Huyền Tráng (玄奘, Xuan-zang, Genjō, 602-664): một trong 4 nhà dịch kinh lớn nổi danh dưới thời nhà Đường của Trung Hoa, xuất thân Huyện Hầu Thị (緱氏縣), Lạc Châu (洛州, tức Lạc Dương, Tỉnh Hà Nam ngày nay), tên Huy (褘), họ Trần (陳). Ban đầu ông học Kinh Niết Bàn (涅槃經) và Nhiếp Đại Thừa Luận (攝大乘論), và có chí nghiên cứu dựa trên nguyên điển về Duy Thức Học cũng như Luận A Tỳ Đạt Ma (阿 毘達磨論). Vào năm thứ 3 (629) niên hiệu Trinh Quán (貞觀), với tâm mạo hiểm, ông bắt đầu chuyến hành trình Tây du, xuất phát từ kinh đô Trường An. Trải qua biết bao nhiêu gian khổ, cuối cùng ông đến được Ấn Độ từ con đường phía Bắc của vùng Tân Cương thuộc miền Tây Turkistan, Afghanistan. Tại Na Lan Đà Tự (s: Nālandā, 那蘭陀寺), ông theo hầu Thật Xoa Nan Đà (s: Śikṣānanda, 實叉難陀, 529-645, tức Giới Hiền [戒賢]), học về giáo lý Duy Thức, Du Già Sư Địa Luận (瑜伽師地論), v.v.
Sau đó, ông đi tham quan du lịch khắp Ấn Độ, chiêm bái các Phật tích và đến năm thứ 19 (645) niên hiệu Trinh Quán, ông trở về Trường An, mang theo 657 bộ kinh văn bằng tiếng Phạn cùng một số tượng Phật, xá lợi, v.v. Sau khi trở về nước, nhờ có sự tín nhiệm của Hoàng Đế Thái Tông, ông bắt đầu sự nghiệp phiên dịch kinh điển của mình cùng các đệ tử tại Hoằng Phước Tự (弘福寺), Từ Ân Tự (慈恩寺) và Ngọc Hoa Cung (玉華宮). Khởi đầu với bộ Đại Bát Nhã Kinh (大般若經) 100 quyển, kinh điển Hán dịch của ông lên đến 76 bộ, 1347 quyển. Sự phiên dịch của ông nhằm mục đích trung thực dựa trên nguyên điển, cho nên các kinh điển được dịch trước thời của ông được gọi là Cựu Dịch, và những kinh điển do ông dịch sau nầy là Tân Dịch. Bộ Đại Đường Tây Vức Ký (大唐西域記), tác phẩm ghi lại chuyến lữ hành của ông sang Ấn Độ, là tư liệu rất quan trọng cho chúng ta biết được địa lý, phong tục, văn hóa, tôn giáo, v.v., của vùng trung ương Châu Á cũng như Ấn Độ vào tiền bán thế kỷ thứ 7.
Cũng từ bộ nầy mà tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân ra đời. Người đời sau gọi ông là Huyền Tráng Tam Tạng (玄奘三藏), Tam Tạng Pháp Sư (三藏法師) và tôn sùng như là vị tổ của Pháp Tướng Tông. Vào năm đầu niên hiệu Lân Đức (麟 德), ông thị tịch.