Pháp Tu: “Tứ Chánh Cần”
Thích Nữ Hằng Như
KHÁI NIỆM “TỨ CHÁNH CẦN”
Phàm làm việc gì muốn được thành công, trước tiên đòi hỏi người ta phải siêng năng. Nếu làm biếng thì chắc chắn sự thất bại đang nằm ngay trước mắt. Đời sốngthế gian hay đời sống trong đạo cũng vậy. Người tu muốn thành tựu cứu cánh đều cần phải siêng tu. Trong nhà Phật gọi siêng tu là tinh tấn hay tinh cần. Ngày tu, ngày nghỉ, không được gọi là siêng. Siêng tu là tu liên tục theo thời gian. Nhưng nếu siêng năng tu tập đúng giờ đúng giấc, mà tu cho có lệ, tức tu cho có hình thức, cứ tà tà đến đâu thì đến, hoặc vì nhiệm vụ bắt buộc phải có mặt như mọi người để tránh bị kiểm điểm. Siêng tu như vậy là siêng về hình thức sẽ không có hiệu quả, vì nội dung tu không có. Cho nên ngoài việc siêng năng, người tu còn cần phải nỗ lực. Nỗ lực là cố gắng đặt hết tâm huyết vào nội dung tu tập. Người tu hết mình là người nỗ lực tu. Tu liên tục bất kể thời giancho đến khi nào thành tựu cứu cánh, thì người đó siêng năng. Những ai có đủ siêng năng và nỗ lực thì người đó đang thực hành pháp “Chánh Cần”. Vậy “Chánh Cần” là gì?
Trong kinh điển nhà Phật có pháp “Tứ Chánh Cần”. “Tứ” là bốn. “Chánh” ở đây đối nghịch với tà. Pháp tu nào đưa đến sự an vui hạnh phúc thoát khỏi mọi khổ đau, luân hồi sanh tử, thì gọi là chánh pháp. Đường tu theo chánh pháp gọi là chánh đạo. Thí dụ như Bát Chánh đạotrong Tứ Diệu Đế, là con đường tu đưa đến giải thoát mọi khổ đau. Ngược lại, đường tu nào đưa đến phiền não, hay luân hồi sinh tử thì trong nhà Phật gọi đó là Tà đạo. “Cần” là cần cù, siêng năng, có nghĩa là tinh tấn. Tinh là tinh chuyên, tinh cần, tấn là tiến tới.
“Tứ Chánh Cần“ là một trong bảy phẩm trợ đạo, đức Phật dạy, đó là: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo.
III. NỘI DUNG “TỨ CHÁNH CẦN”
Tứ Chánh Cần là pháp tu tập nhằm xiển dương pháp Thiện và đoạn trừ pháp Ác. Thiện Ác có hai phần: Một là Thiện ở trong tâm và Thiện ở ngoài tướng. Ác cũng ở trong tâm và Ác ở ngoài tướng. Trong kinh dạy tu tập “Tứ Chánh Cần” có 4 điều cần thực hiện:
1. Đầu tiên : Cần nỗ lực ngăn chận các Ác pháp đang diễn ra trên thân và tâm của mình: Người tu tập phải dứt khoát chấm dứt ngay Ác pháp đang diễn ra trên Thân hay trong Tâm của mình.
- Thế nào là pháp Ác đang diễn ra trên Thân? Đó là lời nói, hành động khiến cho thân tâmmình khổ và làm cho người xung quanh khổ. Mình phải nỗ lực chận đứng ngay tức thời.
Thí dụ qua lời nói dối, hổn láo, hung dữ... xúc phạm đến danh dự người khác khiến người ta tức giận. Đó là lời nói của mình làm khổ người đối diện. Có khi người đối diện nhẫn nhục im lặng, có khi không chịu đựng nỗi, người ta trả đủa lại mình, cũng bằng lời nói hay hành động nặng nề, lại khiến cho mình tức giận, như vậy là mình khổ. Hoặc mình dùng lời nói ngon ngọt xúi giục người khác làm bậy, hậu quả là cả hai bên đều phạm tội. Như vậy cái miệng làm khổ mình và khổ người. Đó là ác pháp diễn ra trên Thân qua lời nói tạo Khẩu nghiệp.
Thí dụ khác, như cái thân mình có hành vi đồi bại, ác độc như sát sanh, trộm cắp, tà dâm... khiến nạn nhân và gia đình của nạn nhân chịu nhiều đau khổ. Nếu phạm tội nặng bị thưa kiện, không khéo mình sẽ bị xử phạt giam cầm. Như vậy, hành động của mình khiến người ngoài đau khổ mà bản thân mình cũng không thoát khổ. Đây là Ác pháp do hành động nơi thân gây ra.
Nói chung, tất cả những gì thân mình gây ra làm khổ mình và những người xung quanh khổ thì đó là Ác pháp. Kinh dạy, mình cần nỗ lực chận đứng ngay.
- Ác pháp diễn ra trong tâm mình: Đó là tham, sân, si. Ba tam độc này là những bất thiệnpháp, cần phải chận đứng nó. Ác pháp trên thân chận đứng đã khó, bây giờ chận đứng ác pháp trong tâm càng khó hơn. Tại sao lại khó? Đó là vì những ác pháp trong tâm này lại chính là những cái gì mình ưa thích, mong muốn. Mình mê nhìn người đẹp, thích nghe lờinịnh hót, mê ăn ngon, thích ngửi hương thơm, mê được đụng chạm vuốt ve ... Những cái mê thích đó tức là tham. Tham sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không thỏa mãn được lòng tham ái thì khổ.
Để thực hiện được Chánh cần đầu tiên, đòi hỏi hành giả phải nỗ lực tinh tấn dẹp tham, sân, si... đang diễn ra trên thân hay trên tâm bằng cách chuyên cần học Chánh pháp của Phật để biết rõ đường lối tu tập, giữ gìn giới hạnh, nỗ lực chuyên cần thiền Quán, thiền Định và nuôi dưỡng đại nguyện như đức Thế Tôn thì mới có thể dừng được tâm ác.
2) Điều thứ hai: Cần Nỗ lực chận đứng Ác pháp chưa sanh, đừng cho nó sanh:Ác pháp chưa sanh là gì? Đó là những tính toán, suy nghĩ, những dự định, manh nha, móng tâm xấu ác, hại người. Nếu thực hiện, nó sẽ biến thành pháp Ác diễn ra trên thân và tâm của mình. Vì thế những điều gì mình dự định làm sẽ làm tổn hại mình, tổn hại người, tổn hại cả hai, thì phải dừng lại ngay cái ý nghĩ ác ấy.
Chánh cần thứ hai này bắt buộc người có trí tuệ mới làm được. Người có trí tuệ hiểu biết về luật Nhân Quả. Biết bây giờ mình gây nhân xấu ác thì sớm muộn gì quả ác sẽ đến với mình, nên trong tâm vừa móng lên Ác pháp tham lam, hại người, thì dừng ngay ác ý mới phát sanh trong tâm, không để nó phát sanh ra ngoài thành lời nói và hành động.
Muốn tiêu trừ ác pháp vừa khởi sanh trong tâm, người tu cần có sự thấy biết, tư duy, và sám hối mới có thể dẹp được những dự định xấu ác vừa phát sinh ở trong lòng.
3) Điều thứ ba: Cần vun bồi những pháp thiện đang có, làm cho lớn mạnh thêm. Thế nào gọi là thiện pháp. Thiện pháp là pháp lành, lợi ích cho mình và lợi ích cho những người xung quanh. Có hai loại Thiện pháp:
- Thiện pháp diễn ra trên thân: Đây là thiện pháp bên ngoài, là sự thực hành hạnh Bồ-Tát, đem thân phục vụ đời, thí dụ như: Giúp đỡ người sa cơ thất thế, an ủi người già cả ốm đau, bố thí tiền bạc, công sức v.v... Việc thiện đang làm, nỗ lực làm thêm.
- Thiện pháp diễn ra trong tâm: Là tâm đang thực hành pháp tu đoạn diệt ác pháp tham, sân, si ... chứ không phải là lòng từ thiện đi giúp đời. Tu ở đây là một quá trình đoạn diệttham, sân, si, tức là đoạn diệt căn gốc của phiền não. Như vậy thiện pháp ở đây là gì? Thiện pháp là tu tập đánh thẳng vào tâm mình, đoạn trừ căn gốc phiền não. Những phiền não đó chính là 5 triền cái (Tham, Sân, Hoài nghi, Hôn trầm, Trạo Cử) và 10 kiết sử ( 5 hạ phần gồm: Thân kiến, Hoài nghi, Giới cấm thủ, Tham, Sân. Và 5 thượng phần gồm: Sắc ái, Vô sắc ái, Ngã mạn, Trạo cử và Vô minh) .
Thiện pháp này đòi hỏi người tu phải nỗ lực cả đời để đoạn tận 15 loại trói buộc kể trên. Đoạn tận bằng cái gì? – Đó là bằng 2 con đường: Thiền Quán và thiền Định. Người nào đang nỗ lực trên con đường thiền Định và thiền Quán là đang có thiện pháp.
Chánh cần thứ ba này dạy những hành giả nào đang có thiện pháp thì nỗ lực phát huy cho thiện pháp được gia tăng. Nói cách khác người tu thiền Định hay thiền Quán thì phải nỗ lựctinh tấn nhiều hơn nữa.
4) Điều thứ tư: Nỗ lực vun bồi Thiện pháp chưa phát sinh, có điều kiện được phát sinh: Thiện pháp chưa phát sinh, nghĩa là mới tác ý nhưng chưa thực hành. Thí dụ: Trong tâm mình dấy lên ý muốn tu, như tu thiền chẳng hạn, thì tạo ngay điều kiện để bắt tay vào việc thực tập tu. Vì tu thiền hay tu bất cứ pháp môn nào đưa đến an vui hạnh phúc thì đó là pháp thiện. - Trước hết tìm Thiện tri thức để học hỏi về thiền. Khi tâm có kiến thức về thiền rồi, bước kế tiếp là phải thực hành. Để thực hành thiền thì cần sắm bồ đoàn, tọa cụ, sửa soạn một ô tâm linh nho nhỏ tại nhà để thực hành (bhavana) mỗi ngày. Đó là mình tạo ngay điều kiện để thực hiện được pháp lành.
Đời người qua nhanh lắm, nên việc gì làm được hôm nay, hãy làm liền, không nên để đến ngày mai. Hai chữ “ngày mai” không bao giờ tới đối với mình. Chánh cần thứ tư nhắc nhở hành giả nếu thiện pháp chưa phát sanh, thì nên nỗ lực tạo điều kiện cho nó được phát sanh.
III. KẾT LUẬN
Tóm lại, pháp tu “Tứ Chánh Cần” gồm bốn điều cần tu tập. Hai điều nhằm đoạn trừ pháp Ác và hai điều xiển dương pháp Thiện, nên hành giả cần có tuệ trí phân biệt thế nào là Thiện pháp, thế nào là Ác pháp.
- Thiện pháp ở bên ngoài là thân làm lành, làm phước, cúng dường, bố thí, giúp đỡ người già cả neo đơn, bệnh tật v.v... Còn thiện pháp trong tâm, là tu tập, hướng tới tâm thiền, tâm vô tham, vô sân, vô si, tâm đại lượng, từ bi hỷ xả, là tâm tu tập hướng tới giác ngộ giải thoát.
- Ác pháp bên ngoài là những điều do mình gây ra làm khổ mình, khổ người trên lời nói và hành động. Ác pháp bên trong là những tham, sân, si, phiền não, ác ý cần phải đoạn tận.
Muốn đoạn trừ tham, sân, si hành giả phải học Pháp Phật, giữ Giới, thiền Quán, thiền Địnhvà phải có đại nguyện. Thực hành năm điều này có nghĩa là hành giả đang tu tập (bhavana), tức đang hành thiện. Bên cạnh việc tu tập này hành giả cần tu thêm pháp “Tứ Chánh Cần” bằng cách dùng thời gian và công sức nỗ lực hành trì tăng cái thiện lên và giảm cái ác xuống nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Đấy là cốt lõi của bài học “Tứ Chánh Cần”. Không có sự nỗ lực chuyên cần này, người tu khó thành tựu giải thoát mau chóng được. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(Sinh hoạt online ngày 24/11/2024 với hai Hội Thiền Tánh Không Sacramento và San Jose, CA, USA)
- Tag :
- Thích Nữ Hằng Như