- 1. Sự Giáng Trần Phúc Lợi
- 2. Cuộc Viếng Thăm Của Vị Đạo Sư Hiền Đức
- 3. Hoàng tử nhân đức
- 4. Cuộc Thi Chọn Phò Mã
- 5. Những Cung Ðiện Ðầy Thú Vui
- 6. Điệu Hát Quyến Rũ
- 7. Cảnh Tượng Bất Ngờ
- 8. Chuyến Du Ngoạn Lần Thứ Hai
- 9. Cảnh Tượng Sửng Sốt Cuối Cùng
- 10. Những Lạc Thú Chóng Tàn Phai
- 11. Buổi Thiền Quán An Lạc
- 12. Vua Tịnh Phạn Lo Lắng
- 13. Xuất Gia
- 14. Cuộc Tầm Ðạo Bắt Ðầu
- 15. Sáu Năm Tu Khổ Hạnh
- 16. Tín Nữ Cúng Dường
- 17. Cuộc Chiến Ðầu Vĩ Ðại
- 18. Giác Ngộ
- 19. Thuyết Pháp Cho Ai
- 20. Bài Pháp Ðầu Tiên
- 21. Nỗi Khổ Ðau Của Bà Mẹ
- 22. Con Người Thô Lỗ
- 23. Những Lời Tán Dương
- 24. Lòng Thương Yêu Loài Vật
- 25. Năng Lực Của Lòng Từ Bi
- 26. Trở Về
- 27. Nhà Vua Và Ông Thần Cây
- 28. Lòng Thương Bình Ðẳng Ðối Với Tất Cả
- 29. Những Ngày Cuối Cùng
- 30. Giáo Pháp Vẫn Còn Tồn Tại
- 31. Chú Thích Của Dịch Giả
THE STORY OF BUDDHA
Nguyên Tác: JOHNATHAN LANDAW - Người Dịch: HT. THÍCH TRÍ CHƠN
14. CUỘC TẦM ÐẠO BẮT ÐẦU
Ðứng một mình trong rừng, chuẩn bị khởi đầu cho cuộc tầm đạo cao cả của mình, Tất Ðạt Ða thầm nghĩ: “Từ nay trở đi ta không còn là một hoàng tử nữa. Cho nên, thực là không thích hợp, nếu ta tiếp tục sống và phục sức như một vương tử”. Thái tử lấy dao cắt đứt mái tóc dài và óng mướt của mình, biểu tượng cho vương quyền. Rồi thái tử đến tiếp xúc, nói với người thợ săn nghèo khổ: “Này ông bạn, tôi không cần dùng các xiêm lụa là này nữa. Nếu muốn sống ẩn tu trong rừng, tôi chỉ cần mặc loại áo vải thô sơ như ông. Vậy chúng ta hãy cởi bỏ y phục ra để trao đổi”. Ông thợ săn mừng rỡ và nhanh chóng bằng lòng theo lời đề nghị của Tất Ðạt Ða trao đổi quần áo tồi tàn của mình để nhận nơi thái tử những y phục sang trọng đắc tiền.
Giờ đây phục sức như một nhà tu, khổ hạnh, thái tử Tất Ðạt Ða bắt đầu đi tìm một vị thầy có thể chỉ bày cho người con đường chấm dứt được tất cả mọi khổ đau. Thái tử du hành qua những khu rừng mong tìm gặp các thánh nhân để học hỏi đạo lý. Ngài được mọi người khắp nơi niềm nở tiếp đóan với sự kính trọng. Mặc dù thái tử mặc áo quần rách rưới và dùng thức ăn thanh đạm mà người xin được, nhưng hình dáng thái tử trông vẫn còn đẹp trai và hấp dẫn. Các đạo sĩ trong rừng khi nhìn thấy thái tử đi tới họ liền nói với nhau: “Ðây tới thêm một nhân vật rất đặc biệt. Khuôn mặt của ông ta trông sáng quắc và đầy cương quyết! Con người đó mà đi tìm Chân lý, chắc thế nào cũng chứng đạo”.
Tất Ðạt Ða tìm gặp nhiều đạo sư để học hỏi, nhưng người không thỏa mãn với những điều đã học được nơi họ. Thái tử suy nghĩ: “Những điều các đạo sĩ chỉ dạy rất bổ ích, nhưng không hướng dẫn con người đến cảnh giới hạnh phúc hoàn toàn”. Cuối cùng, thái tử hay tin có vài đạo sĩ thấu triệt chân lý đang sống ở vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha) (13), dưới quyền trị vì của vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) (14). Cho nên thái tử quyết định du hành xa về phía nam và đông để tìm gặp họ.
Ngày nọ, lúc thái tử đến thành vương xá (Rajagriha) (15), thủ đô nước Ma Kiệt Ðà, người đi ngang qua gần cổng thành. Một quan đại thần của vua Tần Bà Sa La nhìn thấy thái tử liền chạy đến gặp đức vua.
Ông nôn nóng thưa rằng: “Tâu hoàng thượng, hạ thần vừa trông thấy một đạo sĩ hết sức lạ thường xuất hiện trong thành phố. Ông ta mặc áo quần rách rưới và đến từng nhà xin thức ăn, nhưng hạ thần quyết chắc rằng đạo sĩ đó là một vĩ nhân. Khuôn mặt của người trông rất từ bi với dáng đi hết sức trang nghiêm. Và hầu như nơi đạo sĩ toả ra một ánh sáng đặc biệt.”
Nhà vua rất vui mừng cho mời đạo sĩ Tất Ðạt Ða đến gặp. Cả hai đàm luận trong giây lát, đức vua vô cùng khâm phục trước sự sáng suốt, đức tính khiêm cung và lòng từ tâm của vị đạo sĩ. Rồi đức vua nói: “Trẫm chưa bao giờ gặp một nhân vật nào mà trẫm có thể đặt trọn niềm tin vào họ hơn đạo sĩ. Xin Ngài hãy ở lại thành Vương Xá để giúp trẫm cai trị vương quốc này”.
Nhưng Tất Ðạt Ða lễ phép trả lời:“Thưa Ðại Vương, bần đạo đã có dịp cai trị một vương quốc, nhưng bần đạo đã từ chối. Bần đạo không thích sống trong cảnh phú quý và có quyền lực mà chỉ muốn đi tìm chân lý. Bần đạo cám ơn về sự dâng hiến của Ngài nhưng bần đạo đến xứ sở này chỉ mong gặp các vị minh sư có thể giúp bần đạo tìm ra chân lý”.
Rồi đức vua cúi đầu chào vị đạo sĩ mặc y phục rách rưới và nói: “Trẫm cầu chúc đạo sĩ gặp nhiều may mắn trên đường tầm đạo. Nếu ngày nào Ngài chứng ngộ được chân lý mà Ngài đang đi tìm, xin Ngài trở lại đây để chỉ dạy cho trẫm hiểu cái đạo lý ấy. Ngay cả trường hợp nếu đạo sĩ không thành công, trẫm cũng luôn luôn mong được tiếp đón Ngài trở lại kinh đô vương quốc này”.Tất Ðạt Ða cám ơn nhà vua rất nhiều và đạo sĩ tiếp tục cuộc hành trình.