Pema Jyana
Vào ngày 30/12/2019, Rinpoche cùng với chư Tăng đã tiến hành hành trình một giờ từ Bồ Đề Đạo Tràng đến Nghĩa Địa Hàn Lâm. Đầu tiên, Rinpoche giải thích cho chư vị lý do mà các nghĩa địa lại quan trọng đến vậy với hành giả Mật thừa. Sau đó, Ngài nói về Nghĩa Địa Hàn Lâm. Ngài giải thích tại sao chúng ta biết rằng không nghi ngờ gì, địa điểm này là nghĩa địagốc, nơi chư Trì Minhtrong quá khứ đã thực hành. Ngài cũng nói về kết nối đặc biệt của nơi này với đại thành tựu giảShavaripa.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC NGHĨA ĐỊA
Đầu tiên, cho phép tôi giải thích về các nghĩa địa. Nói ngắn gọn, truyền thống Nyingma giải thích rằng từng có Rudra[1] vô cùng ác độc gọi là Giải Thoát Đen, kẻ phải bị tiêu diệt và giải thoát. Vì thế, Mã Đầu và Kim Cương Hợi Mẫuđã xuất hiện trên đỉnh của Núi Thiên Thạch Rực Rỡ Malaya và nương tựa phương tiện thiện xảo của sự hợp nhất thoát khỏi tham và của sự giải thoát để tiêu diệt Giải Thoát Đen. Sau đó, hai vị ném các phần của thân hắn ta xuống thế gian. Những địa điểm mà chúng rơi xuống trở thành tám nghĩa địa lớn, hai mươi tư chốn thiêng và ba mươi hai vùng đất linh thiêng.
Những kẻ xấu xa trong đoàn tùy tùng của Giải Thoát Đen đã biến sáu mươi tư địa điểm linh thiêng này thành nhà của chúng – chủ yếu là tám nghĩa địa lớn, bên cạnh đó là hai mươi tư chốn thiêng và ba mươi hai vùng đất linh thiêng. Như trong kinh văn có nói, “Chúng không sống ở giữa mà bảo vệ vùng rìa”, điều nghĩa là chúng không duy trì ở giữa của đàn tràng mà đến các rìa của đàn tràng để cung cấp sự bảo vệ. Chúng thề sẽ hoàn thành lợi lạc của hữu tình chúng sinhchừng nào giáo lý của Đức Phật vẫn còn, bằng cách giúp đỡ những kẻ may mắn đạt được thành tựu và bằng cách trừng phạt những kẻ thiếu phước báu khi chúng đánh giá tốt và xấu.
Theo hành giả Tân Dịch (Sarmapa), sau khi Phật Thế Tôn chuyển bánh xe giáo lý Tiểu thừa và Đại thừa, các vị vua Pháp Suchandra và Indrabhuti đã thỉnh cầu Ngài chuyển bánh xe Kim Cương thừa. Phật đã hóa hiện trong hình tướng Mật Tập (Guhyasamaja), Thắng Lạc Luân (Chakrasamvara) và Thời Luân (Kalachakra), lấy ví dụ, và chuyển Pháp luân Chân ngôn Bí mật vì những đệ tử may mắn có thể đạt giác ngộ mà không cần từ bỏ những đối tượng ham muốn. Khi khởi lên thành Thắng Lạc Luân, Hevajra, Mật Tập và v.v. Ngài đặt chư Không Hành Nam và Không Hành Nữ của hai mươi tư chốn thiêng, ba mươi hai vùng đất linh thiêng và tám nghĩa địa lớn trong đàn tràng, dựa trên Mandala thân Ngài. Ví dụ, theo giáo lý Thắng Lạc Luân, ở từng nơi trong sáu mươi tư địa điểm linh thiêng có một thủ lĩnh Không Hành Nam và một thủ lĩnh Không Hành Nữ; vì thế, có sáu mươi tư thủ lĩnh Không Hành Nam và sáu mươi tư thủ lĩnh Không Hành Nữ. Những vị cai quản tám nghĩa địa lớn được xem là những vị chính yếu.
Guru Rinpoche đã thực hành chủ yếu tại tám nghĩa địa và kết quả là, Ngài hiện thực hóa thànhtựu thù thắng về ‘đại ấn’ (tức Ngài đạt giác ngộ). Ngài đã khởi lên trong thân của Yangdak Heruka, với đoàn tùy tùng là tám Gauri, những vị cư ngụ tại tám nghĩa địa.
Đấy là cách mà tám nghĩa địa được trình bày trong giáo lý. Mặc dù có những cách giải thích khác, Chân ngôn Bí mật luôn luôn xem chúng là địa điểm quan trọng và oai hùng. Để hiện thực hóa thành tựu thù thắng, chúng ta phải đến các nghĩa địa này và thực hành hành vi du già với chư Không Hành Nam và Không Hành Nữ.
Những vị vĩ đại quan trọng nhất từng đạt thành tựu thù thắng là tám Trì Minh vĩ đại trong truyền thống Nyingma và tám mươi tư đại thành tựu giả trong truyền thừa Sarma. Các địa điểm đặc biệtmà tại đó, tất cả những đạo sư vĩ đại này đạt thành tựu thù thắng, là tám nghĩa địa. Sau khi đạt cấp độ chứng ngộ này, chư vị tiếp tục thực hành trong nghĩa địa, nơi mà chư vị tham gia vào thực hành du già, đưa tất cả Không Hành Nữ vào sự kiểm soát và giữ chư vị gần bên để giúp đỡ cho bản thân.
Khi những đạo sư vĩ đại này đang sống tại các nghĩa địa lớn, tham gia vào hoạt động du già, chư vị thành tựu vị Tôn đặc biệt của bản thân, tức Bổn tôn. Sau đó, tất cả Không Hành Nam và Không Hành Nữ đã trao cho các Yogi và Yogini này Mật điển, nghi quỹ, chỉ dẫn thực hành và chỉ dẫnnghi lễ mà bản thân chư vị từng thọ nhận ở Akanishtha để chư thành tựu giả truyền bá chúng trong cõi người. Ví dụ, khi Naropa tham gia vào hành vi du già ở nghĩa địa lớn cùng với Tilopa – vị trông giống một người đánh cá – chư Không Hành Nữ đã trao cho chư vị Mật điển cha, Mật điển mẹ và Mật điển bất nhị Thắng Lạc Luân. Tương tự, chư Không Hành Nữ đã dạy tất cả tám mươi đại thành tựu giả của Ấn Độ khi chư vị sống ở nghĩa địa, thực hành Bổn tôn (Quán Thế Âm, Kim Cương Thủ, A Súc Bệ, Hợi Mẫu Kim Cương, Mật Tập, Yamantaka và v.v.). Chư thành tựu giảsau đó trao truyền giáo lý mà chư vị đã thọ nhận cho một đệ tử con người, một cách riêng lẻ; đệ tử thực hành chỉ dẫn và dần dần đạt thành tựu, để ngày nay, những truyền thừa giáo lý này lan tỏa khắp thế gian và những giáo lý này vẫn còn sẵn có với chúng ta. Đấy là lý do mà chúng taxem các nghĩa địa này là vô cùng linh thiêng. Như Guru Rinpoche từng nói:
Nghĩa địa, sơn thất, chốn cư ngụ cô tịch trong tuyết và tương tự
Là những địa điểm thực hành hoàn hảo[2].
Tại nghĩa địa, “con người tụ tập vào ban ngày; chư thiên và ma tụ tập vào ban đêm; và Không Hành Nữ lúc chạng vạng và bình minh”. Chư vị ban thành tựu cho kẻ may mắn với nghiệp thích hợp, trong khi trừng phạt kẻ bất hạnh sở hữu tà kiến mà với họ, chư vị vô hình – đấy là mức độ oai hùng và hung nộ của chư vị. Chư đạo sư vĩ đại thường nói rằng Không Hành Nam và Không Hành Nữ tụ tập ở nghĩa địa như mây và sương mù.
NGHĨA ĐỊA HÀN LÂM
Nghĩa địa quan trọng nhất là Hàn Lâm. Thực sự, ở Ấn Độ, tất cả nghĩa địa – tức mọi nơi mà xác chết bị vứt bỏ – đều được gọi là Sitavana, điều có thể được dịch sang Tạng ngữ thành ‘Silwa Tsal’ – tức rừng lạnh lẽo. Tuy nhiên, Hàn Lâm gần Bồ Đề Đạo Tràng, tọa lạc ở “địa điểm tương tựnhư sườn đồi gần Nalanda”, vô cùng đặc biệt. Như được minh chứng trong những miêu tả đến được với chúng ta, nghĩa địa này là nơi mà nhiều Trì Minh của Ấn Độ đã sống và thực hành. Chư vị bao gồm một vài trong số những đại thành tựu giả Ấn Độ vĩ đại, nổi tiếng ở Tây Tạng, chẳng hạn vua của chư Trì Minh – Ngài Hungkara và Guru Rinpoche, vị đã dành bảy năm ngồi tựa vào một bảo tháp.
Tôi không biết liệu ở Ấn Độ, lịch sử về địa điểm này và tầm quan trọng của nó như một thánh địacó được giữ gìn rõ ràng theo thời gian hay không. Tuy nhiên, một nguồn thực sự đáng tin cậy là Dorje Chang (Kim Cương Trì) Jamyang Khyentse Chokyi Lodro, vị đã viếng thăm nơi này vào cuối năm 1956.
Khi Khyentse Rinpoche đang ngồi trong hang động ở đây và các thị giả ở bên ngoài, chuẩn bị đôi chút cho Tsok, Ngài đã diện kiến Tôn giả Shavaripa[3] vinh quang. Shavaripa là một trong những đại thành tựu giả vĩ đại nhất của Ấn Độ, được biết đến là ‘đại thành tựu giả vác nai’. Ngài là vị đại thành tựu giả tuyệt vời đến mức, đôi khi, Ngài được xem là vị quan trọng nhất trong tám mươi đại thành tựu giả. Rinpoche nói rằng Tôn giả xuất hiện rất rõ ràng trước Ngài, mặc váy da hổ và đeo trang sức xương, cầm cung và tên. Tôn giả cũng vác xác con nai trên vai, thứ mà Tôn giả đã ném vào trước Rinpoche. Dorje Chang Chokyi Lodro tập trung quán tưởng rằng Ngài hòa tâm với tâm trí tuệ của Shavaripa; khi ấy, thân Ngài bắt đầu rung lắc dữ dội. Trong Gonpo Tseten, thị giả tại Khyentse Labdrang, đang sắp xếp một số cúng dường ở đó – lời ghi chép viết tay của Ngài Jamyang Khyentse Chokyi Lodro nói rằng, “Gonpo Tseten, vị ở trước tôi, thấy chuyện này xảy ra”. Khi tôi hỏi Gonpo Tseten về chuyện đó, ông ấy nói rằng mọi người ở bên ngoài, chuẩn bị trà hay nấu ăn, trong khi Rinpoche ở một mình trong động thiền định. Gonpo Tseten đã không thấy Shavaripa, nhưng có thấy thân Rinpoche rung lắc dữ dội, nhìn chằm chằm lên trời và hơi nhảy lên xuống. Khyentse Rinpoche khi ấy không khỏe và Gonpo Tseten băn khoăn liệu có phải việc thiếu thông gió trong động kết hợp với khói từ vô số đèn bơ và nhiều hương đã khiến tình trạngcủa Rinpoche thêm trầm trọng.
Dù sao, khi Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro đến đó, Ngài đã trực tiếp diện kiến Tôn giảShavaripa vinh quang và một sự chứng ngộ phi phàm khởi lên trong tâm Ngài. Ngài cũng soạn một nghi quỹ ngắn về Shavaripa mà bạn có thể tìm thấy trong tuyển tập trước tác của Ngài[4].
Khi ấy, ai đó được biết đến là Sakya Lama, vị đến từ Derge đang sống ở đó, tiến hành nhập thất. Đức Khyentse Chokyi Lodro trao cho vị này nhiều tiền, thực sự thì tất cả những gì Ngài có thể tìm được, và bảo vị này rằng, “Hãy xây dựng ở đây một ngôi chùa thờ Mahakala Sáu Tay, vị mà Tôn giả Shavaripa vinh quang đã thực hành – điều đó sẽ làm lợi lạc giáo lý của Đức Phật nói chung”. Vị Lama đã nỗ lực hết sức xây dựng ngôi chùa thờ vị bảo hộ, tức Gonkhang, mà chúng ta thấy ở đây.
Đức Khyentse Chokyi Lodro quay trở lại hành hương vào năm 1958 sau khi ngôi chùa vị bảo hộđã được xây dựng. Có một bức hình mà Ngài đứng trước cửa này với tay đặt trên khung cửa ở cả hai bên. Kích cỡ chiếc cửa sẽ cho các bạn chút mường tượng về chiều cao của Khyentse Rinpoche, bởi nó vẫn đúng như vậy cho đến hiện nay.
Điều này cho chúng ta biết rằng nơi này vô cùng ân phước.
Sau đó, Dilgo Khyentse Rinpoche và Kyabje Khamtrul Rinpoche, những vị xem địa điểm này là vô cùng linh thiêng, đã đến đây và cùng nhau cử hành thực hành nhóm về Mahakala.
Vị bảo hộ chính yếu của Gelugpa là Mahakala Sáu Tay Nhanh Chóng Hành Động vinh quang. Jamgon Lama Tsongkapa xem vị này là đấng bảo hộ giáo lý chính yếu và là một hóa hiện phẫn nộ của Quán Thế Âm.
Vị bảo hộ này, được biết đến là Mahakala Sáu Tay, đã xuất hiện trước thành tựu giả Shavaripa. Sau khi hạnh ngộ trong hang động, Tôn giả đã soạn một lời tán thán ngắn gọn vị bảo hộ được biết đến là ‘Lời Cầu Nguyện Ngắn Gọn Của Shavaripa’. Cho đến này, hành giả Gelug vẫn thường tụng, mỗi khi chư vị nghỉ giải lao trong lúc thực hành, lấy ví dụ.
Có truyền thống kể câu chuyện về cuộc hạnh ngộ giữa Tôn giả Shavaripa và Mahakala mà theo đó, sự hiện diện của vị bảo hộ áp đảo đến mức thành tựu giả chẳng dám nhìn thẳng. Vì thế, ban đầu Ngài nhìn xuống phía dưới; đấy là lý do lời cầu nguyện bắt đầu bằng “Đỉnh lễ Ngài, Quán Thế Âm Nhanh Chóng Hành Động”. Sau đó, mắt Ngài hướng lên trên một chút và Ngài nhìn chằm chằm vào chân của vị Hộ Pháp mà bên dưới, Ngài thấy Vinayaka. Ngài dần dần nhìn lên, như trong lời cầu nguyện, thứ miêu tả vị Tôn từ dưới lên trên, cuối cùng nhắc đến dấu Sindhura giữa lông mày, và A Súc Bệ trên đầu mà Ngài chỉ dám nhìn lướt qua trong khoảnh khắc ngắn ngủi.
Dẫu sao, vị Mahakala này cư ngụ trong hang động này.
Cũng có một cái cây bên cửa; chỉ một cây – “một cây gỗ chiên đàn duy nhất”:
“Ở phía Đông Nam, trong nghĩa địa Hàn Lâm vĩ đại,
Gần một cây gỗ chiên đàn duy nhất,
Bảo hộ trí tuệ sáu tay nhanh chóng hành động”.
Từng có một cây lớn hơn đã khô héo. Một cây mới đã được trồng, chính là cây mà chúng ta thấy hôm nay. La[5] của Mahakala Sáu Tay cư ngụ trong cây này.
Shangpa Kagyu vẫn thực hành Mahakala Sáu Tay, hình tướng Mahakala chính yếu được trao truyền đến Tây Tạng. Những miêu tả về sự trao truyền giáo lý này nói rằng vị Tôn được thỉnh mờitừ một cái cây mọc bên lối vào động thực hành của Tôn giả Shavaripa vinh quang trong Nghĩa Địa Hàn Lâm ở Ấn Độ – đó chính là cây này.
Tuyển tập Terma Chokling bao gồm một thực hành Mahakala Sáu Tay mà Tôn giả Chokgyur Lingpa đã phát lộ. Cuộn kinh vàng của Terma này được viết tay bởi chính Guru Rinpoche trên vỏ cây của cây gỗ chiên đàn mọc bên động thiền định trong Nghĩa Địa Hàn Lâm.
Bởi hôm nay chúng ta đã đến đây, chúng ta sẽ cử hành cúng dường Tsok về Sampa Lhundrub và mặc dù tôi từng đến đây nhiều lần, tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi có cơ hội tiến hành thực hành này ở đây và cúng dường Tsok.
Trong “Tsok”, chúng ta phải dâng những cúng dường bên ngoài, bên trong và bí mật lên tất cả chư Tôn về đạo sư, Bổn tôn, Không Hành Nữ và Hộ Pháp cũng như tất cả chư Không Hành Namvà Không Hành Nữ sống trong hai mươi tư chốn thiêng, ba mươi hai vùng đất linh thiêng và tám nghĩa địa.
Cúng dường Tsok bên ngoài là năm diệu dục – các món cúng dường mà những vị khách Tsok ăn, uống, cảm nhận, v.v. – sự tận hưởng đại lạc và v.v. Chúng ta dâng chúng với số lượng lớn nhất có thể. Các cúng dường thật sự và do tâm quán tưởng đều được sắp xếp và gia trì. Phần đầu tiên, cúng dường viên thành trung gian và cúng dường giải thoát được dâng cúng trước khi cúng dường phần thừa được gia trì và trao cho những vị khách Tsok.
Cúng dường bên trong dựa trên thân kim cương của hành giả: các cúng dường để ăn, uống và v.v. – thứ là đại lạc về bản tính – được dâng lên tất cả Không Hành Nam và Không Hành Nữ trụ trong những cánh Nadi (những kinh mạch của luân xa) trong thân kim cương.
Cuối cùng, khi đại lạc khởi lên, kinh nghiệm và chứng ngộ phát triển và cúng dường bí mật – sự bất khả phân của lạc và Không và v.v. – được dâng cúng.
Nếu bạn cúng dường một tiệc Ganachakra như vậy, bạn sẽ có phước báu tuyệt vời của việc tích lũy công đức bao la.
Nguồn Anh ngữ: https://all-otr.org/pilgrimage/79-the-cool-grove-charnel-ground.
Gyurme Avertin chuyển dịch Tạng-Anh; David Rand hiệu đính.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Theo Rigpawiki, Rudra (ru dra) là ma hiện thân cho ngã.
[2] Trích Lời Cầu Nguyện Đến Guru Rinpoche từ pho Đạo Sư Đại Dương Bảo Châu do Padma Lingpa phát lộ (pad+ma gling pa. bla ma nor bu rgya mtsho las ma hA gu ru'i smon lam rnam par dag pa zhig.)
[3] Theo Rigpawiki, Shavaripa (Phạn: Śāvaripa; Tạng: ཤ་བ་རི་པ་ hoặc རི་ཁྲོད་དབང་ཕྱུག), ‘Thợ Săn’ – một trong tám mươi tư đại thành tựu giả của Ấn Độ. Ngài là một thợ săn, người đã hướng về con đường Phật giáo và từ bỏ sinh kế sau khi hạnh ngộ Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngài sau đó trở thànhđệ tử của Tôn giả Long Thọ và là một bậc thầy của Maitripa. Ngài là vị quan trọng trong sự trao truyền truyền thừa giáo lý Đại Ấn ban đầu ở Ấn Độ và được xem là ‘Trưởng Lão Ấn Độ’ của truyền thừa Kagyu.
[4] Khyentse Rinpoche viết trong lời ghi cuối rằng Ngài soạn lời cầu nguyện này dựa trên một linh kiến vào tháng Mười năm Hỏa Thân (1956), khi Ngài ở nghĩa địa Hàn Lâm phía Đông Nam của Magadha, tại hang động của Đức Shavaripa, dưới gốc cây chiên đàn.
[5] Theo Rigpawiki, La (Tạng: བླ་) – tọa lạc ở tim, chịu trách nhiệm cho cảm giác nhận dạng trong thân. Nếu La bị ‘phân tán’ hay rời khỏi thân, cái chết sẽ nhanh chóng xảy đến. Đây là một trong ba nhân tố góp phần giữ chúng ta còn sống, cùng với thọ (Tse) và sinh lực (Sok). La của một vị Tôn hay một người có thể được giữ trong một viên đá gọi là Lado. La có thể được chuộc lại nhờ thực hành gọi là Lalu (bla bslu).
- Tag :
- Pema Jyana