Lê Sỹ Minh Tùng
PHẦN I
Là tám con đường ngay thẳng để giúp chúng sinh đến đời sống chí diệu và cũng là tám con đường mầu nhiệm để đưa chúng sinh đến địa vị Thánh. Bát chánh đạo gồm có: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và cuối cùng là chánh định. Đức Phật Thích Ca đã nói Bát chánh đạo như thế nào thì tam thế Phật cũng nói Bát chánh đạo như thế ấy, có nghĩa là Phật trong quá khứ và những vị Phật trong tương lai cũng nói Bát chánh đạo cũng y như thế vì nó là chân lý. Chữ “chánh” trong bát chánh đạo có nghĩa là đúng.
1) Chánh kiến (Right view): là thấy biết một cách công minh ngay thẳng tức là thấy biết đúng. Khi chúng sinh thấy biết mọi việc và mọi vật đúng thì bao nhiêu chấp ngã mê lầm sẽ không còn trong tâm của họ nữa. Sự thấy biết đúng nầy chính là phương cách duy nhất để bắt đầu tận diệt mọi kiến hoặc và cũng là bước đường căn bản để chuẩn bị tiêu trừ mọi tư hoặc sau nầy. Vì thế Phật mới đưa chánh kiến ra trước là như vậy. Tuy cứu cánh của đạo Phật là giải thoát giác ngộ, nhưng triết lý của đạo Phật luôn luôn gắn liền với cuộc sống của thế gian nầy.
Con
người
vì vô minh che lấp nên khó thấy biết đúng. Vật thể
vũ trụ thì vô tình mà con người gán ép cho chúng những danh
từ hoa mỹ. Chẳng hạn như đồi thông buồn ảm đạm hay
mặt nước hồ thu sầu man mác. Đồi thng đâu có biết buồn
và mặt nước làm gì biết sầu man mác. Do đó muốn thấy
biết đúng thì đừng cộng thêm ngã kiến vào. Thấy sao biết
vậy thì không sanh vọng tâm. Có thấy biết đúng mới suy
tư đúng rồi phát lời nói đúng và sau cùng là hành động
đúng. Như thế Chánh kiến là nền móng vững chắc để xây
căn nhà Bát chánh đạo.
Không
có căn nhà Bát chánh đạo nào bền vững nếu người tu không
dụng tâm thực hành thâm sâu hằng ngày Chánh Kiến để giúp
chúng ta thấy biết đúng. Có thấy biết đúng thì mới thực
hành thâm sâu câu:”Vạn pháp giai không, duyên sanh như huyễn”
để thân, khẩu, ý được thanh tịnh. Thêm nữa, chúng ta đang
sống trong một thế giới tương đối, có nghĩa là cái nầy tương trợ cho cái kia. Nói một cách khác là nếu muốn thấy
biết đúng thì chúng ta phải thấy biết đâu là tà kiến.
Càng thấy biết nhiều tà kiến tức là chúng ta đã thấy
biết nhiều chánh kiến vậy.
Chẳng hạn như triết lý căn bản của Phật giáo là nhân quả mà chúng ta cứ tin vào xin xăm, bói quẻ hay coi sao cúng hạn thì chúng ta đang đi trên con đường tà kiến. Mình gây nhân mà muốn người khác thay quả thì có được không? Không làm lành, bố thí mà muốn hưởng phước thì có thành tựu không? Không tu luyện mà muốn thành Phật có được không? Nếu có ai xưng mình là Bồ tát nầy hay là Quán Thế âm nọ thì đây chắc chắn là tà kiến. Bồ tát hay A La Hán thị hiện trong thế gian nầy rất nhiều nhưng không bao giờ họ tiết lộ tung tích của họ cả. Tại vì sao? Bậc Thánh làm việc vì lợi cho nguời, tức là lợi ích cho chúng sanh mà không quan tâm gì đến họ. Họ tự nguyện vào đời để cứu giúp chúng sinh rồi ra đi. Còn phàm nhân thì làm việc vì tư lợi và danh lợi cho mình chớ không phải công ích cho người.
Khi Đức Phật còn tại thế, một hôm Ngài hỏi các thầy Tỳ kheo rằng:
-Mạng người sống được bao lâu?
-Bạch Thế Tôn! Mạng người sống được mười năm.
Phật bảo:
-Ông chưa thấy đạo.
Thầy tỳ kheo khác thưa:
-Mạng người sống được một năm.
Phật lắc đầu nói:
-Ông cũng chưa thấy đạo.
Cứ thế các thầy Tỳ kheo thay nhau trả lời mạng người sống trong ba tháng, một tháng đến một ngày…sau cùng vị Tỳ kheo chót đứng dậy bạch với Phật rằng:
-Bạch Thế Tôn! Mạng người sống trong hơi thở mà thôi.
Phật gật đầu khen:
-Ông đã thấy đạo.
Phật nói đạo ở đây là chân lý bởi vì con người mà không còn hơi thở thì mất mạng. Thấy được mạng sống con người là mông lung, là tạm bợ mà nhà Phật gọi là giả Có thì chúng ta đã thấy biết đúng, tức là chánh tri chánh kiến vậy.
Nói chung con người có năm tà kiến cần được chú ý. Đó là:
o Thân kiến là si mê lầm tưởng cho là thân ta và những vật của ta là thật Có.
o Biện kiến là khi đã cố chấp thân ta và vật của ta là thật Có thì những người nầy chắc chắn sẽ thiên về: thứ nhất theo chủ nghĩa thân ta chết là hết , là đoạn diệt, tức là Vô hoặc theo chủ nghĩa thân ta chết mà vẫn còn, không mất, không thay đổi, có nghĩa thân ta là thường trụ, là Hữu.
o Kiến thủ kiến là học theo những ý kiến chủ nghĩa tà thuyết, kém cỏi, hẹp hòi của tà đạo mà họ cho là mầu nhiệm.
o Giới thủ kiến là học theo những giới luật nhảm nhí của bọn tà ma để cầu sinh lên trời…
o Tà kiến là tin theo những lý luận hay đạo giáo sai lầm cho rằng đời người không có nhân quả và cũng không có thiện ác báo ứng chi cả.
Chính năm tà kiến nầy làm cho con người tối tăm mù quáng và đắm chìm trong vẫn đục. Tuy nhiên tà kiến là những đối tượng sâu sắc giúp chúng ta có thể nhận chân đâu là Chánh Kiến để làm nền tảng cho tiến trình tu học Bát Chánh đạo cho được viên mãn.
2)
Chánh tư duy (Right Thought): là suy nghĩ, xét nghiệm cho đúng.
Sau khi chúng ta thấy biết đúng thì bây giờ Phật dạy chúng
ta hãy suy tư, nghiền ngẫm những chân lý của Phật.Ý Phật
muốn nói là đừng tin những gì Phật nói mà hãy suy nghĩ
chín chắn để tìm ra lẽ thật của nó thì lúc đó chúng
ta tin cũng chưa muộn. Nói một cách khác tư duy là ôn lại
những đạo lý nhiệm mầu của Phật pháp. Khi chính mình suy
nghĩ đúng thì tâm không còn quây cuồng điên đảo vì thế
đây là con đường đưa đến tâm thanh tịnh. Chẳng hạn như
khi chúng ta nghe pháp hay đọc kinh mà không suy nghĩ lại thì
đạo tâm của mình còn rất yếu bởi vì nếu không suy nghiệm
lại thì làm sao chúng ta biết được triết lý ấy nhiệm
mầu đến mức nào.
Một
khía cạnh rất thực tế khác về chánh tư duy là chúng ta
phải đối chiếu hay so sánh những chân lý vừa học được
vào trong cuộc sống hằng ngày. Ngay cả chân lý của Phật
cũng vậy, có đem nó ra suy nghĩ, áp dụng, thực hành vào trong
cuộc sống thì mới được thấy ánh sáng của chân lý. Bởi
vậy Kinh Phật mới có câu:”Đại nghi mới đại ngộ”.
Chẳng hạn như kinh dạy “quán pháp vô thường”, có nghĩa
là tất cả mọi vật trên thế gian nầy đều biến đổi
theo luật thành, trụ, diệt, không. Do đó khi chúng ta suy nghĩ
kỷ lời Phật dạy thì thấy điều nầy là đúng. Đó là
chánh tư duy vậy. Muốn thấy được sự tiến bộ trong khi
học Phật là chúng sinh phải biết suy tư. Đây là phần bắt
đầu của Thiền định. Thiền ở đây không phải là ngồi
kiết già mà phải biết suy tư quán chiếu lời Phật dạy
để thấy cái chân lý của nó. Muốn đi sâu vào trong thiền
định thì phải bắt đầu bằng tư duy.
Thí
dụ như khi học Kinh Kim Cang, Phật dạy:” Thật tướng vô
tướng”. Nếu chúng ta chỉ đọc sung thì đâu nghĩ ra
cái vô tướng của vạn vật như thế nào vì nó không có
hình tướng. Nhưng nếu chúng ta đem câu nầy ra suy nghĩ thật
kỷ thì thấy rằng mọi vật thể là do nhân duyên kết thành.
Mà đã là do nhân duyên thì nó không chắc thật, tức là không
có tự tánh, vì thế nó sẽ biến đổi theo luật vô thường
là thành, trụ, hoại, không. Còn cái tướng thật thì ngũ
quan không thấy biết, tiềm ẩn bên trong mà nhà Phật gọi
là vô tướng. Do đó vô tướng là Thể của vật chất tức
là Không mới thật sự là tướng thật của vạn vật.
Do đó tư duy là dùng đối tượng để suy nghĩ hay quán chiếu cho đúng. Không suy nghĩ tà bậy thì tâm không sanh vọng tưởng. Tam vô lậu học là Giới-Định-Tuệ mà chánh tư duy là chìa khóa để mở cánh cửa giới định tuệ nầy. Hằng ngày chúng ta dụng tâm suy nghĩ biết bao chuyện thăng trầm của cuộc sống thì chánh tư duy sẽ giúp chúng ta nhìn thấy rõ ràng việc nào là thiện và bất thiện để vun bồi cho cuộc sống thêm an vui tự tại. Không chạy theo tham dục của cuộc đời trước hết phải có cái thấy biết và cái suy nghĩ đúng dựa theo triết lý vô ngã vị tha của nhà Phật. Nên nhớ chánh tư duy không phải là thích tư duy, bởi vì chánh tư duy là suy nghĩ về đạo lý, về việc thiện để thanh lọc và giữ tâm được thanh tịnh còn thích tư duy là muốn suy nghĩ nhiều về thế gian pháp. Đây là con đường dẫn đến phiền não. Vì thế khi suy nghĩ mà làm cho tâm chúng ta lặng lẽ an vui tức là tư duy đúng, còn suy nghĩ mà làm cho tâm thêm tức giận tức là tư duy sai chỉ tạo thêm phiền não, khổ đau mà thôi.
Trong tam huệ học là văn, tư, tu thì tư duy là một pháp môn giúp con người rèn luyện trí tuệ của họ cho chân chánh. Có suy nghĩ chân chánh thì tri kiến mới chân chánh và dĩ nhiên lời nói và hành động mới chân chánh. Vì thế chánh tư duy giữ một vai trò tối quan trọng để giúp chúng sinh đến chỗ giải thoát giác ngộ.
Con người sống trong thế gian nầy phải gánh chịu đau khổ chất chồng cũng vì chúng ta chạy theo vọng tưởng, có nghĩa là suy nghĩ không đúng. Vì thế chánh tư duy, tức là dùng tư tưởng chân chánh để đánh đổ mọi si mê của vọng tưởng như:
-Đánh
đổ tư tưởng về dục lạc: hằng ngày những tư tưởng
về dục lạc như tài, sắc, danh, lợi dính liền với sắc
thanh, hương, vị, xúc, pháp làm cho tâm chúng ta điên đảo.
Bây giờ chánh tư duy giúp chúng ta suy nghĩ đến tính vô thường,
tạm bợ, mau tan rã của tất cả các pháp thế gian. Chúng
ta suy nghĩ lại lời Đức Phật ví sự tan hợp của pháp thế
gian như là giấc mộng, như trò huyễn hóa, như bọt nước,
như ảo ảnh, như sương mai, như ánh chớp trên không mà thôi.
Khi suy nghĩ như thế thì dần dần chúng ta tách ra khỏi sự
trói buộc của dục lạc thế gian và cuộc sống sẽ trở
thành an vui tự tại. Vì thế một triết gia Tây phương có
câu:”Muốn có được những hạnh phúc cao thượng thì hãy
lánh xa những lạc thú đê hèn”.
-Đánh
đổ tư tưởng sân hận: Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật
có dạy rằng:” Họ nhục mạ ta, đánh đập ta, chiến thắng
ta và cướp đoạt của ta. Người nào hằng ôm ấp những
tâm niệm như thế thì oán hận không bao giờ nguôi. Còn kẻ
nào thoát ly được những tâm niệm ấy thì oán hận ắt phải
tiêu tan”. Do đó muốn an vui thì đừng nuôi dưỡng trong tâm
những tư tưởng sân hận. Phật lại dạy thêm:”Phải dứt
bỏ sân hận, phải tránh xa ngã mạn và đoạn lìa mọi ràng
buộc thì phiền não không thể chi phối được”. Nói thế
thì những người ôm ấp tư tưởng sân hận là tự họ đang
đốt cháy lấy mình bằng chính những tư tưởng sân hận
đó trước khi họ chuyển sang hành động để ám hại kẻ
khác. Muốn loại những tư tưởng sân hận thấp hèn nầy
thì con người phải rèn luyện đức tính Từ, Bi, Hỷ, Xả.
Vì chỉ có lòng từ bi mới xóa bỏ được hận thù. Có như
thế thì tâm hồn của chúng ta sẽ cởi mở, trong lành và
mát dịu.
- Đánh
đổ tư tưởng hại người: Con người vì quá chấp ngã và
ngã sở nên sẵn sàng tiêu diệt, hảm hại những kẻ nào
đụng đến quyền lợi và danh dự của mình. Nhưng Đức Khổng
Tử có câu:”Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, có nghĩa
là cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người. Thế
thì nếu mình biết tự ái, biết lo bảo vệ hạnh phúc và
sự sống của mình thì tại sao không tôn trọng hạnh phúc
và sự sinh tồn của kẻ khác? Vậy nếu ta không muốn đau
khổ thì đừng bao giờ tìm hạnh phúc trên sự đau khổ của
người. Vì thế Đức Phật lại dạy rằng:”Ai ai cũng sợ
gươm đao, ai ai cũng đều sợ chết. Do đó không nên giết
hại và cũng không nên bảo ai giết hại mà nên thực hành
tâm hỷ xả, bao dung để diệt trừ tâm niệm hảm hại kẻ
khác”.
Tư
tưởng thì vô cùng vô tận nhưng chính Đức Phật đã gom
lại 10 tư tưởng chính để giúp chúng sinh dễ dàng tư duy
quán chiếu. Đó là:
1) Vô thường tưởng: Thế gian, vạn hữu là vô thường. Khi
chúng ta suy nghĩ sự sinh diệt của thân và tâm là để giải
phóng tư tưởng ra khỏi các vọng chấp tướng.
2) Khổ tưởng: Có thân là có khổ. Sanh khổ, lão khổ, bệnh
khổ, chết khổ và bao nhiêu phiền muộn, bất lợi, uất ức,
phiền não…làm cho con người không được an vui tự tại.
3) Vô ngã tưởng: Không có vật thể nào trên thế gian nầy mà
tự nó có thể sanh tồn và phát triển mà không cần nhân
duyên hòa hợp kể cả cái Ta của chúng ta. Vì thế vạn hữu
là vô ngã. Nhờ suy tưởng như thế mà dần dần chúng ta thoát
ra khỏi chấp ngã và ngã sở để đi đến chỗ tự tại vô
ngại.
4) Yếm ly thực tưởng: tư tưởng không vướng bận trong việc
mưu sinh. Chính Đức Phật đã dạy các vị Tỳ kheo phải tiết
độ trong việc ẩm thực, bởi vì “ăn để sống chớ không
phải sống để ăn”. Suy nghĩ như thế là để chúng ta không
còn lệ thuộc vào vật chất một cách quá đáng. Thật ra
con người từ cổ chí kim, từ Đông qua Tây có chém giết
lẫn nhau cũng vì miếng cơm manh áo, tức là tranh giành ảnh
hưởng kinh tế. Như thế chúng ta phải xem ăn uống như là
phương tiện chớ đừng đặt nó làm mục đích của cuộc
sống bởi vì cứu cánh của đời sống phải là cái gì cao
thượng hơn.
5) Dục lạc tưởng: là Tham-Sân-Si mà đó là kết quả của vô
minh và ái dục. Ngoài ra Đức Phật cũng dạy rằng:”chúng
sinh bị chi phối bởi tám pháp thế gian là được lợi, mất
lợi, được danh, mất danh, được khen, bị chê, được vui,
bị khổ. Người nào có thể tự mình giải phóng tư tưởng
ra khỏi những căn bản bất thiện trên thì chắc chắn sẽ
được tự do, giải thoát.”
6) Tử tưởng: Có sanh tất có ngày chết. Vì đã thông hiểu
ngũ uẩn là Không nên con người không tham sống hay sợ chết.
Sống thì an vui tự tại, còn chết thì bình thản, nhẹ nhàng
có gì phải sợ.
7) Đa quá tội tưởng: đây là nói về thân kiến, có nghĩa là
quá quý trọng thân xác và bảo vệ nó với bất cứ giá nào.
Chính Đức Phật dạy phải giữ gìn cho thân thể khỏe mạnh
để dễ dàng tu niệm mà phát sanh trí tuệ chớ Đức Phật
không bao giờ dạy chúng sanh phải quý trọng thân xác của
mình bao giờ. Một người khỏe mạnh có thể hy sinh thân mình
cho nghĩa cử vị tha cao đẹp, ngược lại người quá quý
trọng xác thân có thể hảm hại kẻ khác để mình được
vinh thân phì gia.
8) Ly tưởng: là xuất ly tam giới để được giải thoát giác
ngộ.
9) Diệt tưởng: là nuôi hoài bảo tâm niệm tận diệt mọi phiền
não khổ đau.
10)
Vô ái tưởng: Cuối cùng là giải phóng tư tưởng ra khỏi
ái dục. Phật lại dạy rằng:” Ái dục sinh ra sầu muộn,
ái dục sinh ra lo sợ. Người đã hoàn toàn dập tắt ái dục
thì sẽ không còn sầu muộn và lo sợ”. Thật vậy, ngày
nào tư tưởng của chúng ta còn bị ảnh hưởng ái dục thì
ngày đó chúng ta chưa thể tự tại vô ngại được.
Vì
sự quan trọng của tư duy nên Kinh Phật cũng có câu:”Tam
giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, có nghĩa là trong ba cõi
Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới chỉ do tâm mình tạo
ra và vạn pháp cũng do thức mình tạo ra mà thôi.
Nói
tóm lại, không có cuộc cách mạng nào khó khăn cho bằng cuộc
cánh mạng để giải phóng tư tưởng ra khỏi mọi ràng buộc
của ngoại cảnh cũng như những ô nhiễm từ trong nội tâm,
vì tư tưởng đòi hỏi nhiều thử thách, cam go qua các giai
đoạn phấn đấu để tìm tự do. Khi nào tư tưởng được
hoàn toàn tự chủ tức là không còn lệ thuộc vào một sở
tri chướng hay một phiền não chướng nào thì đó chính
là chánh tư duy vậy.
3)
Chánh ngữ (Right Speech): là lời nói thành thật, ngay thẳng,
công bình và hợp lý. Sau khi Phật dạy cho chúng ta thấy biết
đúng, rồi tư duy đúng thì bây giờ Phật mới giới thiệu
đến cách nói cho đúng. Thật ra chánh ngữ không phải chỉ
giới hạn trong lời nói chân thật mà còn phải:
·Tránh
dùng lời phao vu để chia rẽ, hay gây bất hòa giữa người
nầy với người khác. Trái lại chúng ta phải tìm cách đem
lại hòa hợp và thông cảm giữa mọi người.
·Tránh
dùng lời thô lỗ để hạ nhục kẻ khác mà trái lại phải
nói lời thanh tao, lễ độ để an ủi, khuyến khích hay thuyết
phục kẻ khác.
·Tránh
những câu chuyện phiếm vô bổ mà nên nói đúng lúc, hợp
lý và hữu ích. Cũng có trường hợp, khi chúng ta nói chân
thật và lễ độ mà vẫn chạm đến tự ái của kẻ khác
khiến họ phật lòng.
Nhưng
chúng ta có nói tốt, nói xấu là bởi tại vì mình nghĩ tốt,
nghĩ xấu về người đó hay việc đó. Do đó ý là nhân mà
thân khẩu là quả của nó. Vì thấy tầm quan trọng nầy nên
chánh ngữ phải đi sau chánh tư duy. Nếu khen một người nào
bởi vì chúng ta đã có ấn tượng tốt về người ấy. Ngược
lại nếu muốn chửi người đó thì trong tâm chúng ta phải
ghét họ trước. Do đó lời nói là sản phẩm phản ảnh những
gì trong tâm khảm của chúng ta. Ngày xưa khi Tổ Bồ-Đề Đạt
Ma vừa đến Trung quốc thì Ngài vào yết kiến vua Lương Võ
Đế.
Vua
Lương Võ Đế là một Phật tử tại gia đã thọ Bồ tát
giới. Chính nhà vua đã xây 480 ngôi chùa rất lớn và khuyến
khích khuyên người xuất gia. Đây được xem là thời đại
cực thịnh cho Phật giáo ở Trung Hoa vì nhà vua dùng oai quyền
và tài lực của mình để xây dựng chùa và cúng dường người
xuất gia. Vua Lương Võ Đế rất tự hào về việc làm của
mình và muốn khoe với Tổ Bồ-Đề Đạt Ma nên hỏi:”Công
đức của tôi lớn không?”. Tổ là người thật thà đáp
rằng:”Không có công đức gì hết!”. Vua Lương Võ Đế
nghe xong câu nầy thì không được vui, như bị tạt thau nước
lạnh lên đầu, rất thất vọng nên nói:”Được rồi, tôi
sẽ không hộ pháp cho ông”. Vì thế sau lần gặp gỡ nầy
Tổ phải lên chùa Thiếu Lâm, ngồi đối mặt vào tường
hết chín năm mới truyền y bát cho Tổ Thiền tông Trung quốc
thứ hai là Tổ Huệ Khả. Giả sử năm xưa Tổ Đạt Ma tùy
thuận theo nhân tình mà nói với vua Lương Võ Đế là :”Công
đức của nhà vua rất lớn” thì dĩ nhiên nhà vua rất hoan
hỷ hộ pháp cho Tổ ngay.
Nhưng
một người chân chính tu hành tuyệt đối không vì danh văn
lợi dưỡng mà nói ngược lại chánh pháp. Mặc dù Vua Lương
Võ Đế xây trên 480 ngôi chùa mà vẫn không có công đức
là chánh pháp vì kinh Phật có dạy rằng:” cho dù bạn có
xây tháp bảy báu khắp hết tam thiên đại thiên thế giới
thì cũng không có công đức gì”. Rất tiếc vua Lương Võ
Đế tuy là người rất nhiệt tâm vì Phật giáo, nhưng kiến
thức am hiểu về Phật pháp còn nông cạn nên chẳng những
không hiểu lời nói sâu xa của Tổ mà bỏ mất cơ hội gieo
duyên lành với bậc Thánh. Dựa theo lời nói thì chúng ta có
thể thấy cái bản ngã của nhà vua còn lớn hơn cả nước
Tàu.
Trong
Kinh Kim Cang, Phật dạy rằng khi bố thí thì phải bố thí
vô tướng và khi độ sanh thì nên thực hành độ sanh vô ngã.
Nếu bố thí vô tướng và độ sanh vô ngã thì sẽ hàng phục
vọng tâm và an trụ được chơn tâm. Một khi tâm đã định
thì trí tuệ sẽ phát sinh. Nhà vua độ sanh vì bản ngã thì
làm gì có được công đức. Vì công đức là pháp vô lậu
thì phải do trí tuệ mà sanh, có nghĩa là phải tự mình tu
luyện để được giải thoát giác ngộ. Còn tài vật là pháp
hữu lậu, tức là pháp sinh diệt thì thuộc về tạo phước
đức mà thôi. Càng bố thí cúng dường thì càng nhiều phước
đức về sau nhưng nó không giúp cho chúng ta ra khỏi lục đạo
luân hồi. Về việc nầy Kinh Phật cũng viết rằng:”Giả
linh cúng dường hằng sa Thánh. Bất như kiên dũng cầu Chánh
giác” , có nghĩa là: “nếu cúng dường chư Thánh nhiều
như cát sông Hằng, cũng không bằng kiên quyết dũng mãnh cầu
thành Phật”. Vì thế muốn liễu sanh tử tức là thoát khỏi
luân hồi thì phải tu và tích lũy công đức mới được.
Muốn
thực hành chánh ngữ một cách rốt ráo, Đức Phật mô tả
lời nói của bậc thiện tri thức với năm điều kiện là:
Ø Phát biểu đúng lúc: Nếu lời nói chân thật mà không phát biểu đúng lúc thì thành ra vô ích do đó người thiện trí phải tế nhị áp dụng lời nói của mình cho đúng chỗ, đúng lúc.
Ø Hợp với sự thật: Bậc thiện trí thức nói một lời phải dựa trên sự thật, không ngụy biện và không lừa dối.
Ø Đem lại lợi ích: Lời nói phải có mục đích và ý nghĩa của nó. Cho dù là lời nói thật nhưng không có mục đích đem lại lợi ích cho ai thì đó cũng chỉ là lời nói nhảm, vô ích mà thôi.
Ø Thích ứng với lý trí: là lời nói phải hợp với đạo lý thì dĩ nhiên sẽ hợp với lý trí.
Ø Hợp với đạo đức: Thông thường chúng ta thường hiểu
chữ thiện là hữu ích, nhưng trên thực tế có lợi ích chưa
hẳn đã là thiện. Vì vậy lời nói của bậc thiện trí phải
có ích và hợp với đạo đức nữa.
Theo kinh điển Phật giáo có mười điều lợi ích và hợp với đạo đức đáng chú ý là:
Nên nói về đức từ bi vì lòng từ bi giúp chúng ta có được tâm hồn vị tha, không tham lam, không ích kỷ và không bỏn xẻn.
Nên nói về đức tính tri túc để giúp chúng ta bỏ những ước vọng thái quá và sống an vui trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Nên nói về đức thanh tịnh để giúp cho chúng ta có tâm hồn trầm tĩnh, trong sạch và tự tại.
Nên nói về đức tính độc lập để giúp chúng ta không xu hướng phe đảng, không ỷ lại và phát triển đức tự tin.
Nên nói về đức tinh tấn để giúp chúng ta từ bỏ tính biếng nhác, do dự và không nhất quyết.
Nên nói về giới hạnh vì giới hạnh có khả năng loại bỏ những thói hư tật xấu mà đã kết tập từ vô lượng kiếp đến nay.
Nên nói về thiền định vì thiền định có khả năng tiêu trừ dục vọng, oán thù và phát triển sức mạnh tinh thần.
Nên nói về trí tuệ để giúp chúng ta rèn luyện một tâm hồn trong sáng và phát triển trí năng hầu thấu triệt chân lý.
Nên nói về sự giải thoát giác ngộ vì đây là mục đích cuối cùng của người Phật tử trên đường tận diệt vô minh phiền não.
Nên nói về giải thoát tri kiến có nghĩa là nói đến sự thật chứng của các chư Thánh hay Phật để giúp chúng ta trên đường tu tập vì tin rằng một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ được giải thoát tri kiến như thế.
Tóm lại lời nói có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng không những đối với đời sống hạnh phúc của mỗi cá nhân mà còn có thể định đoạt được cả sự an nguy của xã hội. Cho dù có nói như thế nào đi chăng nữa thì không khi nào chúng ta có thể đạt được trình độ của chánh ngữ thật sự vì bị mắc kẹt trong đa văn. Do đó mà ngày xưa Đức Phật tuy thuyết giảng 49 năm nhưng sau cùng Ngài phải nói :”Ta không nói một chữ “ là vậy.
4) Chánh nghiệp (Right Action): là hành động, là việc làm chân chính, đúng với lẽ phải. Sau khi đã thấy biết đúng, tư duy đúng và nói lời đúng thì Phật mới giới thiệu hành động đúng. Bởi vì lời nói phải đi đôi với hành động. Nếu ta nói đúng thì chắc chắn chúng ta sẽ hành động đng và ngược lạ nếu nói năng tà bậy thì trước sau cũng sinh ra những hành động tà dâm, dối trá. Do đó khi đã nói về nghiệp thì tự nó bao gồm Ý, Khẩu và Thân nghiệp. Vì thế khi Đức Phật đưa ra chánh nghiệp thì Ngài đã nhấn mạnh về cách thấy biết đúng để có cái suy tư đúng. Từ cái suy tư đúng đó mà chúng ta nói lời đúng. Khi chúng ta đã kiểm soát được khẩu, ý thì hành động hay thân sẽ có hành động đúng luôn. Đây là một tiến trình mà Đức Phật đã vạch ra cho chúng ta theo thứ tự đó để thấy rõ mà theo. Thí dụ nếu chúng ta muốn đánh ông A thì trước hết chúng ta phải ghét ông ta, tức là ý nghiệp, sau đó vì từ trong tâm quá bực tức chúng ta mới bắt đầu chửi bới, tức là khẩu nghiệp và sau cùng kiềm chế không nổi chúng ta sanh ra ấu đả với ông A, tức là thân nghiệp. Ngược lạ nếu chúng ta muốn giúp bà B, ý nghiệp thiện, sau đó chúng ta mới bàn tán và tìm cách để giúp bà, tức là khẩu nghiệp thiện và sau cùng chúng ta đến để thực hiện điều tốt đó, tức là thân nghiệp thiện. Do đó muốn kiểm soát thân- khẩu nghiệp thì trước tiên phải hoàn chỉnh ý nghiệp trước. Vì ý là nhân mà thân-khẩu là cái quả của nó. Thật vậy, tư tưởng là cội nguồn phát sinh ra tất cả từ thiện nghiệp đến ác nghiệp. Mỗi một giây, một phút đã có bao nhiêu ý tưởng hiện ra trong tâm tư của chúng ta. Thiện có mà bất thiện cũng có. Vì thế chánh tư duy có công năng giúp chúng ta thanh lọc những tư tưởng bất thiện để cho Thân-Khẩu-Ý được thanh tịnh. Khi chúng ta niệm Phật hay tư duy quán chiếu, tức là Sam-ma-Tha, có nghĩa là Chỉ thì vọng tưởng sẽ bị loại bỏ dần dần.
Đức Phật đưa ra chánh nghiệp để giúp chúng sinh đến chỗ giải thoát giác ngộ. Vì tạo nghiệp tức là còn luân hồi sanh tử. Tiến trình giải thoát giác ngộ đòi hỏi chúng sinh phải thực hành chánh nghiệp để tạo ra phước đức, công đức vì đó là nền tảng cho việc thoát ly ra khỏi tam giới. Nên nhớ Phật dạy chánh nghiệp là hành động đúng chớ Ngài không bao giờ dạy vô nghiệp, có nghĩa là không làm cái gì hết. Không làm điều thiện thì làm sao tạo trong ta những chủng tử thiện trong A Lại Da thức để giúp chúng ta giải thoát? Điều nầy chứng tỏ đạo Phật không phải là đạo yểm thế hay tiêu cực như nhiều người đã hiểu lầm.
Ngày xưa ngài Đạo Tín lúc mới mười bốn tuổi đến đảnh lễ và thưa với Tổ Tăng Xán rằng:
-Bạch Hòa Thượng! Xin ngài dạy cho con pháp môn giải thoát.
Tổ Tăng Xán nhìn thẳng vào mặt ngài Đạo Tín hỏi:
-Ai trói buộc ngươi?
-Thưa, không ai trói buộc con cả.
-Đã không ai trói buộc thì cầu giải thoát làm gì?
Ngay đó ngài Đạo Tín liền ngộ đạo.
Dựa vào câu chuyện trên thì nghiệp được phát xuất từ ý niệm mà ý niệm lại không thật Có nên nghiệp cũng không thật. Thấy nghiệp là thật vì chúng ta còn mê còn bậc giác ngộ thì không thấy có nghiệp nữa. Nghiệp là cái tạm bợ giả dối do con người kết tập, như vậy chúng ta làm chủ nó chớ nghiệp không thể làm chủ con người được. Khi biết được như thế thì chúng ta chỉ cần buông hết tất cả tập nghiệp thì chúng ta sẽ được giải thoát. Mà muốn buông hết tập nghiệp là phải cố bỏ cho được cái gốc của nó là ý tưởng từ trong tâm để phát sinh ra cái phân biệt, tốt xấu.
Ngày xưa khi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn biết Lư Huệ Năng đã ngộ đạo liền đợi đến canh ba mà đem y bát truyền lại cho ngài Huệ Năng để trở thành Tổ thứ sáu và cũng là Tổ cuối cùng của thiền tông Trung Hoa. Đây thật là chuyện hy hửu có một không hai trong đời bởi vì khi Huệ Năng thành Tổ thì Ngài rất trẻ, mới vừa ngoài hai mươi tuổi, không biết chữ nghĩa và không phải là người xuất gia mà chỉ là một cư sĩ. Trong khi đệ tử xuất gia của Ngũ Tổ có trên 700 mà người xuất sắc nhất là ngài Thần Tú lúc bấy giờ đã trên năm mươi tuổi. Chỉ có người ngộ đạo như Tổ Hoằng Nhẫn mới có sự nhận xét và quyết định tinh tế như vậy. Chúng ta là phàm nhân thì nhìn người từ hình dáng bề ngoài nên quyết định sai lầm dẫn đến khổ đau, còn bậc Thánh thì họ nhìn thẳng vào thực tánh bên trong, tức là trí tuệ Bồ-đề, nên họ rất an nhiên tự tại. Vì sợ đệ tử mình có ý ám hại nên Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn dạy Lục Tổ nên đi về phương Nam tức thì. Khi biết Lục Tổ Huệ Năng mới ra đi thì trong số những đệ tử rất giỏi về võ của ngài Thần Tú, có ngài Huệ Minh tình nguyện đuổi theo để giành y và bát trở lại. Lục Tổ đi được mấy ngày thì Huệ Minh đuổi kịp. Lục Tổ biết mình không phải là đối thủ của Huệ Minh nên để y và bát trên tảng đá rồi trốn vào rừng. Huệ Minh đến lấy nhưng không dỡ nổi y bát nên đành phải kêu:
-Hành giả, tôi đến đây vì pháp chớ không vì y bát.
Lục Tổ nghe thế thì từ từ bước ra ngồi trên tảng đá bảo:
-Nếu ông vì pháp, hãy bình tâm lại nghe tôi nói.
Huệ Minh yên lặng lắng nghe:
-Khi không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?
Huệ Minh nghe câu nầy liền đại ngộ.
Bản là xưa, lai là nay, còn diện mục là mặt mày. Vì thế bản lai diện mục là mặt mày thật xưa nay của con người, có nghĩa là chơn tâm hay Phật tánh vậy.
Do đó bản lai diện mục là gương mặt thật sẵn có muôn đời của tất cả mọi người. Khi chúng ta không nghĩ thiện, không nghĩ ác thì nó sẽ hiện ra. Không nghĩ ác thì đã đành, còn nghĩ lành nghĩ tốt tại sao lại không? Vì nghĩ lành thì cũng là suy nghĩ mà đã suy nghĩ, dù thiện hay ác cũng đều là khởi niệm. Mà đã là khởi niệm thì vọng động sẽ sanh làm mất cái chân thật của mình. Nếu tâm không còn khởi động niệm thì cái chân thật, tức là chơn tâm hay Phật tánh mới hiện bày. Nếu chúng ta không nghĩ, cho dù thiện ác, thì không tạo nghiệp. Không tạo nghiệp là lìa sanh tử và chặt đứt dây luân hồi. Đây chính là con đường liễu sanh thoát tử. Lý do chúng ta trầm luân là tại vì chúng ta quên bỏ cái Phật tánh sẵn có mà chạy theo vọng tưởng. Khi nào chúng ta trở về với cái Phật tánh nầy, tức là bản lai diện mục, thì thân khẩu ý sẽ hoàn toàn thanh tịnh.
Thêm nữa, thiện và ác trong thế gian nầy luôn luôn ở trong tính tương đối, có nghĩa là từ thiện chuyển sang ác và ngược lại rất dễ dàng nếu con người không nổ lực làm việc thiện hay làm việc thiện mà không dựa trên căn bản vô ngã độ sanh. Chẳng hạn như đi chùa nghe pháp là việc thiện, nhưng nếu rũ mà người hàng xóm không muốn đi làm chúng ta tức giận đâm ra không ưa thích họ nữa thì từ thiện chuyển sang bất thiện. Một thí dụ khác là thấy cái hàng rào người hàng xóm hư chúng ta đến giúp. Nhưng chủ nhà không tế nhị làm tâm ta không vui. Thế thì cái ý niệm thiện ban đầu được thay bằng những ý niệm xấu, do đó chẳng những chúng ta không tạo thêm phước thiện mà còn gánh thêm buồn phiền đau khổ. Nhưng nếu áp dụng triệt để độ sanh vô ngã, có nghĩa là giúp người mà không cần quả báo thì lúc nào tâm ta cũng an vui, thanh tịnh.
Vậy chánh nghiệp giúp chúng ta kiến tạo rất nhiều phước đức cũng như công đức để tăng trưởng đạo đức cho chính mình và đây chính là những mảnh lực có công năng giúp chúng ta đi đến giải thoát giác ngộ viên mãn.
5) Chánh mạng (Right Livelihood): là sống bằng nghề nghiệp lương thiện. Sở dĩ Bát chánh đạo có giá trị rất cao là vì Đức Phật đã sắp xếp theo thứ tự phần nầy bổ túc cho phần kia. Sau khi Đức Phật dẫn dắt chúng ta thấy rõ ràng về chánh nghiệp để chúng sinh có cơ hội gầy dựng thiện nghiệp mà tạo phước đức cho mình. Bây giờ Phật mới nói chánh mạng. Sống trong đời thì ai cũng cần có cái nghề để nuôi thân. Nhưng có nghề thì hàng ngày con người có nhiều cơ hội để tạo thiện nghiệp, tức là tạo phước. Ngược lại cũng có những nghề mà càng làm thì họ càng lún sâu vào con đường tội lỗi. Thí dụ như nghề giáo, nghề y khoa, nghề bán thực phẩm hay kiến tạo nhà cửa, đường xá, cầu cống… thì càng làm họ càng thêm phước trừ phi họ không thật tâm với nghề nghiệp của mình. Những nghề như vũ trường, quán rượu, sòng bài…thì càng làm càng gây nhiều tội lỗi. Nói chung thì nghề nghiệp cũng là do phước đức của đời trước đưa đến mà thôi. Kẻ có phước thì có việc làm dễ dàng, dư ăn dư để và có cơ hội để tạo thêm phước đức cho mai sau. Còn kẻ thiếu đức thì có việc làm khó khăn, không giàu có và dĩ nhiên nghề nghiệp không tạo thêm phước đức cho họ về sau. Nếu nhìn kỷ thì cơ hội để tạo thiện nghiệp trong chánh nghiệp không nhiều, nhưng trong chánh mạng con người có nhiều cơ hội để tăng trưởng phước đức của họ hàng ngày. Nhiều nghề mà càng làm thì phước đức càng lớn thành thử đời sau những phước đức nầy sẽ mang lại sự giàu có thịnh vượng cho họ. Vì thế nghề nghiệp tốt cũng là phương cách tu phước hữu hiệu nhất. Nên nhớ rằng phước đức mà chúng ta nhận ở đời nầy là quả mà do thiện nghiệp chúng ta tạo ra ở đời trước. Tất cả sự bố thí, cúng dường và cứu giúp người hoạn nạn sẽ đem lại sự giàu có, thông minh và trường thọ trong đời nầy cho chúng ta. Nói thế thì không ai có thể phủ nhận rằng đạo Phật là con đường chân chính luôn luôn hướng dẫn con người tu theo chánh đạo để có cuộc sống an vui tự tại.
Hằng ngày chúng ta tu phước, làm thiện, nhưng phước đức thật sự có đem lại hạnh phúc cho chúng ta không? Nên nhớ phước là do bố thí, cúng dường hay làm việc tốt cho chúng sinh mà có. Còn đức là cái tốt của tự tâm. Một người rất giàu có mà thiếu đạo đức, nhân cách có nghĩa là họ có rất nhiều phước mà thiếu đức thì sự giàu có nầy sẽ là những phương tiện để đưa họ đi mau vào con đường sa đọa, tội lỗi. Phước đức ví cũng như là một cái ly và nước ở trong đó. Cái ly là đức còn nước chính là phước. Nếu đức tròn và phước đủ thì cuộc sống sẽ rất an vui tự tại ví cũng như nước chỉ nằm trong cái ly thì nước sẽ không tràn ra ngoài, có nghĩa là dầu cho có nhiều tiền bạc nhưng họ vẫn sống cuộc đời thanh cao đạo hạnh, dùng phước cũ để tạo thêm phước mới là người trí, là người tu Phật. Người đức độ thì nhìn sự giàu có chỉ là phương tiện của cuộc sống chớ không chạy theo dục vọng làm cho họ dễ bị sa ngã. Ngược lại nếu phước to mà đức kém thì cuộc sống sẽ điên đảo đau thương ví cũng như nước nhiều quá sẽ tràn ra ngoài cái ly, có nghĩa là phước có dư đủ mà đức thì không tăng làm cho cuộc sống thiếu thăng bằng. Thí dụ hiện nay ở Việt Nam có nhiều người vì thời thế mà trở thành rất giàu có. Có rất nhiều tiền mà nhân cách và đạo đức không tăng trưởng khiến họ sa đọa vào những chỗ ăn chơi trác táng làm cho gia đình tan nát. Như thế thì phước không thật sự đem lại hạnh phúc, an vui cho con người nếu đạo đức của họ không tăng trưởng.
6) Chánh tinh tấn (Right Effort): là chuyên cần siêng năng cũng như chuẩn bị tinh thần để giúp chúng ta đi sâu vào thiền định. Chánh tinh tấn là cánh cửa để tiến đến chỗ giải thoát giác ngộ. Trước khi chúng ta đi sâu vào thiền định để được siêu thoát thì trước hết Đức Phật muốn chúng sinh phải có cuộc sống đạo đức thánh thiện. Năm phần đầu từ chánh kiến đến chánh mạng đã giúp chúng ta đạt đến mục tiêu nầy. Tại sao? Nếu chúng sinh muốn đạt đến trình độ thiền định cao thì trước hết họ phải có một đời sống thánh thiện. Bởi vì nếu có cuộc sống tri túc, thiểu dục và trong sáng thì đây là chất liệu để giúp họ tu cho tâm được thanh tịnh. Và sau đó, khi đã đi sâu vào thiền định, tức là tâm được thanh tịnh thì sẽ hổ trợ cho họ có cuộc sống càng thêm thánh thiện.
7) Chánh niệm (Right Mindfulness): là ghi nhớ những đạo lý chân chính. Chánh niệm thanh tịnh hóa thân tâm bằng cách ngăn chận và diệt trừ tâm Tà và phát triển cũng như vun bồi tâm Chánh. Vì thế chánh niệm có nghĩa là sửa cái tâm cho nó đi theo con đường Chánh mà còn được gọi là thiền quán. Trong khi sự thực hành thiền định chuyên chú, chánh niệm có thể đi theo mọi biến đổi của tâm. Chúng ta không nên để tâm mình đi bất cứ nơi nào, không gởi tâm vào thế giới mộng tưởng, cũng không đưa tâm về quá khứ hay tương lai. Đức Phật đã ví thời gian như sau:
Quá khứ như giấc mộng
Tương lai như ảo ảnh
Hiện tại như đám mây
Nói như thế thì trong khi tâm chạy qua chạy lại giữa các giấc mộng, ảo ảnh và các đám mây, chúng ta có thể tu tập chánh niệm để đem tâm trở về và làm cho tâm ra khỏi những rối ren trong đời sống hằng ngày. Chẳng hạn như chỉ khi nào chúng ta thấy được dục vọng thiêu đốt người đắm say nó như thế nào thì chúng ta mới thấy dục vọng là đáng từ bỏ. Chánh niệm cũng có trách nhiệm cảnh giác chúng ta trong lúc giận dữ để quay tâm sang những ý niệm chân chính khác. Chính chánh niệm báo trước cho chúng ta một tình trạng mà giận dữ sắp sinh khởi để có thể chuyển tình trạng ấy qua một bên làm cho tâm được an lành. Do đó Phật giáo luôn luôn kêu gọi con người hãy đạt cho được sự thanh bình trong tâm của chính mình trước thì sau đó tự nhiên thanh bình của thế giới sẽ đến theo.
Con người hằng ngày luôn chạy theo vọng tưởng vì chúng ta quên chánh niệm. Lục dục, thất tình lôi cuốn tâm của chúng ta chạy theo nó. Vì thế chánh niệm lúc nào cũng có thể đưa con người trở về với chánh đạo. Dựa theo Hán tự thì chữ Niệm là sự tổng hợp của chữ Kim ở phía trên và chữ Tâm ở dưới cho nên Niệm có nghĩa là bây giờ hãy giữ tâm của mình theo đúng chánh đạo. Không những chính Đức Phật đã thấy tầm quan trọng sâu xa của chánh niệm mà ngay cả Đức Khổng Tử cũng nói rằng:’Nhất nhật bất niệm thiện, chư ác giai tự khởi”, có nghĩa là một ngày mà không nghĩ đến việc thiện thì mọi việc ác sẽ nổi lên.
Mặc dầu ngày nay các cuộc hành trình để đưa con người ra ngoài không gian và đến mặt trăng hay những hành tinh xa xôi khác được thực hiện một cách dễ dàng, nhưng con đường đi đến Niết Bàn vẫn còn xa xôi và cần rất nhiều nổ lực. Nhưng nếu con đường chúng ta đi có khi buồn tẻ thì chánh niệm sẽ là ánh sáng êm dịu hướng dẫn tốt nhất để giúp con người sống an vui tự tại trong đời nầy vậy. Chánh niệm còn được gọi là thiền Quán, có nghĩa là phát sinh trí tuệ mà Phạn ngữ gọi là Tam-Ma-Bát-Đề.
8) Chánh định (Right Concentration): Khi chúng ta mở toang sáu cánh
cửa thì gió bên ngoài thổi vào làm giao động ngọn đèn
trên bàn. Khi ngọn đèn bị giao động thì ánh đèn không tỏ,
lu mờ. Con người thì cũng thế, nếu chúng ta để cho lục
căn tha hồ tiếp xúc với lục trần thì vọng tưởng tự
do tràn vào xâm chiếm và quậy phá thanh tâm của chúng ta.
Khi tâm chứa đầy vọng tưởng thì Tham-Sân-Si dấy lên và
đây là nguyên nhân làm con người đau khổ. Đèn tâm bị lu
mờ có nghĩa là tâm bị giao động thì chúng ta không thể
thấy rõ được bản chất chân thật của đối tượng. Vì
thế muốn đánh tan vọng tưởng để tâm được ổn định,
tức la an tâm, thì chánh định sẽ giúp chúng ta đào luyện
tâm định để thấy rõ được bản chất thực của đối
tượng mà đào thải nó. Vì thế chánh định còn được gọi
là thiền Chỉ, có nghĩa là dừng mà tiếng Phạn gọi là Xa-Ma-Tha.
Ngày xưa Đức Phật nhờ thiền định mà được giác ngộ.
Vì thế thiền định là cốt nhìn lại, tức là phản quang
tự kỷ để tìm cho ra con người thật của chính mình một
khi đã lắng hết tâm tư để thấy con người thật ấy. Con
người vì lăn lộn trong sinh hoạt hằng ngày làm cho hao tổn
tinh thần. Nếu bây giờ ngồi lại cho tinh thần sáng suốt
thì mới nhìn thấy mọi hiện tượng một cách chính xác.
Có thiền định mới mong trí tuệ được phát sinh để tiến
đến chỗ giải thoát giác ngộ. Mà muốn đạt đến chánh
định thì phải trãi qua bốn cấp thiền và lên trên nữa
là bốn tầng định.
Tứ
thiền gồm có:
§ Sơ thiền: còn được gọi là Ly sanh hỷ lạc, có nghĩa
là lìa ái dục mà được vui. Khi biết ái dục như là thứ
rượu độc làm người ngu mê say sưa đến chết, thì tìm
cầu ái dục rất khổ sở, khó nhọc mà mất lại quá dễ.
Người mê theo ái dục chẳng khác nào như con thiêu thân nhảy
vào lửa, như lửa gặp củi càng nhiều càng cháy mạnh. Thế
nên khi biết ái dục là độc hại thì Sơ thiền sẽ giúp
hành giả tiêu diệt lửa ái dục nầy. Khi định được sơ
thiền, tức là lìa xa được ngọn lửa ái dục, thì cái vui
sẽ đến. Người ấy sẽ có vẻ mặt vui tươi, mắt không
đắm sắc. Do thần đức thiền định nên không tham danh lợi,
phá tan kiêu mạn, tánh nết nhu hòa, không ôm lòng độc hại,
không có sân tham tật đố, bàn luận không tranh hơn thua, nói
năng dễ dãi, hòa nhã, ý thường vui vẻ, ăn uống không mê
mùi vị, dù khổ dù vui tâm không xao động, không oán thù
cạnh tranh. Nếu ai có những đức tính như thế là biết người
đó đã chứng được sơ thiền.
§ Nhị thiền: còn được gọi là Định sanh hỷ lạc, có nghĩa
là do tâm được an định thì tự nhiên thấy vui. Vì tránh
xa được ái dục nên chúng ta vui mừng, nhưng chính sự vui
mừng nầy làm cho tâm giao động và như thế cần phải vào
Định mới diệt trừ nó được. Một khi Định có kết quả
thì cái giao động ở tâm đã chấm dứt và tâm bắt đầu
phát sinh cái vui vi tế.
§ Tam thiền: còn được gọi là Ly hỷ diệu lạc. Mặc dù cái
vui là vi tế nhưng vẫn làm cho tâm rung động, Một khi chúng
ta loại bỏ thành công cái vui vi tế nầy thì một niềm vui
nhiệm mầu khác hiện ra mà được gọi là diệu lạc.
§ Tứ thiền: hay là Xả niệm thanh tịnh, có nghĩa là niệm vừa dấy lên liền buông xuống. Do buông tất cả ý niệm để tâm được yên nên mới gọi là Xả niệm thanh tịnh.
Khi đã qua được Tứ thiền thì tâm chúng ta lúc nầy hoàn toàn thanh tịnh. Nếu muốn đi lên thì chúng ta có thể đi vào Tứ không định, có nghĩa là khi vào bốn cái yên tịnh nầy thì chúng ta không còn thấy có cảnh hay tâm thức nữa.
Tứ không định gồm có:
o Không vô biên xứ: Chúng ta dùng tưởng trống không, tức là
từ trống không nhỏ tới trống không lớn và dần dần đến
vô cùng vô tận.
o Thức vô biên xứ: Bây giờ chúng ta bỏ cái không đó mà quay
lại quán thức phân biệt của mình. Biết thức phân biệt
không có tướng mạo, từ phân biệt thân đến phân biệt
tâm và dần dần ra khắp hết vô cùng vô tận.
o Vô sở hữu xứ: sau đó tưởng thân tâm không có gì hết,
rỗng tếch không chỗ nơi thì chứng được.
o Phi tưởng phi phi tưởng: Dù chúng ta tưởng thân tâm là rỗng
tếch, nhưng đây vẫn là tưởng. Sau cùng tiến lên đến chỗ
không có tưởng mà không phải không tưởng.
Đến đây không còn tưởng thô, tưởng không, tưởng thức mà chỉ có tưởng vi tế, tức là tưởng rỗng tếch. Còn cái tưởng đó cũng phải bỏ mới qua Diệt tận định.
Người tu thiền không mắc kẹt ở Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền mà có thể đi thẳng vào Tứ thiền, tức là Xả niệm thanh tịnh. Xả niệm thanh tịnh rồi tiếp tục tiến thẳng lên Diệt tận định chớ không qua ngã Tứ không định. Như vậy chỉ một bước buông niệm là thẳng tới Diệt tận định hay còn gọi là Diệt thọ tưởng định để chứng vô sanh tức quả A La Hán.
Trong Kinh A Hàm có kể một câu chuyện như sau:
Một hôm có vị Tỳ kheo đi khất thực về, sau khi thọ thực xong thì Ngài vào rừng ngồi nhập định. Khi ấy có mấy người tiều phu đi ngang qua, thấy Ngài ngồi bất động đến rờ lỗ mũi thì biết Ngài không còn thở nữa. Họ cho là Ngài đã chết nên động lòng thương bèn đi kiếm củi dồn lại và đốt lửa lên thiêu. Hôm sau, họ gặp lại vị Tỳ kheo ấy đi khất thực khi nhận ra Y của Ngài bị cháy khá nhiều chỉ còn cái viền là không cháy. Lấy làm lạ, họ hỏi ra mới biết lúc đó Ngài đang nhập Diệt tận định. Như vậy khi nhập Diệt tận định thì không còn hơi thở và thân thể chỉ còn hơi ấm mà thôi. Lúc đó thân như đá, như cây, ai làm gì cũng không hay biết. Lúc thiền giả muốn xả ra thì xả. Thời gian nhập Diệt tận định có khi cả mấy chục năm hoặc mấy trăm năm. Đy là định của Tiểu thừa tức là khi nhập định thì con người quên hết mọi chuyện bên ngoài. Còn Đại thừa thì chủ trương khi đi, đứng, nằm, ngồi mà lúc nào cũng an nhiện tự tại tức là đừng để tâm chạy theo vọng tưởng. Khi vọng tưởng dấy lên thì “biết” và khi vọng tưởng lắng xuống thì cũng “biết”. Hết vọng tưởng thì tâm định bất luận chúng ta làm gì và ở đâu. Chính Lục Tổ Huệ Năng ngày xưa nếu thấy vị Tăng nào ngồi thiền là Ngài quở. Ngài bảo phải Thiền trong mọi sinh hoạt hằng ngày mới thật sự mang lại thanh tịnh thường trụ trong tâm. Đây là sự khác biệt giữa định Tiểu thừa và định Đại thừa.
Xét về phương diện phẩm chất thì vũ trụ chia làm ba từng bậc cao thấp khác nhau mà chúng ta gọi là tam giới. Đó là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
1) Dục giới là cõi của loài hữu tình chưa xa lìa được dâm
dục và thực dục. Trong dục giới có tất cả sáu loại chúng
sinh là thiên (cõi trời), nhơn (cõi người), A-tu-la (cõi thần),
súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục.
2) Sắc giới là cõi của loài hữu tình có hình sắc tốt đẹp
và đã rời bỏ được dâm dục và thực dục. Trong cõi nầy
có bốn từng tùy theo khả năng đi sâu vào thiền định mà
chứng được.
Ø Sơ thiền tức là Ly sanh hỷ lạc có nghĩa là khi thiền giả phá được tất cả Tham-Sân-Si, dập tắt lửa ái dục thì vào được cõi nầy.
Ø Nhị thiền là Định sinh hỷ lạc tức là sau khi diệt được dục thì tâm được vui nhưng phải vào sâu trong thiền định để phá cái vui nầy để chỉ còn cái vui vi tế mà thôi.
Ø Tam thiền là Ly hỷ diệu lạc tức là cố gắng vào sâu trong thiền định để loại luôn cái vui vi tế để tâm hoàn toàn an tịnh.
Ø Tứ thiền là Xả niệm thanh tịnh tức là niệm vừa dấy
lên tức thì dùng thiền quán mà xả bỏ luôn. Đây là cõi
cao nhất trong Sắc giới và cũng là cõi hoàn toàn thanh tịnh.
3) Vô sắc giới là cõi không có hình sắc. Các loài hữu tình sinh trong cõi nầy chỉ có tâm thức mà thôi chớ không có hình sắc. Cõi nầy cũng chia làm bốn bậc cao thấp của Tứ không định. Đó là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Vô sắc giới là cõi của hư vô mà Tứ không định là đi theo thiền của ngoại đạo. Vì thế trong Phật giáo chính Đức Phật đã khuyên đệ tử của Ngài không đi hướng nầy mà sau khi đạt đến Tứ thiền thì đi thẳng vào Diệt Thọ Định hay Diệt Thọ Tưởng Định mà chứng quả A La Hán. Nếu thiền giả ham mê mà vào sâu trong Tứ không định thì sẽ dễ dàng lạc vào ma cảnh và trở thành khùng điên, mất trí.
Chính bát chánh đạo là con đường giải thoát duy nhất ra khỏi vòng sinh tử cho nên Đức Phật lại dạy rằng:
“Con đường cao thượng nhất là Bát chánh đạo. Chân lý cao thượng nhất là Tứ Diệu Đế…Đó là con đường duy nhất, không còn con đường nào khác dẫn đến kiến tịnh. Hãy đi theo con đường ấy để sớm thoát khỏi mọi điên đảo của phiền não khổ đau”.
Sống trong điên đảo và phiền não khổ đau là vòng trầm luân khổ hãi mà chỉ có Bát chánh đạo mới trừ diệt được. Con đường trung đạo nầy không thể nào tìm thấy trong bất cứ giáo lý nào ngoài đạo Phật. Chính Đức Phật đã dạy Đại Đức Tu Bạt Đà La (Subhadda) trước khi Ngài nhập diệt:
“Không thể có được bậc Thánh Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán trong bất cứ một tôn giáo nào nếu không có Bát chánh đạo. Nầy Tu Bạt Đà La, trong giáo lý nào có Bát chánh đạo thì tất có hàng Thánh nhân. Ở đây, trong giáo lý của Như Lai lại có con đường Bát chánh, tất nhiên phải có các bậc Thánh mà trong giáo lý khác không thể có được. Nếu chư đệ tử sống chân chánh thì thế gian không thiếu Thánh nhân”.
Tóm lại Bát chánh đạo là con đường chân chính có công năng chuyển hóa con người từ Tà sang Chánh và cũng là phương thức thực tiển để cải cách con người từ thân tới tâm và dẫn đến trí tuệ giải thoát. Thêm nữa, Bát chánh đạo được xem như một sợi dây thừng lớn được kết bởi tám sợi dây nhỏ. Nếu đem phân tách ra thì tuy thấy có tám nhưng thật sự chỉ có một vì tám sợi dây nhỏ ấy liên quan mật thiết với nhau. Thiếu một thì không thành sợi dây được. Trong Bát chánh đạo thì Chánh Kiến là quan trọng nhất vì sự thấy biết đúng dẫn đến suy tư và hành động đúng về sau. Chẳng hạn như thấy sợi dây nằm cong queo dưới đất mà cho là con rắn thì chúng ta đã thấy sai. Khi đã thấy sai thì dĩ nhiên bản chất tự nhiên sẽ khiến chúng ta nghĩ sai, nói sai và làm sai. Đức Phật sở dĩ thành Phật là vì Ngài thấy đúng. Còn chư Bồ tát sắp đạt đến quả vị Phật là vì các Ngài tập thấy đúng và dần dần thấy đúng cho tới mức triệt để.
“Tu hành cần phải tự tại. Đừng để tâm vào lời dư luận phê bình: Họ khen bạn tốt hay phê bình bạn xấu. Đây chẳng phải là người ta sai, mà thật ra là tâm bạn không an định”.