Tác giả: Dương Tú Hạc
Dịch giả: HT Thích Trí Nghiêm
PHẦN III – NHƠN QUẢ
CHƯƠNG III
PHẬT ĐÀ
A.TỪ BI
Rõ biết tất cả các pháp sanh diệt, rồi những pháp đáng tu phải tu, đáng diệt phải diệt hết mới gọi là Phật. Phật khi còn tại thế, như hoa sen sanh trong bùn mà chẳng dính bùn, ở đời mà chẳng nhiễm đời, phá tất cả phiền não, rốt ráo lìa ngăn mé sanh tử mới được gọi là Phật vậy.
Kinh Trương A Hàm
Giác ngộ gọi là Phật.
Kinh Đại Nhựt
Ví như người nhận biết có giặc, thời kẻ giặc không làm gì được. Các vị Đại Bồ tát, năng giác ngộ tất cả phiền não nhiều vô lượng. Đã giác ngộ thì khiến các phiền não kia, không thể làm gì được. Cho nên gọi là Phật.
Kinh Niết Bàn
Nay trong ba cõi này, đều là vật sở hữu của Ta. Trong ấy có bấy nhiều chúng sanh, đều là con Ta. Mà ngày nay cõi này lắm hoạn nạn, duy một mình Ta, có thể cứu được mà thôi.
Kinh Pháp Hoa
Ví như người có bảy đứa con, có một đứa bị bệnh sự lo lắng của cha mẹ chẳng phải bất bình đẳng, nhưng tâm niệm của cha mẹ phải nghiêng nặng về đứa con bị đau. Đức Như Lai đối với các chúng sanh, tuy chẳng phải bất bình đẳng, nhưng kẻ có tội, lòng thương phải nặng hơn.
Kinh Niết Bàn
Đức Phật gọi ngài Xá Lợi Phất: Này Xá Lợi Phất! Tại sao tâm Như Lai chẳng khá nghĩ bàn! Vì lòng đại bi của Như Lai thường chẳng bỏ tất cả chúng sanh, khiến cho thành thục nên thường thương xót; vậy nên tâm đại bi của Như Lai không có hạn lượng, chẳng khá nghĩ bàn vậy.
Này Xá Lợi Phất! Tự tánh bồ đề sáng suốt, nên Ta thành tựu chánh giác. Tự tánh sáng suốt ấy là không bị ô nhiễm như hư không, hư không biến khắp các nơi chỗ mà vẫn bình đẳng, cho nên sáng suốt vậy. Như lai vì muốn khiến chúng sanh giác ngộ tự tánh Bồ đề sáng suốt của mình, nên khởi lòng đại bi.
Này Xá Lợi Phất! Bồ đề không có ra vào, cho nên Ta thành tựu chánh giác. Không ra vào ấy là không có hình tướng, nên chẳng ra cũng chẳng vào, vì bình đẳng không có sai khác kia đây, Như Lai muốn khiến chúng sanh biết như thế, nên mới chuyển khởi tâm đại bi.
Này Xá Lợi Phất! Như Lai muốn khiến những kẻ ngu phu dị sanh hiểu biết chơn lý, nên khởi đại bi.
Kinh Đại Thừu Bồ Tát
Chánh Pháp
Tâm Phật là tâm đại từ bi vậy. Đem lòng từ vô duyên, mà nhiếp hóa chúng sanh.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ
Đại từ đại bi gọi là Phật tánh. Từ tức Như Lai, Như Lai tức từ.
Kinh Niết Bàn
Ta ở trong vô lượng kiếp làm ông Đại thí chủ, giúp khắp các kẻ nghèo khổ, mới thệ nguyện thành quả chánh giác.
Kinh Vô Lượng Thọ
Này Thiên nam tử! Bậc trí giả nhận thấy tất cả chúng sanh chìm đắm trong biển cả sanh tử phiền não, vì cứu vớt, nên sanh lòng thương.
Lại thấy chúng sanh, mê nơi đường tà mà không ai chỉ dẫn, nên sanh lòng thương. Lại thấy chúng sanh, nằm trên đống bùn năm dục mà chẳng biết tránh, hãy còn buông lung, nên sanh lòng thương.
Lại thấy chúng sanh, thường bị của cải vợ con trói buộc, mà chẳng bỏ rời, nên sanh lòng thương. Lại thấy chúng sanh, thân, miệng, ý gây nghiệp chẳng lành, chịu nhiều quả khổ, hãy còn vui đắm, nên sanh lòng thương.
Lại thấy chúng sanh, khao khát tìm cầu năm món dục lạc, như kẻ khát nước, uống nhằm nước mặn, nên sanh lòng thương. Lại thấy chúng sanh, tuy muốn cầu sướng, mà chẳng tạo nghiệp vui; tuy chẳng ưa khổ, lại thích tạo nhơn ác; muốn hưởng vui cõi trời, mà chẳng tu đầy đủ giới hạnh, nên sanh lòng thương. Lại thấy chúng sanh, đối với cái không phải ta và không phải của cải bị có của cái ta mà sanh ý tưởng ta và của ta, nên sanh lòng thương.
Lại thấy chúng sanh sợ sanh, già chết mà lại gây tạo nghiệp sanh, già chết nên sanh lòng thương. Lại thấy chúng sanh, ở chỗ tối tăm, mà chẳng biết thắp đèn trí huệ cho sáng tỏ, nên sanh lòng thương.
Lại thấy chúng sanh, bị lửa phiền não đốt cháy, mà chẳng biết tìm nước chánh định để tưới cho tắt, nên sanh lòng thương. Lại thấy chúng sanh, vì vui năm dục, chẳng cầu dứt đi, như kẻ đói ăn cơm độc, nên sanh lòng thương.
Lại thấy chúng sanh gặp Phật ra đời, nghe pháp cam lồ, mà chẳng chịu tu trì, nên sanh lòng thương. Lại thấy chúng sanh, tìm bạn tà ác, trọn chẳng nghe theo lời dạy của Thiện tri thức, nên sanh lòng thương. Lại thấy chúng sanh, có nhiều của cải, chẳng tu bố thí, nên sanh lòng thương. Lại thấy chúng sanh, làm ruộng làm nghề, buôn ngược bán xuôi, mọi điều khổ sở, nên sanh lòng thương. Lại thấy chúng sanh, cha mẹ, anh em, vợ con, tôi tớ, bà con giòng họ, chẳng thương mến nhau, nên sanh lòng thương.
Kinh Ưu Bà Tắc Giới