trong quá trình dịch kinh, khi gặp những thuật ngữ Phật học hoặc tên riêng thuộc về nhân danh hoặc địa danh thì Hoà thượng Thích Minh Châu đã rất cẩn trọng và cân nhắc. Theo hoà thượng:
Vấn đề tìm được Hán tự tương đương với chữ Pāli, thật là một vấn đề nan giải. Như biết pañcakhaṇda là năm uẩn, rūpa là sắc, vedanā là thọ, sañña là tưởng, saṁkhāra là hành và viññāṇa là thức, thời dịch vừa gọn, vừa nhanh. Nhưng nếu gặp những danh từ chưa có chữ Hán tương đương là cả một vấn đề thật khó khăn và nan giải[17].
Về vấn đề này, để dễ hình dung, chúng tôi xin trích lập đồ biểu 15 tựa đề kinh trong Trường Bộ và các kinh tương đương ở Trường A-hàm để thấy rõ phương cách xử lý của Hoà thượngvề vấn đề này:
Số thứ tự |
Kinh Trường Bộ |
Kinh Trường A-hàm |
01 |
Kinh Phạm võng (Brahmajāla Sutta) |
Kinh Phạm động (梵動經) |
02 |
Kinh Sa-môn quả (Sāmaññaphala Sutta) |
Kinh Sa-môn quả (沙門果經) |
03 |
Kinh Ambaṭṭha-A-ma-trú (Ambaṭṭha Sutta) |
Kinh A-ma-trú (阿摩晝經) |
04 |
Kinh Chủng đức (Soṇadaṇḍa Sutta) |
Kinh Chủng đức (種德經) |
05 |
Kinh Cứu-la-đàn-đầu (Kūṭadanta Sutta) |
Kinh Cứu-la-đàn-đầu (究羅檀頭經) |
06 |
Kinh Mahāli (Mahāli Sutta) |
Không có bản Hán tương đương |
07 |
Kinh Jāliya (Jāliya Sutta) |
Không có bản Hán tương đương |
8 |
Kinh Ca-diếp sư tử hống(Mahāsīhanāda Sutta) |
Kinh Loã hình Phạm-chí (倮形梵志經) |
9 |
KinhPoṭṭhapāda - Bố-tra-bà-lâu (Poṭṭhapāda Sutta) |
Kinh Bố-tra-bà-lâu (布吒婆樓經) |
10 |
Kinh Subha - Tu-bà (Subha Sutta) |
Không có bản Hán tương đương |
11 |
Kinh Kevaṭṭa - Kiên cố (Kevaṭṭa Sutta) |
Kinh Kiên cố (堅固經) |
12 |
Kinh Lohicca - Lộ-già (Lohicca Sutta) |
Kinh Lộ-già (露遮經) |
13 |
Kinh Tam minh (Tevijja Sutta) |
Kinh Tam minh (三明經) |
14 |
Kinh Đại bổn (Mahāpadāna Sutta) |
Kinh Đại bổn (大本經). |
15 |
Kinh Đại duyên (Mahānidāna Sutta) |
Kinh Đại duyên phương tiện (大緣方便經) |
Qua 15 kinh được liệt kê ở trên, đã cho thấy rằng, phần lớn những tựa đề kinh có bản Hán tương đương thì Hoà thượng đã chọn dùng phiên âm theo chữ Hán. Đây là cách thứ nhất.
Thứ hai, trong một số trường hợp không có kinh chữ Hán tương đương, Hoà thượng đã chọn dùng âm gần nhất của Pāli. Cụ thể như Kinh Subha, cũng được ngài phiên âm là kinh Tu-bà(Subha Sutta). Tương tự, những tên riêng trong đoạn kinh sau cũng được phiên âm theo quy cách này:
- Thế nào, này Vāsettha. Những vị tu sĩ thời cổ trong các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedā, những vị sáng tác các thần chú, những vị trì tụng thần chú mà xưa kia những thần chú được hát lên, được trì tụng, được ngâm vịnh và ngày nay những vị Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedā cũng hát lên, trì tụng và ngâm giảng như các vị Atthaka (A-sá-ca) Vāmaka (Bà-ma), Vāmadeva (Bà-ma-đề-bà), Angirasa (Ương-kỳ-sá), Bhāradvāja (Bạt-la-đà-phan-xà), Vāsettha (Bà-tất-sá), Kassapa (Ca-diếp), Bhagu (Bà-cữu), những vị này có nói: "Chúng tôi biết, chúng tôi thấy chỗ ở Phạm thiên, chỗ đến Phạm thiên, chỗ đi Phạm thiên?"[18]
Thứ ba, trong một số trường hợp, nếu tựa đề kinh có thể dịch nghĩa được thì Hoà thượng đã chọn cách dịch nghĩa, như Kinh Tam minh (Tevijja Sutta).
Những phương cách phiên âm và dịch nghĩa này phần lớn được Hoà thượng vận dụng trong khi phiên dịch năm bộ Nikāya.
4. Cô đọng súc tích
Cần phải thấy rằng, trong một số bài kinh, một số đoạn kinh, kinh tạng Nikāya chuyên chở nhiều nội dung cô đọng và súc tích. Đó là thực tế. Tuy nhiên, việc chuyển dịch từ Pāli sang tiếng Việt mà vẫn giữ được đặc tính đó thì tuỳ thuộc vào khả năng và tầm mức của người dịch. Đây cũng là một đặc tính, đồng thời cũng được xem như là tôn chỉ trong khi phiên dịchcủa Hoà thượng Thích Minh Châu, thể hiện ở một số bài kinh chuyên chở những nguyên tắc tu tập, như là những pháp hành, mang tính định lý, bất di bất dịch. Thể hiện cụ thể ở những đoạn kinh như:
- Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ, Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu (D.16)[19].
(“Iti sīlaṁ iti samādhi iti paññā. Sīlaparibhāvito samādhi mahapphalo hoti mahānisaṁso. Samādhiparibhāvitā paññā mahapphalā hoti mahānisaṁsā. Paññāparibhāvitaṁ cittaṁ sammadeva āsavehi vimuccati, seyyathidaṁ—kāmāsavā, bhavāsavā, avijjāsavā”ti.[20])
Trong Kinh Đại Bát-niết-bàn (D.16), đoạn kinh quan trọng này được Đức Phật dạy cho chúng tỳ-kheo đến tám lần ở những nơi khác nhau như: núi Linh Thứu, công viên hoàng giaAmbalaṭṭhikā, rừng Pavarikamba, làng Kotigama, làng Nādika, thành Vesāli, làng Bhandagāma, thành Bhoganagara.
Cũng vậy, lộ trình tu tập từ khi xả ly năm triền cái đến khi tâm định tĩnh cũng tuần tự diễn ra như sau:
Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh; do hân hoan nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tĩnh(D.02)[21].
(Tassime pañca nīvaraṇe pahīne attani samanupassato pāmojjaṁ jāyati, pamuditassa pīti jāyati, pītimanassa kāyo passambhati, passaddhakāyo sukhaṁ vedeti, sukhino cittaṁ samādhiyati)[22].
Lộ trình cũng còn xuất hiện trong kinh Thập Thượng (D.34) với sự thay đổi nhỏ ở một vài chi tiết[23].
Cũng tương tự như câu kinh trên, dịch ngữ:
-Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc[24].
(“abhikkantaṁ, bho gotama, abhikkantaṁ, bho gotama. Seyyathāpi, bho gotama, nikkujjitaṁ vā ukkujjeyya, paṭicchannaṁ vā vivareyya, mūḷhassa vā maggaṁ ācikkheyya, andhakāre vā telapajjotaṁ dhāreyya: ‘cakkhumanto rūpāni dakkhantī’ti)[25]
…được xem như định ngữ khi tán thán sự xuấn hiện của đức Thế Tôn và xuất hiện thống nhất trong nhiều bài kinh khác nhau.
Trong năm bộ Nikāya, những dịch ngữ cô đọng như trên còn xuất hiện rất nhiều, chúng tôi tôi trích dẫn đoạn kinh sau như là sự khẳng định cho tôn chỉ cô động và súc tích, thể hiện trong cách dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu:
Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy Như Lai tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết, và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến[26].
(Ime kho te, bhikkhave, dhammā gambhīrā duddasā duranubodhā santā paṇītā atakkāvacarā nipuṇā paṇḍitavedanīyā, ye tathāgato sayaṁ abhiññā sacchikatvā pavedeti, yehi tathāgatassa yathābhuccaṁ vaṇṇaṁ sammā vadamānā vadeyyuṁ)[27].
5. Vài điều trăn trở
Như đã trình bày, qua những điểm đặc thù nêu trên, có thể thấy rằng chất lượng bản dịch kinh tạng Nikāya từ Pāli sang Việt phần lớn đã được giới chuyên môn khẳng định không cần bàn cãi. Tuy nhiên, có lẽ do vận dụng việc tham chiếu những tiêu chí vừa trình bày, cụ thể là việc tham chiếu Hán ngữ, đã xuất hiện một vài cú ngữ mà ở đây, người viết chọn một cú ngữ mà thiển nghĩ, cần được chăm chút thêm, đó là cú ngữ: Năm dục công đức.
Trong khảo sát bước đầu, với những dịch phẩm kinh tạng Nikāya của Hoà thượng được in trước năm 2013, thì trong kinh Trường Bộ, cú ngữ Năm dục công đức xuất hiện 1 lần[28]; ở kinh Trung Bộ xuất hiện 3 lần[29]; ở Kinh Tương Ưng Bộ xuất hiện 40 lần; ở kinh Tăng Chi Bộxuất hiện 9 lần.
Xét về mối liên hệ với Hán ngữ thì dịch ngữ này có nguốn gốc từ định cú Ngũ dục công đức(五欲功德). Trong thư tịch Hán tạng, định cú Ngũ dục công đức (五欲功德) xuất hiện lần đầu tiên trong Trường A-hàm, ở Kinh Thanh Tịnh (清淨經). Ngoài ra, cú ngữ này còn xuất hiệntrong Trung A-hàm, Tạp A-hàm và nhiều bản kinh khác nữa. Cú ngữ này, được Hoà thượngThích Tuệ Sỹ dịch là Năm phẩm chất của dục[30]; Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh dịch là Năm loại dục[31].
Xét về niên đại xuất hiện, Kinh Trường A-hàm dịch vào niên hiệu Hoằng Thủy (弘始) thứ mười lăm, (năm 413 TL)[32], Kinh Tạp A-hàm dịch vào niên hiệu Nguyên Gia năm thứ mười hai (năm 435 TL)[33] và như vậy cú ngữ Ngũ dục công đức (五欲功德) xuất hiện vào khoảngthứ kỷ thứ V. Tuy nhiên, vào trước đó, khoảng cuối thế kỷ thứ II, cú ngữ này đã được ngài An Thế Cao (安世高) dịch là Năm loại dục (五種欲)[34].
Trở lại với cú ngữ Năm dục công đức. Theo kinh Phúng tụng (D.33), thì cú ngữ này có nguyên tác Pāli là Pañca kāmaguṇā[35]. Với cú ngữ này, tỳ-kheo Sujato dịch là Năm loại kích thích giác quan (the five kinds of sensual stimulation)[36]; ngài Maurice Walshe dịch là Năm loại dục trần (Five strands of sense desire)[37]; học giả Trang Xuân Giang dịch sang Hán ngữ là Năm loại dục (五種欲)[38].
Thực ra, trong quá trình chuyển dịch, trong nhiều trường hợp, Hoà thượng Thích Minh Châuvẫn dịch cú ngữ Pañca kāmaguṇā, ở một thể cách khác, là pañcahi kāmaguṇehi, thành định cú: Năm món dục lạc. Cụ thể như ở kinh Sa-môn quả (D.02):
Vị vua Ajātasattu, con của bà Videhi, nước Magadha, là người, tôi cũng là người. Vị vua Ajātasattu, con bà Videhi nước Magadha, sống tận hưởng đầy đủ năm món dục lạc, tôi nghĩ không khác gì vị thiên thần[39].
(Ayañhi rājā māgadho ajātasattu vedehiputto pañcahi kāmaguṇehi samappito samaṅgībhūto paricāreti, devo maññe)[40].
Ngoài ra, cú ngữ pañcahi kāmaguṇehi còn xuất hiện ở các kinh như: D. 03, Ambaṭṭha Sutta(Kinh Ambaṭṭha-A-ma-trú); D.14, Mahāpadāna Sutta (Kinh Đại bổn); D.19, Mahāgovinda Sutta (Kinh Đại-diển tôn); D.23, Pāyāsi Sutta (Kinh Tệ-túc); D.29, Pāsādika Sutta (Kinh Thanh tịnh); D. 33, Saṅgīti Sutta (Kinh Phúng tụng), và đều được Hoà thượng Thích Minh Châu dịch là Năm món dục lạc.
Từ những đối khảo ở trên, cú ngữ Năm dục công đức trong toàn bộ năm bộ Nikāya nên chăng cần được thống nhất thành Năm món dục lạc. Đây cũng là cách dùng chữ của Hoà thượng Thích Minh Châu, do vì khối lượng công việc quá nhiều ngài chưa đủ thời gian đế thống nhất cách dùng một số định cú trong các dịch phẩm của mình.
Mặc dù trong bản in mới nhất của Kinh Trường Bộ, cú ngữ Năm dục công đức được thay thế bằng Năm dục phần[41], nhưng theo người viết, ý nghĩa vẫn chưa đầy đủ và rõ ràngnhư cách dùng chữ của Hoà thượng Thích Minh Châu: Năm món dục lạc.
6. Kết luận
Một trong những sự nghiệp to lớn mà Hoà thượng Thích Minh Châu cống hiến cho Phật giáo Việt Nam đó chính là sự nghiệp dịch kinh. Nếu công cuộc dịch kinh thuộc ngữ hệ Hán tạng là sự cống hiến của nhiều giới và nhiều người thì sự nghiệp dịch kinh thuộc về tạng Pāli, dường như chỉ có một mình Hoà thượng đảm trách, nếu tính đến thời điểm ngài tạm hoàn tất công trình phiên dịch năm bộ Nikāya.
Với quãng thời gian nỗ lực thọ học tại quê nhà, cộng với sở kiến tích tập từ những năm tháng du học ở Ấn Độ và Sri Lanka, đã giúp cho Hoà thượng Thích Minh Châu vừa có được những phương cách xử lý văn bản khoa học, hành văn rõ ràng, câu chữ cô đọng. Kho tàng dụng ngữ của ngài trong năm bộ Nikāya đã cống hiến cho vốn từ vựng Phật học Việt Nam nói riêng và kho tàng ngôn ngữ Tiếng Việt nói chung một sự đóng góp không nhỏ.
Mong mỏi lớn nhất của Hoà thượng Thích Minh Châu là làm sao giới thiệu được với giới họcgiả và phật tử Việt Nam những lời dạy của Đức Phật gần như nguyên thuỷ nhất. Với những phẩm tính như Chú trọng nguyên tác, tham chiếu kinh điển, cẩn trọng phiên âm, cô đọng súc tích…được xem như là những yếu tính đặc thù trong quá trình dịch kinh, đã góp phần khẳng định rằng, tôn chỉ dịch kinh của ngài vừa kế thừa nền tảng truyền thống vừa tiếp biến những tinh hoa của hiện đại.
Mặc dù công cuộc phiên dịch kinh tạng Pāli cho đến hôm nay dường như đã gần hoàn tất[42], tuy nhiên việc thống nhất các định ngữ, các mệnh đề thường dùng trong năm bộ Nikāya cũng cần phải có sự gia tâm, chăm chút của hàng hậu học. Trong ba điều ước nguyện, mà Hoà thượng Thích Minh Châu gọi là ba khuyết điểm, được ghi lại trong Lời giới thiệu Kinh Tương Ưng Bộ vào năm 1977[43] đã cho thấy, việc tiếp tục khảo cứu, đối chiếu, chú thích, phụ lục địa danh, nhân danh…là những công việc cần được các môn đệ đời sautiếp tục thực hiện. Diễm phúc thay! Ước nguyện chân thành đó của Hoà thượng đã được Ban Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam đã và đang thực hiện tính cho đến hôm nay.
Tài liệu tham khảo
- Cao Tăng truyện 高僧傳 (T.050. 2059.2. 0333c15).
- Xuất tam tạng ký tập 出三藏記集 (T.055. 2145.14. 0105b18).
- Phật thuyết lậu phân bố kinh 佛說漏分布經 (T. 001. 0057. 01. 0852c23)
- The Long discourses of the Buddha. Maurice Walshe, Trans. Boston: Wisdom Publication, 1995.
- Kinh Trường Bộ, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013.
- Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013.
- Kinh Tăng Chi Bộ, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013.
- Kinh Trường A-hàm, Tuệ Sỹ dịch và chú. NXB. Phương Đông, 2012.
- Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 17, Kinh Trường A-hàm, Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh dịch, NXB. Hồng Đức, 2022.
10. Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 1, Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châudịch, NXB. Hồng Đức, 2020.
11. Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 2, Kinh Trung Bộ, HT. Thích Minh Châudịch, NXB. Hồng Đức, 2020
12. Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 3, Kinh Tương Ưng Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Hồng Đức, 2020.
13. Thích Minh Châu, So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pāli, Luận ántiến sĩ Phật học, Thích nữ Trí Hải dịch, NXB. Tổng hợp TP.HCM, 1998.
14. Thích Phước Sơn, Lịch sử phiên dịch Hán tạng, NXB. Phương Đông, 2008.
[1] Phó Tổng thư ký, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.
[2] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 3, Kinh Tương Ưng Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, Trích Lời giới thiệu của Hoà thượng Thích Minh Châu, NXB. Hồng Đức, 2020, tr.xxii.
[3] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 1, Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châudịch, Trích Lời giới thiệu của Hoà thượng Thích Minh Châu, NXB. Hồng Đức, 2020, tr.xxi.
[4] Sự nghiệp phiên dịch kinh tạng Pāli của hoà thượng Thích Minh Châu bao gồm: Kinh Trường Bộ, Kinh Trung Bộ, Kinh Tương Ưng Bộ, Kinh Tăng Chi Bộ, Kinh Tiểu Bộ (Về Tiểu Bộthì bao gồm các bộ sau: Kinh Pháp cú, Kinh Phật tự thuyết, Kinh Phật thuyết như vậy, Kinh Tập, Trưởng lão Tăng kệ, Trưởng lão Ni kệ, Bổn sanh (2 tập)).
[5] Lý luận dịch kinh của ngài Đạo An: a. Ngũ thất bản; b. Tam bất dị. Lý luận dịch kinh của ngài Cưu-ma-la-thập:1. Xem trọng văn hoa; 2. Cắt giảm và tăng bổ kinh điển; 3. Đính chính tên gọi cho đúng sự thực. Lý luận dịch kinh của ngài Ngạn Tôn: Chủ trương trực tiếp nghiên cứu Phật điển bằng chữ Phạn; 2. Nên tuân thủ nguyên tắc Bát bị (tám sự đầy đủ), bất đắc dĩ mới phiên dịch. Lý luận dịch kinh của ngài Huyền Tráng: 1. Tìm cầu toàn bản; 2. Tuyệt đốitrung thành với nguyên điển; 3. Có 5 trường hợp không phiên dịch. Xem, Thích Phước Sơn, Lịch sử phiên dịch Hán tạng, NXB. Phương Đông, 2008, tr. 122-123;129; 164;171.
[6] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 2, Kinh Trung Bộ, HT. Thích Minh Châudịch, Trích Lời giới thiệu của Hoà thượng Thích Minh Châu, NXB. Hồng Đức, 2020, tr.xxiii.
[7] Xem, M.122, Mahāsuññata Sutta (Kinh Đại không): Cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ đứng vững tồn tại (Nguyên tác Pāli: Yo sāro so ṭhassatī”ti).
[8] Xem, D.03. Ambaṭṭha Sutta (Kinh Ambaṭṭha - A-ma-trú): Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Pokkharasāti ở tại Ukkaṭṭḥa, một chỗ dân cư đông đúc, cây cỏ, ao nước, ngũ cốc phong phú, vốn là đất đai của vua, sau vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) cấp cho để hưởng một phần lợi tức (Nguyên tác Pāli: Tena kho pana samayena brāhmaṇo pokkharasāti ukkaṭṭhaṁ ajjhāvasati sattussadaṁ satiṇakaṭṭhodakaṁ sadhaññaṁ rājabhoggaṁ raññā pasenadinā kosalena dinnaṁ rājadāyaṁ brahmadeyyaṁ).
[9] Xem, Kinh Tập (Sutta Nipāta) (Sn.1.6): Người tuổi trẻ đã qua/ Cưới cô vợ vú tròn/ Ghen nàng không ngủ được/ Chính cửa vào bại vong (Nguyên tác Pāli: Atītayobbano poso/ Āneti timbarutthaniṁ./ Tassā issā na supati/ Taṁ parābhavato mukhaṁ).
[10] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 1, Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châudịch, NXB. Hồng Đức, 2020, tr. 280.
[11] https://suttacentral.net/dn16/pli/ms?lang=en&layout=plain&reference=none¬es=asterisk&highlight=false&script=latin. Truy cập ngày 15.9.2024.
[12] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 34,
[13] Kinh Tăng Chi Bộ, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 35, 38.
[14] Thích Minh Châu, So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pāli, Luận án tiến sĩ Phật học, Thích nữ Trí Hải dịch, NXB. Tổng hợp TP.HCM, 1998.
[15] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 2, Kinh Trung Bộ, HT. Thích Minh Châudịch, Trích Lời giới thiệu của Hoà thượng Thích Minh Châu, NXB. Hồng Đức, 2020, tr.xxii.
[16] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 1, Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châudịch, Trích Lời giới thiệu của Hoà thượng Thích Minh Châu, NXB. Hồng Đức, 2020, tr.xxii.
[17] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 2, Kinh Trung Bộ, HT. Thích Minh Châudịch, Trích Lời giới thiệu của Hoà thượng Thích Minh Châu, NXB. Hồng Đức, 2020, tr.xxi.
[18] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 1, Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châudịch, Trích Lời giới thiệu của Hoà thượng Thích Minh Châu, NXB. Hồng Đức, 2020, tr. 191
[19] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 1, Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châudịch, Trích Lời giới thiệu của Hoà thượng Thích Minh Châu, NXB. Hồng Đức, 2020, tr. 255.
[20] https://suttacentral.net/ Truy cập ngày 14.9.2024.
[21] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 1, Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châudịch, Trích Lời giới thiệu của Hoà thượng Thích Minh Châu, NXB. Hồng Đức, 2020, tr.51.
[22] https://suttacentral.net/ Truy cập ngày 14.9.2024.
[23] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 1, Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châudịch, Trích Lời giới thiệu của Hoà thượng Thích Minh Châu, NXB. Hồng Đức, 2020, tr.604.
[24]
[25] https://suttacentral.net/ Truy cập ngày 14.9.2024.
[26] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 1, Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châudịch, NXB. Hồng Đức, 2020, tr.8
[27] https://suttacentral.net/ Truy cập ngày 14.9.2024.
[28] Kinh Trường Bộ, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 661
[29] Kinh Trung Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dich, NXB. Tôn giáo, 2012, tr. 451; 464;
[30] Kinh Trường A-hàm, Tuệ Sỹ dịch và chú. NXB. Phương Đông, 2012, tr. 502
[31] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 17, Kinh Trường A-hàm, Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh dịch, NXB. Hồng Đức, 2022, tr.750
[32] Cao Tăng truyện 高僧傳 (T.050. 2059.2. 0333c15).
[33] Xuất tam tạng ký tập 出三藏記集 (T.055. 2145.14. 0105b18).
[34] Xem, Phật thuyết lậu phân bố kinh (佛說漏分布經 - T. 001. 0057. 01. 0852c23)
[35] Pañca kāmaguṇā: Ở đây, Pañca, nghĩa là năm; kāma, nghĩa là dục; guṇa có nghĩa đầu tiên là công đức (功德), nhưng ở nghĩa kế tiếp là mang nghĩa là chủng loại (種類). Đơn cử như diguṇa = nhị chủng (二重). Do vậy, Pañca kāmaguṇā được Hán dịch là ngũ dục công đức (五欲功德) nhưng cần được hiểu là năm loại dục (五種欲).
[36] https://suttacentral.net/dn29/en/sujato?lang=en&layout=plain&reference=none¬es=asterisk&highlight=false&script=latin. Truy cập ngày 15.9.2024.
[37] The Long discourses of the Buddha. Maurice Walshe, Trans. Boston: Wisdom Publication, 1995. p. 495.
[38] Xem tại, https://suttacentral.net/dn33/zh/zhuang?lang=en&reference=none&highlight=false. Truy cập ngày 14.9.2024.
[39] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 1, Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châudịch, NXB. Hồng Đức, 2020, tr.43.
[40] Xem, https://suttacentral.net/dn2/pli/ms?lang=en&layout=plain&reference=none¬es=asterisk&highlight=false&script=latin. Truy cập ngày 14.9.2024.
[41] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 1, Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châudịch, NXB. Hồng Đức, 2020, tr. 578.
[42] Do vì các bộ Chú giải kinh tạng từ nguyên tác Pāli chưa được dịch sang tiếng Việt nên tạm gọi là chưa được hoàn tất.
[43] Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 3, Kinh Tương Ưng Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, Trích Lời giới thiệu của Hoà thượng Thích Minh Châu, NXB. Hồng Đức, 2020, tr.xxii.
- Tag :
- Thích Chúc Phú