- Chương 1: Hỏi Đáp Phật Pháp
- Chương 2: Sự Truyền Bá Phật Pháp
- Chương 3: Sơ Lược Lịch Sử Phật giáo Việt Nam
- Chương 4: Bổn Phận và Trách Vụ của Cư Sĩ
- Chương 5: Cư Sĩ với việc Kinh Doanh làm Giàu
- Chương 6: Cư Sĩ với vấn đề Hôn Nhân Khác Tôn Giáo
- Chương 7: Cư Sĩ với vấn đề Công Tác Xã Hội
- Chương 8: Cư Sĩ với vấn đề Tử Vi Bói Toán
- Chương 9: Cư Sĩ với việc Đốt Vàng Mã
- Chương 10: Phật Giáo và vấn đề Hỏa Táng
- Chương 11: Thực Hành Phật Pháp
- Chương 12: Một Số Trung Tâm Tu Học tại Việt Nam
- Phụ Lục
- Kinh Ưu Bà Tắc
- Kinh Úc Già Trưởng Giả
- Thực Tập Thiền: Pháp Thở Đơn Giản
- Thực Tập Thiền Minh Sát
- Đường Lối Tham Tổ Sư Thiền
- Chú Thích
Tâm Diệu
Nhà Xuất Bản Phương Đông 2008
CHƯƠNG 5 CƯ SĨ VỚI VẤN ĐỀ KINH DOANH LÀM GIÀU
Đạo Phật chủ trương thiểu dục tri túc [14], không đặt nặng vấn đề của cải vật chất. Nhưng nhu cầu vật chất lại là một trong những mục đích đấu tranh của con người sống trong xã hội ngày nay, nhất là trong thế giới tư bản, trong cơ chế thị trường. Một trong những mâu thuẫn căn bản của thời đại mới là hễ đáp ứng được nhu cầu vật chất này lại nảy sanh ra nhu cầu vật chất mới khác và lúc nào cũng phải đầu tắt mặt tối với việc làm giàu nhằm thỏa mãn những nhu cầu đó. Trong một môi trường như vậy, người cư sĩ sẽ có một vị trí như thế nào và phải ứng xử làm sao?
Trước khi đi vào chủ đề chính, thiết tưởng cũng cần phải xác định giới hạn cũng như đối tượng của vấn đề. Đạo Phật trên danh nghĩa thiết yếu là đạo giác ngộ, giải thoát con người ra khỏi khổ đau, đem lại một đời sống hạnh phúc, an lạc cho mọi người và nếu muốn con người có thể tiến xa hơn là gỉai thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Mục tiêu tối hậu là giác ngộ giải thoát hoàn toàn, nhưng giáo lý nhà Phật đã chia con đường lớn ra thành từng con đường nhỏ hay từng giai đoạn để mọi người, tùy theo hoàn cảnh, cơ duyên, đều có thể tự mình đạt được từng bước giải thoát trong đời sống hằng ngày.
Nhà Phật theo con đường trung đạo. Mỗi Phật tử đều có thể áp dụng giáo lý nhà Phật vào một hoặc cả hai giai đoạn tu tập, giai đoạn thứ nhất là ứng dụng giáo lý vào đời sống hàng ngày như là không làm các điều ác, làm các điều lành, giữ năm giới cấm và mười điều thiện nhằm mục đích đem lại niềm hạnh phúc, an lạc và giải thoát cho chính mình, cho gia đình và cho xã hội và giai đoạn thứ hai là dốc toàn tâm, toàn lực tu tập để giác ngộ giải thoát triệt để. Giai đọan này dành cho những người có ước muốn giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, thì phải nỗ lực giữ nhiều giới cấm hơn và tự thanh tịnh hóa tâm ý, chấm dứt dòng suy nghĩ miên man che mờ Chân Tâm, để Chân Tâm được hiển lộ. Những người đi theo giai đoạn thứ hai này thường là những người tự nguyện từ bỏ nếp sống gia đình, sống đời sống độc thân thanh đạm, không tài sản, thành phần này được gọi là giới tu sĩ.
Ngoài hàng tu sĩ xuất gia còn có hàng cư sĩ tu tại nhà, thành phần này chiếm đại đa số, là thành phần căn bản của gia đình, xã hội và là nền tảng của đạo Phật. Do vì người Cư sĩ có vợ chồng con cái, nên việc tu hành thường chỉ giới hạn ở giai đoạn thứ nhất, cốt yếu đạt được đời sống ấm no, hạnh phúc, an lành cho bản thân, gia đình và giúp ổn định cho cộng đồng xã hội. Cho nên ước muốn trở nên người giàu có và có địa vị trong xã hội, nhằm xoá tan hay làm vơi đi nỗi khổ đau do đời sống vật chất thiếu thốn đem lại, để từ đó thiết lập một đời sống tâm linh an lạc, là một tâm lý thường tình.
Theo các nhà xã hội học, nhu cầu căn bản của con người cần phải có để tồn tại là ăn, uống, ngủ nghỉ, sự an ninh và sự quan tâm của người khác. Đây là nhu cầu thiết yếu nhằm duy trì sự tồn tại của con người, nên Phật giáo thừa nhận nhu cầu căn bản này. Phật giáo cho rằng chỉ khi nào nhu cầu căn bản này được đáp ứng thì con người mới có thể tu tập và tiến cao hơn trong thế giới tâm linh được.
Ngoài nhu cầu căn bản ra, con người còn có một ham muốn khác đó là tham dục. Tham dục có thể là hiện tượng báo trước của tội ác vì nó vượt quá nhu cầu căn bản của con người, là ham muốn quá mức nên không thể đạt được trọn vẹn. Vì để thoả mãn lòng tham dục, nên con người đã bất chấp mọi hành vi thủ đoạn, nhằm đạt được lòng tham dục của mình, nhưng lòng tham dục lại không bờ bến. Tệ nạn tham nhũng và tội ác xã hội một mặt đến từ đói khổ, mặt khác cũng xuất phát từ lòng tham dục của con người. Do vậy Phật giáo không chấp nhận cả hai thứ đói nghèo và tham dục.
Thời Phật tại thế Ngài rất chú trọng đến đời sống gia đình, quan hệ vợ chồng cùng việc nuôi dạy con cái. Có nhiều kinh điển đề cập đến việc kết hôn, mang thai, sanh con và cuộc sống gia đình... Sự kiện này cho thấy Phật Giáo không nằm ngoài thế gian, không cách ly với thế gian. Ngay cả việc làm giầu chân chính đạo Phật cũng không chống lại, có thể nói như vậy là vì Phật giáo chống lại cái nghèo, từ cái nghèo vật chất đến cái nghèo tinh thần. Đức Phật đã từng cho rằng nghèo khổ là một tai ương.
Có lần Đức Phật hỏi các đệ tử “Đối với người đời, nghèo đói có phải là tai ương không?” Đệ tử đáp: “thưa phải”. Phật lại hỏi “Đã nghèo còn mang thêm nợ thì có phải là tai ương không?”. Đệ tử đáp “Thưa phải”.Phật lại hỏi: “người đang mắc nợ lại vay thêm nợ nữa thì có phải là tai ương không?” Đệ tử đáp: “Thưa phải”.Phật nói: “Đến lúc đó chủ nợ đến đòi nợ, người ấy không trả nổi bị chủ nợ làm nhục thế có phải là tai ương không?”. Đệ tử đáp: “thưa phải”.
Cho nên, đối với Phật giáo, có đầy đủ những nhu cầu tối thiểu về vật chất cho đời sống hàng ngày là một điều cần thiết hơn là nhu cầu tâm linh. Ngày xưa, có một người nông dân bị mất bò đi tìm suốt ngày vẫn không thấy, khi đi ngang nơi Phật đang thuyết pháp và muốn được nghe pháp, Phật biết anh ấy suốt ngày chưa được ăn uống gì nên Ngài gọi đệ tử đem cơm canh cho anh ấy ăn trước rồi sau mới nghe pháp. Điều này chứng minh rằng Đức Phật biết rất rõ, khi con người đang bị đói khát thì không thể nói đến vấn đề tâm linh được.
Không những thế sự nghèo khổ luôn gắn liền với tệ nạn xã hội và tội phạm. Trong kinh Chuyển luân thánh vương Sư tử hống và kinh Cứu-la-đàn-đầu thuộc Kinh Trường Bộ, có ghi rằng nghèo khổ do thiếu thốn về vật chất và do thiếu thốn về vật chất nên phát sinh ra tệ nạn xã hội như trộm cắp, giết người, làm mất sự ổn định xã hội. Ðức Phật khuyên nếu muốn cho con người từ bỏ cái ác tính phạm tội, các tổ chức cộng đồng xã hội cần phải giúp dân chúng cải thiện tình trạng kinh tế gia đình, như giúp hạt giống và nông cụ cần thiết cho người làm ruộng, cho các nhà buôn vay tiền không lãi làm vốn, trả tiền công thích đáng cho các công nhân làm việc. Việc trị tội bằng hình phạt như ở tù hay tử hình các tội phạm đều không mang lại kết quả tốt.
Do đó, Ðức Phật thường khuyên nhủ hàng cư sĩ nên cố gắng làm việc bằng chính công sức của mình để cải thiện tình trạng kinh tế gia đình, làm cho gia đình sung túc, giầu có của cải. Ðiều ấy không có nghĩa là Ðức Phật chấp nhận cho mọi người tích trữ của cải với lòng tham dục, vì đó là trái với giáo lý căn bản của Ngài. Ngài cũng không tán đồng bất cứ phương tiện làm ăn sinh sống nào. Có vài nghề sản xuất và mua bán khí giới có tính cách tàn hoại sự sống bị Ngài cấm chỉ, xem như là những phương tiện sinh sống không chân chính.
Ngoài ra, Ngài cũng nói tới bốn điều hạnh phúc hay bốn niềm vui của người học Phật tại gia: (1) Được thụ hưởng một nền kinh tế vững chắc hay một tài sản dồi dào do tự mình tạo ra một cách công minh và hợp pháp, (2) Được tự do chi tiêu cho mình, cho gia đình, cho thân bằng quyến thuộc của mình và cho những việc làm phước thiện, (3) Không có nợ nần, và (4) Sống một cuộc đời ngay thẳng, trong sạch, không tạo các việc ác bằng tư tưởng, lời nói và hành động [15].
Để đạt được bốn niềm vui hạnh phúc này Ngài đã chỉ dạy bốn điều kiện cho người cư sĩ tu tại nhà là: (1) chăm chỉ, cố gắng đạt tới một nghề nghiệp tinh chuyên, (2) phải bảo vệ tài sản kiếm được một cách chính đáng bằng mồ hôi, nước mắt, (3) kết bạn với những người đạo đức, học rộng biết nhiều, thông minh và phóng khoáng, để giúp mình tiến bộ trên con đường học chính đạo, xa lánh ác nghiệp và (4) tiêu tiền trong khả năng có và dành một phần cho những việc từ thiện xã hội, không hà tiện mà cũng không hoang phí [16] .
Kế đó Ngài nêu ra bốn đức tính cần có để đem lại hạnh phúc đích thực cho tương lai của con người: (1) phải có lòng tin vững chắc vào những giá trị đạo đức, tinh thần và trí tuệ, (2) không sát sanh, không trộm cắp, không lường gạt, không tà dâm, không nói dối và không uống các chất say, (3) thực hành hạnh bố thí, mở lòng quảng đại và không tham luyến, và (4) phát triển trí tuệ để tận diệt nguồn gốc của sự khổ hầu tiến đến đạo quả Niết Bàn [17] .
Như vậy chúng ta thấy rằng giáo lý của Đức Phật nhắm vào đơn vị nền tảng của xã hội là gia đình để tạo ra sự ổn định kinh tế và từ đó đưa đến sự ổn định cộng đồng xã hội và phát triển kinh tế quốc gia mang lại ấm no hạnh phúc cho dân chúng. Vì thế, một người cư sĩ Phật giáo chân chính vẫn có thể làm giầu trong cương vị một nhà buôn bán nhỏ, một nhà thương mại hạng trung hay một nhà kinh doanh lớn nếu chúng ta biết ứng dụng những lời dạy của Đức Phật nói trên vào công việc kinh doanh, từ việc sáng tạo sản phẩm đến việc đưa sản phẩm tới người tiêu dùng đều với mục đích trong sáng, không xuất phát chỉ vì lòng tham dục cho riêng cá nhân mình mà phải vì người khác, vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội và môi trường sống chung quanh. Không gian tham, không đầu cơ tích trữ hàng hóa, không bóc lột nhân công, không tranh đoạt sự sống của kẻ khác và không cạnh tranh thương mại bất chính là những điều cần thiết cho người cư sĩ Phật giáo chân chính trên thương trường. Có được như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ có một thứ hạnh phúc tinh thần lớn lao mà không một thứ hạnh phúc nào có thể so sánh được vì chúng ta đem lại phúc lợi cho số đông, cho cộng đồng xã hội và cho dân tộc đất nước.