- I. Phẩm Song Yếu
- II. Phẩm Không Phóng Dật
- III. Phẩm Tâm
- IV. Phẩm Hoa
- V. Phẩm Ngu
- VI. Phẩm Hiền Trí
- VII. Phẩm A-La-Hán
- VIII. Phẩm Ngàn
- IX. Phẩm Ác
- X. Phẩm Hình Phạt
- XI. Phẩm Già
- XII. Phẩm Tự Ngã
- XIII. Phẩm Thế Gian
- XIV. Phẩm Phật
- XV. Phẩm Hạnh Phúc
- XVI. Phẩm Hỷ Ái
- XVII. Phẩm Sân Hận
- XVIII. Phẩm Cấu Uế
- XIX. Phẩm Công Bình Pháp Trụ
- XX. Phẩm Ðạo
- XXI. Phẩm Tạp Lục
- XXII. Phẩm Ðịa Ngục
- XXIII. Phẩm Voi
- XXIV. Phẩm Tham Ái
- XXV. Phẩm Tỳ Kheo
- XXVI. Phẩm Bà La Môn
XIV. Phẩm Phật
1. Ðấng Toàn Giác
Ai chiến thắng...
Ðức Phật dạy câu này khi Ngài ngồi dưới cội Bồ-đề, có liên quan đến các cô gái con của ma vương, và được lặp lại ở nước Kurus, với Bà-la-môn Màgandiyà.
1A. Phật Không Nhận Màgandiyà
Chuyện kể rằng có một Bà-la-môn têin Màgandiyà, ở nước
Kuru (Câu-lâu), có một cô con gái cũng tên là Màgandiyà
(Mạn-la-hoa) đẹp tuyệt trần. Rất nhiều nhà giàu có và thế lực thuộc dòng dõi Bà-la-môn và Sát-đế-lợi, muốn cưới cô làm vợ nhưng ông từ chối:
- Các người không xứng đáng với con
ta.
Ngày nọ, khi đức Thế Tôn quan sát căn cơ chúng sanh vào buổi sáng sớm, Ngài thấy ông Bà-la-môn cùng vợ ông đều có thể đắc Tam quả (A-na-hàm). Bấy giờ, ông Bà-la-môn nọ thường canh lửa ở ngoài làng. Thế Tôn đắp y mang bát đi đến đó. Từ xa, nhận thấy vẽ sáng rực của đức Phật, ông thầm nghĩ: "Trên đời này không ai sánh nổi người
này, rất xứng với con gái ta, ta sẽ gả cho anh ta". Ông ta nói với Phật:
- Này Sa-môn, tôi chỉ có một đứa con gái, tôi tìm cho nó một người chồng xứng đôi nhưng chưa thấy, nên chưa gả cho ai. Ông xứng đáng với nó, tôi sẽ gả nó cho ông. Hãy đến đợi đây tôi sẽ dẫn nó đến.
Thế Tôn đứng nghe, không nói gì. Bà
La Môn về nhà bảo vợ:
- Bà nó ơi ! Hôm nay tôi tìm được một người chồng xứng với con gái mình. Hãy gả nó cho anh ta.
Bà La Môn trang điểm cho con, dắt vợ con đi đến chỗ Phật. Ðám đông hiếu kỳ kéo theo sau. Ðức Phật, thay vì đứng tại chỗ đã hẹn, đã đi sang nơi khác, cố ý để lại dấu chân (Khi đức Phật ấn chân và nói: "Hãy để người như thế, như thế.. nhìn dấu chân", dấu chân chỉ hiện ở nơi ấy và không nơi nào khác)
Vợ ông Bà-la-môn hỏi:
- Anh ấy đâu?
- Tôi đã bảo anh ta đứng đây.
Nhìn quanh thấy dấu chân, Bà-la-môn
chỉ cho vợ:
- Dấu chân anh ấy đây.
Người vợ đã quen với việc nhận biết
dấu hiệu, lập tức bảo chồng:
- Ông à, đây không phải là dấu chân
của người theo đuổi dục lạc.
- Bà này cứ quan trọng vấn đề. Khi tôi bảo anh ta là tôi sẽ gả con cho, anh ta nhận lời mà.
- Ông muốn nói gì thì nói, nhưng đây là dấu chân người thoát khỏi tham dục.
Bà nói kệ:
Dấu chân người tham dục không rõ.
Dấu chân người ác không hằn sâu.
Dấu chân người si mê thì dao động.
Ðây là dấu chân người thoát khỏi lưới đam mê.
Ông Bà-la-môn gắt:
- Thôi đi, bà đừng lảm nhảm nữa, im
mồm mà đi theo tôi.
Ði tới một chút, ông thấy đức Phật,
bèn chỉ cho vợ:
- Anh ấy đây rồi.
Ði đến gần, ông nói:
- Sa-môn, tôi sẽ gả con gái cho anh.
Thế Tôn thay vì nói: "Ta không cần đến con gái ông". Ngài nói:
- Này Bà-la-môn! Tôi có vài điều muốn nói với ông, hãy nghe tôi.
- Nói đi, tôi sẽ nghe.
Thế Tôn kể cho người Bà-la-môn nghe
câu chuyện xảy ra trong đời Ngài, lúc ẩn tu. Sau đây là phần tóm lược câu chuyện.
1B. Phật Cự Tuyệt Các Cô Gái Con Ma Vương
Thái tử, đã từ bỏ ngai vàng, leo lên lưng ngựa Kiền-trắc, có Xa-nặc tùy tùng, tiến về trước trên đường ẩn tu. Khi ra khỏi cổng thành, ma vương nói:
- Tất-đạt-đa! Hãy trở lại, trong bảy hôm nữa Ngài sẽ làm Chuyển Luân Vương.
- Ta cũng biết vậy, ma vương, nhưng
ai không thích điều đó.
- Vậy vì mục đích gì Ngài đi vào rừng ẩn cư?
- Ta muốn tìm giác ngộ.
- Ðược rồi, kể từ hôm nay, nếu Ngài
khởi ý nghĩ tham dục, xấu ác, ta sẽ hành động.
Từ đó, ma vương theo dõi thái tử trong bảy năm, chờ cơ hội. Trong sáu năm, thái tử khổ hạnh, rồi với sự cố gắng, Ngài đạt giác ngộ dưới cội bồ-đề, Ngài ngồi tại đấy trải qua niềm vui của sự giải thoát. Khi đó, ma vương ngồi trên cõi trời, nhìn xuống với vẻ
đau khổ, nghĩ thầm: "Ta theo dõi Ngài suốt thời gian, tìm cơ hội, nhưng chẳng có dịp, giờ đây Ngài đã thoát khỏi quyền lực của ta!".
Ba người con gái của ma vương là Tham ái, Sân hận, Dâm đãng hỏi nhau:
- Cha chúng ta ở đâu?
Nhìn khắp nơi, họ thấy ma vương đang ngồi đấy, họ đến gần và hỏi:
- Thưa cha, vì sao cha có vẻ âu sầu
và thất vọng đến thế?
Ma vương thuật câu chuyện, các ma nữ nói:
- Cha đừng vội thất vọng, chúng con
sẽ chế ngự và sẽ dẫn y về đây.
- Các con ơi, không ai có thể chế ngự Ngài ấy đâu.
- Chúng con là nữ nhi, chúng con sẽ
làm y mù quáng bởi nhục dục. Sẽ dắt y về cha đừng chán nản.
Họ đến gần Phật, nói:
- Sa-môn, chúng em muốn làm kẻ nô lệ cho người.
Thế Tôn chẳng màng đến lời họ cũng chẳng buồn để mắt tới họ.
Các ma nữ bàn tán: "Ðàn ông họ thích nhiều hạng. Có kẻ thích thiếu nữ, người khác thích thiếu phụ xuân xanh, người thích thiếu phụ trung niên, người ưa đàn bà già. Chúng ta sẽ mê hoặc y bằng mọi hình dáng". Và với thần thông mỗi ma nữ biến hóa nữ nhân đủ mọi lứa tuổi. Hoặc là thiếu nữ hoặc thiếu phụ chưa sanh con, đã sanh con, một con, hai con, thiếu phụ trung niên, lão bà, họ lui tới gặp Phật sáu lần, và nói:
- Sa-môn, chúng em muốn làm nô lệ Ngài.
Ðức Thế Tôn cũng chẳng để ý đến, thái độ tự tại, làm như các thứ tạo nên thân Ngài thảy đều tan hoại. Nhưng sau đó chúng chẳng chịu rút lui, Thế Tôn bảo:
- Hãy đi! Các ngươi thấy gì mà gắng
sức mê hoặc Ta? Hành động như vậy chỉ có kết quả với ai chưa giải thoát tham dục và những đam mê thấp hèn. Như Lai đã thoát khỏi tham dục. Các người muốn chế ngự Ta được sao?
Ngài nói kệ:
(179) Vị chiến thắng không bại,
Vị bước đi trên đời,
Không dấu tích chiến thắng,
Phật giới rộng mênh mông,
Ai dùng chân theo dõi,
Bậc không để dấu tích?
(180) Ai giải tỏa lưới tham,
Ái phược hết dắt dẫn,
Phật giới rộng mênh mông,
Ai dùng chân theo dõi,
Bậc không để dấu tích?
Nói kệ xong, nhiều thiên thần được pháp nhãn, ba cô ma nữ biến mất.
Ðức Phật bảo Bà-la-môn:
- Màgandiyà, ngày xưa ta đã thấy ba ma nữ ấy, thân thể như vàng ròng tinh khiết không có đờm dãi và những thứ bất tịnh khác của thân thể, Ta cũng không hề khởi tham đắm. Còn thân ái nữ ông, đầy đủ ba mươi
hai thứ bất tịnh, một cái bình nhơ uế được sơn phết. Dù cho chân Ta lấm bùn, cô gái này nằm phục ở ngưỡng cửa Ta, Ta chẳng muốn chạm đến cô, dù là
chỉ bằng gót chân.
Ngài nói kệ:
Ðã từng thấy Tham ái, Sân hận, Dâm dục,
Ta không hề khởi tham đắm.
Thân thể xấu xa như thế này,
Ta không muốn chạm đến dù gót chân.
2. Thần Thông Song Hành
Người trí chuyên thiền định ...
Ðức Phật dạy câu này khi Ngài ở tại
cổng thành Sankassa, liên hệ đến nhiều thiên, nhơn. Nhưng câu chuyện bắt đầu từ Vương Xá.
2A . Phật Quở Tân Ðầu Lư
Có một lần, một nhà Trưởng giả thành Vương Xá đến sông Hằng để tắm. Ðể khỏi mất đồ trang sức và y phục, ông đặt tất cả vào giỏ mây. Lúc ấy có một cây bạch đàn đỏ mọc bên bờ sông Hằng, rễ bị sóng nhồi bật gốc lên, đổ xuống sông Hằng bị những tảng đá dưới sông từ từ đánh gãy vụn từng mảnh. Một mảng gỗ bị nước mài nhẵn, trôi lềnh bềnh gần giỏ mây và bị mắc vào đó. Trưởng giả hỏi:
- Cái gì thế?
- Thưa một khúc cây, người hầu trả lời.
Ông bảo đem đến xem, và tự hỏi: "Gỗ
này là loại gỗ gì?" Ông lấy búa tách ra một mảnh và thấy rằng đấy là loại
gỗ bạch đàn đỏ, loại màu cánh gián. Ông Trưởng giả chẳng tin một tôn giáo nào, nhưng rất công bình. Cầm khúc gỗ đỏ đẹp ông nghĩ: "Ở nhà ta có cả khối loại gỗ này, ta sẽ làm gì với khúc gỗ này". Rồi ông tự nghĩ: "Có nhiều người tự xưng là A-la-hán, họ nói: Chúng tôi là A-la-hán. Nhưng ta
chẳng biết một vị A-la-hán nào. Ta sẽ bảo tiện một cái bát bằng gỗ này, lấy dây treo lên một giàn tre cao khoảng sáu mươi cubits (khoảng hai trăm thước). Và thông báo: "Nếu ai là A-la-hán, hãy bay lên và lấy chiếc bát. Người nào lấy được, ta và vợ con ta sẽ làm đệ tử". Nghĩ như thế, ông trở về,
ra lệnh làm chiếc bát gỗ lấy dây treo lên một giàn tre và tuyên bố:
- Nếu bất cứ ai trên thế gian này là A-la-hán, hãy bay lên và lấy cái bát này!
Các Lục sư ngoại đạo nói với ông:
- Cái bát này chính là vật dành cho
chúng ta. Hãy trao nó cho chúng ta.
Nhưng Trưởng giả chỉ nói:
- Bay lên và lấy đi.
Vào ngày thứ sáu, Ni-kiền-tử, nhà khổ hạnh lõa thể bảo đệ tử đi đến nói với ông Trưởng giả: "Cái bát này chính là dành cho thầy ta, đừng đòi hỏi chúng ta bay lên không trung chỉ vì
một vật nhỏ mọn. Hãy đưa bát đây". Họ đến nói với ông, và về trả lời:
- Ông ta nói cái bát chỉ thuộc về người nào có thể bay lên và lấy nó.
Ni-kiền-tử quyết định đi. Ông ra lệnh cho đệ tử:
- Ta sẽ nhấc một tay và một chân, và cử động như sắp bay lên. Lúc đó, các ngươi hãy nói: "Thưa Tôn sư, thầy làm
gì thế? Xin thầy đừng phô bày quyền năng ẩn mật của một vị A-la-hán trước đám đông, chỉ vì một bát gỗ". Nói như thế, các người kéo tay chân ta xuống, và đẩy ta nằm dưới đất.
Xong, Ni-kiền-tử đến nói với Trưởng
giả:
- Này Ðại Trưởng giả, cái bát này rốt cuộc không phải là vật của ai khác. Ðừng đòi hỏi ta bay lên không trung
chỉ vì một vật tầm thường như thế. Hãy đưa bát cho ta.
- Thưa Tôn ông, hãy bay lên và lấy nó, chỉ có một cách ấy thôi.
Ni-kiền-tử bảo các đồ đệ:
- Ðược rồi, đến đây, đến đây.
Khi họ đến, ông nói:
- Bây giờ, ta sẽ bay lên.
Nói thế, ông nhấc một tay và một chân lên. Lúc đó, đám đệ tử la lên:
- Tôn sư! Tôn sư! Thầy làm gì thế? Tất cả chỉ vì một cái bát gỗ hạ tiện, khốn khổ, cần gì thầy phải phô bày quyền lực ẩn mật giữa đám đông?
Họ chạy tới, lôi tay chân ông lại và đặt nằm xuống đất. Ông bảo Trưởng giả:
- Ðại trưởng giả, mấy đệ tử này không muốn tôi bay lên không trung, xin hãy đưa bát cho tôi.
- Ðại sư! Hãy bay lên và lấy đi.
Lục sư ngoại đạo thử cố công trong sáu ngày nhưng mặc cho họ cố gắng vẫn chẳng lấy được bát gỗ.
Ngày thứ bảy, Tôn giả Mục-kiền-liên
và Tôn giả Tân-đầu-lư-phả-la-đọa (Pindola
Bhàradvàja) sửa soạn đi khất thực trong thành Vương Xá,
các Ngài dừng ở một tảng đá bằng phẳng và quấn y.
Lúc ấy có vài người đi săn nói chuyện với nhau:
- Này bạn, sáu giáo chủ ngoại đạo thường tuyên bố mình là A-la-hán nhưng bảy hôm trước khi Trưởng giả thành
Vương Xá treo một cái bát lên cao và nói: "Nếu ai là A-la-hán, hãy bay lên hư không và lấy cái bát". Chẳng có ai trong các vị tự xưng là A-la-hán có thể bay lên hư không. Bây giờ, chúng ta biết chắc rằng không có A-la-hán trên cõi đời này.
Nghe nói thế, Tôn giả Mục-kiền-liên
nói với Tôn giả Tân-đầu-lư:
- Này huynh, có nghe họ nói không? Như là họ đang thách đố Phật pháp. Bây giờ huynh có thần thông quảng đại, quyền lực siêu nhiên, hãy bay lên hư không và lấy cái bát ấy.
- Tôn huynh Mục-liên, Ngài nổi tiếng là bậc thần thông đệ nhất, Ngài hãy lấy bát, nếu Ngài không lấy, tôi cũng
sẽ lấy.
- Huynh hãy đi.
Tôn giả Tân-đầu-lư nhập đại định, rồi xuất định Ngài đi quanh một tảng đá rộng ba dặm dùng đầu ngón chân nhấc
bổng nó lên một cách dễ dàng như nhấc một miếng bông gòn. Ngài bay quanh thành Vương Xá bảy vòng. Thành này cũng rộng đúng ba dặm, tảng đá hiện lên bao trùm cả thành. Dân cư trong thành thấy vậy nghĩ: "Tảng đá sẽ rơi xuống đè bẹp chúng ta". Họ run rẫy sợ hãi, họ đội nia lên đầu và trốn tứ tung. Ðến vòng bay thứ bảy, Tôn giả đẩy tảng đá ra xa và hiện thân trước dân
chúng. Thấy Ngài, họ kêu lên:
- Tôn giả Tân-đầu-lư! Hãy giữ tảng đá! Ðừng để nó đè bẹp chúng tôi.
Tôn giả hất tảng đá đi, nó rơi về chỗ cũ. Rồi đáp xuống trên nóc nhà Trưởng giả, ông này phủ phục sát đất, và nói:
- Tôn giả, xin bay xuống.
Khi Tôn giả bay xuống đất, ông mời ngồi, xin phép hạ bát xuống và đặt bốn loại thức ăn ngon ngọt trong bát đem cúng dường Ngài. Tôn giả nhận bát thức ăn trở về tinh xá. Những người dân vắng mặt khi ấy, chưa được thấy phép lạ, đã tụ tập kéo theo sau Ngài và
yêu cầu:
- Tôn giả! Xin thi triển thần thông
cho chúng tôi xem.
Tôn giả cũng lặp lại thần thông như
thế cho họ. rồi tiếp tục về tinh xá.
Ðức Thế Tôn nghe tiếng reo hò hoan hô của đám đông, hỏi A-nan:
- A-nan, họ hoan nghênh ai thế?
- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Tân-đầu-lư bay lên hư không và lấy cái bát bằng gỗ đỏ, dân chúng hoan nghênh Tôn giả.
Phật gọi Tôn giả đến hỏi:
- Có đúng là ông đã làm như thế ?
- Bạch Thế Tôn, thật vậy.
- Này Tân-đầu-lư, vì sao ông làm như thế?
Ðức Phật quở trách Tôn giả, bắt Ngài đập vỡ cái bát, đem mảnh vụn cho các Tỳ-kheo nghiền thành bột. Sau đó, Ngài đặt ra giới cấm thi triển thần thông vì mục đích như thế.
2B. Thế Tôn Hứa Thực Hiện Thần Thông.
Các ngoại đạo nghe rằng Sa-môn Cồ-đàm đã ra lệnh đập vỡ cái bát, và đã chế giới cấm các đệ tử thi triển thần thông, họ nói: "Dù cho mạng sống họ tùy thuộc vào thần thông, các đệ tử Cồ-đàm cũng không dám phạm giới đã chế đặt. Hơn nữa, Sa-môn Cồ-đàm cũng giữ luật lệ này. Ðây là cơ hội cho chúng ta".
Và họ đi rao trên khắp đường phố.
- Chúng ta muốn giữ quyền năng ẩn mật, vì thế trong câu chuyện vừa rồi, chúng ta đã từ chối không phô bày quyền năng chỉ vì cái bát gỗ. Nhưng đệ tử của Cồ-đàm đã phô trương tài phép trước quần chúng chỉ vì một cái bát không đáng kể. Sa-môn Cồ-đàm đã khôn
ngoan ra lệnh đập bể cái bát và đưa ra điều luật cấm đệ tử thi hành phép
thuật. Từ nay chúng ta sẽ thi triển phép thuật chỉ với ông ấy.
Vua Tần-bà-sa-la nghe thế, đến bạch
Phật:
- Bạch Thế Tôn, tin đồn Ngài cấm các đệ tử trổ phép lạ có đúng không?
- Ðúng thế, đại vương.
- Nhóm ngoại đạo đang nói rằng họ sẽ thi triển phép thuật với Ngài. Ngài phải làm gì trong trường hợp đó?
- Nếu họ thi triển thần thông, Ta cũng sẽ thi triển.
- Ngài không đặt ra luật cấm thi hành phép lạ đó ư?
- Ðại vương, Ta không ra luật cho Ta, luật chỉ áp dụng cho đệ tử của Ta.
- Có phải ý Ngài nói luật do Ngài đặt ra áp dụng cho mọi người trừ chính Ngài?
- Ðại vương, Ta sẽ trả lời cách khác hơn. Này đại vương, đại vương có một vườn thượng uyển trong hoàng cung,
đúng không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Ðại vương! Nếu có người dân nào ăn xoài và các thứ trái khác trong vườn của đại vương, đại vương sẽ làm gì?
- Con sẽ phạt họ.
- Nhưng chính đại vương có quyền ăn
những trái cây ấy chứ?
- Thưa vâng, con không phải bị phạt. Con có quyền ăn những thứ thuộc về con.
- Này đại vương! Như đại vương cai trị trên vương quốc ba mươi dặm, và chính mình không bị phạt khi ăn trái cây trong vườn mình, trong khi người khác làm thế thì bị phạt. Cũng thế Ta có quyền trên tam thiên đại thiên thế giới, và Ta có thể vượt qua những luật lệ do Ta đặt ra, người khác thì không, do đó, Ta sẽ thi triển một phép lạ.
Khi các nhà ngoại đạo nghe những lời này, họ nói với nhau:
- Chúng ta bị hố rồi! Sa-môn Cồ-đàm
tuyên bố rằng luật lệ do ông ấy đặt ra chỉ áp dụng cho hàng đệ tử, không phải cho ông ấy. Và ông ấy tuyên bố rằng chính mình sẽ thi triển một phép lạ. Chúng ta phải làm sao?
Vua hỏi đức Phật:
- Bạch Thế Tôn, khi nào Ngài thi triển thần thông?
- Vào ngày trăng tròn tháng Asàlhi, bốn tháng nữa.
- Bạch Thế Tôn, ở tại đâu?
- Gần thành Xá-vệ.
(Vì sao đức Phật chọn địa điểm xa như thế? Vì Xá-vệ là nơi mà tất cả chư Phật đã thực hiện đại thần lực, và nơi ấy có thể chứa nhiều người).
Các ngoại đạo nghe như vậy bàn với nhau:
- Bốn tháng nữa Sa-môn Cồ-đàm sẽ hiển thần thông ở Xá-vệ. Từ đây đến đó, chúng ta phải theo đuổi ông ta không
ngừng. Khi dân cư thấy, họ sẽ hỏi: "Thế này là sao?". Chúng ta sẽ trả lời: "Các ngươi nên nhớ chúng ta có nói: Chúng ta sẽ đấu phép với Sa-môn Cồ-đàm. Ông ta chạy trốn nên chúng ta đuổi theo".
Khi đức Phật đi khất thực trên đường phố thành Vương Xá, ngoại đạo cũng đi theo. Nơi nào Ngài thọ trai, thì
họ nghỉ đêm ở đó, nơi nào Ngài nghỉ đêm, thì họ ăn sáng ở đó. Khi dân chúng hỏi:
- Như thế nghĩa là gì?
Họ trả lời như trên. Dân chúng bảo nhau:
- Chúng ta sẽ được xem phép lạ.
Và họ kéo theo sau đức Phật đến Xá-vệ, nhóm ngoại đạo cũng theo sát nút. Ðến nơi họ chuẩn bị chỗ ở, xài phí cả
trăm ngàn đồng tiền để ra lệnh xây cất một cái trại với cột bằng gỗ xiêm gai, và lợp bằng hoa sen xanh. Làm xong họ tuyên bố:
- Chúng ta sẽ thực hành phép lạ tại
đây.
Vua Ba-tư-nặc đến bạch Phật:
Bạch Thế Tôn, các ngoại đạo đã ra lệnh cất trại, con có thể xây cất một cái cho Ngài?
- Không cần, đại vương, Ta đã có người.
- Bạch Thế Tôn, ở đây có ai ngang bằng con để xây cất cho Ngài?
- Ðại vương, có vua trời Ðế Thích.
- Bạch Thế Tôn, Ngài sẽ thi triển thần thông ở đâu?
- Ở dưới gốc cây xoài gọi là cây của Ganda.
Các ngoại đạo nghe nói Phật sẽ hiển
thần thông ở dưới cây xoài, lập tức họ nhổ hết rễ những cây xoài trong chu vi một dặm quanh đó, ngay cả những cây mới mọc hôm đó, và nếm tất cả vào rừng.
2C. Thần Thông Sơ Khởi.
Vào ngày trăng rằm tháng Asàlhi, đức Thế Tôn đi vào thành. Cùng ngày đó Ganda,
người giữ vườn thượng uyển, thấy một trái xoài to chín vàng giữa đám lá, bay mùi thơm ngon. Ganda
bèn hái trái ấy, định sẽ dâng lên vua. Trên đường đi, gặp Phật, chàng nghĩ: "Nếu nhà vua ăn trái này, nhà vua có thể ban cho ta tám hay mười sáu đồng, không đủ nuôi ta suốt đời. Nhưng nếu ta cúng dường Phật, sẽ có lợi cho sự cứu rỗi ta không cùng". Và chàng cúng quả xoài chín cho Phật.
Ðức Phật nhìn A-nan, A-nan nhận trái xoài và đem dâng Phật. Ðức Phật chìa bát ra nhận xoài và ngỏ ý muốn ngồi tại đó, A-nan trải tọa cụ. Khi đức Phật ngồi xong, A-nan lọc nước ép trái xoài thành nước và dâng lên Phật. Phật uống nước ép trái xoài xong bảo
Ganda:
- Ðào một cái lỗ ở đây và trồng hột
xoài xuống.
Chàng giữ vườn làm y lời Phật dạy. Ðức Phật rửa tay ngay trên chỗ xoài được trồng. Ngay lúc ấy, một cây xoài cao to tốt tươi mọc lên rất nhanh, cao năm mươi cubits (cao hơn 25 mét), từ thân cây vươn ra năm nhánh, mỗi nhánh cũng dài hơn hai mươi lăm mét, bốn nhánh chia bốn hướng và một nhánh mọc thẳng lên trời. Trong phút chốc, cây xoài phủ đầy bông và trái, và một bên có cành nặng trĩu từng chùm xoài chín. Các Tỳ-kheo đi theo sau đức Phật, hái xoài chín ăn xong rồi ra về.
Khi nhà vua nghe chuyện cây xoài thần diệu bèn ra lệnh không cho ai được chặt phá và đặt người canh gác. Vì cây xoài được trồng bởi Ganda, nên được đặt tên là cây xoài của Ganda.
Hàng thứ dân cũng được ăn xoài và kêu lên:
- Các thầy ngoại đạo đê tiện, khi các thầy nghe Sa-môn Cồ-đàm sẽ làm phép màu dưới chân cây xoài Ganda, đã ra lệnh nhổ
tất cả mọi cây xoài trong vòng một dặm, ngay cả những cây mới mọc cũng lôi rễ lên. Ðấy, cây xoài Ganda
đấy.
Nói xong họ ném xoài thối, hột xoài
vào các ngoại đạo.
Ðế Thích ra lệnh cho thần Gió:
- Hãy nhổ trại các ngoại đạo và ném
xuống cầu.
Rồi ra lệnh cho thần mặt trời:
- Hãy đốt chúng.
Các thần làm xong. Ðế Thích lại ra lệnh:
- Thần Gió! Hãy thổi mạnh lên!
Thần Gió tung hết vũ bảo ra. Các ngoại đạo run rẩy, toát mồ hôi đầy mình. Thần gió còn phun bụi vào họ cho đến khi trông họ giống kiến đỏ. Ðế Thích ra lệnh đổ mưa, và toàn thể ngoại
đạo giống như bò đốm. Trần truồng, hỗn loạn, họ chạy tứ tán.
Ngay khi họ bỏ chạy, một nông dân đệ tử của Phú-lan-na Ca-diếp nghĩ thầm: "Ngày mai là ngày Tôn sư ta thi triển quyền phép, ta phải đi xem". Ông ta tháo cày ra, và mang bình đựng canh đã đem theo từ sáng sớm, và lấy dây trở về nhà. Khi Phú-lan-na đang chạy trối chết, ông hỏi:
- Tôn sư, con về nhà với ý định sẽ đi xem Tôn sư phô bày phép lại. Vậy Ngài đi đâu thế?
Phú-lan-ca đáp:
- Có gì ngươi muốn xem phép lạ? Ðưa
ta bình đựng nước và sợi dây.
Người nông dân đưa, Phú-lan-na cầm bình nước và dây, đi đến bờ sông lấy dây cột bình nước vào cổ, rồi nhảy ùn xuống sông, bọt nước sủi lên, Phú-lan-na đã chết, rơi xuống A-tỳ.
Ðức Phật biến hóa một lối đi bằng châu báu trên hư không, chạy dài suốt từ chân trời phía đông đến chân trời phía tây. Khi chiều đến, người ta kéo đến xem đứng đông đầy trải dài tới ba mươi sáu dặm. Ðức Phật nghĩ: "Ðây là lúc ta hiển thần thông". Ngài
rời hương thất ra đứng ở sân thượng.
Lúc ấy, một nữ Phật tử tên Gharanì chứng Tam quả, có thần thông, đứng gần Phật thưa:
- Bạch Thế Tôn, bao lâu còn một đệ tử như con, không còn nhọc sức Ngài, con sẽ thi triển một phép lạ.
- Này Gharanì, người thực hiện thần thông gì?
- Bạch Thế Tôn, con sẽ nhận chìm trái đất xuống nước, và lặn xuống đó, rồi trồi lên xuất hiện ở mặt Ðông trái đất, cứ thế con sẽ xuất hiện ở cực Tây, cực Nam, cực Bắc của trái đất, và ở giữa. Dân chúng sẽ hỏi "Ai thế?" và người khác trả lời: "Ðó là
Gharanì. Nếu đây chỉ là thần thông của một người đàn bà, thì thần thông siêu việt của Phật sẽ như thế nào?" Các ngoại đạo sẽ trốn mất, không cần đợi Thế Tôn.
Phật trả lời:
- Ta biết rõ rằng con có thể thi triển thần thông như con vừa nói. Nhưng vinh dự này không phải của con.
Gharanì
tự nhủ: "Ðức Thế Tôn từ chối đề nghị của ta, chắc có một ai có thể
thi triển thần thông vĩ đại hơn ta". Cô đứng qua một bên.
Một hôm nam cư sĩ tên Culla Anàthapindika nghĩ
thầm: "Bao lâu đức Thế Tôn còn có đệ tử như ta, người chứng đến Tam quả,
thì Ngài không bận tâm đến chuyện này".
Ông đến bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, con sẽ thực hiện một thần thông.
- Thần thông gì?
- Bạch Thế Tôn, con sẽ hóa thành Ðại Phạm thiên, cao lớn mười hai dặm, đứng giữa quần chúng, rống lên như sấm sét, bão tố, con sẽ rung chuyển trái đất như Ðại Phạm thiên rung chuyển
quả đất. Dân chúng sẽ hỏi nhau: "Tiếng gì thế?" và người khác sẽ trả lời: "Ðó là tiếng động đất gây ra bởi Culla
Anàthapindika". Các ngoại đạo nói: "Ðó mới chỉ là quyền
năng của một cư sĩ, còn quyền năng của Phật như thế nào?" Nói xong họ sẽ bỏ chạy mà không đợi gặp Ngài.
Ðức Thế Tôn cũng trả lời như với
Gharanì "Ta biết con
có quyền năng đó". Và từ chối đề nghị.
Một cô bé Sa-di lên bảy tuổi tên là
Cìrà (Ly-la) đã đạt được Tứ thông, đến bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, con sẽ thực hiện một thần thông.
- Thần thông gì?
- Con sẽ xếp ngọn núi Tu-di, tất cả
nhũng ngọn núi trên trái đất, luôn cả rặng Hy-mã thành một hàng, và con bay lượn trên những ngọn núi ấy như một con ngỗng trời và không chạm đến núi. Dân chúng thấy con sẽ hỏi: "Ai thế?" và họ sẽ được trả lời: "Ðó là cô bé Sa-di Ly-la". Các ngoại đạo sẽ nói: "Chỉ một cô bé bảy tuổi mới là Sa-di
còn có thần thông như thế, thì thần thông của Phật ra sao?" Và họ sẽ chạy
trốn không đợi gặp Thế Tôn.
Ðức Phật cũng từ chối y như trước.
Ðến một chú Sa-di bảy tuổi tên Cunda (Thuần Ðà), đã đạt Tứ thiền và giải thoát mọi tham dục, bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, con sẽ thực hiện một thần thông.
- Thần thông gì?
- Con sẽ vác trên vai một cây hồng táo lớn, tượng trưng cho cõi Diêm-phù-đề, vẫy tới vẫy lui, sẽ đưa những nhánh táo sai trái cho mọi người ăn. Cũng như vậy con sẽ mang đến hoa san hô.
Rồi Tỳ-kheo ni Uppalavannà (Liên Hoa
Sắc) đến bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, con sẽ trổ thần thông.
- Thần thông gì?
- Trước mắt mọi người trong mười hai dặm, con sẽ biến thành Chuyển Luân Vương với đoàn tùy tùng bao quanh ba
mươi sáu dặm, đến đảnh lễ Phật.
- Ta biết thần thông của ngươi.
Phật cũng từ chối.
Tôn giả Mục-kiền-liên đến bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, con sẽ hiện thần thông.
- Thần thông gì?
- Con sẽ đặt ngọn núi Tu-di, chúa tể các ngọn núi, giữa hai hàm răng và cắn nó như cắn một hạt đậu.
- Rồi gì nữa?
- Con cuộn tròn quả đất như một chiếc chiếu và ép chặt giữa những ngón tay.
- Rồi gì nữa?
- Con sẽ xoay trái đất như một bánh
xe của thợ gốm, và con sẽ cho mọi người nếm thức ăn của đất.
- Rồi gì nữa?
- Con sẽ sử dụng núi Tu-di như một cây dù, nhấc quả đất đặt lên đó, cầm một tay như một nhà sư cầm cây dù nơi
tay, đi dạo trên hư không.
- Ta biết thần lực của ông.
Ðức Phật cũng từ chối lời đề nghị của Tôn giả.
Mục-kiền-liên nói:
- Chắc chắn Thế Tôn biết người nào có thể hiển thần thông quảng đại hơn ta.
Và Tôn giả đứng qua một bên.
Ðức Phật bảo Tôn giả:
- Này Mục-kiền-liên, việc này không
phải việc của ông. Gánh nặng của Ta không giống gánh nặng của bất cứ ai, và không ai có thể gánh vác nó được, nên không có gì lạ khi chẳng ai gánh vác thế Ta được. Trong quá khứ cũng thế, do ý muốn của Ta, Ta thọ sanh
làm súc, cũng không có ai có thể gánh vác gánh nặng ấy cho Ta.
Nghe Phật nói thế, Tôn giả thưa:
- Bạch Thế Tôn, việc ấy ra sao, và xảy ra lúc nào?
Phật bèn nhắc lại chuyện tiền thân
Kanha Usabha:
Vì trọng tải quá nặng, vì con đường lún bùn,
Chúng thắng ngựa Blackie, và nó lập tức chở hàng đi.
Phật cũng nói tiếp chi tiết chuyện tiền thân Nandi Visàla để làm vấn đề sáng tỏ hơn:
Nên luôn luôn nói lời dịu dàng, không bao giờ nên nói thô bạo,
Với người nói lời dịu dàng, nó kéo một trọng tải thật nặng nề,
Và làm người ấy giàu có, tất cả chỉ vì nó thích người ấy.
Sau khi nhắc lại các chuyện tiền thân, Ngài bước đi trên con đường trân bảo, đoàn tùy tùng theo sau trải rộng mười hai dặm phía trước Ngài, mười hai dặm phía sau, mười hai dặm bên tay trái, mười hai dặm bên tay phải. Thế Tôn đứng oai nghiêm giữa một đám đông khổng lồ bao quanh hai mươi bốn dặm và hóa hiện thần thông Song Hành.
2D. Phật Hiện Thần Thông Song Hành
Thế nào là thần thông Song Hành của
Như Lai? Trong dịp này, Thế Tôn hóa hiện thần thông Song Hành, thần thông vi diệu hơn bất cứ thần thông nào của chúng đệ tử. Từ trên thân Ngài phóng
ra lửa, và từ dưới chân Ngài phun nước, hoặc dưới thân tuôn lửa, trên thân
tuôn nước. Trước mặt tuôn lửa, sau lưng tuôn nước, hoặc trước mặt tuôn nước, sau lưng tuôn lửa. Từ hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi, hai vai, hai tay, hai bên hông, hai chân, đầu ngón chân và gót chân, nơi mỗi phần trên thân Thế Tôn lần lượt tuôn lửa và nước. Những luồng lửa nước lóng lánh đủ màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng và màu kim tuyến chói lọi. Thế Tôn đi, hóa thân của Ngài đứng, hoặc nằm, hoặc ngồi; hóa thân nằm thì Thế Tôn đi, đứng hoặc ngồi. Ðây là truyền thống thần thông Song Hành của đức Phật.
(Thần thông này, đức Thế Tôn biểu hiện khi Ngài đi lên đi xuống trên con đường trân bảo. Lúc đó Ngài nhập hỏa
đại tam-muội thì lửa từ trên thân tuôn ra, và khi nhập thủy Ðại Tam-muội thì nước tuôn từ dưới thân. Tất cả những phần trên thân Ngài đều như vậy, hễ phần này tuôn lửa thì phần kia tuôn nước và ngược lại. Những luồng
lửa và nước không hề lẫn lộn nhau, cả hai đều bắn tung xa đến trời Phạm Thiên và trở xuống cõi của Cakkavàla.
Sáu sắc trong những tia lửa và nước ấy, như vàng lỏng chảy từ lò luyện kim, hay là vàng của vua từ ống chảy ra, chiếu sáng từ cõi Cakkavàla, lên đến Phạm thiên, rồi trở lại Cakkavàla,
như một hình chóp nón và toàn pháp giới ngời sáng hào quang).
Vào ngày ấy đức Phật đi lên đi xuống hiển hóa thần thông Song Hành, thỉnh thoảng Ngài cũng thuyết pháp cho quần chúng nghe, không làm họ chán với bài pháp vô tận mà làm cho tinh thần họ tăng trưởng hỷ lạc bởi chốc chốc Ngài lại để họ nghỉ ngơi, thư giãn. Cho nên họ vỗ tay ca ngợi vang rền. Ðức Phật nhìn vào giữa đám đông và
dùng mười sáu cách để quan sát tâm trí mỗi người. Khi một chúng sanh nào thích thú với bài pháp hay một thần thông nào, Ngài liền giảng đúng bài pháp ấy và hiện chính thần thông ấy cho người đó. Rồi nhiều chúng sanh được Pháp nhãn thanh tịnh.
Khi đức Phật thấy trong số quần chúng đông đảo ấy không ai hiểu ý mình và có thể hỏi, Ngài liền hóa hiện một thân khác, hóa thân hỏi và Phật trả lời. Khi đức Phật đi tới đi lui thì
hóa thân có những cử động khác và ngược lại. Ðược thấy thần thông và thuyết pháp, có hai trăm triệu người được Pháp nhãn thanh tịnh.
2E. Ðức Phật Lên
Cung Trời Ba Mươi Ba.
Khi hiện thần thông xong, đức Phật nghĩ thầm: "Chư Phật quá khứ sẽ ở đâu sau khi hiện thần thông?". Theo thông lệ, đức Phật sẽ lên cung trời Ba mươi ba và giảng dạy luận A-tỳ-đàm cho thân mẫu". Nghĩ thế Ngài nhấc chân phải và bước lên ngọn núi Yugandhara, chân trái
đặt lên núi Tu-di, và như vậy với ba bước chân chấm đất hai lần, Ngài đi sáu trăm tám mươi hai ngàn dặm. Không ai có thể đo được chiều dài mỗi bước chân của Phật, chỉ biết rằng khi Phật nhấc chân lên các ngọn núi co đầu thấp dưới chân Ngài, và khi Ngài bước qua chúng ngẩng lên và đứng ở vị trí cũ.
Trời Ðế Thích thấy Phật và nghĩ thầm: "Ðức Thế Tôn sẽ ở đây trong ba tháng mùa mưa trên ngai Hoàng Thạch sẽ làm lợi ích cho vô số chư Thiên. Nhưng nếu Thế Tôn an cư ở đâu, chư thiên khác sẽ không có chỗ chen chân. Phiến Hoàng Thạch này dài sáu mươi dặm và rộng năm mươi dặm, Thế Tôn ngồi trên ấy cũng như không có ai ngồi". Ðức Phật biết ý nghĩ của Ðế Thích, Ngài ném tọa cụ trùm cả phiến đá Hoàng Thạch. Ðế Thích nghĩ: "Ðúng là Ngài ném tọa cụ trùm hết cả phiến đá thật, nhưng khi Ngài ngồi lên đó chắc chắn Ngài sẽ thành ra nhỏ tí". Ðức Phật lại biết được những ý nghĩ ấy nên Ngài trùm phủ phiến đá trong nếp y của Ngài, như một Sa-môn cao lớn phủ áo nạp lên chiếc ghế đẩu thấp, và Ngài ngồi lên
đó. Lúc ấy, dân chúng ở cõi Ta-bà bỗng nhiên không thấy Phật, như mặt trăng chợt lặn. Họ hỏi nhau:
- Thế Tôn đã đi Cittakùta hay Kelàsa hay Yugandhara? Chúng ta không được trông thấy đấng Toàn Giác, bậc chúa tể thế gian, đấng trí tuệ
của loài người.
Họ khóc lóc, than thở. Những người khác nghĩ thầm: "Ðức Thế Tôn thích độc cư, Ngài khó chịu khi hiện thần thông
như thế cho một đám đông như thế, nên đã đi sang xứ khác. Chúng ta có còn gặp được Ngài hay không?"
Họ khóc lóc, rên rỉ, nói kệ:
Ngày vui trong nhàn tịnh,
Ngài đã đi xa không trở lại cõi này.
Chúng ta không còn thấy bậc Tối Thắng,
bậc chúa tể thế gian,
bậc hiền trí nhất trong loài người.
Họ hỏi Tôn giả Mục-kiền-kiên
- Thế Tôn đi đâu, thưa Tôn giả?
Mặc dầu biết đức Phật đi đâu, nhưng
Tôn giả nghĩ thầm: "Hãy để cho người khác tỏ phép mầu", nên bảo mọi người:
- Hãy hỏi Tôn giả A-nậu-lâu-đà.
Và khi mọi người hỏi, Tôn giả A-nậu-lâu-đà đáp:
- Thế Tôn đã bay lên cung trời Ba mươi ba, ngồi trên ngai Hoàng Thạch, Ngài sẽ giảng dạy luận A-tỳ-đàm cho thân mẫu.
- Thưa Tôn giả, khi nào Ngài trở về?
- Ngài ở đó ba tháng hạ, và trở về vào dịp giải hạ.
Mọi người reo hò:
- Chúng ta không đi đâu cả cho đến khi gặp lại đức Bổn sư.
Họ cắm trại tại đó, ngủ đêm dưới bầu trời. Và dù đông đảo họ không gây nhơ uế trên đất, vì khi họ đại tiểu tiện đất nứt ra và khép lại, cho nên lúc nào mặt đất cũng sạch sẽ.
Trước khi lên cung trời đức Phật dặn Tôn giả Mục-kiền-liên:
- Mục-kiền-liên, ông thuyết pháp cho mọi người, còn Cấp Cô Ðộc sẽ cung cấp thực phẩm.
Như vậy, trong suốt ba tháng, ông Cấp Cô Ðộc cung cấp đồ ăn, thức uống, trầu cau, hương hoa cho mọi người. Tôn giả Mục-kiền-liên thì giảng dạy và trả lời mọi câu hỏi.
Khi Ðức Thế Tôn đã lên cung trời Ba
mươi ba, đã ngồi vào pháp tòa, chư Thiên của mười ngàn thế giới vây quanh và hầu tiếp Ngài.
Trên cõi trời Ba mươi ba,
Khi đức Phật đấng tôn quý của mọi loài,
ngồi dưới cội san hô, trên tòa Hoàng Thạch,
Thần tiên mười ngàn cõi tụ về và hầu tiếp.
Ðấng Tối Thắng, ngồi nơi cao nhất của cõi trời,
Không ai chói sáng bằng Ngài,
Chỉ mình Ngài độc nhất, rực rỡ át chư thiên.
Hoàng hậu Ma-da từ cõi trời Ðâu-suất đến, ngồi bên tay phải của đức Phật, trời Indaka cũng đến ngồi bên tay phải Phật, và trời Ankura đến ngồi bên tay trái. Khi các vị trời đầy quyền lực đến dự hội, Ankura phải rời khỏi chỗ và ngồi một chỗ cách xa mười hai dặm, trong khi Indaka còn ngồi bên tay phải Phật. Thế Tôn quan sát cả hai, Ngài muốn dạy về phước báo lớn lao của sự cúng dường xứng đáng, nên bảo Ankura:
- Dù trong mười ngàn năm ngươi đã cho lập nên những lò sưởi trên suốt quảng đường dài mười hai dặm, và cúng dường vô số phẩm vật, sau thời gian dài ấy bây giờ ngươi đến đây nên trong chúng hội của Ta, lại ngồi xa ta nhất tới mười hai dặm. Tại sao thế?
Thế Tôn nhìn Ankura và Indak, tuyên bố ai cúng dường giá trị, Ngài nói:
Ankurà, ngươi cúng dường vô số,
Vậy mà sau một thời gian dài,
Ngươi ngồi chỗ thật xa. Hãy đến đây!
Âm thanh ấy dội xuống mặt đất, dân chúng đang cắm trại dưới ấy đều được nghe.
Ðược đấng Ðạo sư thức tỉnh, Ankura nói:
- Những thứ cúng dường ấy đã đem lại ích lợi gì cho con? Người xứng đáng được cúng chẳng đem lại phước báo gì ư? Dạ xoa Indaka này chỉ dâng chút ít phẩm vật. Vậy mà ông ấy sáng hơn hết thảy chúng con, như mặt trăng
sáng hơn tất cả tinh tú.
Khi Ankura nói như thế, đức Phật hỏi Indaka:
- Này Indaka, ngươi ngồi bên tay phải ta, vì sao ngươi ngồi đây mà không dời đi?
Indaka
đáp:
- Bạch Thế Tôn, như một nông phu gieo một ít hột giống trên thửa ruộng tốt, con nhận phước lành này nhờ cúng dường đáng giá.
Ðể làm sáng tỏ vấn đề người nào cúng dường giá trị người nào không, Indaka
nói:
Như hột giống, mặc dù rất nhiều, gieo trên đất xấu.
Không gặt hái nhiều, không làm nông dân vui thích.
Vật cúng dường dù nhiều, dâng người ác,
Không gặt quả nhiều, không lợi ích cho người thí.
Còn hột giống dù ít, gieo trên đất tốt,
Sẽ gặt nhiều kết quả, nông phu vui lòng.
Như thế, cúng dường người đức hạnh, chính trực và thánh thiện.
Dù ít vẫn được kết quả tốt, phong nhiêu.
Chuyện kể rằng, nhân dịp Ngài A-nậu-lâu-đà đi khất thực, Indaka cúng
dường Tôn giả một muỗng thức ăn của mình. Nên mặc dù Ankura đã đốt hàng ngàn lò sưởi trên khoảng đường dài mười hai dặm trong mười hai ngàn năm, và bố thí rất nhiều, nhưng việc làm của Indaka
được kết quả lớn hơn.
Thế Tôn bảo:
- Này Ankura, phải nhận xét trong khi cúng dường. Với phương cách đó, giống như gieo giống trên đất tốt, việc cúng dường được quả tốt. Nhưng ngươi không làm như thế, nên phước báo ngươi không đủ.
Ngài nói kệ:
Cúng dường với sự xét đoán, được quả đây,
Người như thế được sanh thiên.
Như Lai khen ngợi sự cúng dường với óc phán đoán.
Nên cúng dường đến người xứng đáng nhất,
Sẽ gặt quả tốt, như hạt giống gieo đất tốt.
Ngài nói những Pháp Cú tiếp theo:
Cỏ làm hại ruộng vườn,
Tham làm hại người đời,
Bố thí người ly tham,
Do vậy được quả lớn.
Cỏ làm hại ruộng vườn,
Sân làm hại người đời.
Bố thí người ly sân,
Do vậy được quả lớn.
Cỏ làm hại ruộng vườn,
Si làm hại người đời.
Bố thí người ly si,
Do vậy được quả lớn.
Cỏ làm hại ruộng vườn,
Dục làm hại người đời.
Bố thí người ly dục,
Do vậy được quả lớn.
Và ngồi giữa chúng hội chư thiên, đức Phật muốn lợi lạc cho thân mẫu nên bắt đầu giảng dạy luận A-tỳ-đàm, bắt
đầu bằng những câu: "Những điều này tốt, những điều này xấu, những điều này không tốt, không xấu". Suốt ba tháng Ngài dạy luận A-tỳ-đàm không ngừng. Lúc nào đi khất thực, Ngài hóa ra một thân khác và bảo: "Hãy nói pháp cho đến lúc Ta trở về". Xong, Ngài đi đến núi Hy-mã, sau khi đánh răng
và súc miệng nơi hồ A-nâu-đạt (Anotatta),
Ngài nhận thức ăn từ châu Uất-đơn-việt (Uttarakura), và ngồi
trong vườn của một Trưởng giả Ngài dùng bữa trưa.
Tôn giả Xá-lợi-phất lên đến trời Ðâu-suất và làm thị giả cho đức Phật. Khi Phật thọ trai xong, Ngài nói:
- Xá-lợi-phất hôm nay Ta đã nói pháp như thế như thế, ông có thể thuật lại cho năm trăm Ty-kheo tu học với ông.
Và Phật dạy cho Tôn giả. Chúng ta được biết rằng, khi đức Phật hiện thần thông Song Hành, có năm trăm thanh niên con nhà vọng tộc xuất gia với Tôn giả Xá-lợi-phất, và để ám chỉ các vị
này đức Phật đã nói như trên. Giảng dạy cho Tôn giả xong, Phật trở lên cõi
trời thay vào chỗ hóa thân Phật và nói tiếp. Tôn giả Xá-lợi-phất trở xuống nhân gian, nói pháp cho các Tỳ-kheo, và ngay khi Phật còn ở lại thiên giới, các Tỳ-kheo đạt được Thất giác chi.
Vào thời đức Phật Ca-diếp, năm trăm
Tỳ-kheo này là bầy dơi nhỏ. Chúng ở trong một động núi, và có hai thầy Tỳ-kheo cư ngụ trong ấy đọc tụng kinh A-tỳ-đàm. Chúng nghe âm thanh Luận tạng
khi bay chung quanh đó và đâm ra yêu thích âm thanh ấy. Với các câu: "Ðây là các uẩn của chúng sanh, đây là các đại của chúng sanh", tuy chúng không hiểu ý nghĩa nhưng vì yêu mến tiếng đọc tụng, chúng được sanh thiên. Vào thời giữa Phật Ca-diếp và Thích-ca, họ ở cung trời hưởng khoái lạc và tái sanh vào Xá-vệ, trong gia đình vọng tộc. Do sự kính tin và thần thông Song Hành, họ xuất gia theo Tôn giả Xá-lợi-phất, và trở thành những người đầu tiên thông đạt Thất giác chi. Ðức Phật tiếp tục chỉ dạy như thế trong ba tháng. Khi nghe Ngài dạy xong, có tám trăm ngàn triệu chư thiên đạt được Pháp nhãn, và hoàng hậu Ma-da chứng Sơ quả.
2F. Ðức Phật Xuống Nhân Giới Và Chư Thiên Qủy Thần Hộ Tống
Quần chúng trong ba mươi sáu dặm, biết lễ giải hạ sẽ đến trong bảy ngày nữa, đến hỏi Tôn giả Mục-kiền-liên:
- Thưa Tôn giả, có gì trở ngại không nếu chúng con biết ngày nào đức Phật trở về? Chúng con sẽ không đi đâu
cho đến lúc gặp Phật.
Tôn giả đáp:
- Tốt lắm!
Tôn giả đi đến chân ngọn núi Tu-di và nghĩ thầm: "Hãy để mọi người thấy ta leo lên". Và khi Tôn giả bắt đầu leo núi, thân hình Ngài hiển lộ với tấm y vàng trong suốt. Mọi người theo dõi và reo lên từng chập:
- Tôn giả đang leo lên một dặm.. hai dặm..
Tôn giả lên đỉnh núi đảnh lễ dưới chân Phật, lấy đầu mình nâng bàn chân Phật và bạch:
- Bạch Thế Tôn! Dân chúng muốn đến nơi nào để có thể thấy Thế Tôn, khi nào Thế Tôn trở xuống?
- Nhưng này Mục-kiền-liên! Xá-lợi-phất đâu?
- Bạch Thế Tôn! Tôn giả đang ở cổng
thành Samkassa.
- Này Mục-kiền-liên! Bảy ngày nữa Ta sẽ xuống tại cổng thành Samkassa
vào ngày giải hạ. Ai muốn thấy Ta hãy đến đó.
Khoảng cách từ Xá-vệ đến Samkassa là ba mươi dặm, và không ai có thể cung cấp thức ăn cho mọi người trên lộ trình dài như thế. Phật bảo:
- Hãy dạy họ phát nguyện giữ trai giới (không ăn) và đi theo sức của họ có thể đi, như thể đang đến tinh xá kế cận nghe pháp.
- Thưa vâng.
Tôn giả trở lại, nói cho mọi người biết lời dạy của Phật.
Mùa an cư đã chấm dứt, lễ giải hạ được cử hành. Ðức Phật nói với Ðế Thích:
- Nay là lúc Ta trở lại cõi người.
Ðế Thích bèn hóa ra ba con đường bằng bậc thang, một bằng vàng, một bằng ngọc, và một bằng bạc. Ba con đường
dẫn từ núi Tu-di xuống đến cổng thành Samkassa, đường bằng vàng bên phải dành cho chư thiên và quyến thuộc, đường bằng bạc bên trái dành cho Ðại Phạm thiên và quyến thuộc, đường chính giữa bằng ngọc dành cho Thế Tôn. Trong dịp này, Phật đứng trên đỉnh núi Tu-di hóa hiện thần thông Song Hành và nhìn lên. Ngài nhìn suốt chín tầng trời Ðại phạm, và khi nhìn xuống Ngài nhìn đến tầng địa ngục Vô gián. Rồi Ngài quán sát bốn phương tám hướng, nhìn suốt vô tận cảnh giới, người và trời đều thấy lẫn nhau. Chúng hội đông dầy trong khoảng chu vi ba mươi sáu dặm, ai đã thấy vẻ huy hoàng của Phật đều mong muốn mình sẽ thành Phật.
Từ trên không trung đức Phật đi xuống trên con đường bằng ngọc, chư Thiên xuống bằng đường vàng, Phạm thiên xuống bằng đường bạc. Nhạc thần Càn-thát-bà (Pancasikha) bay bên phải đức Phật, khảy đàn ca tụng Phật bằng những âm thanh tuyệt vời. Thần thiên-xa (Màtali)
tung hương hoa bên trái đức Phật. Trời Ðại Phạm cầm lọng, trời Dạ-ma cầm quạt bằng đuôi con Yak.
Với các thiên thần tùy tùng như thế, đức Phật đặt chân xuống cổng thành Samkassa. Tôn giả Xá-lợi-phất đến đón Phật và đảnh lễ Ngài, và hứng khởi vì chưa bao giờ thấy đức Thế Tôn trở về trong nghi thức long trọng, vĩ đại của một vị Phật như thế. Tôn giả nói:
Con chưa từng thấy, chưa ai từng nghe,
Ðức Bổn sư thuyết pháp âm êm dịu,
Nay từ Ðâu-suất trở về với chúng tùy tùng.
Bày tỏ niềm vui bằng câu kệ và bằng
mọi cách xong rồi, Tôn giả bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, hôm nay, tất cả trời người được thấy sự tôn quý của Ngài và theo Ngài.
- Này Xá-lợi-phất, với phạm hạnh như vậy chư Phật là bậc tôn quý hơn cả người và trời.
Ngài nói kệ:
(181) Người trí chuyên thiền định,
Thích an tịnh viễn ly,
Chư thiên đều ái kính,
Bậc chánh giác, chánh niệm.
Lệ thường của chư Phật, sau khi hóa
hiện thần thông Song Hành đã an cư ba tháng trên cõi trời, và trở xuống
tại cổng thành Samkassa.
Ðể ghi dấu nơi đức Phật đặt bàn chân mặt xuống quả đất, một tinh xá được xây cất tại đây. Ðức Phật sẽ đặt một câu hỏi vừa sức hiểu của những ai chưa chứng Sơ quả, những người này trả lời dễ dàng câu hỏi ấy, nhưng không thể trả lời câu hỏi dành cho những người chứng Sơ quả. Tương tự như thế chứng Sơ quả không thể trả lời câu hỏi dành cho những người chứng Nhị quả..
cuối cùng người được Tứ quả không thể trả lời câu hỏi dành cho Tôn giả Mục-kiền-liên, Tôn giả Mục-kiền-liên không thể trả lời câu hỏi dành cho Tôn giả Xá-lợi-phất, và Tôn giả Xá-lợi-phất không thể trả lời câu hỏi dành cho Phật.
Ðầu tiên Phật nhìn về phương Ðông, và các phương kế tiếp. Thật là một pháp hội vĩ đại. Trời và người đứng khắp bốn phương tám hướng, Phạm thiên phía trên, dưới là các Long vương, A-tu-la (Supannas), tất cả đều đứng với dáng cung kính, tất cả đều nói:
- Bạch Thế Tôn, trong đây không ai có thể trả lời câu hỏi này, xin đừng hỏi thêm.
Ðức Phật nói:
- Xá-lợi-phất bối rối khi nghe câu hỏi thuộc về Phật trí này: "Tất cả những ai đã tu theo pháp và chứng quả A-la-hán, tất cả những ai đang tu tập, những ai chưa chứng quả Dự lưu, Thượng tọa, ông biết đấy, tôi hỏi rồi, ông hãy nói tôi nghe về việc đi và nói của những người ấy".
Xong, đức Phật nghĩ: "Mặc dù trong tâm Xá-lợi-phất không hề nghi ý nghĩ của câu hỏi, bởi ông ấy hiểu Ta đang hỏi về việc đi và nói của những người đang tu tập và những người đã tu
tập đắc quả A-la-hán, nhưng ông ấy lại nghi mục đích Ta hỏi câu ấy, và ông
ta đang suy nghĩ như vầy: "Về các vấn đề uẩn và đại của hữu tình, hay là vấn đề lục nhập, không biết ta nên nắm ý của Thế Tôn qua cái nào?" Nếu Ta
không khai mở giúp Xá-lợi-phất, ông ấy không thể trả lời câu hỏi. Nay ta
sẽ giúp Xá-lợi-phất". Và Phật hỏi:
- Xá-lợi-phất, ông có hiểu ý danh từ "hữu tình này" không?
Phật nghĩ tiếp: "Ngày lúc Xá-lợi-phất hiểu được ý Ta, ông ấy sẽ đáp câu hỏi trong phạm vi các uẩn của hữu tình".
Ðức Thế Tôn vừa truyền mật ý, câu hỏi liền hóa ra rõ ràng theo một trăm và một ngàn cách. Sau khi Thế Tôn gợi
ý, Trưởng lão lập tức trả lời câu hỏi.
Chúng ta biết rằng, trừ các bậc Toàn Giác, không ai có thể trả lời câu hỏi mà Phật nêu ra với Xá-lợi-phất. Cho nên Trưởng lão đứng trước Phật cao giọng hùng hồn nói:
- Bạch Thế Tôn, con có thể đếm số giọt mưa rơi trên biển lớn của tất cả những cơn mưa trong suốt một kiếp, và
cũng thế con đếm được số giọt mưa rơi trên đất liền, rơi trên núi. Và con có thể đưa ra một con số chính xác.
Phật dạy:
- Này Xá-lợi-phất, Ta biết khả năng
toán số của ông.
Thật vậy, không gì có thể sánh với trí tuệ của Xá-lợi-phất (Trí tuệ vô tỷ). Vì thế, Tôn giả nói:
- Cát sông Hằng vô số, nước biển lớn bao la, vi trần nhiều vô lượng, con có thể dùng trí tính đếm được tất cả.
(Ý câu kệ trên như sau: "Bạch Thế Tôn bậc Thánh trí tối thượng, sau khi trả lời câu hỏi này, con có thể trả lời hàng trăm ngàn câu hỏi khác, mỗi câu được đánh dấu bằng một hạt cát hoặc một giọt nước hay một hạt bụi. Gồm tất cả số hạt cát, hạt nước, hạt bụi sông Hằng, không thiếu sót một hạt nào, số hạt bụi này còn ít hơn khả năng trả lời các câu hỏi của con").
Vị Sa-môn dồi dào phước báo đã nương theo phương tiện của Phật trả lời câu hỏi thông suốt, mặc dù lúc đầu Tôn giả không biết đầu đuôi câu hỏi ra sao vì nó nằm trong lãnh vực Phật trí.
Khi các Tỳ-kheo nghe kệ này, đã bàn
tán như sau:
- Tôn giả Xá-lợi-phất, vị tướng quân của chánh pháp, đã trả lời câu hỏi mà không ai trên trái đất có thể trả lời được.
Ðức Phật nghe những lời bàn tán ấy,
dạy rằng:
- Ðây không phải lần đầu tiên Xá-lợi-phất trả lời câu hỏi mà trên toàn thế gian này không ai có thể trả lời,
ông ấy đã làm như thế ở thời quá khứ.
Ðức Phật kể lại câu chuyện quá khứ (Jàtaka 99):
Dù cho hơn ngàn
người thiếu trí tụ họp nhau và lảm nhảm cả một trăm năm.
Không bằng một người có trí siêu việt, hiểu rõ điều người khác nói.
3. Long Vương Và Ái Nữ.
Khó thay được làm người ...
Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật ngồi dưới bảy cây Sirìsaka,
gần Ba-la-nại, liên hệ đến Long vương Erakapatta.
Vào thời đức Phật Ca-diếp, Erakapatta là một Sa-môn trẻ. Một hôm, thầy ngồi trên thuyền bơi dọc sông Hằng. Ngang qua khu rừng cây Eraka, thầy nắm một chiếc lá, xuồng đi nhanh thầy níu lại, và chiếc lá bị rách tan. Thầy nghĩ thầm "Chuyện vặt!" Trong suốt hai mươi năm thiền định trong rừng, thầy không sám hối lỗi này, nhưng khi gần chết, thầy có cảm giác bị một chiếc
lá Eraka quấn ngang cổ. Thầy muốn thú tội, nhưng không có vị Tỳ-kheo nào gần đó. Tràn đầy hối hận thầy kêu lên:
- Giới phẩm của ta bị khiếm khuyết.
Sau khi chết thầy tái sinh làm Long
vương, kích thước to lớn như một con tàu. Khi sanh ra, thấy hình dạng mình, Long vương buồn bã nghĩ thầm: "Sau khi thiền định lâu dài ta đã tái sinh trong một nơi vô lý, sanh vào đầm lầy của loài ếch".
Khi Long vương có một cô con gái, Ngài nằm trên sông Hằng và đưa cao cái lưng khổng lồ, long nữ hát múa trên lưng. Long vương nghĩ thầm: "Bằng cách này, khi có đức Phật ra đời, ta sẽ biết tin. Trong trường hợp người nào hát đáp được câu hỏi của ta, ta sẽ
gả con gái, luôn cả tài sản và quyền lực của Long vương". Vào một đêm nhằm ngày Bồ-tát, Long vương đặt con gái trên lưng, long nữ nhảy múa và hát đố rằng:
Thế nào gọi là vua?
Thế nào bị gọi là tham dục thống trị?
Làm sao thoát khỏi quyền lực của tham dục?
Tại sao gọi là người ngu?
Tất cả cư dân trên cõi Diêm-phù-đề nói với nhau: "Chúng ta phải thắng long nữ". Với khả năng khôn ngoan nhất,
họ tìm câu trả lời và hát đáp lại, nhưng long nữ đều bác bỏ. Và như thế cứ nửa tháng, long nữ lại xuất hiện, hát múa trên lưng vua cha, điều ấy xảy ra suốt thời gian giữa hai đức Phật.
Khi đức Phật xuất hiện, vào một buổi sáng, Ngài quan sát căn cơ chúng sanh, và nhận thấy Long vương Erakapatta và thanh niên Bà-la-môn Uttara có
nhân duyên đáng độ. Quán sát tiếp, Ngài nhận thấy: "Hôm nay là ngày Long vương đặt con gái lên lưng và cho cô gái hát. Chàng Bà-la-môn Uttara sẽ học câu hát
trả lời do Ta chỉ dạy, chứng Sơ quả và mang câu trả lời đến chỗ Long vương. Khi nghe câu trả lời, Long vương sẽ biết có Phật ra đời và đến gặp Ta.
Khi Long vương đến, Ta sẽ dạy câu kệ giữa pháp hội, vào cuối bài kệ có
tám mươi bốn ngàn người được Pháp nhãn".
Lúc bây giờ bảy cây Sirìsaka không xa Ba-la-nại, và đức Phật đến ngồi dưới gốc cây. Dân chúng chuẩn bị câu hát trả lời và tụ tập với nhau. Ðức Phật thấy Uttara đang đi gần đó, Ngài nói:
- Uttara!
- Thế Tôn! Có việc gì?
- Hãy đến đây!
Uttara
đến đảnh lễ Phật, và ngồi một bên, Phật hỏi:
- Ngươi đi đâu?
- Con đi đến chỗ long nữ, con Long vương Erakapkatta đang hát múa.
- Nhưng ngươi biết câu trả lời chưa?
- Thưa vâng, con biết.
Uttara
đọc lại câu trả lời của chàng cho Phật nghe, Phật dạy:
- Câu trả lời ấy không đúng. Ta sẽ dạy cho ngươi câu trả lời, ngươi có mang đi đáp lại long nữ không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
- Này Uttara! Khi long nữ hát đố, ngươi nên hát trả như sau:
Người nào làm chủ sáu căn, ấy là vua.
Người nào vui thích với sáu căn, ấy là bị tham dục làm chủ.
Người không vui thích với sáu căn, là thoát khỏi tham dục.
Người nào vui thích với sáu căn, là người ngu.
Sau khi dạy Uttara câu trả lời, Phật dạy tiếp:
- Uttara!
Khi ngươi hát xong, long nữ sẽ hát tiếp:
Vì sao người ngu tái sinh?
Bằng cách nào người trí tự tại?
Bằng cách nào chứng Niết-bàn?
Hãy trả lời câu hỏi của ta.
Và ngươi hãy trả lời:
Do lòng tham ái
người ngu tái sanh.
Bằng ý chí người trí được tự tại.
Người thoát khỏi mọi triền phược,
Người ấy chứng Niết-bàn.
Uttara
ghi nhớ câu trả lời và chúng Sơ quả. Sau khi chứng Sơ quả, chàng rao lên:
- Này! Tôi có câu trả lời, hãy tránh đường cho tôi.
Ðám đông nhiều đến nỗi chân chàng lách giữa các đầu gối của họ.
Long nữ đang đứng trên lưng vua cha, vừa múa vừa hát:
- Với quyền lực gì được gọi là vua?
Uttara
trả lời:
- Ai làm chủ sáu căn, ấy là vua.
Long nữ quay sang hát:
- Vì sao người ngu tái sanh?
Uttara
hát trả:
- Vì lòng tham dục nên người ngu tái sanh.
Khi Long vương nghe những câu này, biết rằng đã có một vị Phật xuất hiện ở thế gian. Long vương nghĩ thầm: "Ta chưa hề nghe một bài hát như thế suốt thời gian giữa hai đức Phật. Hôm nay
Phật thật sự ra đời". Lòng nhà vua tràn ngập niềm vui. Long vương vẫy mạnh chiếc đuôi khổng lồ, một lượn sóng lớn dâng lên quét sạch hai bên bờ, dân cư trong khoảng ấy rơi tõm xuống nước. Long vương bèn đưa lưng đỡ hết thảy và đặt lên bờ. Nhà vua tiến đến gần Uttara và hỏi:
- Tiên sinh, đức Phật hiện ở đâu?
- Ðại vương, Ngài đang ngồi dưới cội cây.
- Chúng ta hãy đến đó.
Long vương đi với Uttara, đám đông kéo theo sau. Ðến chỗ Phật, Long vương hóa hiện hào quang trên con đường của mình, và đảnh lễ Phật, lui đứng một bên khóc. Phật hỏi:
- Có điều gì vậy, đại vương?
- Bạch Thế Tôn, con là đệ tử của một đức Phật, và hành thiền suốt hai mươi năm. Nhưng công phu ấy không giúp cho con tránh khỏi quả báo. Chỉ vì con làm rách một chiếc lá Eraka nhỏ, con phải tái sanh làm rồng, bò đi bằng bụng. Trong khoảng thời gian giữa hai đức Phật, con không được làm người, không được nghe pháp, cũng chẳng gặp Phật.
Nghe vậy, đức Phật đáp:
- Này Ðại vương, khó được thân người, khó được nghe pháp, khó có Phật ra đời. Vì Phật muốn thành phải trải qua muôn ngàn gian lao cực khổ.
Ngài nói kệ:
(182) Khó thay, được làm người.
Khó thay, được sống còn.
Khó thay, nghe diệu pháp.
Khó thay, Phật ra đời.
Nghe xong kệ, có tám mươi bốn ngàn người được pháp nhãn thanh tịnh.
4. Phương Cách Giáo Giới Trong Ngày Bố Tát Của Bảy Ðời Ðức Phật
Không làm mọi điều ác ...
Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật đang ở Kỳ Viên, liên quan đến câu hỏi của Tôn giả A-nan.
Ngày nọ, Tôn giả A-nan đang ngồi chợt nghĩ: "Ðức Thế Tôn đã dạy rõ về cha mẹ của bảy đời chư Phật, đã dạy về thọ mạng, cội cây của chư Phật ngồi thành đạo, đệ tử, vị thống lãnh Tăng đoàn và người ngoại hộ chính thức. Tất cả điều đó đức Thế Tôn nói rõ, nhưng Ngài không nói về phương cách giáo giới của bảy đời chư Phật trong ngày
Bố-tát. Phương cách có giống như hôm nay hay khác?".
Nghĩ thế, Tôn giả đến bạch Phật và thưa hỏi những điều như trên.
- Chư Phật tuy khác nhau về thời gian bố-tát, nhưng tương đồng về lời dạy khi giáo giới.
Ðức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassì) bảy năm bố-tát một lần, nhưng lời dạy của Ngài trong hôm ấy áp dụng suốt bảy năm. Phật Thi-khí (Sikhì) và
Phật Tỳ-xá-phù (Vessabhù)
sáu năm bố-tát một lần. Phật Câu-lưu-tôn (Kakusandha) và Câu-na-hàm-mâu-ni (Konàgamana)
bố-tát mỗi năm. Phật Ca-diếp (Kassapa)
sáu tháng bố-tát một lần.
Ðức Thế Tôn đã giảng dạy cho Tôn giả A-nan về thời gian bố-tát của bảy đời chư Phật xong, Ngài giải thích rằng lời giáo giới của chư Phật thường nói trong ngày Bố-tát.
(183) Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.
(184) Chư Phật thường giảng dạy,
Nhẫn, khổ hạnh tối thượng,
Niết-bàn, quả tối thượng,
Xuất gia không phá người,
Sa-môn không hại người.
(185) Không phỉ báng, phá hoại,
Hộ trì giới căn bản,
Ăn uống có tiết độ,
Sàng tọa chỗ nhàn tịnh,
Chuyên chú tăng thượng tâm,
Chính lời chư Phật dạy.
5. Phật Trị Bịnh Bất Mãn Cho Thầy Tỳ Kheo
Dầu mua bằng tiền vàng ...
Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến một thầy Sa-môn bất mãn.
Chuyện kể rằng, một thầy Tỳ-kheo nọ
gia nhập Tăng đoàn và làm đầy đủ bổn phận, bổn sư của thầy ấy dạy rằng:
- Hãy đi đến nơi đó... học luật nghi.
Thầy đi không bao lâu, cha thầy lâm
bệnh. Ông ước ao được gặp con, nhưng không ai tìm ra thầy. Trước giờ lâm
chung, ông lảm nhảm những lời thương nhớ con, ông trao một trăm đồng cho con trai kế, và bảo:
- Hãy cầm tiền này, sắm y bát cho anh con.
Và ông chết.
Khi thầy Tỳ-kheo trở về nhà, người em trai gieo mình dưới chân thầy, lăn tròn trên đất, khóc và nói:
- Tôn giả ơi! Cha đã thiết tha gọi Tôn giả khi sắp chết và đưa cho con một trăm đồng, con phải làm gì?
Thầy Tỳ-kheo từ chối không lấy tiền.
- Ta không cần tiền.
Nhưng sau đó, thầy lại nghĩ: "Có thú vị gì khi ta sống đời khất sĩ? Một trăm đồng này đủ cho ta sinh sống, ta
sẽ hoàn tục".
Bị đè nén bởi lòng bất mãn, thầy lơ
là với kinh kệ, thiền định, và trở nên đau khổ như người mắc bệnh vàng da. Các chú tiểu hỏi thầy:
- Thầy có chuyện gì vậy?
- Tôi đang bất mãn.
Các chú tiểu đi mách lại với quý thầy, và cuối cùng câu chuyện đến tai Phật. Phật gọi thầy lên hỏi:
- Có phải đúng là ông đang bất mãn?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Vì sao? Phải chăng ông có cách sống nào khác?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Gia tài ông được bao nhiêu?
- Thưa, một trăm đồng.
- Tốt lắm, đi tìm vài miểng chén đến đây, ta sẽ làm một bài toán, và biết kết quả ông có đủ phương tiện để sống
hay không?
Thầy Tỳ-kheo đem miểng chén đến, Phật bảo:
- Bây giờ, để ra năm mươi đồng cho thức ăn thức uống, hai mươi bốn đồng mua hạt giống, cày bừa, cuốc xẻng, và
một con dao cạo râu.
Kết quả là một trăm đồng không đủ vào đâu cả. Phật bảo thầy Tỳ-kheo:
- Số tiền ông có rất ít ỏi. Vì sao ông mong ước được thỏa nguyện với một số tiền như thế? Ở thời quá khứ, những vị Chuyển luân vương chỉ cần vẫy tay một cái là mưa tuôn châu báu, mặt đất ngập mười hai dặm vàng bạc. Những người này sống vương giả trải qua ba mươi sáu đời làm Ðế Thích, và mặc dầu làm chư thiên lâu như thế, khi chết vẫn không thỏa mãn ước nguyện.
Khi đức Phật nói xong, các Tỳ-kheo thỉnh Phật nói chuyện quá khứ. Phật bèn kể lại chuyện tiền thân Mandhàtà (Jàtaka 285):
Tận cùng những nơi mặt trời mặt trăng chiếu sáng.
Tất cả mọi người sống trên trái đất đều là nô lệ của Mandhàtà.
Ngài đọc Pháp cú:
(186) Dầu mưa bằng tiền vàng,
Các dục khó thỏa mãn.
Dục đắng nhiều ngọt ít,
Biết vậy là bậc trí.
(187) Ðệ tử bậc Chánh giác,
Không tìm cầu dục lạc,
Dầu là dục chư thiên,
Chỉ ưa thích ái diệt.
6. Sa Môn Và Long Vương.
Loài người sợ hoảng hốt....
Câu chuyện này xảy ra khi đức Thế Tôn ở lại Kỳ Viên, ngồi trên đống cát, liên hệ tới Aggidatta, thầy Tư tế
của vua Ba-tư-nặc.
Aggidatta
(A-kỳ-đạt-đa) là thầy tư tế của vua Mahà Kosala. Khi nhà vua băng hà, con trai Ngài là Ba-tư-nặc lên nối ngôi, cũng kính trọng Aggidatta và cử giữ chức tư tế. Mỗi khi Aggidatta đến,
nhà vua đều chào đón và mời ngồi ngang hàng. Sau một thời gian,
Aggidatta nghĩ thầm: "Nhà vua rất kính trọng ta, nhưng không thể nào được vua sủng ái mãi mãi được. Sống trong hoàng cung rất thú vị cho những ai đồng trang lứa với nhà vua. Còn ta đã già, tốt hơn là nên làm thầy tu". Aggidatta bèn xin nhà
vua được xuất gia, đánh trống rao khắp thành phố, bố thí tài vật suốt một tuần, sau đó rời bỏ thế gian, trở thành thầy tu trong một phái ngoại đạo. Có
mười ngàn người đi theo ông.
Aggidatta
và môn đệ cư trú tại biên giới ba nước: Angas, Ma-kiệt-đà, và
Câu-lâu (Kurus). Ông dạy đệ tử:
- Chư huynh đệ, khi các người bị nhiễu loạn bởi các tư tưởng bất chánh như tham dục, xấu xa độc ác, hãy đến bờ
sông múc đầy bình cát và đổ nơi đây.
Và như vậy khi các thầy bị những tư
tưởng bất thiện quấy rối, họ làm theo lời dạy. Sau thời gian, nơi đó thành đụn cát lớn. Long vương Ahicchatta
đến ở đó. Dân cư các nước Angas,
Ma-kiệt-đà và Kurus hằng
tháng đem theo lễ vật trọng thể đến dâng cúng các thầy. Aggidatta dạy họ như sau:
- Nương tựa nơi núi rừng, hang động, cây cối, đó là những nơi nương tựa vững chắc. Nương tựa như vậy các ngươi sẽ thoát khổ đau.
Khi đó, đức Phật sau khi tu ở Khổ Hạnh lâm và đạt giác ngộ viên mãn, Ngài đến ở Kỳ Viên gần thành Xá-vệ. Quan
sát căn cơ chúng sanh, Ngài nhận thấy Bà-la-môn Aggidatta và môn đệ có cơ duyên chứng quả A-la-hán. Buổi chiều Ngài nói với Tôn giả Mục-kiền-liên:
- Này, Mục-kiền-liên, ông có thấy Bà-la-môn Aggidatta đã dạy mọi người một bài học khác với chân lý? Ông hãy đến khuyện dạy họ.
- Bạch Thế Tôn, các tu sĩ này đông quá, nếu con đi một mình, sợ họ không chịu nghe theo. Nếu Thế Tôn cũng đến đó, chắc họ sẽ vâng lời.
- Ta cũng sẽ đến đó, ông hãy đi trước.
Tôn giả Mục-kiền-liên đi và nghĩ thầm: "Các tu sĩ này đông và có thế lực. Nếu ta đến nói với họ lúc họ đang tụ
họp, chắc họ sẽ xúm lại hại ta". Tôn giả bèn dùng thần thông tạo ra một
trận mưa lớn, các tu sĩ tản mác khắp vòm cây trú ẩn. Tôn giả đến trước lều của Aggidatta và gọi lớn:
- Aggidatta!
Nghe tiếng gọi, Aggidatta nghĩ thầm: "Trên đời này không có ai kêu tên tộc ta như vậy". Với thái độ bướng bỉnh một cách ngạo mạn, ông hỏi:
- Ai đấy?
- Tôi đây, tôi là một Bà-la-môn.
- Anh muốn gì?
- Chỉ cho tôi một chỗ ẩn trú qua đêm nay.
- Ðây không có chỗ cho anh ở lại, chỉ có một lều cỏ vừa vặn cho một tu sĩ.
- Aggidatta! Người có chỗ ở của người, súc vật có chỗ ở của súc vật, và tu sĩ có chỗ ở của tu sĩ. Ðừng ngại, hãy cho tôi ở nhờ.
- Anh là một tu sĩ?
- Phải, tôi là tu sĩ.
- Nếu là tu sĩ, bình Khàri của anh đâu? Vật dụng của anh đâu?
- Tôi cũng có vật dụng nhưng mạng theo mình bất tiện, nên toiâ tự tìm lấy trên đường đi của mình.
Aggidatta
nổi giận:
- Vậy anh cứ tìm lấy trên đường của
anh đi!
- Thôi, Aggidatta! Ðừng nổi nóng, hãy chỉ cho tôi một nơi ở qua
đêm.
- Ðây không có chỗ ở.
- Thế ai ở trong đồi cát kia?
- Long vương đấy!
- Hãy cho tôi ở đồi cát đó.
- Tôi không thể để anh ở đó, điều ấy là một điều sĩ nhục lớn đối với Long vương.
- Không sao, hãy cho tôi ở đó.
- Ðược thôi, rồi anh sẽ thấy.
Tôn giả đi đến đồi cát. khi Long vương thấy Tôn giả đi đến gần, nghĩ thầm: "Ông thầy kia đi đến đây, chắc ông ấy không biết có ta. Ta sẽ phun khói giết ông ấy". Nghĩ thế Long vương phun
khói mù mịt. Tôn giả nghĩ: "Long vương này tự cho mình có thể phun khói, không ai khác phun khói được chắc". Và Tôn giả cũng phun khói. Hơi khói của
hai bên bay lên đến trời Phạm thiên, khói không gây hề hấn gì đối với Tôn giả nhưng khiến cho ông Long vương khó chịu. Long vương không thể ở mãi trong hơi khói, bèn bốc thành lửa. Tôn giả bèn nhập Hỏa quang tam-muội, và lửa trong thân Ngài bốc lên đến Phạm thiên. Toàn thân Tôn giả như một cây đuốc cháy. Các tu sĩ chung quanh thấy thế, đều nghĩ rằng: "Long vương đang phun lửa đốt thầy tu kia. Ông ta chắc phải chết vì không nghe lời chúng
ta". Khi Tôn giả chế phục Long vương xong, Ngài ngồi kiết già trên đồi cát. Long vương bày biện thức ăn ngon chung quanh đồi cát, và biến cái đầu rồng thành một mái che rộng lớn, che trên đầu Tôn giả.
Sáng sớm hôm sau, các tu sỉ đi đến đồi cát xem Tôn giả chết hay chưa, họ thấy Tôn giả ngồi trên cát, liền đảnh lễ tôn kính Ngài và nói:
- Tôn huynh, chắc Long vương đã quấy nhiễu ghê gớm đến tôn huynh.
- Các vị không thấy y đương che mát
cho tôi đó ư?
Các tu sĩ nói:
- Sa-môn này đã chiến thắng Long vương hung dữ thật kỳ diệu làm sao!
Rồi họ đứng vây quanh Tôn giả.
Lúc ấy Thế Tôn đi đến. Tôn giả đứng
lên đảnh lễ Ngài. Các tu sĩ hỏi:
- Vị này lớn hơn Ngài ư?
- Ðây là đấng Ðại Giác, đức Thế Tôn. Tôi chỉ là đệ tử Ngài.
Phật đến ngồi trên đỉnh đồi cát. Các tu sĩ bảo nhau:
- Nếu thần thông của đệ tử như thế,
thì thần thông của vị này còn cao đến đâu?
Và họ cung kính chắp tay đảnh lễ Phật, xưng tụng Ngài. Phật bảo Aggidatta:
- Aggidatta ngươi dạy môn đệ và thi chủ thế nào?
- Con dạy họ vầy: "Nương tựa nơi núi rừng, hang động, cây cối. Ðó là những nơi nương tựa vững chắc. Nương tựa
như vậy các ngươi sẽ thoát khỏi khổ đau.
- Không đúng! Này Aggidatta! Ai nương tựa vào những nơi ấy không thoát khỏi đau khổ. Chỉ có người quy y Phật, Pháp, Tăng mới hoàn toàn thoát khỏi vòng khổ đau.
Ngài nói kệ:
(188) Loài người sợ hoảng hốt,
Tìm nhiều chỗ quy y,
Hoặc rừng rậm, núi non,
Hoặc vườn cây, đền tháp.
(189) Quy y ấy không ổn,
Không quy y tối thượng.
Quy y các chỗ ấy,
Không thoát mọi khổ đau.
(190) Ai quy y đức phật,
Chánh pháp và chư Tăng,
Ai dùng chánh tri kiến,
Thấy được bốn Thánh đế.
(191) Thấy khổ đau và khổ tập,
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành,
Ðưa đến khổ não tận.
(192) Thật quy y an ổn,
Thật quy y tối thượng,
Có quy y như vậy,
Mới thoát mọi khổ đau.
Bài pháp kết thúc, tất cả các tu sĩ
đều chứng A-la-hán và có thần thông. Họ đảnh lễ Phật và xin vào Tăng đoàn, đức Thế Tôn đưa tay ra và bảo họ:
- Thiện lai, Tỳ-kheo! Hãy sống đời thánh thiện.
Ngay lúc đó các thầy trở thành Tỳ-kheo như đã tu từ cả một trăm năm, và đầy đủ tám món cần thiết.
Bấy giờ, vào ngày tất cả dân cư ba nước Angas, Ma-kiệt-đà và
Kurus theo thường lệ mang nhiều phẩm vật đến cúng. Khi họ thấy các thầy đều trở thành Tỳ-kheo, họ nhủ thầm: "Bà-la-môn Aggidatta
của chúng ta lớn hay Sa-môn Cồ-đàm lớn?" Và nhận thấy đức Thế Tôn đã từ chỗ mình đến đây, họ kết luận: "Chỉ có Aggidatta lớn". Ðức Phật biết ý họ, nói:
- Aggidatta, hãy dẹp tan mối nghi ngờ của các môn đệ ông.
Aggidatta
đáp:
- Ðó là điều con rất mong.
Và ông dùng thần thông bay lên hư không bảy lần, mỗi lần bay xuống đều đảnh lễ đức Phật và bạch:
- Bạch Thế Tôn, Ngài là thầy con, con là đệ tử Ngài.
Khi Aggidatta nói thế, ông mặc nhiên công nhận mình là đệ tử Phật.
7. Người Cao Quý Sinh Ở Ðâu?
Khó gặp bậc thánh nhân ...
Câu chuyện này xảy ra khi đức Phật ở
tại Kỳ Viên, liên quan đến câu hỏi của Tôn giả A-nan.
Một hôm, Tôn giả A-nan ngồi tại nơi
cư trú ban ngày, nghĩ thầm: "Thế Tôn đã dạy chúng ta về dòng dõi của những loài voi, ngựa và bò quý, Ngài nói con voi cao quý phát sinh từ giống
Chaddanta hay giống
Uposatha, ngựa cao quý phát sinh từ dòng dõi Valàhaka
là dòng ngựa chúa, và báo cao quý xuất phát từ dòng giống Dekkan. Còn người cao
quý phát xuất từ đây?".
Tôn giả đi đến chỗ Phật, đảnh lễ và
thưa hỏi về vấn đề trên. Phật dạy:
- Này A-nan, người cao quý không thể sinh ra ở bất cứ nơi nào, mà phải sinh trong phạm vi đường kính ba trăm dặm, cùng chu vi chín trăm dặm của thủ đô một nước. Và không phải sinh ra ở bất cứ gia đình nào, mà phải là gia đình thuộc dòng Sát-đế-ly hay Bà-la-môn.
Ngài nói kệ:
(193) Khó gặp bậc thánh nhân,
Không phải đâu cũng có,
Chỗ nào bậc trí sanh,
Gia đình tất an lạc.
8. Ðiều Gì Hạnh Phúc Nhất Trên Ðời?
Vui thay Phật ra đời! ...
Câu chuyện này được kể lại khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến một số thầy Tỳ-kheo.
Một hôm năm trăm Tỳ-kheo ngồi ở pháp đường và bàn luận:
- Chư hiền, điều gì là hạnh phúc nhất trên đời?
Người thì nói:
- Không có gì hạnh phúc bằng làm vua.
Người khác nói:
- Chỉ có tình yêu là hạnh phúc nhất.
Còn có người nói:
- Chỉ có ăn ngon là hạnh phúc nhất.
Ðức Phật đi đến chỗ các thầy và nói:
- Các ông ngồi đây bàn tán về vấn đề gì?
Các Tỳ-kheo kể lại, Phật dạy:
- Này các Tỳ-kheo! Các ông nói thế nào? Tất cả các hạnh phúc các ông vừa kể đều nằm trong vòng luân hồi đau khổ.
Ngược lại, gặp Phật ra đời, được nghe chánh pháp, sống thanh tịnh và hòa hợp trong Tăng đoàn, những điều ấy là
hạnh phúc nhất.
Ngài nói kệ:
(194) Vui thay, Phật ra đời!
Vui thay, Pháp được giảng!
Vui thay, Tăng hòa hợp!
Vui thay, hòa hợp tu!
9. Tôn Kính Những Bậc Ðáng Tôn Kính
Cúng dường bậc đáng cúng ...
Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật đang đi du hóa, liên hệ đến ngôi đền vàng của Phật Ca-diếp.
Một hôm, đức Phật đi từ Xá-vệ đến Ba-la-nại cùng với một số đông các Tỳ-kheo theo sau. Trên đường Ngài ghé qua
một ngôi đền làng Todeyya.
Ðức Phật ngồi tháp và sai Tôn giả A-nan gọi người Bà-la-môn đang cày bừa gần đấy. Khi người Bà-la-môn đến, ông không chào Phật mà chỉ đảnh lễ ngôi đền. Sau đó ông đến đứng trước Phật, Phật hỏi:
- Vì sao ông lưu tâm đến chỗ này?
Bà-la-môn trả lời:
- Ngôi đền này đã có từ nhiều thế hệ, vì thế tôi tôn kính nó.
Phật khen ông:
- Này Bà-la-môn, lành thay, ông tôn
kính ngôi đền này rất đúng.
Khi các Tỳ-kheo nghe câu chuyện, các thầy bàn tán:
- Vì lý do gì Thế Tôn khen ngợi như
thế?
Phật bèn dạy đoạn kinh Ghatìkàra trong Trung
Bộ (Majjhima Nikàya) để giải quyết mối nghi cho các Tỳ-kheo. Ngài dùng thần thông hóa hiện một trái núi bằng vàng giữa không trung, nơi ấy hiển hiện ngôi tháp của đức Phật Ca-diếp cao một dặm. Ngài chỉ tay vào chúng
đệ tử và nói:
- Bà-la-môn, càng đúng hơn khi tôn kính những ai đáng tôn kính, như những vị này.
Và dùng lời trong một đoạn kinh Ðại
Niết-bàn, Ngài dạy có bốn hạng người: Phật, Bích Chi Phật, A-la-hán và Chuyển luân vương xứng đáng xây tháp. Có ba loại tháp: tháp thờ xá-lợi Phật, tháp thờ những di tích kỷ niệm, và tháp thờ những vật tùy thân.
Phật nói Pháp Cú:
(195) Cúng dường bậc đáng cúng,
Chư Phật hoặc đệ tử,
Các bậc vượt hý luận,
Ðoạn diệt mọi sầu bi.
(196) Cúng dường bậc như vậy,
Tịch tịnh, không sợ hãi.
Các công đức như vậy,
Không ai ước lượng được.