- Chương 1: Thực Hành Lòng Tôn Kính Ngưỡng Mộ Mỗi Lúc Bắt Đầu Thức Dậy
- Chương 2: Tại sao phải bắt đầu mỗi ngày bằng lòng ngưỡng mộ tôn kính?
- Chương 3: Tạ ơn ngay cả những hoàn cảnh bi đát nhất
- Chương 4: Cái Tâm là cái gì?
- Chương 5: Cái tâm thường tình của chúng ta
- Chương 6: Tất cả đều có sẵn trong tâm thức chúng ta
- Chương 7: Tam Bảo chính là tâm thức của chúng ta
- Chương 8: Không có Bồ Đề Tâm thì chẳng có Phật, Pháp, và Tăng
- Chương 9: Từ Bi là Trí Huệ
- Chương 10: Phương thực tiễn giản dị để tu hành Phật Pháp
- Chương 11: Phương pháp trong sáng nhất và thực tế nhất để thực chứng Phật Pháp trong đời sống mỗi ngày và mỗi đêm
- Chương 12: Ý nghĩa sâu rộng của Đoạn Thi Kệ Thứ Nhất
- Chương 13: Đặt lại ý nghĩa thực tiễn của Tám Đoạn Thi Kệ của Langri Thangpa Dorje Senge trong cảnh giới siêu việt của Phổ Hiền hạnh Nguyện
- Chương 14: Tầm mức quan trọng vô cùng vĩ đại của Mười Đại Hạnh Nguyện Phổ Hiền trong tất cả Tông Phái Đại Thừa và Kim Cang Thừa Phật Giáo
- Chương 15: Những lời dạy đạo thực tiễn trong sáng của Tổ Sư Ấn Độ ATISA (ATISHA) về tinh túy của Phật Pháp lúc truyền Đạo Phật qua Tây Tạng và vùng Hy Mã Lạp Sơn
TINH TÚY TRONG SÁNG CỦA ĐẠO LÝ PHẬT GIÁO
Những Lời dạy thực tiễn của
Tổ Sư Thánh Tăng Ấn Độ ATISA Lúc truyền Đạo Phật vào Tây Tạng
Tác giả: Phạm Công Thiện - Viên Thông California Xuất Bản 1998
CHƯƠNG 12
Ý NGHĨA SÂU RỘNG CỦA ĐOẠN THI KỆ THỨ NHẤT
12. Ý nghĩa sâu rộng của Đoạn Thi Kệ Thứ Nhất:
Ngày xưa có biết bao nhiêu bậc Bồ Tát phải hy sinh cả thân mạng để cầu cho được một vài ba câu kệ về Phật Pháp. Chúng ta hãy chịu khó kiên nhẫn đọc lại đoạn thi kệ thứ nhất trong tám đoạn thi kệ bất hủ của Thánh Tăng Langri Thang-pa Dorje Sange, nhan đề là Blo-sbyong tsig-brgyad-ma (đọc là Lo-Jong Tsig-Gya-Ma) có nghĩa là "Chuyển Hóa Tâm Thức trong Tám Đoạn Thi Kệ" theo bản dịch vừa dẫn ở trên:
I
Quyết tâm thành tựu
Sự hạnh phúc cao lớn nhất cho tất cả sinh vật,
Điều này còn hơn cả viên ngọc như ý,
Tôi sẽ thường trực liên tục thương quí mọi chúng sinh.
Đoạn dịch này đã dựa theo cách dịch của Brian Beresford cùng với Gonsar Tulku và Sherpa Tulku. Nguyên tác chữ Tây Tạng đã được cao tăng Lama Thubten Zopa Rinpoche Lawudo phiên âm như vầy:
DAGNI SEM. CHEN THAM.CHE.LA YID. SHIN NOR.BU LE LHAG.PE DON CHOG DRUB PE SAM.PA YI TAG.TU CHE PAR ZIN PAR LAB.
Và Lama Thubten Zoba Rinpoche đã tự dịch diễn như vầy:
Quyết tâm đạt tới cho được sự lợi ích vĩ đại nhất có thể
đạt tới được do từ chúng sinh, và chúng sinh này còn cao qúi vượt hơn cả viên ngọc như ý,
Tôi sẽ quí trọng thương yêu chúng sinh nhiều nhất trong mọi lúc.
Giáo sư Robert A.F Thurma chuyên dạy Ấn Tạng Học ở đại học đường Columbia đã dịch thoát đoạn thi kệ trên như vầy và vô tình bỏ sót "chúng sinh" ở phần đầu:
Nhờ sở vọng (cao vọng) của tôi muốn đạt tới thành tựu
Mục
đích tối thượng nhất trong những mục đích,
Còn cao đẹp vượt xa bất cứ viên ngọc như ý nào khác,
Mong rằng tôi luôn thương yêu quí trọng
tất cả sinh thể!
Trong bản dịch chữ Anh nhan đề Liberation in the Palm of your Hand của Tổ sư Tây Tạng Pabongka Rinpoche, chúng ta thấy dịch giả Michael Richards dịch đoạn thi kệ thứ nhất như sau:
Nhờ cách suy ngẫm về điều tôi sẽ thành tựu thế nào
Cho
được lợi ích tôí thượng, nhờ do tất cả chúng sinh
- Còn hơn cả việc
mà tôi có thể thành tựu từ bất cứ viên ngọc nào
Mong rằng tôi lại thương yêu quí trọng chúng sinh còn hơn thế nữa.
Cách dịch dễ hiểu nhất có lẽ là đoạn diễn dịch của Lobsang Gyltsan cho ngài cao tăng Tây Tạng Geshe Tsultim Gyeltsen lúc dạy về Tám Đoạn Thi Kệ trên vào năm 1988 tại Trung Tâm Phật Học Tây Tạng Thubten Dhargye Ling ở Los Angeles:
Với ý tưởng đạt tới cho được sự giác ngộ vì lợi ích hạnh
phúc của tất cả chúng sinh,
Mà tất cả chúng sinh này còn quí báu hơn cả những viên ngọc như ý,
Tôi sẽ thường hằng thực hành việc quí trọng thương yêu họ.
Ngài đạo sư Geshe Tsutim Gyeltsen đã giảng dạy một cách mạch lạc thông đạt rằng đoạn thi kệ thứ nhất nói lên: "Tìm kiếm sự Giác Ngộ để đem đến lợi ích cho những kẻ khác và tôn trọng quí chuộng yêu thương những kẻ khác". Ngài còn giảng rõ ràng rằng: "Nếu chúng ta theo sát nghĩa nguyên tác chữ Tây Tạng thì có ý nghĩa như vầy: "chúng sinh còn quan trọng nhiều hơn cả một viên ngọc như ý".
Theo thần thoại và linh thoại của Ấn Độ và Tây Tạng, viên ngọc như ý là một loại ngọc có thể ban cho ta bất cứ điều gì ta mong muốn có được. Tuy nhiên, chỉ có một điều mà ngọc như ý không thể ban cho ta được: đó là sự Giác Ngộ viên mãn, và chỉ có nhờ chúng sinh thì ta mới được thành Phật; nếu không có chúng sinh thì chẳng bao giờ có được sự Giác Ngộc cho kẻ khác và cho chính mình: thành Phật là vì lợi ích cho chúng sinh. Geshe Tsutim Gyeltsen đã giải thích một cách dứt khoát sâu rộng:
"Không có chúng sinh thì không có lòng từ bi, không có lòng từ bi thì chẳng có Bồ Đề Tâm, và không có Bồ Đề Tâm thì chẳng có sự đạt tới Giác Ngộ vĩ đại".
Theo ngài Geshe Tsutim Gyeltsen: Chúng ta phát triển tăng trưởng Lòng Đại Bi trong tâm thức của chúng ta chính nhờ qua việc chú tâm tập trung vào chúng sinh. Vì tất cả niềm hạnh phúc thịnh vượng hiện thời và tối hậu của chúng ta đều phát sinh từ chúng sinh, cho nên mong rằng chúng ta học được cách thực hiện việc coi chúng sinh một cách quí trọng thân yêu vô cùng ..." (năm 1988 tại Los Angeles).
Những mạch đề chủ ý căn bản trọng yếu của tám đoạn thi kệ về sự chuyển hóa tâm thức gồm có tám điều cần ghi tạc trong lòng như sau:
- Đoạn thi kệ thứ nhất: quyết tâm Giác Ngộ vì lợi ích chúng sinh, cho nên phải yêu trọng quí chuộng thương yêu tất cả chúng sinh.
- Đoạn thi kệ thứ hai: tôn trọng những kẻ khác như tối cao, tối thượng.
- Đoạn thi kệ thứ ba: ngăn cản tẩy trừ tất cả phiền não kiết lậu.
- Đoạn thi kệ thứ tư: tôn trọng những kẻ ác độc hung dữ như châu bảo.
- Đoạn thi kệ thứ năm: chấp nhận bình thản lúc bị thua thiệt và nhường sự thắng lợi cho những kẻ khác.
- Đoạn thi kệ thứ sáu: tôn trọng kẻ phá hại mình như bậc thầy tối thượng của chính mình.
- Đoạn thi kệ thứ bảy: thay đổi hoán chuyển thái độ vị thế của mình thành ra thái độ vị thế của những kẻ khác.
- Đoạn thi kệ thứ tám: tất cả những hiện tượng xảy ra ở nội tâm và ở ngoại cảnh đều là huyễn tượng giả hiện.
Thực ra đoạn thi kệ chủ yếu nhất chính là đọan thi kệ thứ nhất, vì chính đoạn thứ nhất đã chứa đựng tiềm ẩn bảy đoạn thi kệ còn lại. Tất cả những đoạn thi kệ đều nói lên một cách cụ thể về lòng Bồ Đề (Bồ Đề Tâm) trong nghĩa bình thường tương đối và trong nghĩa phi thường tuyệt đối.
Bồ Đề Tâm trong nghĩa bình thường tương đối gồm có hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là phát nguyện Bồ Đề Tâm, tức là phát nguyện thành Phật vì lợi ích chúng sinh; giai đoạn thứ hai là thể hiện, tu chứng, thể nhập thực hiện đại nguyện ấy bằng hành động thực tiễn toàn diện, chính là lòng Đại Bi cho tất cả chúng sinh.
Bồ Đề Tâm trong nghĩa phi thường tuyệt đối là chứng nhập liễu tri vô tự tính của tất cả mọi sự, tức là Không Tính, nghĩa là Đại Trí xuyên thấu đại mộng, xuyên vào tất cả những huyễn hóa giả hiện của tất cả những gì xảy ra trong nội tâm, trong vũ trụ và cả ngoài vũ trụ bao la vô hạn.