- Chương 1: Thực Hành Lòng Tôn Kính Ngưỡng Mộ Mỗi Lúc Bắt Đầu Thức Dậy
- Chương 2: Tại sao phải bắt đầu mỗi ngày bằng lòng ngưỡng mộ tôn kính?
- Chương 3: Tạ ơn ngay cả những hoàn cảnh bi đát nhất
- Chương 4: Cái Tâm là cái gì?
- Chương 5: Cái tâm thường tình của chúng ta
- Chương 6: Tất cả đều có sẵn trong tâm thức chúng ta
- Chương 7: Tam Bảo chính là tâm thức của chúng ta
- Chương 8: Không có Bồ Đề Tâm thì chẳng có Phật, Pháp, và Tăng
- Chương 9: Từ Bi là Trí Huệ
- Chương 10: Phương thực tiễn giản dị để tu hành Phật Pháp
- Chương 11: Phương pháp trong sáng nhất và thực tế nhất để thực chứng Phật Pháp trong đời sống mỗi ngày và mỗi đêm
- Chương 12: Ý nghĩa sâu rộng của Đoạn Thi Kệ Thứ Nhất
- Chương 13: Đặt lại ý nghĩa thực tiễn của Tám Đoạn Thi Kệ của Langri Thangpa Dorje Senge trong cảnh giới siêu việt của Phổ Hiền hạnh Nguyện
- Chương 14: Tầm mức quan trọng vô cùng vĩ đại của Mười Đại Hạnh Nguyện Phổ Hiền trong tất cả Tông Phái Đại Thừa và Kim Cang Thừa Phật Giáo
- Chương 15: Những lời dạy đạo thực tiễn trong sáng của Tổ Sư Ấn Độ ATISA (ATISHA) về tinh túy của Phật Pháp lúc truyền Đạo Phật qua Tây Tạng và vùng Hy Mã Lạp Sơn
TINH TÚY TRONG SÁNG CỦA ĐẠO LÝ PHẬT GIÁO
Những Lời dạy thực tiễn của
Tổ Sư Thánh Tăng Ấn Độ ATISA Lúc truyền Đạo Phật vào Tây Tạng
Tác giả: Phạm Công Thiện - Viên Thông California Xuất Bản 1998
3. Tạ ơn ngay cả những hoàn cảnh bi đát nhất:
Nói thì dễ, làm được mới khó. Người đời thường nói như vậy. Điều này rất xác đáng. Tuy nhiên, mình nên nói điều này với chính mình và đừng bao giờ sử dụng điều này để chỉ trích người khác. Không có cái gì quan trọng nhất trong đời người mà không khó khăn, phải chết đi sống lại cả trăm ngàn lần mới chợt thấy đôi điều giản dị trong veo mà mình đã từ lâu vô tình quên mất, như lòng biết ơn, lòng ngưỡng mộ, lòng tôn kính.
Tất cả mọi sự khó khăn nhất trong đời đều phát sinh từ tâm thức tinh thần của chính mình. Một người chưa bắt đầu làm việc gì đó, chưa đủ chuẩn bị tinh thần, chưa đủ vận động tâm thức đúng mức thì rất dễ thất vọng, thoái chí, nàn lòng. Khi đã mất tinh thần, bất cứ việc gì dễ nhất cũng trở thành vô cùng khó khăn. Sự đầu hàng bỏ cuộc đã bắt đầu từ sự thất tán tâm thức, từ sự đánh mất tinh thần lúc mới va chạm với thực tại bất như ý.
Bao nhiêu hoàn cảnh bi đát nhất chỉ thực sự trở thành bi đát mỗi lúc tinh thần của mình trở nên nặng nề, đóng khép lại với bản ngã cách biệt của chính mình. Thực ra, mình chỉ tưởng như tất cả đều tuyệt vọng, nhưng sự việc chưa hẳn bi thảm như vậy. Nếu hoàn cảnh có hoàn toàn bi thảm và bi đát thực thụ, lúc ấy mới là lúc mình dễ tỉnh ngộ, lúc ấy mới là lúc cái bản ngã cách biệt của mình mới được phá vỡ đi một cách kịch liệt và tâm thức tinh thần mình được bất ngờ tẩy sạch đi những ô nhiễm huân tập lâu ngày.
Send comment