Hạnh Phúc Mộng Và Thực
Nhất Hạnh
CHƯƠNG 3
NỘI DUNG KINH TAM DI ĐỀ
3.6 Pháp Thoại Ngày 02 tháng 10 năm 94
Thưa đại chúng, hôm nay là ngày 02 tháng 10 năm 1994, chúng ta đang ở xóm Hạ trong khóa tu mùa Thu. Chúng ta đã đọc Kinh Samiddhi và nghe những lời Bụt đạy về những nguyên tắc hành trì căn bản để cho hạnh phúc chân thật trở thành một sự kiện hiện thật. Hôm nay chúng ta ôn lại những điều của Bụt nói trong kinh Samiddhi và nhìn sâu hơn để tìm ra những phương pháp hành trì cho thật cụ thể.
HẠNH PHÚC VÀ KHỔ ĐAU CÓ TÍNH CHẤT TƯƠNG TỨC
Theo cách suy nghĩ thông thường ở đời thì hạnh phúc là những điều không phải là khổ đau. Hạnh phúc là hạnh phúc, khổ đau là khổ đau, hai sự kiện hoàn toàn trái ngược nhau. Đó là khuynh hướng lập luận của tâm tư ta. Nhưng theo nguyên tắc tương tức của Bụt dạy thì hạnh phúc và khổ đau có liên hệ mật thiết. Hạnh phúc làm bằng chất liệu của khổ đau, và khổ đau cũng làm bằng chất liệu của hạnh phúc. Giống như rác làm ra hoa (ủ rác làm phân bón cho cây nở hoa) và hoa nếu để lâu ngày sẽ biến thành rác. Hạnh phúc cũng vô thường, mà khổ đau cũng vô thường. Vì khổ đau vô thường cho nên khổ đau có thể trở thành hạnh phúc, và hạnh phúc cũng vô thường nên có có thể thành khổ đau. Đó là cái nhìn tương tức trong đạo Bụt mà chúng ta phải nhớ. Vì vậy khi ta vạch ra một giới tuyến để chia hạnh phúc và khổ đau làm hai thực thể riêng biệt, là chúng ta đã tạo ra một lầm lẫn căn bản. Vì giới hạn của ngôn ngữ cho nên chúng ta phải diễn tả như thế. Tuy nhiên nếu thấy được rằng hạnh phúc được làm bằng những yếu tố của khổ đau thì dầu cho gạch ra đường phân biệt này, ta cũng không bị kẹt vào sự phân biệt đó. Ta nên biết rằng nếu chưa từng khổ đau (chuyện này chắc chưa xảy ra!) thì chúng ta chưa có cơ hội biết được thế nào là hạnh phúc. Khi có khổ đau mà biết quán chiếu thì chúng ta có thể tạo được hạnh phúc bằng những chất liệu của khổ đau đó. Trong Kinh Bao Tích, Bụt có dạy rằng những chất liệu như là rác rến, phân người, phân thú, nếu biết dùng để chăm bón ruộng nho, ruộng mía, thì những chất liệu đó sẽ làm cho ruộng nho, ruộng mía tốt tươi hơn, Các vị Bồ Tát cũng vậy, họ biết sử dụng những chất liệu đau khổ của họ để làm ra hạnh phúc cho họ và cho muôn loài. Như vậy giáo lý về rác, về hoa là đã có sẵn trong kinh, không phải chúng ta mới đặt ra sau này.
Như vậy nếu đã từng khổ đau thì với những chất liệu khổ đau trong người, ta có thể tu tập để biến chúng thành những chất liệu của hạnh phúc, những năng lượng tích cực của cuộc sống. Còn nếu hiện tại đang có hạnh phúc mà ta không biết bảo trì, ta dẫm lên hạnh phúc mà đi trong đời sống hàng ngày, thì nó sẽ biến thành khổ đau! Vì vậy cho nên ta có thể nói rằng hạnh phúc và khổ đau là hai hiện tượng có tính cách tương tức (inte-rêtre, inter-being), cái này chứa cái kia, Tính cách tương tức này thể hiện trong mọi ý niệm, mọi thực tại của cuộc sống hàng ngày.
Trong Kinh Samiddhi Bụt có nói tới ngũ dục, tức là năm ý niệm về hạnh phúc như là phải có thật nhiều tiền, phải có danh vọng cao ... Nhiều người trong chúng ta bị kẹt và những ý niệm đó. Làm sao để có cái này, làm sao để có cái kia, nếu không có cái này cái kia thì hạnh phúc không thể có được. Hầu hết chúng ta đều chạy theo những đối tượng như vậy. Chúng chỉ là bóng dáng của hạnh phúc, là ý niệm về hạnh phúc mà không phải là hạnh phúc chân thật. Ý niệm đó có thể là đanh, là lợi, là tài, là sắc. Ý niệm đó cũng có thể là một thiên đường hay một đời sống sung túc, giàu có. Tất cả những ý niệm đó Bụt gọi là những cái bẫy sập.
Ngay đầu khóa tu chúng ta có học một bài kinh đề cập đến sự tự do, sự thoát khỏi những bẫy sập của các vị khất sĩ. Họ là những người tự do, không bị ràng buộc vào bất cứ một điều gì, một vật gì. Họ như những con nai thoát khỏi những bẫy sập, đang chạy nhảy khắp bốn phương. Muốn đi thành Xá Vệ thì đi, muốn đi thành Ca Tì La thì đi, muốn đi thành Ba Tư Nại thì đi, muốn đi thành Vương Xá thì đi, muốn đi thành Tì Xá Li thì đi, không bị ràng buộc vào dù một khu rừng hay một gốc cây. Đó là cách diễn tả sự tự do của các vị khất sĩ đối với các bẫy sập của danh, của lợi, của sắc dục, của thức ăn ngon, của giường cao chiếu sạch.
Hôm ở Moscow, tôi có giảng một bài về ý niệm hạnh phúc. Tôi nói rằng 73 năm về trước, quí vị đã có một ý niệm về hạnh phúc, quí vị muốn xây dựng một thiên đường căn cứ trên chủ thuyết Mác Lê Nin. Quí vị đã phải đau khổ suốt cả 73 năm trời vì cái ý niệm về hạnh phúc đó của quí vị. Bây giờ những vết thương đã ăn sâu vào trong con người quí vị và trong con cháu của quí vị. Sự sợ hãi, nghi ngờ, căm thù, khổ đau đã in đậm dấu trong cả một dân tộc. Quí vị sẽ phải tu tập nhiều năm, nhiều chục năm mới có thể gột sạch được những vết thương của 73 năm Xã Hội Chủ Nghĩa đó. Ngày nay quí vị lại hình thành một ý niệm khác là ý niệm về Tư Bản. Chán ý niệm Cộng Sản, bây giờ mình mong ước một thiên đường Tư Ban. Quí vị hãy cẩn trọng, ý niệm Tư Bản cũng nguy hiểm như ý niệm Cộng Sản. Chúng ta không nên sống với ý niệm, chúng ta phải tiếp xúc với sự thật. Tôi đến đây không phải để trao cho quí vị một ít ý niệm về đạo Bụt. Tại vì ý niệm về Phật Giáo cũng có thể nguy hiểm như niệm về Tư Bản hay ý niệm về Cộng Sản. Nói như vậy có nghĩa là nếu quí cị có một ý niệm về Phật Giáo, quí vị có thể bị kẹt trong ý niệm đó, và quí vị có thể đau khổ suốt đời. Phật Giáo không phải là một ý niệm. Trong ba ngày vừa qua tôi đã dạy cho quí vị tiếp xúc với cái năng lượng có sẵn trong quí vị, năng lượng chánh niệm. Năng lượng đó có thể che chở, soi sáng, chỉ đường cho quí vị, có thể chữa trị những vết thương trong lòng quí vị. Năng lượng chánh niệm đó không phải là một ý niệm, không phải là một cái tưởng, mà là một thực tại, và trong ba ngày tu học vừa qua quí vị đã thực tập tiếp xúc trực tiếp với cái năng lượng đó. Vì vậy quí vị đừng nói rằng thầy Nhất Hạnh tới đây để hiến cho chúng ta những ý niệm rất là mầu nhiệm về chánh niệm! Nếu thấy được sự thật thì quí vị nói rằng thầy Nhất Hạnh tới đây giúp chúng ta gạt bỏ, thoát ly khỏi tất cả mọi ý niệm, trong đó có ý niệm về chánh niệm, và ý niệm về Phật Giáo.
Trong mười bốn giới Tiếp Hiện, giới đầu có liên hệ tới vấn đề ý niệm. Thường chúng ta khổ đau là chỉ vì ý niệm. Chúng ta có một ý niệm về hạnh phúc, chúng ta bị kẹt vào ý niệm đó, và chúng ta khổ cả một đời. Trong khi hạnh phúc có thể có thật, bây giờ và ở đây, mà chúng ta không biết cách để sống cho sung sướng. Có hạnh phúc trong tay mà ta vẫn đi tìm nó, là tại chúng ta kẹt vào ý niệm. Cho nên muốn có hạnh phúc đích thực, trước hết phải bỏ cái ý niệm về hạnh phúc đi. Nếu một sư cô, sư chú, hay một sư anh, sư chị trong chúng, nghĩ rằng mình không có hạnh phúc là tại vì mình chưa có cái này, cái kia, tại vì điều này không như ý mình, thì đó là những ý niệm, mà ý niệm thì có thể rất sai lầm. Sở dĩ mình đau khổ, đêm ngày là tại mình kẹt vào chính những ý niệm của mình về hạnh phúc. Nếu mình tháo bỏ những ý niệm của mình về cái này, cái kia, về người này, người kia, về những điều kiện về hạnh phúc của mình, thì tự nhiên hạnh phúc là một cái gì có thể xảy ra được ngay trong giây phút hiện tại. Đây không phải là chuyện lý thuyết. Vì vậy Kinh Kim Cương và nhiều Kinh khác của đạo Bụt đều nhắm tới việc giúp chúng ta phá trừ những ý niệm, phá trừ những cái tưởng, những “notions”. Đó là phần tinh túy nhất của đạo Bụt. Đối với giáo lý của Bụt như vô thường, vô ngã, bản môn, tích môn, ta đừng tiếp nhận những những ý niệm, đừng bị kẹt vào ý niệm, phải phá tung những ý niệm đó đi vì những điều Bụt đưa ra là ngón tay chỉ mặt trăng mà không phải là mặt trăng thực sự. Hễ bị kẹt vào ngón tay thì không thấy được chân như của mặt trăng. Ý niệm là nguồn gốc của mọi khổ đau, đó là điều mà tất cả chúng ta cần phải nhớ.
HÀNH TRÌ GIỚI LUẬT SẼ KHÔNG VƯỚNG VÀO BẪY SẬP
Trong bài giảng của khóa tu mùa hè năm nay tôi có nói rằng nếu quí vị cảm thấy cô đơn thì có thể sự cô đơn đó phát sinh từ nguyên nhân quí vị không hành trì năm giới. Tôi đã đưa ví dụ giới thứ ba là giới tà dâm. Ban đầu mình cô đơn và nghĩ rằng có liên hệ với người khác phái sẽ giúp mình ấm áp, bớt cô đơn. Rồi từ đó đi đến chuyện chung đụng xác thân. Nhưng ai ngờ những kinh nghiệm chung đụng xác thân đó, niềm cô đơn của mình lại lớn lên gấp bội. Đó là vì khi không có sự đối thoại và thông cảm giữa hai tâm hồn mà lại có sự giao tiếp giữa hai thân xác, thì sự giao tiếp này sẽ đào thêm cái hố ngăn cách và tạo thêm nỗi cô đơn. Sau đó hai tuần, tôi nhận được bức thư của một thiếu phụ người Tây Phương nói rằng: “Bạch Thầy, điều Thầy nói không có gì đúng hơn nữa, con đã đi qua kinh nghiệm đó. Có một lúc con cảm thấy cô đơn, con đi tìm sự ấp ủ, sự ấm áp, con khám phá ra rằng càng ngày niềm cô đơn của con càng lớn. Sự xa cách của con với loài người, với xã hội càng ngày càng lớn là tại vì con đã đi lầm đường”.
Đó mới chỉ là một trong năm giới. Bốn giới kia cũng vậy. Khi không hành trì các giới, ta dễ bị sập vào bẫy ái dục, bẫy danh lợi, bẫy ý niệm về hạnh phúc, và ta sẽ khổ đau nhiều. Nếu có hành trì, năm giới ta mới biết cách phá lưới mà ra, biết cách lấy lại tự do. Tự do ở đây không phải là tự do chính trị mà là tự do đối với những bẫy sập, những ý niệm về hạnh phúc. Mình đòi hỏi phải có điều kiện này, điều kiện nọ, thì hạnh phúc mới có thật. Cái ý niệm về hạnh phúc đó chính là cái ngục tù giam hãm mình. Bỏ ý niệm đi thì khung cửa tự do sẽ mở rộng và hạnh phúc thật sự sẽ hiển bày ngay trong giây phút hiện tại. Tự do có khi được gọi là thảnh thơi, và đó là một trong hai đặc tính căn bản của Niết Bàn (vững chải và thảnh thơi). Vững chải dịch ra tiếng Anh là Stability Solidity. Nếu trong ta không có hai yếu tố vững chải và thảnh thơi thì hạnh phúc không phải là hạnh phúc đích thực.
TĂNG THÂN ĐỒNG HOÀN CẢNH MỚI GIÚP TA THOÁT ĐƯỢC BẪY SẬP
Khi một con thú bị sập bẫy, nó vùng vẫy đủ cách nhưng vẫn rất khó thoát, nó rất khổ sở và mất hết tự do. Với ngũ dục cũng vậy. Khi đã sa vào thì không khác nào bị sập bẫy, ta cũng vùng vẫy nhưng rất khó thoát ra. Chẳng hạn như khi nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện sắc dục hay là nghiện tiền bạc. Có tiền không bao giờ thỏa mãn hết, có tiền ít thì muốn có tiền thêm, có nhiều rồi lại muốn có nhiều hơn nữa, giống như người khát nước ngoài biển khơi, càng uống nước biển thì càng khát thêm. Sắc dục cũng vậy mà danh lợi cũng vậy, rất dễ sợ, sa vào rồi thì rất khó thoát ra. Nhất là khi mình phải đơn phương tranh đấu để thoát khỏi những cái bẫy ngũ dục và nghiện ngập thì thậm nan, vạn nan! Sở dĩ như vậy là vì mình đã nhiễm vào một cái thói quen gọi là tập khí. Tập khí cũng giống như ngựa theo lối cũ, dù có được học, được nghe và hiểu được rằng điều đó là có hại, là không nên làm, nhưng ta vẫn “ngựa theo lối cũ” như thường. Thành ra nếu đến người nghiện ma túy và khuyên họ rằng: “Anh ơi! Anh không nên sử dụng ma túy tại vì nghiện ma túy thì thân anh sẽ tan nát, công danh sự nghiệp của anh sẽ tan nát, gia đình của anh cũng sẽ tan nát, anh đừng nên tiếp tục con đường này nữa” thì vô ích lắm. Tại vì chính người này cũng biết điều đó, và biết rất rõ, có thể còn rõ hơn chúng ta nữa, nhưng họ không làm được, họ không thoát ra khỏi cái bẫy sập được. Vì vậy chúng ta đừng đến để dạy luân lý, đạo đức cho họ, Nếu có những phương cách gì để giúp họ thoát ra thì hãy đến, còn đến để dạy luân lý đạo đức thì không có ích lợi gì. Một phương cách có hiệu quả là lập một tăng thân, một đoàn thể, trong đó có những người đã thoát bẫy sập. Đưa tăng thân này đến gặp các người sập bẫy và nói rằng “Đây là những người ngày xưa cũng như anh, bây giờ đã thoát ra rồi, anh nên sống chung với họ, để họ nâng đỡ, yểm trợ cho anh thoát khỏi tình trạng khổ đau này”. Tập khí rất nguy hiểm, biết đó là cái bẫy, không muốn chui vào nhưng ta vẫn lặng lẽ, êm ái chui vào như thường. Chui vào rồi tâm sự: “Bẫy sập của ta ơi! Ta không thể nào thiếu ngươi được, ta phải chui vào, dầu ta biết rằng ngồi ở trong ngươi ta sẽ đau khổ vô cùng, nhưng ta vẫn sẵn sàng để chui vào!” Sự thật là như vậy, cho nên trong đạo Bụt có danh từ gọi là trầm luân. Trầm là chìm xuống, luân là lăn đi. Khi bị trầm luân trong những bẫy sập, chỉ có một tăng thân vững mạnh, đầy thương yêu mới cứu được ta mà thôi. Lý do là trong Tăng có Bụt và có luôn cả Pháp.
Hiện nay ở các nước Tây Phương có những tổ chức lo về tâm lý trị liệu, cũng như lo về vấn đề cai rượu, cai thuốc phiện. Tuy họ không phải là những tổ chức của đạo Bụt, nhưng họ cũng biết vai trò của tăng thân rất quan trọng. tại Mỹ có một chương trình gọi là “The twelve step ptrogram” để cứu những người bị nghiện rượu. Họ biết rằng không có tăng thân thì không thể cứu được người nghiện ngập, cho nên họ đã sử dụng phương pháp tăng thân. Tại Pháp và các nước Âu Châu cũng vậy. Để cứu những chàng thanh niên và những cô thiếu nữ vương vào vòng ma túy, họ lập ra các trung tâm để cho người bị nghiện tới để cùng tập cai thuốc với nhau. Khi thực tập chung với một tăng thân đồng hoàn cảnh, ta sẽ có sự nương tựa và nâng đỡ tinh thần của nhau, vì vậy mà dễ thành công hơn là làm một mình. Bởi lẽ chống chọi với tập khí xấu như nghiện ngập là một việc rất khó làm, nhất là khi nạn nhân ở trong tình trạng suy yếu từ tinh thần cho đến thể chất.
Thành ra tăng thân là một nổ lực tập thể đưa mình đi lên. Trong bài Kinh Quy Nguyện có một đoạn tán dương tăng thân:
Tăng là đoàn thể đẹp
Cùng đi trên đường vui
Tu tập giải thoát
Làm an lạc cuộc đời.
Tuy nhiên để cho “tăng là đoàn thể đẹp”, và những người sống trong tăng thân có an lạc, hạnh phúc thì phải có giới, có luật, phải tuân theo nếp sống của tăng thân. Nếu sống trong tăng thân mà mình như một cù lao biệt lập thì không thể nào thành công được. Trong nguyên tắc lục hòa của đạo Bụt, mình không thể là một hiện tượng đặc biệt, mình phải làm tất cả những gì mà người khác đang làm, phải hành trì những điều người khác đang hành trì thì tăng thân mới vững chãi, mới thảnh thơi và mình mới hưởng được cái vững chãi và thảnh thơi đó của tăng thân. Có những người trong chúng ta thiếu thảnh thơi đã đành mà còn thiếu luôn vững chãi. Họ luôn luôn sợ hãi, không biết ngày mai mình sẽ ra sao, không biết cái gì sẽ xảy ra cho mình chiều này hay sáng mai, họ rất dễ bị buồn, bị lo. Tình trạng đó tiếng Anh gọi là vulnerability hay insecurity. Đó là đặc tính tiêu biểu cho con người của thời đại ngày nay.
Con người trong thời đại mới thường xuyên sống trong trạng thái không cảm thấy an toàn, dễ bị thương tích. Mỗi ngày có không biết bao nhiêu người bị thương, vì họ không có sự vững chãi, không có gốc rễ, không có cội nguồn. Một thân cây mà không có gốc rễ thì cố nhiên không đứng vững được. Con người cũng vậy, không có gốc rễ trong gia đình, không có gốc rễ trong xã hội, cũng không có gốc rễ trong truyền thống tâm linh thì làm sao mà đứng vững được, làm sao có vững chãi được! Cho nên mình phải tự hỏi mình có gốc rễ vững chãi trong gia đình hay không? Nếu không thì phải lập tức thiết lập gốc rễ đối với gia đình của mình. Nếu gia đình huyết thống bị đổ vỡ thì phải bám vào gia đình tâm linh. Khi gia đình tâm linh có gốc rễ rồi, mình trở lại xây dựng gốc rễ cho gia đình huyết thống. Những người không có gốc rễ là những con người đau khổ. Nếu mình thấy thù hận xã hội, thù hận tăng thân, thù hận truyền thống tâm linh của mình thì điều đó chứng tỏ mình đã mất gốc ở trong xã hội và trong truyền thống tâm linh của mình, vì vậy cho nên mình dễ ngã xuống như một thân cây không có rễ.
Con người không có gốc rễ là một cô hồn, đi lang thang vất vưởng, không biết thống thuộc về đâu. Cho nên năm cái lạy của Làng Mai là để thực tập nối lại gốc rễ của mình với tổ tiên, giònghọ, vói gia đình huyết thống, với gia đình tâm linh, với xã hội, với chính những người mà mình thù hận, mình khổ đau. Cái lạy chót là cái lạy để thấy được những khổ đau của người đã làm cho mình đau khổ, để tha thứ được cho người đó, bởi vì mình cũng có gốc rễ nơi người đó. Người đó có thể là cha mình, có thể là mẹ mình mà mình đang thù hận! Người đó có thể là người ngày xưa mình đem lòng thương yêu và giờ đây trở thành người thù của mình. Khi gốc rễ của mình trên những mảnh đất đó bị cắt đứt thì mình biến thành một người bơ vơ, đi lang thang. Cô hồn sống là một hiện tượng rất đặc thù của thế kỷ thứ 20. Chúng ta chỉ cần nhìn chung quanh là chúng ta sẽ thấy có biết bao nhiêu người trẻ đi lang thang như những con ma đói, họ không tin tưởng vào một cái gì hết, không thấy cái gì đẹp, cái gì thật để tin.
TUỆ GIÁC GIÚP CHÚNG TA GIẢI THOÁT KIẾN THỨC LÀM TA TỰ HÀO
Trong Kinh Samiddhi, thầy Samiddhi nói: Tôi biết những ý niệm về hạnh phúc, về ngũ dục là những cái bẫy sập vì vậy cho nên tôi không phí tuổi trẻ của tôi để sa vào những cái bẫy sập đó. Tôi đi tìm hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại là vì pháp của Đức Thế Tôn là thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, nó vượt tính cách thời gian, bó bảo đảm sự tự do cho mình, nó cho mình sự vững chãi.
Kinh Samiddhi cũng có đề cập tới nơi nương tựa, tức là gốc rễ của mình. Nơi nương tựa này là con đường tu học mà Đức Thế Tôn đã trình bày ra, tức là Pháp. Thầy Samiddhi đã nói tới nguyên tắc hiện pháp lạc trú: Tôi đi tìm hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, tôi không bị sập vào bẫy của những ý niệm hạnh phúc, tôi đi tìm hạnh phúc chân thật trong sự sống, trở về với hiện tại và Pháp của Bụt là ngọn đèn soi sáng cho tôi, giúp tôi tiếp xúc với thực tại mà không làm cho tôi bị rơi vào những bẫy sập của ý niệm. Thành ra khi có chỗ nương tựa tức là ta đã có một niềm tin, và có một niềm tin thì ta có hạnh phúc chân thật. Niềm tin ở đây không phải là tin vào một chủ thuyết về hạnh phúc, một ý niệm về hạnh phúc. Niềm tin ở đây là một cái gì mình có thể có kinh nghiệm trực tiếp. Những người có một ý niệm về hạnh phúc ví dụ như Thượng đế và họ tin vào ý niệm đó, tin vào một thiên đường tương lai, thì tuy đó cũng là những niềm tin nhưng không phải được đặt trên căn bản thực chứng trong hiện tại.
Đạo Bụt nói tới niềm tin như là một năng lượng tạo ra hạnh phúc, nhưng niềm tin ở trong đạo Bụt khác với niềm tin ở ngoài đời. Vì vậy ở đây ta cần nhắc lại giáo lý về ngũ lực. Ngũ lực là năm loại năng lượng làm cho ta trở nên một người sống động, có sức sống với hai con mắt sáng, với những bước chân vững chãi. Năng lượng đầu là Niềm tin. Người không có niềm tin là người không có năng lượng, đó là một người đã chết. Tin ở một cái gì thật, một cái gì lành, tin vào một cái gì đẹp, và những cái đó không thể là những ý niệm. Những điều ta tin phải do kinh nghiệm trực tiếp của ta. Thí dụ tin vào chánh niệm vì ta vừa nghe một bài giảng rất hay về chánh niệm, thì đó chưa phải là chánh tín. Được nghe giảng về chánh niệm, ta thực tập về chánh niệm và ta thấy chánh niệm, ta thực tập về chánh niệm và ta thấy chánh niệm là nguồn năng lượng mà ta có thể tạo ra được, ta có kinh nghiệm được, có thể soi sáng cho ta được thì đó mới là chánh tín. Điều này rất là quan trọng, hành giả phải ghi nhớ trong lúc thực tập chánh niệm.
Nguồn năng lượng thứ hai là Tấn (diligent), có nghĩa là sự siêng năng. Nguồn năng lượng thứ ba là Niệm, nghĩa là chánh niệm. Chánh niệm là trái tim của sự thực tập ở trong đạo Bụt. Chánh niệm là năng lượng mà mình có thể chế tác ra, giống như điện năng do một nhà máy điện chế biến ra. Con người của ta cũng là một nhà máy, cũng là một trung tâm biến chế năng lượng. Năng lượng Niệm là năng lượng ánh sáng, ánh sáng soi đường cho ta. Năng lượng niệm làm cho êm dịu, trị liệu những nỗi khổ niềm đau của ta, giúp ta nhìn sâu và thấy được sự thật của đối tượng quán chiếu. Có năng lượng của chánh niệm thì ta có thể chuyển đổi được các tình trạng. Có chánh niệm thì ta sống rất có ý thức, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, làm việc, hoặc đối xử với anh chị em của ta một cách rất có ý thức. Khi có năng lượng của niệm thì ta có năng lượng của Định, nguồn năng lượng thứ tư của người tu. Nhờ định tâm, nhờ sự chăm chú cho nên ta mới thấy được cái bản chất, cái tự tánh của sự sống. Nhờ niệm, nhờ định mà ta thấy được tự tánh của đám mây, của bông hoa, của thức ăn, của niềm vui, của Sư em, Sư chị, Sư anh, và thấy được một cách rất rõ ràng. Cái đó gọi là Tuệ, nguồn năng lượng thứ năm. Tuệ tức là cái thấy rất sâu và rõ, tiếng Anh là “understanding" hay là “wisdom”.
Như vậy Niệm là cái năng lượng để soi chiếu. Khi có soi chiếu thì có sự tập trung và khi tập trung thì ta thấy được cái bản chất, cái tự tánh của đối tượng. Chính cái thấy đó là cái thấy trực tiếp, cái thấy do kinh nghiệm bản thân, nên mới gọi là Tuệ. Ngược lại, thấy bằng những ý niệm, những lý thuyết chồng chất thì được gọi là kiến hay kiến thức. Học Phật Pháp ta có thể chất chứa rất nhiều kiến thức về Phật Pháp, nhưng những kiến thức đó không phải là tuệ, đôi khi nó còn có hại. Rất nhiều người học Phật trên mười năm nhưng đời sống của họ không có chút nào thay đổi cả. Tại vì họ chỉ có kiến thức mà không có cái thấy trực tiếp của tuệ giác.
Trong phương pháp Tứ Y do chư Tổ đặt ra, điều thứ tư là Y trí bất y thức. “Y trí” là nương vào tuệ, “bất y thức” là đừng nương vào kiến thức. Tuệ tức là cái biết trực tiếp bằng kinh nghiệm. Còn kiến là cái biết nhận từ những ý niệm do người khác trao truyền lại hay là từ đọc sách. Hai cái đó rất khác nhau. Tuệ có công dụng giải phóng, trị liệu cho ta, còn kiến làm cho ta càng ngày càng tự hào và trở thành nạn nhân của những kiến thức của ta. Ví dụ khi nghe Thầy giảng về chánh niệm, Thầy tìm mọi cách để cho ta thấy rằng chánh niệm không phải là một ý niệm mà là một vùng năng lượng ở trong con người. “Tôi đang thở vào và tôi biết rằng đây là hơi thở vào, tôi đang thở và tôi biết rằng đây là hơi thở ra”. Cái năng lượng nhờ đó mình nhận diện được hơi thở vào là hơi thở vào là chánh niệm. Khi uống nước mà không biết là mình uống nước thì lúc đó chánh niệm không có mặt. Thành ra chánh niệm là một cái có thật và mình có thể tiếp xúc được. Khi học về Niệm như vậy rồi thì mình đâu bị kẹt vào ý niệm về Niệm, tại vì mình đã có kinh nghiệm trực tiếp về loại năng lượng mà mình gọi là Niệm, và Niệm đó là do Tuệ đưa tới.
Khi thấy ta đã có khả năng chế biến ra năng lượng niệm, và năng lượng niệm giúp ta tập trung được, hiểu biết được, thì ta có đức tin về niệm, và đức tin này hoàn toàn làm bằng kinh nghiệm, không phải làm bằng ý niệm, cho nên nó là Chánh Tín. Dù cho một số rất đông người tin vào một điều gì, dù cho cả một nước tin vào một chủ nghĩa, thì niềm tin đó chỉ mới là niềm tin trên một ý niệm mà thôi. Ví dụ nước Nga tin vào chủ nghĩa Mác Xít trong 73 năm, nước Việt cũng tin vào chủ thuyết Cộng sản trên 45 năm, cả hai dân tộc đã chịu không biết bao nhiêu đau khổ vì ý niệm, vì niềm tin không được soi sáng và thực chứng đó. Trong Kinh Kalama Bụt đã dạy rất rõ “Đừng vội tin vào điều gì, dầu điều đó là điều đa số đang nói tới như một sự thật; đừng vội tin điều gì dầu điều đó đã được biên chép trong kinh điển; đừng vội tin vào điều gì dù điều đó đã được một vị đạo sư nổi tiếng nói ra”. Những câu đó là những câu do chính Bụt đã nói, ta phải đem ra thí nghiệm. Nếu thực tập và thấy những điều có thể diệt trừ được khổ đau, xây dựng được sự giải thoát, sự an lạc, thì lúc đó ta mới tin. Niềm tin đó mới là chánh tín.
BỐN ĐẶC TÍNH CỦA PHÁP
Pháp có nhiều đặc tính. Đặc tính thứ nhất là thiết thực hiện tại (Sanditthika), tức là có thể sờ mó được, có thể chứng nghiệm ngay bây giờ. Trong khi đó có những chủ thuyết, những ý niệm hứa hẹn rằng 30 năm sau hay đời sau thì thiên đường sẽ hiển hiện, nhưng có thể là không bao giờ nó xảy ra cả! Ngược lại, đặc tính của Pháp là ngay giây phút mình bắt đầu thực tập là mình có thể cảm thấy được hiệu quả của nó. Ví dụ “thở vào, tôi biết tôi đang thở vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra”, nắm lấy điều này để thực tập thì tự nhiên chánh niệm phát sinh và ta có định liền lập tức và ta trở về được với chính ta. Như vậy dù chưa đến mức độ cao siêu, nhưng niệm, định, và tuệ đã thực sự phát sinh, và sự thực tập của ta có kết quả liền lập tức.
Đặc tính thứ hai của Pháp là Akalika, nghĩa là vượt thoát thời gian. Những bẫy sập, những ý niệm về hạnh phúc có tính cách lệ thuộc vào thời gian, nằm trong thời gian. Ngược lại, Pháp thì vượt thoát thời gian.
Đặc tính thứ ba của Pháp là Ehipassika nghĩa là tự mình tới, tự mình thấy, mình kinh nghiệm mà không cần phải qua trung gian của một ai hết. Ta có thể dịch là đến để mà thấy (Venez voir par vous même; come and see for yourself). Không cần phải có một giai cấp Tăng lữ đứng làm trung gian để giúp ta tới chứng kiến cái mầu nhiệm của Pháp.
Đặc tính thứ tư của Pháp là Upanayika tức là có khả năng đưa mình tới chỗ an lành tốt đẹp, có khả năng hướng thượng. Ta có thể dịch là có công năng dẫn đạo đi lên.
CHỈ NƯƠNG TỰA VÀO HẢI ĐẢO TỰ THÂN LÀ CÓ ĐỦ NĂM NGUỒN NĂNG LƯỢNG
Chúng ta có một bài thực tập nương tựa rất hay mà tôi thường áp dụng nhiều lần mỗi ngày, lúc có vấn đề cũng như lúc không có vấn đề. Đó là bài Hải đảo tự thân:
Quay về nương tựa,
Hải đảo tự thân,
Chánh niệm là Bụt,
Soi sáng xa gần,
Hơi thở là Pháp,
Bảo hộ thân tâm,
Năm uẩn là Tăng,
Phối hợp tinh cần,
Thở vào, thở ra,
Là hoa tươi mát,
Là núi vững vàng,
Nước tĩnh lặng chiếu,
Không gian thênh thang.
Quay về nương tựa, là hơi thở đầu, Hải đảo tự thân, là hơi thở thứ hai. Bụt dạy rằng, đừng nương tựa vào bất cứ một điều gì, nhất là đừng nương tựa vào ý niệm, dầu ý niệm về Bụt, vì ý niệm đó có thể sai, có thể không phải là Bụt. Bụt và ý niệm về Bụt là hai cái khác nhau. Trong quá trình tu học càng ngày ta càng khám phá ra chân tướng của Bụt, và những ý niệm xưa của ta về Bụt cứ từ từ biến mất. Nếu những ý niệm về Bụt không rơi xuống thì chân tướng của Bụt không bao giờ hiển hiện ra được. Điều này cũng phải được áp dụng cho những hiện tượng khác, như trời xanh, mây trắng, hạnh phúc, người Sư anh, Sư em, Sư chị của ta. Những ý niệm về họ phải được lột ra, phải được làm cho rơi xuống rào rào, thì cái bản thân, cái chân như của người đó, của vật đó mới phát hiện ra được. Cho nên có ý niệm về một điều gì là rất nguy hiểm. Bụt dạy chúng ta phải quay về để tiếp xúc cho được cái pháp ở trong tự thân, Ngài nói trong hải đảo của tự thân có năm nguồn năng lượng, khi nương tựa vào năm nguồn năng lượng thì rất có an ninh, “Attadipasarana”. (Atta là tự thân, Dipa là hải đảo, Sarana là nương tựa). Đó là lời Bụt căn dặn các thầy và các sư cô vào năm Ngài 80 tuổi. Ngài biết rằng Ngài sẽ nhập diệt trong vòng mấy tháng nữa và trong số môn đệ của Ngài có nhiều người sẽ cảm thấy rất bơ vơ. Ngài nói với các đệ tử: “Này các thầy, các thầy đừng nương tựa nơi bất cứ một cái gì khác, hãy trở về nương tựa nơi hải đảo của tự thân”. Hải đảo là một vùng đất rất khó bị sóng cuốn đi, vì vậy cho nên nó đứng vững. Trở về nương tựa nơi hai đảo của tự thân tức là trở về nương tựa nơi Pháp, vì trong hải đảo tự thân có Pháp. Quí vị có nhớ năm nguồn năng lượng mà mình gọi là ngũ lực không? Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ là chỗ mình trở về, là nơi mình nương tựa. Năm điều đó không phải là năm ý niệm, mà là năm nguồn năng lượng có thật trong mỗi người chúng ta. Nếu ta sợ hãi, khổ đau, bơ vơ là vì ta không biết tìm về nương tựa nơi năm nguồn năng lượng đó.
Chánh niệm là Bụt, soi sáng xa gần, là hơi thở thở thứ ba và thứ tư.
Bụt không còn là ý niệm nữa, Bụt là một chất liệu có thật mà mình có thể tiếp xúc bất cứ lúc nào, đó là chánh niệm. Một em bé năm tuổi cũng có khả năng chế biến ra chánh niệm, có thể đi trong chánh niệm, ăn trong chánh niệm, nhìn trong chánh niệm, nắm tay người thân trong chánh niệm. Cho nên chánh niệm không phải là một ý niệm, mà là một nguồn năng lượng, là bản chất của một vị Bụt. Vì vậy ta thường nói chánh niệm là Bụt. Quay về nương tựa Bụt tức là quay về nương tựa nơi nguồn năng lượng đó của Chánh niệm, trong đó có chứa bốn nguồn năng lượng khác là Tín, Tấn, Định, và Tuệ. Chánh niệm là ánh sáng được chế biến do sự thực tập. Khi có ánh sáng rồi thì ta được soi chiếu, được dẫn dắt, và nhờ đó mà ta biết nên làm gì và không nên làm gì, nên nói gì và không nên nói gì, nên nghĩ gì và không nên nghĩ gì, nên sinh sống bằng cách nào và không nên sinh sống bằng cách nào. Đó là Bát Chánh Đạo, Như vậy Bát Chánh Đạo là tám con đường được chiếu sáng bởi ánh sáng của chánh niệm.
Người có niềm tin nơi chánh niệm luôn luôn trở về với hải đảo tự thân và lấy năm nguồn năng lượng đó làm nơi nương tựa và soi sáng cho mình. Trong câu “chánh niệm là Bụt, soi sáng xa gần”, gần tức là bây giờ và ở đây, những cái gì đáng làm, những cái gì không nên làm; những cái gì đáng nói, những cái gì không đáng nói ngay trong giờ phút này. Xa nghĩa là trong trong tương lai, mình cũng biết được những gì đáng làm, đáng nói, không đáng làm, không đáng nói trong tương lai.
“Hơi thở là Pháp, bảo hộ thân tâm” là câu thực tập hơi thở thứ năm và thứ sáu. Pháp ở đây cũng không phải là ý niệm, pháp ở đây là một thực tại. Ví dụ một bài pháp thoại ở trong băng, chưa hẳn là pháp, nó chỉ là những ý niệm về pháp. Một cuốn Kinh cũng chưa phải là pháp mà chỉ là ý niệm về pháp. Ngược lại một hơi thở có ý thức là pháp sống, pháp linh động, pháp đích thực (Living Dharma). Thành ra khhi đi thiền hành mà đi có chánh niệm, là ta đang thuyết pháp, thuyết pháp bằng thân và tâm của mình. Đó gọi là pháp đích thực. Còn một bài giảng dầu hay cách mấy cũng chỉ là pháp ý niệm để giúp mình đi tới cái pháp đích thực mà thôi.
Khi đang nghe thuyết pháp hoặc đang giảng mà nghe tiếng đồng hồ hay tiếng chuông điện thoại reo, ta dừng lại, thở vào thở ra trong chánh niệm, tức là ta cũng đang thuyết pháp, pháp linh động. Khi thấy Thầy đang giảng hay mà bỗng dưng ngừng lại khi có một tiếng chuông, các vị chưa quen thường giận lắm, tại sao không để cho Thầy nói? Đó là tại ta chưa biết rằng những điều Thầy nói tuy hay, nhưng không thể sánh được với hơi thở của Thầy và của ta trong lúc đó. Chính những hơi thở đó mới là pháp mà ta thực chứng được.
Vì vậy với câu thực tập hơi thở thứ năm và thứ sáu, hơi thở là Pháp, bảo hộ thân tâm, mình nhận thức được rằng thân và tâm của mình được bảo hộ bằng những hơi thở chánh niệm. Sự bảo hộ không phải là một sự bảo hộ thần bí nào cả. Khi mình có chánh niệm thì chánh niệm đó là lực lượng bảo hộ cho mình. Một người thợ, một công nhân, trong khi sử dụng máy móc mà có chánh niệm thì không bao giờ bàn tay bị máy cán. Chánh niệm bảo đảm cho sự an toàn. Khi lái xe mà anh có chánh niệm thì chánh niệm bảo hộ cho anh. Khi sắp sửa nói một câu mà có chánh niệm thì chánh niệm cũng sẽ bảo hộ anh. Đó là sự bảo hộ đích thực của Bụt, không phải do một thần lực huyền bí hay phép màu nào cả.
Năm uẩn là tăng, phối hợp tinh cần là hai câu cuối của Bài Thực Tập Quay Về Nương Tựa mà tôi muốn trao truyền lại cho quí vị. Năm uẩn là năm yếu tố Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
KHI NĂM UẨN KHÔNG HÒA HỢP TA SẼ KHAI CHIẾN VỚI BÊN NGOÀI
Khi một người có “chiến tranh” với cha mẹ, anh em, vợ con trong gia đình hay với bạn bè ngoài xã hội, thì chính người đó đang có sự rối loạn bất ổn trong nội thân. Những lúc đó tâm họ không an lạc, nói một cách khác, năm uẩn của người đó không có sự phối hợp điều hòa, chúng đang chống đối nhau.
Thường thường khi có “chiến tranh” ở bên trong là chúng ta hay “khai chiến “ với bên ngoài. Thành ra những người hay “khai chiến” với bên ngoài là chắc chắn họ đang có nội chiến trong thân tâm của họ. Những lúc như vậy, nếu biết nắm lấy hơi thở và thở theo chánh pháp, tức là ta biết dùng chánh niệm để soi chiếu nội tâm, thì tự nhiên năm uẩn sẽ trở lại hòa điệu với nhau, và nhờ vậy mà ta có được an lạc, ta thôi gây chiến. Trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Bụt dạy “Tôi đang thở vào và làm cho thân thể tôi trở nên an tịnh”, tức là ta có thể dùng hơi thở có chánh niệm để tạo ảnh hưởng tốt trên sắc và thọ của mình. Trong khi thực tập nắm lấy hơi thở ta điều hợp năm uẩn để cho chúng êm dịu lại và tự nhiên sự an lạc sẽ tới và nhờ vậy mà mình không còn khai chiến với người khác nữa. Năm uẩn ở đây không có nghĩa là cái thế giới bên trong. Khi nói năm uẩn là năm uẩn của anh là không đúng, tại vì đứng về phương diện thân tức là sắc, cũng như đứng về phương diện thọ, tưởng, hành và thức thì thân thể của tôi được làm bằng những chất liệu không phải là tôi. Thức ăn tôi ăn, không khí tôi thở, nước tôi uống, tất cả những cái đó là từ anh, từ chị, từ những người khác, từ những hiện tượng khác trong vũ trụ. Cho nên khi ta nói cái sắc này là của tôi là không đúng. Thọ cũng vậy, thọ tức là cảm giác, mà cảm giác luôn luôn là cảm giác giác về cái gì, cảm giác về những cái ở trong thân và cảm giác về những cái ngoài thân. Còn tưởng tức là tri giác, cũng vậy. Tri giác là tri giác về cái gì. Ví dụ tôi có tri giác về anh thì chủ thể của tri giác với đối tượng của tri giác là một. Anh là đối tượng của tri giác của tôi, thành ra nói anh ở ngoài tôi là không đúng. Những tâm hành khác như giận cũng vậy. Giận thì giận ai, hay thương là thương ai. Thành ra đối tượng của những tâm hành này là tất cả những cái ở bên ngoài. Vì vậy nên nói năm uẩn là những cái ở bên trong tôi là không đúng. Khi chưa tu học thì ta tưởng như vậy, nhưng nhờ quán chiếu, nhờ nhìn kỹ ta thấy năm uẩn thật ra không phải là của ta. Chúng nó dính chùm, liên kết với nhau. Năm uẩn của anh và năm uẩn của tôi nó dính líu tới cái mức mà ta không thể nào tách rời ra được.
Khi một tăng thân không có sự hòa hợp thì mọi người không có hạnh phúc. Khi năm uẩn của ta không có hòa hợp thì chúng có chiến tranh, và ta không có hạnh phúc. Hơi thở chánh niệm làm lắng dịu, và đem lại sự hòa điệu bên trong, vì vậy cho nên hơi thở chánh niệm là sự thực tập rất quan trọng. Sơ khởi, chánh niệm làm dịu tâm tư ta lại, gọi là an tịnh tâm hành. Tâm hành an tịnh rồi, nếu tiếp tục thì chánh niệm càng soi sáng, ta thấy cái này sai cái kia không đúng. Điều chỉnh lại một lúc tự nhiên có sự hòa điệu ở trong năm uẩn của ta. Cũng như trong căn phòng ta ở, nếu không có thì giờ để sắp xếp, đồ đạc lung tung, thì khi bước vào ta thấy cấn cái, khó chịu. Nhưng nếu có thì giờ, nhìn cho kỹ, ta thấy cái này phải xoay lại một chút, cái kia xếp lại một chút, sắp đặt một hồi tự nhiên căn phòng có không gian, và ta sống được thoải mái. Năm uẩn cũng vậy nếu không có chánh niệm thì ta để sắc, thọ, tưởng, của ta bất an, xáo trộn, và vì vậy mà ta khó chịu, bức rức ở bên trong. Mà khó chịu ở bên trong thì ta khai chiến với bên ngoài! Cho nên thắp ngọn đèn chánh niệm lên, nhìn cho kỹ, sắp đặt lại bằng hơi thở chánh niệm là tạo ra sự an lạc và hòa điệu bên trong thì tự nhiên mình có hạnh phúc với cả bên trong lẫn bên ngoài. Vì vậy mà năm uẩn đích thực là tăng thân của ta. Khi dùng hơi thở chánh niệm và phối hợp một cách tinh cần, thì ta tạo ra sự an lạc. Từ đó những lo sợ, những giận hờn, những thất vọng của ta sẽ được chuyển hóa. Sau đó ta thực tập tiếp bài Quán niệm hơi thở:
Thở vào, thở ra,
Là hoa tươi mát,
Là núi vững vàng,
Nước tĩnh lặng chiếu,
Không gian thênh thang.
Thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra. Thở vào tôi thấy là hoa, thở ra tôi thấy tôi tươi mát, thở vào tôi thấy tôi là núi, thở ra tôi thấy tôi vững vàng, thở vào tôi thấy tôi là nước tĩnh ...
Lúc đó những cảm xúc, những giận hờn, những lo lắng của ta sẽ lắng xuống, và tâm ta an lạc như mặt nước tĩnh, và nhờ vậy nó mới phản chiếu được sự thật. Nước tĩnh lặng chiếu là vậy. Nếu tâm mình còn ghét, còn giận thì cái hình ảnh về người anh, người em hay người chị của mình nó méo mó một cách rất là buồn cười. Khi tâm tĩnh lặng thì tri giác ta sẽ đúng lại từ từ, nếu không thì chỉ là vọng tưởng và là tri giác sai lầm mà thôi. Tri giác sai lầm sẽ làm cho mình khổ và làm cho người khác khổ theo.
Câu cuối của bài thực tập, Không gian thênh thang nghĩa là lúc đó ở trong tâm ta có không gian, và ta thấy khỏe, không còn chật chội nữa! Lúc có những tri giác sai lầm, có những giận hờn buồn phiền thì trái tim ta co lại nhỏ xíu, không có chỗ để cho người sư anh, sư em ngồi trong đó. Khi tâm tĩnh xuống thì ta bắt đầu thấy được rõ hơn, tim ta mở rộng hơn ra, vì vậy mà có không gian bên trong và chấp nhận được người kia.
Hai bài thực tập này rất hay, chúng được đúc kết từ những tinh túy của lời Bụt dạy. Cùng với những bài khác, hai bài này với lời chú giải, đã được in trong cuốn Sen Búp từng Cánh Hé, Hai bài này cũng đã được dịch ra tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Ý.
Những lúc mà ta do dự, sợ hãi, không được vững chải, là những lúc ta cần tới những bài thực tập này hơn lúc nào hết. Những lúc không do dự, không sợ hãi, không lung lay mà thực tập bài này thì nó hạnh phúc nhiều hơn lên. Đừng đợi tới khi có do dự, sợ hãi, lung lay rồi mới thực tập. Chúng ta hãy thực tập hàng ngày cho thuần thục, để lúc sắp có chiến tranh ta chỉ cần vài hơi thở là có thể tạo được hòa bình.
Hạnh phúc là có sự mát mẻ và thanh lương. Trái với hạnh phúc là cơn sốt. Khi rơi vào ngũ dục ta sẽ lên cơn sốt ngũ dục. Đầu đó là danh, là lợi, là tiền tài, là sắc dục, hay là sự ăn ngon. Trong khi hưởng thụ những dục lạc đó, người nào cũng có những cơn sốt. Ta chỉ cần quán chiếu là thấy cơn sốt có mặt trong lúc hưởng thụ và cơn sốt sẽ trầm trọng hơn sau lúc hưởng thụ.
Khi sốt tức là bị ngọn lửa đốt cháy. Thơ của Vũ Hoàng Chương nói về Kiều Thu có câu:
Kiều Thu này Tố em ơi,
Ta đang lửa đốt tơi bời mái tây.
Đó là cơn sốt mà trong năm bẫy dục lạc, cái nào cũng có. Ví dụ một món rất ngon, Khi sắp ăn ta đã bắt đầu sốt, trong khi ăn ta lại có sốt, và khi ăn xong thì cơn sốt càng trầm trọng hơn. Sau khi ăn xong , ta thường tự hỏi tại sao ta đã ăn và tại sao ta ăn nhiều vậy? Tại sao đã quyết định không nên ăn những thứ này mà ta vẫn ăn! Lúc đó ta thắc mắc, ân hận, lo âu, oán trách ... Đó là những cơn sốt, những ngọn lửa đốt cháy tâm can.
DÀY CÔNG TU TẬP MỚI CHUYỂN HÓA ĐƯỢC TÀNG THỨC
Ta đã biết tất cả hạt giống đều có mặt ở dưới tàng thức của ta. Tuy nhiên, phần tàng thức thiên biến vạn hóa, bất khả tư nghì. Ta đã biết cái danh, cái lợi, cái tài, cái sắc v.v... là những bẫy sập, và nhiều khi ý thức của ta thấy điều đó rất rõ, Ta đồng ý một trăm phần trăm với những điều Bụt đạy, những lời Thầy nói. Ta biết rằng con đường dục lạc không phải là con đường của ta. Con đường của ta là nương tựa vào Pháp, là đi theo tăng thân để tạo dựng niềm vui, ta thấy rất rõ, không nghi ngờ gì hết. Vậy mà một đêm, trong giấc mơ ta thấy ta làm khác. Sở dĩ như vậy là vì ở dưới tàng thức ta có những lực lượng của tập khí, chúng đi tìm cái hạnh phúc theo thói quen! Ví dụ một Sư chú đã cạo đầu đi tu, đã quyết không những đời này làm người xuất gia, mà đời sau cũng nuốn tiếp tục làm người xuất gia. Nó rõ ràng rành mạch như vậy, nhưng tại sao đêm qua mình lại nằm mơ thấy mình trở thành một chú rể! Tôi cũng đã trải qua cái hoàn cảnh đó, tôi cũng đã một lần nằm mơ thấy mình làm rễ, có cô dâu đàng hoàng, rất buồn cười! Các Sư cô cũng vậy, chắc chắn rằng đã hoặc sẽ có một đêm nào đó các sư cô nằm mơ thấy mình là một cô dâu, mặc áo rất đẹp, có những cô phù dâu đứng ở hai bên.
Giấc mơ này sẽ xảy ra, và tôi nghĩ nó chỉ sẽ xảy ra chừng hai, ba lần thôi. Cái tàng thức của ta nó kỳ lắm! Nó có đường lối vận hành riêng của nó, rất là khó đoán. Tôi có bổn phận phải cho quí vị biết những giấc mơ này sẽ xảy ra. Khi nó xảy ra quí vị nên mỉm cười với nó mà thôi. Ta nên biết rằng phần ý chưa phải là tất cả cái tâm của ta, tâm ta còn có phần tàng nữa. Trong tàng, nó có những ước muốn. Lắm lúc trong khi thức ta thấy bằng cấp đối với ta không có nghĩa, tại vì nó là một trong những cái bẫy sập. Người ta chạy chọt, lăng xăng đi tìm bằng cấp. Ta thấy rất rõ rằng điều ta đi tìm là hạnh phúc chân thật, bây giờ và ở đây. Vậy mà có thể trong một đêm, ta thấy ta dội nón, mặc áo tốt nghiệp từ một trường đại học! Thành ta ở dưới tàng thức ta có những cái dư của tập khí, những lề lối suy tư, những ý niệm về hạnh phúc cũ. Nhờ tu tập, trên phần ý ta đã giải quyết xong, nhưng ở dưới phần tàng nó vẫn còn, nên ta phải tiếp tục quán chiếu ngày đêm. Sự quán chiếu đó đưa ánh sáng chánh niệm xuống dưới tàng thức để chuyển hóa những tập khí lâu đời. Ví dụ ban đêm sư cô nằm mơ thấy mình trở thành cô dâu. Khi thức dậy, sư cô chỉ nên mỉm cười mà không cần buồn giận, trách móc mình. Ban đầu giấc mộng đó sẽ làm cho ta mạnh khỏe, không sao cả, vì làm cô dâu ở trong giấc mộng, an toàn hơn làm cô dâu ở trong thực tế. Làm cô dâu trong giấc mộng ta chỉ sống cái giây phút mặc áo đẹp thôi, nhưng không phải trải qua tất cả những chua cay mà cô dâu thật sự ở ngoài đời phải gánh chịu. Theo tâm lý học, nằm mơ thấy mình là cô dâu là một chuyện rất mạnh khỏe, “good for our health”, không sao cả, Nhưng như vậy không có nghĩa là ta không cần tiếp tục quán chiếu. Phải thấy rất rõ rằng làm cô dâu hay chú rể trong lần đó thôi thì rất an toàn, nhưng nếu tiếp tục thấy thêm nhiều làn nữa thì có nghĩa là ta tu tập không có hiệu quả và ta sẽ gánh chịu tất cả. Phải thấy rõ điều đó để tinh chuyên thực tập quán chiếu mà chuyển hóa tàng thức.
Như vậy ở dưới tàng ta có những lực luợng của tập khí, những tùy miên đi theo ta. Chúng nằm ngủ ở dưới đó mà nhiều khi ta không biết và nghĩ rằng ta không còn những tập khí đó nữa. Vì vậy tu tập là chuyển hóa kho tàng thức, chứ không phải chỉ thuyết phục anh chàng ý thức mà thôi. Cố nhiên ở phần trên của tâm có lý trí, có sự phán xét và ta bắt đầu thực tập quá chiếu với phần ý của ta. Nhưng ở dưới phần tàng nó có những cái tùy miên mà mình cần phải nhận diện. Những tùy miên đó tạo ra một lực lượng, một khuynh hướng rất gần với cái mà ta gọi là thức thứ bảy hay là Mạt Na. Chính cái ý thức của ta nó dựa trên mạt na mà hoạt động. Trong đời sống ban ngày, ý thức tiếp xúc với thế giới thực tại bên ngoài, nhờ vậy nó sáng suốt, biết cái gì nên, cái gì không nên, Nhưng ban đêm trong giấc mơ, sự tiếp xúc với thế giới thực tại không có, vì vậy mà có những cái thấy được tạo dựng bởi những tùy miên, bởi những ao ước, những tập khí của mình. Nó tạo ra một cái thế giới không phù hợp với cái thế giới của thực tại. Vì vậy cho nên sự thực tập của mình đêm cũng như ngày là rọi ánh sáng Chánh niệm xuống tận những tầng lớp sâu sắc nhất của tàng thức để chuyển hóa những tùy miên, những tập khí lâu đời. Cũng vì vậy mà tôi đã nói rằng đối với người nghiện ma túy, nếu ta tới và nói rằng: “Anh đừng có dùng ma túy nữa, dùng ma túy làm cho thân thể anh bệ rạc, cuộc đời anh hư hỏng, không có tương lai cho chính anh và cả cho con cháu anh” là ta đang làm một chuyện vô ích vì người kia đã thấy được điều đó, nhưng dưới tàng thức của họ, những lực lượng ma quái kia, những tập khí lâu đời kia, những sự ràng buộc chắc nịt kia còn quá lớn. Vì vậy một mặt mình phải tạo một tăng thân, mặt khác mình phải giúp người đó có phương tiện để sống với một tăng thân có cùng hoàn cảnh, cùng quán chiếu thì mình mới có thể giúp được người đó.
Sống trong tăng thân, cùng thực tập, cùng hành trì những giới luật với tăng thân, là con đường an ninh nhất cho chúng ta. Khi nghĩ rằng ta đã học được một ít giáo lý và có thể ở riêng một chỗ để thực tập thì ý niệm đó rất nguy hiểm cho chính ta và cho cả những người chung quanh.