Cư Sĩ Chánh Trực
Toronto, Canada 1999 - PL 2543
Trong các buổi lễ chúng ta thành kính cảm niệm, ghi ơn Ðức Phật Thích Ca đã tìm ra con đường cứu khổ nhân loại. Chúng ta thường phát nguyện như sau: "Chúng con khổ nguyện xin cứu khổ. Chúng con khổ nguyện xin tự độ". Sống trên thế giới ta bà khổ này, một mặt, chúng ta cầu nguyện xin Ðức Phật từ bi cứu khổ. Mặt khác, tích cực hơn, chúng ta phát nguyện theo Ðức Phật, để học hiểu và thực hành theo những lời dạy vô cùng quí báu của Ngài, để đạt được mục đích cứu kính là giác ngộ và giải thoát. Hay ít ra, ngay trong đời này, chúng ta cũng tạo dựng cho mình, cho đời, một cuộc sống an lạc và hạnh phúc, trên thế gian đầy phiền não và khổ đau này.
Chúng ta thường nghe người đời than thở: Trời ơi, tại sao tôi khổ quá vậy? Làm sao cho tôi hết khổ nè, trời ơi! Người đời thường kêu trời than khổ vì đủ thứ chuyện, vì nghèo khó, vì bệnh tật, vì thất nghiệp, vì thất tình. Tuy nhiên, cũng có không ít người giàu có, khỏe mạnh, có sự nghiệp, có tình yêu, nhưng vẫn kêu khổ, khổ ơi là khổ! Người già than khổ, người trẻ cũng than khổ! Người ngu dốt than khổ, người thông minh cũng than khổ! Già trẻ lớn bé, nam phụ lão ấu, ai ai sống ở đời, mỗi người đều có nỗi khổ riêng. Những người không tín ngưỡng kêu khổ đã đành, thậm chí những người có tín ngưỡng vẫn cứ kêu khổ dài dài. Dân da đen, da vàng, da đỏ than khổ. Dân da trắng cũng than khổ. Dân thường than khổ, hoàng gia quí tộc cũng than khổ. Công nhân than cực, than khổ. Chủ nhân ông, chủ nhân bà cũng than khổ, kêu khổ nhiều hơn là khác.
Ðạo Phật nhận định:"Cuộc đời là bể khổ". Nhận định như vậy có phải đạo Phật chủ trương bi quan yếm thế, thụ động chấp nhận định mệnh sẵn có, chấp nhận số phận đã an bài, chấp nhận những cảnh khổ đau của cuộc đời? Ðạo Phật có dừng lại ở nhận định như vậy, hay đạo Phật có dạy chúng ta phương pháp "Làm sao cho đời bớt khổ, làm sao cho đời hết khổ?". Thực ra, đây mới chính là mục đích cứu kính của đạo Phật vậy.
* * *
Trên cuộc đời này, nói chung, chúng ta có hai thứ khổ: khổ về vật chất và khổ về tinh thần. Khổ về vật chất chẳng hạn như: nghèo khó, bệnh tật, thất nghiệp, thì có thể giải quyết được, bằng cách này cách khác, trong một thời gian nào đó. Thí dụ như để giải quyết chuyện nghèo khó, chúng ta phải làm việc cần cù hơn, biết tiết kiệm hơn, trong một thời gian. Ðể giải quyết chuyện bệnh tật, chúng ta phải biết giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh công cộng, phải đi bác sĩ khám định kỳ, dùng thuốc men đúng liều lượng chỉ dẫn, ăn ngủ điều độ, tập thể dục thường ngày. Ðể giải quyết chuyện thất nghiệp, chúng ta phải biết cách giữ gìn công ăn việc làm, siêng năng chăm chỉ, cải tiến nghiệp vụ cá nhân, gia tăng năng suất.
Cái vấn đề nan giải chính là cái khổ về mặt tinh thần. Chúng ta hãy thử tìm hiểu nguồn gốc của cái khổ về mặt tinh thần này để tích cực tìm cách tạo dựng cho chúng ta một cuộc sống an lạc và hạnh phúc, ngay tại thế gian hiện đời. Còn chuyện thiên đàng, thế giới cực lạc là chuyện đời sau. Tại sao chúng ta lại phí phạm đời sống quí giá hiện hữu, chỉ tiêu cực chờ đợi hưởng phước trên thiên đàng, hay trên miền cực lạc, ở kiếp sau mà thôi? Mà có chắc gì chúng ta được lên thiên đàng, được vãng sanh tây phương? Chúng ta hãy tỉnh thức ngay kẻo muộn, đừng nằm mơ nữa!
Ở đây, chúng tôi xin nói ngay, thông thường khi gặp cảnh ngộ khổ sở về mặt tinh thần hay tâm linh, chẳng hạn như cuộc sống cá nhân hay gia đình không được hạnh phúc, không được như ý, chúng ta thường cầu nguyện các đấng thiêng liêng giúp đỡ phù hộ, hoặc đi nhờ các ông thầy bói, các bà thầy tướng, rờ rẫm mu rùa, xin xăm xủ quẻ, cúng kiến thần linh, cầu xin giải hạn, giải tai giải nạn! Thành thực mà nói, chúng ta có thấy, có biết người nào hết khổ nhờ các cách này chăng? Hay là chúng ta chỉ nghe thấy có nhiều người bị khổ lụy nhiều thêm vì mấy ông mấy bà xem bói xem tướng này?
Các đấng thiêng liêng, các vị thần linh thực sự đều do con người tưởng tượng ra đó, hiện đang ở đâu, liệu có nghe lời cầu khấn để đến giúp chúng ta chăng? Thí dụ các đấng thiêng liêng đó là người Do Thái, người Ấn Ðộ, người Trung Hoa, có nghe hiểu thấu lời cầu khẩn bằng tiếng Việt của chúng ta chăng? Còn các ông bà bói tướng có bói được, ngày hôm nay, có bao nhiêu khách đến nạp tiền cho họ tiêu xài chăng? Họ có khả năng gì, tư cách gì, để có thể cầu khấn, hay sai khiến thần linh nào đó đến, để hóa giải tai nạn cho chúng ta, có thực là linh thiêng ứng nghiệm như thần, như họ thường khoe khoang khoác lác, trong các quảng cáo láo hay không, trong khi họ cũng đang gặp cảnh rắc rối về tiền bạc, về hạnh phúc trong gia đạo của chính họ? Họ bảo xoay cái giường, thay cái cửa, sửa cái bếp, là có hạnh phúc sao? Hạnh phúc đâu dễ tìm từ bên ngoài như vậy được. Thực sự, hạnh phúc ở ngay trong tầm tay của chúng ta, ở ngay trước mặt của chúng ta mà chúng ta không nhận thấy đó thôi, lại mất công chạy đông chạy tây, tìm thầy tìm thuốc, để mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc là do chính chúng ta có biết cách xây dựng và gìn giữ hay không. Nhờ giáo lý của đạo Phật, chúng ta sẽ tự tìm được nguyên nhân gây ra phiền não và khổ đau, biết cách tu tập để tiêu diệt hết phiền não và khổ đau, tức là chúng ta tìm được an lạc và hạnh phúc vậy.
Nguồn gốc của sự đau khổ về mặt tinh thần chính là "lòng cố chấp" của chúng ta. Trong Kinh Viên Giác, Ðức Phật có dạy: "Con người vì vô minh cho nên có hai thứ chấp: chấp ngã và chấp pháp. Ðó là hai nguyên nhân chính gây ra phiền não và khổ đau của cuộc đời". Khi nào hiểu được một cách rõ ràng và phá trừ được hai nguyên nhân chính gây ra khổ đau về mặt tinh thần này, chúng ta sẽ tìm được an lạc và hạnh phúc thực sự trong cuộc sống hiện tại vậy.
A. - Chấp Ngã:
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu: Thế nào là "chấp ngã"? Chấp ngã có nghĩa là chúng ta chấp cái thân giả tạm và cái tâm vô thường của chúng ta, lại cho là "thực", lại tưởng chính là "mình", cho nên mới phiền não và khổ đau. Trong Bát Nhã Tâm Kinh, thân và tâm, gọi chung là "ngũ uẩn" gồm có: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
1) Nói về cái "sắc thân" này của chúng ta, tức là cái thân xác, lúc mới sanh ra đời, chỉ có vài ký lô thôi, nhưng bây giờ thì cân nặng đến mấy chục ký lô, chỉ do các chất: đất, nước, gió, lửa, tạo nên mà thôi. Chất đất là những thứ cứng trong thân người như: tóc, lông, răng, móng, xương, thịt. Khi còn sống, chúng ta mượn những thứ từ đất mà ra, để bồi bổ cái thân này hằng ngày như: cơm gạo, bánh mì, trái cây. Ðến khi chết, những thứ này trở về với đất. Chất nước là những thứ lỏng trong thân người như: máu, mủ, nước miếng. Khi còn sống, chúng ta mượn những thứ từ nước mà ra, để bồi bổ cái thân này hằng ngày như: canh, sữa, nước giải khát. Ðến khi chết, những thứ này trở về với nước. Chất gió là những thứ hơi trong thân người. Khi còn sống, chúng ta mượn những thứ từ không khí, thở ra thở vô, để bồi bổ cái thân này hằng ngày. Ðến khi chết, những thứ này trở về với không khí. Chất lửa là những thứ ấm trong thân người. Khi còn sống, chúng ta mượn những thứ sanh nhiệt, để bồi bổ cái thân này hằng ngày như: gừng, chất đạm. Ðến khi chết, những thứ này trở về với hư không.
Cái thân giả tạm nặng mấy chục ký lô này của chúng ta gồm bốn thứ nói trên, trong kinh sách gọi là "thân tứ đại", không phải "thực" là của chúng ta. Tại sao vậy? Bởi vì nếu cái thân tứ đại này "thực" là của chúng ta, thì nó phải tuân lệnh và tùy thuộc quyền xử dụng của chúng ta. Chúng ta ai ai cũng muốn cái thân tứ đại này trẻ mãi không già, khỏe mãi không đau, còn mãi không hoại, nhưng từ xưa đến nay, từ đông sang tây, từ hoàng gia cho đến thứ dân, từ giàu sang đến nghèo hèn, từ học thức đến bình dân, có ai được toại nguyện như vậy đâu! Vậy mà ai động đến "nó", chúng ta liền nổi xung, nhứt định ăn thua đủ, nhứt định đâm đơn kiện, ra ba tòa quan lớn, cho hả giận cho đã nư, nhứt định không nhịn nổi, chỉ nhằm bảo vệ cái thân tứ đại vốn giả tạm, không "thực" này, để rồi một ngày kia, chúng ta cũng phải bỏ lại, dù-muốn-hay-không, để đi sang thế giới khác, để đi sang kiếp khác.
Ðời người chẳng qua chỉ là hơi thở, khi thở ra mà không hít vào nữa thì ô hô tử vong! Ðời người chỉ là tạm vay mượn đất, nước, gió, lửa, từ bên ngoài, để bồi bổ cho đất, nước, gió, lửa, bên trong thân, từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây. Khi không còn vay mượn nữa thì con người không còn tồn tại được. Chỉ vì con người mãi quay cuồng với cuộc sống, nên lúc nào cũng cứ tưởng "đời còn dài" nên mãi lo đấu tranh, tranh chấp, giành giựt miếng ăn tồi tàn, tiền bạc phi nhân, danh lợi phù du, hơn thua từng câu từng lời, cho nên mới đau khổ. Con người quên rằng: ở ngoài nghĩa trang, đâu phải chỉ có mộ phần của các cụ già trăm tuổi mà thôi! Hiểu được như vậy, chúng ta không còn chấp cái thân tứ đại mấy chục ký lô này là "thực" của chúng ta nữa, thì sự đau khổ chắc chắn sẽ giảm bớt. Cái thân tứ đại không còn là "thực" của chúng ta nữa, thì những thứ phụ thuộc như: nhà cửa, tiền bạc, danh vọng, địa vị còn có nghĩa gì nữa đâu mà tranh chấp và đấu tranh hơn thua, được mất, cho đời thêm đau khổ?
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy: "Người hơn thì thêm oán. Kẻ thua ngủ chẳng yên. Hơn thua hai đều bỏ. Giấc ngủ được an lành". Làm được như vậy, chúng ta khỏe re! Chuốc khổ vào thân là tự chúng ta mà thôi. Không ai làm cho chúng ta đau khổ và phiền não được, nếu chúng ta không muốn tiếp nhận sự phiền não và đau khổ đó. Ví như người ta đưa lửa phiền não đến, nếu chúng ta không đưa thân tâm mình ra đón nhận, thì lửa đó chẳng có tác dụng gì cả!
2) Cái sắc thân tứ đại mấy chục ký lô của chúng ta là như vậy đó. Còn cái "tâm" của chúng ta thì sao? Con người chúng ta là một, mà cái tâm thì thay đổi liên miên. Chúng ta sở dĩ bị khổ đau nhiều đời nhiều kiếp, bởi vì chúng ta chấp lầm cái "vọng tâm" lăng xăng lộn xộn, thay đổi liên miên đó là "mình", rồi theo đó mà chợt vui chợt buồn, suốt ngày suốt đêm, suốt tháng suốt năm, suốt cả cuộc đời này, và cả những đời sau! Vọng tâm của chúng ta gồm có: thọ, tưởng, hành và thức.
Cái tâm nghĩ suy tính toán, lăng xăng lộn xộn, suốt ngày đêm đó, có phải "thực" là của chúng ta chăng? Sách có câu: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?". Nghĩa là cùng một cảnh, nếu chúng ta có tâm sự buồn phiền lo âu, thì thấy cảnh không vui chút nào. Còn nếu chúng ta có tâm trạng hân hoan vui vẻ, thì dù cây khô trụi lá, cảnh vẫn đẹp vui như thường. Cái tâm hân hoan vui vẻ là của chúng ta, hay cái tâm buồn thảm lê thê là của chúng ta?
Sách cũng có câu: "Tâm buồn cảnh được vui sao. Tâm an thì cảnh ngộ nào cũng an". Cùng một câu nói, nếu tâm của chúng ta an ổn vui vẻ, thì cho là nói đúng, nói-sao-cũng-được. Ngược lại, khi tâm của chúng ta đang bực bội, thì cho là nói-xiên-nói-xỏ, nói-hành-nói-tỏi, nói-bóng-nói-gió. Ðối với người thân mến, người thương yêu, thì chúng ta có tâm tốt, mặc dù chưa chắc hẳn lúc nào cũng tốt được như vậy. Còn đối với kẻ thù người oán, thì chúng ta có tâm không tốt, sẵn sàng gây phiền não đau khổ cho họ. Họ càng khổ mình càng khoái! Vậy, thực sự, chúng ta là người có tâm tốt hay không tốt? Chẳng hạn như nếu chúng ta đang cần sự giúp đỡ, khi gặp tai biến, thì viên cảnh sát chính là ân nhân. Còn nếu chúng ta đang vi phạm luật pháp, thì bóng dáng của viên cảnh sát thực không đáng ưa chút nào cả. Cùng một câu chuyện, nếu chúng ta ưa thích thì cho là đúng, ngược lại không ưa, chúng ta cho là sai. Cái tâm thay đổi bất thường như vậy "thực" là của chúng ta sao?
Bởi vậy, kinh sách có câu: "Tùy tâm biến hiện". Nghĩa là mọi sự việc trên thế gian này biến hiện như thế nào, tốt hay xấu, lành hay dữ, đúng hay sai, phải hay quấy, được hay không, đều do tâm của chúng ta biến hiện ra cả. Cái sự cảm thọ tùy theo tâm trạng của chúng ta, tùy theo từng cá nhân, không ai giống ai, không lúc nào giống lúc nào, không nơi nào giống nơi nào, không thời đại nào giống thời đại nào. Do đó, "tâm thọ" thực không đáng tin cậy chút nào.
3) Lại thêm nữa, tâm của chúng ta luôn luôn giàu sự tưởng tượng nên mới gây ra đau khổ. Có người nói một câu vô-thưởng-vô-phạt, chúng ta tưởng tượng thêm ra, suy diễn thêm ra, vẽ rắn thêm chân, để rồi tự chuốc lấy bực bội, phiền não và khổ đau. Chuyện này xảy ra rất nhiều trong cuộc sống của mọi gia đình ở khắp mọi nơi. Trong mọi cuộc nói chuyện, thảo luận, thường dễ xảy ra mích lòng, chỉ vì một câu nói hiểu lầm nào đó của một người, cộng thêm tâm trí tưởng tượng của các người khác. Tâm tưởng tượng của người vợ hay người chồng thường dẫn tới chuyện ghen tuông, tạo nên sóng gió, làm giảm hạnh phúc gia đình. Do đó "tâm tưởng" thực hết sức là nguy hại vậy.
4) Tâm suy nghĩ của chúng ta luôn luôn tiếp nối không ngừng, từ chuyện này đến chuyện khác, từ việc này đến việc khác, từ người này đến người khác, từ nơi này đến nơi khác, từ đời này đến đời khác, từ xứ này đến xứ khác, tạo thành một dòng tư tưởng kéo dài vô cùng vô tận, gọi là tâm hành. Những lúc tâm của chúng ta có những dòng tư tưởng tiếp nối liên tục như vậy, chúng ta hãy thử tìm cách dừng nó lại, ngưng nó lại, xem có được không? Chắc là không! Lúc đó, dừng nó lại không phải dễ, mới biết rằng chúng ta không làm chủ được tâm hành của chính chúng ta vậy. Lúc còn khỏe mạnh như vậy, chúng ta còn không kiểm soát, không điều khiển, không làm chủ được tâm hành của chính mình. Lúc sắp chết, thân thể đau đớn rã rời, thần kinh suy nhược, chắc chắn chúng ta sẽ bị nó dẫn đi đâu thì đến đó vậy. Thí dụ như lúc lên giường muốn ngủ mà cái tâm cứ lo lắng, suy nghĩ vớ vẫn vẫn vơ hoài, muốn dừng cũng không được, cứ tiếp nối liên tục, trằn trọc suốt đêm thâu, không thể nào chợp mắt được! Do đó, "tâm hành" thực là một động cơ dẫn dắt chúng ta vào vòng sanh tử luân hồi, nên còn được gọi là "hành nghiệp".
5) Tâm thức của chúng ta cũng luôn luôn khởi vọng niệm đẹp hay xấu khi trông thấy một hình sắc nào đó, khởi vọng niệm dễ nghe hay khó nghe khi nghe thấy một âm thinh nào đó, khởi vọng niệm dễ chịu hay khó chịu khi ngửi thấy một mùi nào đó, khởi vọng niệm ngon hay dở khi nếm thấy một vị nào đó, khởi vọng niệm thích hay không thích khi xúc chạm một vật nào đó. Ðể rồi những vọng niệm như vậy đưa đến một kho tàng tâm thức, trong kinh sách gọi là tàng thức, là nơi chứa đựng những chuyện vui hay buồn, thương hay ghét. Chính những vọng niệm, vọng thức này là nguồn gốc của khổ đau. Tại sao vậy?
Bởi vì, những vọng niệm đẹp hay xấu, dễ nghe hay khó nghe, dễ chịu hay khó chịu, ngon hay dở, thích hay không thích, đâu có phải lúc nào cũng đúng tuyệt đối hết đâu. Chẳng hạn như cùng một con người, chúng ta khen đẹp, người khác chê xấu, sanh ra mích lòng, đưa đến đấu tranh, cãi cọ cãi vã, cuối cùng đánh nhau, tức nhiên khổ đau. Chẳng hạn như cùng một món ăn, lúc mới bắt đầu, ăn vì đói bụng, chính mình khen ngon, ngon đáo ngon để, đến lúc no rồi, thì lại thấy dở, hết còn ngon miệng. Cùng một món trái cây như sầu riêng, một món ăn như khô mắm chẳng hạn, người khen ngon thơm quá xá, thấy là phát thèm, người chê hôi thúi, khó nuốt khó ngửi, tức nhiên sanh ra, tranh cãi phiền não, đưa đến khổ đau. Như vậy, "tâm thức" hay các vọng niệm, vọng thức đó chính là nguồn gốc của sự khổ đau vậy.
Cái thân tứ đại gọi là hình sắc, và các tâm thọ, tâm tưởng, tâm hành, tâm thức, nói chung gọi là "ngũ uẩn". Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Ðức Phật có dạy: "Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách". Nghĩa là nếu chúng ta quán sát, chiếu soi, xem xét, thấu hiểu "ngũ uẩn" giai không, tức là không thực, không thường còn, không vĩnh viễn, không cố định, không đáng để chúng ta quan tâm, thì chắc chắn chúng ta sẽ độ được, sẽ qua được hết thảy mọi khổ ách trên đời, sẽ sống được một cuộc đời hạnh phúc không nghi ngờ gì cả.
Lúc đó, lòng tự ái của chúng ta, tức là sự chấp ngã, giảm bớt được bao nhiêu thì chúng ta sẽ được an vui trong cuộc sống được bấy nhiêu. Cái đáng quan tâm không phải là cái "vọng tâm" thay đổi bất chợt, bất thường nói trên, mà chính là cái "chơn tâm bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm" của tất cả chúng ta vậy. Làm sao hiểu được"thế nào là chơn tâm" chính là mục đích cứu kính của đạo Phật, được Ðức Phật giảng giải rõ ràng trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
B. - Chấp Pháp:
Chúng ta đã hiểu qua thế nào là chấp thân và chấp tâm, nói chung là "chấp ngã". Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu: Thế nào là "chấp pháp"? Chấp pháp có nghĩa là đối với tất cả mọi sự, mọi việc trên đời, chúng ta thường chấp chặt ý kiến, thành tích, sự suy nghĩ, sự hiểu biết, kiến thức, sở học, kinh nghiệm, tài năng của mình, không muốn thay đổi, không muốn cải thiện, không muốn sửa chữa, không muốn chuyển hóa, dù cho có người khuyên bảo. Thậm chí, dù biết mình nghĩ sai, tin sai, làm sai, nói sai, cũng vẫn cứ chấp chặt!
Có câu chuyện hai anh chàng vào rừng kiếm củi, cả hai mỗi người bó được một gánh củi đem về. Trên đường về, hai anh chàng gặp được quế. Anh thứ nhứt bỏ củi, gánh quế đem về vì biết quế có giá trị hơn, bán được nhiều tiền hơn. Anh thứ hai tuy cũng biết như vậy, nhưng chấp chặt cái công gánh củi từ nãy đến giờ, không chịu thay đổi. Trên thực tế, lắm khi chúng ta biết là đi sai đường, làm sai việc, nói lỡ lời, suy nghĩ tầm bậy, nhưng đã lỡ rồi, cho lỡ luôn, sửa lại thì quê quá, xin lỗi thì chạm tự ái quá, mất mặt quá, nhứt định là không được, tới-đâu-thì-tới, việc gì phải ngán ai chứ!
Lòng cố chấp nặng nề như vậy thường dẫn chúng ta đến chỗ đấu tranh bằng lời, đấu tranh bằng võ lực, tức nhiên dẫn đến khổ đau. Những người có thêm một chút học thức, lòng cố chấp càng tăng thêm một chút, họ ít khi chịu nhìn thấy sự thực, ít khi chịu nhận lỗi lầm, ít khi chịu nhường bước người khác. Trong kinh sách gọi đó là "sở tri chướng". Nghĩa là cái sở tri, cái kiến thức, sự hiểu biết, đã có từ bấy lâu nay, thường làm chướng ngại, ngăn cản, cản trở chúng ta nhận ra lẽ phải, nhận ra chân lý. Chân lý không lệ thuộc tôn giáo nào, giai cấp nào, dân tộc nào, quốc gia nào, thế lực nào, thời đại nào, không gian nào. Chân lý bất tùy phân biệt chính là nghĩa đó vậy.
Có câu chuyện một học giả đến xin hỏi đạo với một thiền sư. Thiền sư mời học giả ngồi, rồi mang trà ra tiếp đãi. Thiền sư chậm rãi rót trà ra tách trước mặt khách và tiếp tục rót cho đến khi tràn ra ngoài, vẫn không dừng. Học giả thấy vậy không còn nhịn được, bèn lên tiếng và hỏi lý do. Thiền sư từ tốn đáp rằng: Ngài đến đây với đầy ắp kiến thức trong tâm trí, đâu còn chỗ để thu nhận lý thiền, lẽ đạo. Cũng như tách trà đã đầy, không còn chỗ nhận thêm nữa vậy.
Trong cuộc sống, chúng ta chứa đầy ắp những thành kiến, định kiến, thiên kiến, biên kiến, tà kiến, ác kiến, thường kiến, đoạn kiến, trong tâm trí, cho nên khó mà chấp nhận được bất cứ ý kiến nào của người khác, khó mà nhận được thế nào là chánh kiến. Trong cuộc sống vợ chồng, ai cũng chấp chặt ý kiến của mình là đúng, không chịu nghe giải thích, không chịu bàn luận với nhau, làm sao gia đình có được hạnh phúc! Ðổi cái cửa, sửa cái bếp, xoay cái bàn, trở cái giường, thực ra chỉ tốn công sức, hao tiền của một cách vô ích mà thôi. Ðiều cần phải sửa chính là cái "lòng cố chấp" của chúng ta mà thôi.
Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy câu chuyện năm người mù rờ voi, sau này thường được viết trong sách giáo khoa, đem dạy ở trường học, đáng để chúng ta suy gẫm như sau: Có năm người mù được dẫn tới rờ một con voi, và sau đó, từng người cho biết ý kiến. Người rờ được cái vòi thì nhứt định cho là con voi giống như con trùng thật lớn. Người rờ được cái chân thì nhứt định cho là con voi giống như cái cột nhà. Người rờ được cái tai thì nhứt định cho là con voi giống như cái quạt thật lớn. Người rờ được cái bụng thì nhứt định cho là con voi giống như cái trống thật lớn. Người rờ được cái đuôi thì nhứt định cho là con voi giống như cái chổi. Thế là cả năm người đều chấp chặt cái sở tri, cái hiểu biết của riêng mình, có chứng nghiệm rõ ràng qua sự rờ rẫm hiện vật, cho nên cãi vã nhau, chướng ngại nhau, không ai muốn nghe, muốn tin điều người khác nói ra, nhứt định cho mình là đúng. Tức nhiên câu chuyện dẫn đến chỗ tranh chấp, ấu đả và khổ đau.
Chúng ta cũng thường mắc phải những lỗi lầm như thế trong cuộc sống cho nên khổ đau. Chúng ta thường nghe thoáng qua một câu chuyện truyền miệng, không biết đâu là xuất xứ, rồi vội vàng kết luận là người này tốt, người kia xấu, người này phải, người kia quấy, đưa đến chỗ bất đồng ý kiến, tranh cãi, phiền não và khổ đau. Chúng ta không có thời gian, không có khả năng, không có hoàn cảnh, không có điều kiện, để tìm hiểu "nguyên hình" của con voi như thế nào, mà đã vội vàng kết luận thì nhứt định không sai và cũng nhứt định không đúng vậy. Chúng ta có thể chỉ "đúng một phần" thôi, hãy lắng nghe ý kiến của người khác! Thực hiện được như vậy, có phải chúng ta tránh được những cuộc tranh cãi vô ích trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Thực hiện được như vậy, chắc chắn chúng ta tránh được phiền não và khổ đau, chắc chắn chúng ta được an lạc và hạnh phúc, không nghi ngờ gì nữa cả. Thực hiện được như vậy, chúng ta mới là người thực sự biết tôn trọng chân lý.
Sự khổ đau trong các gia đình thường là do sự chấp chặt giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ thì nhứt định phải như vầy và như vầy thì mới đúng, khác đi là không được. Con cái thì nhứt định phải như vậy và như vậy thì mới được, khác đi là không đúng. Những gia đình như thế và như thế nhứt định không thể có hạnh phúc. Chúng ta đừng than phiền con cái đời nay khó dạy. Thực ra con cái đời nào cũng vậy thôi, chỉ có chúng ta "biết" cách nào dạy con cái và "biết" cách nào dạy chính mình hay không mà thôi. Hai thế hệ khác nhau tức nhiên có những khác biệt trong lề lối suy nghĩ và hành động. Nếu biết thông cảm, dung hòa, tha thứ, hiểu biết, thì vui vẻ hạnh phúc. Trái lại nếu cố chấp, bảo thủ ý kiến, thì phiền não và khổ đau. Rõ ràng là như vậy. Tệ hơn nữa là người lớn nghe lời xúi dại của con cái, làm những chuyện lợi mình hại người, gây nên tội báo nghiệp báo.
* * *
Tóm lại, để kết thúc, chúng ta hãy suy gẫm câu chuyện về một ông trưởng giả có bốn bà vợ. Ông trưởng giả thương nhứt là cô vợ bé, nên đi đâu ông cũng mang theo, không bao giờ thiếu vắng, nhứt định chặt không đứt, bứt không rời. Ông vẫn thương bà vợ thứ ba nhiều lắm, nên đi đâu ông cũng thường mang theo, tuy cũng có lúc quên. Ông vẫn còn thương bà vợ thứ hai, nên thỉnh thoảng nếu nhớ, ông đem ra khoe cho vui. Ông dường như quên lửng bà vợ cả, một thời đầu ấp tay gối, mặn nồng xưa kia. Suốt ngày ông chỉ bận bịu với ba bà vợ kia mà thôi. Ðến lúc sắp phải đi theo tổ tiên, ông bèn kêu các bà vợ đến bên giường bệnh, và hỏi xem có bà vợ nào muốn đi theo ông hay không?
Cô vợ bé trả lời: Dù khi còn sống, ông cưng chiều, săn sóc tôi hết mức, chăm lo ngày cũng như đêm, không thiếu thứ gì cả. Nhưng ông có ra đi thì ra đi một mình. Khi ông hết thở, tôi sẽ bỏ ông tức khắc, không thể đi theo ông được đâu! Bà vợ thứ ba trả lời: Khi ông hết thở, tôi sẽ phải qua tay người khác, không thể nào tránh được đâu! Tôi không muốn cũng không được. Bà vợ thứ hai trả lời: Tôi sẽ theo ông tới nấm mồ thôi, không thể theo xa hơn được, không thể nào theo ông mãi mãi được đâu! Ông đi một mình đi! Tới phiên bà vợ cả, bà từ tốn trả lời: Ông đừng lo, dù ông có quan tâm đến tôi hay không, dù ông có muốn hay không, đã là vợ chồng với nhau, lúc nào, đời nào, kiếp nào, ông đi đến đâu, tôi sẽ theo ông tới đó, như bóng với hình vậy!
Câu chuyện trên ngụ ý rằng: Khi ông trưởng giả hết thở ra đi, trước nhứt, ông bỏ lại cô vợ bé nhí, chính là cái thân tứ đại mấy chục người khiêng của ông, mà lúc nào ông chẳng mang theo khi còn sống. Kế đó, ông bỏ lại bà vợ thứ ba chính là tiền bạc, của cải, phải sang tay người khác ngay. Bà vợ thứ hai chính là danh vọng, chức tước chỉ có thể theo ông trưởng giả tới nấm mồ, được nhắc lại trong các điếu văn của bằng hữu, và được ghi khắc trên mộ bia của ông mà thôi.
Còn bà vợ cả chính là "nghiệp báo", do ông trưởng giả đã hành động, đã nói năng, đã suy nghĩ, từ thân khẩu ý của chính ông, khi còn sanh tiền, sẽ theo ông mãi mãi, và dẫn dắt ông tái sanh vào cõi lành hay cõi dữ, tùy theo ông trưởng giả đã làm lành hay dữ, khi còn sanh tiền. Chứ không có đấng nào, không có thần linh nào, không có ai, cứu rỗi hay trừng phạt ông trưởng giả cả. Tự ông làm, chính ông hưởng, hay tự ông làm, ông gánh chịu, mà thôi.
Khi còn sanh tiền, con người chỉ biết lo săn sóc, cưng chiều, cung phụng tấm thân tứ đại cho đầy đủ, sung túc. Lo kiếm tiền bạc cho thiệt nhiều, có tiền rồi thì dùng tiền kiếm tí danh, địa vị, dù chỉ là danh hão cũng được, chứ ít có người biết quan tâm đến "nghiệp báo", ít có người biết lo tu tâm dưỡng tánh, lo dừng nghiệp và chuyển nghiệp, lo tu nhân tích phước, lo làm việc phước thiện, để dành "phước báo" cho mai sau.
Vị trí của cái cửa, cái giường, cái bếp, cái bàn, đâu có giúp chúng ta được hạnh phúc, cũng đâu làm mất hạnh phúc của chúng ta. Hạnh phúc có được là do chúng ta có bỏ được "Lòng Cố Chấp" của chính chúng ta hay không mà thôi. Bỏ được bao nhiêu thì hưởng được hạnh phúc bấy nhiêu. Rất là đơn giản. Vậy, để tạo dựng an lạc và hạnh phúc đời này và đời sau, chúng ta hãy tích cực quán sát và dẹp bỏ hai thứ "Chấp Ngã và Chấp Pháp". Hiểu được như vậy, làm được như vậy, chúng ta mới thực sự tôn kính, tán thán, biết ơn và đền ơn cứu khổ của Ðức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và tìm được sự an lạc và hạnh phúc trong ánh đạo vàng.