- 01. Chút tâm sự để mở đầu buổi Hội Luận
- 02. Vận dụng bài học lịch sử cận đại về hoằng pháp của các cư sĩ tiền bối
- 03. Thật tâm, Thâm tâm và Bồ Đề tâm là ba sức bật Hoằng Pháp
- 04. Nghiệp Hoằng pháp: Hãy giữ linh hồn cho nhau!
- 05. Cư sĩ và việc hoằng pháp
- 06. Phật tử là người Hoằng Pháp
- 07. Đúc kết buổi “Hội luận Đuốc Tuệ 2011”
- 08. Người Cư sĩ gương mẫu
- 09. Vấn đề đào tạo Cư sĩ Hoằng pháp
- 10. Đào tạo Giáo thọ sư tại Mỹ
- 11. Hải ngoại và Dòng Sinh mệnh Phật giáo
- 12. Người Cư sĩ Phật giáo
- 13. Người Cư sĩ phải làm gì để Truyền bá Phật giáo trong Thế kỷ 21
- 14. Tu học để hoằng pháp
- 15. Đem Phật pháp đến cho giới trẻ
- 16. Tăng đoàn của Đức Phật buổi sơ khai và Vài ý nghĩ về Hoằng pháp
ĐÓNG GÓP CỦA CƯ SĨ
TRONG VIỆC HOẰNG PHÁP TẠI HẢI NGOẠI
(Kỷ Yếu Hội Luận 2011, Hội Phật Học Đuốc Tuệ)
PHẬT TỬ LÀ NGƯỜI HOẰNG PHÁPChân Văn Đỗ Quý Toàn
Mọi người học trò của Đức Thích Ca đều làm công việc hoằng pháp cả. Chúng ta không thể tưởng tượng có một Phật tử nào lại nghĩ rằng việc mình tu học đạo giải thoát chỉ nhắm cho chính mình được lợi lạc mà thôi. Khi sống theo các lời dậy của Bụt tức là chúng ta đang đem lối sống đó hiến tặng cho mọi người chung quanh.
Quý vị diễn giả trong cuộc hội thảo hôm nay đã nói đầy đủ về nhiệm vụ hoằng pháp của người cư sĩ Phật tử. Đạo hữu Tâm Diệu cho thấy việc hoằng pháp ngày nay có thể được hỗ trợ với nhưng kỹ thuật thông tin mới, như dùng internet, với hiệu quả rất sâu và rất rộng. Theo đạo hữu Tâm Quang công việc hoằng pháp là đem lại an lạc cho mọi người; chúng ta chỉ cần thể hiện các đức từ, bi trong cuộc sống, đem cho người thêm niềm vui, giúp người bớt đau khổ đã là hoằng pháp rồi. Cũng không ngoài ý phải thể hiện từ bi và trí tuệ, Đạo hữu Nguyên Lượng nhấn mạnh chúng ta phải hiểu và thương thì mới có thể đem Phật pháp trao cho người khác. Đạo hữu Đỗ Vinh nhắc đến một môi trường hoằng pháp cần chú ý là truyền bá chánh pháp tới những người thuộc các sắc dân khác đang cùng sống trên đất Mỹ. Đây là một ý kiến mà chúng tôi xin nói thêm vài lời.
Trong thời gian sống tại thành phố Montréal, Canada chúng tôi đã được yêu cầu giới thiệu Đạo Bụt tới các người bạn Canada, đặc biệt là các bạn trẻ trong các trường trung học; xin kể lại để đóng góp chút kinh nghiệm. Trong một học khu tại thành phố này, người ta hay tổ chức những buổi nói chuyện về các tôn giáo trên thế giới cho học sinh nghe. Họ mời nhiều người thuộc những tôn giáo khác nhau đến tự kể về tôn giáo của mình cho các em ở lứa tuổi 15, 16. Thường có những người theo đạo Công giáo, Tin Lành, Ấn Độ giáo, Hồi Giáo, đạo Bahai, vân vân; mỗi diễn giả được nói trong 10 phút. Với thời gian ngắn ngủi như vậy, chúng tôi đã nghĩ phải làm sao mỗi lần giới thiệu được một đặc điểm trong đạo Phật với đám trẻ đang ở tuổi bắt đầu có những thao thức trong đời sống tâm linh. Sau đây là những điểm mà chúng tôi hay chọn để nói với các em qua những câu chuyện dễ hiểu để các em thích nghe và theo dõi.
Một điều đáng nêu lên là Đức Phật chỉ là một con người; ngài không phải là một thần linh (god) và chắc chắn không phải là Thượng Đế (God) toàn tri, toàn năng, như mọi người thường nghĩ tới khi nói đến một tôn giáo. Theo đạo Phật tức là học hỏi và thực hành những điều đức Phật đã tìm thấy qua kinh nghiệm sống của ngài, một con người như tất cả chúng ta.
Đạo Phật không bắt buộc người ta phải tin tưởng một điều gì một cách vô điều kiện. Mỗi Phật tử phải tự mình suy nghiệm và thực chứng các lời dậy của Đức Phật. Chính ngài đã dặn dò mọi người đừng tin điều gì nếu chính mình chưa thử và chứng nghiệm bằng cuộc sống của mình. Những điều ngài dậy chúng ta là những phương tiện giúp chúng ta đạt mục tiêu sau cùng là giải thoát khỏi khổ đau.
Cho nên, đạo Phật cũng không phải là một triết lý, nếu hiểu triết lý như những ý kiến và các lời bàn luận do hoạt động của trí óc chúng ta. Người học trò của Đức Thích Ca không cần học nhiều sách quá, không cần phải tranh luận về các lý thuyết như khi nghiên cứu một nền triết học. Đạo Phật là một lối sống, phải thực hành lối sống đó mới coi là theo đạo Phật. Mục đích của lối sống này là giải thoát khỏi khổ đau. Người ta có thể chọn một hay nhiều phương pháp tạo cho mình an lạc, giảm bớt khổ đau. Một Phật tử có thể lựa chọn một phương pháp nào thích hợp với mình nhất; rồi đem chính thân thể và tâm trí của mình thí nghiệm phương pháp mình đã chọn. Nếu đạt được hạnh phúc ngay trong cuộc sống này là đã đạt được mục đích rồi.
Ba điểm trên đây có thể diễn tả qua những câu chuyện gọi óc tò mò chú ý của các bạn trẻ người Canada, họ thuộc đủ các giống dân với truyền thống tôn giáo khác nhau. Có lần tôi kể chuyện một vị võ sĩ thách thức một nhà sư, hỏi ông biết gì về thiên đường, địa ngục. Nhà sư trêu tức làm cho võ sĩ nổi giận, rồi cười mà nói rằng anh ta vừa mới mở cánh cửa địa ngục. Những người giận dữ là đang tự mình sống trong địa ngục, không cần phải đợi khi chết mới sa địa ngục. Trong câu chuyện đó chúng ta thấy đạo Phật dậy con người sống ngay trong cõi đời này, đối trị với những nguyên do gây ra nỗi khổ. Ai cũng có thể thực tập phương pháp đối trị đó, dù họ theo bất cứ tôn giáo nào.
Một lần khác, tôi kể chuyện cho các học sinh nghe về lối sống tỉnh thức, luôn luôn ý thức về thân thể, về cảm thọ của mình. Tôi đưa thí dụ việc rửa chén, hay quét nhà, lau nhà; trong các sinh họat đó người thực hành đạo Phật ý thức về mỗi cử động của thân thể mình. Tôi đã mời các bạn học sinh trung học tập thở một vài hơi trong chánh niệm, theo dõi và biết mình đang thở vào, thở ra. Phần lớn những bạn trẻ thực tập một lần đều cảm thấy có ảnh hưởng; họ đạt được một giây phút bình an trong tâm não. Một lời khuyên rất thiết thực bạn trẻ nào cũng thí nghiệm được, là mỗi khi nổi cơn nóng giận thì thở một hơi dài và chú ý theo dõi hơi thở đó. Hiệu quả có thể thấy được ngay. Chính mình có ý thức là mình đang nổi nóng, vừa ý thức là sẽ thấy tâm an tĩnh hơn, cơn giận cũng nguôi bớt để mình suy nghĩ một cách sáng suốt về nguyên do cơn nóng giận của mình.
Thường một buổi nói chuyện kéo dài 10 phút như vậy cũng đủ cho chúng ta giới thiệu với các trẻ em một phương pháp sống trong chánh niệm, là thở ra, thở vào và theo dõi hơi thở. Chúng tôi tin rằng trong số các em học sinh nghe nói chuyện, sẽ có một số em đem ra thực hành. Không cần các em thực hành mỗi ngày, chỉ cần lâu lâu chợt nhớ đến và thí nghiệm lại, các em cũng có thêm được một phương pháp để giảm bớt khổ đau, trong đời thế nào cũng có lúc dùng tới.
Một điều tôi nghiệm thấy là mỗi khi chuẩn bị cho một câu chuyện 10 phút về đạo Phật, khi nói trước một đám vài ba trăm em học sinh ở lớp tuổi rất hiếu động và đầy óc nghi ngờ, thích phán xét như các em; thì chính người nói chuyện cũng được lợi lạc. Khi tìm cách nói sao cho các em đó hiểu đạo Phật, chính mình sẽ hiểu đạo hơn. Khi nói đến các phương pháp thực tập, mình tự nhìn thấy những thiếu sót hay những tiến bộ trong việc tu tập của chính mình. Chính mình cũng có dịp khám phá thêm nhiều điều về việc hành trì của mình, mà nếu không có dịp chuẩn bị và thuyết trình với đám thính chúng còn cởi mở, trong sạch và hồn nhiên đó thì mình không có cơ hội khám phá.
Tức là một công việc gọi là hoằng pháp chính nó cũng là một cách giúp mình tu tập tinh tấn hơn. Sống theo đạo Phật, lúc nào mình cũng làm công việc hoằng pháp.
Chân Văn Đỗ Quý Toàn